Luật bù trừ hóa ra có thật, nếu căn cứ vào chuyện cuối cùng Khoa bất thần được thầy Tám giải vây, sau đó nó còn được sóng bước bên cạnh nhỏ Trang trên đường về nhà.
Lạ một điều là khi mọi chuyện diễn ra suôn sẻ như dự tính, Khoa bỗng gặp lại cảm giác ngượng ngập trước đây. Hôm qua nó và nhỏ Trang đã trò chuyện với nhau bao nhiêu là thứ (à quên, chỉ có vài thứ thôi), Khoa tưởng thế là xong, là rào chắn giữa nó và “công nương” của nó đã được gỡ bỏ vĩnh viễn rồi. Khoa đinh ninh hôm nay nó sẽ tha hồ huyên thuyên với nhỏ Trang, nào ngờ đi cạnh con nhỏ này một quãng, Khoa vẫn chẳng nói được câu nào. Y như kẻ đột ngột đánh rơi hết vốn từ bao nhiêu ý tưởng ngồn ngộn trong đầu Khoa bỗng chốc bay biến đâu mất.
Khoa lặng lẽ đi bên cạnh nhỏ Trang, lúng túng, ngượng ngập, tay chân thừa thãi và chợt nhận ra nó đần độn hơn nó tưởng. (Thực ra, nếu không quá căng thẳng Khoa sẽ hiểu sở dĩ nó loay hoay như gà mắc tóc thế kia chẳng qua do hôm nay nó xuất hiện trước mặt nhỏ Trang trong tư thế quá khó coi. Nó bị thằng Ninh vật ngửa ra đất, mình mẩy lấm lem, tay chân trầy xước – chắc chắn không một “công nương” nào có thể tin vào lời “bao bọc” của người sở hữu cái tư thế thảm hại đó).
Trong khi Khoa đang chửi thầm mình tơi bời, nhỏ Trang thình lình mở miệng:
– Anh Khoa chuẩn bị diễn kịch hở?
– Ờ. – Khoa đáp, sực nhớ tới lời giải thích của thầy Tám với tụi bạn, vẫn không hiểu tại sao thầy bịa ra chuyện đó.
– Anh Khoa tài quá! – nhỏ Trang nhoẻn miệng cười.
– Tài gì đâu! – Khoa làm ra vẻ khiêm tốn – Diễn thì ai diễn chẳng được.
Nói xong, Khoa chợt nghe đâu cổ nóng ran khi nhận ra nó đang “diễn kịch” trước mặt nhỏ bạn khổ nỗi, nhỏ Trang không nhận ra điều đó. Mặt con nhỏ tiếp tục tươi hơn hớn:
– Hôm nào diễn vở Hiệp sĩ rừng xanh, anh báo cho em biết, em rủ mấy nhỏ bạn ra thị trấn xem với nhé.
Nhỏ Trang đòi đi xem kịch mà Khoa có cảm giác nhỏ bạn đang đòi treo cổ nó.
– Ờ, ờ… – Khoa ấp úng, tưởng như có một quả chanh chẹn ngang họng.
– “Ờ, ờ” là sao! – nhỏ Trang hỏi lại, giọng nhuốm vẻ hờn giận – Có phải anh không muốn rủ em không?
– Đâu có. – Khoa lật đật thanh minh – Chẳng qua là đến giờ tôi cũng chưa biết buổi liên hoan văn nghệ sẽ diễn ra vào ngày nào…
– Thế khi nào biết rồi, anh nhớ nói cho em biết với nhé.
– Nhất định rồi!
Khoa đáp, quay mặt đi phía khác để nhỏ Trang không thấy vẻ nhăn nhó của nó.
Nhỏ Trang không thấy thật. Nên lòng nó hoan hỉ lắm. Và nó vui vẻ chuyển đề tài:
-Thầy Tám giỏi ghê anh há!
– Ờ. – Tim đập thình thịch, Khoa ngập ngừng đáp, không rõ nhỏ bạn định dẫn câu chuyện đi tới đâu.
– Thầy điều tra nhanh ghê. – Nhỏ Trang tiếp tục hồn nhiên – Nếu không có thầy, ai cũng tưởng anh đi làm cướp thật!
Thì làm cướp thật chứ gì nữa! Khoa méo xệch miệng, càng không dám ngoảnh đầu lại.
– Nhưng em phục thầy nhất ở chỗ anh chưa làm bài hay trả bài lần nào mà thầy vẫn biết anh thông minh nhất lớp.
Lần này thì Khoa nghe ngực mình nhói một cái, y như nhỏ Trang vừa bắn ra một mũi tên tẩm thuốc độc. Khoa dè dặt quay lại, cố dò xem trên gương mặt xinh xắn của nhỏ bạn có nét gì khả nghi để nó có thể nghĩ đến một sự nhạo báng hay không.
