Ông Biện lý Charles Forest ngồi mơ mơ màng màng cạnh bàn, tay kẹp điếu thuốc. Ông thấp người, nét mặt nghiêm, đôi mắt sắc. Im lặng một hồi lâu, ông nói tiếp.
— Tóm lại là McCann hình như đồng ý giả thuyết về Jordan. Nó giải thích được tất cả. Tôi đã đọc báo cáo của Bardin và thấy có lý. Sao anh lại không chịu?
Conrad ngồi thụt sâu thêm vào chiếc ghế dựa.
— Tại vì có quá nhiều chuyện có vẻ như được bố trí. Bác sĩ Holmès cho rằng đó là công trình của một dân nhà nghề, tôi thấy đúng. Dân tay mơ thì phải cực kỳ may mắn mới có thể hạ năm người bằng 5 phát đạn, nhất là dùng khẩu 45. Mặc dù súng giật nhưng bắn đâu trúng đó.
— Tôi biết, – Forest dịu dàng nói. – Nhưng tôi cũng đã xét đến Jordan. Hắn là một thiện xạ bẩm sinh. Cách xa 20 mét, hắn có thể bắn trúng một con bài. Phải tập luyện nhiều mới được thế.
Conrad nhăn mặt, ngượng ngùng nói:
— Đáng lẽ tôi phải tìm hiểu điều đó. Thôi cho qua, một vấn đề giải quyết xong. Còn điều này nữa: Hắn sử dụng dao cạo điện, thế mà lại có thêm con dao cạo có cán. Ông thấy lạ không?
— Không đâu. Người ta thường dùng dao đó để cắt mấy cục chai.
— Bardin có nói với tôi như thế nhưng tôi đã đi hỏi ông bác sĩ Holmès và ông này cho biết trên người Jordan không có cục chai nào. Và nhất là không có máu dính trên quần áo.
Forest gật đầu.
— Được rồi. Anh nói tiếp đi. Anh có ý gì giấu trong đầu?
— Bardin xác nhận có nghe người ta đồn June Arnot là nhân tình của Maurer. – Conrad bình tĩnh nói. – Ta giả sử như Maurer biết cô ta lừa dối lão đi với Jordan thì sao? Lão sẽ làm gì? Gửi lời chúc mừng chăng? Nếu tôi không lầm về tính cách Maurer thì chắc lão sẽ đích thân đến thăm cô ta, mổ bụng, cắt đầu cho hết ham cắm sừng lão. Ngay lúc mới thấy hiện trường, tôi đã nghĩ ngay đến chuyện các băng thanh toán nhau. Điều đó giải thích tính chất nhà nghề của vụ việc và sự tàn sát để không còn người làm chứng. Maurer đủ ranh ma nghĩ chuyện đổ vấy cho Jordan.
Forest chăm chăm nhìn tờ giấy thấm trên bàn một lúc rồi hỏi:
— Có chắc cô ta là tình nhân của Maurer không?
— Không. Nhưng nếu chịu khó tìm thì có thể phăng ra được.
— Nếu biết chắc cô ta là bồ của Maurer thì tôi chịu nhận là anh đã đi đúng hướng.
Forest ngước đôi mắt lạnh lẽo dò xét khuôn mặt Conrad.
— Anh biết là tôi nhận cái ghế này là để có cơ hội tóm được Maurer. Tôi cũng biết phía anh, anh nghĩ gì rồi. Cả hai chúng ta đều muốn lột da lão. Cho tới nay thì lão chưa sai sẩy một bước, chưa giúp chúng ta có cơ hội nào chống lại lão cả. Chúng ta đã tóm được hai tên cặp kè với lão, cho vào tù 2 năm cũng là một thắng lợi rồi. Anh nghĩ là Maurer nấp sau mọi chuyện ấy. Có thể lắm. Anh cứ xông xáo điều tra nhưng chớ cho ai biết. Muốn tóm được Maurer thì phải làm cú bất thần. Và nhớ đừng có ảo tưởng: Chộp bất ngờ Maurer là khó lắm đấy. Lão có tai mắt khắp nơi. Nhưng anh cứ tiến hành đi. Chỉ chúng ta biết với nhau thôi. Tôi chắc là cảnh sát có nhiều tay mỏng môi lắm.
Nét mặt Conrad thoáng nở một nụ cười đắc thắng. Anh tin chắc Forest sẽ phản ứng như thế nhưng cũng không dám cho anh được toàn quyền đi dò xét, căn cứ vào những dấu hiệu mỏng manh như thế.
— Tốt. Tôi sẽ bắt đầu ngay. Van Roche và cô Fielding tin cậy được. Tôi cần họ. Nhưng ngoài hai người ấy thì thôi. Để tôi đi kiếm một vài tin tức về June Arnot. Nếu thấy có liên hệ với Maurer thì ta có thể hy vọng nhiều.
— Tôi để cho anh làm, Paul ạ. Có gì lạ thì cho tôi hay. Chớ mất thì giờ nhiều cho việc điều tra ấy. Chúng ta còn làm việc khác nhưng Maurer là ưu tiên số một. Hiểu chưa?
