Cái Chết Từ Trên Trời

CHƯƠNG 10



Mười ngày đã qua kể từ khi Janey chết, Conrad vẫn chưa hết bàng hoàng. Ngay từ đầu, anh khó mà tin rằng vợ mình đã chết, chỉ đến khi đưa đám anh mới thực sự nhận thức được cuộc sống chung bất hạnh của hai người đã chấm dứt.
Ông Coroner kết luận Janey chết là do tai nạn rủi ro. Chiếc gót cao của chiếc giày đi trong nhà bị vướng vào cái riềm áo khoác. Do đó, dưới con mắt của ông Coroner thì rõ ràng trong lúc xuống thang, Janey bị trượt chân nên ngã lộn cổ ra ngoài.
Conrad để ông bố vợ lo việc mai táng. Anh ở bên Frances trong nơi ở mới. Anh không còn làm được gì cho Janey và ý thức trách nhiệm về sự an toàn cho Frances đè nặng lên người anh. Ngoài ra anh luôn luôn băn khoăn tìm hiểu lời trối trăn bí ẩn của O’Brien: “Đó không phải là tai nạn… Ferrari… Con trai tôi…”.
Như tất cả những viên thám tử khác, Conrad biết tiếng Vito Ferrari. Có phải O’Brien muốn nói Weiner bị ám sát và do Ferrari thực hiện không? Conrad đã báo cho McCann biết Ferrari có thể còn lẩn quất trong thành phố nhưng viên cảnh sát trưởng cố gạt đi và nói không tìm ra dấu vết nào của tên đồ tể thuộc Hội đoàn đâu cả.
Mọi chuyện đó làm Conrad băn khoăn tợn. Nếu Ferrari là kẻ gây ra cái chết của Weiner thì tính mạng của Frances bị đe dọa nghiêm trọng. Anh đã huy động tất cả những quân số thường trực để bảo vệ nàng. Anh đưa Frances đến ở khách sạn Đại Dương tại một thị trấn nhỏ cách thành phố Pacific mười lăm cây số. Khách sạn là một khu nhà cao 10 tầng lầu xây dựng trên gềnh đá trông ra biển.
Forest đã trưng đụng toàn bộ lầu chót của khách sạn. Một tấm cửa sắt được cấp tốc dựng lên để bảo vệ tầng lầu và hai mươi anh cớm thuộc quân số của McCann luôn luôn tuần tra trên tầng lầu và xung quanh khách sạn. Madge và người nữ cảnh sát không rời Frances lấy nửa bước. Forest đã thỏa thuận rằng cho tới ngày mở phiên tòa, Frances sẽ không ra khỏi phòng.
Trong những ngày này, Conrad có nhiều dịp gặp gỡ Frances. Càng gần bên nàng, anh càng si mê nàng và vui sướng nhận thấy nàng cũng nóng lòng chờ đợi những buổi đến thăm của anh.
Madge đã thóc mách với Frances về cái chết của Janey và lời an ủi của nàng khiến Conrad thấy khổ tâm. Anh trịnh trọng nói với nàng:
— Thật là một vố nặng đối với tôi nhưng Janey và tôi không hòa hợp nhau lắm. Trước sau thế nào cuộc sống chung của chúng tôi cũng sẽ đi đến chỗ tan vỡ.
Mười ngày sau khi Janey chết, vào lúc chiều tối, Conrad tìm được một cơ hội để tiếp xúc thân mật với Frances. Anh đã vắng mặt nơi khách sạn một ngày một đêm và ủy quyền cho Van Roche trong thời gian anh vắng mặt. Vào lúc gần 8 giờ, anh về khách sạn và vội lên tầng lầu cuối ngay. Madge chưa tới phiên trực nên đến gặp anh trong phòng.
— Có gì lạ không? – Anh vừa hỏi vừa lấy quần áo trong vali nhỏ ra.
— Không, nhưng Paul này, tôi cảm thấy lo lắng cho cô ta. Tôi cho rằng cô ta cảm thấy sợ sệt một điều gì.
— Sợ à?
— Đúng vậy. Mỗi lần có người gõ cửa phòng là cô ta lại giật bắn người. Và cô ta không thể ngồi yên một chỗ mà cứ bồn chồn đi đi lại lại. Tôi có chú ý và thấy cô ta bi quan rất nhiều.
Conrad châm thuốc hút rồi nói:
— Tôi nhận thấy cô ta rất lặng lẽ. Cô ta đã chịu trăm điều khổ đau rồi.
— Vâng, tất nhiên như vậy. Nhưng tôi tin cô ta vẫn luôn luôn nghĩ tới Weiner. Không khi nào cô ta cho rằng hắn chết là vì tai nạn.
— Lúc này ai ở bên cô ta?
— Van.
— Tôi đến nói chuyện với cô ta một lát.
Anh đến phòng Frances. Van và hai nữ cảnh sát đang ngồi đọc truyện. Frances đứng ở cửa sổ nhìn ra biển. Khi Conrad bước vào nàng vẫn không quay lại. Anh ra hiệu cho ba người kia đi ra khỏi phòng. Khi mọi người ra hết, anh khép cửa và lại gần Frances.
