Cái Chết Từ Trên Trời

CHƯƠNG 1



Tiếng chuông điện thoại réo gắt vào lúc Janey Conrad đang bước vội xuống cầu thang. Cô mặc chiếc áo dạ hội vừa may màu xanh da trời, kiểu mới nhất.
Tiếng chuông khiến cô dừng phắt lại, nét mặt đang hân hoan vụt trở nên cau có, thay đổi thật đột ngột như khi ta bấm vào một nút điện. Cô cất giọng lạnh lùng và bình tĩnh thường có vào lúc nổi giận.
— Paul, chớ có trả lời!
Chồng cô từ phòng khách bước ra. Anh khoảng ba mươi lăm tuổi, cao lớn và rắn chắc, mặc bộ smoking, tay cầm chiếc mũ dạ mềm. Lúc Janey mới quen, cô ngạc nhiên thấy anh giống kép James Stewart quá chừng và chính vì thế mà cô đồng ý lấy anh.
— Nhưng anh phải trả lời, biết đâu họ cần đến anh, – anh nói với giọng dịu dàng kéo dài.
Paul bước về phía điện thoại và cầm ống lên. Anh mỉm cười với vợ và giơ tay ra dấu im lặng.
— Alô!
— Paul đấy à? Bardin đây!
Câu nói của viên thanh tra vang lên trong tai Paul và vọng ra ngoài khoảng im vắng của phòng chờ. Vừa nghe được giọng nói đó, Janey nắm chặt tay lại. Bardin tiếp:
— Anh phải nhập cuộc rồi. Một cái lò sát sinh nơi biệt thự “Ngõ Cụt” của June Arnot. Xác ngập đến cổ, trong đó có cả nàng tiên kiều diễm June. Trời ơi! Một vụ sôi động! Bao lâu thì anh đến được?
Conrad nhăn mặt và liếc nhìn Janey. Anh thấy bước chân cô cứng nhắc tiến về phía phòng khách. Anh nói:
— Được rồi, tôi đến ngay.
— Tốt. Tôi sẽ không để ai đụng chạm gì trước khi anh đến. Tôi cần anh trước khi bọn nhà báo nhao nhao đến quấy rầy.
— Tôi đi ngay, – Conrad nhắc lại rồi cúp máy.
— Cứt! – Janey nói nhỏ.
Cô đứng trước lò sưởi quay lưng về phía anh.
— Xin lỗi Janey, anh phải đi ngay.
— Cứt! Cứt! – Janey nói mà không lên giọng. – Lúc nào cũng chỉ có chừng ấy chuyện thôi, với mấy thằng khốn thám tử của anh.
— Nào! Janey. Thật đáng tiếc nhưng biết làm sao. Anh hứa là tối mai sẽ đưa em đi.
Janey nghiêng mình về phía trước và vung tay gạt văng mớ đồ đạc, ảnh lồng khung, cả cái đồng hồ trên mặt lò sưởi. Conrad nhào vào phòng.
— Janey! Đủ rồi!
— Anh đi đi! – Janey vẫn một giọng trầm lặng. (Cô nhìn hình Conrad trong gương, mắt sáng lên vẻ thù ghét). – Anh cứ chơi cái trò bắt cướp đi. Không cần phải lo đến tôi nhưng đừng hy vọng thấy tôi lúc trở về. Từ nay về sau, tôi sẽ đi chơi một mình.
— Này Janey, June Arnot vừa bị ám sát đấy. Anh phải đến đó ngay. Em nghe đấy, mai anh sẽ dẫn em đi đến nhà hàng Quốc Tế. Chịu không?
— Chừng nào mà còn cái điện thoại chết tiệt trong phòng thì chúng ta không thể nào còn đi chung với nhau được nữa, – Janey nói giọng chua chát. – Paul, tôi cần tiền.
Anh nhìn cô:
— Nhưng mà, Janey…
— Tôi muốn lấy tiền ngay tức khắc! Nếu anh không đưa thì tôi mang đồ đi cầm và chắc chắn không phải là thứ của tôi đâu.
Conrad nhún vai. Anh lấy tờ 10 đôla đưa ra.
— Được rồi, Janey. Nếu em quyết định như thế thì… Sao em không gọi điện cho Beth? Đi chơi một mình thật là ngốc.
Janey cất tiền, ngước mắt nhìn anh rồi quay lưng đi. Conrad hoảng kinh khi nhận ra ánh mắt của vợ thật dửng dưng.
— Anh chớ lo cho tôi. Cứ việc lo tới cái vụ giết chóc quái quỉ này đi. Một mình tôi cũng đủ rồi.
Conrad định nói nhưng kịp ngừng lại. Một khi cô tỏ thái độ như thế thì khó mà nói chuyện phải trái được.
Anh bình tĩnh hỏi:
— Em đi đâu, tiện đường xe anh…
— Ồ! Đi cho khuất mắt, – Janey chận lại và bước ra phía cửa sổ.
Conrad mím chặt môi, bước ra ngoài phòng chờ, đẩy cửa lớn và đi nhanh về phía xe. Trong lúc lướt mình ngồi vào sau tay lái, anh cảm thấy một mối lo âu đến nghẹn lời. Anh không chịu chấp nhận dẫu biết rằng giữa anh và Janey đang nảy sinh rạn nứt. Hai người lấy nhau bao lâu rồi? Anh nhíu mày và ấn vào nút phát động xe. Gần ba năm thôi. Năm thứ nhất thật êm đẹp. Nhưng vào lúc đó anh chưa phải là điều tra viên chính thức của phòng Biện lý. Anh làm việc theo giờ giấc và tối nào cũng có thể đi chơi với Janey được.
