Bí Mật Của Một Trí Nhớ Siêu Phàm
Chương 5. Điều này gợi cho tôi nhớ đến…
Cậu bé Danny đi chơi vườn bách thú cùng cha. Khi họ đến chuồng hà mã, Danny dừng lại và nhìn chằm chằm vào con vật một cách sửng sốt.
“Bố ơi, bố nhìn này”, Danny gọi, “Con hà mã này rất giống cô Matilda!” “Con yêu, nói như vậy là bất lịch sự đó”, người cha nói.
“Nhưng bố à”, Danny trả lời, “Con không nghĩ con hà mã hiểu được những điều con đang nói…”
***
Bạn đã bao giờ gặp phải tình huống này chưa? Bạn hào hứng kể với một người bạn về chuyến đi đến đảo Santorini ở Hy Lạp. Bạn miêu tả về các bãi biển có đá bazan đen, đi xe scooter vào thành phố. Bạn vẫn tiếp tục khoe khoang một cách hào hứng về việc bạn có thể mặc cả tiền thuê phòng khách sạn. Bạn cũng miêu tả một cặp vợ chồng người Anh mà bạn gặp ở quán cà phê, và còn nhiều chuyện khác nữa. Khi bạn đang kể lể câu chuyện cảm động này thì người bạn cắt ngang : “Thế cậu có biết Jenny và Andrew sẽ kết hôn không?”…
Câu hỏi này liên quan đến một số thứ đã được nhắc đến. Tình huống này xảy ra ở hầu hết các cuộc trò chuyện. Việc bạn kể lại chuyến tham quan của bạn ở Hy Lạp gợi cho người bạn đó nhớ đến một chủ đề hoàn toàn khác, có liên quan đến một từ ngữ, một câu chữ hay một ý tưởng trong câu chuyện bạn kể.
Có thể là ý nghĩ về Santorini thơ mộng đã gợi cho cô ấy nhớ về một đám cưới. Hay cũng có thể từ “chiếc xe scooter” gợi cho cô ấy nghĩ đến Scotland, nơi Jenny và Andrew dự định sẽ đi hưởng tuần trăng mật.
Khi ai đó bỗng nhiên chuyển sang một chủ đề khác trong cuộc trò chuyện thì điều này chắc chắn là có lý do!
Nếu bạn đột nhiên nhớ ra bạn cần phải trả tiền đỗ xe thì có lẽ bạn vừa tình cờ thấy một bãi xe trống rỗng. Nếu bạn bất ngờ nhớ đến việc phải gọi cho ngân hàng để kiểm tra xem số tiền một triệu đô-la mà bạn trúng xổ số đã được gửi vào tài khoản của bạn hay chưa thì chắc chắn là có điều gì đó đã gợi cho bạn liên tưởng đến nó.
Sự liên tưởng điều khiển trí nhớ của chúng ta. Mọi thứ chúng ta nhớ ra đều được liên tưởng đến một điều gì đó. Sự liên tưởng có thể được thể hiện dưới mọi hình thức và qua tất cả các giác quan.
Khi cậu bé Danny nhìn thấy con hà mã, hình dáng nặng nề, đồ sộ của con vật đã khiến cậu bé liên tưởng đến bà cô quá khổ của mình.
Nếu bạn tình cờ gặp người đàn ông có hàng ria mép nhỏ, màu đen thì chắc hẳn bạn sẽ liên tưởng đến Charlie Chaplin. Cũng chính vì ldo này mà có thể bạn sẽ gọi Bill, nhân viên mới vào làm, là Simon. Bởi vì anh ta nhìn rất giống với Simon mà bạn biết.
Nếu ai đó yêu cầu bạn vẽ bản đồ của nước Bỉ và Phần Lan, có thể bạn không nhớ cho dù bạn đã nhìn thấy hình dáng tổng thể của chúng trên tập bản đồ thế giới. Tuy nhiên, nếu người ta yêu cầu bạn vẽ bản đồ của nước Italia thì bạn có thể vẽ được. Tại sao vậy? Bởi vì, có thể trước đó bản đồ của đất nước này đã khiến bạn chú ý vì nó có hình một chiếc ủng.
