Cái Chết Từ Trên Trời

CHƯƠNG 9



Ferrari mở cửa bước vào phòng làm việc của Seigel. Gã leo tót lên chiếc ghế bành. Gollowitz hỏi săn đón với giọng hồi hộp:
— Hắn ngủ rồi chứ?
Ferrari nhìn lão.
— Tại sao anh mất thì giờ hỏi những câu vớ vẩn như vậy? Tất nhiên là hắn đi đời nhà ma rồi.
Gollowitz buông người ngồi xuống tay ghế, lấy mùi xoa lau mặt.
— Và họ tin là một tai nạn?
— Còn thế nào nữa! Mọi chuyện đều đúng bong như tôi dự liệu. – Gã lấy tay xoa bụng và giương đôi mắt không hồn nhìn lão. – Với một kế hoạch chuẩn bị chu đáo như thế thì thành công là cái chắc. Bây giờ đến lượt con nhỏ.
— Tôi rất hài lòng đã mời anh đến. – Gollowitz nói. – Tôi không thể ngờ chuyện này lại quá dễ như vậy.
— Thế còn con nhỏ? – Seigel xen vào. – Anh hoạch định ra sao để thủ tiêu nó?
— Một tai nạn khác ư? – Ferrari hỏi Gollowitz.
— Đúng, phải cần thiết như vậy. Nên chờ một tuần nữa. Làm ngay sau cái cú Weiner dễ gây ra nghi ngờ lắm, phải không?
— Phải. Cách nhau môt tuần thì tốt hơn, – Ferrari thừa nhận.
Chuông điện thoại reo, Seigel bốc máy nghe rồi trao cho Gollowitz.
— McCann gọi, – hắn nói. – Anh cớm như đang bị lửa đốt đít.
Gollowitz cầm lấy ống.
— Tại sao anh không báo trước cho tôi biết việc anh cho người khử thằng Weiner? – Giọng nói khàn khàn giận dữ vang lên trong ống. – Anh làm cái cú ấy mới đẹp chứ? Con nhỏ khai rồi!
Gollowitz cau mày. Có Ferrari hỗ trợ lão đếch ngán.
— Ông Chánh, cứ để nó nói.
Im lặng một thoáng rồi tiếng McCann tiếp tục:
— Anh có điên cái đầu không đấy? Tôi đã nói là con nhỏ khai rồi. Nó nhìn thấy Maurer giết con bồ. Nó sẵn sàng làm chứng!
— Mặc xác nó! Maurer cũng sẽ có nhân chứng bác bỏ. Nó không có ai để xác nhận lời nó. Không việc gì phải rối tinh rối mù lên!
— Nó không cần lời khai phải chứng minh, – McCann càu nhàu. – Nó có bằng chứng đấy!
— Ông nói sao?
— Tôi nhắc lại là nó có bằng chứng! Sau khi hạ sát June Arnot, Maurer đánh rơi cây viết chì máy có dính máu trong ống xả của một buồng tắm. Con nhỏ nhìn thấy hết! Ông biện lý chỉ việc sai người đi nhặt về thế là Maurer tiêu tùng. Trên cây viết có khắc tên, có dấu tay, có vết máu của June Arnot. Một tang chứng quá đẹp để bồi thẩm đoàn tha hồ mà hể hả. Anh tưởng tôi lo sốt vó về chuyện không đâu sao?
Gollowitz mặt tái xanh.
— Thật sao?
— Làm thế nào tôi biết được thực hư? Chỉ thấy con nhỏ khai với chúng tôi như vậy.
Đầu óc Gollowitz bắt đầu hoạt động khẩn trương. Nếu đúng như vậy thì Maurer là con sói đã chết rồi.
— Cái ống xả ở đâu?
— Trong phòng thay quần áo của hồ bơi.
— Ông biện lý định làm gì?
— Conrad, O’Brien và một tay nhiếp ảnh đang trên đường tới “Ngõ Cụt”.
— Cảm ơn ông Chánh, tôi sẽ lo vụ này.
Gollowitz cúp máy và nhìn Seigel. Lão kể cho hắn biết chuyện cây viết máy và bảo:
— Tôi muốn có cây viết! Lấy về ngay!
Seigel vội chộp lấy thời cơ. Đấy là một dịp để hắn vớt vát lại uy tín.
— Tôi cho tiến hành ngay, – hắn nói rồi vội vã rời khỏi phòng.
Ferrari ngả người trên ghế bành, duỗi thẳng hai cánh tay gầy gò nói:
— Thôi tôi đi ngáo đấy. Tôi nằm suy nghĩ thì tốt hơn.
Sau một lát gã nói tiếp:
— Maurer giết cô đào đấy à?
Gollowitz nhún vai.
— Tôi không biết, không liên quan đến tôi.
Ferrari đi qua đi lại trong phòng rồi nói tiếp:
— Hội đoàn không ưa những chuyện giải quyết cá nhân. Maurer trở nên hơi tự do rồi đấy. Nhưng thôi ta cho qua, kệ mẹ lão.
Ánh mắt sắc của gã liếc nhìn Gollowitz.
— Ta có thể tin cậy ở Seigel được không?
Gollowitz thận trọng đáp:
— Hắn đã thất bại trong cú Weiner nhưng tôi chưa phàn nàn về chuyện này.
Ferrari gật đầu.
— Theo tôi thì chỉ cần thất bại một lần cũng đủ tiêu ma sự nghiệp rồi. Nhưng thôi chuyện này là của anh.