— Thưa sếp, vâng, – Conrad vui vẻ nói.
— Còn một chút này nữa, – Forest nói thêm. – Chuyện này thì không dính dấp gì đến tôi nhưng vẫn nói vì tôi mến anh lắm.
— Chuyện gì không ổn thế ông thầy?
— Lúc này thì chưa có gì, – Forest trả lời, nhìn đầu mẩu thuốc lá rồi ngước mắt lên. – Anh có trông chừng vợ anh không?
Conrad thấy bất ngờ trước câu hỏi đó nên cảm thấy máu bốc lên mặt.
— Xin thú nhận là tôi không hiểu gì cả.
— Có người cho tôi biết vợ anh đêm qua một mình ở Câu lạc bộ Thiên Thai. Cô ta không có vẻ gì là thiếu đói cả. Tôi chắc anh cũng biết câu lạc bộ đó là của Maurer và hắn biết cô ấy là vợ một điều tra viên chính của tôi. Chỉ có bấy nhiêu thôi, Paul. Tôi không rõ anh có biết chuyện ấy không nhưng cũng báo để anh xem thử có làm được gì không.
Ông chợt mỉm cười, nét mặt dịu hẳn xuống và đặt tay lên vai Conrad nói:
— Chớ có rụng rời như thế. Chưa tới mức trầm trọng lắm đâu. Có lẽ cô ấy thấy sống đời bình lặng quá, nhất là khi chúng tôi thường hay gọi anh bất thần. Nhưng nên nói cho cô ấy nghe, chắc cô ấy hiểu. – Ông vơ lấy cái cặp rồi bước ra cửa. – Thôi tôi chuồn. Tôi chờ tin Maurer trong một hai ngày nữa.
— Vâng, – Conrad sững người trả lời.
o O o
Nhân viên của Conrad gồm có một cô thư ký, cô Madge Fielding và cánh tay phải của anh là Van Roche. Anh ta hỏi khi nhìn thấy Conrad:
— Sao, Paul, ý kiến của Biện lý rốt cuộc thế nào?
— Phải tấn công Maurer. Ông Biện lý nói không nên để lão có bất cứ hy vọng trốn thoát mỏng manh nào, và dù không hoàn toàn tin hẳn các dấu hiệu nhưng ông ta cũng bật đèn xanh cho ta nhào vào công việc.
Van Roche mỉm cười, xoa hai tay kêu to:
— Tuyệt quá! Ta làm gì bây giờ?
Conrad liếc mắt nhìn Madge Fielding đang ngồi trước bàn giấy. Cô độ 26, 27 tuổi, nhỏ người nhưng rắn chắc, chẳng mấy khi tự phụ về sắc đẹp của mình. Nét mặt thanh tú, chiếc mũi hếch, cái miệng mở rộng tỏ có cá tính, thế thôi. Nhưng thực ra cô có sức chịu đựng, say mê vô cùng với công việc và thật cương quyết. Conrad hỏi:
— Thế nào Madge?
— Tôi nghĩ các anh có ý dò xét quá khứ Maurer thì cả hai nên mua áo giáp mà phòng thân, – Madge dịu dàng nói. – Không phải chuyện đùa đâu.
Van Roche làm ra dáng hốt hoảng:
— Có lý lắm. Ta nên tin lời cô bé Madge. Tôi nghĩ là nên đóng tiền bảo hiểm để lo trả chi phí mai táng mới được.
Conrad lắc đầu phủ nhận.
— Cậu chớ lo. Maurer đã qua thời kỳ hạ sát dân cớm mình rồi. Mười năm trước thì đúng đấy nhưng bây giờ thì không. Lão biết rõ công việc nào nên làm và sẽ thấy thiệt quá nhiều nếu dấn thân vào đường lối đó. Chúng ta chỉ phải lo bảo vệ nhân chứng, nếu ta tìm ra được nhân chứng.
— Ồ, thế thì yên trí lớn rồi. – Van Roche nói và châm thuốc. – Ta phải bắt đầu từ đâu đấy?
— Muốn túm gáy lão về vụ June Arnot thì phải chứng minh trước tiên là cả hai quen biết nhau, – Conrad nói. – Ta phải tấn công từ phía của June. Ngày mai ta đến “Ngõ Cụt” cũng có cái hay đấy. Cậu lo dò la ở mọi gia đình, hỏi thăm bất kỳ ai ta gặp. Cố tìm cách biết những người thường xuyên đến nhà June. Nếu may một chút thì ta có thể móc từ đó hình ảnh của Maurer. Nhưng chớ nên hỏi thẳng về lão thì hư sự đấy.
Buổi tối trên xe trở về nhà, Conrad bắt đầu nghĩ tới Janey. Tại sao cô lại chọn câu lạc bộ Thiên Thai mặc dù biết Maurer là chủ và biết Conrad nghĩ gì về lão. Phải chăng cô muốn cố tình làm trái ý anh? Và lại còn cái ông bạn nào đã mách lẻo với Forest. Mặt Conrad đanh lại. “Cô ấy không có vẻ gì thiếu đói cả”. Thật thích thú khi nghe những lời bình phẩm như thế về vợ mình, nhất là từ cửa miệng ông sếp. “Nên nói cho cô ấy nghe, chắc cô ấy hiểu”. Rõ ràng là ông ta không biết gì về Janey cả.
