BI KỊCH VỀ 3 CÁI CHẾT

Phần thứ ba: Phá án – Chương mười năm : Hạ màn



Hercule Poirot đang ngồi trong chiếc ghế bành. Đèn quanh phòng tắt hết. Chỉ để một bóng đèn nhỏ tỏa ánh sáng màu hồng trên gương mặt người ngồi ghế. Một khung cảnh có một không hai – một mình ông ngồi dưới ánh đèn – với ba vị khách, ngài Charles, ông Satterthwaite và nàng Egg Lytton Gore – khách mời riêng của Poirot – ngồi một chỗ khuất ánh sáng.

Giọng nói Hercule Poirot nghe như xa xôi. Ông ngồi đó như đang nói với khoảng không, chớ không phải trước các vị khách.

– Muốn tái hiện lại một vụ án – đó là việc làm của nhà thám tử. Dựng lại một vụ án phải sắp xếp theo thứ tự từng sự kiện như ta xếp hình quân bài theo mô hình một ngói nhà. Các sự kiện nếu không liên tục thì – cũng như quân bài không ăn khớp – vậy là – phải xếp lại cái khác, nếu không mô hình sẽ sụp đổ…

– Quý vị còn nhớ ngày hôm kia tôi đã phân tích ba dạng tư tưởng. Tư tưởng mang kịch tính – tượng trung nhà sản xuất, chỉ nhìn thấy hiệu quả một cách máy móc – một dạng tư tưởng biểu lộ qua cách diễn trò – và thêm một dạng tư tưởng lãng mạn của tuổi trẻ – và cuối cùng, thưa quý vị đó là tư tưởng phàm tục – chỉ nhìn thấy không phải một màu xanh biển cả hay một màu hoa trinh nữ, mà chỉ toàn một màu tối om như tấm màn sân khấu.

– Vậy nên tôi sẽ tham gia, thưa các bạn điều tra vụ án ngài mục sư Babbington tháng Tám vừa rồi. Ngay cái đêm đó ngài Charles Cartwright đã giả thiết là, Stephen Babbington bị giết chết. Tôi không nhất trí với giả thiết đó. Tôi không thể tin được bởi – a. một người như Stephen Babbington lại có thể cho là bị giết chết và b. có thể đánh thuốc độc để giết chết bất kỳ người nào có mặt tại bữa tiệc hôm đó.

– Giờ thì tôi chấp nhận giả thiết ngài Charles đặt ra là đúng đắn, còn tôi đã phạm sai lầm. Tôi lầm vì nhìn vụ án ở một góc độ hoàn toàn lệch lạc. Chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ tôi đã nhận chân được đâu là quan điểm đúng đắn – các bạn hãy cho tôi được bày tỏ quan điểm vụ án giết ngài mục sư Stephen Babbington là toàn toàn có lý và hợp logic.

– Tôi xin được phép kể lại, từ lúc này được mời tất cả các bạn trở lại quá trình suy luận của tôi. Về cái chết ngài mục sư Stephen Babbington, có thể đó là màn một của vở kịch. Màn khép lại vừa hết một lớp là lúc chúng ta rời khỏi khu nhà Chòi Canh.

– Màn hai bắt đầu tại Monte Carlo lúc ông Satterthwaite đưa cho tôi xem tờ báo đăng tin ngài Bartholomew bị giết chết. Ngay lúc đó tôi đã mắc sai lầm và ngài Charles nghĩ đúng. Cả hai vụ giết người cùng chung một nội dung vụ án. Sau đó lại thêm một vụ giết người thứ ba nằm trong cuối vụ án – đó là vụ giết phu nhân De Rushbridger. Cái chúng ta cần nhắm tới là tập hợp một quan điểm hợp logic của ba cái chết – nghĩa là ba vụ án chỉ có một thủ phạm duy nhất, hung thủ giết người để thỏa mãn một ý đồ riêng tư.

– Bây giờ tôi cần phải nói ra đây cái mấu chốt vấn đề chưa giải quyết xong, đó là có phải cái chết ngài Bartholomew Strange xảy ra sau cái chết ngài mục sư Babbington. Ta hãy xem xét kỹ ba vụ án, không phân biệt thời gian địa điểm; nhiều khả năng vụ giết ngài Bartholomew Strange là vụ án nổi cộm, vụ án trung tâm, hai vụ kia là thứ yếu – được cho là có dính dáng tới ngài Bartholomew Strange. Tuy nhiên như tôi đã trình bày trước đây – kẻ thủ phạm không thể gây án như chính nó muốn. Stephen Babbington bị giết chết trước rồi sau đó mới đến lượt ngài Bartholomew bị giết. Tuy nhiên, có thể là vụ án sau xuất phát từ vụ án trước rồi lần theo đó ta nhắm vô vụ án thứ nhất để chiêm nghiệm ra manh mối cả hai vụ án.

– Bởi vậy tôi ngả theo quan điểm cho là vì một sự lầm lẫn là có thật. Có thể nào hung thủ nhắm vô ngài Bartholomew Strange là nạn nhân đầu tiên, rồi đến ngài mục sư Babbington bị đầu độc vì nhầm lẫn? Tôi buộc phải từ bỏ ý tưởng đó. Những người gần gũi ngài Bartholomew Strange từ lâu đều biết là ngài không uống rượu cocktail.