Ở phía dưới hai người, bãi biển lởm chởm những gềnh đá. Nước triều rút và bãi cát vàng rực dưới ánh nắng. Anh nhẹ nhàng nói:
— Chắc cô thèm bơi lắm nhỉ. Tôi thật áy náy bắt cô cứ ở mãi trong phòng. Cô vẫn chịu đựng được chứ?
— Chuyện này đối với tôi không quan trọng, – nàng dửng dưng trả lời.
— Tôi luôn nghĩ đến cô, Frances, – anh nói tiếp sau một hồi im lặng. – Cô có suy nghĩ cuộc sống của cô sau này khi vụ án kết thúc không?
— Chuyện này không có ý nghĩa gì đối với tôi, – nàng thì thầm với giọng mệt mỏi.
— Tại sao cô lại có ý nghĩ như vậy?
— Nhưng đó là điều quá rõ ràng. Pete đã báo trước cho tôi biết là chúng không để tôi ra làm nhân chứng đâu. Vậy thì cần gì phải mơ tưởng đến tương lai cho mệt người.
— Trời đất! – Conrad kêu lên. – Không nên có ý nghĩ bi quan như vậy. Ở đây cô không có gì đáng phải lo cả. Khi ra tòa, cô được bảo vệ an toàn tới mức tối đa.
— Ông có tin chắc là tôi được an toàn không? – Nàng vừa nói vừa thò đầu ra cửa sổ nhìn xuống bãi biển vàng rực. – Ông cũng đã khẳng định điều ấy với Pete rồi thế mà anh ấy vẫn chết.
— Tôi sẽ không nói với cô như vậy nếu bản thân tôi không tin chắc là cô không phải sợ chuyện gì cả, – anh nhỏ giọng, nói.
Nàng liếc mắt nhìn anh vẻ dò hỏi.
— Tôi không hiểu…
— Không, tất nhiên là đúng như vậy rồi. – Anh rời xa nàng. – Không ai có thể chạm tới cô. Lời hứa danh dự của tôi đấy.
Nàng quay lưng về phía cửa sổ và nhìn anh thong thả đi đi lại lại trong phòng. Conrad nói tiếp:
— Cô cần phải bỏ định kiến cho rằng Maurer là một ông trời con. Tôi không nghĩ rằng lão không tìm cách giết cô nhưng tôi xin đảm bảo với cô là lão không đạt được điều đó đâu. Cô không thể biết được sự khó nhọc tôi đã hết lòng với cô như thế nào. Cô cảm thấy mình không được an toàn ư?
— Không.
— Cô giải thích cho tôi biết vì sao?
— Tôi không thể nào quên được những lời Pete nói với tôi. – Nàng vụt ngồi xuống. – Tôi không tin những lời ông nói. Pete cho tôi biết trên đời này không ai cứu được tôi nếu tôi khai ra. Anh ấy nói Maurer có thể mua chuộc được bất cứ người nào trong đội bảo vệ. Làm sao tôi có thể biết được, thí dụ như Maurer không mua chuộc được một trong hai nữ cảnh sát bảo vệ tôi?
— Cô đừng nên nói như vậy. – Anh lại gần cầm tay nàng. – Frances, cô nhìn thẳng vào mắt tôi này. Tôi yêu cô. Cô không biết rằng tôi yêu cô sao?
Nàng chăm chú nhìn anh.
— Ông yêu tôi? Ông… Tôi… tôi không biết.
— Tất nhiên là cô không thể nào biết được nỗi lòng thầm kín của tôi, – Conrad thong thả nói. – Tôi không có ý định thổ lộ với cô về chuyện này. Nhưng tôi không thể cầm lòng nổi khi nhìn thấy cô lo lắng. Tôi bảo vệ sinh mạng cô còn hơn mạng sống của tôi. Không nên lo sợ Madge cũng như hai người nữ cảnh sát kia. Tôi xin thề với cô là họ không bao giờ để người khác làm hại cô.
Nàng gỡ tay anh ra.
— Nhưng làm sao ông lại yêu được tôi, – Frances thì thầm như tự nói với mình. – Ông biết tôi là người như thế nào rồi. Ông không thể yêu tôi được.
— Frances, xin cô nghe tôi. Đừng nên nói tầm bậy nữa. Cô không phải chịu trách nhiệm những hành động của ông bố cô.
— Ông nói thì dễ thôi. Ông không thể nào hiểu được nỗi thống khổ khi mình bị người ta chỉ trỏ, nghe những lời thiên hạ xì xầm, nhìn thấy các bà mẹ kéo đứa con nép vào váy mỗi khi mình đi qua. Ông không thể hiểu nổi tâm trạng một con người bị đám đông khích động bao vây la hét.
Anh quì bên nàng.
— Frances, nếu cô muốn, tôi xin bảo vệ cô. Tôi đã sắp đặt mọi chuyện. Sau khi kết thúc vụ xử án, tôi đưa cô đi. Chúng ta cùng nhau xây dựng lại cuộc đời. Đời tôi đã bất hạnh, đời em lại càng bất hạnh hơn. Tôi muốn em làm vợ tôi. Không ai biết chúng ta ở đâu. Chúng ta sang Anh Quốc lập nghiệp.