Khi anh được lên chức, cô đã rất hân hoan. Chỉ một sớm một chiều, lương anh tăng gấp đôi và hai vợ chồng rời căn hộ ba gian ở đường Wentworth để dọn đến căn nhà xinh xắn bungalow ở đất Hayland trong một khu sang trọng. Nhưng rồi Janey không còn hài lòng khi nhận thấy anh có thể bị gọi đi bất cứ sớm tối. Cô nói:
— Anh là điều tra viên chính thức mà cứ hùng hục làm như một tên cớm hạng bét.
— Nhưng anh là thám tử, thám tử đặc biệt cho biện lý cục khi xảy ra vụ việc quan trọng, lẽ tất nhiên anh phải có mặt, – Conrad kiên nhẫn giải thích với vợ như thế.
Lúc đầu thì Paul không cho những lời cằn nhằn ấy là quan trọng vì mấy cú điện thoại bất ngờ làm hỏng cuộc vui buổi tối, nếu cô giận thì cũng là tự nhiên thôi. Tuy thông cảm nhưng Conrad vẫn mong cô vợ biết điều hơn. Nhưng Janey không chịu. Các vụ cằn nhằn ấy chuyển dần qua cãi vã lớn tiếng làm anh đâm ngán.
Nhưng đây là lần đầu tiên Janey đòi anh đưa tiền để đi chơi tối một mình. Hơn bao giờ hết, Conrad lo ngại về tình hình mới xuất hiện này, Janey nom ngon mắt quá, đi chơi một mình không được. Conrad biết tính vợ mình dễ nhẹ dạ sinh chuyện. Có nhiều lúc vô ý, cô thốt những lời lẽ khiến anh biết trước kia cô đã từng qua những thời kỳ sống buông thả. Anh đã quyết không coi quá khứ của cô là quan trọng nhưng bây giờ khi nhớ lại những lời vợ kể vanh vách những cuộc vui, tên một vài người bạn cũ mà cô vung ra trong những lúc tức giận, anh lại thấy hơi khó chịu và cứ tự hỏi không biết cô có lại tìm thú đi hoang nữa không. Janey chỉ mới 24 tuổi, luôn luôn đòi hỏi, mà anh thì cái việc chăn gối chỉ ở mức trung bình. Với đôi mắt lá răm, mái tóc vàng óng, làn da nõn nà, chiếc mũi thon dài, Janey có thể quyến rũ bất cứ gã đàn ông nào.
— Thật cứt! – Conrad thở dài lặp lại lời của vợ mà không hay biết.
Và anh mở máy.
 
o O o
 
Ba năm nay, June Arnot là một ngôi sao màn bạc lừng danh và tiếng đồn cô ta là người giàu nhất Hollywood.
Cô cho xây một tòa nhà lộng lẫy trên ngọn đồi, cách thành phố Pacific vài cây số và cách Hollywood khoảng mười lăm cây số. Đây là một dinh thự sang trọng, kiêu sa mà June Arnot với tính hài hước sẵn có, đặt tên nó là “Ngõ Cụt”.
Conrad dừng xe trước ngôi nhà nhỏ của người gác cổng có dây nho chằng chịt. Khách đến thăm phải ghi tên ở đây trước khi bước trên một lối đi dài cả cây số mới tới biệt thự. Bóng hình to bè của thanh tra Sam Bardin thuộc đội hình sự vụt hiện lên giữa bóng tối. Thấy Conrad, ông nói:
— À, ông tá! Chẳng cần phải nôn nóng như thế. Cả đời anh chỉ có mỗi việc này mà thôi.
Conrad mỉm cười:
— Tôi đang định đi chơi với bà xã. Rồi đây cả tuần nhà tôi biến thành địa ngục cho mà xem. McCann có ở đây không?
— Rủi quá, anh ta đi San Francisco rồi, mai mới về. Chuyện lộn xộn lắm, may mà có anh, Paul ạ. Chúng tôi cần một tay thiện nghệ mới mong giải quyết được vụ này.
— Ta bắt đầu ngay đi. Anh kể xem anh biết những gì. Rồi sau đó, ta đi liếc sơ qua một chút.
Bardin lấy khăn tay thấm mồ hôi trên khuôn mặt to tướng đỏ bầm và hất chiếc mũ ra sau. Ông ta to con, nặng nề, lớn hơn Conrad 11 tuổi nghĩa là khoảng 45.
— Lúc 8 giờ rưỡi, chúng tôi nhận được một cú điện thoại của Harrison Hedor, ông bạn của cô Arnot. Ông có hẹn làm việc với cô ta tối nay. Khi đến nơi, ông thấy cánh cổng sắt mở ra. Lạ đấy vì thường thường là cửa khóa kỹ. Ông bước vào nhà người gác cửa, thấy hắn lạnh tanh với một viên đạn bắn vào đầu. Ông bốc điện thoại ở đấy gọi vào nhà nhưng không thấy ai trả lời. Tôi đoán là ông ta đã hoảng lên. Nhưng ông nói với chúng tôi là không dám vào sâu trong nhà và vội gọi chúng tôi.
— Bây giờ ông ta ở đâu?
— Đang ngồi trong xe tìm cách lại hồn bằng whisky, – Bardin toét miệng cười. – Tôi không có thì giờ hỏi kỹ ông ta nên bảo ngồi yên đó. Tôi đi xem xét. Năm người giúp việc đều bị hạ sát bằng một viên đạn. Tôi tưởng cô Arnot ở đâu đó vì có hẹn nhưng cô ta không có mặt trong nhà. – Ông rút bao thuốc mời Conrad và lấy cho mình một điếu – Tôi thấy cô nơi hồ tắm. (Ông nhăn mặt) – Có kẻ nào đấy tò mò mổ bụng cô ta coi chơi và cắt béng cái đầu không biết dùng để làm gì.
