Câu chuyện thật là tế nhị, thưa ông Poirot.
Một nụ cười thoáng trên môi của nhà thám tử. Anh cố giữ để khỏi thốt thành lời: “Bao giờ cũng thế “.
Nhưng anh vẫn giữ bộ mặt kiểu cách và chăm chú nghe một cách dễ mến.
Ông George Conway tiếp tục nói một cách nặng nề. Những câu nói tới với ông một cách dễ dàng và đầy hình ảnh: câu chuyện thật là tế nhị của chính phủ, lợi ích công cộng… sự đoàn kết của đảng… Sự cần thiết phải thể hiện một mặt trận thống nhất… quyền của báo chí… sự phồn vinh của đất nước.
Tất cả những cái đó đều rất tốt… nhưng chúng cần phải được nói nhiều đến thế ư? Hercule Poirot cảm thấy quai hàm của mình sự đau đớn vì không thể ngáp được.
Anh cố kiên tâm. Ông George Conway rất có cảm tình với anh. Rất đúng là ông ta muốn tiết lộ với anh một điều gì đó, nhưng ông quên mất nghệ thuật nói chuyện đơn giản. Với ông lời nói không phải là cách làm sáng tỏ vấn đề mà là bưng bít nó.
Cuối cùng anh đỏ mặt ném một cái nhìn thất vọng sang một người đang ngồi ở đầu bàn: ông Edward Ferrier.
– Rõ rồi George – Ông Ferrier cắt ngang – Tôi sẽ nói tiếp.
Hercule Poirot rời mắt khỏi ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, quay sang nhìn ông Thủ tướng. Anh rất quý Edward Ferrier nhất là anh đã được một cụ già tám mươi hai tuổi nói đến ông. Giáo sư Fergus Mac Leod sau khi thoát khỏi một tai nạn trong khi nghiên cứu một loại hóa chất. Đã có thời gian chuyển sang hoạt động chính trị. Khi ông John Hemmett danh tiếng và rất bình dân về nghỉ hưu, người ta đã yêu cầu người con rể ông là Edward Ferrier đứng ra lập nội các. Là một nhà chính trị thì ông này còn quá trẻ, chưa đến năm mươi tuổi. Ferrier là một trong những học trò của tôi, ông Mac Leod đã nói như vậy. Đó là một con người trong sạch.
Chỉ có thế thôi, nhưng đối với Poirot thì đã là đủ. Sự tín nhiệm của công chúng đã xác nhận trong sự đánh giá đó đối với người đã cưới con gái của John Hammett, người được mọi người dân Anh quốc thương mến. Ông có những phẩm chất nói lên: “Người ta công nhận Hammett là lương thiện”. Mọi người còn nhớ những mẩu chuyện về cuộc sống gia đình của ông. Hơn nữa khi người nói đến cái ô của Chamberlain (Arthur Neville Chamberlain (1869-1940) Thủ tướng nước Anh 1937-1940) thì người ta cũng nói đến cái áo đi mưa của Hammett, cái áo mà ông không bao giờ rời bỏ, một biểu tượng của khí hậu nước Anh.
Hơn nữa ông lại có oai phong. Cao lớn, luôn đi thẳng người, tóc vàng, mắt xanh. Mẹ ông là người Đan Mạch. Là người đứng đầu Bộ Hải quân trong nhiều năm nên người ta gọi ông ta là “Viking”. Nước Anh đã run lên khi thấy ông nghỉ hưu vì lý do sức khỏe. Ai là người sẽ ngồi vào chỗ của ông? Cả nước thở phào nhẹ nhõm khi biết người đó là Edward Ferrier, người con rể lý tưởng của ông. Hercule Parker ngắm con người trầm tĩnh, có giọng nói nghiêm trang dễ nghe, đang ngồi trước mặt mình. Hơi gầy, ông có vẻ mệt mỏi.
– Ông Poirot, ông có biết tờ tuần báo “Những tia X” không?
– Thỉnh thoảng tôi cũng đọc nó – Poirot vẻ khó chịu, thừa nhận.
– Thế ông có biết nó được dùng vào việc gì không – Ông Thủ tướng nói – Một phần phỉ báng, một phần ám chỉ ít nhiều ẩn ý những bí mật quốc gia có phần đúng, có phần là bịa đặt, tất cả được dùng với vẻ hoa mĩ… Từ nửa tháng nay tờ báo ấy đã báo trước cho độc giả một sự khám phá lớn về một vụ bê bối nhất hạng trong giới chính trị cấp cao nhất, về những phát giác đáng ngạc nhiên về những thối nát và những vụ biển thủ công quỹ.