Một câu hỏi để ngỏ ở chương trước là: Khi nào thì chúng ta chú ý? Và đây là câu trả lời: Khi nó được liên tưởng đến một điều gì đó tương tự.
Sự liên tưởng cũng liên quan đến các giác quan khác. Bài quốc ca làm cho bạn nhớ đến trận tranh chức vô địch của Liên đoàn bóng đá Hoa Kỳ. Một bài hát nhẹ nhàng của Elvis Presley, Bee Gees hay George Michael có thể gợi cho bạn nhớ lại những kí ức của quá khứ như: tình yêu đầu đời, những năm tháng thời niên thiếu, và thậm chí cả những người đã hâm mộ các ca sĩ này.
Mùi hương cũng gợi nhớ mạnh mẽ đến kí ức. Mùi mưa vào mùa thu có thể khiến bạn nhớ lại ngày đầu tiên đến trường. Mùi thơm của hoa tử đinh hương làm bạn nhớ tới một buổi đi dạo. Mùi của một loại kem chống nắng tạo ra cảm giác tự do cho nhiều người và dễ gợi nhớ đến kì nghỉ hè ở bãi biển.
Sự liên tưởng giúp chúng ta nhớ đến những điều mà chúng ta thậm chí không chủ định nhớ. Vì thế, nguyên tắc cơ bản là tạo ra sự liên kết mang tính liên tưởng đến những thứ mà chúng ta thật sự muốn nhớ.
Hãng Nike trả hàng triệu đô-la cho Tiger Woods để quảng cáo cho các sản phẩm của công ti. Đó không chỉ là sự hợp pháp hóa “Đây này, những tay gôn cừ nhất cũng đang sử dụng giày của chúng tôi”. Mục đích là để cho tất cả mọi người trên thế giới khi xem Tiger Woods chơi sẽ nhớ ngay đến hãng Nike, dù chỉ là vô tình.
Các siêu thị có quầy bánh mì phải đảm bảo rằng lò nướng bánh được đặt ở phía trước, nơi bạn có thể nhìn thấy, chứ không phải nằm ở một góc khuất nào đó. Họ làm vậy là để cho mùi thơm ngon của chiếc bánh vừa mới ra lò kết nối với các tế bào thần kinh trong bạn. Họ đang thực hiện mục đích của họ là xúi giục bạn mua bánh.
Bạn đã nghe nói đến thí nghiệm của Pavlov chưa? Bất kì ai đã nghe cũng có thể được gợi nhớ bởi sự liên tưởng đến một con chó đang nhỏ dãi.
Pavlov giới thiệu với toàn thế giới bằng chứng về việc bộ não hoạt động dựa trên cách thức tập luyện dần dần và sự liên kết. Trong thí nghiệm nổi tiếng của mình, Pavlov đã chứng minh được rằng điều này là có thể, bằng phương pháp học tập và rèn luyện, chúng ta có thể liên kết hai thứ chẳng hề liên quan đến nhau, thậm chí là không có bất cứ sự tương đồng nào.
Như chúng ta đã nói, cách ghi nhớ là tạo ra cách thức tập luyện dần dần và liên kết các liên tưởng tương tự như các Pavlov đã làm. Vậy làm cách nào để chúng ta làm được điều này? Bạn sẽ ngay lập tức nhận thấy trí nhớ của bạn đã tiến triển một cách đáng ngạc nhiên.
Sự liên kết cơ bản – phương pháp liên tưởng
Theo bản năng, hầu hết chúng ta thường phải sử dụng sự hỗ trợ để ghi nhớ mọi thứ.
Chẳng hạn, đeo đồng hồ vào tay kia, hay thắt một dải ruy-băng vào vị trí khác thường để nhắc nhở ta rằng ta phải gọi điện cho một người bạn.
Để nhớ mã số thể cá nhân ATM, nhiều người sử dụng đến cách liên tưởng. Ví dụ, muốn nhớ đến năm 1992, chúng ta có thể liên tưởng đến một sự kiện mà chúng ta đã trải qua vào năm này ; hay có thể số 19 nhắc chúng ta nhớ đến sinh nhật ai đó vào ngày 19 tháng 4, và số 92 liên quan đến mẫu xe ô tô…
Tuy nhiên, liệu chúng ta có thể nhớ được những thứ không có gì tương đồng hay liên quan đến những thứ chúng ta biết hay không?