Nhưng vẻ mặt ngây thơ trong sáng của nhỏ Trang giúp Khoa lập tức cảm thấy yên tâm. Ờ, mình đã kết luận nhỏ Trang là người tốt rồi mà. Người tốt có gì thì nói thẳng chứ không bao giờ nói xiên nói xỏ để trêu chọc người khác. Chắc là Trang phục thầy thật.
Khoa bối rối xộc tay vào mái tóc xù, cố nghĩ ra một lý do:
– Chắc là do thầy xem hình vẽ của tôi.
Cho đến lúc này, trừ thằng Ninh, không đứa nào trong lớp biết Khoa đã vẽ gì khiến thầy Tám tức giận đến thế trong buổi sáng hôm đó. Ninh biết nhưng có cho vàng nó cũng không dám hé môi, vì đó là bức tranh chế nhạo thầy.
Nhỏ Trang dĩ nhiên cũng vô cùng thắc mắc nhưng nó không dám hỏi Khoa. Hỏi Khoa, chẳng khác nào chọc cho Khoa nổi khùng khi bắt Khoa ôn lại chuyện không vui đó lần nữa.
Hôm nay, bất ngờ nghe nạn nhân tự động nhắc về bức tranh, nhỏ Trang mừng rơn:
– Hôm đó anh vẽ hình gì vậy?
Câu nhỏ Trang định hỏi nguyên văn là “Hôm đó anh vẽ hình gì mà thầy đánh và đuổi anh ra khỏi lớp vậy?” nhưng khi mở miệng thì nó tế nhị thu gọn lại, nhưng nghe thoáng qua Khoa biết ngay nhỏ bạn đang nghĩ gì trong đầu. Lúc đó Khoa mới biết mình vừa nói hớ. Mải lo đối phó với câu hỏi quá sức hóc búa của nhỏ Trang, Khoa đành lôi bức tranh ra để chống đỡ, quên mất đó chính là nguyên nhân khiến mình bị thầy Tám đánh đòn và tống cổ ra khỏi lớp.
– À… à…
Khoa ậm ờ, và trong một thoáng nó tự hồi tại sao không nhân dịp này thố lộ nỗi lòng với nhỏ bạn.
Thế là Khoa hít vào một hơi:
– Tôi vẽ một người con gái…
– Vẽ một người con gái! – Nhỏ Trang tròn mắt – Chỉ có vậy mà thầy đánh anh?
Khoa gãi cổ, lấp lửng:
– Tại tôi viết thêm một câu dưới bức tranh đó.
Khoa làm nhỏ Trang thắc mắc quá. Nó nuốt nước bọt:
– Anh viết gì vậy?
Khoa ngước mắt nhìn lên trời:
– Tôi viết… “Tôi rất thích bạn”.
Khoa cố uốn giọng tình tứ. Nào ngờ nhỏ Trang bật cười khúc khích:
– Anh viết câu đó, thầy Tám đánh anh là đúng rồi.
– Đúng á?
– Chứ gì nữa. Ngồi trong lớp anh không lo chép bài mà viết lăng nhăng như vậy, thầy cô nào mà chẳng tức giận.
Khoa tái mặt khi nghe nhỏ Trang nói như vậy. Nhỏ phê phán Khoa cái tội “không lo chép bài” Khoa còn chấp nhận được, nhưng nhỏ liệt những lời tình tứ của Khoa vào loại “lăng nhăng” thì đúng là xúc phạm Khoa quá thể.
Khoa bịa ra câu chuyện bức tranh cô gái cốt để nói vòng vo cho nhỏ Trang hiểu là Khoa rất thích nhỏ. Rốt lại, nhỏ Trang không những không hiểu mà còn phang một câu làm Khoa choáng váng mặt mày.
– Lăng nhăng? Sao là lăng nhăng? – Khoa cố kềm một cái nghiến răng.
Nhỏ Trang nhăn mũi:
– Học lớp tám mà đã thích nhau là lăng nhăng chứ gì nữa!
Khoa định khai nó học lớp chín, hết hè sẽ lên lớp mười, nhưng ngẫm lại Khoa thấy tiết lộ điều đó cũng chẳng giải quyết được gì. Với một đứa ngây thơ như nhỏ Trang thì lớp tám hay lớp chín cũng chẳng có gì khác nhau: hễ đang đi học mà thích nhau là lăng nhăng tuốt!