Khi mở cửa phòng khách, anh thấy Janey đang ngồi trên ghế, lật xem một tờ tạp chí, trong thế phòng ngự. Anh quyết định nói ngay vào vấn đề. Không thể nào không cãi nhau được.
Anh bước đến lò sưởi, kéo ghế ngồi đối diện với Janey.
— Janey.
— Gì thế? – Cô nói với giọng lạnh nhạt, thờ ơ và cũng chẳng cần ngước mắt nhìn lên.
— Tối qua có người gặp em ở Câu lạc bộ Thiên Thai.
Cô sững người và nét mặt thoáng vẻ ngờ vực.
— Rồi sao nữa? May cho anh là tôi không đến nhà hàng Quốc Tế. Thiên Thai rẻ hơn nhiều.
— Không phải là vấn đề đắt rẻ. Em biết rõ Maurer là chủ nhân Câu lạc bộ Thiên Thai. Em nghĩ thế nào mà vào đó?
— Paul, anh nghe đấy. Đủ rồi, tôi không muốn để anh giảng đạo đức nữa. – Janey bỗng nổi cơn giận dữ. – Tha hồ anh nói. Anh đi bất cứ lúc nào cũng được, tôi không phàn nàn gì. Nhưng tôi biết trong văn phòng anh có chuyện gì rồi. Cái con đĩ Fielding đó tuy không đẹp nhưng cứ nhìn nó thì cũng đủ biết nó là một con chó ghẻ động đực và chẳng nói thì tôi cũng đoán ra anh muốn làm gì cũng được rồi.
— Này, Janey, chớ nói với anh cái giọng như vậy. Em đang né tránh câu hỏi của anh. Tại sao em lại đến Câu lạc bộ Thiên Thai?
— Đó là việc của tôi. Cấm anh không được hỏi. – Janey gào to.
— Nhưng em biết rõ rồi. Em biết đó là bản doanh của Maurer. Lui tới đó là em nhạo báng cả ngành an ninh. Em không thấy sao?
Janey vụt cười rú lên rồi nét mặt đanh lại.
— Anh nên biết tôi đếch cần! Không thằng nào ngăn trở tôi đến Câu lạc bộ nếu tôi muốn.
— Ông Forest nói với anh đấy. Có người báo cáo với ông và nói thêm là em say rượu. Em tưởng là tôi giữ được chỗ làm đó nếu em cứ tiếp tục chứng tỏ hành động như thế chăng?
Mặt Janey tái xanh, đôi mắt long lên.
— À, thế ra cái ngành cớm khốn nạn của anh bắt đầu rình mò tôi đấy phải không? Này, anh đến bảo cái lão sếp tồi bại của anh là cứ lo việc của lão đi. Lão, anh hay bất cứ kẻ nào không được phép thọc mũi vào việc tôi làm cả. Nếu anh không chịu thì cứ đi chỗ khác.
Cô ta ngoáy mông ngoe nguẩy bước ra, đóng sầm cánh cửa.
o O o
Sáng hôm sau, Conrad đến văn phòng vừa lúc đồng hồ đổ chuông 9 giờ. Madge và Van Roche đã có mặt. Madge bận rộn nơi chiếc máy chữ còn Van Roche ngoay ngoáy trên tập giấy, miệng ngậm điếu thuốc.
— Paul, anh có khách. – Anh ta chỉ tay sang phòng khách nhỏ. – Anh không đoán được ai đâu.
— Sáng nay tôi không muốn tiếp khách. Ai thế?
— Flo Presser.
Conrad nhìn người cộng sự, nhíu mày.
— Giỡn chơi?
Van mỉm cười.
— Anh cứ ra mà xem. Còn nếu không thì ghé vào lỗ khóa mà hít một hơi dài thì biết. Chắc là cô ta tắm nước hoa hiệu Nụ hôn buổi tối hay là một loại nào đó, nồng nặc.
— Flo Presser đến giờ này? Con nhỏ muốn gì?
— Cô ta mất anh bạn nhỏ yêu quí muốn anh tìm giùm.
— Cho cô ta đi chơi chỗ khác. Tôi mắc công chuyện. Sao không bảo cô ta báo với bên cảnh sát?
— Anh biết cậu bạn nhỏ yêu quí của cô ta là ai không? – Nét mặt Van trở nên nghiêm trang.
— Không, ai thế?
— Toni Paretti.
Conrad nhướng mày. Cái tên gợi mang máng điều gì.
— Rồi sao nữa?
— Ông nội này là tài xế kiêm vệ sĩ của Maurer đấy, – Van nói từ tốn. – Tôi nghĩ là anh nói chuyện với bà nội đó thì có ích lắm đấy.
— Tất nhiên rồi. Được. Cô ta có nói chi tiết gì không?