Conrad gừ gừ:
— Đó là hành động của một kẻ mất trí. Bây giờ thì sao?
— Nhân viên đang làm việc trong nhà và nơi hồ tắm. Nếu có gì tìm được thì họ sẽ tìm ra. Anh có muốn đi một vòng ngó qua không?
— Có chứ! Anh chàng y sĩ có thể cho ta biết giờ chính xác không?
— Lão đang lo vụ đó. Tôi đã dặn lão chớ xê dịch cái xác chết trước khi anh đến. Chắc lão sẽ cho ta biết ngay. Bây giờ ta vào nhà người gác.
Conrad theo ông ta vào một căn nhà nhỏ có cái bàn, cái ghế, cái divan đệm và bàn điện thoại. Trên bàn có quyển sổ ghi chép người đến thăm đang được mở ra.
Người gác mặc đồng phục xanh ôliu, giày bốt đánh vécni, nằm gập mình trên bàn, đầu loang trong một vũng máu đỏ bầm. Hắn bị bắn đúng giữa mặt.
Conrad nhìn vào quyển sổ. Bardin nhạo:
— Không chắc có ghi tên sát nhân trong đó. Với lại người gác biết mặt hắn nên mới mở cổng.
Conrad nhìn trang giấy còn trắng một nửa: «15 giờ. Ông Jack Belling, đường Lennox số 3 Có hẹn. Cô Rita Strange, 14 Crown Court. Có hẹn. 19 giờ. Cô Frances Coleman. 145 đường Glendale.…»
— Anh nghĩ sao? – Conrad hỏi. – Cô gái Coleman này có mặt ở đây sát với giờ xảy ra vụ tàn sát.
Bardin nhún vai:
— Chẳng biết. Lúc nào có thì giờ chúng ta sẽ dò hỏi. Nếu cô ta dính dấp gì đến vụ này thì đã xé ngay tờ giấy cho mất tang tích rồi.
— Đúng vậy, trừ phi cô ta quên.
Bardin phác một cử chỉ sốt ruột.
— Được rồi, ta đi. Anh còn cả đống việc phải làm. Lên xe thôi. Đến khúc quanh thứ hai thì chậm lại. Người làm vườn bị giết ở đó.
Conrad lái xe trên con đường viền những cây cọ khổng lồ và những cây nhỏ nở hoa. Khoảng 300 mét, Bardin báo trước:
— Ngay chỗ quanh.
Họ dừng bên một chiếc xe đậu sát đường. Bác sĩ Holmès và hai người nội trú mặc áo blu trắng cùng một cặp cảnh sát viên, vẻ mặt chán nản đang tụ tập trước xe, lưng quay phía đèn pha.
Conrad và Bardin tấp vào nhóm, vây quanh một ông già Tàu mặt mày nhăn nheo nằm ngửa, các ngón tay màu vàng trông như các vuốt, co quắp người vì hấp hối. Phía trước chiếc áo blu xanh nhuộm một màu đỏ. Bác sĩ lên tiếng:
— Chào Conrad. Anh đến xem trò tàn sát đấy à?
— Chỉ thăm sơ qua thôi, – Conrad nói. – Lão chết bao lâu rồi?
— Khoảng một tiếng rưỡi, không hơn.
— Nghĩa là sau 7 giờ?
— Gần gần như thế.
— Cùng một vũ khí như với người gác?
— Có thể. Tất cả đều bị giết bởi một khẩu 45. – Ông bác sĩ nhìn Bardin – Tôi thấy như là một công trình của một tay nhà nghề, ông thanh tra ạ. Tay đó thạo việc lắm. Bắn một phát là đủ rồi.
Bardin thốt ra tiếng càu nhàu:
— Như thế thì chẳng biết gì nhiều. Khẩu 45 mà bắn thì không ai thoát dù người bắn là dân nhà nghề hay tay mơ.
— Ta lên nhà đi, – Coniad nói.
Chiếc xe chở họ tới biệt thự sau ba phút. Đèn đã bật sáng khắp các phòng. Hai người cảnh sát gác cửa vào.
Conrad và Bardin bước lên các bậc thềm vào khách sảnh nhỏ rồi bước xuống vào giữa nhà đến một sân trong lát gạch hoa. Các gian phòng quây ba mặt sân.
Thanh tra O’Brien người cao nhưng gầy, mắt sắc, mặt đầy tàn nhang, từ phòng khách bước ra. Ông ta gật nhẹ đầu với Conrad, Bardin hỏi:
— Anh tìm được gì không?
— Chỉ có đầu đạn thôi, chẳng có dấu tay nào. Hình như kẻ sát nhân xộc vào giết hết rồi ra ngay không chạm vào vật gì cả.
Conrad đến chân cầu thang ngước mắt nhìn lên. Ở các bậc cấp trên cao là xác một cô xẩm Trung Hoa. Cô mặc một áo ngắn trong nhà màu vàng, quần lụa có ren, màu xanh sẫm. Một vệt đỏ gớm ghiếc giữa hai bả vai. Bardin nói:
— Hình như cô ta đang chạy trốn thì bị phơ. Anh muốn lại gần xem không?
Conrad lắc đầu. Bardin nói tiếp:
— Tang vật số 3 ở phòng khách.