Gã bước ra khỏi phòng đi về phía bar. Hiếm khi gã uống rượu nhưng sau khi thực hiện thành công một cú, gã tự cho phép ngồi nhâm nhi một ly whisky.
Dolorès cũng vừa ở cửa phía đối diện bước ra. Gã đứng sững vừa đủ thời gian chiêm ngưỡng vẻ đẹp dữ dội và dâm đãng của ả.
Ả đứng sát quầy rượu và tuy không nhìn thấy Ferrari nhưng ả linh cảm thấy sự có mặt gã như một mối nguy hiểm nên vụt quay lại.
Đầu Ferrari chỉ vừa ngang tầm mặt quầy, gã hỏi:
— Bà dùng thứ gì? Cho phép tôi được ngồi bên bà. Một phụ nữ xinh đẹp không bao giờ nên ngồi một mình.
Với thái độ sỗ sàng kiểu du côn đó thì bất kỳ một kẻ quấy rầy nào khác cũng sẽ bị ả cho một bài học đích đáng nhưng với Ferrari thì ả không dám vì dư hiểu gã không phải là loại người dễ để cho người khác sửa lưng mình. Ả nói và quay mặt đi:
— Tôi uống Martini. Ông không phải là người ở đây phải không?
— Tôi là Vito Ferrari.
Nhìn thấy ả biến sắc, Ferrari mỉm cười khoái trí nhận thấy người đàn bà kiều diễm này biết tên tuổi gã.
— Chắc người ta có nói với bà về tôi.
— Vâng, tôi có được nghe về ông.
Gã đập mạnh tay lên quầy và người pha rượu vội vã phục vụ hai người. Ferrari leo lên chiếc ghế cao. Dolorès cảm thấy hơi khôi hài, vai của gã nhỏ thó chỉ vừa ngang mặt quầy. Ferrari cầm ly rượu uống một hớp rồi lấy ra hộp thuốc mời Dolorès. Ả sững người khi thấy hộp thuốc. Vẻ đẹp của món đồ trang sức làm ả ngẩn ngơ: Hộp thuốc làm bằng vàng khối, ở bên trong được phủ kín bởi những hạt kim cương to bằng đầu đinh ghép thành bức tranh óng ánh. Gã đưa cho ả xem. Bên ngoài, mặt trước có gắn một viên hồng ngọc to bằng cái móng tay, mặt sau những viên ngọc màu lục xếp thành hai chữ viết tắt tên của gã.
— Bà có thích không.
— Tôi chưa nhìn thấy vật nào đẹp hơn.
— Một ông hoàng Ấn Độ tặng tôi làm kỷ niệm về một công chuyện nho nhỏ tôi giúp ông ta. – Gã cầm lấy chiếc hộp lau vào tay áo và ngắm nó với vẻ hài lòng. – Tôi có rất nhiều vật kỷ niệm thuộc loại này. Bà có thích kim cương không?
— Tất nhiên rồi.
Ả nhìn gã với vẻ trọng nể. Cả Maurer, cả Gollowitz, không lão nào có được vật quí giá như vậy. Con khỉ gớm ghiếc này là một tên lùn nhưng ả thật ngạc nhiên khi được biết gã có thế lực hơn cả Gollowitz.
— Tôi có một chuỗi hạt kim cương chắc bà thích lắm, – Ferrari vừa nói vừa nhấm nháp whisky. – Bà nên xem qua. Chắc bà rất hợp với Gollowitz phải không?
Dolorès cứng người ngạc nhiên vì câu hỏi bất ngờ này.
— Bạn bè của Jack cũng là bạn của tôi.
— Bà lịch thiệp quá nhỉ! – Gã nhoài người ra phía trước. Mặt gã sát mặt ả. – Nhưng bà không nên quá trông cậy vào lão.
— Tôi không hoàn toàn tin ở lão, – Dolorès buông sõng.
Ferrari cười.
— Nếu thế thì chắc lão trông cậy ở nơi bà.
Dolorès cảm thấy lo lắng. Mối quan hệ vụng trộm của ả với Gollowitz có quá lộ liễu không nhỉ? Seigel có nghi ngờ gì không?
— Tôi không hiểu ông định nói gì? – Ả gắng gượng trả lời.
— Nhưng dẫu sao tôi cũng có nhận xét bà là một phụ nữ đặc biệt thông minh. Nhưng thôi ta cho qua. Chừng nào bà không dựa quá vào Gollowitz thì bà không có gì mà phải sợ.
Ả cảm thấy lạnh sống lưng. Có phải đó là điềm báo trước không?
— Tôi không thích những câu đánh đố, – ả vừa nói vừa nhìn thẳng vào mặt gã. – Cứ giả sử cho rằng tôi dựa vào Gollowitz như lời ông nói thì chuyện gì sẽ xảy ra?
— Bà sẽ bị thất vọng, thế thôi! – Gã uống cạn ly. – Bà có giữ được bí mật không?
— Có. Tôi biết giữ bí mật mà. – Mắt ả sáng lên khi trả lời.
— Gollowitz tin rằng lão sắp được lãnh đạo tổ chức nếu có chuyện gì xảy đến với chồng bà. Lão cũng sẽ nếm mùi thất bại thôi. Một luật sư giỏi nhưng là một ông sếp hạng bét. Bà đừng có dựa vào một con người đã tàn.