– Một ý kiến nữa! Có phải mục sư Stephen Babbington bị đầu độc vì nhầm lẫn thay vì nhắm vô một vị khách khác? Tôi không thấy đâu là bằng chứng. Tôi phải quay lại với ý tưởng ban đầu cho là hoàn toàn có tính toán trước – ngay lập tức tôi gặp ngay sự phản bác – cái bằng chứng xét thấy vô lý đó vẫn thường gặp.

– Cuộc điều tra bao giờ cũng khởi đầu với những giả thiết hết sức đơn giản dễ hiểu. Cứ cho là mục sư Stephen Babbington đã uống một ly cocktail có pha thuốc độc thì ai là người đứng ra lãnh nhiệm vụ đó và trong trường hợp nào? Thoạt nhìn, tôi ngờ có hai người có thể nhúng tay vô việc này, (tức là người mang món rượu đến mời khách) đó là ngài Charles Cartwright, chính tay ông mời và một người nữa là người hầu bàn, Temple. Nhưng cho dù hai người này bị nghi là có thể đã bỏ thuốc độc vô ly rượu, cả hai cũng không thể tự tay mang đúng cái ly rượu đó đến mời ngài Babbington được. Muốn làm được chuyện đó, nàng Temple phải thật khéo tay bưng khay rượu mời ngài đúng ngay cái ly cuối cùng – (điều này không phải dễ, nhưng vẫn có thể làm được). Ngài Charles thì cứ nhắm ngay cái ly rượu đó mời khách. Nhưng mấy việc đó lại không lặp lại đúng bài bản. Hình như là hoàn toàn do một sự tình cờ, và chỉ có tình cờ cái ly rượu đó đến ngay vị trí ngài mục sư đang ngồi bàn.

– Ngài Charles Cartwright và người hầu bàn Temple lo việc mời rượu cocktail. Có phải hai người đã có mặt tại tu viện Melfort. Hoàn toàn không phải. Vậy ai là người có nhiều khả năng tráo cái ly rượu Bồ của ngài Bartholomew? Chỉ có người quản gia Ellis, hắn bỏ trốn rồi, và một người tiếp tay cho hắn đó là người hầu bàn. Nhưng đến đây một giả thiết không thể loại bỏ là có một trong các vị khách đã bỏ thuốc độc vô ly rượu. Giả thiết khó đứng vững, nhưng cũng có thể xét đến bởi bất cứ ai cũng có thể lẻn vô trong phòng ăn rồi tự tay bỏ thuốc độc vô ly rượu Bồ.

– Lúc tôi đến thăm ngài ở khu nhà Chòi Canh, ngài đã lập xong trước đó danh sách những ai đã có mặt tại Chòi Canh và tại tu viện Menfort. Bây giờ tôi mới nói bốn vị khách đứng đầu bảng gồm có – thuyền trưởng và phu nhân Dacres, nàng Sutcliffe và nàng Wills – theo tôi nghĩ nên loại ra ngoài danh sách.

– Bốn vị khách này không thể nào biết trước họ đến để gặp ngài mục sư Stephen Babbington trong bữa tiệc tối hôm đó. Vụ đầu độc bằng chất nicotine phải được tính toán chuẩn bị từ trước chớ không thể được thi hành ngay trong một phút bốc đồng. Còn ba người nữa trong danh sách gồm – phu nhân Mary Lytton Gore, nàng Lytton Gore và anh chàng Oliver Manders. Dù không chắc là họ, nhưng ba người khách này đều có thể ngờ là hung thủ. Tất cả đều là người dân ở địa phương, ta có lý do nghi họ là thủ phạm giết ngài Stephen Babbington, và chọn đúng thời điểm tổ chức buổi tiệc đêm hôm đó để ra tay.

– Mặt khác tôi không tìm thấy bằng chứng nào ghép cho họ phạm tội.

– Ông Satterthwaite cùng san sẻ một quan điểm với tôi trong vụ này, ông dừng lại ở một điểm ngờ cho anh chàng Oliver Manders. Theo tôi nghĩ có nhiều khả năng nghi ngờ anh chàng Manders. Gã có vẻ như bị kích động ngay tối hôm đó ở khu nhà Chòi Canh – đêm đó gã bộc lộ nhiều tư tưởng lệch lạc về thế thái nhân tình, cuộc sống gặp lắm cảnh trái ngang – gã là một kẻ thường mặc cảm tự ti, dễ đưa đẩy đến chỗ phạm tội, gã đang độ tuổi thanh niên bộp chộp, thường hay cãi vã như ta thường nói gã có ân oán hận thù với ngài mục sư Babbington. Chợt đâu gã vác xác tới tu viện Melfort. Rồi gã cho hay một chuyện khó tin nữa, gã nhận được thư của ngài Bartholomew Strange, thêm bằng chứng nữa do nàng Wills đưa ra, cho hay gã cắt được một mẩu tin trên báo loan tin vụ đầu độc nicotine gã cất giấu trong người.