— Hai anh chị hẹn hò tối hôm kia. Lúc 5 giờ hắn báo cho cô ta biết hắn bận việc và hẹn lui vào lúc 11 giờ tối ở quán của Sam đường Lennox. Cô ta chờ tới 2 giờ sáng mới trở về nhà. Sáng hôm qua, cô ta gọi điện liên tiếp đến nhà hắn nhưng không có ai. Cô ta mò đến tận nhà cũng không gặp. Hỏi thăm láng giềng, không ai biết. Buổi tối cô ta lại đến quán Sam nhưng cũng không thấy. Sáng nay cô ta nghĩ chắc có chuyện nên mới đến tìm anh.
— Cô ta cần gặp tôi làm gì?
— Muốn anh tìm ra hắn.
— Cô ta không nghĩ là hắn chán cô nên cho rơi rồi sao?
— Không đúng đâu. Một gã như Paretti không thể bỏ rơi con đào như Flo. Mỏ vàng đấy. Với lại cô ta cũng không hẳn là loại đĩ rạc đứng đường. Kiếm tiền bộn xu lắm. Hình như tiền cô ta nhiều đến phát ngốt đi được, Paul ạ.
— Có thể hắn tìm được mỏ khác, – Conrad trả lời. – Nhưng nội chuyện cô ta đến đây tìm tôi mới làm tôi bật ngửa. Sao không gặp cảnh sát?
Van cố giấu nụ cười.
— Thì tôi cũng hỏi cô ta như vậy. Cô ta bảo anh là một tay mã thượng, tin tưởng ở anh. Còn lời cô ta nói về các anh cớm thì tôi không nhắc lại đâu.
Conrad thở dài.
— Tốt thôi.
Anh bước qua phòng, mở cửa ra. Một luồng nước hoa xộc tới làm anh nhăn mặt. Flo Presser đi qua đi lại, đôi môi đỏ chót ngậm điếu thuốc. Cô gái khoảng 25 tuổi, người đẹp, tóc màu đồng, mắt mở to ngơ ngác. Cô quay lại, chiếc váy xoay tròn và thoáng ép vào cặp đùi dài thon.
— Chào Flo, – Conrad nói. (Anh thường gặp cô ta ở tòa án. Cô ta cứ thường bị bắt vì mời chào khách và đến bây giờ thì cô quen mặt hầu hết nhân viên tòa án). Chuyện gì thế?
— Ồ, thưa ông Conrad, – cô ta bước lại gần. Tôi nghĩ chắc ông không muốn tôi đến đây. Tôi đang có vấn đề lo nghĩ. Tôi biết là không nên làm phiền ông. Ông quá bận nhiều việc. Tối hôm qua tôi như muốn điên lên vì lo sợ cho Toni nên sáng nay…
— Được rồi, cô trình bày hết đi, – Conrad nóng nảy nói. (Anh ngồi xuống ghế). Đáng lẽ cô không nên tới, nhưng đã đến đấy rồi thì nói nhanh đi. Sao cô không nghĩ là Toni bỏ rơi cô?
Flo mở to mắt.
— Cho rơi? Không, thưa ông Conrad, anh ấy vẫn quyến luyến tôi lắm. Vả lại tôi biết là không phải.
— Tại sao?
Cô liếc nhìn anh vẻ ngập ngừng rồi cuối cùng quyết định nói:
— Tôi có giữ tài khoản của anh ấy. Lẽ tôi không nên nói ra nhưng Toni không thể bỏ đi mà vẫn để lại cho tôi năm ngàn đôla. Làm gì có chuyện đó!
Conrad trầm ngâm nhìn cô. Cô có lý. Anh biết Paretti, nếu định bỏ Flo thì chắc chắn hắn phải lấy lại số tiền trước đã.
— Theo cô thì có chuyện gì xảy ra với hắn?
Cô gật đầu và kể lại chuyện hẹn hò bị lỡ.
— Hắn chỉ nói là bận việc thôi à? Còn chuyện gì khác không? Hắn nói chính xác ra sao?
— Thế này: “Ông chủ có công việc sai anh làm. Anh sẽ gặp lại em ở quán của Sam vào lúc 11 giờ”. Anh ấy nói đúng như thế và từ đó tôi không gặp lại anh ấy nữa.
— Giờ hẹn lúc đầu là mấy giờ?
— Bảy giờ.
— Được rồi. Toni làm cho Maurer phải không?
Nét mặt cô lặng đi.
— Tôi không biết Toni làm việc cho ai. Anh ấy không bao giờ nói chuyện đó.
— Chớ có bịp tôi. Phải với Maurer không? – Anh gặng hỏi.
Cô ta vụt nhìn thẳng và đối đầu, nét mặt đanh lại.
— Tôi đã nói là không biết mà! Ông Conrad, xin ông chớ hỏi dò tôi. Tôi lúc nào cũng vẫn coi ông như một người bạn.
Conrad nhún vai.
— Đồng ý, Flo. Tôi không hứa hẹn gì với cô hết nhưng tôi sẽ cố gắng.
Vẻ mặt cô tươi lên.
— Tôi biết mà, ông Conrad. Tôi thường nói…
— Tôi có thể gặp cô ở đâu? – Conrad nóng nảy ngắt lời.
