Bảy Bước Tới Mùa Hè

HAI MƯƠI HAI



Cho đến cuối buổi chiều thì cuộc trò chuyện giữa thằng Mừng và “công nương” của nó không chỉ gói gọn trong một, hai câu nữa.
Ông Mười khòm loay hoay một lát đã ôm ngực thở dốc. Cuối cùng, ông đành ngồi xuống chiếc ghế thấp trước cửa chuồng, tay tì lên đầu gậy, đóng vai “chỉ huy”. Thằng Mừng và nhỏ Đào đóng vai “quân sĩ” lăng xăng chạy tới chạy lui.
Bạn cũng biết rồi đó, một đứa con trai và một đứa con gái làm việc bên nhau suốt hai, ba tiếng đồng hồ thì không thể không trò chuyện. Đã trò chuyện thì không thể không thỉnh thoảng nhìn nhau. Chúng nhìn nhau, thoạt đầu là thỉnh hoảng về sau chúng nhìn nhau nhiều hơn. Dần dà Mừng nhận ra “công nương” của nó là một con người lịch sự, tế nhị, dễ thương quá chừng chừng.
Suốt buổi chiều, nhỏ Đào không hề đả động gì đến chuyện “lăng nhăng” của Mừng. Gặp con nhỏ khác, nó đã thừa cơ hội này chửi Mừng tắt bếp rồi. Nhưng nhỏ Đào không làm vậy. Nhỏ không muốn làm Mừng xấu hổ. Nhỏ giữ thể diện cho Mừng. Nhỏ giúp mồm miệng Mừng trơn tru hơn.
Mặc dù đề tài Mừng trao đổi với nhỏ Đào từ trước tới nay chỉ loanh quanh hết “chó” tới “heo” nhưng như vậy cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Thằng Khoa nói đúng, tụi con gái không giận lâu! Tụi con gái kiếp trước là tiên, kiếp này vẫn là tiên nhưng đội lốt người. Tụi nó hiền lành, thật thà, chất phác và đẹp như… tiên!
Vì nhỏ Đào là tiên nên chuồng heo nhà thằng Bông trong mắt Mừng đã biến thành chốn bồng lai tiên cảnh. Nó và nhỏ Đào hằng ngày trò chuyện giữa mùi phân heo thoang thoảng nhưng với Mừng không có mùi hương nào trên đời thơm tho ngào ngạt hơn.
Mừng lạc vào cõi tiên, hí hửng như Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai. Chiều nào nó cũng tót qua nhà thằng Bông và ở lì trong chuồng heo nhà thằng này đến tối mịt.
Ở dưới cõi trần, Khoa thắc mắc quá. Đã mấy ngày rồi nó không còn bắt gặp thằng Mừng và ông Mười khòm lảng vảng trên đường làng.
Một buổi sáng, Khoa chạy qua nhà Mừng, thấy thằng này đang ngồi đan cót trước hiên, cạnh chân lăn lóc mấy ống nứa và một đống nan đã chẻ.
– Làm gì vậy mày?
– Tao đan cót làm phên.
Khoa lướt mắt lên các bức vách nhà bạn, đoán thằng này muốn chằm lại mấy chỗ phên mục phòng mùa mưa sắp tới.
– Mày giỏi thật đấy! – Khoa gật gù – Trước nay tao cứ tưởng mày chỉ biết chơi.
– Giỏi gì đâu! Ông Mười mới bày tao làm. – Mừng đáp, tay thoăn thoắt lật lên gài xuống các nan cót.
Khoa lắng nghe âm thanh tí tách phát ra dưới tay bạn, chớp mắt hỏi:
– Mấy hôm nay mày làm gì mà tao không thấy mày dắt ông Mười đi chơi?
– Tao chơi nhà thằng Bông.
Mừng làm Khoa ngạc nhiên quá. Nó dựng mắt lên:
– Tình cảm mày chuyển từ ông ngoại nhỏ Đào qua anh họ nhỏ Đào từ hồi nào vậy?
– Chuyển cái đầu mày! – Mừng hừ mũi – Tao qua đó phụ ông Mười nuôi heo.
Ngay chiều hôm đó, Khoa đã có mặt ở chuồng heo nhà thằng Bông.