– Từ đó, thưa các bạn tôi thường xuyên bị ám ảnh một cảm giác kỳ lạ. Rõ ràng và hoàn toàn hợp logic cái con người đã phạm tội nhiều lần đó phải là một người xuất hiện ở cả hai nơi; tôi có thể nói cách khác, cái người nằm trong danh sách gồm bảy người – mà theo như tôi nghĩ, chuyện như vậy là đâu vào đây rồi. Một người biết suy luận minh bạch rõ ràng hợp logic đều có thể nghĩ ra được. Tôi nghĩ ra là mình không phải đi tìm một chuyện có thật mà đi tìm một nét đẹp mang tính cách mỹ thuật như bức tranh phong cảnh. Một tên tội phạm quỷ quyệt sẽ nhận ra ngay ai được ghi tên trong danh sách đó phải bị nghi ngờ, lúc đó bọn tội phạm dù nam hay nữ đã tính toán trước không nên xuất đầu lộ diện vào thời điểm đó.

– Nói cách khác, hung thủ giết chết mục sư Babbington và ngài Bartholomew Strange đều xuất hiện ở cả hai nơi – nhưng rõ ràng không phải vậy.

– Vậy ai là người có mặt trong lúc vụ án thứ nhất xảy ra mà không xuất hiện ở vụ án thứ hai? Thử kể ra ngài Charles Cartwright, ông Satterthwaite, nàng Milray và bà mục sư Babbington.

– Có thể một trong bốn người trên đây xuất hiện trong lần vụ án thứ hai ngoài ý muốn chăng? Lúc đó ngài Charles và ông Satterthwaite đang ở tại miền Nam nước Pháp, nàng Milray qua London, còn bà Babbington thì về lại Loomouth. Trong bốn người thì nàng Milray và bà Babbington đáng ngờ hơn cả. Có khả năng là nàng Milray xuất hiện ở tu viện Melfort mà không có ai hay biết? Nàng Milray có dáng dấp bề ngoài kỳ dị, nàng cũng không thể cải trang và ai nhìn thấy rồi khó quên được. Tôi cho là khó có thể nào nàng Milray xuất hiện ở tu viện Melfort mà không ai hay biết, về phần bà Babbington thì cũng nằm trong trường hợp đó.

– Dựa theo cách suy luận vừa nêu trên có thể là ông Satterthwaite hoặc ngài Charles Cartwright đã đến tu viện Melfort mà không ai trông thấy? Ông Satterthwaite thì có lý hơn; nhưng khi nhắc đến tên ngài Charles Cartwright, câu chuyện lại thêm phần rắc rối. Bởi ngài Charles vốn là một nghệ sĩ, ngài luôn thủ vai chính. Nhưng lần này ngài định thủ vai nhân vật nào?

– Vậy thì đến lượt tôi phải xét tên quản gia Ellis.

– Ellis một người bí mật khó hiểu. Cách nay hai tuần, bỗng từ đâu ông ta vác xác đến đây rồi biến mất dạng, xong một vụ giết người. Vì sao Ellis thi hành tội ác một cách êm xuôi vậy được? Bởi Ellis không tồn tại trên thế gian này. Và hơn thế nữa, Ellis là một thứ hình nộm bằng giấy được tô son trét phấn – Ellis không phải là một người bằng xương bằng thịt.

– Nhưng liệu có một con người như vậy không? Rốt cuộc chỉ còn bọn gia nhân ở tu viện Melfort biết rõ ngài Charles Cartwright và ngài Bartholomew Strange lại là bạn thân của Charles. Bọn gia nhân thì tôi đã nắm vững. Vai vế của người quản gia không có gì đáng lo – nếu bọn gia nhân đã nhận dạng được hắn ta – tại sao không làm gì hắn được – rốt cuộc thì mọi chuyện coi như chìm xuồng như một trò đùa. Mặt khác nếu thời gian hai tuần lễ trôi qua khi thấy không còn ai nghi ngờ, mọi việc êm xuôi. Tôi chợt nhớ lại lời kể của mấy người gia nhân về tên quản gia – Ông ta là một người hào hoa, thường lui tới nhà cao cửa rộng, biết nhiều chuyện xì căng đan. Chuyện đó cũng dễ hiểu. Nhưng còn một chi tiết đáng chú ý nữa, người hầu gái Alice kể lại. Nàng kể lể “ông ta sắp xếp công việc theo kiểu cách khác hơn mấy người quản gia trước đây”. Nghe kể xong nghĩ lại lập luận của tôi càng vững chắc hơn.

– Còn chuyện ngài Bartholomew Strange thì lại khác nữa. Ta không giả thiết ngài đã bị mắc mưu người bạn. Dĩ nhiên ngài phải biết nhận ra thật giả. Ta có thể đưa ra bằng chứng về việc đó được không? Có chứ, một người lanh trí như ông Satterthwaite ngay từ lúc đầu đã nắm bắt được mấu chốt câu chuyện – đó là câu bông đùa của ngài Bartholomew, (trái với cung cách ứng xử thường ngày của ngài với bọn gia nhân) – Người là một quản gia xuất sắc, phải không Ellis. Việc này hoàn toàn có thể hiểu được nếu người quản gia là ngài Charles Cartwright hoặc ngài Satterthwaite thay vai đóng thế.