Ông dẫn Conrad vào một gian phòng bề thế, có bàn ghế, trường kỷ bọc da, đủ sức chứa từ ba mươi đến bốn mươi người. Gần cánh cửa ra vườn, người quản gia của June Arnot ngồi dưới đất, gập mình, lưng dựa vào thảm lót tường. Ông ta cũng bị một phát vào đầu. Bardin hỏi:
— Anh muốn xem ở nhà bếp không? Còn hai người nữa ở đấy. Một đầu bếp Trung Hoa và một Philippines. Họ định chạy ra cửa nhưng không kịp.
— Thôi đủ rồi, – Conrad nói. – Nếu có gì phải tìm thì nhân viên của anh sẽ thấy.
— Ý kiến thâm thúy đấy. Ok! Ta xuống hồ tắm.
Ông bước ra ngoài hành lang rộng. Trăng tròn đã lên tuôn làn sáng lạnh gắt xuống biển. Khu vườn thơm ngát hương hoa, một đài phun nước bóng loáng đằng xa tạo nên khung cảnh thần tiên.
— Cô ta ưa thích ánh sáng và màu sắc phải không, – Bardin vừa nói vừa tiến về phía hồ tắm. – Nhưng cũng chẳng tới đâu. Kết quả cuộc đời phải nói là thê thảm: Đầu bị cắt, bụng bị phanh.
 
o O o
 
Phía cầu nhảy cao 12 mét có mặt bác sĩ Holmès, hai người nội trú, một thợ ảnh và bốn cảnh sát viên. Họ đang nhìn về phía giữa hồ. Nước ở đó nhuộm màu đỏ tím, còn lại là một màu xanh tuyền.
Khi Conrad và Bardin bước tới chỗ lát gạch xanh vây quanh hồ tắm, Bardin nói:
— Tôi nhìn thấy một lần rồi và không muốn thấy lần thứ hai nữa.
Họ họp với đám người kia dưới cầu nhảy. Bardin vung tay tiếp tục chỉ:
— Trông kìa!
Paul nhìn tấm thân trần truồng, bị cắt đầu, nổi bập bềnh. Bụng anh như thắt lại trước cảnh man rợ ấy. Anh quay mặt đi, hỏi:
— Cái đầu ở đâu?
— Tôi để nguyên chỗ đã tìm thấy. Trên bàn phòng mắc áo mũ. Anh muốn nhìn qua không?
— Thôi cảm ơn. Có chắc là June Arnot không?
— Chắc.
Conrad quay sang bác sĩ Holmès.
— Được rồi, ông thầy, tôi thấy đủ rồi. Ông bắt đầu công việc được đấy. Ông gửi bản sao báo cáo cho tôi chứ?
Bác sĩ Holmès gật đầu. Bardin nói:
— Này các bạn, móc cô ta lên. Chú ý nhẹ tay một chút.
Ba người cảnh sát ngán ngẩm bước tới. Một người giơ cây sào tìm cách móc cái xác nổi. Conrad nói:
— Trong lúc chờ đợi, ta đi nói chuyện với Fedor. Anh cho người gọi ông ta tới đây.
Mọi người đi về phía ngôi nhà cùng với Conrad. Bardin hỏi:
— Này, anh nghĩ thế nào?
— Có vẻ như tay đó là khách quen nhà này. Đầu tiên là do người gác để hắn vào. Sau nữa hắn hạ sát tất cả gia nhân vì sợ bị nhận diện.
— Trừ phi đó là một tên điên nổi cơn.
— Nếu thế thì người gác không cho hắn vào.
— Cũng có thể thế, tùy theo kẻ kia nói với người gác gì đó.
Khi họ vào nhà, hai người cảnh sát vừa bước qua ngưỡng cửa, khiêng một cái cáng có phủ chăn lên xác người. Một anh cớm nói:
— Hết rồi, sếp. Dọn sạch trơn.
Bardin gừ gừ bước lên bậc cấp rồi xuống sân.
— Theo anh thì Fedor không can gì vào đấy phải không? – Conrad ngồi xuống ghế hỏi.
— Hắn không thuộc típ người làm nổi việc này. Cho dù đúng là hắn thì cũng phải có một cớ thật lạ. Vì cô ta là khách hàng duy nhất đã đem lại cho hắn một gia tài kha khá.
— Một phụ nữ như cô ta tất phải có cả đống kẻ thù, – Conrad duỗi dài chân ra nói. – Kẻ nào làm cái cú này chắc phải nóng mũi lắm.
— Hình như cô ta có liên hệ với khá nhiều kẻ không tốt, – Bardin đưa ra nhận xét. – Theo người ta nói, cô ta dính dấp với đủ thứ chuyện bê bối. Anh có nghe người ta đồn đại cô ta là bạn gái của Jack Maurer không?
Conrad sững người chú ý.
— Không, bạn gái là thế nào?
Bardin mỉm cười:
— Tôi nghĩ là anh nghe thì chú ý ngay. Tôi không có bằng cớ nhưng tiếng đồn thì nhiều. Cô ta không khoe nhưng người ta nói hai người là nhân tình nhân bánh của nhau.
— Tôi muốn biết rõ chuyện này. Loại hành động như thế này đúng là gu của Maurer rồi. Hắn đủ sức tàn ác để xuống tay. Anh còn nhớ cú tàn sát hai năm trước đây không? Bảy người sắp hàng sát chân tường và thế là liên thanh bắn tằng tằng.
— Chuyện đó không có gì chắc là của Maurer, – Bardin thận trọng nói.
— Thế còn ai nữa? Bọn đó lấn quyền ông trùm, vậy là ông trùm xơi tái là có lý thôi.
— Ông cảnh sát trưởng không tin. Ông ta nghĩ rằng đó là băng Jacobi đem trút tội cho Maurer.