Hèn gì hôm trước Khoa leo lên cây ổi cưỡi chổi bay gào khàn cả giọng, chẳng thấy nhỏ Trang động lòng tí ti. Chỉ có mỗi dì Liên thò đầu ra. Chắc lúc đó đó con nhỏ vô tư này nằm ngáy khò khò trong nhà cũng nên. Trong mắt Khoa lúc này, “công nương” của nó hiện nguyên hình là một đứa con nít.
Và đứa con nít đó sau khi phê phán “người lớn” Khoa, bắt đầu tò mò:
– Mà anh vẽ người nào vậy?
– Chuyện “lăng nhăng” Trang hỏi làm chi. – Khoa đáp giọng giận dỗi.
– Thì anh cứ nói cho em biết đi!
Giọng điệu nhõng nhẽo của nhỏ Trang khiến Khoa mềm lòng. Khi nãy Khoa giận con nhỏ này, Khoa cứ ngỡ trái tim mình đã hóa thành cục sắt. Nào ngờ nhỏ Trang vừa cất giọng nũng nịu, cục sắt đó đã bị axít ăn mòn ngay tắp lự.
Khoa úp mở:
– Người con gái mà tôi vẽ cũng có mặt trong lớp ngay lúc đó.
– Ai vậy ta? – Nhỏ Trang cắn môi – Chắc anh vẽ nhỏ Đào?
“Ai mà thèm vẽ con nhỏ rốn lồi đó! Hơn nữa, nhỏ Đào là “công nương” của thằng Mừng, đâu phải của tôi!” Khoa nói thầm trong đầu, và nhún vai:
– Không phải.
– Vậy là nhỏ Quý?
– Không.
– Nhỏ Sen?
– Trật luôn!
Nhỏ Trang tiếp tục liệt kê một dãy tên. Và Khoa tiếp tục lắc đầu nguầy nguậy.
Nhỏ Trang đoán mò một hồi phát mệt, bèn hỏi:
– Tên nhỏ đó bắt đầu bằng vần gì?
Khoa khe khẽ đáp:
– Vần T.
– Vậy là nhỏ Tú? – Nhỏ Trang reo lên.
– Không.
– Nhỏ Thanh?
Biết con nhỏ khù khờ này có đoán tới già cũng không bao giờ tìm ra đáp số của bài toán tình cảm này, Khoa quyết định hé màn bí mật. Nó nhè nhẹ thớ ra:
– Nhỏ đó vần Tr.
Nhỏ Trang nhíu mày, ngơ ngác:
– Trong lớp đâu có bạn nào vần Tr.
Con nhỏ này không những khù khờ mà còn thuộc loại vô tâm nhất thế giới! Khoa lắc ngán ngảm, biết rằng cơ hội sắp sửa trôi qua nếu Khoa không nhanh tay níu lại. Trong ba mươi sáu cách, chỉ còn mỗi cách nói toạc móng heo.
Khoa nhắm tịt mắt, cắn môi, đánh bài liều:
– Vậy chứ Trang vần gì?
Trái với sự hồi hộp chờ đợi cúa Khoa, nhỏ Trang reo lên như trẻ con được kẹo:
– Í! Anh vẽ em hả?
– Chứ còn ai.
– Vậy bữa nào anh đưa tấm hình đó cho em xem đi!
Lần này Khoa thấy mình chết chắc, mũi gươm của Độc Nhãn Long phục hận hình như đã xuyên qua tim Khoa rồi! Hôm đó Khoa vẽ thầy Tám, đúng ra là vẽ một hình thù dị hợm nào đó chứ đâu có vẽ nhỏ Trang; bây giờ lấy gì đưa ra.
Hên cho Khoa, trong khi nó đang ú ớ, nhỏ Trang chợt nhớ ra bên dưới bức tranh còn có dòng chữ hết sức “lăng nhăng” nữa, thế là nó quay ngoắt một trăm tám mươi độ:
– Thôi, em không xem bức tranh đó đâu.
Khoa thở phào khi nhỏ Trang bất ngờ rút lại đề tài nhưng vẫn không kềm được thắc mắc:
– Sao vậy?
– Tại anh viết dòng chữ gì phía dưới đó.
Nãy giờ, Khoa đối đáp trơn tru y như tay tướng cướp mồm mép trong truyện Tráng sĩ và giai nhân nhưng đến đây thì “tráng sĩ” Khoa á khẩu. Lưỡi “tráng sĩ” quíu lại, dính vào răng, trái tim “tráng sĩ'” nảy thình thịch, còn trên mặt “tráng sĩ” màu đỏ lan tới tận mang tai, chuẩn bị lan ra sau gáy.
Và khi “giai nhân” Trang hứ một tiếng “Anh Khoa kỳ quá hà!” và vội vàng rảo bước thật nhanh, bỏ “tráng sĩ” rớt lại phía sau thì có thể nói chàng Khoa của chúng ta không còn thiết sống nữa.