Hercule Poirot nhún vai.
– Đó là mánh lới thường thấy. Cái ngày bị lật tẩy, độc giả thấy rõ thì họ sẽ hoàn toàn thất vọng.
– Lần này thì sẽ không có chuyện đó – Ferrier đáp lại một cách khô khan.
– Ông đã biết tính chất của những sự phát giác đó chứ?
– Gần như là chính xác.
Edward Ferrier yên lặng một lúc trước khi giải thích một cách chậm chạp và thận trọng.
Câu chuyện ông kể không có gì đặc biệt. Việc xảy ra vẽ lên một ông cựu Thủ tướng không hay ho gì. Người ta tố cáo ông đã biển thủ quỹ của đảng, là một kẻ lừa bịp, lợi dụng hoàn cảnh để vơ vét cho cá nhân.
Ông Thủ tướng im lặng và cuối cùng ông Bộ trưởng Nội vụ gầm lên.
– Thật là ghê tởm! – Ông quát to – Ghê tởm! Thằng bất lương, cái thằng giẻ rách Perry ấy cần mang xử bắn đi.
– Như vậy có nghĩa là những lời tố cáo ấy sẽ được dùng trong tờ Những tia X phải không? Poirot hỏi.
– Phải.
– Ông sẽ sử dụng những biện pháp đề phòng nào?
– Những cái đó sẽ hình thành lời tố cáo chống lại John Hammett – Ferrier chậm rãi nói – Ông có thể chống lại tờ báo bằng cách kiện về tội phỉ báng.
– Liệu ông ấy có làm như thế không?
– Không! Đúng là những kẻ đó muốn như vậy. Báo sẽ phát hành với một số lượng lớn. Mọi việc đã được phơi ra dưới ánh sáng của những ngọn đèn chiếu cực mạnh.
– Lần này nếu chúng thua thì chúng phải trả một giá rất đắt.
– Chúng không thể thua được! – Ferrier trả lời bằng giọng âm thầm.
– Tại sao?
– Theo tôi… – ông George bắt đầu nói.
Nhưng Ferrier đã cắt ngang lời.
– Vì họ đã có ý định công bố… Đúng như vậy.
– Edward thân mến! – Ông George kêu lên, bực mình một cách rõ ràng, ít có tính chất nghị viện.
Một nụ cười thoáng hiện trên đôi môi của Ferrier.
– Khốn nỗi, George, có lúc sự thật cần được nói ra. Đây là trường hợp này.
– Ông hiểu cho, ông Poirot, tất cả những chuyện này đều là tuyệt mật. Không một lời nào – Ông George bối rối nói.
– Ông Poirot hoàn toàn hiểu rõ – Ferrier nói xen vào – Nhưng có thể ông ấy không hiểu đảng Nhân dân đang bị thử thách. John Hammett tức là đảng. Đối với nhân dân Anh, ông ấy tượng trưng cho sự trong sạch, sự thật thà. Chúng tôi không có quá khứ tốt đẹp để trở thành những con người nổi bật, nhưng có thanh danh để làm chúng tôi thành những người thật thà. Và điều bất hạnh muốn rằng người đứng đầu của chúng tôi, người thật thà của nhân dân, trở thành một kẻ bất lương tồi tệ trong thế hệ của mình.
Một lần nữa ông George lại gầm lên.
– Ông không hiểu gì về chuyện này hay sao? Poirot hỏi.
Nụ cười buồn rầu hiện lên trên nét mặt mệt mỏi của ông Thủ tướng.
– Có thể là ông không tin tôi, nhưng cũng như những người khác, tôi đã bị lợi dụng. Tôi không hiểu thái độ lạ lùng của vợ tôi đối với thân phụ mình… bà ấy biết rõ tính nết của ông cụ. Chúng tôi đã buộc ông cụ phải nghỉ việc vì lý do sức khỏe, nhưng chúng tôi cũng đã thấy trước. Rồi chúng tôi bắt tay vào quét dọn…
– Những chuồng bò của Augias – Ông George càu nhàu. (Theo thần thoại Hy Lạp thì Augias, con trai thần mặt trời, có một chuồng chăn nuôi súc vật nhiều năm không được coi sóc. Hercule phải đào hai nhánh sông vào chuồng bò để quét dọn – ND )
Poirot hơi giật mình.
– Nhưng công việc thật là quá sức với chúng tôi – ông Ferrier tiếp tục nói – Khi những sự việc được đưa ra công khai, cả nước sẽ quay lưng lại với chúng tôi. Chính phủ sẽ đổ. Everhard và đảng của hắn sẽ lên nắm quyền. Ông biết cái chính trị của Everhard là như thế nào không? Hắn khôn khéo nhưng tàn bạo, hiếu chiến và không biết tự giới hạn mình. Những người ủng hộ chúng thì bất lực và nhu nhược… cái đó sẽ dẫn đến sự chuyên chính.