– Bởi ngài Bartholomew chắc chắn phải biết rõ hơn ai việc này. Ellis giả đóng vai để làm trò đùa, có thể là một trò đánh cá, mục đích là để đánh lừa cả buổi tiệc – vậy nên ngài Bartholomew mới ngạc nhiên và buồn cười. Nên lưu ý, ta còn thời gian để ngẫm lại. Nếu có ai trong số các thực khách nhận diện ngài Charles Cartwright tại buổi tiệc lần đầu, cũng không thể đảo ngược tình thế. Mọi chuyện qua đi như một trò đùa. Vậy mà chẳng ai để ý đến tên quản gia đã đứng tuổi lưng khòm, cặp mắt đen tròn xoe với hàm râu quai nón, có một vết bớt đỏ ngay ở cườm tay. Rất dễ nhìn thấy – vậy mà không ai để ý. Cái vết bớt đó giúp ta nhận dạng Ellis – vậy mà qua hai tuần lễ không ai để ý! Chỉ còn một người có thể đã nhìn thấy cái vết bớt là nàng Wills có cặp mắt nhìn soi mói, ta sẽ bàn đến sau.

– Chuyện về sau ra sao? Ngài Bartholomew đã chết. Cái chết lần này không thể xem là bình thường. Cảnh sát đến khám nghiệm, muốn đối chất với Ellis và một số người nữa. Quá nửa đêm hôm đó, Ellis bỏ trốn men theo lối đi bí mật, hắn khoác một bộ mặt mới, hai bữa sau đã thấy hắn dạo chơi trong vườn bông ở Monte Carlo để thấy mình cũng biết đau đớn và bàng hoàng trước cái chết của người bạn.

– Tất cả đó chỉ là giả thiết. Tôi chưa tìm thấy bằng chứng cụ thể, nhưng manh mối đã củng cố cho giả thiết đó. Ngôi nhà tôi ghép bằng những quân bài thật vững chắc. Còn mấy cái thư tống tiền tìm thấy bên trong phòng Ellis thì sao? Cái đó do chính tay ngài Charles tìm ra!

– Và kế đến là chuyện ngài Bartholomew Strange định gởi thư cho anh chàng Manders ngụy tạo một vụ tai nạn đụng xe thì sao? Ồ, với ngài Charles thì chuyện nhân danh ngài Bartholomew để viết một cái thư thì quá dễ? Nếu Manders chưa hủy bỏ cái thư đó thì ngài Charles giả đóng vai Ellis người quản gia phục vụ cho anh chàng. Cũng y hệt như vậy cái mẩu tin cắt trong báo do chính tay Ellis giả dạng nhét vô trong chiếc ví của Oliver Manders.

– Ta nói qua đến nạn nhân thứ ba – phu nhân De Rushbridger. Ta nghe nhắc đến cái tên này bắt đầu từ lúc nào nhỉ? Ngay sau câu chuyện về tên quản gia Ellis nghe thật buồn cười – về câu nói đùa lạ đời của ngài Bartholomew Strange. Mọi sự chú ý chuyển từ ngài qua người quản gia. Ngài Charles lại hỏi ngay cái bức điện do người quản gia mang đến nội dung nói gì. Nội dung bức điện chỉ nói đến một người phụ nữ – bệnh nhân của ngài bác sĩ, ngay lập tức ngài Charles lao vô truy tìm tung tích người lạ mặt bỏ qua chuyện người quản gia. Ngài đến ngay khu dưỡng đường chất vấn bà y tá trưởng. Ngài bám sát bà De Rushbridger cho bằng được.

– Giờ ta xem xét vai trò của nàng Wills trong suốt vở kịch. Nàng Wills có một cá tính kỳ lạ. Nàng thuộc về lớp người không chịu ép mình vô tập thể. Nàng không đẹp cũng không sắc sảo hay thông minh, cũng không dễ gây cảm tình. Khó mô tả nhận dạng cho thật đúng người nàng. Nhưng phải nói nàng rất tinh đời, rất thông minh. Nàng chỉ dùng ngòi bút để chửi đời. Nàng có biệt tài tái hiện những tính cách con người bằng giấy trắng mực đen. Tôi không biết nàng có để ý đến vẻ khác thường ở nơi người quản gia, tôi tin chắc chỉ có mỗi mình nàng trong bàn tiệc để mắt theo dõi người quản gia. Sáng hôm sau, khi vụ án mạng xảy ra, cái tính thường hay soi mói dòm ngó của nàng chợt trỗi dậy mạnh mẽ hơn theo lời một người hầu gái kể lại. Nàng vô phòng nhà Dacres, đi ra sau cánh cửa ngăn cách khu sinh hoạt của bọn gia nhân, trổ tài đánh hơi như một con chồn đang săn mồi.

– Mỗi mình nàng gây cho ngài Charles nhiều lúc khốn đốn. Bởi vậy ngài phải lo đối phó với mỗi mình nàng. Ngài tin chắc sau cuộc nói chuyện với nàng là ngài rất hài lòng nàng có nhìn thấy cái vết bớt trên tay người quản gia. Nhưng rồi sau đó những điều không may lại đến. Tôi không cho là đến ngay cái lúc đó nàng Wills sẽ nghĩ chuyện Ellis có dính dấp với ngài Charles. Tôi cho là nàng chỉ mơ hồ nhận ra một người có nét hao hao giống Ellis. Bởi nàng chỉ là một người bàng quan. Lúc người quản gia bưng thức ăn ra bàn lập tức nàng chú ý ngay – không phải vẻ mặt – mà hai bàn tay nâng đĩa thức ăn.

– Nàng không cho rằng Ellis chính là ngài Charles. Vậy mà lúc ngài Charles đang nói chuyện với nàng, chợt nàng nhận ra ngay ngài Charles chính là Ellis! Và ngay lúc đó nàng yêu cầu ngài thử mời nàng một đĩa rau. Chẳng thấy vết bớt nào ở cườm tay phải hay trái. Nàng lấy cớ để quan sát chính hai tay ngài – tay bưng đĩa thức ăn theo tư thế của Ellis.