Gã đoán ả đang chuẩn bị cho mình một lối thoát. Gã vừa mới cung cấp cho ả một tin tức đáng giá để làm ả quên đi sự khiếp hãi về con người gã.
— Chắc ông thừa biết người nào thay thế để điều hành công việc?
— Tôi nghĩ là mình có biết. – Gã gật đầu rồi nói tiếp. – Đã đến lúc tôi cần có người để vui chơi. Thành phố đầy rẫy những cô gái đẹp nhưng tôi muốn tìm ra một viên ngọc thật lộng lẫy và tôi không vội. Tôi biết chờ đợi. – Gã lại ngồi xuống chiếc ghế cao. – Bà có vui lòng đến xem chuỗi hạt kim cương không? Tôi để ở trong phòng. Bà cứ thử nhìn xem. Có ngày nó sẽ thuộc về bà.
Ả nhìn gã không nhúc nhích. Gã nói tiếp:
— Và đồng thời tôi có thể tin chắc rằng vật ở dưới mắt tôi không phải là đồ dỏm. Bà vẫn thấy tôi luôn luôn nói những lời khó hiểu chứ?
Ả cố gắng chế ngự nỗi kinh tởm. Để cho thằng lùn bẩn thỉu này sờ soạng vào người à? Nhưng giữa lão bụng phệ Gollowitz và con khỉ nhỏ thó này, đứa nào ghê tởm hơn?
Không cần tự đấu tranh lâu la, ả ngượng ngập nói:
— Thứ xịn đấy! Chắc ông không thất vọng đâu. Phòng ông ở chỗ nào? Tôi cần phải kín đáo hơn. Sau năm phút tôi đến tìm ông.
 
o O o
 
Conrad đẩy cánh cửa phòng chờ và mò mẫm tìm công tắc. Hơi thở nóng hổi của O’Brien phà vào gáy anh.
— Cái công tắc quái quỉ nằm đâu nhỉ?
O’Brien bấm đèn pin và lia ánh sáng khắp phòng.
— Ở gần bên trái anh.
Conrad bật đèn và bước vào một gian phòng trang hoàng tráng lệ. Trước mặt anh là một dãy nhà tắm. Mỗi buồng tắm đều có tủ đựng quần áo, một cái ghế và một vòi gương sen. Conrad tự nhủ: Từ một trong những buồng tắm này, Frances nhìn thấy Maurer rửa hai bàn tay đầy máu.
Mallory, một nhiếp ảnh viên của sở cảnh sát bước vào và đặt máy. O’Brien quan sát mặt đất.
— Paul, chắc nó nằm ở kia, ông nói và chỉ tay vào một cái lưới nhỏ bằng đồng phủ lên miệng một cái lỗ khoét trên sàn gạch.
Conrad bước lại gần và O’Brien chiếu đèn vào miệng lỗ. Ánh đèn soi sáng một nhúm lá khô bịt kín miệng lỗ.
— Lá từ đâu tới nhỉ, – Conrad nói. – Ống cống chắc là được tháo ra ở bên ngoài và gió thổi đẩy lá khô ngược vào đấy. Chắc từ lâu cống không có nước. Nếu cây viết chì máy còn nằm trong này thì nó vẫn khô ráo và giữ được vết máu.
O’Brien quan sát tấm lưới đồng rồi nói:
— Nó được gắn ciment vào sàn. Mallory, anh có mang dụng cụ đi không?
— Tôi để bên ngoài, để tôi đi lấy.
Conrad ngồi chồm hổm hút thuốc. Anh nhỏ giọng, nói:
— Nếu cây viết vẫn còn ở đó thì ta thộp gáy Maurer được rồi. Khó lòng mà tin được điều này sắp thành hiện thực. Đã nhiều năm nay tôi cố tìm cách còng tay thằng chó đẻ này lại.
O’Brien cười nhạo:
— Này, đừng nên chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng!
— Ông thanh tra!…
Hai người vụt đứng lên vì tiếng kêu báo động của Mallory.
— Có kẻ ở bên ngoài!
Mallory đang đứng ở khung cửa. Trong khi anh ta la to, một tiếng súng nổ và Mallory loạng choạng, bàn tay nắm chặt lấy cánh tay.
Văng ra một tiếng chửi thề, O’Brien nhào lên phía trước, xoay công tắc, cả phòng chờ vụt tối đen. Ông hỏi Mallory vẫn đứng nơi cửa:
— Cậu có bị thương không?
— Tôi dính đạn vào tay rồi! – Mallory nói và ngồi bệt xuống đất.
Conrad cố chăm chú nhìn vào trong bóng tối nhưng không thấy gì. O’Brien đến bên anh.
— Băng của Maurer đấy, – Conrad nói và rút súng ra. – Tom gọi điện thoại về Sở bảo họ tăng cường cho chúng ta.
O’Brien càu nhàu và khép cửa lại. Conrad dặn:
— Này cẩn thận với chiếc đèn đấy! Chớ để mất chỗ đội nón. Hình như điện thoại đặt trên bàn phía trái anh.
Bên ngoài một cây tiểu liên bắt đầu khạc đạn. Những tia sáng vàng vọt xuyên trong bức màn đêm. Một viên đạn bắn vỡ tan cửa kính. Conrad và O’Brien chúi đầu xuống đất dưới một làn mưa kính vụn. Vôi vữa trên các bức tường rơi lả tả xuống sàn. O’Brien thì thầm:
— Quái quỉ thật!