— Ông ta biết tôi nghĩ gì về cái luận cứ tồi tệ ấy rồi. Đúng là của Maurer và vụ này thì cũng có thể là của lão nữa…
— Anh gầm gừ Maurer dữ quá, – Bardin nhún vai nói. – Chắc anh khoái thấy lão chui vô hộp lắm.
— Không phải bị còng số 8 mà thôi đâu, – Conrad nói với vẻ hung dữ bất chợt. – Tôi muốn thấy lão lên ghế điện kia! Thằng chó chết ấy sống lâu quá rồi!
Một cảnh sát viên bước vào sân.
— Fedor đến rồi, sếp.
Conrad và Bardin cùng đứng lên. Harrison Fedor, ông bầu của June Arnot đi tưng tưng bước vào sân. Đó là một con người mảnh dẻ, có cái nhìn sắc và trầm lặng, miệng như cái bẫy chuột chù và má hõm. Ông ta chộp lấy bàn tay Conrad lắc mạnh.
— Ngọn gió lành nào đưa ông đến đấy? June có mạnh khỏe không?
— Ngược lại thế kia, – Conrad bình thản trả lời – Cô ta bị giết rồi, cả đám gia nhân.
— Trời! – Fedor nuốt nước miếng, mặt xịu xuống rồi gượng đến ngồi nơi chiếc ghế mây và nói tiếp. – Ông bảo cô ta chết rồi à?
— Còn hơn là chết nữa!
— Lạy Chúa! – Fedor giở nón ra và luồn các ngón tay vào mớ tóc lưa thưa. – Chết à? Khó tin quá!
Ông ta nhìn sững Bardin rồi nhìn Paul. Cả hai không nhúc nhích, chờ đợi.
— Lại bị giết!
Yên lặng một chút, Fedor nói tiếp:
— Chuyện chi lạ! Không biết tôi nên khóc hay nên cười đây?
— Thế nghĩa là gì? – Bardin lầu bầu, mặt mày bất mãn.
Fedor nhếch mép cười.
— Ông không hiểu vì ông không làm việc với cô ta trong 5 năm như tôi. – Ông ta đứng lên, lấy ngón tay chỉ vào Bardin. – Tôi mà khóc được thì cứ treo cổ tôi lên. Có thể là tôi mất nồi cơm nhưng đỡ được gánh nặng. Con điếm ấy làm tôi đến mụ người. Có tôi thì không có nó, nó làm tôi nhức nhối vô cùng. Các ông không thể biết tôi phải chịu đựng như thế nào với con đĩ ấy.
— Có ai đấy đã cắt đầu cô ta, – Conrad thong thả nói. – Rồi như chưa hả giận, hắn lại còn mổ bụng moi phèo ruột ra. Ông có biết ai có thể làm như thế không?
— Cắt đầu! Trời ơi! Để làm gì vậy?
— Cũng với lý do như mổ bụng: Kẻ đó thù hận cô ta. Ông có biết ai tức giận đến mức tàn ác như thế không?
Fedor vụt ngoảnh mặt đi.
— Không, tôi không biết. Trời! Báo chí biết chưa?
— Không, họ chưa biết chừng nào mà tôi chưa tìm được gì chắc chắn để tiến hành công việc, – Bardin càu nhàu nói. – Này, nếu ông có biết ai có lý do làm như thế thì nên khai ra với chúng tôi. Hồ sơ sếp gọn nhanh chừng nào thì tốt chừng ấy cho mọi người, kể cả ông đấy.
Fedor lưỡng lự rồi nhún vai:
— Ông nói có lý. Ralph Jordan là thằng bồ hiện nay của cô ta. Tuy nhiên gần đây họ lại gấu ó nhau dữ dội. Cuộn phim hắn quay với June là cuốn cuối cùng. Hãng điện ảnh Thái Bình Dương phải xé hợp đồng với hắn. Họ chịu không nổi hắn nữa.
— Tại sao vậy? – Conrad đốt thuốc hỏi.
— Hắn phi cần sa sáu tháng nay rồi. Một khi hắn phê thì không gì ngăn hắn quậy.
— Sao thế?
— Hắn nổi điên – Fedor rút khăn tay thấm mồ hôi mặt. – Khoảng hơn tuần nay, hắn nổi lửa đốt sạch một phim trường. Và tuần qua, khi Laird tổ chức dạ hội nơi hồ tắm của ông ta, hắn làm trò nho nhỏ khiến Laird phải mất sạch tiền để dập tắt chuyện này. Jordan kiếm đâu ra được một chai axít đem rẩy vào áo tắm của các cô, thế là cả hơn ba mươi minh tinh nổi danh cứ tô hô như nhộng. Ban đầu chúng tôi còn khoái cười chí tử và được dịp rửa mắt nhưng sau thấy rằng cái chất lơ mơ đó không chỉ làm cháy áo tắm mà còn làm phỏng da nữa. Năm cô nàng phải vào bệnh viện, tình trạng thật thê thảm. Sáng hôm sau Laird xé hợp đồng với hắn.
Conrad và Bardin nhìn nhau. Bardin gợi ý:
— Tôi nghĩ là ta phải gặp ông bạn thích đùa dai ấy mới được.
— Nhưng xin ông đừng nói tôi khai ra, – Fedor nằn nì. – Tôi đã khốn khổ về mấy chuyện ấy lắm rồi.
— Ngoài Jordan, ông còn thấy ai có thể làm vụ này không? – Conrad hỏi.
Fedor lắc đầu.
— Không, phần lớn bạn hữu của June chẳng tốt đẹp gì nhưng chơi cái mảng này thì còn rét lắm.