– Vậy là nàng vội kết luận. Bởi nàng là một người khác thường. Nàng muốn tự mình nắm bắt vấn đề. Mặt khác, nàng cho là chính ngài Charles đã giết chết bạn mình. Ngài hóa trang làm người quản gia, đúng – nhưng điều đó chưa thể khẳng định ngài là thủ phạm. Người vô tội thường giữ mồm giữ miệng bởi nói ra có thể nguy cho bản thân mình.

– Vậy là nàng Wills chỉ biết để bụng – nàng cho đó là ý tưởng riêng tư. Trong khi đó ngài Charles lại bối rối. Ngài không thích cái vẻ tự mãn tinh quái trên gương mặt nàng lúc ngài vừa bước ra ngoài. Nàng biết chớ không phải là không. Nàng biết chuyện gì? Có dính dáng tới ngài? Ngài không chắc là có. Ngài linh tính biết chuyện có dính dáng tới tên quản gia Ellis. Ban đầu ngài ngỡ là ông Satterthwaite – bây giờ đến nàng Wills. Ngài thấy cần phải chuyển mục tiêu qua một hướng khác. Ngài nghĩ ngay đến một kế hoạch – đơn giản, táo bạo và theo như ngài cho là hoàn toàn bí mật.

– Đúng hôm mở tiệc thết rượu Xérès, tôi tưởng là ngài Charles dậy sớm, đi Yorkshire giả làm người ăn mặc tồi tàn rách rưới, trao cho thằng bé bức điện nhờ gửi đi. Ngài quay về ngay thành phố kịp thời để còn sắm vai theo như kịch bản tôi vẽ ra. Ngài làm nốt một việc nữa. Ngài gửi đi một hộp sô-cô-la cho một người phụ nữ chưa hề biết mặt và chưa rõ lai lịch…

– Các bạn biết chuyện gì xảy ra buổi tối hôm đó. Nhìn ngài Charles có vẻ bứt rứt, tôi biết chắc nàng Wills sẽ ngờ. Đến lúc ngài Charles nhập vai “người chết”, tôi theo dõi vẻ mặt nàng Wills, vẻ ngạc nhiên hiện ra trên nét mặt nàng lúc đó. Tôi hiểu ngay là nàng Wills rõ ràng nghi cho ngài là thủ phạm. Đến lúc ngài giả vờ chết vì bị trúng thuốc độc như cái chết của hai nạn nhân, nàng lại cho là lối suy luận của nàng là sai lầm.

– Nhưng nếu nàng Wills có nghi cho ngài Charles là thủ phạm, tất nhiên là tính mạng của nàng cũng bị đe dọa. Một hung thủ đã ra tay hai lần thì chắc còn tiếp tục gây án. Lúc đó tôi phải thốt ra một lời cảnh báo long trọng. Quá nửa đêm tôi gọi điện cho nàng Wills, theo lời khuyên, nàng ra đi thình lình vào lúc sáng sớm hôm sau. Nàng thuê khách sạn ở tại chỗ. Như vậy là tôi đã tính toán đúng, bằng chứng là ngài Charles đi đến Tooting vào ngay tối hôm sau lúc ngài vừa từ Gilling trở về. Ngài đến chậm chỉ sau một bước. Con chim đã sổ lồng.

– Trong lúc chờ đợi, theo đúng bài bản của ngài, vẽ ra mọi việc diễn ra tốt đẹp. Phu nhân De Rushbridger còn một vài điều cần nói với chúng ta. Bà đã bị giết chết mà chưa kịp nói. Đau đớn thay! Có một cốt chuyện trinh thám nào, vở kịch nào, bộ phim nào bi thương hơn thế nữa! Lại cái trò chơi phù phiếm, hào nhoáng.

– Nhưng tôi, Hercule Poirot, không ai lừa được tôi. Ông Satterthwaite kể cho tôi nghe phu nhân đã bị giết chết chưa kịp nói một lời nào. Tôi nhất trí. Ông còn nhắc bà đã bị giết chết trước lúc định tiết lộ cho chúng ta một vài điều. Tôi mới nói: Hay là có khi bà KHÔNG biết gì cả? Nghe xong ông phải bối rối. Nhưng ông phải nhìn nhận một sự thật. Bà De Rushbridger bị giết chết là vì, nói đúng ra, bà chẳng nói được gì với chúng ta. Bởi bà không dính dáng gì tới chuyện vụ án. Nếu bà hóa thân con cá mồi trong tay ngài Charles – chỉ là một con cá đã chết. Vậy là phu nhân De Rushbridger, một người xa lạ hoàn toàn vô tội, đã bị giết chết…

– Cho dẫu ngài Charles xem đấy là một thành công, thì ngài đã mắc – một sai lầm – thật ấu trĩ! Cái bức điện đó gởi đề tên tôi, Hercule Poirot, địa chỉ khách sạn Ritz. Nhưng bà De Rushbridger chẳng hề hay biết là tôi đang lo điều tra vụ án! Nói đúng ra chẳng có ma nào biết chuyện của tôi. Đó là một sai lầm ấu trĩ không thể tha thứ.