Dịch vụ cứu hộ của chúng ta có một đặc điểm riêng biệt khiến chúng tôi khác hẳn với các hệ thống máy tính – đó là khả năng tưởng tượng. Xét ở mọi khía cạnh thì một chiếc máy vi tính không thể tưởng tượng. Trái lại, chúng ta có một trí tưởng tượng phong phú phát triển tới mức độ tận dụng mọi giác quan có thể. Người Hy Lạp cổ đại đã biết được rằng một bộ nhớ chức năng cần dựa vào hai yếu tố: sự liên tưởng và sự tưởng tượng.
Tất cả những phương pháp và kĩ thuật được phát triển sau này đều dựa trên hai yếu tố này. Hay nói cách khác, với tất cả những điều bạn muốn nhớ, bạn phải liên tưởng chúng với những điều mà bạn đã biết. Bạn thực hiện điều này bằng trí tưởng tượng của mình.
Tôi cho rằng một người với trí nhớ không được rèn luyện thì không thể nhớ được một danh sách gồm mười đồ vật theo thứ tự sau khi nghe hay đọc chỉ một lần. Có lẽ bạn chỉ có thể nhớ một danh sách như vậy trong vài phút.
Mục đích của tôi là chứng minh cho bạn thấy việc nhớ theo cách mà bạn chưa từng làm trước đó là điều có thể! Tất cả những gì bạn phải làm ngay bây giờ là tăng tốc cho “cỗ máy” tưởng tượng của bạn. Chắc lúc này bạn đang tưởng tượng ra những hình ảnh hài hước, ngớ ngẩn và phi lí mà bạn chưa từng nghĩ đến.
Hãy chú ý vào danh sách sau :
Giường, cá, chậu hoa, quả dưa hấu, cây nến, chảo rán, quả cam, ô tô, con chó, áo sơ-mi.
Bây giờ, hãy kiểm tra thật tỉ mỉ những thứ ghi trong danh sách vì chúng ta đã có trong đầu hình ảnh của mỗi vật. Mục đích là để tạo ra sự nối tiếp nhau của các hình ảnh có liên quan và nhắc chúng ta nhớ đến những hình ảnh khác. Chẳng hạn, khi tôi bảo bạn tưởng tượng một chiếc ô tô, thì bạn cần phải biết chiếc ô tô chúng ta đang nói đến thuộc loại xe gì. Đó là xe Buick hay Mazda? Nó màu trắng hay màu bạc? Nó có cửa cuộn xuống phải không?
Nếu bạn tưởng tượng một cốc nước thủy tinh, bạn sẽ thấy gì? Đó là một cốc nước cao hay thấp? Dày hay mỏng? Có tay cầm không?
Tôi sẽ đưa ra một ví dụ cho bạn thấy sức mạnh của trí tưởng tượng. Bạn hãy đọc đoạn văn miêu tả sau. Nếu có ai đó bên cạnh bạn thì tốt nhất bạn nhờ họ đọc nó, còn bạn nhắm mắt và tưởng tượng:
Bạn đang cầm một cốc xi-rô bọt. Bạn hãy sờ tay vào để cảm nhận chất mịn màng mà thô ráp này. Hãy ấn nhẹ vào thành cốc, bạn sẽ thấy chúng co giãn dễ dàng bên trong như thế nào. Đừng làm vỡ chiếc cốc! Hãy để nó trên quầy bếp. Mở một hộp cà phê mà bạn yêu thích. Thưởng thức hương vị khiến bạn say sưa. Bây giờ, bạn hãy lấy một thìa bạc sáng bóng đựng đầy hạt cà phê rồi nhẹ nhàng đổ thìa cà phê đó vào cốc. Hãy lắng nghe tiếng loong coong của những hạt cà phê khi chúng rơi xuống đáy cốc. Sau đó, bạn rót nước sôi vào từ ấm điện và hãy lắng nghe âm thanh nước chảy vào cốc. Hãy quan sát bong bóng và bọt được tạo ra khi các hạt cà phê giãn nở.