— Có phải là cô ta và Jack Maurer ngủ với nhau không?
Fedor vội cúi mặt nhìn hai bàn tay.
— Tôi không biết chuyện này.
Conrad nhìn Bardin.
— Thật kỳ diệu phải không? Hễ nghe đến tên Maurer là ai cũng nín khe. Hình như thằng cha đó không có trên cõi đời này.
— Xin ông chớ phiền, – Fedor vụt chen vào. – Nếu biết chuyện gì thì tôi nói ngay, về Maurer thì tôi chỉ đọc trên báo chí thôi.
— Cứ ca cái điệu ấy mãi, – Conrad chán nản nói. – Lúc nào gặp may, không biết chừng tôi sẽ tìm được một tay gồng mình không sợ Maurer lắm và biết được một chút gì đó. Nhưng có cái chán là chẳng biết khi nào.
— Chớ nóng. Ông ta nói không biết thì hẳn là không biết thôi. – Bardin nói.
Thanh tra O’Brien bước xuống sân.
— Sếp, tôi có chuyện muốn nói.
Bardin nắm tay ông ta đi vào phòng khách. Paul nói với Fedor:
— Ông cứ ở đấy đi, – rồi anh theo hai người kia.
— O’Brien tìm được súng lục rồi, – Bardin nói, nét mặt u ám của ông lúc này có dáng hân hoan. Ông giơ lên một khẩu súng 45 tự động. – Xem này!
Conrad quan sát khẩu súng. Trên báng có khắc hai chữ viết tắt R.J, anh hỏi O’Brien:
— Anh tìm ra ở đâu vậy?
— Giữa bụi cây, cách cổng sắt khoảng 30 mét. Cá với anh trăm bạc là đúng rồi. Hết đạn, mới tác xạ không lâu và là một khẩu 45.
— Tốt hơn là nên đi kiểm chứng, Sam ạ.
Bardin gật đầu đưa khẩu súng cho O’Brien.
— Mang về sở và đối chiếu với các đầu đạn anh vừa tìm được. – Rồi ông quay sang Conrad. – Chuyện trẻ con phải không? Có vẻ dễ dàng quá mà. Jordan chắc phải có chuyện nói với cánh ta. Đi chứ?
o O o
Theo Fedor thì Ralph Jordan có một căn hộ trong chung cư ở đường Roosevelt. Hắn ta ở đấy không lâu sau khi June Arnot tống hắn ra khỏi biệt thự ở Hollywood và dù hắn còn giữ ngôi nhà sang trọng ở Beverley Hills nhưng hiếm khi hắn sống ở đó.
Conrad ghé xe đậu vào một góc tối. Anh chú ý đến một chiếc Cadillac đen chui nửa thân trong nhà để xe.
— Lái xe bạt mạng thật!
Anh bước tới có Bardin theo sau. Cánh trái của chiếc Cadillac đâm vào vách làm vỡ miếng đèn pha nát vụn. Bardin mở cửa xe nhìn vào tấm thẻ đồng.
— Đúng rồi. Xe của Jordan. Hắn sắp chết một cửa tứ rồi.
— Ít ra là ta cũng biết chắc hắn đang có ở nhà, – Conrad nói.
Rồi anh bước vào cửa, đẩy cánh cửa xoay, theo sát là Bardin.
Một nhân viên to mập, hồng hào trắng trẻo, đôi tay nhỏ, trắng đặt trên chiếc bàn tiếp khách, ngước mắt kênh kiệu nhìn.
— Ông cần gì?
Bardin chồm tới trước, nhíu mày, nói oang oang. Khi muốn gây khó dễ thì ông cũng đủ sức để trả đũa. Tiếng ông rít lên:
— Thanh tra Bardin. Cảnh sát thành phố. Jordan có ở đấy không?
Hai bàn tay nhỏ nhúc nhích.
— Chắc ông muốn hỏi về Ralph Jordan? Vâng, ông ta có ở đấy. Các ông muốn gặp?
— Hắn về nhà lúc nào?
— Sau 8 giờ một chút.
— Lúc đó hắn có bình thường không?
— Tôi không lưu ý.
— Hắn ra đi khi nào?
— Khoảng sau 6 giờ.
— Hắn ở trên lầu chót phải không?
— Thưa phải.
— Được rồi. Chúng tôi lên đó. Anh muốn giữ sức khỏe thì chớ mó vào điện thoại. Tôi đến thăm bất ngờ đấy. Trên đó có ai ở cùng với hắn không?
— Tôi không biết.
Bardin đi thẳng đến thang máy bước vào.
— Như vậy là hắn ra đi lúc 6 giờ, trở về 8 giờ, thừa đủ thì giờ để đến “Ngõ Cụt” làm điều cần làm.
— Nên coi chừng hắn, – Conrad nói khi cửa thang máy khép kín. – Nếu nó cần hận thù thì nguy hiểm đấy.
— Hắn không phải là tên điên đầu tiên tôi va chạm và chắc cũng không phải là tên cuối cùng. Khốn thật!
Bardin ngừng lại trước cửa căn hộ.
— Kìa! Cửa mở.
Ông bấm chuông, đợi một lát rồi lấy chân đá cánh cửa mở toang, liếc mắt nhìn vào phòng chờ. Trước mặt là một cánh cửa khép hờ. Bardin đẩy ra, bên trong là một phòng khách lớn, đèn sáng choang. Ông rống lên làm rung cửa kính.
— Ê! Có ai ở trong nhà không?
Sự im lặng trả lời thật nặng nề và ngột ngạt, lạnh tanh. Hai người nhìn nhau. Bardin nói:
— Ồ, anh có nghĩ là hắn nấp ở đâu đó không?