Nàng vụt đứng lên, không nhìn anh và thong thả đến bên cửa sổ. Nàng nói:
— Tương lai ư? Tôi là con người không có tương lai. Tôi biết rõ như vậy. Đối với tôi, tất cả chỉ là một hiện tại trong chớp nhoáng mà thôi.
 
o O o
 
— Jack, nhất thiết sự việc phải xảy ra như một tai nạn, – Gollowitz nói, – Nếu chúng chỉ cần nghi ngờ một chút cũng đủ làm ta tiêu.
Maurer ngồi trước bàn giấy, rụt cổ giữa hai vai, mắt long lên vì giận dữ. Lão rống lên:
— Cho con đĩ nổ tan như xác pháo. Biện pháp duy nhất để khử nó là đốt mẹ cái khách sạn đi. Trong khi thiên hạ chạy toán loạn ra ngoài thì ta phơ được con nhỏ.
Gollowitz nói với giọng ảo não:
— Không được đâu. Chúng ta không thể làm như vậy được.
Maurer đứng lên bồn chồn đi đi lại lại trong phòng.
— Thế anh định làm thế nào? Mẹ kiếp! Đó là biện pháp duy nhất. Anh làm cách nào túm được con nhỏ trong khi bọn cớm cứ giữ rịt nó trong hang?
Gollowitz lấy khăn lau bộ mặt bóng loáng. Khi Maurer cho người gọi lão, lão cảm thấy một niềm khoan khoái vô hạn. Dù sao thì cái thằng Maurer hống hách này cũng không thể tài giỏi hơn lão. Lão rụt rè gợi ý:
— Ferrari làm được đấy.
— Nó vẫn còn ở trong thành phố à?
Gollowitz đang chờ đợi một cơn thịnh nộ nổ ra, nghe thấy thế lão tỉnh người vội gật đầu lia lịa:
— Lúc này hắn đương ở quầy rượu.
— Abe, phải gọi hắn tới là thú nhận sự bất lực của mình.
— Ferrari là người duy nhất có thể lột da con nhỏ.
Maurer trở về ngồi sau bàn giấy trầm ngâm suy nghĩ. Một lát lão bốc máy gọi:
— Louis? Nói với Ferrari lên gặp tôi. Hắn đang ngồi ở bar.
Gollowitz ngả người xuống thành ghế, khoan khoái tận hưởng sự thắng lợi.
— Jack, anh xử sự đúng đấy. Không còn cách nào khác nữa đâu.
Maurer ngẩng mặt lên, thong thả nói:
— Abe, anh còn thơ ngây lắm. Đừng tưởng tôi làm theo đúng lời khuyên của anh thì nhầm to. Ferrari thanh toán xong chuyện con nhỏ thì đến lượt tôi thanh toán với hắn. Đó là điều khác nhau cơ bản giữa một người lãnh đạo tổ chức và một kẻ bị tổ chức lãnh đạo.
— Anh định thanh toán Ferrari?
Maurer cười nhạo:
— Abe, anh cứ chờ thì biết.
Hai người nhìn nhau im lặng không nói hồi lâu rồi Ferrari bước vào. Gã lặng lẽ trèo lên ghế, ngồi bảnh chọe và chăm chú nhìn Maurer với đôi mắt long lanh. Maurer nói:
— Về chuyện con nhỏ. Chuyện này vượt quá khả năng của tôi. Abe cho biết anh có thể làm được. Đúng không?
Ferrari nhướng mắt:
— Dĩ nhiên rồi.
— Tôi trả anh mười ngàn đôla.
— Hai mươi… Nếu việc này chỉ đáng giá mười thì anh tự làm được rồi.
Maurer nhún vai:
— Đồng ý. Khỏi mặc cả lôi thôi. Hai mươi nghìn đây. Có tin chắc sẽ thành công không?
— Tôi chưa bao giờ thất bại và cũng sẽ không bao giờ nếm mùi thất bại. Anh chỉ nghĩ đến những khó khăn còn tôi nghĩ đến cách giải quyết.
— Cần thiết phải là một tai nạn.
— Dĩ nhiên là môt tai nạn rồi.
Mặt Maurer tím lại.
— Ngay cả con nhỏ hiện ở đâu anh cũng chưa biết.
Ferrari nhếch mép cười nhạo.
— Nó đang ở trong khách sạn Đại Dương ở Barwood. Trên lầu chót nhìn ra biển. Có hai mươi người gác: Năm gã đi tuần quanh khu vực khách sạn, năm gã ở lầu chót, năm gã ở trong ba căn phòng ngay dưới cửa sổ phòng con nhỏ, còn năm gã nữa sẽ luân phiên cho chúng. Không người nào lọt vào khách sạn mà không bị kiểm tra giấy tờ. Không ai được phép lên lầu chót. Những thang máy chỉ hoạt động tới lầu 9 thôi. Ba người phụ nữ ở cạnh con nhỏ suốt ngày đêm không rời một bước kể cả lúc nó đi tắm. Con nhỏ không được phép rời khỏi căn buồng. Không thể nào leo tới cửa sổ phòng con nhỏ và những cửa sổ ở ngay phía dưới của các lầu thấp cũng được canh gác. Mái thì dốc đứng còn một cửa sổ mái độc nhất cũng có người đứng trấn suốt ngày đêm. Làm sao anh nghĩ tôi không thông thạo địa hình?