– Chỉ cần bóp nghẹt được tất cả những cái đó! – Ông George nói.
Ông Thủ tướng lắc đầu một cách chậm chạp.
– Ông không tin là những cái đó có thể xảy ra chứ? – Poirot hỏi.
– Ông Poirot, tôi mời ông tới vì ông là niềm hy vọng cuối cùng của tôi. Công việc rất quan trọng, rất nhiều người biết, khó mà nghĩ đến việc bưng bít nó đi. Dùng bạo lực ư? Mua chuộc ư? Không thể được và rất vô ích. Ông Bộ trưởng Bộ nội vụ đã ví nó với những chuồng bò của Augias. Phải, cần có một dòng nước sông tràn nước… một sự kỳ lạ.
– Ông cần đến một Hercule – Poirot hài lòng xác nhận – Hercule là tên tôi, ông không nên quên…
– Ông có thể tạo ra được những điều kỳ lạ ư, ông Poirot?
– Chắc rằng ông đã cho điều ấy là có thể vì ông cho gọi tôi đến.
– Đúng như vây… Tôi nghĩ rằng sự cứu giúp, nếu có, không thể nào tới bằng những biện pháp thông thường, John Hammett là một kẻ bịp bợm. Liệu người ta có thể xây dựng được một ngôi nhà trên một nền móng mục nát không? Tôi không biết. Nhưng tôi cố thử. Ông cười với vẻ cay đắng – Những nhà chính trị, rõ ràng là như vậy, muốn yên vị bằng những lý do chính đáng.
Hercule đứng lên.
– Thưa ông – Anh nói – Theo kinh nghiệm thì tôi ít thích những nhà chính trị. Nếu John Hammett có ý đồ ấy với họ, tôi sẽ không ra tay. Nhưng với ông, tôi hiểu điều mà một nhà bác học đương thời đã nhận xét. Ông là một người trong sạch. Tôi sẽ làm việc này với năng lực của tôi.
Anh cúi đầu chào và rời khỏi phòng.
– A! Như thế đấy, đột ngột làm sao – Ông George kêu lên.
– Đó là một lời khen – Ông Edward Ferrier nói.
Khi Poirot đang bước xuống cầu thang thì một người đàn bà tóc vàng, cao lớn đến trước mặt anh.
– Thưa ông Poirot, xin ông vui lòng quá bộ tới chỗ tôi, được không?
Anh đi theo bà vào một căn phòng. Bà cẩn thận đóng cửa phòng lại. Bà chỉ cho anh một chiếc ghế và mời anh một điếu thuốc.
– Ông vừa gặp chồng tôi, phải không? – Bà nói bằng giọng bình tĩnh – và ông ấy đã cho ông biết câu chuyện liên quan đến cha tôi.
Poirot nhìn bà với vẻ chăm chú. Bà ta xinh đẹp, nét mặt bà lộ ra là con người có tính cách và thông minh. Là phu nhân của Tổng thống, đó là một bộ mặt bình dân, là nghĩa nữ của John Hammett, bà ta lại càng bình dân hơn.
Đó là một người vợ quên mình, một người mẹ tinh ý. Bà quan tâm đến cuộc sống hàng ngày trong vai trò một người phụ nữ. Bà ăn mặc đẹp nhưng không phải là theo mốt mới nhất. Bà tham gia nhiều công tác từ thiện và bà có chân trong chương trình giúp đỡ vợ con của những người thất nghiệp. Dân trong nước kính trọng và yêu mến bà. Đó là một trong những con chủ bài của đảng.
– Chắc bà đã phải đau khổ nhiều, thưa bà – Poirot nói.
– Ồ! Vâng… ông không thể biết như thế nào đâu. Đã nhiều năm nay, tôi đã sợ… một cái gì đó xảy ra.
– Bà không biết rõ đó là chuyện gì ư?
– Không, không hiểu chút nào. Tôi chỉ biết rằng thân phụ tôi không phải… như cái mà người ta đã tưởng. Từ khi còn rất trẻ tôi đã biết rõ… đó là một kẻ lừa dối.
Giọng bà bắt đầu run lên:
-… Gả tôi cho Edward… và Edward bắt đầu mất tất cả.
– Thưa bà, bà có những kẻ thù chứ? – Poirot bình tĩnh hỏi.
