BI KỊCH VỀ 3 CÁI CHẾT

Phần thứ ba: Phá án – Chương hai : Phu nhân Mary



Ông Satterthwaite cùng với ngài Charles ghé lại Chòi Canh. Trong lúc Egg Lytton Gore và chủ nhà còn bận đến thăm bà Babbington, ông Satterthwaite ngồi lại dùng trà với phu nhân Mary.

Phu nhân Mary kính phục ông Satterthwaite. Xét về phong cách, phu nhân là một nhân vật có một quan điểm xác định về một ai đó bà thích hoặc không thích nói đến.

Ông Satterthwaite ngồi uống trà, tách trà được làm bằng loại gốm sứ vùng Dresden ở nước Đức, ông ăn một chiếc bánh sandwich nhỏ xíu, vừa ăn vừa bàn chuyện. Trong lần đi thăm viếng vừa rồi các vị khách được gặp gỡ bạn bè, quen biết thêm nhiêu người. Câu chuyện hôm nay cũng xoay quanh vụ án, nhưng dần dà lại hóa ra thân mật hơn. Ông Satterthwaite là một người dễ gây cảm tình – ông chịu khó lắng nghe tâm tư người đối diện không xen vô chuyện riêng. Ngay cả lần mới đây, phu nhân Mary tự nhiên nói ra hết chuyện bà đang lo cho tương lai đứa con gái mới lớn. Bà kể lể như đang nói chuyện với một người bạn cố tri.

– Egg tính nó bướng lắm – Phu nhân kể lể – Nó làm việc gì cho đến cùng mới thôi. Ông biết đó, Satterthwaite, tôi không phai như vậy – Ồ, nó lao vô chuyện khổ sở này. Chuyện đó – Egg thường nhạo tôi, tôi biết – nhưng nói ra không tế nhị chút nào.

Gương mặt phu nhân đỏ ửng. Đôi mắt màu nâu nhìn dịu dàng và thơ dại. Khiến ông Satterthwaite ngây ngất.

– Tôi hiểu ý bà, – Ông nói – thú thật tôi chẳng thích mấy chuyện đó. Chẳng qua vì thành kiến lạc hậu, chuyện như vậy đó. Chẳng hề đổi thay, – Ông nheo mắt nhìn bà – ta không thể nhìn bọn trẻ ngồi nhà may vá thêu thùa, nghe kể chuyện vụ án thời nay mà rùng mình.

– Tôi không thích suy nghĩ chuyện vụ án – Phu nhân Mary bộc bạch – Không bao giờ, thật tình mà nói tôi dám xen vô mấy chuyện đó. Khiếp lắm – Bà cảm thấy lạnh cả người – Tội nghiệp ngài Bartholomew.

– Bà chưa biết rõ chuyện của ngài? – Ông Satterthwaite mạnh dạn nói.

– Tôi nhớ đã gặp ngài đôi lần. Một lần là lúc ngài đến nhà ngài Charles nghỉ cuối tuần, và lần thứ hai ngay cái đêm kinh hoàng xảy ra cái chết thương tâm của ngài Babbington. Trước đó tôi lấy làm kinh ngạc lúc nhận được thư mời. Tôi nhận lời mời bởi lúc đó Egg thích lắm. Nó ít khi được ai mời, tội nghiệp, vả lại – Ồ, nó chán nản, không muốn để ý mọi chuyện khác. Vậy là dịp may đi dự tiệc lớn tại nhà nó sẽ thích thú biết mấy.

Ông Satterthwaite gật :

– Bà kể cho tôi nghe về Oliver Manders – Ông đề nghị – Cái anh chàng tôi để ý từ lâu.

– Tôi thấy chàng ta lanh lợi – Phu nhân Mary nói – Hẳn nhiên, hắn còn gặp chuyện rắc rối…

Mặt bà đỏ bừng, như muốn đáp lại cái liếc nhìn soi mói của ông Satterthwaite.

– Ông biết đó, cha mẹ hắn không chính thức lấy nhau…

– Vậy sao? Tôi chẳng hay biết chuyện đó.