Maurer nhìn đăm đăm vào Ferrari như bất chợt có phép lạ nào biến hóa thần thông Ferrari thành con rắn.
— Anh nói dối! Làm sao anh biết tường tận như vậy? Tôi cho người theo dõi khách sạn đó nhiều ngày mà còn không biết con nhỏ ở căn phòng nào nữa kìa.
Ferrari mỉm cười.
— Anh là loại tài tử, còn tôi là dân nhà nghề.
Maurer cố nuốt lời sỉ nhục vào bụng. Lão biết gã nói đúng.
— Nhưng làm thế nào anh biết tường tận như vậy?
— Tôi trèo lên lầu thứ 10. Tôi mở rộng mắt, căng hết tai ra. Tôi đã nhìn thấy con nhỏ.
— Anh trèo lên đó? Làm thế nào?
— Đó là bí mật của tôi, – Ferrari đáp.
Sau một hồi im lặng, Maurer nói tiếp:
— Thôi được. Đồng ý. Anh cho tôi biết dự định cho nó chết vì tai nạn cách nào.
Ferrari bắt chéo đôi chân ngắn ngủn vào nhau.
— Một bài toán rất thú vị. Không thể không làm được nhưng nuốt được thì cũng xương lắm. Tôi thực sự tin rằng trên cả thế gian này chỉ có mỗi mình tôi làm được mà thôi.
— Anh làm thế nào?
— Tôi cần một phi cơ và một người nhào lộn trên không.
Maurer trợn tròn mắt.
— Một diễn viên nhào lộn trên không? Anh không có ý định cho người đó nhảy dù xuống mái ngói khách sạn đó chứ?
Ferrari cười:
— Anh đã nhìn thấy một ảo thuật gia biểu diễn chưa? Hắn luôn luôn bắt mọi người phải tập trung sự chú ý vào mọi cử động của hắn. Người diễn viên nhào lộn trên không cũng sẽ để tôi có cơ hội được tự do biểu diễn tài năng của tôi.
— Anh sẽ có phi cơ, có người lái, có diễn viên nhào lộn. Khi nào thì anh cần gặp họ? – Maurer hỏi.
— Hôm nay là thứ tư. Thứ sáu được không? Tôi cần nói chuyện trước với họ.
— Thế bao giờ thì anh ra tay?
— Chiều thứ bảy. Ngày tốt lành đấy! Hôm đó người ta trả lại quần áo giặt là. – Ferrari vừa nói vừa trượt xuống ghế.
— Quần áo giặt là? Chuyện lặt vặt đó liên quan gì đến việc thủ tiêu con nhỏ. – Maurer sửng sốt hỏi.
— Ấy thế mà liên quan với nhau nhiều lắm đấy, – Ferrari vừa nói vừa tiến ra cửa. – Tôi sẽ có mặt ở đấy vào sáng thứ bảy. Viên phi công cũng phải đến vào lúc đó.
Gã đi khuất, Maurer thở phào.
— Đúng là một con quỉ con! – Lão đứng lên. – Abe, tôi còn nhiều việc lắm. Nhờ anh gọi hộ Louis đến gặp tôi.
Gollowitz đi ra và Maurer đi đi lại lại trong phòng, trầm ngâm suy tính. Vài phút sau, Seigel bước vào.
— Ông chủ muốn gặp tôi?
— Phải. Ngồi xuống đi, Louis.
Seigel ngồi xuống ghế, lo lắng liếc nhìn Maurer. Lão nhẹ giọng, nói:
— Louis, tôi có chút việc nhỏ này giao cho anh. Chiều thứ bảy, Ferrari sẽ có mặt ở khách sạn Đại Dương. Tôi muốn anh cũng đến đấy phục kích lúc hắn quay trở về. Tôi giao cho anh công việc thanh toán thằng lùn đó.
— Ferrari?
— Đúng vậy.
— A! Trời ơi, ông chủ! Gã này khó nhá lắm.
— Anh cần hiểu tôi. Louis, hoặc là anh hoặc là gã!
 
o O o
 
Khách sạn Đại Dương vào cuối tuần bao giờ cũng đông nghẹt người và đặc biệt xế chiều thứ bảy hôm dó, hồ tắm và bãi cỏ rộng mênh mông tràn ngập người từ San Francisco và Los Angeles đến để tắm biển và phơi nắng.
Conrad ngồi dưới bóng râm của một cây rậm lá nhìn mọi người vui chơi, đi lại, nói chuyện quanh hồ bơi. Chốc chốc anh lại liếc nhìn con đường dẫn đến khách sạn chờ xe Forest.
Khoảng 4 giờ rưỡi, anh thấy xe ông sếp liền đứng dậy ra hiệu. Chiếc xe chậm lại rồi dừng hẳn. Forest bước ra nói gì đó với người tài xế rồi bước qua bồn cỏ, lách đám đông đến chỗ Conrad. Ông nói:
— Chào Conrad. Anh có vẻ tìm ra được một chỗ hay đấy. Cả đống gái đẹp. Thật đã con mắt.