— Số 23c đường 144. Buổi tối nào đó xin mời ông đến chơi. Em sẽ làm ông vui một lát.
Conrad cười vang.
— Chớ nói điều ấy với một người đàn ông có vợ và đàng hoàng, cô Flo. – Anh tiễn cô ra cửa. – Dù sao cũng cảm ơn lòng tốt của cô. Chào cô!
Rồi anh khép cửa lại. Van cười hỏi:
— Anh có bị ngộp không?
— Tí tẹo nữa thì dính. – Đôi mắt Conrad sắc loang loáng. – Madge, cô có hồ sơ Paretti không?
— Có.
Madge đứng lên lục lọi trong tủ rồi đưa cho Conrad. Anh lật ra xem một lát.
— Chẳng có gì nhiều. Bị án hai lần. Nhưng này, bị bắt tới 27 lần. Hắn thoát được tất cả, trừ một vụ đồng phạm và một tội nhẹ. Và cả hai án đều là thời gian trước khi đầu quân cho Maurer. Có một ghi chú thật hay: Paretti là thiện xạ súng 45. Cậu thấy gì không?
Van chúm môi lại như muốn huýt sáo.
— Anh muốn tìm thử xem hắn có dính dấp tới vụ “Ngõ Cụt” không à?
— Hắn có hẹn với Flo tối hôm kia, tối xảy ra tội ác. Thình lình hắn dời giờ hẹn, nói là bận việc chủ sai. Anh biết ai là chủ hắn chứ gì? Và vào khoảng 7 giờ tối đó có tới 9 người bị giết, trong đó 7 người là bởi khẩu 45.
— Tôi khó tin Paretti cắt đầu June. Hắn không dám làm thế đâu. – Van đưa ra nhận xét.
— Tôi không nghĩ hắn giết June. Chắc là hắn lái xe cho Maurer đến “Ngõ Cụt” rồi trong khi Maurer chăm sóc June thì hắn lo đám gia nhân.
— Anh điên à? Maurer không dại gì mà tự tay giết June!
— Tôi cá với cậu là chính Maurer giết đó – Conrad nói. – Chắc lão biết June cho lão mọc sừng nên nổi điên lên. Lão đem Paretti theo và tiến hành – Anh dụi điếu thuốc rồi tiếp. – Tôi nói cho anh nghe điều tôi tin chắc: Lão biết lão phải chịu nhiều nguy hiểm. Lâu nay tất cả những vụ sát hại lão tổ chức đều do một tay giết người thi hành qua chỉ thị của một thủ hạ khác để cho đường dây không dẫn đến Maurer được. Lần này lão tự ra tay vì cho rằng đấy là việc riêng giữa lão và June. Lão đem theo Paretti đến “Ngõ Cụt”. Vì lão quen ở đấy nên không để cho ai trong biệt thự còn sống. Paretti hạ sát đám gia nhân còn Maurer xuống hồ tắm cắt đầu bà chủ. Rồi sao nữa? Chỉ còn một nhân chứng sống của vụ tàn sát… đó là Paretti. Đúng là con người Maurer, Paretti làm việc cho lão từ 15 năm nay nhưng lão cũng không tin. Lão thanh toán nốt hắn. Theo tôi thì Flo biết Maurer giết Paretti rồi, vì thế cô ta mới tìm đến tôi. Cô ta sợ Maurer nhưng không ngu và hy vọng rằng nếu nghe kể, tôi đủ thông minh để phăng ra được chuyện còn lại.
Madge và Van lắng nghe, im lặng và căng thẳng. Khi anh dừng lại, Van đấm mạnh tay xuống bàn, kích động la lên:
— Anh có lý rồi. Đúng là một cú của Maurer và điều đó giải thích được sự viếng thăm của Flo. Cô ta tìm cách trả thù. Maurer đã giết người tình của cô ta. Bây giờ chỉ còn phải chứng minh thôi.
— Điều đó không dễ đâu, – Conrad nhẹ nhàng nói. – Bây giờ phải hành động thế này. Công việc đầu tiên của cậu là đến nhà Paretti lục lọi hết. Đi đi nhanh lên. – Anh nhìn vào hồ sơ, ngoáy vài dòng rồi đưa cho Van. – Hắn chui ở đấy. Mang súng theo và cẩn thận. Trừ phi bị bắt buộc còn không thì chớ nên nói cậu là ai. Cần thì cứ đạp cửa mà vào. Tôi đến phim trường Thái Bình Dương để biết thêm đôi điều về June. Một giờ sau về và ta xem thử thu được những gì.
o O o
Conrad đi theo một cô gái tóc nâu nhỏ nhắn qua những hành lang quanh quất lót cao su, có vô số cửa mang biển đề tên các ông đạo diễn, nhà sản xuất và những nhân vật cao cấp trong nghề.
Đến cuối nẻo, cô ta có vẻ coi thường chỉ tay và nói mà không quay lại:
— Đó, ông vào đi, – rồi tiếp tục bước, dáng khinh miệt.
Conrad gõ cửa và đẩy cửa hé.
Ông ta ngồi nơi bàn giấy, miệng ngậm xì gà.