Bà ta nhìn anh một cách ngạc nhiên:
– Kẻ thù ư? Tôi không tin.
– Tuy nhiên tôi thì tôi tin là có đấy – Poirot trầm ngâm nói.
Và anh bắt đầu nói với vẻ sôi nổi:
– Bà có can đảm không, thưa bà? Người ta đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh chống lại chồng bà… cả bản thân bà nữa. Bà cần sửa soạn một sự chống lại.
– Đối với tôi thì chẳng có gì là quan trọng cả! – Bà kêu lên – Chỉ có Edward phải đề phòng mà thôi!
– Nói người này tức là người ta nói người khác. Thưa bà, bà nên nhớ là vợ của một vị Hoàng đế đấy.
Anh thấy mặt bà tái nhợt
– Ông định nói gì với tôi đây? – Bà ta nói và cúi đầu về phía anh.
° ° °
Percy Perry, chủ bút tờ Những tia X, ngồi trước bàn giấy khói thuốc bay nghi ngút.
Hắn người nhỏ thó và có cái đầu như đầu con chồn.
– Phải – Hắn nói bằng giọng êm dịu nhưng nhớp nhúa – Người ta sẽ cung cấp cho chúng những thứ rác thải. Chúng sẽ có những cái đó! Thật là thú vị phải không ông bạn.
Người trợ lý trẻ tuổi của hắn, đeo kính mát, nhìn hắn với vẻ lo ngại.
– Ông không nóng nảy đấy chứ? – Anh ta hỏi lại.
– Anh chờ một sự phản ứng bằng bạo lực ư? Không sợ gì cả. Không ai có gan làm thế đâu. Hơn nữa, làm như vậy thì họ đạt được gì? Bây giờ thì người ta đã chuẩn bị tất cả rồi, ở lục địa này cũng như ở châu Mỹ nữa.
– Họ sẽ phải lăn lộn trong cái thùng nhào bột. Nhưng họ cũng phải làm một cái gì chứ?
– Chắc chắn là như thế, họ sẽ phải cử một người đến thương lượng một cách nhũn nhặn…
Cùng lúc ấy chuông điện thoại reo lên. Percy Perry nhấc máy.
– Ai vậy? Được, cho vào.
Hắn đặt máy, cười nửa miệng.
– Họ giao công việc cho tên người Bỉ kỳ cục này! Hắn nhập cuộc. Hắn muốn biết cuộc chơi của chúng ta.
Hercule Poirot xuất hiện. Anh ăn mặc một cách cẩn thận: một chiếc áo khoác trắng cài cúc đàng hoàng.
– Rất hân hạnh được làm quen với ông, ông Poirot – Percy Perry nói – Ông muốn tham dự cuộc đua ngựa ở Ascot ư? Không à? Ồ! Tôi cứ tưởng như vậy.
– Tôi được khen ngợi nhiều quá – Nhà thám tử trả lời – Người ta thích có những ấn tượng tốt – Anh nói thêm và nhìn một cách vô tư vẻ mặt khó coi cùng cách ăn mặc cẩu thả của nhà báo, nhất là khi anh có những ưu thế tự nhiên.
– Ông muốn gặp tôi về vấn đề gì vậy? – Perry lạnh lùng cắt ngang.
Poirot cúi đầu về phía trước, vỗ vào cái đầu gối mềm của chủ nhà, cười tinh quái:
– Tống tiền.
– Ông muốn nói cái quỷ gì vây?
– Một con chim nhỏ nói với tôi rằng… vào một lúc nào đó, ông sẽ đưa ra một vài bài có trọng lượng lớn trên tờ báo của mình một cách dí dỏm, tài khoản trong nhà băng của ông sẽ lớn lên đột ngột… Nhưng đó chỉ là những lời nói suông thôi, chứ thực tế thì không có những bài báo như vậy.
Poirot ngồi thẳng lên với vẻ hài lòng.
– Ông cho đây là một sự thóa mạ ư? – Chủ nhà hỏi.
Poirot cười một cách thận trọng:
– Tôi tin chắc là ông không làm như thế.
– Ngược lại! Dù thế nào đi nữa tôi cũng thách ông chứng minh được là tôi tống tiền họ!
– Không, không, tôi tin ông. Ông hiểu sai rồi. Tôi không đe dọa ông. Tôi chỉ có một câu hỏi đơn giản: bao nhiêu?
– Tôi không biết ông muốn nói gì.
– Về một đại sự quốc gia, thưa ông Perry.
– Tôi là một nhà cải cách, thưa ông Poirot. Tôi muốn cọ rửa cái phía dưới của nền chính trị. Tôi phản đối tệ hối lộ. Ông có biết môi trường chính trị của đất nước hiện giờ như thế nào không? Đó là những cái chuồng của Augias, không hơn, không kém.