– Ở quanh đây ai cũng biết hết, ngoài ra tôi không biết nói gì hơn. Đời bà nội sống ở vùng Dunboyne có một ngôi nhà đồ sộ, ở phố Plymouth, có chồng là luật sư. Có một người con trai đi làm ở nhà máy trong thành phố, khá lắm. Về sau làm giàu. Một người con gái xinh đẹp, si mê một ông có vợ. Tôi trách móc ông ta. Vậy mà rốt cuộc sau nhiều vụ tai tiếng, rủ nhau bỏ đi. Vợ không chịu ly dị. Người con gái chết khi sinh Oliver chẳng bao lâu. Người chú ở London về thế chỗ. Hai vợ chồng ông này không có con. Thuở đó thằng bé sống hai nơi một bên ông chú, bên bà nội. Mỗi kỳ nghỉ hè hắn lại về đây ở lại.

Một lát sau bà lại kể.

– Tôi lúc nào cũng thấy thương cho hắn. Đến giờ vẫn vậy. Hắn còn ra vẻ tự phụ lắm.

– Thật ra tôi không ngạc nhiên – Ông Satterthwaite nói – Tôi nghĩ chuyện cũng bình thường. Trường hợp tôi lỡ gặp một người hay khoa trương tự đại, tôi nhận ra ngay tay đó có điều thầm kín như mang một mặc cảm tự ti.

– Nghe lạ tai thật.

– Mặc cảm tự ti, một chuyện kỳ cục lắm. Trường hợp Crippen cũng mắc phải chứng mặc cảm như hiện nay. Ta ví nó là mặt trái của mọi tội ác. Mặc cảm muốn tự khẳng định mình.

– Với tôi chuyện đó hoàn toàn xa lạ. – Phu nhân Mary nói thầm.

Bà chợt ngẫm lại mình. Ông Satterthwaite nhìn về phía bà, ánh mắt đầy thiện cảm. Ông thích ngắm khuôn mặt khả ái, bờ vai nghiêng nghiêng, đôi mắt màu nâu dìu dịu, không son phấn. Ông nghĩ thầm.

“Thuở thanh xuân bà là một người đẹp tuyệt thế…”

Sắc đẹp không phô bày, không phải là bông hồng. Không, chỉ là một bông hoa violet mỹ miều, khép nép…

Ông cứ để mặc dòng tư tưởng trôi theo về một thời tuổi trẻ xa xưa…

Ông nhớ lại những mẩu chuyện thời trẻ.

Ngay lúc này đây ông cảm thấy mình nên kể lại cho phu nhân Mary nghe chuyện tình của ông – chỉ một mối tình. Chuyện tình không may so với thời nay, nhưng với ông đầy ắp kỷ niệm.

Ông kể cho bà nghe về cô nàng, rất đẹp, và chuyện hai người cùng rủ nhau đến vườn hoa Kew, ngắm hoa dạ hương. Ngày đó ông định ngỏ lời cầu hôn. Ông mong chờ (có nghĩa là vậy) nàng đáp lại. Và rồi, hai người đứng ngắm hoa, chợt nàng thú thật… Ông mới biết nàng đã yêu người khác. Ông chôn kín mối tình trong tận đáy lòng, và đổi ra là tình bạn.

Không thể gọi đúng là chuyện tình lãng mạn, vậy mà đủ sức xua tan không khí tẻ nhạt nơi phòng khách hôm đó.

Đến lượt phu nhân Mary kể lại chuyện mình, chuyện hôn nhân không được mấy hạnh phúc.

– Nghĩ lại tôi là con nhỏ điên rồ – bọn con gái thường là vậy, thưa ông Satterthwaite. Hay chủ quan, biết hết mọi chuyện. Đã có nhiều sách, báo viết về thiên tính phụ nữ, tôi không tin chuyện đó. Thưa ông Satterthwaite, không hề có chuyện cảnh giác bọn con gái trước một số đối tượng đàn ông. Bọn con gái không có thiên tính. Chỉ có bậc cha mẹ cảnh giác, điều đó không hay – vì không ai nghe theo. Nói vậy là quá đáng, vậy mà có lúc cũng hay vì được cảnh giác đề phòng bọn xấu. Nàng ta nhớ ra ngay chỉ có tình yêu chân thật khiến chàng ta nghĩ lại.