– Mà này, dù sao tôi cũng đạt được một bước có lợi. Tôi đã nắm rõ lai lịch thủ phạm. Nhưng tôi chưa biết vì động cơ nào thủ phạm lại phạm tội.

– Tôi nghĩ cho ra.

– Vậy là một lần nữa, cục diện đã sáng tỏ hơn, tôi nhận ra ngay cái chết của ngài Bartholomew Strange gây ra trước và là một vụ cố sát. Ngài Charles Cartwright viện lý do nào để giết bạn ông? Tôi có thể hình dung ra được động cơ nào giết người chăng? Tôi cho là có thể được.

Có thể thớ ra thật dài. Ngài Charles Cartwright thong thả đứng ngay dậy, ngài bước chậm rãi đến bên bếp sưởi. Ngài dừng lại, tay chống nạnh nhìn về phía Poirot. Trong một tư thế (ông Satterthwaite sẽ nói cho các bạn rõ điểm này) như ngài Bá tước Eaglemount, vẻ khinh khỉnh nhìn ông quan đại tụng đểu giả đang buộc tội lại mình vì tội gian trá. Ngài tỏ ra là một người cao thượng vừa là một người bị chán ghét. Một nhà quý tộc đang ném cái nhìn phân biệt một kẻ tiện dân hèn mạt.

– Ông có trí tưởng tượng thật phong phú, ông Poirot – Charles nói – Ta phải nói là câu chuyện của ông không có được một chút sự thật nào cả. Làm thế nào mà ông dám xấc xược bịa ra những lời lẽ bất nhã hết sức phi lý mà ta không thể hiểu nổi. Ông nói tiếp đi, ta cần nghe thêm. Ông muốn biết do động cơ nào ta giết một người là bạn chí cốt từ thời thơ ấu?

Hercule Poirot, anh chàng trưởng giả, người nhỏ thó đứng đó ngước nhìn nhà quý tộc. Chợt ông cất tiếng dõng dạc nói thật nhanh :

– Thưa ngài Charles, ngài còn nhớ câu ngạn ngữ thường nói “Cứ hỏi mấy bà thì rõ”. Chính chỗ đó là chỗ tôi truy ra động cơ phạm tội. Tôi đã từng bắt gặp ngài đi cùng với nàng Lytton Gore. Chuyện ngài đang yêu cô nàng rõ như ban ngày – yêu với tất cả nhiệt tình nung nấu sôi sục của một người đã đứng tuổi được một cô gái trẻ vô tư khích lệ.

– Ngài đã yêu nàng. Tôi cũng nhìn thấy cô nàng đang yêu ngài như tôn thờ thần tượng. Ngài chỉ cần nói vài lời là nàng ngả vào lòng ngay. Vậy mà ngài lặng thinh. Sao vậy?

– Ngài giả nói cho ông Satterthwaite nghe, ngài là một người ngốc nghếch chẳng biết đáp lại tình yêu của nàng. Ngài giả vờ cho là nàng Lytton Gore đang yêu anh chàng Oliver Manders. Này, ngài Charles, tôi muốn nói, ngài là nhân vật của quần chúng. Ngài là tay chơi sành tâm lý mấy bà. Làm thế nào ngài bị mắc lừa được. Ngài biết rất rõ nàng lo lắng cho ngài. Vậy, thì sao ngài không cưới nàng cho xong? Ngài muốn lắm.

– Vậy thì còn một trở ngại. Trở ngại đó như thế nào? Rõ ràng là ngài đã có vợ. Tôi chưa nghe ai nói ngài đã có vợ. Ngài vẫn còn độc thân. Cái thời còn rất trẻ đã có lần làm lễ cưới – trước rất lâu khi ngài nổi tiếng là một nghệ sĩ trẻ tài năng.

– Vợ ngài giờ ra sao? Nếu bà còn sống, thì sao không ai biết đến? Nếu sống ly thân thì chỉ còn chờ ly dị. Nếu bà là người Công giáo hoặc bà không chấp thuận ly dị, bà vẫn được coi như còn sống ly thân với ngài.

– Nhưng còn hai trở ngại luật lệ không cho phép ly dị. Người vợ đang bị án tù chung thân, hoặc đang bị giam trong nhà thương điên. Trong cả hai trường hợp ngài không thể xin ly dị, chuyện này nếu còn thời trai trẻ chẳng ai để ý đến.

– Nếu đã có người biết chuyện, ngài nên cưới ngay Lytton Gore và đừng cho nàng biết. Nhưng giả sử có người biết -một người bạn đã quen biết ông từ lâu? Như là ngài Bartholomew Strange, một vị bác sĩ đàng hoàng, ngay thẳng. Ngài sẽ thương hại và biết thông cảm hoàn cảnh éo le của ngài, nhưng ông không thể cứ giữ mãi im lặng trước sự việc ông có hai vợ, lấy thêm một cô gái cả tin nhẹ dạ.

– Trước khi ngài định cưới nàng Lytton Gore, thì phải giết ngài Bartholomew Strange…

Ngài Charles phá ra cười :

– Và thêm ông bạn đáng thương Babbington? Ngài mục sư có biết chuyện đó chứ?

– Ban đầu tôi cho là có. Nhưng rồi chợt hiểu ra ngay không đủ chứng cứ củng cố giả thiết. Ngoài ra, mối cản trở ngay lúc đầu còn đó. Ngay cả khi chính tay ngài pha thuốc độc vô ly rượu cocktail, cũng chưa chắc cái ly rượu mang đến đúng ngay vị trí người khách đã chỉ định trước.