— Có thể hắn ra phố rồi.
— Lão dưới kia không nói mà!
— Ta ghé mắt vào một tí đi.
Conrad bước vào một gian phòng, gõ cánh cửa phía trái. Anh xoay tay nắm thấy một gian phòng lớn. Cũng không có ai. Họ mở cửa phòng tắm. Chưa bao giờ họ trông thấy một cảnh bài trí sang trọng đến thế nhưng họ chỉ chú ý ngay đến cái bồn tắm.
Ralph Jordan nằm dài ra đó, đầu gập xuống ngực, mình mặc chiếc áo choàng màu cặn rượu vang, khoác ngoài bộ đồ ngủ xanh nhạt. Trên bờ bồn tắm và phần trước áo hắn có loang màu đỏ. Hắn nắm trong tay một lưỡi dao cạo có cán, máu loang như vệt mực trên tranh vẽ.
Bardin sờ tay Jordan.
— Lạnh như một khúc thịt bò bỏ tủ đá.
Ông nắm tóc Jordan lôi đầu hắn lên. Gonrad nhăn mặt khi nhìn thấy vết thương mở toác ra, sâu đến tận một động mạch bị cắt tiện đứt đôi. Bardin lùi lại.
— Đấy, thật đúng như tôi nói: Một vụ việc quá đơn giản. Hắn đến đằng kia giết cô gái rồi trở về nhà tự cắt cổ. Hắn có ý tứ lắm. Càng dễ cho tôi làm việc. – Ông hút thuốc phà khói vào mặt người chết.
— Tôi nghĩ là bác sĩ có việc làm suốt đêm đấy.
Conrad loanh quanh trong phòng tắm, anh tìm thấy một con dao cạo điện.
— Lạ là sao hắn lại có dao cạo tay. Đời bây giờ phải chạy quanh mới lùng kiếm được thứ này và tôi không nghĩ là Jordan lại có nó trong nhà.
— Anh chớ làm rối lên. Có lẽ hắn dùng để cắt chai chân, lưỡi dao đa dụng mà.
Ông đẩy một cánh cửa và thấy một tủ áo thật đầy đủ sang trọng. Conrad đang bước qua phòng bỗng ngừng lại.
— Sam, cho anh xem cái này chắc anh phởn lắm – Anh chỉ một vật dính máu nằm trên đất.
Bardin bước lại gần.
— Trời đất! Con dao phạng. – Ông quì xuống gần con dao lưỡi nhọn. – Cam đoan đấy là vũ khí giết người. Đủ để cắt cổ ai đó và mổ bụng như anh kéo fermeture vậy.
— Bộ anh không thấy làm lạ là một gã như Jordan lại có một con dao rừng Nam Mỹ như vậy sao?
Bardin ngồi chồm hổm.
— Có lẽ hắn mang về làm kỷ niệm. Cam đoan là hắn có đi Nam Mỹ hay Antilles, chắc là Antilles thôi. Nhất định đúng là tang vật và dám đưa đầu cá với anh là máu dính ở đấy đúng là máu của June Arnot.
Conrad lật qua lại áo quần vắt trên ghế.
— Quần áo không có vết máu. Tại sao cắt đầu người khác lại không dính máu.
— Ui, được rồi, – Bardin nóng nảy kêu lên. – Anh đâu có cần vặn vẹo từng li từng tí như thế. Có thể hắn mang áo khoác hay một thứ gì tương tự như vậy. Đâu có gì là quan trọng. Đối với tôi như thế là đủ rồi. Anh không chịu sao?
— Tôi không biết, – Conrad nhíu mày. – Mọi sự gọn ghẽ quá nên tôi ngờ là một cuộc xếp đặt. Khẩu súng lục có chữ đầu tên Jordan, cái xe bị bẹp dúm, Jordan tự vẫn và bây giờ là vũ khí giết người được tìm thấy. Đẹp quá nên khó tin là thực. Theo tôi thì có chuyện gì đó xộc xệch trong này.
— Chuyện không ăn khớp là vì anh tận tâm quá, – Bardin nhún vai trả lời. – Thôi hết chuyện rồi. Tôi tin thì Cảnh sát trưởng cũng tin. Anh cũng sẽ đồng ý như thế nếu trong đầu không bị ám ảnh bởi ý muốn đưa Maurer lên ghế điện. Phải không?
Conrad trầm ngâm gãi gãi cánh mũi.
— Có lẽ thế. Ok! Chắc là tôi xong việc rồi. Anh muốn tôi đưa anh về Sở không?
— Tôi ở đây để gọi họ tới. Tôi muốn nhân viên lục lọi hết trong nhà này. Ngay sau khi cắt đặt xong công việc, tôi sẽ trở về “Ngõ Cụt” rồi thông báo cho báo chí. Anh về nhà à?
Conrad gật đầu.
— Hên thật! Không làm việc đêm, một căn nhà ấm cúng, nàng tiên bên cạnh. Sao, bà Conrad mạnh khỏe chứ?
— Ồ, chắc là mạnh thôi, – Conrad trả lời mà buồn bã nhận ra rằng mình không thấy có hứng khởi.
 
o O o
 
Conrad len qua các đường nhỏ để tránh các rạp cinema vừa vãn xuất hát. Anh lo lắng không biết Janey có thực hiện lời dọa đi chơi một mình và đã về chưa. Anh tấp xe để đốt thuốc. Khi ném que diêm qua cửa kính, anh đọc thấy tên bảng đường: Thông lộ Glendale.