— Hơi quá nhiều một chút đấy, – Conrad vừa nói vừa kéo chiếc ghế lại. – Các bạn ta phải lúng túng để kiểm soát mọi chỗ ra vào.
— Nhưng họ cũng ra được chứ?
— Phía ngoài thì không thành vấn đề. Nhưng ai vào khách sạn cũng đều phải xét kỹ.
Forest ngồi xuống.
— Công việc thế nào?
Conrad nhăn mặt.
— Cô ta không có lý do gì mà phải sợ nhưng tinh thần thì bết quá. Weiner đã gieo tính hoài nghi vào đầu óc cô ta. Tôi sợ rằng cô ta không chịu làm chứng nữa.
— Cô ta đã ký vào tờ khai chưa?
— Chưa. Cô ta cứ tưởng rằng nếu chưa ký thì Maurer chưa làm hại cô ta. Tất nhiên là không đúng rồi. Chắc Maurer đang tìm cách thủ tiêu trước khi cô ta đồng ý ký. Tôi đã lặp đi lặp lại giải thích đủ đường mà cô ta vẫn sợ. Tôi mong ông đến gặp cô ta để cô ta nghe ra. Tôi thì thua rồi.
Forest liếc nhanh Conrad rồi hơi nghiêng mình về trước vỗ nhẹ vào đầu gối anh.
— Anh quan tâm đến cô bé ấy lắm phải không?
— Ông thầy thính thật. Thôi thì nói ngay cho rồi. Tôi rất quan tâm đến cô ta. Tôi đã xin cưới cô ta. Tôi si mê cô ta đấy.
— Còn cô ta có điên lên vì anh không?
— Không chắc. Hiện giờ cô ta có nhiều việc phải lo. Cô ta cứ nghĩ thế nào cũng phải chết.
Forest nhìn một cô gái người cao mảnh mai mặc bikini trắng đang nằm phơi nắng.
— Paul ạ, thế giới đầy gái đẹp. Cô Coleman không phải là một thứ lựa chọn hay đâu.
— Vì cha cô ta à?
— Phải. Vì cha cô. Tôi rất tin cậy ở anh, Paul ạ. Mai sau anh sẽ là Biện lý. Nếu anh để một người đàn bà có quá khứ không được tốt đẹp thì có hại cho sự nghiệp đấy.
— Tôi biết ông thầy nghĩ giùm cho quyền lợi của tôi nên rất cảm ơn. Nhưng khi ta gặp một người đàn bà và muốn sống cuộc đời còn lại với người đó thì phải hy sinh sự nghiệp thôi.
Forest chọn điếu xì gà đốt lên.
— Anh tính làm thế nào?
— Lúc này thì tôi chưa biết. Tôi nghĩ là sau vụ án, tôi sẽ đem cô ta sang Anh Quốc. Tôi đã nói với cô ta điều đó nhưng cô ta không chịu nghe bàn chuyện tương lai. Cô ta tưởng mình sắp chết.
— Cứ đặt mình vào hoàn cảnh của cô ta thì mới thấy thông cảm, – Forest dịu giọng, nói. – Cô ta phải đương đầu với một tổ chức nguy hiểm nhất trong nước. Thành thật mà nói Paul ạ, cô ta không có bao nhiêu cơ may để thoát đâu.
Conrad nắm chặt tay lại.
— Bọn chúng không thể giết cô ta nơi đây. Nguy hiểm chỉ bắt đầu khi ta đưa cô ta đến tòa án.
— Anh có chắc là ở đấy không có nguy hiểm ư? Chớ nên tin cái gì hết, chớ nên tin người nào hết nếu anh muốn che chở cho cô bé. Vợ anh có đến câu lạc bộ Thiên Thai, đại bản doanh của Maurer. Cô ta biết cô Coleman ở đâu và bây giờ vợ anh đã chết. Chừng nào Maurer còn cầm đầu tổ chức thì không ai có thể an toàn được.
— Janey không dính dấp gì đến việc này. Cô ta chết vì tai nạn thôi. Đã hàng chục lần tôi bảo phải coi chừng cái viền áo choàng. Cô ta cứ hay giẫm lên và làm rách áo. Nhưng cô ta không chịu cầm lấy cây kim vá lại. Còn việc che chở cho Frances thì tôi đã làm hết sức rồi. Ông cứ đến kiểm tra.
Forest thốt lên tiếng càu nhàu. Một chiếc xe thùng loại nhỏ sơn trắng tiến vào, loang loáng hàng chữ: XÍ NGHIỆP GIẶT LÀ BARWOOD
— Nếu anh thấy bằng lòng thì tôi cũng vậy, – Forest nói. – Nhưng ta phải nghĩ đến chuyện làm chứng của cô ta có thể bị thách đố. Đây là lần đầu tiên từ khi Maurer hoành hành, ta mới có chút hy vọng đưa hắn ra tòa.
Conrad nhìn theo chiếc xe thùng bẻ quanh và biến mất sau khách sạn.
— Chúng ta cần thời gian để tóm hắn. Chừng nào hắn còn trốn thì Frances còn phải ở lại đây.