Ông Satterthwaite khẽ gật đầu.

– Ta chỉ biết rất ít về ta. Khi ta hiểu được mọi chuyện thì đã muộn mất rồi.

Bà thở dài.

– Lỗi tại tôi. Cả nhà không muốn tôi lấy Ronald. Anh ta là gia đình dòng dõi, nhưng lỡ mang tai tiếng. Cha tôi nói ngay mặt anh ta là người xấu. Tôi không tin. Tôi thì tin tưởng anh ta sẽ làm lại cuộc đời…

Bà im lặng hồi lâu nhớ lại chuyện cũ.

– Ronald là một người nhiệt tình. Cha tôi nhận xét đúng. Sau này tôi mới rõ. Chuyện đã qua lâu – nhưng nghĩ lại tan nát cõi lòng – Phải, tôi đau đớn vì chàng. Từ đó tôi cứ sợ – rồi chuyện gì sẽ đến.

Ông Satterthwaite xưa nay hay lo lắng chuyện thiên hạ, ông nói khẽ một vài câu chân tình :

– Kể lại chuyện cũ thật đau xót, thưa ông Satterthwaite, và anh ta bị sưng phổi chết, may mắn cho tôi… Không phải vì tôi không lo lắng – tôi yêu anh ta đến ngày cuối đời – và tôi không còn lo nghĩ viển vông chuyện tình. Và rồi còn lại Egg đây.

Giọng bà dịu xuống :

– Trông nó buồn cười thật. Người béo tròn, đứng dậy rồi té nhào xuống – như quả trứng, bởi vậy mới có cái biệt hiệu nghe buồn cười là vậy…

Bà lại im tiếng.

– Có vài cuốn sách tôi đọc qua mấy năm gần đây, học được một điều an ủi. Sách tâm lý kể lại đôi khi con người không thể giữ được mình. Một dạng tâm lý lệch lạc. Có lúc ta thấy trong một gia đình nề nếp. Hồi còn nhỏ Ronald đi học lấy cắp tiền – anh chàng không cần tiền. Đến bây giờ tôi nghĩ lại bởi anh chàng không dằn mình được… Anh chàng bị lệch lạc từ lúc sinh ra…

Phu nhân Mary nhẹ nhàng rút khăn tay lau nước mắt :

– Tôi không phải là người sinh ra được dạy dỗ phải tin là – Giọng bà hối lỗi – Tôi chỉ được dạy dỗ điều hay lẽ trái. Vậy mà không hiểu vì sao – tôi không nghĩ là việc đời phải luôn như vậy.

– Tâm linh con người là một cõi huyền bí – Ông Satterthwaite từ tốn giải thích – Ta đang dò dẫm từng bước vào cái cõi đó. Không có một cảm quan nhạy bén tất nhiên để đưa đây một vài cá nhân, tôi có thể nói không còn đủ sức tự kiềm chế. Giả sử bà và tôi nói như thế này. “Tôi ghét ngươi ta – tôi muốn nó chết cho rồi” câu nói vừa ra khỏi cửa miệng lập tức in vô trong tâm trí. Ý thức kềm hãm tự động ngăn chặn lại. Vậy mà, ở một số người cái ý tưởng đó bị chặn lại. Họ mù quáng đòi hỏi phải thỏa mãn ý đồ ăn sâu trong trí.

– Tôi ngại, – Phu nhân Mary nói – chuyện đó ngoài tầm hiểu biết của tôi.

– Xin lỗi phu nhân. Tôi nói chuyện theo sách vở mà.

– Ông muốn ám chỉ bọn trẻ ngày nay không đủ sức kềm hãm? Lắm lúc tôi cũng lo.