Khoa xuất hiện hoàn toàn bất ngờ. Nó đứng ngoài cửa chuồng, ánh mắt đi qua đi lại giữa Mừng và nhỏ Đào, miệng tủm tỉm cười khiến Mừng nhột nhạt quá. Cảm giác của Mừng lúc này y hệt cảm giác đang ăn trộm bị bắt quả tang.
Ngược lại với Mừng, nhỏ Đào reo lên hồn nhiên khi thấy Khoa:
– Anh Khoa đi mua heo hả? Anh chờ năm tháng nữa đi! Năm tháng nữa heo nhà em mới đẻ.
– Sao em biết năm tháng nữa heo đẻ?
– Biết chứ cháu! – Tiếng ông Mười khòm thình lình cất lên, Khoa không biết ông đến sau lưng nó từ lúc nào – Một tháng nữa, heo được phối giống, hơn trăm ngày sau thì sinh lứa đầu tiên, cháu à.
– Vậy hả ông?
Khoa vừa nói vừa đưa mắt quan sát chung quanh. Phát hiện mấy tấm cót che chung quanh chuồng, Khoa buột miệng “à” lên một tiếng. Hóa ra thằng Mừng đan cót là để chắn gió cho cái chuồng heo này! Không biết mấy bữa nay nhỏ Đào đã thích nó chưa mà trông nó y như đang làm rể nhà ông Mười! Khoa ghen tị nhủ, chợt nhớ đến nhỏ Trang.
Nhỏ Trang có thích mình không nhỉ?
Kể từ hôm gặp nhau bên bờ giậu mồng tơi, mối quan hệ giữa Khoa và nhỏ Trang tiến nhanh như tên lửa. Hai đứa gặp nhau nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn, cười đùa nhiều hơn. Nhưng tất cả chỉ đến thế thôi. Tên lửa chỉ mới bay tới mặt trăng. Chẳng biết chừng nào mới tới được sao Hỏa.
Chưa lần nào Khoa dám nhắc lại với nhỏ Trang chuyện nó thích nhỏ, dù nhỏ đã hứa sẽ không lên án thói “lăng nhăng” của nó nữa. Khoa không nhắc, nhỏ Trang lại càng không nhắc. Vậy là sao ta? Nhiều lúc Khoa băn khoăn nghĩ. Làm sao để một đứa con trai biết được một đứa con gái thích mình? Nhỏ Trang không bảo mình “lăng nhăng” có thể do nó sợ mình buồn đó thôi. Nó giống như một cô giáo nhân từ không nỡ bắt học trò quỳ gối hay một quan tòa độ lượng không nỡ khép tội phạm nhân. Nó không giống một người này đang thích một người kia. Nếu nó thích mình hẳn nó đã nói nó thích mình như hôm trước mình nói mình thích nó. Đằng này, nhỏ Trang không nói gì cả. Mỗi lần gặp Khoa, nhỏ Trang chỉ nói “Hôm nay trời gió ghê anh hả?” hoặc hỏi “Chiều nay thầy Tám có tới dạy anh không?”. Đại loại như vậy. Khoa chờ hoài mà chẳng nghe nhỏ Trang hỏi “Anh còn thích em nữa không?”. Rầu gì đâu!
Vì những lẽ đó mà đứng nhìn thằng Mừng và nhỏ Đào quấn quít bên nhau, lòng Khoa dâng lên một cảm giác gì đó rất khó tả, rất gần với cảm giác so bì, đố kỵ. Khoa ước gì nhà bà Chín Ghe cũng nuôi heo để nó có cớ chạy qua chạy lại. Nhưng bà chỉ nuôi gà. Gà thả trong vườn, chúng tự kiếm ăn, trời chạng vạng tự nhảy lên chuồng, Khoa chẳng có việc gì để ra tay nghĩa hiệp. Mon men tới gần chuồng gà có khi còn bị nghi ăn cắp trứng không chừng.
Khoa buồn quá. Đứng chơi cạnh chuồng heo một lúc, nó lặng lẽ bỏ về.
Thầy Tám ngồi đằng bàn đợi một hồi lâu mới thấy Khoa thập thò ló đầu vô cửa.
– Trò đi đâu về đó? – Thầy ôn tồn hỏi.
Khoa ngoan ngoãn:
– Dạ, em qua nhà bạn.
– Trò lấy tập ra học đi! Trễ gần nửa tiếng rồi đó.- Thầy Tám hắng giọng, tay cầm lên cuốn sách trước mặt.