— Mọi chiếc tàu trong tay ta sử dụng đều đang sục tìm hắn. Trốn ở ngoài biển thật là lý tưởng đấy, Paul ạ. Nhưng sớm muộn gì hắn cũng phải ghé đâu đó để lấy thực phẩm và ta sẽ ra tay. – Ông đứng lên. – Được đấy. Hãy đi nhìn sơ qua pháo đài.
Hai người bước về phía khách sạn.
 
o O o
 
Vào lúc 6 giờ rưỡi, cả hành lang nhà bếp và văn phòng khách sạn nhộn nhịp hẳn lên vì đấy là lúc người ta phải sửa soạn bữa ăn cho năm trăm người.
Ngược với phía các phòng ăn sang trọng, lấp lánh ánh đèn, những khu dành cho nhân viên đều âm u, ẩm thấp và chật chội. Nhân viên nhà bếp chịu nóng bức từ các lò nấu, dãy quần áo phải mang đi giặt chồng chất dọc theo tường bốc mùi và làm cản trở lối đi từ bếp đến văn phòng.
Các giỏ đồ dơ nằm đó đến sáng mai đợi lựa đưa đi. Vito Ferrari nằm khoanh tròn trong một cái giỏ ở tận trên cao. Gã dỏng tai nghe tiếng rì rầm chung quanh và nhìn qua kẽ giỏ để trông chừng người qua lại. Gã đang đợi chờ. Sự kiên nhẫn là yếu tố thành công của tay giết người chuyên nghiệp và ở Ferrari thì nó thật vô giới hạn.
Muốn chui lén vào giỏ, gã chỉ phải chi có 20 đôla. Người giao đồ giặt bùi tai chịu nghe câu chuyện bịa là gã yêu lén vợ người đầu bếp chính. Cho nên Ferrari nằm gọn trong giỏ và kim đồng hồ đeo tay quay đều. Đến 17 giờ 10, người đi lại đã bớt. Bảy giờ rưỡi, lối đi trên hành lang từ nhà bếp đến văn phòng đã vắng ngắt.
Ferrari thận trọng mở nắp giỏ leo ra ngoài. Gã đi sát tường vượt nhanh đến thang máy dành riêng cho nhân viên. Hành lang ở đó dẫn đến một phòng lớn chất đầy két bia. Có tiếng thang máy đi xuống, gã nhảy vội nấp sau đống két bia. Cabin dừng lại, cửa mở ra, hai phụ việc đẩy một cái bàn ăn lăn ra để trống cửa. Chỉ vài giây đồng hồ, Ferrari đã nhảy vào, bấm nút đến lầu 9.
Ferrari hiểu rằng đây là lúc nguy hiểm nhất cho gã. Nếu có ai ở trong hành lang vào lúc gã mở cửa thang máy thì cả kế hoạch sẽ hỏng bét. Nhưng cho đến lúc này thì may mắn vẫn đứng về phía gã, không lý do gì lần này lại khác. Lúc bấm nút mở cửa, tay gã sờ vào báng súng lục. Hành lang vắng ngắt. Gã bước ra, dấn mình vào hành lang đến nấp sau tấm màn che một cửa sổ mở ra biển.
Cách đấy vài mét, một cánh cửa mở và một thiếu phụ bước ra, áo hở ngực thật rộng. Cô ta khép cửa, vẫn để nguyên chìa khóa và từ từ bước về phía thang máy vừa bấm nút vừa khe khẽ hát. Khi cô ta bước vào cabin, Ferrari rời chỗ nấp qua căn phòng người phụ nữ trẻ vừa đi và nhìn vào. Căn phòng tối om. Gã khép cửa, khóa trái và bật đèn. Chiếc giường được xếp gọn nên gã nghĩ cô bồi phòng đã qua đây, gã sẽ được yên ổn ít ra là một tiếng đồng hồ. Gã tắt đèn, bước đến bên cửa sổ, vẹt tấm màn ra. Cửa sổ ngó ra hồ tắm. Đèn thắp sáng. Người phục vụ qua lại mang khay đựng nước giải khát cho đám đông.
Ferrari biết rằng phòng của Frances ở phía bên kia hồ bơi, ngó ra biển. Gã không quên là cả lầu 10 được canh gác kỹ lưỡng. Muốn đến cửa sổ phòng Frances thì phải leo lên mái bò qua nóc nhà sang phía bên kia. Đường leo trèo thật nguy hiểm chưa từng gặp nhưng gã không bận tâm. Gã đã dùng ống nhòm quan sát kỹ nên biết rõ phải theo lối nào. Gã ngồi lên bệ cửa sổ nhìn mọi người phía dưới. Đến quá 9 giờ vài phút, gã thấy trời đã tối.
Gã rút từ dưới áo manteau một sợi dây dài bằng tơ quấn quanh thân hình nhỏ thó từ trước. Một đầu sợi dây có cái móc bao cao su còn đầu kia là một cái vòng có đệm dày. Gã leo lên bờ cửa sổ nhìn lên cao. Balcon của một căn phòng lầu 10 vừa ngay trên đầu gã. Gã ném chiếc móc bám chặt vào balcon và leo thật nhanh và dễ dàng như khỉ leo dừa. Gã leo qua bao lơn và buông mình xuống cả bốn chân tay. Gã liếc nhìn vào căn phòng trống và nhìn trở lại để biết chắc không có ai trông thấy gã.