Ông nằm rạp xuống bò về phía điện thoại. Conrad nhằm về phía súng nổ bắn hú họa vài phát vào trong đêm tối.
Những khẩu súng lục bắt đầu thi nhau nổ, những tia sáng vẽ thành những cung tròn xung quanh hai người. Những viên đạn rít qua cửa sổ trước khi chạm vào tường. Conrad nói:
— Tụi nó khá đông đấy. Tom, cứ tiếp tục gọi đi!
O’Brien cầm máy đặt xuống đất và quay số điện.
— Họ không thể tiếp viện trước mười lăm phút được đâu, trừ phi có chiếc xe tuần tiễu nào tình cờ đang ở trong khu vực này. Nếu những thằng khốn đó vây chúng ta…
Conrad bò đến Mallory.
— Cậu có bị chảy máu nhiều không?
— Một chút thôi. Không sao. Hơi trầy da. Giá mà tôi có khẩu súng.
Conrad giật mình vì phía cửa sổ có tiếng động. Anh bắn vào một bóng đen và nghe thấy tiếng viên đạn chạm vào xương rồi một thân hình gục xuống.
— Bớt được một thằng!
Vẻ thanh bình ban đêm bị náo loạn bởi những viên đạn tiểu liên nổ tằng tằng. Từng mảnh thạch cao bung ra. Những mảnh thủy tinh vỡ, những miếng gỗ bay tứ tung và những viên đạn bay vèo vèo.
— Tôi có cảm giác như mình đang sống lại ở chiến trường Tuynidi!
Cậu ta không bao giờ bỏ lỡ dịp nhắc lại những chiến công hồi còn ở quân đội. Conrad hỏi O’Brien:
— Đã liên lạc được chưa?
— Rồi, ngay trước khi đường dây bị cắt.
— Ta lại gần cửa đi. Không nên để chúng vây hãm.
Conrad bò tới cửa. Ở một phía hồ bơi, một gã chạy dọc trên lối đi lát gạch. O’Brien giơ súng bắn một phát, gã ngã nhào kèm theo tiếng la đau đớn.
— Ta chống cự không đến nỗi tồi hả? – Conrad nhận xét.
— Tôi đi kiếm hộp đựng dụng cụ, – O’Brien nói – Nhất thiết phải tìm cho ra cây viết.
— Cẩn thận nhé! – Conrad thì thầm.
O’Brien bắt đầu bò không để ý tới lời dặn dò. Ông nhoài được cái đầu và hai bả vai ra ngoài, thò tay lấy cái hộp thì một tiếng nổ làm ông chúi đầu xuống. Viên đạn bay sượt trên người. Ông nhẹ nhàng bò lùi trở lại.
— Tôi lấy được rồi. Mallory cầm lấy và phá tấm lưới ra.
Những khẩu tiểu liên tiếp tục nhả đạn và ba người nằm rạp sát đất khi hàng loạt đạn tới tấp bắn vào tường.
— Chú ý! – Conrad hét và ngẩng đầu lên.
Hai gã chạy trên lối đi, tay lăm lăm khẩu súng.
O’Brien và Conrad cùng nổ súng. Một gã sẩy chân rơi xuống hồ bơi còn gã kia ném khẩu súng lên cao, lảo đảo bước thêm được vài mét thì ngã sấp xuống mặt đất.
— Thế là bốn thằng chầu diêm vương, – Conrad reo lên. – Tôi chỉ còn bốn viên nữa thôi. Anh còn bao nhiêu?
— Còn hai gắp đạn, – O’Brien nói. – Anh đừng bắn nữa. Để tôi đối phó với chúng.
Ông lại bò ra gần cửa. Mallory nói:
— Tôi phá được rồi. Con bà nó, cái đồ mắc dịch rắn chắc thật nhưng cuối cùng nó cũng phải chào thua tôi.
— Cố tìm cho ra cây viết nhé, – Conrad nói. – Còn Tom, anh cẩn thận để chúng không nhìn thấy.
O’Brien bắn hai loạt đạn vào trong đêm tối. Hai khẩu tiểu liên tằng tằng đáp lễ. Trong ánh lửa, Conrad nhìn thấy O’Brien như bị nâng lên khỏi mặt đất và ngã vật ra về phía sau.
— Mallory cầm lấy súng, đứng trấn ở cửa đi. – Conrad hét lên và bò đến O’Brien. Anh cố nhìn ông trong bóng tối. – Anh có bị thương không?
Anh biết mình hỏi một câu thật ngớ ngẩn. O’Brien lãnh hai loạt đạn tiểu liên vào người. Conrad bấm đèn và lấy tay che ánh sáng. O’Brien ngước mắt nhìn anh. Trong ánh đèn lờ mờ, Conrad nhìn thấy gương mặt ông méo xệch vì đau đớn. Ông thều thào nói:
— Paul, không phải là một tai nạn rủi ro đâu.
Ông muốn nói tiếp nhưng mồm đã đầy máu. Conrad nâng đầu ông lên.
— Tom, đừng nói gì nữa.
O’Brien bám chặt vào cánh tay Conrad.
— Ferrari… Con trai tôi…, – ông cố thì thầm rồi hai tròng mắt đảo ngược, ông ngã trên người Conrad.
Conrad đặt ngón tay vào động mạch rồi lắc đầu và đặt ông nằm xuống sàn. Anh quay lại vừa lúc Mallory bắt đầu bắn.