Tiếp theo, bạn mở một lọ muối (phải, chính xác là một lọ muối) và lấy một ít cho vào trong cốc. Dùng thìa quấy đều cho muối tan trong nước rồi đưa cốc nước lên miệng. Hãy nhìn hơi nước bốc lên từ cốc. Hãy nhấp một ngụm nhỏ chất lỏng có muối này xem.
Các cơ miệng của bạn có co lại vì mùi vị kinh khủng này không? Bạn có cảm thấy mình không chịu đựng nổi vị mặn này không? Bạn muốn tống khứ cái vị kinh tởm này ra khỏi miệng chứ gì?
Sự khác biệt giữa tưởng tượng và thực tế là rất nhỏ. Cơ thể thường phản ứng lại một hình ảnh tưởng tượng sắc nét như trong hiện thực. Phản ứng của chúng ta thường theo bản năng. Chẳng hạn, khi xem một bộ phim kinh dị, cơ thể chúng ta sẽ toát mồ hôi, run lên và thu lại như thể chúng ta đang trải qua thực tế vậy.
Còn bây giờ, chúng ta sẽ học cách nhớ danh sách các thứ được liệt kê. Hãy xem nó như một bài tập vui hay một trò chơi của trẻ con.
Việc đầu tiên bạn phải làm là tưởng tượng ra từ “chiếc giường”. Chúng ta đều biết chiếc giường trông như thế nào, đơn giản là bạn hãy tưởng tượng ra chiếc giường trong nhà mình. Ngay lập tức hãy hình dung ra cái khung, đệm hay ga trải giường. Bạn phải cố gắng hình dung ra một hình ảnh rõ nét.
Từ tiếp theo chúng ta cần nhớ là “con cá”. Đây là lúc chúng ta thực hiện bước đầu tiên với một trí nhớ được rèn luyện. Chúng ta sẽ tạo ra mối liên hệ giữa từ thứ nhất, “chiếc giường”, là từ đã được ghi vào trong trí nhớ của ta, với từ thứ hai mà ta muốn nhớ – “con cá”.
Mối liên hệ giữa hai hình ảnh phải thật khác lạ và buồn cười. Ví dụ, hãy tưởng tượng có một con cá KHỔNG LỒ, ĐẪM NƯỚC, BỐC MÙI HÔI THỐI KHINH KHỦNG đang nằm ngủ trên chiếc giường yêu quý của bạn, thật khủng khiếp phải không?! Rất tốt. Đây là hình ảnh sẽ khiến bạn nhớ mãi.
Lý do tôi yêu cầu bạn hình dung ra những hình ảnh khác lạ và buồn cười là vì con người thường có xu hướng nhớ những thứ khác lạ và vô lí tốt hơn. Một hình ảnh theo logic không khiến chúng ta chú ý, nên ta không “giữ” được nó trong trí nhớ.
Từ tiếp theo là “chậu hoa”. Bạn hãy tưởng tượng một con cá ngừ khổng lồ, đông lạnh đang bị mắc kẹt trong một chậu hoa nhà bạn. Đầu con cá thì cắm sâu trong đất còn đuôi của nó đang quẫy quẫy trong không trung. Thậm chí bạn còn có thể dùng tay “sờ” vào thân ướt nhẹp và nhầy nhụa của nó. Hãy cố gắng ngửi mùi của nó… Bạn đã hình dung được hình ảnh này trong đầu chưa? Chúng ta tiếp tục nhé!
Tiếp theo là từ “quả dưa hấu”. Bạn hãy tạo ra mối liên kết mới giữa “chậu hoa” và “quả dưa hấu”. Hãy tưởng tượng thế này, bạn có một quả hình chậu hoa. Nó hình tròn, màu xanh, phía trên có một nắp mở, và toàn bộ phần ruột đỏ bên trong đã được bỏ đi. Bên trong nó thay vì có đất màu nâu để trồng cây cảnh, thì nó lại được trang trí bằng rất nhiều hoa. Nếu bạn muốn, hãy đặt chậu hoa kì lạ này bên cạnh con cá. Tôi xin lỗi khi phải liên tục nhắc bạn là phải hình dung hình ảnh cụ thể đó trong đầu. Tuy nhiên, bạn cũng không nhất thiết phải tập trung trong 15 phút để tìm ra những hình ảnh buồn cười nhất. Hãy ghi lại hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu bạn. Nếu bạn nghĩ đến hai hình ảnh thì hãy “chụp lại” hình ảnh có ấn tượng mạnh hơn, nghĩa là hình ảnh kì lạ hơn.