– Này! Trong đó có cả ông nữa…
– Và người ta phải cọ rửa những chuồng bò ấy, đó là những làn sóng trong sạch của ý nguyện công chúng.
Hercule Poirot đứng lên.
– Tôi vỗ tay khen ngợi những tình cảm của ông – Anh nói – Nhưng thật là thiệt hại vì ông không cần đến tiền.
– Này, đợi cho một phút – Người kia vội vàng nói – Tôi không cho là như thế…
Nhưng Hercule Poirot đã ra khỏi phòng.
Anh không ưa những kẻ tống tiền và đó là sự chối từ của anh với những công việc tiếp theo của họ.
° °
Everit Dashwood, một chàng trai mặt tròn trĩnh của tờ báo Cành Cây thân mật nắm tay Hercule Poirot bằng cả hai bàn tay của mình.
– Toàn bùn là bùn, thưa ông. Ở chỗ chúng tôi là bùn sạch… có thế thôi.
– Tôi không coi ông giống như Perry.
– Cái con quỷ hút máu người ấy. Đó là sự nhục nhã trong làng báo của chúng tôi. Nếu có thể, chúng tôi dã cho hắn trôi luôn.
– Đúng là lúc này đây, lúc mà tôi có trách nhiệm làm sáng tỏ một vụ om sòm chính trị.
– Và đồng thời cọ rửa những cái chuồng bò của Augias nữa phải không? Thật là quá sức ông, ông bạn. Chỉ có một cách: làm cho dòng sông Tamise chảy ngược vào trụ sở Quốc hội.
– Ông nói hơi quá đáng.
– Tôi biết rõ con người, thế thôi.
– Tôi có cảm giác ông là người mà tôi cần. Ông là con người mạnh bạo, ông biết cách hài hước và ông yêu mến những cái xuất phát từ sự bình thường.
– Nhưng những cái đó sẽ đến đâu kia chứ?
– Có một âm mưu cần phải lột mặt nạ. Đây sẽ là một nguồn tài liệu cho tờ báo của ông.
– Rất tốt!
– Đây là một âm mưu làm ô danh một phụ nữ.
– Càng tốt. Những câu chuyện giật gân bao giờ cũng đắt giá.
– Vậy thì ông ngồi xuống và lắng nghe…
° ° °
Mọi người bàn tán:
– Không, tôi không tin chút nào. John Hammett từ xưa tới nay vốn là người thật thà. Ông ta không giống những nhà chính trị khác.
– Đó là cái mà người ta nghe nói về bọn đê tiện trước khi người ta lột mặt nạ chúng.
– Trong vụ dầu hỏa ở Palestine lão ta kiếm được hàng triệu đồng. Đúng là một sự lường gạt.
– Everhard không làm những chuyện như vậy. Ông ta theo trường phái cũ.
– Tôi không muốn tin John Hammett là một tên kẻ cướp. Báo chí nói không một câu nào đúng sự thật cả.
– A! Thế ư? Vợ của Ferrier là con gái của ông ấy. Và anh đã đọc những điều người ta viết về bà ta chưa? (Một bài báo của tờ Những tia X được truyền tay nhau: Vợ một hoàng đế ư? Chúng tôi nghe nói rằng một phu nhân cấp cao trong giới chính trị đã cùng đi với một tên đĩ đực tới một nơi đáng nghi vấn. Ôi! Dagmar Dagmar, tại sao ngươi lại như vậy?)
– Bà Ferrier không bao giờ như thế, một tiếng nói chậm chạp và nghiêm chỉnh. Một tên đĩ đực ư? Đó là một loại trai nhảy đầm Nam Mỹ.
– Ồ! Một giọng nói khác chen vào – Với phụ nữ thì người ta không bao giờ hiểu rõ được. Họ có thể làm mọi chuyện.
° ° °
-… Đúng thế đấy, anh yêu, em cam đoan rằng cái đó tuyệt đối đúng. Mini nghe Paul nói lại chuyện Andy đã kể cho anh ta nghe. Bà ta hoàn toàn đồi bại rồi.
– Bà ta có vẻ khờ dại và đáng mến trong các cuộc lạc quyên từ thiện kia mà.
– Đó là một sự ngụy trang đơn giản thôi, anh yêu. Bà ta có vẻ bất kham. Chỉ cần đọc báo Những tia X là rõ cả. Thật là khủng khiếp. Em tự hỏi là họ lấy ở đâu ra những tin tức ấy?