Ba gã cúi gập người chạy trên lối đi. Mallory hạ được một. Hai gã kia bắt đầu bắn. Conrad bắn qua đầu Mallory và thấy gã thứ hai ngã nhào xuống hồ bơi. Gã thứ ba còn sống sót vẫn lao người về phía trước vãi hàng tràng đạn.
Conrad vội vã lùi lại kéo theo Mallory sau lưng anh. Trong một khoảng thời gian dài, hai người cứ nằm nép sát tường trong khi đạn vẫn cứ veo véo bay vào phòng.
Từ phía hồ bơi, những tiếng nổ lại vang lên, những tiếng nổ gắt của đạn súng lục và tiếng đùng đục của đạn Thompson. Gã đang bắn vào phòng chờ bỗng dừng phắt lại và thối lui.
Bên ngoài đạn vẫn nổ ầm ầm tạo thành một khúc nhạc nghe chói tai.
Conrad nói với giọng không tin tưởng:
— Hình như người của mình đã đến!
Anh thận trọng bước đến cửa. Tiếng súng ngừng bặt và một sự im lặng nặng nề bao trùm khu vực hồ bơi.
Thân hình dềnh dàng của Bardin vụt xuất hiện từ bóng tối.
— Paul?
— Báo cáo có mặt! – Conrad nói vui. – Chà! Nóng thật là nóng.
— Anh đã tìm thấy cây viết chì máy chưa?
— Chưa có thì giờ để hỏi. Cậu Tom bất hạnh đang nằm trên sàn kia kìa.
— Đúng không? Thật tệ quá! (Bardin bấm đèn pin soi khắp gian phòng). Chà! Cánh ta làm ăn mới khá chứ! Sáu gã của Maurer ăn đất ngoài kia. Chúng chết như bọn cá trích xông khói. Chỉ có hai gã là chuồn được.
— Cây viết tìm ra chưa? — Conrad hỏi Mallory.
— Tôi lấy được rồi.
Và cậu ta giơ cao quá đầu cây viết chì máy bằng vàng.
 
o O o
 
Một chiếc Cadillac đen lao vào con ngõ chạy dọc theo bức tường bao quanh Câu lạc bộ Thiên Thai và dừng ngay trước cổng sắt. Người lái bật tắt đèn pha bốn lần: Hai lần nhanh và hai lần chậm rồi vượt qua cổng sắt người gác vừa mở.
Người gác cửa bước lại gần xe, vẻ sững sờ khiến gã nghẹt thở và kính cẩn cúi chào người mớỉ đến. Chiếc Cadillac đỗ ngay trước cửa ra vào câu lạc bộ.
Một người thấp lùn bước ra khỏi xe, nhìn phải nhìn trái rồi bước lên bậc cấp gõ cửa. Gã bảo vệ ra mở cửa, miệng há hốc và khuôn mặt hồng hào trở nên xám xịt. Gã ấp úng:
— Thưa ông Maurer!
— Câm cái mõm! Thằng ngu! – Maurer mắng. – Gollowitz đâu?
— Ông ấy đang ở trong văn phòng Seigel.
Gương mặt lão nhăn nhúm vì tức giận. Lão đi dọc hành lang dừng một lát trước cửa phòng, ghé tai vào cánh cửa lắng nghe. Tiếng chuyện trò vẳng qua cánh cửa làm lão tức giận thêm và mở cửa bước vào.
Trong phòng mù mịt khói thuốc, McCann và Ferrari ngồi vây quanh bàn, Gollowitz chễm chệ sau bàn, tay kẹp điếu xì gà ra dáng ông trùm lắm.
Bốn người quay lại nhìn, người duy nhất không tỏ thái độ gì khi lão xuất hiện bất ngờ là Ferrari. Còn ba gã kia sững sờ nhìn Maurer như thấy bóng ma từ cõi âm hiện về.
— Jack! – Gollowitz thốt lên mà mặt mũi xám ngoét. – Trời đất, Jack…
Maurer đá cánh cửa cho khép lại. Bàn tay phải thọc sâu vào túi căng phồng của áo khoác.
— Thằng cha này làm gì ở đây? – Lão càu nhàu chỉ vào Ferrari.
— Jack. Anh điên hay sao mà quay về đây? – Gollowitz nói. – Anh không biết anh đang bị đe dọa vì có lệnh tống giam hay sao?
— Thằng cha này làm gì ở đây? – Maurer nhắc lại với giọng hằn học.
— Hắn tới đây để lo thủ tiêu con nhỏ, con Coleman, – Gollowitz ấp úng nói.
— Chính anh mời hắn đến?
— Hội đoàn cho rằng…
— Kệ cha cái hội đoàn. Anh bảo hắn đến đây?
— Anh muốn tôi làm gì bây giờ? – Gollowitz than vãn. Lão lo đến cuống đít vì sợ Maurer bắn. – Cần phải thủ tiêu thằng Weiner và con nhỏ. Chỉ có mình hắn mới làm được việc này.
Ánh mắt Maurer long lên sòng sọc uy hiếp con người Gollowitz:
— Thằng đần độn khốn khổ! Mày không tự giải quyết được à? Không chứ?
McCann lên tiếng can thiệp:
— Ông Maurer, nhẹ nhàng một chút đi. Ông không nên quay về đây, toàn bộ cảnh sát trong thành phố được huy động tìm bắt ông. Forest đã chuẩn bị cho ông một bản cáo trạng thật hay đấy!