— Gì thế? Tôi không thúc hối ông đâu nhưng tôi còn nhiều việc lắm.
— Tôi cần gấp một ít các phần thiếu trong vụ giết June Arnot, – Conrad nói. – Ông có biết cô ta tin cậy vào một người nào đó không? Thí dụ như người giúp mặc trang phục hay nữ thư ký riêng chẳng hạn, ông hiểu tôi nói gì chứ?
Fedor tỏ vẻ nghi ngờ.
— Ông muốn biết điều gì?
— Cuộc thẩm vấn tiến hành ngày mai. Tôi cần nhân chứng xác nhận cô June và Maurer là nhân tình. Tôi nghĩ ông không thích mấy việc này phải không?
— Ái chà! – Fedor vặn vẹo người trên ghế. – Thế nào tôi cũng gặp ngày này! Ông cần biết thế thôi ư?
— Phải.
Fedor suy nghĩ một lát rồi nói:
— Ông nên đến gặp Mauvis Powell, thư ký của June. Để tôi gọi cô ta và nói là ông cần.
— Tốt. Thêm việc này nữa. Ông biết có ai để tôi hỏi về Jordan không?
Fedor nhíu mày.
— Ông kỹ lưỡng quá. Tôi tưởng là việc xong rồi.
Conrad mỉm cười cầu tài.
— Chúng tôi muốn xong phứt cho rồi. Nhưng phải đề phòng Coroner hỏi vặn vẹo đủ thứ (Coroner – Nhân viên cảnh sát tư pháp chuyên điều tra những vụ chết bất thường).
— Có tay Campbell, người lo trang phục của hắn. Không biết chừng anh ta biết. Ông tìm anh ta ở dưới nhà đang giải tỏa phòng của Jordan đấy.
— Được rồi, để tôi. Xin ông báo cho cô Powell là tôi đến.
— Tất nhiên. – Fedor giở điện thoại lên. – Mauvis phải không? Fedor đây. Ông Paul Conrad của văn phòng Biện lý muốn gặp cô về chuyện June. Nói hết cho ông ta nghe nhé.
Ông lắng nghe rồi tiếp:
— Cảm ơn người đẹp. Ông ta đến ngay đấy. – Ông quay sang Conrad. – Xong rồi, ông bạn. Văn phòng ở cuối hành lang.
o O o
Mauvis Powell là một cô gái già to con, tóc nâu khoảng từ 35 đến 40 tuổi. Cô mặc bộ đồ rất bó và áo sơmi lụa cổ kín.
Conrad ngồi xuống nói luôn:
— Chúng tôi cần một người làm chứng lúc thẩm vấn, cô Powell ạ. Có phải đúng là June cặp bồ với Jordan không?
— Cô Arnot thường hay nói với tôi về mối liên hệ của cô với ông Jordan nhưng có thể là cô nói chơi. Tôi không thấy hai người đối xử như đôi nhân tình. Do đó tôi không có gì để xác nhận hết.
— Tôi hiểu, nhưng theo lời cô Arnot nói với cô thì hai người đúng là nhân tình của nhau còn gì.
— Nhân tình chỉ là một cách nói tế nhị thôi.
— Cô Arnot có còn tình nhân nào khác Jordan không? – Conrad hỏi với vẻ thờ ơ và thấy cô Powell tỏ vẻ cảnh giác.
— Phải, cô ta còn những nhân tình khác.
— Tôi hứa giữ bí mật, xin cô cho biết tên những người đó.
— Tôi không có ý muốn làm đồng lõa trong chiến dịch vu cáo do tòa phát động, – Cô Powell nói với giọng cụt ngủn. – Thưa ông Conrad, ông muốn biết có thế thôi phải không? Xin lỗi, tôi còn nhiều việc lắm.
— Đấy không phải là một chiến dịch vu khống, – Conrad dịu dàng nói. – Cô Powell ạ, có một vụ giết người và chúng tôi hoàn toàn không tin Jordan là thủ phạm.
Cô nhìn Conrad, nét mặt không đổi.
— Thế thì tôi đọc báo không đúng rồi.
— Tôi nói là chúng tôi hoàn toàn không tin. – Conrad kiên nhẫn nói. – Tất nhiên nhìn qua thì tưởng là Jordan gây ra. Này, thế cô Arnot và Jack Maurer có đúng là nhân tình với nhau không?
— Tôi không biết, – cô ta trả lời thật rành rẽ.
Conrad hiểu ngay mình mất thì giờ vô ích. Anh nhún vai nói:
— Thôi được. Rất tiếc là cô đã không biết nhưng tôi chẳng thể làm gì được. Xin hứa là chuyện này không tiết lộ ra bên ngoài. Cô không cần phải ra làm chứng. Cô có biết cô Frances Coleman không? Hình như cô ta là phụ diễn đang thất nghiệp thì phải?
Anh nhận thấy cô tỏ vẻ ngạc nhiên.
— Tôi có nghe đến cô ta. Cô ta đóng một vai phụ trong cuốn phim cuối cùng của cô Arnot.
— Cô có biết lý do vì sao cô này đến thăm cô Arnot vào buổi tối xảy ra vụ thảm sát không?