– Anh bảo đây là một vụ om xòm chính trị ư? Người cha đã biển thủ quỹ của đảng thì sao?
° ° °
– Bà Rogers ạ, tôi không muốn nghĩ đến chuyện này chút nào. Tôi bao giờ cũng cho rằng bà Ferrier là một người xinh đẹp.
– Bà có tin rằng những điều kinh khủng ấy là sự thật không?
– Tôi nhắc lại: tôi không muốn nghĩ đến chuyện này. Bà ta đã tham gia một cuộc bán đấu giá lấy tiền góp quỹ từ thiện ở Pelchester hồi tháng Sáu vừa rồi. Tôi ngồi gần bà ta như tôi đang ngồi với bà đây. Bà ta có nụ cười đáng mến.
– Phải, chắc chắn là như thế, nhưng không có lửa thì sao lại có khói kia chứ.
– Tất nhiên. Chỉ có Thượng đế mới biết rõ thôi…
° ° °
Edward Ferrier mặt tái nhợt, những nết nhăn sâu xuống, quay về phía Poirot.
– Những đòn đánh vào vợ tôi! Thật là huyên náo… bạo loạn! Tôi sẽ khởi tố những cái giẻ rách nhơ bẩn ấy!
– Tôi không khuyên ông làm điều ấy.
– Nhưng phải chặn đứng những lời dối trá đê hèn ấy!
– Ông có chắc chắn rằng đây chỉ là những lời dối trá không? Vợ ông sẽ nói sao?
Ferrier tỏ ra lúng túng trong một khoảnh khắc.
– Vợ tôi cho rằng tốt hơn cả là không chú ý đến việc này nữa… nhưng tôi không thể… mọi người đều nói…
– Vâng, mọi người đều nói.
° ° °
Rồi báo chí lại đưa tin: Vợ Ferrier bị chấn động thần kinh đã đi nghỉ ở Ecosse.
Phỏng đoán dị nghị, khẳng định: Bà Ferrier không có ở Ecosse, bà ta chưa bao giờ sống ở đây…
° ° °
Những chi tiết gây ồn ào:
– Em đã nói với anh là Andy đã nhìn thấy bà ta. Phải trong cái hộp đêm gớm guốc ấy! Bà ta đang say rượu hoặc say ma túy và bên cạnh bà có một anh chàng người Argentine…
Và câu chuyện được nhân lên:
Bà Ferrier bị một chàng kị sĩ người Argentine bắt cóc; người ta thấy bà say sưa ở Paris. Đã nhiều năm nay bà thường dùng chất kích thích này và bà uống rượu như một cái thùng không đáy.
Dần dần những người đàn bà tiết hạnh của Anh quốc, lúc đầu thì ngây thơ sau đó nổi loạn tin rằng câu chuyện hẳn là căn cứ vào một điều gì đó. Đó là phu nhân của Thủ tướng ư? Than ôi!
Sau đó lại có những tấm ảnh…
Bà Ferrier chụp ở Paris, trong một hộp đêm, tay ôm lấy cổ một chàng trai tóc nâu, mắt bối rối… sau đó, trên bãi biển, không mặc quần áo, đầu dựa vào chàng trai ấy.
Bà Ferrier trả giá đúng lúc, bài báo nói như vậy…
° ° °
Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau, tờ Những tia X bị truy tố về tội phỉ báng.
Ông Mortimer, luật sư của Hoàng gia, đĩnh đạc, bất bình về câu chuyện, đại diện cho bên nguyên đơn. Bà Ferrier, luật sư nói, là nạn nhân của một âm mưu đê hèn mà người ta chỉ có thể ví câu chuyện “Chuỗi hạt ngọc của Hoàng hậu”, nhằm hạ uy tín của Marie Antoinette, dưới con mắt của nhân dân. Ở đây người ta muốn bôi nhọ, làm mất uy tín một phụ nữ quí phái, có đầy đủ đức tính và trên đất nước mà bà là vợ của một lãnh đạo cao nhất. Ông Mortimer nhắc nhở với kẻ căm ghét hành động của một vài đảng phái chính trị quá khích nhằm mục đích phá hoại nền dân chủ. Sau đó ông gọi các nhân chứng ra.
Người đầu tiên là linh mục ở nhà thờ Northumerland, ông Honderson, một trong những bộ mặt có uy tín của Nhà thờ Anh quốc. Với tính thanh liêm dễ tha thứ và là một nhà hùng biện có tài, ông được mọi người quen biết yêu mến và súng bái ông. Ông thề rằng vào thời gian viết trên báo chí thì bà Ferrier đang sống với vợ chồng ông. Bị mệt mỏi vì những công tác từ thiện mà bà đã tham gia, bà được lệnh của thầy thuốc là phải tuyệt đối nghỉ ngơi. Người ta đã giữ bí mật cuộc nghỉ này để tránh các cuộc phỏng vấn của báo chí.