– Không, không đâu, tôi không muốn vơ đũa cả nắm. Hơi yếu kém, tôi nghĩ vậy, còn đa số – thì tốt. Giả sử tôi muốn nói bà đang nhớ tới nàng… Egg.

– Ông cứ gọi nó là Egg. – Bà Mary nói vừa cười.

– Cám ơn bà. Nàng Egg trông vui thật đấy chứ.

– Egg tính nó bốc đồng, nó muốn gì được đó. Tôi đã kể cho ông nghe, tôi không muốn thấy nó dính dáng vô chuyện rắc rối này, nó không chịu nghe.

Nghe bà trút hết nỗi bực dọc, ông Satterthwaite cười theo. Ông ngẫm nghĩ:

“Ta tự hỏi nếu bà chịu khó bỏ chút thì giờ nhận định nàng Egg đang lao vô chuyện vụ án chẳng khác nào một phiên bản của cái trò cũ rích – chuyện đàn bà theo dổi hành tung đàn ông đó sao? Không, nghĩ đến đó chắc bà không còn hồn vía”.

– Egg nó bảo ngài Babbington cũng bị đầu độc. Ông có cho là vậy không, ông Satterthwaite? Hay chỉ là những nhận định chung chung?

– Ta sẽ hiểu rõ hơn. Khi nào tiến hành xong vụ khai quật.

– Vậy là phải chờ khai quật? – Phu nhân Mary rùng mình – Thật đáng thương cho mục sư Babbington biết chừng nào! Tôi nghĩ chuyện này đối với một phụ nữ thật quá khủng khiếp.

– Tôi nghĩ bà quen thân gia đình mục sư Babbington, phải vậy không phu nhân Mary?

– Dạ phải. Gia đình chúng tôi rất là – từ trước đến giờ rất là – thân với gia đình mục sư Babbington.

– Vậy bà có biết ai thù oán gì với ngài mục sư?

– Không, không hề có.

– Ngài chưa hề kể lại về ai là người như vậy cả sao?

– Dạ không.

– Hai ông bà sống hòa thuận với nhau chứ?

– Rất là tâm đầu ý hợp – vợ chồng con cái hòa thuận. Gia đình ngài nghèo, hẳn nhiên rồi. Ngài mục sư Babbington bị bệnh thấp khớp mãn tính. Cái gây rắc rối cho gia đình ngài là chỗ đó.

– Làm thế nào anh chàng Oliver Manders quen biết với ngài mục sư được?

– Là thế này, – Phu nhân Mary ngập ngừng – thiên hạ nói chưa phải vậy đâu. Nhà Babbington thương hại anh chàng Oliver, đổi lại hắn thường ghé lại chơi những ngày lễ với người con – dù sao tôi không thể nói anh chàng có thân thiện với bọn trẻ. Bởi Oliver là một tay không phải vừa đâu. Hắn khoe khoang có nhiều tiền, bánh kẹo tràn trề, những trò đùa ở London. Bọn trẻ thường vô tâm với mấy cái trò đó.

– Tôi hiểu, nhưng mà về sau – lúc hắn đã trưởng thành thì sao?

– Tôi không nghĩ là hắn còn quay về xóm đạo. Tôi xin kể tiếp, có một hôm hắn thiếu lễ độ với ngài mục sư Babbington, ngay tại nhà tôi. Chuyện đó đã hai năm rồi.

– Chuyện gì vậy?