— Tôi không biết chuyện đó.
— Tên cô ta có ghi vào sổ thăm viếng.
— Cô ta không có hẹn. Chắc là chỉ đến cầu âu mong được tiếp thôi.
— Có chắc cô Arnot cho gặp không?
Cô Powell nhún vai:
— Cái đó là tùy theo tính khí thất thường của cô Arnot. Nhưng cô Arnot rất ghét bị quấy rầy bởi những người không quen. Cô ta chỉ tiếp những người có hẹn thôi.
— Trừ Jordan phải không?
— Jordan đã từng vào “Ngõ Cụt”.
— Còn Maurer chắc cũng có vào đấy?
Cô Powell mím môi nhìn anh.
— Tôi đã nói với ông tôi không biết gì hết về ông Maurer.
— Cô không nghe ai nói về lão ta à?
— Thì cũng như mọi người thôi. Ông Conrad, nếu ông chỉ muốn biết bấy nhiêu thôi thì…. – Cô ta chỉ đống thư từ.
— Còn điều này nữa. Cô Coleman đã dọn nhà đi chỗ khác rồi. Cô biết cô ta ở đâu không?
— Xin ông hỏi nơi phòng tìm việc hay văn phòng nghiệp đoàn, chắc là họ có địa chỉ của cô ta.
— Cảm ơn. Để tôi thử xem. Cô có tấm hình nào của cô ấy không?
Cô Powell quắc mắc nhìn anh rồi quay về phía một tập giấy rút ra một hồ sơ, lục lọi giữa đống hình ảnh.
— Đây rồi. Cô ta có lần làm vai độn cho cô Arnot, bức hình chụp để thử ánh sáng trên trang phục của cô Arnot.
Conrad cầm tấm hình xem xét. Cô gái trong hình chỉ khoảng 23 tuổi, tóc nâu, đôi mắt nghiêm nhưng hơi buồn nhìn thẳng vào anh. Anh ngạc nhiên khi thấy cô ta có một khuôn mặt chỉ cần gặp một lần là không thể quên được, khuôn mặt mà mọi người đàn ông đều tơ tưởng. Tóc cô rẽ giữa, mái tóc bao khuôn mặt rồi xõa xuống bờ vai. Cô Powell nói:
— Đàn ông nào gặp cô ta cũng ngây ngất nhưng cô ta đóng trò thì dở ẹc.
Conrad rút bóp cất tấm hình vào.
— Nếu cô cho phép thì tôi giữ tấm hình.
Cô Powell mỉm cười làm Conrad thấy ngượng.
— Được rồi. Xin cảm ơn cô. Tôi sẽ cho cô biết xem chúng tôi có cần tới cô trong cuộc thẩm vấn không. Xin lỗi đã làm rộn cô.
— Không có chi, – cô nói và quay về đống thư từ.
Ra đến hành lang, Conrad rút bóp và nhìn kỹ lần nữa tấm hình Frances Coleman. Gương mặt cô gái hút hồn anh như đá nam châm. Chưa bao giờ anh có cảm giác lạ lùng, sôi động như vậy. Anh nghĩ: “Sao mình lạ thế? Cứ như là cậu học sinh”.
Anh xếp lại tấm hình và đi về phía thang máy bấm nút. Anh ngạc nhiên thấy tay thọc vào túi lần nữa như muốn lấy cái bóp và phải cố kiềm chế lắm mới chuyển sang cầm hộp thuốc.
o O o
Lúc 5 giờ, Conrad ghé vào một tiệm tạp hóa, chen lách mọi người để vào cabin điện thoại gọi về văn phòng. Madge trả lời. Conrad hỏi:
— Van có đấy không?
— Anh ấy vừa về. Anh chờ một chút.
Giọng nói kích động của Van vọng bên kia đầu dây.
— Thế là cậu tìm được gì đấy phải không?
— Tôi tìm được một thứ có thể tỏ ra Paretti câu kết với Maurer. Một phong bì cũ trong giỏ rác, mặt sau là một sơ đồ căn hộ của Jordan. Anh thấy sao?
Conrad huýt lên một tiếng sáo nho nhỏ.
— Có chắc là căn hộ của Jordan không?
— Còn phải nói. Lúc về tôi tạt qua nhà Jordan kiểm tra lại. Đúng boong.
— Hay đấy, còn gì nữa không?
— Một miếng da thuộc liếc dao cạo. Có thể con dao cạo tìm thấy ở nhà Jordan là của Paretti. Tôi cũng tìm thấy 3.200 đôla trong nhà hắn.
— Đáng công lắm. Điều đó xác nhận ý kiến của tôi là đúng. Chính Maurer diệt khẩu Paretti. Paretti không thể nào bỏ hết tiền bạc hắn có cộng với số tiền ở nhà Flo.
— Tôi cũng nghĩ như vậy. Còn anh có móc được chuyện gì không?
— Tôi hiểu ra rồi! Campbell, người lo trang phục cho Jordan chịu nói rồi. June và Maurer dính nẹo với nhau. Hắn nói Jordan cũng biết June là tình nhân của Maurer và hắn ta sợ Maurer biết chuyện đến khiếp vía. Lúc nào say là hắn cũng nói với Campbell về Maurer. Như vậy chắc chắn Maurer có dính líu vào vụ này rồi. Tôi có tờ khai hữu thệ của Campbell.