– Với tôi đó là một trở ngại. Chợt tôi nghe được một câu nói từ cửa miệng nàng Lytton Gore, đã mở đường cho tôi.

– Cái món thuốc độc đó không nhắm riêng ngài mục sư Babbington mà trúng nhằm vị khách nào cũng được trong số ba người. Đó là nàng Lytton Gore, ngài cẩn thận mời một ly rượu tinh khiết, một ly cho ngài và một cho ngài Bartholomew Strange và ngài phải biết ông không dùng rượu cocktail.

Ông Satterthwaite nói lớn :

– Nhưng chuyện mới là phi lý. Mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu? Không ra đầu đuôi gì hết.

Poirot quay nhìn về phía ông, giọng ra vẻ đắc thắng :

– Ồ, phải đấy, có manh mối đàng hoàng. Có một điểm lạ – rất lạ. Lần đầu tiên trong nghề tôi mới biết ra một cái cớ giết người như vậy. Cái chết của ngài mục sư Babbington không khác gì hơn là buổi diễn tập một vở kịch.

– Thế nào cơ?

– Dạ phải, ngài Charles từng là một diễn viên. Ngài phải đóng vai như thật. Ngài phải dợt thử trước khi ra tay làm thật. Không còn gì đáng phải ngờ cho ngài. Hai nạn nhân bị giết chết, ngài Charles chẳng được gì, hơn nữa ai cũng nhìn nhận ngài không cần phải chứng minh nhằm đầu độc một ai cả. Này, ông bạn, buổi diễn tập vậy là đạt yêu cầu. Mục sư Babbington bị giết chết và không ai còn ngờ đến chuyện bạo lực trong vụ này. Chuyện này xin nhường lại cho ngài Charles, ngài rất hài lòng vì không còn ai đòi hỏi gì hơn nữa. Cái màn tráo ly rượu thực hiện đúng bài bản. Kỳ thực, ngài cứ an tâm cho đến hôm buổi diễn công khai mở màn, khi đó ta sẽ thấy mọi việc đâu vào đấy.

– Các bạn thấy đó, mọi diễn biến đều có lúc xoay vần. Ngay ở vụ án thứ hai ngài bác sĩ xuất hiện ngỡ là bị đầu độc. Lúc đó ngài Charles phải chú ý hơn đến cái chết ngài Babbington. Cái chết ngài Bartholomew Strange có thể suy đoán tiếp theo sau cái chết trước. Lúc đó tất cả đều quan tâm theo dõi động cơ gây ra cái chết ngài Babbington, không còn để ý tới nguyên nhân gây ra cái chết ngài Bartholomew.

– Nhưng còn một manh mối ngài Charles chưa tìm thấy – cặp mắt soi mói dòm ngó của nàng Milray. Nàng biết rõ ông chủ của nàng đang thí nghiệm một số hóa chất trên căn lều xây dựng trong vườn nhà. Nàng Milray trả tiền cho cái món thuốc xịt cây bông hồng, chợt phát hiện một số lượng bị hao hụt. Lúc hay tin ngài Babbington chết do chất nicotine, bộ nhớ trong trí nàng nghĩ ngay tới việc ngài Charles đã trích chiết xuất một loại alcaloid từ cây bông hồng.

– Và nàng Milray không biết cách đối phó, bởi nàng đã quen biết ngài Babbington từ lúc còn nhỏ, nàng đang yêu say đắm ông chủ như một người đàn bà xấu xí biết yêu.

– Cuối cùng nàng quyết định phá hủy đồ trang bị thí nghiệm. Ngài Charles tự mãn công việc đã hoàn thành ngài không cần dùng nữa. Nàng bỏ đi Cornwall tôi bám theo ngay.

Ngài Charles nghe xong lại cười. Hơn lúc nào hết, ngài, một người hào hoa gặp phải tên phản bội đáng ghét.

– Có phải mấy cái món dụng cụ thí nghiệm của ta là bằng chứng để ông buộc tội? – Ngài nói với một giọng điệu kiêu ngạo.

– Không đâu – Poirot đáp – Đây là thông hành của ngài ghi ngày tháng đến và rời khỏi Anh và thêm một bằng chứng nửa là có một người đàn bà ở nhà thương điên Harverton County, tên là Gladys Mary Mugg, vợ ông Charles Mugg.

Egg vẫn ngồi một chỗ lặng thinh – vẻ mặt lạnh lùng. Nàng xê dịch một chút. Nàng thốt ra một tiếng rên khe khẽ – như tiếng than vãn.

Chợt ngài Charles quay lại nhìn vẻ ngạo nghễ :

– Này Egg em chẳng thèm tin một chữ nào của câu chuyện phi lý vô cùng này, phải không?

Ngài bật cười, giơ tay ra.

Egg chậm rãi đứng dậy bước tới như bị thôi miên. Đôi mắt nàng như van lơn, đau đớn, nhìn chăm chăm vô mắt người yêu còn đứng đó. Và rồi vừa lúc nàng đến gần ngài chỉ còn nhìn thấy chập chờn nàng liếc nhìn quanh quẩn như đi tìm một sự bao che.

Chợt nàng thét lớn và ngã quỵ xuống ngay chỗ Poirot đang đứng.

– Có đúng vậy không? Đúng vậy không?