Gã leo lên hàng cột balcon nhìn mái nhà cao khoảng năm mét. Một ống máng to chạy dọc theo bờ mái. Gã lại vung móc dính vào ống máng và giật giật vài cái thử xem có chắc không. Gã tung mình ra ngoài khoảng không bám vào đấy leo lên đến ống máng, mấy ngón tay bám chặt vào dây. Mái nhà dốc đứng ở ngay trên đầu gã. Phía dưới ánh đèn lấp lánh trên mặt nước xanh rờn của hồ bơi. Xe hơi đi hàng dài không dứt. Ferrari đưa tay bám để giữ thăng bằng. Chỉ cần một chút sơ sẩy là gã bị ném xuống khoảng không đen ngòm bên dưới.
Gã thật bình tĩnh nhưng biết rõ nguy cơ đe dọa gã. Gã hơi nghiêng mình ra ngoài để lấy chỗ co chân lại dọc theo ống máng. Vừa xếp đầu gối lại thì gã mất thăng bằng và trong một thoáng, cả thân hình gã chồm ra ngoài khoảng không. Các ngón tay gã vội bấm mạnh và gục đầu xuống ngực để cái đầu khi di chuyển lập lại thế thăng bằng. Gã cứ ở vị trí đó hơn một phút không nhúc nhích. Mồ hôi tuôn ra đầy mặt, hơi thở dập dồn, gã biết mình vừa gần sát bên cái chết và cảm thấy ý chí lung lay.
Khi vừa hồi phục một chút, gã lại nghiêng mình ra phía trước, lần này gã xếp được đầu gối lại ép lên cằm, tất cả giống như một quả cầu đen, đứng chênh vênh trên bờ ống máng. Thế rồi gã vươn chân lên, thân hình chồm về phía trước, tay bỏ ống máng bám lấy mái ngói. Chân gã đứng trên bờ ống máng, thân hình ép sát vào mái, đầu vẫn cúi xuống. Gã cứ đứng như thế đến khi hơi trở lại điều hòa.
Gã tháo sợi dây đen quanh cổ và ném móc lên đỉnh mái. Phải làm tới bốn lần, móc mới bám chắc và gã cũng suýt bị mất thăng bằng lần nữa. Gã dùng hai tay leo lên mái ngói nhà dốc và ngồi chàng hảng trên đỉnh. Dưới năm mươi mét bên dưới, biển vỗ vào bờ đá. Ngay phía dưới mái này, đâu đó là phòng của Frances. Gã nghe có tiếng radio vọng tới.
Gã thò chân vào chiếc vòng dây và từ từ nhẹ nhàng tụt xuống. Phía này không dốc lắm. Gã nghiêng mình qua mái ngói thòng đầu xuống, chân vẫn mắc vào vòng của sợi dây. Đầu và vai gã đứng ngay với tấm cửa của một cửa sổ.
Gã tưởng mình nằm mơ: Gã rơi đúng ngay vào phòng của Frances. Có ba người trong phòng: Hai nữ cảnh sát viên và Frances. Hai người kia đang đứng xa cửa sổ, một đọc sách, còn một ngồi đan. Frances đang đứng trước gương soi chải tóc. Sau một lúc nàng bỏ lược đứng lên ngồi ở một chiếc ghế gần cửa sổ. Chiếc áo choàng xanh làm nổi bật thêm khuôn mặt tái xanh.
Ferrari uốn người lại bám lấy ống máng. Gã nhìn đồng hồ. Mới có 9 giờ rưỡi. Gã còn nửa tiếng đồng hồ chờ đợi nữa.
 
o O o
 
Forest ăn tối xong đi một vòng khách sạn đến phòng Conrad. Ông thả mình ngồi trên ghế nói:
— Bữa ăn khá lắm. Ở đây giống như gà được vỗ béo.
— Phải, – Conrad lơ đãng gật đầu. Anh không lưu ý xem người ta cho mình ăn cái gì nữa. – Thế nào, ông thầy nghĩ sao về Frances?
— Cô ta dễ thương và đẹp nữa. Tôi nói chuyện rất lâu với cô ta và hình như đã thuyết phục được cô ta chịu ký. Cô ta hứa ngày mai sẽ trả lời. – Ông ngước mắt nhìn lên. – Tôi cũng đã nói về anh, Paul ạ.
— Vâng, ý cô ta ra sao?
— Cô ta có vẻ hoảng lên khi nghe nói anh định cưới cô ta. Paul ạ, phải biết kiên nhẫn. Tôi hứa là cô ta chịu ký thì tôi sẽ thu xếp một chuyến du lịch hai tháng đi Châu Âu cho cô ta và anh ngay sau phiên tòa. Điều đó có vẻ không làm cô ta mếch lòng lắm.
— Cô ta có nói là muốn đi đâu không?
— Xin cho tôi khuyên anh một lời, – Forest nói tiếp. – Tôi nói cô ta nên đến Venise. Nếu anh không quyến rũ được cô ta trên một chiếc thuyền ngắm cảnh thì anh thật là đồ vô tích sự.
— Được rồi, – Conrad mỉm cười nói. – Nhưng khoan bàn chuyện tương lai, bây giờ phải tìm cách bảo vệ cô ta được an toàn để đến trước tòa. Ông nghĩ thế nào về những biện pháp đề phòng của tôi?