Từ tiếp theo là “cây nến”. Chúng ta sẽ liên kết “quả dưa hấu” với “cây nến”. Điều này thật đơn giản! Hãy tưởng tượng một cây nến dài bị mắc kẹt trong quả dưa hấu, hay một quả dưa hấu khổng lồ hình cây nến với sợi bấc ở trên đầu. Tất nhiên, đó chính là quả dưa sáp mà chúng ta đang nói.
Tiếp theo là từ “chảo rán”. Như đã nói, chúng ta sẽ liên kết nó với từ “cây nến”. Hãy hình dung một cây nến có tính nghệ thuật dùng để rán trứng. Chúng ta lấy chảo rán, đặt nó lên phía trên cây nến trong phòng khách và rán trứng. Hãy tưởng tượng ngọn nến leo lét kia bỗng nhiên bùng cháy.
Chúng ta sẽ tiếp tục với từ “quả cam”. Hãy coi chiếc chảo rán như chiếc vợt tennis, dúng nó đánh cho hàng trăm quả cam nảy khắp nơi. Hãy nhìn xem những quả cam đụng vào làm hư hỏng mọi thứ xung quanh ngôi nhà; một quả đụng vỡ bình hoa, một quả khác đập trúng chiếc đèn,…
Bạn đừng cố gắng nhớ tất cả những từ đã đưa ra, mà chỉ nên tập trung vào hình ảnh tôi đang miêu tả với bạn mà thôi.
Với từ “xe hơi” – hãy tưởng tượng bốn quả cam khổng lồ được dùng làm bánh xe của một chiếc Mercedes khác thường. Hãy để ý khi chiếc xe đang phóng trên đường với bốn quả cam. Hãy chú ý đến sự khác biệt rõ ràng giữa quả cam được bơm căng lốp và thân xe màu bạc được thiết kế với phong cách uy thế.
Để liên kết từ “xe hơi” với “con chó”, hãy tưởng tượng có một chú chó bun đang ngồi bên trong chiếc Mercedes với một chân trước đặt trên vô-lăng, còn chân trước kia ngẫu nhiên đặt trên cửa ô tô. Bạn hãy chú ý đến vẻ mặt hợm hĩnh của chú chó này (hay bất kì con chó nào khác mà bạn muốn).
Chúng ta đi đến từ cuối cùng là từ “váy”. Hãy hình dung bạn đang đi trên đường, đột nhiên bạn nhìn thấy một chú chó béc-giê của Đức mặc một chiếc váy màu hồng xinh xắn. Chiếc váy đang bay bay trong gió (dường như nó bị khủng hoảng giới tính trầm trọng, nếu không nó đã mặc quần jeans như những chú chó khác vẫn mặc…).
Như vậy, chúng ta vừa hoàn thành xong danh sách. Bây giờ hãy xem bạn nhớ được những gì.
Từ đầu tiên là “chiếc giường”. Sau này, để nhớ từ này trong một danh sách nào đó, ta có thể liên tưởng nó với một thứ cố định khác như cái đầu của ta chẳng hạn. Trong trường hợp này, chúng ta tưởng tượng mình đang giữ cho chiếc giường thăng bằng trên đầu (giống như phụ nữ giữ thăng bằng chiếc túi to trên đầu). Tiếp tục nhé!
Chúng ta nhớ lại xem cái gì đang ngủ trên giường của chúng ta?
Một “con cá” ướt nhẹp, khổng lồ.
Con cá này bị mắc kẹt ở đâu?
Trong đồ vật thứ ba… “chậu hoa”.
Và chậu hoa này có gì đặc biệt…? Nó có hình dáng như một quả “dưa hấu”.