Một ông thầy thuốc danh tiếng tiếp lời linh mục tuyên bố rằng ông đã khám bệnh cho bà Ferrier và đã ra lệnh cho bà nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh mọi sự lo nghĩ.
Một thầy thuốc khác cũng nói là ông đã săn sóc sức khỏe cho bà Ferrier trong thời gian ở Northumberland.
Sau đó người ta gọi đến Thelma Andersen.
Những người tham dự phên tòa đều giật nẩy mình khi nhìn thấy người đàn bà này. Bà ta giống hệt bà Ferrier.
– Bà tên là Thelma Andersen phải không?
– Vâng.
– Bà thuộc quốc tịch Đan Mạch ư?
– Phải, tôi sinh ra ở Copenhague.
– Và bà làm việc trong một quán cà phê tại đây, đúng không?
– Đúng.
– Xin bà vui lòng cho chúng tôi biết đã có việc gì xảy đến với bà ngày 18, tháng Ba vừa rồi?
– Có một ông người Anh đến tìm tôi. Ông ấy nói với tôi rằng ông ta làm việc trong tòa báo Những tia X.
– Bà có chắc chắn là ông ta nói Những tia X không?
– Ồ! Chắc chắn chứ! Vâng, vì thoạt đầu tôi cho rằng đây là một tờ báo về y học. Nhưng thực ra thì không phải. Ông ấy nói với tôi rằng có một bà tài tử người Anh muốn tìm một người thay thế và tôi đúng là người mà bà ta cần. Tôi ít đi xem chiếu bóng nên tôi không nhớ cái tên mà ông ấy nói ra. Nhưng ông ấy nói rằng bà tài tử này bị ốm và bà cần một người nào đó xuất hiện trước công chúng thế chân bà ta và bà sẽ trả nhiều tiền cho công việc này.
– Ông người Anh ấy đã trả cho bà bao nhiêu tiền?
– Năm trăm bảng Anh. Lúc đầu tôi cho đây là chuyện đùa cợt… nhưng ngay lập tức ông ấy đưa cho tôi một nửa số tiền trên. Và tôi đã xin nghỉ phép nơi tôi làm việc.
Và người làm chứng tiếp tục kể lại việc mình đã làm. Người ta đã đưa bà đi Paris, cung cấp cho bà quần áo và giới thiệu bà với một “Chàng hiệp sĩ”.
Một người Argentine lịch sự, lễ phép và đáng mến.
Tất nhiên nhân chứng cảm thấy thoải mái. Trở về Londres, chàng trai có nước da nâu đã cho bà tới các hộp đêm và người ta đã chụp ảnh họ như thời gian ở Paris. Nhiều nơi họ tới mà nhà cửa không được đàng hoàng lắm thì người ta không chụp ảnh. Người ta bảo trước với bà rằng mọi bức ảnh sẽ được đăng báo và ngài Ramon bao giờ cũng đối xử lễ phép với bà.
Không, chưa bào giờ người ta nói với bà cái tên bà Ferrier và bà cũng chưa bao giờ nghĩ là mình đóng vai bà này. Bà đã hành động không một chút mánh lới nào.
Người ta đưa cho bà xem những tấm ảnh và bà nhận ngay đây là những bức ảnh người ta đã chụp bà khi ở Paris và ở Riviera.
Những lời khai của Thelma Andersen biểu lộ sự thành thật tuyệt đối. Đó là một người đàn bà đứng đắn nhưng hình như kém thông minh. Lúc này bà ta rất bực mình vì hiểu được người ta đã bắt bà phải đóng vai trò này.
Bên bị đơn không thuyết phục ai cả. Họ tuyên bố rằng mình không có quan hệ gì với nhân chứng. Văn phòng của họ ở Londres cũng nhận được những tấm ảnh như vậy và họ đã cho rằng đây là những ảnh thật.
Lời kết luận của ông Mortimer làm thỏa mãn mọi người. Ông nói đây chỉ là một âm mưu chính trị đê hèn hòng làm mất uy tín ông Thủ tướng và phu nhân. Tình cảm của mọi người đều hướng về bà Ferrier khốn khổ.
Bản án không kết tội ai và nó đã được sự tán thành nhiệt liệt của quần chúng và sự tốn kém của nó cũng rất to lớn.
Đám đông hoan nghênh bà Ferrier, chồng và thân phụ bà khi họ ra về.