— Ra thế đấy, – Maurer nói. – Nhờ cung cách đó mà các anh đã phá hoại tất cả. – Lão giơ tay chỉ mọi người trừ Ferrari. – Tôi trở về đây để đích thân giải quyết. Từ 15 năm nay, đây là lần đầu tiên có lệnh bắt giữ tôi! Lần đầu tiên trong 15 năm nay! Tôi buông quyền lãnh đạo thì mọi chuyện xảy ra như thế đó.
— Chúng tôi đã làm mọi việc phải làm, – Gollowitz nói với vẻ hăng hái nhiệt thành. Lão biết mối nguy hiểm qua rồi. – Chúng tôi đã cho khử thằng Weiner, bây giờ chỉ còn mỗi chuyện thanh toán nốt con nhỏ. Jack! Mọi chuyện sẽ ổn nếu anh đừng dính vào.
— Ý tôi đã quyết: Tự mình giải quyết chuyện này, – Maurer vừa nói vừa tiến lại bàn.
Gollowitz líu ríu lùi ra và Maurer ngồi vào chỗ sau bàn.
Lão luật sư kéo ghế ngồi cạnh những gã khác. Từng giọt mồ hôi đọng trên trán. Lão cảm thấy căm giận và sợ sệt.
Ferrari bắt gặp ánh mắt Maurer. Seigel thích thú ngồi quan sát nhưng bỗng hoảng lên khi nhận thấy trong ánh mắt Maurer một vẻ khó chịu. Ferrari mặt mũi tỉnh bơ, nói nhỏ nhẹ:
— Chào anh!
— Chào Ferrari!
— Ông Joe Lớn nhờ tôi nói với anh về nhiều chuyện đấy. – Ferrari mỉm cười nói thêm.
Maurer gật đầu. Lão biết con người Ferrari thật nguy hiểm và cảm thấy mối đe dọa khi Gollowitz mời gã về đây. Lão cần phải cố gắng lắm mới giữ được quyền hành trong tay.
— Thế cả ba người làm cái trò gì? – Lão hỏi. – Tại sao các anh không thủ tiêu được con nhỏ. Tôi đi vắng đã ba tuần. Lẽ ra con nhỏ phải chết lâu rồi chứ?
— Không dễ dàng như thế đâu. – Seigel nói.
— Đầu tiên là chúng tôi lo thanh toán thằng Weiner, – Gollowitz mạnh dạn nói. – Chuyện đó quá dễ.
— Quá dễ? Anh không hiểu rằng chính con nhỏ mới là đứa nguy hiểm nhất. Không có nó thì lời chứng của Weiner không có ký lô nào!
— Ông có biết con nhỏ đã khai rồi không? – McCann nói. – Nó xác nhận rằng chính mắt nó nhìn thấy ông hạ sát June Arnot. Vì có lời khai như vậy nên mới có lệnh bắt giam ông.
Gương mặt Maurer tím lại.
— Nó nói dối! Tôi không đụng vào người June!
— Họ có một bằng chứng thật bảnh, – McCann thong thả nói. – Chứng cớ đó có thể thuyết phục bất cứ một bồi thẩm đoàn nào.
— Bằng chứng gì?
Gollowitz thuật cho lão biết về lời chứng của Frances Coleman và câu chuyện cây viết chì máy bằng vàng. Lão kết luận:
— Chúng tôi đã cố gắng thu hồi cây viết đó nhưng bọn cớm đã hớt tay trên chúng tôi.
Maurer cứng người:
— Cụ thể ra sao?
— Seigel cùng mấy tay súng đến đó nhưng bọn cớm nhanh chân hơn. Bên ta chết sáu mạng.
Maurer nổi xung lên vì giận dữ, lão mắng:
— Lại thêm một chiến công của anh! Đồ ngu hết chỗ nói! Mặc mẹ chuyện đó đừng có bới lên. Tôi đã nghĩ cách đối phó về cây viết ấy rồi. Tôi có cách giải thích. Sáu người của ta bị chết. Các anh hoàn toàn điên rồi!
Gollowitz buông người xuống ghế, mặt xạm như tro. Lão cảm thấy ánh mắt Ferrari đè lên người lão và thất vọng ghê gớm vì sự thất bại mà lão chịu trách nhiệm sẽ đến tai Hội đoàn.
— Không những các anh lãng phí mạng sống người của chúng ta mà các anh còn chứng tỏ tầm quan trọng của cây viết, – Maurer nói tiếp. – Hai ngày trước khi xảy ra vụ giết người, tôi đã đánh rơi cây viết trong lỗ xả.
— Nhưng trên đó có vết máu, – McCann nói gọn lỏn.
Đôi mắt ti hí của Maurer sáng lên.
— Máu tôi đó. Tôi bị đứt tay vì cái chai. Máu dính vào cây viết và trong khi tôi lo chùi máu thì cây viết trượt qua kẽ tay mà rơi vào ống xả.
— Ông lý giải không ổn đâu, – McCann nói. – Thưa ông Maurer, tôi thật nản nhưng có giải thích mấy cũng vô ích thôi. Máu dính trên cây viết là máu của cô Arnot, thuộc loại nhóm máu hiếm.
Maurer hất cao cằm:
— Thuộc nhóm gì?
— Nhóm B.