Mãi tới khi đến đầu đường, anh mới nhớ là cô gái có tên Frances Coleman đến thăm June Arnot lúc 7 giờ tối đã ghi địa chỉ số 145 Thông lộ Glendale. Anh vụt ghé sát lề và ngồi một lúc nhìn qua kính che gió con đường vắng và buồn. Bác sĩ Holmès đã nói June Arnot chết khoảng 7 giờ. Cô gái này có thể thấy được gì không?
Anh bước xuống xe tiến đến số 145. Đây là một chung cư tồi tàn. Có vài cửa sổ còn sáng ánh đèn. Qua cánh cửa kính lối ra vào, Conrad nhìn thấy một tiền sảnh đèn mờ và một cầu thang tối thui. Đủ thứ mùi vị xông lên: Mùi tỏi phi, nước đái mèo và rác rưởi phân hủy. Anh hất ngược mũ, nhíu mày bước vào đến trước dãy hộp thư đặt sát tường. Hộp thư của cô Coleman sếp hàng thứ ba, cô ở lầu 3.
Conrad lội bộ lên thang gác.
Một tấm thiếp trắng ghi tên cô ghim vào cửa. Conrad định gõ cửa nhưng nhận thấy cửa mở hé. Anh gõ cửa, đợi một lúc rồi lùi lại, thủ thế. Tối hôm nay anh đã trông thấy sáu xác chết thê thảm, ghê gớm rồi. Gáy anh lạnh ngắt. Anh đốt thuốc nhưng nhận thấy tay mình không run. Anh mỉm cười, nghiêng mình tới, đẩy cửa nhìn vào bóng tối.
— Có ai đấy không?
Không có tiếng trả lời. Một sự yên lặng chập chờn cùng với một mùi hoa thuốc phiện California.
Conrad bước tới mò mẫm tìm công tắc. Anh nín thở bật đèn và cứ tưởng nhìn thấy điều tồi tệ: nhưng thật ra không có xác chết, không có máu, không có thứ vũ khí giết người nào hết… đấy chỉ là một căn phòng nhỏ với chiếc giường sắt, tủ commos, vài cái ghế và chiếc tủ lớn. Trông thật sơ sài như chiếc giường đóng đinh của ông fakir Ấn Độ.
Conrad đứng yên một lát rồi mở cửa tủ: không có gì hết. Anh gãi gáy rồi bước ra. Trên tường nơi tiền sảnh có bảng: Gác dan ở tầng hầm. “Nào có mất mát gì!” Anh nghĩ. Anh bước xuống một thang gác dơ bẩn tối om.
— Có ai không?
Cửa mở và ánh đèn làm anh chói mắt. Một giọng nói êm dịu, mơn trớn phát ra:
— Không có phòng cho thuê đâu.
Conrad nhìn vào. Một người to béo mặc áo ngắn, ngồi sau bàn.
— Anh có một căn hộ trống trên lầu 3 phải không. Cô Coleman vừa dọn đi à?
— Ai nói với ông thế?
— Tôi vừa mới lên trên ấy. Phòng trống trơn.
— Ông là ai?
Conrad lên giọng:
— Cảnh sát!
Ông to béo nhăn mặt.
— Cô ta đi vào lúc nào? – Conrad nghiêm giọng hỏi.
— Tôi không biết cô ta đã dọn đi. Buổi sáng vẫn còn. Thế là may, tôi đỡ phải trục xuất cô ta vào sáng mai này.
— Tại sao?
— Thì cũng bấy nhiêu chuyện đó. Chưa trả tiền thuê ba tuần.
— Anh biết gì về cô ta? Cô ta ở đấy từ bao giờ?
— Độ một tháng nay. Hình như là một diễn viên phụ cinema. Cô ta không tìm được việc ở Hollywood. Cô thật ngoan. Tôi mà có con gái thì mong nó được như cô ta. Ăn nói mềm mỏng, người xinh, tính tình trầm lặng, thật là có giáo dục. – Ông nhún vai. – Nhưng lại không có tiền. Mấy con người khá thì lại không kiếm ra tiền. Tôi đã khuyên về quê đi nhưng cô ta không nghe. Cô ta nói rằng sáng nay trả tiền cho tôi. Chắc lại không kiếm ra chứ gì.
— Chắc vậy, – Conrad nói.
Anh bỗng cảm thấy mỏi mệt vô cùng. Một cô phụ diễn đang thất nghiệp lại đến thăm June Arnot thì có mục đích nào khác hơn là hỏi vay tiền. Loại cô ta chắc không qua được nhà người gác. Khó tin rằng June Arnot chịu tiếp cô ta.
Anh nhìn đồng hồ, đã quá nửa đêm.
— Cảm ơn. Tôi chỉ cần biết bấy nhiêu thôi.
Ông to béo hỏi:
— Sao? Cô ta không gặp lôi thôi gì phải không?
— Không đâu.
Conrad quay trở ra. Bardin đã nói rằng chính Jordan làm cú đó. Sáng mai ông sẽ nói chuyện với ông Biện lý. Giá như anh biết rõ June và Maurer có cặp bồ với nhau nhỉ! Nếu họ đã ngủ với nhau thì có nhiều khả năng Maurer đã tổ chức cuộc tàn sát, mà cũng có thể chính Maurer ra tay.
“Ui, kệ mẹ Maurer!”, Conrad nghĩ trên đường vào cổng nhà. “Mình không quên hắn được lấy 5 phút. Thật cực hơn là cảnh một gã si tình trồng cây si trước nhà người yêu”.
Anh mở khóa bước vào phòng chờ tối thui. Khung cảnh vắng lặng. Anh mở cửa phòng ngủ và bật đèn: Chiếc giường đôi nằm trơ vơ. Janey quả đã đi hoang chưa về.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.