Edward Ferrier nồng nhiệt nắm chặt tay của Poirot.
– Ông Poirot, tôi chân thành cảm ơn ông. Dù sao đi nữa thì cái giẻ rách Những tia X cũng đã bị quét dọn. Cái đó dạy cho họ đừng có mưu toan làm những điều ô nhục như vậy nữa! Đánh vào Dagmar con người hiền lành nhất! Cảm ơn Thượng đế, ông đã thành công trong việc lật mặt nạ bọn chúng… Ai đã gợi ý cho ông rằng họ đã sử dụng một diễn viên đóng thay như vậy?
– Cái đó chẳng có gì là mới. Cái đó đã được bà Jeanne de la Motte sử dụng thành công trước khi bà ta đóng vai Marie- Antoinette rồi.
– Tôi phải đọc lại cuốn “Chuỗi hạt ngọc của Hoàng hậu” mới được. Nhưng mà làm thế nào mà ông tìm được người đàn bà mà họ dùng để thay thế?
– Tôi đã tìm bà ta ở Đan Mạch và đã gặp bà ta ở đây.
– Nhưng tại sao lại tìm ở Đan Mạch?
– Vì bà nội của bà Ferrier là người Đan Mạch và bà Ferrier là người có những nét Đan Mạch nổi bật. Và còn vì những lý do khác nữa…
– Sự giống nhau thật rõ ràng. Thật là một ý nghĩ quỉ quái! Tôi tự hỏi vì sao bà ta lại đi vào một vai trò bẩn thỉu này.
Poirot cười.
– Nhưng bà ta không tự đi vào đây…
Và anh chỉ tay vào ngực mình.
– Chính tôi đã nghĩ ra cái đó.
– Tôi không hiểu. Ông muốn nói gì vậy?
– Chúng ta phải nhớ lại một chuyện khác xa hơn chuyện “Chuỗi hạt ngọc của Hoàng hậu” đó là chuyện việc cọ rửa những chuồng bò của Augias, Hercule đã dùng cả một con song. Chúng ta hiện đại hóa câu chuyện. Chúng ta kể cho mọi người khác nghe một câu chuyện bê bối với một lực lượng khác của tự nhiên là người phụ nữ. Cái này cần đến dòng nước xoáy mạnh hơn là sự tranh cãi chính trị lặt vặt. Cũng như Hercule, tôi đã phải nhúng tay xuống bùn để đắp một con đê làm quay ngược dòng nước. Một người bạn làm báo đã giúp đỡ tôi. Anh ta đã đi Đan Mạch tìm một người đàn bà để sắm vai trò mong muốn. Anh ta đã gặp và nói chuyện với người đó và ra vẻ vô tình nhắc đến tờ báo Những tia X với hy vọng là bà ta nhớ lại việc đã làm. Bà ta đã làm việc đó thật. Sau đó thì việc gì xảy ra? Phải bóc nhiều lớp bùn bao bọc người vợ của Hoàng đế. Chuyện này thích thú với mọi người hơn là những chuyện om xòm chính trị. Kết thúc ra sao? Đạo đức bị xúc phạm. Người đàn bà hoàn toàn trong trắng. Một dòng thác tình cảm tốt đẹp đã cọ rửa những chuồng bò của Augias. Bây giờ thì mọi tờ báo trong nước có thể đăng những chuyện biển thủ tiền của ông John Hammett nhưng không một người nào tin có thực lấy một chữ.
Cánh mũi phập phồng, ông Edward Ferrier nắm chặt tay lại.
– Vợ tôi! Ông đã dám cả gan dùng vợ tôi…
Chắc chắn là điều sung sướng đối với Poirot trong nghề nghiệp của mình là không phải chịu một sự sửa sai nào khi bà Ferrier bước vào phòng.
– Thế nào – Bà nói – Công việc tốt chứ.
– Dagmar… Mình đã biết tất cả ư?
– Nhưng chắc chắn là như vậy, anh yêu.
Và bà cười, một nụ cười đơn giản, có phần thân thiết của một người vợ chân chính.
– Và mình không nói với tôi một lời nào!
– Nhưng, Edward, anh đã chẳng để ông Poirot có toàn quyền hành động đấy ư?
– Chắc chắn là không!
– Thì đó là chúng tôi nghĩ ra.
– Chúng tôi ư!
– Ông Poirot và tôi… Tôi đã nghỉ an dưỡng tốt ở nhà ông linh mục. Bây giờ tôi rất khỏe khoắn. Người ta muốn tôi dự một buổi lễ đặt tên cho một con tàu ở Liverpool… đây là một việc tốt, tôi tin như vậy.