— Thế ông không biết rằng máu tôi cũng thuộc nhóm B sao? Ông thấy chưa? (Lão vụt quay lại và hằm hè nhìn Gollowitz). Nếu anh đừng giở trò quậy vừa rồi thì khi ra tòa mọi chuyện giải quyết dễ ợt.
Gollowitz vụt nhận thấy mình già đi và quá mệt mỏi.
— Tôi… tôi không biết điều đó, – lão ấp úng thanh minh.
— Con nhỏ ở đâu? – Maurer hỏi McCann.
— Tôi không biết. Forest giấu nó ở một nơi nào đó không ai được biết. Từ ngày Weiner chết, ngoài ông Biện lý ra không ai biết con nhỏ ở đâu.
Maurer dộng tay ầm ầm xuống bàn.
— Cần phải tìm cho ra và thủ tiêu nó ngay. – Lão nhìn Seigel. – Việc của anh đấy. Chậm nhất là ngày mốt anh phải cho tôi biết nó ở đâu. Rõ chứ? Nếu anh thất bại cái cú này nữa thì tôi cam đoan với anh đấy là việc cuối cùng của anh!
Seigel muốn cãi lại nhưng ánh mắt giết người của Maurer nhìn hắn làm hắn nín thinh. Mặt hắn tái xanh, đưa mắt nhìn Gollowitz cầu cứu nhưng Gollowitz còn đang thừ người vì những mối lo âu khác.
— Xong, – Maurer nói. – Lão đứng lên. – Ngày mốt đúng 11 giờ chúng ta họp lại để quyết định biện pháp tiến hành tiếp theo ra sao.
McCann vụt đứng lên nói:
— Ông không tìm ra nó đâu. Nó biến mất rồi. Theo ý tôi, người ta đã đưa nó đi khỏi thành phố.
— Seigel sẽ tìm ra con nhỏ, – Maurer nói với vẻ thô bạo. – Nếu hắn không muốn mất mạng thì hắn phải tìm ra.
McCann nhún vai đi ra cửa:
— Ông Maurer, cần phải thận trọng. Cả thành phố này là một tổ ong bầu đối với ông và nếu người của tôi tóm được ông thì tôi không thể nào can thiệp giúp được gì cho ông.
— Ông không phải lo cho tôi, – Maurer gạt phắt – Tôi đủ thế lực để tự bảo vệ.
Seigel mặt mũi vẫn tái xanh và run rẩy cũng líu ríu đi theo gót McCann. Ferrari vẫn bình thản ngồi. Gã lấy tay xoa mũi và tò mò nhìn Maurer.
— Tốt lắm, Ferrari, – Maurer nói với giọng dịu hẳn. – Tôi cảm ơn anh đã giải quyết xong thằng Weiner. Còn đứa con gái, tôi tự lo lấy. Anh có thể quay về New York được rồi. – Lão nhìn Gollowitz. – Anh đã trả tiền chưa?
Gollowitz nghiêng đầu.
— Xong. Tạm biệt Ferrari. Gửi lời chào thân ái hộ tôi đến ông Joe Lớn.
Ferrari đứng lên, hai cánh tay gầy gò duỗi ra, đi được vài bước về phía cửa thì dừng lại nói:
— Tôi còn nán lại ở đây thêm hai ngày nữa. Chắc ông còn cần đến tôi. Ta không thể nào biết trước được.
— Chúng tôi không cần đến anh đâu, – Maurer khẳng định cố giữ bình tĩnh.
— Đừng có nói trước, – Ferrari nhắc lại. – Ông Joe Lớn bảo tôi cứ ở đây cho đến khi mọi việc giải quyết xong.
Maurer chăm chú nhìn Ferrari rồi đành nhượng bộ nói:
— Thôi được, nếu anh muốn mất thì giờ vô ích.
— Tôi ở lại.
Gã mỉm cười và lặng lẽ đi ra cửa.
Maurer quay lại nhìn Gollowitz:
— Hẳn anh hài lòng khi đưa con rắn độc vào nhà tôi chứ? Anh muốn làm ông chủ ở đây sao?
Gollowitz không dám nhúc nhích. Lão nhìn tấm thảm, khuôn mặt chảy dài, đôi tay thừa không biết làm gì, khua khua với vẻ lo lắng.
— Anh hy vọng Hội đoàn trao tặng cho anh vòng hoa nguyệt quế chắc? – Maurer tiếp tục với giọng lạnh tanh nhưng đầy nguy hiểm. – Tất cả những gì anh thành đạt trong ba năm nay, tự anh tung hê lên hết. Tất cả! Tôi biết rõ anh muốn giành quyền lãnh đạo tổ chức mà! Tôi còn biết ngày đêm anh mơ tưởng được ôm ấp con mụ Dolorès. Anh có thể cua được con mụ nếu mụ cũng mê cái bụng phệ của anh. Còn tôi thì tôi chán ngấy cái con mẹ đó rồi. – Lão chồm người về phía trước cất cao giọng. – Anh chỉ là một thằng đê tiện. Chỉ nhìn thấy anh tôi cũng đã đủ lợm giọng rồi! Cút mẹ nó đi cho rảnh.
Gollowitz lặng lẽ bước ra cửa. Hai vai lão rũ xuống như thể phải vác một vật gì quá sức. Lão khép cửa lại.
Maurer buông người xuống ghế. Nếu lão không tìm cách thoát ra khỏi tình thế này trong danh dự thì chắc chắn Hội đoàn cho lão ra de. Ferrari đang sẵn sàng đợi lệnh. Lần đầu tiên trong đời, Maurer thấy rét.