— Nhưng lời khai của Campbell trước tòa không có giá trị gì hết. Phải có bằng chứng.
— Tôi sẽ cho mời Flo Presser và ép cô ta nói. Cô ta biết Paretti làm việc cho Maurer nên tôi bảo đảm cô ta sẽ khai, nếu cần thiết thì cũng phải giáng vài cái bạt tai để cô ta phun ra. Tôi đến nhà cô ta ngay đây. Cậu báo với ông Biện lý là có thể bắt đầu cuộc thẩm vấn được rồi. Phải để cho cảnh sát tham gia, chúng ta không thể tiến hành một mình được. Hỏi xem ông sếp có thể tổ chức cuộc họp vào xế chiều nay được không. Tôi muốn tay McCann có mặt ở đây. Khi biết ông Biện lý đồng ý, cậu mới điện thoại cho McCann mời ông ta tới. Chớ nói chi tiết gì trong điện thoại. Không nên tiết lộ bất cứ chuyện gì. Đồng ý không?
— Để tôi lo.
— Tốt. Tôi sẽ gặp lại cậu vào lúc 2 giờ rưỡi, – Conrad nói xong liền gác máy.
o O o
Anh dừng lại quầy rượu ăn miếng sandwich kẹp jambon, uống ly cà phê rồi lên xe tiếp tục đi.
Đường 144 ở vào khu thương mại của thành phố Pacific. Số 23c là căn hộ trên lầu chót, phía trên một cửa hàng hoa.
Conrad đậu xe bước vào cửa bên. Dưới thang lầu chỉ có một tấm thiệp: Cô Florence Presser, Lầu 4. Hộ c.
Không có thang máy.
Vừa đặt bàn chân lên cấp đầu lầu 4, anh nghe thấy một tiếng xé tai và một giọng nói quen thuộc hét lên:
— Không! Chớ chạm vào người tôi!
Một tiếng rú thứ hai nổi lên rồi tắt nghẹn. Conrad nhảy 4 bậc một và tự rủa thầm mình không mang theo súng. Nơi một cánh cửa khép hờ vụt mở toang và một người đồ sộ như cái tủ lạnh bước ra. Thấy Conrad, khuôn mặt ngăm ngăm hung dữ của gã sững lại dưới chiếc nón đen sụp vành và bàn tay trái thọc vào túi.
Conrad nhào tới, bả vai phải anh đập vào đùi gã và cả hai ngã lăn chiêng trên sàn nhà. Tên khổng lồ rút được súng định đập vào mặt Conrad nhưng anh lấy tay gạt ra. Anh chụp cổ tay trái hắn và loi một cú vào giữa mặt. Ngón tay anh quặt đi nơi hàm tên cướp và mấy cái răng rời ra dưới sức nặng của cú đấm.
Conrad nắm tay gã đập mạnh vào tường buộc gã phải buông súng nhưng anh bị nện một cú thấy ông bà ông vãi vào đầu. Tên giết người thoát ra nhưng Conrad cứ nhào vào và phóng một cú đá ngay ngực gã. Gã khó nhọc mới đứng lên được và chĩa súng ra. Conrad lăn tới giật mạnh cổ chân khiến gã bật ngửa trong lúc một tiếng nổ vang làm kính vỡ tan tành. Conrad chưa đứng dậy hẳn thì kẻ địch đã gượng dậy. Một tiếng nổ thứ hai. Conrad cảm thấy rát nơi má, viên đạn đi sượt qua tai. Lấy hết sức lực anh đập một cú tay phải vào hàm gã thật mạnh đến không ngờ. Gã gừ gừ, mắt đảo lộn tròng và khẩu súng rơi xuống đất. Gã cố gượng đứng thăng bằng trên bực thang. Conrad lại nhào tới tống một cú thật mạnh. Tên du đãng hực lên một tiếng, liểng xiểng ngã ngửa ra lăn lông lốc xuống thang, đập ót đánh rầm rung chuyển cả nhà.
Conrad đứng một lúc nhìn xác tên khổng lồ nằm giang tay chân trên nền bậc thang lầu 3. Lúc quay về phía phòng Flo anh nghe thấy tiếng xe cảnh sát rú còi.
Anh bước vào gian phòng dài và hẹp, đồ đạc rẻ tiền. Flo nằm trên divan chỉ dính mỗi một đôi tất nilon đen có móc choàng màu hồng thêu hoa. Một cây cạy đá dính sâu vào cổ, hơi thấp phía dưới dái tai. Chẳng cần rờ tới cũng biết là cô ta ngoẻo rồi. Công trình đúng là của một tay nhà nghề. Mũi nhọn của cây sắt đi vào tủy sống.
Conrad buông tiếng chửi thề, lấy tay xoa bả vai nhức nhối và móc túi lấy thuốc hút. Còn đang nhìn thây ma của Flo thì hai anh cớm chạy xộc vào, tay cầm súng.