– Oliver Manders nhạo báng đạo Thiên Chúa. Ngài Babbington cam chịu, nhẫn nại, tế nhị với hắn. Hắn càng lấn tới. Có lần hắn nói, “Con chiên của ngài khinh bỉ cha mẹ tôi không chính thức lấy nhau. Giả sử ngài cứ gọi tôi là đứa con tội lỗi. Thế đấy, tôi khâm phục những người biết nhìn nhận số phận mình bất chấp bọn đạo đức giả và tu sĩ muốn nghĩ sao thì nghĩ”. Ngài mục sư Babbington lặng thinh, Oliver nói tiếp: “Ngài không cần trả lời. Bởi vì giáo hội và chuyện mê tín làm đảo lộn cả thế giới. Tôi cần phải xóa sạch hết nhà thờ trên khắp hành tinh này?” Ngài Babbington mỉm cười đáp “và cả tổ chức tăng lữ nữa chứ?” Lúc đó tôi nghĩ Oliver bối rối vừa nhìn thấy ngài mỉm cười. Hắn nghĩ bởi chẳng được ai coi trọng. Hắn cất tiếng “Tôi chúa ghét những cái nhà thờ nhân danh. Nào là lạc quan tếu, an toàn, và đạo đức giả. Hãy tránh xa bọn đạo đức giả, tôi bày thế đây!” Thế rồi ngài Babbington lại cười – một nụ cười thân ái – ngài nói “Này con ơi, nếu cần phải xóa sạch nhà thờ đã xây và đang được xây, con nên tính đến Chúa nữa chứ”.

– Anh chàng Manders nói gì về chuyện đó?

– Hắn chợt thấy bối rối, có phần kinh ngạc. Thế rồi hắn điềm nhiên trở lại với cái thói hay giễu cợt uể oải như mọi khi.

– Hắn thú thật, tôi lo sợ những điều vừa nói ra có vẻ xằng bậy, thưa mục sư, không hợp với những người ở cái tuổi của ngài.

– Bà chẳng ưa gì anh chàng Manders có phải vậy không, phu nhân Mary?

– Tôi thương hại cho hắn. – Phu nhân nói có vẻ e dè.

– Bà không ưng thuận cho hắn cưới Egg làm vợ?

– Ồ, không phải vậy.

– Không dám đâu, phải vậy không?

– Tại – tại, hắn không biết điều… và bởi vì…

– Sao cơ?

– Hắn có vẻ gì đó, tôi không nói ra được. Như là lạnh lùng…

Ông Satterthwaite nhìn về phía phu nhân, nghĩ ngợi hồi lâu, chợt ông cất tiếng :

– Bà có biết ngài Bartholomew nghĩ gì về anh chàng? Có khi nào ngài nhắc đến tên gã?

– Có lần tôi nghe ngài kể lại anh chàng Manders này có vẻ lạ. Ngài nhớ lại cái lần hắn được đưa vô điều trị tại khu dưỡng đường của ngài. Tôi nhắc lại, tôi thấy Oliver trông còn khỏe mạnh, ngài bảo tôi, “Ồ, hắn còn khỏe chứ, nhưng hắn sống liều lĩnh”.

Một thoáng im lặng, bà lại kể tiếp.

– Theo tôi biết, ngài Bartholomew là một chuyên gia lỗi lạc về bệnh thần kinh.

– Tôi nghĩ ngài được các cộng sự khâm phục.

– Tôi mến ngài, phu nhân Mary nói.

– Bà đã được nghe ngài nhắc lại cái chết mục sư Babbington?

– Không.

– Không hề nói gì sao?

– Không hẳn là vậy.

– Bà có nghĩ là – cũng khó mà nói cho được, bà không biết rõ về ngài – thế nhưng bà có biết ngài đang nghĩ ngợi chuyện gì không?

– Ngài lúc nào cũng tỉnh táo – có lúc rất vui tính – lại thích đùa cợt. Trong bữa cơm tối hôm đó ngài định dành cho tôi một bất ngờ.

– Ồ, vậy là ngài có nói, thật vậy sao?

Trên đường về, ông Satterthwaite nghĩ lui nghĩ tới câu chuyện vừa rồi.

Câu chuyện bất ngờ đó như thế nào mà ngài định sẽ kể cho các vị khách nghe.

Có phải lúc kể ra ai nghe cũng thích thú như lời ngài báo trước?

Hay là đàng sau cái vẻ ngoài vui tính đó ẩn giấu một ý đồ sâu kín không kìm giữ nổi. Đố ai biết được?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.