– Dạ, bữa nay xin thầy cho em… nghỉ một bữa. -Khoa gãi tai – Khi nãy đi ngoài nắng em nhức đầu quá.
– Nhức đầu thiệt không đó? – Dì Liên nhìn Khoa bằng ánh mắt nghi ngờ.
Khoa rúc mười đầu ngón tay vào mái tóc bù xù cố nặn ra vẻ nhăn nhó:
– Đầu cháu đang nhức như búa bổ đây nè.
Thầy Tám chép miệng, ân cần:
– Nhức đầu thì trò nằm nghỉ đi. Lần sau đi đâu trò nhớ đội nón nghe chưa!
– Dạ.
Nói xong, Khoa lần xuống bếp. Chẳng biết làm gì, nó bước ra sau hè; đứng ngó bâng quơ qua nhà bà Chín Ghe, nghe gió chiều lùa buồn buồn qua khe tóc. Giờ này nhỏ Trang đang làm gì hả? Khoa tự hỏi, đưa tay lên véo tai một cái, nghe đau đau liền bỏ tay xuống.
Khoa thận trọng khua chân về phía giậu mồng tơi, mắt liếc chừng ra sân trước xem thầy Tám đã về chưa. Thấy thầy đạp xe ra ngõ là Khoa phải tức tốc vù vào nhà nếu không muốn dì Liên khám phá ra màn khai bệnh vờ vịt của Khoa.
Bên kia bờ giậu, nhỏ Trang đang ngồi trên chiếc đòn kê trước hiên, cặm cụi lặt rau trong chiếc rổ tre. Chưa bao giờ Khoa thấy nhỏ Trang xuất hiện trước cửa nhà vào giờ này. Hằng ngày, nhỏ vẫn vo gạo lặt rau nhưng nhỏ chỉ ngồi sau hè, kế giếng nước.
Khoa nhìn chăm chăm qua kẽ lá, nghe trái tim trong lồng ngực mình đập thình thịch. Đó là do Khoa đang nghĩ “lăng nhăng” trong đầu: Không phụ nhỏ Trang nuôi heo thì phụ nhỏ lặt rau cũng được! Nếu chuyện ai nấy làm; còn khuya nhỏ mới thích mình!
Năm phút sau, Khoa đã có mặt trước nhà bà Chín Ghe sau một hồi chiến đấu quyết liệt với bản thân.
– Trang đang làm gì đó? – Khoa hỏi, giọng rụt rè vì đã lâu lắm nó mới đặt chân qua nhà “công nương” của nó.
Nhỏ Trang ngước lên, cười khúc khích:
– Anh thấy rồi mà còn hỏi!
Khoa đành cười theo:
– Tôi lặt rau phụ Trang nha?
Không đợi nhỏ Trang trả lời, Khoa ngồi thụp xuống; thò tay nhặt mấy cọng rau muống xanh ngắt trong rổ.
– Anh có biết lặt rau không đó?
– Lặt rau mà không biết thì chỉ có nước vô rừng làm…
Bị chạm tự ái, Khoa hùng hổ tuôn một tràng. May mà đến phút chót, nó dừng lại kịp. Nếu nó phun ra chữ “cướp” thế nào nhỏ Trang cũng trêu “Thì anh từng vô rừng làm cướp đó thôi”. Mặc dù thầy Tám đã minh oan cho nó nhưng chắc gì nhỏ Trang đã tin.
Thấy Khoa đang nói nửa chừng bỗng im bặt, nhỏ Trang tò mò:
– Vô rừng làm gì hả anh?
– À, à… – Khoa chà tay lên mũi, ấp úng – Anh muốn nói là vô rừng làm… củi ấy mà.
– Anh ưa nói giỡn quá à. – Nhỏ Trang chúm chím – Làm củi còn khó gấp mấy lần lặt rau lận đó.
Nhỏ Trang bình thường đã xinh. Khi cười chúm chím nó càng xinh gấp bội. Trong một lúc, Khoa cứ ngồi nhìn sững, quên cả lặt rau.
Nhỏ Trang ngạc nhiên quay qua:
– Sao anh không lặt rau đi?
Vừa quay qua thấy Khoa thộn mặt nhìn mình, nó liền hấp tấp quay lại. Từ đằng sau mái tóc dài bay ra một giọng thỏ thẻ:
– Mặt em có dính lọ nghẹ hả anh?