— Tuyệt, – Forest nói. – Anh chọn chỗ thật đúng. Anh tính làm thế nào để chuyển cô ta đến tận tòa. – Ông ngước mắt nhìn lên. – Kìa chiếc phi cơ bay thấp quá.
Tiếng động cơ làm cả hai giật mình. Conrad nhìn đồng hồ.
— Máy bay đêm từ thành phố Pacific đi Los Angeles thường cất cánh vào giờ này. Tôi nghĩ là chở cô ta trong một chiếc thiết giáp có hộ tống. Chúng ta sẽ giữ cô ta ở đằng đó. Có nhiều gian phòng dưới hầm đủ cho cô ta sử dụng.
— Phải, – Forest nói. – Nhưng trước hết phải tóm được Maurer đã.
— Không có tin tức gì à?
— Mười phút trước đây tôi có nghe Bardin báo cáo hình như Maurer đã trở về. Họ đang kiểm chứng xem có đúng không.
— Lão trở về à? Ai nói thế?
— Lại chiếc phi cơ! – Forest tiếp lời. – Chiếc phi cơ bay thấp rà sát cửa sổ. Trời! Anh nhìn kìa!
Conrad bước theo ông đến bên cửa sổ. Một chiếc phi cơ nhỏ bay vụt ra phía biển, sáng rực ánh đèn néon đỏ. Trông nó thật giống con chim Thiên Thai ở vùng nhiệt đới. Nó lượn vài vòng nhỏ rồi quay trở lại trên đầu khách sạn.
— Lại chuyện quảng cáo!
Conrad nghĩ tới Frances. Ý định đưa nàng đi Venise làm tim anh đập nhanh và dồn dập. Forest nghiêng mình ra cửa sổ để xem chiếc phi cơ lượn quanh khách sạn và đâm đầu ra biển lần nữa.
— Xem kìa thật là hay! Cái gì thế này! Ê! Paul! Nhìn xem!
Hơi khó chịu vì sự vui thích quá trẻ con của Forest, Cortrad bước lại gần cửa sổ hơn chút nữa. Chiếc phi cơ bấy giờ đang ở phía gềnh đá trên khu vườn của khách sạn. Người ta thấy có bóng người đứng trên máy bay có đèn xanh đỏ chiếu sáng rực.
Conrad lầu bầu:
— Thằng ngu! Hễ có xu là gì cũng nhào vô!
— Lúc còn nhỏ, tôi cứ muốn trở thành người nhào lộn trên không. Gã kia chắc là có trái tim cột dây sắt. Anh nhìn hắn kìa!
Chiếc phi cơ bay trở lại vẫn thấp như trước, người nhào lộn chống tay trên cánh đứng chênh vênh ngoài trời. Tiếng hoan hô của đám đông dồn trong vườn gần như át cả tiếng máy bay. Forest chồm hết người ra cửa sổ.
— Kìa, hắn chỉ bám có một tay…
Conrad cảm thấy tấm thảm dưới chân anh trượt đi. Anh thấy Forest nhào tới trước và cố tuyệt vọng níu lại bờ cửa sổ. Anh chụp chiếc áo manteau của ông trì lại thật mạnh. Trong một thoáng, anh cứ tưởng là chiếc áo tuột đi. Thế rồi Forest lấy lại được thăng bằng, Conrad thở dốc.
— Trời!
Forest xanh mặt, toàn thân run rẩy, nói tiếng khàn khàn:
— Cảm ơn Paul. Suýt nữa tôi lộn đầu ra ngoài rồi. Úi chà cao quá. Hình như tấm thảm trượt đi.
Conrad như đóng đinh tại chỗ, mặt trắng bệch như tờ giấy. Một tiếng hét khủng khiếp vang lên át cả tiếng máy bay. Forest hỏi:
— Cái gì thế?
Conrad chạy vụt ra ngoài hành lang như phát rồ, hướng về phía phòng Frances. Hai người bảo vệ chạy ngược lại, anh như xô họ để bước vào. Hai nữ cảnh sát viên đứng như trời trồng. Madge Fielding vặn tay vào nhau, mặt như chàm đổ còn Frances không thấy đâu cả. Giọng Conrad như nghẹn đi:
— Madge! Gì thế?
— Cô ta ngã xuống đất rồi. Cô ta chồm ra ngoài cửa sổ để xem máy bay rồi la lên một tiếng. Tôi chạy vội nhưng chậm mất rồi. Hình như có ai bên ngoài kéo cô ấy. Cô ta vùng vẫy rồi tấm thảm trượt đi và…
Forest xô Conrad, bước đến bên cửa sổ.
Năm mươi mét dưới kia, Frances nằm dài trên cát như một con búp bê bị tháo tung sáng rõ dưới ánh trăng.
Conrad thừ người buông mình xuống ghế. Forest than vãn:
— Thế đấy! Trời ơi! Lời buộc tội của tôi chống Maurer tiêu mất rồi.
Chiếc máy bay nghiêng cánh lượn trên khách sạn một lần nữa rồi nhanh chóng bay ra biển và mất hút trong màn đêm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.