Poirot đặt hai tay trên vai nàng, bàn tay rắn chắc vỗ về :

– Có đúng vậy không, cô em?

Nàng lặng thinh rồi chợt khóc lóc.

Nhìn nét mặt ngài Charles già hẳn đi như gương mặt một lão già.

– Đồ quân chết tiệt. – Ngài nói.

Và trong cái nghề làm diễn viên chưa bao giờ ngài phải thốt ra những lời độc địa như hôm nay.

Ngài quay lại bước ra bên ngoài.

Chợt ông Satterthwaite đứng dậy, Poirot lắc đầu, hai tay ông còn vỗ về người con gái khóc lóc :

– Ông ta sẽ trốn mất. – Ông Satterthwaite báo động.

Poirot lắc đầu :

– Không đâu, ông ta sẽ tìm ra đường thoát thân.

Chợt cánh cửa từ từ hé mở có người vừa tới. Đúng là anh chàng Oliver Manders, không còn cái vẻ ngạo mạn như ngày nào, mặt mũi gã trắng bệch buồn xo.

Poirot cúi xuống gần nàng Egg :

– Này, cô em, – Giọng ông nhỏ nhẹ – có bạn đến đưa em về nhà.

Egg đứng ngay dậy. Nàng vẫn chưa tin là Oliver, nàng bước chập choạng đến gần bên gã.

– Oliver… Đưa em về nhà mẹ. Ồ, anh đưa em về mẹ.

Gã choàng tay qua người nàng dìu ra đến cửa :

– Có ta đây, em ơi, ta đưa em về. Đi ngay.

Nàng Egg lê bước chân hãy còn run rẩy. Oliver và ông Satterthwaite dìu nàng đi. Đến cửa nàng lấy lại bình tĩnh hất ngược đầu về phía sau :

– Em khỏe rồi.

Poirot ra dấu, chàng Oliver Manders quay vô bên trong.

– Lo cho cô ấy nhé! – Poirot dặn dò.

– Tôi nghe rõ, thưa ông. Nàng là người tôi yêu quý nhất trên đời – ông biết mà. Vì nàng tôi phải chịu đắng cay sỉ nhục. Nay tôi đã lột xác. Tôi phải giữ lời thề. Và sau này mà…

– Ta cũng nghĩ như anh. – Poirot nói – Ta cho là nàng còn nghĩ đến anh khi ông ta đến ba hoa với nàng. Tôn sùng thần tượng là một chuyện không hay cho bọn trẻ. Rồi sau này, nàng Egg sẽ gặp được người yêu, xây dựng hạnh phúc trên nền đá tảng.

Ông đứng lại nhìn theo anh chàng bước ra bên ngoài. Ngay lúc đó ông Satterthwaite trở lại.

– Ông Poirot – Ông mở lời – Ông thật là tài tình – phải nói là tài tình nhất trên đời.

Poirot vẫn bình thản nhìn ông :

– Có gì đâu – có gì đâu. Một vở kịch ba màn – giờ đến lúc hạ màn.

– Ông bỏ lỗi cho. – Satterthwaite nói.

– Dạ, ông còn thắc mắc việc gì?

– Một việc thôi, tôi muốn biết được chứ?

– Ông cứ nói.

– Tôi thấy lạ vì sao có lúc ông nói sõi tiếng Anh có lúc lại không?

Poirot cười một mình :

– Ồ, tôi xin thưa, sự thật là tôi có thể nói tiếng Anh đúng như người Ăng-lê. Nhưng, thưa ông, nói sai tiếng Anh cũng có cái lợi. Mọi người sẽ xem thường ông. Họ bảo – người nước ngoài – nói không đúng tiếng Anh. Tôi không có ý làm thiên hạ sợ – tôi thích chọc cười cho vui. Có lúc tôi thích ba hoa! Người dân Ăng-lê thường nói, “Gặp một người bạn hay khoe khoang chẳng giúp được gì ai”. Quan điểm người Ăng-lê là vậy. Không phải lúc nào cũng đúng. Ông thấy đó, tôi làm mọi người mất cảnh giác. Hơn nữa – Ông nói tiếp – đó cũng là thói quen.

– Trời ơi! – Ông Satterthwaite nói – Thật là hiểm độc.

Satterthwaite lặng thinh một hồi, ông ngẫm nghĩ vụ án.

– Tôi chỉ ngại là chưa nắm vững vấn đề này. – Ông nói vẻ bứt rứt.

– Nói ngược lại mới phải. Ông đã hiểu rõ một điểm này – nhận xét của ngài Bartholomew về người quản gia – ông nhìn nhận tài quan sát của nàng Wills. Đáng lẽ ông có thể giải quyết xong vụ này nhưng do khán giả làm rùm beng, bi thảm hóa câu chuyện.

Vẻ mặt ông Satterthwaite sáng rỡ.

Chợt ông nảy ra một ý kiến. Ông há hốc mồm.

– Trời ơi! – Ông nói lớn – Tôi vừa mới hiểu ra. Cái tên quỷ quyệt đó giữ ly rượu tẩm thuốc độc. Ai cũng có thể uống nhầm. Biết đâu đến lượt tôi.

– Hậu quả còn khủng khiếp hơn nếu ông chưa nhận ra được. – Poirot nói.

– Hả?

– Biết đâu là đến phiên tôi. – Poirot nói lời sau cùng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.