– Đâu có.
– Vậy sao anh nhìn em chằm chằm vậy?
Có một điều gì đó đang đập cánh trong đầu Khoa sau câu hỏi của nhỏ Trang. Khoa nghe đầu cổ nóng bừng bừng. “Công nương” của nó hỏi một câu giống như đẩy đưa. Có nên lặp lại là mình thích nhỏ không nhỉ? Hôm trước nhỏ bảo nhỏ sẽ không mắng mình lăng nhăng; nhưng đó là nhỏ nói thế thôi, còn nhỏ nghĩ gì trong bụng làm sao mình biết được! Hay mình thú thật mình không thế nào rời mắt khỏi nhỏ chỉ vì khi mỉm cười gương mặt nhỏ bừng sáng như có nghìn tia nắng chiếu vào? Khoa nghĩ và nghĩ, nảy ra một ý rồi dập xóa để thay bằng một ý khác để rồi dập xóa tiếp, tâm trí rối bời.
Không, mình cứ nói là mình thích nhỏ! Đằng nào mình cũng thổ lộ điều đó một lần rồi và nhỏ cũng đã biết rồi! Hơn nữa, mình về đây nghỉ hè đã được một tháng rưỡi. Mình chỉ còn ở chơi chừng mười lăm ngày nữa thôi. Trong thời gian ít ỏi còn lại có lẽ mình chẳng còn cơ hội nào nữa. Đúng rồi, mình sẽ lặp lại là mình thích nhỏ, rồi mình sẽ nói thêm là mình thích nhỏ ghê lắm, thích đến mức nếu nhà nhỏ nuôi heo như nhà ông Mười khòm mình sẽ không ngần ngại gì mà chạy qua rửa chuồng, dọn phân mỗi ngày để được trò chuyện với nhỏ và được ngắm gương mặt nhỏ như hôm nay.
Khoa hít vào một hơi thật sâu, cắn môi thêm một cái để lấy can đảm rồi ngập ngừng hắng giọng:
– Trang này.
– Gì hả anh?
– Trang có biết tại sao tôi nhìn Trang như vậy không?
– Anh không nói làm sao em biết được.
Khoa nuốt nước bọt:
– Vây tôi nói nha?
– Anh nói đi!
-Tại vì…
Ở đời; cơ hội đôi khi chỉ hiện ra trong tích tắc, nếu ta không kịp nắm lấy nó sẽ trôi tuột đi và lòng ta sẽ ngập tràn hối tiếc. Chàng Khoa của chứng ta đang rơi vào tình huống như vậy. Chàng nói năng lòng vòng quá. Muốn gì thì nói ngay từ đầu cho rồi; chàng bộc bạch tình cảm mà cứ như làm tập làm văn trên lớp, trình bày phải lớp lang, nhập đề phải bóng bẩy.
Do vậy mà đợi cho tới khi chàng thốt được hai chữ “tại vì”, chưa kịp nói tiếp thì bà Chín Ghe từ trong nhà bếp đã ra tới ngoài hiên:
– Lặt có rổ rau mà lâu vậy con?
Nhác thấy Khoa ngồi cạnh con gái, bà nhoẻn miệng cười:
– Khoa qua chơi hả con?
– Dạ.
Khoa bối rối đáp, cay đắng nhận ra số mình đúng là số con rận.
Đã vậy, bà Chín Ghe còn ngồi xuống cạnh hai đứa:
– Để mẹ lặt phụ cho nhanh!
Như cho vậy là chưa đủ khốn khổ khốn nạn với Khoa, nhỏ Trang ngước mặt nhìn nó:
– Anh nói tiếp đi! Tại vì sao hả anh?
Khoa than thầm trong bụng, không biết “công nương” của nó ngây thơ thật hay cố tình dồn nó vào chỗ chết. Khoa liếc bà Chín Ghe, quyết định nói dối – bằng một câu trái với lòng mình, vì vậy là câu mà Khoa căm thù vô hạn:
– Tại vì… khi nãy có một ruồi đậu trên chóp mũi Trang.
Khi thốt ra câu đó, Khoa có cám giác gió mùa hè đang kéo về chật vườn và lòng nó bỗng dưng ngập đầy lá rụng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.