Và rồi quả dưa này lại không phải là quả dưa; nó thực ra là một “cây nến”!
Rồi cây nến này phát ra một ngọn lửa lớn dùng để đun nóng…? Đun nóng “chảo rán”.
Với chiếc chảo rán này, chúng ta đã chơi tennis bằng cách dùng “quả cam” thay cho quả bóng.
Bốn quả cam thay thế cho báng xe “ô tô”.
Ai lái xe? Một “chú chó”!
Sau đó, ta nhìn thấy một chú chó khác đang đi dạo trên đường, nó mặc gì? Một chiếc “váy”! (Tôi đang nói về những con chó ngày nay…)
Bạn vừa nhớ một danh sách gồm mười thứ! Bây giờ hãy viết lại danh sách này mà không cần sự chỉ dẫn của tôi.
………………………………………………………………………………………………………….
Nếu bạn có lỡ quên một vật nào đó thì cũng không nên mất niềm tin. Vì điều đó chỉ có nghĩa rằng sự liên tưởng bạn tạo ra chưa hiệu quả và hình ảnh đó chưa được ghi đầy đủ vào trí nhớ của bạn mà thôi. Bạn hãy tăng cường cho sự liên kết lỏng lẻo này bằng cách sử dụng những hình ảnh hiệu quả hơn và luyện tập lại. Tôi tin rằng bạn có khả năng nhớ phần lớn danh sách này cũng như các thông tin liên quan khác.
Bạn có nhớ chiếc xe ô tô thuộc hãng nào không?
Xe Mercedes…
Con chó đang lái chiếc xe thuộc loại chó gì?
Chó bun…
Hầu hết chúng ta được đào tạo để suy nghĩ một cách logic, nhưng ở đây tôi lại yêu cầu các bạn tạo ra những hình ảnh vô lí. Có thể một vài người trong số các bạn sẽ thấy thật khó khăn để nghĩ ra những hình ảnh như vậy nhưng chỉ sau vài lần, bạn sẽ thấy rất dễ dàng nghĩ ra những hình ảnh vô lí đó. Dưới đây là một số nguyên tắc đơn giản giúp bạn tạo ra những liên tưởng mạnh mẽ, hiệu quả:
1. Tưởng tượng mọi thứ một cách thiếu cân đối, hay nói cách khác là những thứ quá nhỏ hay quá lớn (một con cá khổng lồ đang ngủ trên giường).
2. Tưởng tượng chúng đang trong trạng thái hoạt động (một chiếc xe Mercedes đang phóng đi trên đường với bốn quả cam).
3. Chuyển tiếp giữa hai vật (quả dưa hấu thay cho chậu hoa).
4. Phóng đại số lượng vật nói đến (hàng trăm quả cam đang bay tứ tung).
5. Sử dụng tất cả các giác quan:
Nhìn – tận dụng những màu sắc sặc sỡ (quả cam thay cho bánh xe, một cây nến sáng bị mắc kẹt trong quả dưa).
Nghe – hãy lắng nghe âm thanh những quả cam va đập vào chiếc chảo rán.
Ngửi – ngửi mùi cá.
Nếm – nếm con cá khi nó vẫn đang còn sống và chưa được nấu chín.
Chạm – chạm vào vỏ nhẵn nhụi của quả dưa hấu, vỏ sần sùi của quả cam…
Và quan trọng nhất – tạo ra những hình ảnh buồn cười và khác lạ nhất có thể.
Trong chương sau, bạn sẽ tiếp tục học các cách ứng dụng khác của phương pháp liên tưởng. Chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng của nó trong việc nhắc nhở thời gian biểu hàng ngày cho chúng ta, thấy được nó có ích như thế nào khi ta muốn nhớ các bài diễn thuyết hay tài liệu,… Nếu bạn muốn áp dụng ngay phương pháp liên tưởng, bạn có thể dùng nó để ghi nhớ danh sách mua đồ hay chứng minh cho bạn bè thấy trí nhớ tuyệt vời của bạn khi họ đọc một danh sách có 20 đến 30 thứ thì tất nhiên, bạn vẫn có thể nhắc lại danh sách đó từ đầu đến cuối hay ngược lại.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.