 
o O o
 
Chỉ mãi đến trưa ngày hôm sau, Seigel mới sực nhớ đến Janey Conrad. Hắn tự nguyền rủa mình sao không nghĩ ra sớm hơn. Đầu óc gì mà bã đậu vậy?
Từ nửa tháng nay, hắn không gặp lại Janey. Hắn hơi thất vọng về sắc đẹp của cô ta. Trong cái ngón nghề này hắn kỹ tính lắm. Khi phát hiện Janey từ chối không chịu chiều theo những kiểu hành lạc quá tinh vi của hắn thì hắn kết luận không nên mất thì giờ và tiền bạc về cái con bé vô vị này.
Hắn nghĩ có khả năng Conrad cho vợ biết Frances đang ở đâu hay ít ra cô ta cũng biết tin chồng mình chỗ nào. Không muốn bị lỡ việc một cách đáng tiếc, hắn cử người theo dõi ngôi nhà Conrad và khi trời tối mịt, hắn khoan khoái được biết cô ta đang ở nhà có một mình. Hắn đậu xe ở đầu đường rồi đi bộ đến ngôi nhà. Trời tối thui, không người nào bắt gặp hắn.
Ở lầu một có ánh đèn. Seigel bấm chuông, ung dung đứng chờ. Sau một lát hắn nghe có tiếng chân chạy sầm sầm trên cầu thang. Cửa mở và Janey nhìn thấy hắn. Cô mặc áo khoác lụa màu vàng, mái tóc xõa xuống hai vai. Cô thật đẹp và xốn con mắt nhưng lúc này chẳng gợi được lòng dục vọng của Seigel.
— Chào cô búp bê, – hắn vừa nói vừa đi vào phòng chờ và phóng chân đá một phát cho cánh cửa đóng lại.
Janey quắc mắt nhìn hắn:
— Có họa là anh điên mới mò đến đây!
— Tại sao? Em ở nhà một mình chứ? Cưng, em vắng anh lâu quá rồi.
— Anh nên đi ngay thì hơn.
— Nói với anh như vậy sao? – Hắn toét miệng cười. – Em đừng có hốt. Không ai biết anh vào đây đâu.
Hắn đi trước cô để vào phòng khách bật đèn.
— Chà! Phòng khách mới sang trọng làm sao? Em không buồn khi vò võ có một mình à?
Janey theo hắn vào. Cô vừa bối rối vừa lo lắng.
— Nếu Paul trở về…
— Tại sao em lại nghĩ hắn quay về? – Seigel thong thả ngồi xuống ghế mỉm cười. – Nào tươi lên em! Hắn đi vắng phải không?
— Vâng. Nhưng anh ấy có thể về bất ngờ. Louis, anh không nên ở đây.
Hắn kéo người cô vào lòng và hỏi:
— Hắn đi đâu?
Cô vùng vẫy cho có lệ rồi ngoan ngoãn ngồi lên đùi hắn.
— Tại sao anh không báo tin cho em sớm hơn?
Seigel cười vang:
— Chắc em tưởng anh cho em rơi rồi phải không?
— Sau đó thì sao? – Cô cãi lại và ngồi thẳng người trên đùi hắn. – Anh muốn em phải làm gì? Mất một thì lại có mười!
— Đúng vậy.
Hắn gãi ngón tay vào xương sống cô và thích thú cười thấy cô rùng mình và nhẹ nhàng cố vùng ra.
— Anh nên đi thôi.
— Đồng ý. Nhưng anh đưa em đi chơi. Xe để ở đầu đường. Chúng mình đến quán Hank chén một bữa đồ biển và đánh ngã một chai champagne Chịu không?
— Không! – Nhưng đó chỉ là cô từ chối lấy lệ mà thôi.
— Em đi mặc chiếc áo nào diện nhất đi. Anh ngồi chờ.
Hắn bế cô và trèo lên thang gác.
— Louis! Dừng lại! Em giận đấy! Em nói với anh là thả em ra.
— Lát nữa thì buông.
Lên đến lầu một, hắn nhìn thấy ánh đèn chiếu qua khe cửa rồi bước vào phòng ngủ. Một căn phòng thật sáng sủa có những chiếc giường cá nhân trong đó trên một chiếc để bừa bãi áo crop, manteau, đồ lót phụ nữ.
Hắn đặt cô xuống đất nhưng một tay vẫn ôm ngang lưng riết chặt người cô.
— Anh có ra khỏi đây không? – Janey la lối. – Cái trò đùa dai quá quắt kéo dài lâu rồi đấy!
Hắn cố dằn lòng. Chưa bao giờ hắn để cho một người đàn bà nào nói với hắn bằng một giọng như vậy nhưng hắn biết chưa đến lúc đối xử thô bạo với cô.
— Nào em gái, – hắn dịu dàng nói, – đã thế anh cứ làm cho em nổi xung. Em càng cáu thì lại càng xinh gái ra đấy.
Janey hơi mềm lòng một chút. Cô khoái nghe những lời nịnh đầm.
— Louis, đi xuống đi. Nếu Paul quay về…
Seigel ngồi xuống giường:
— Hắn đâu?
— Không việc gì đến anh. Anh chuồn đi. Chờ em ở dưới nhà.
— Em không biết hắn ở đâu à?
— Dĩ nhiên là biết nhưng chuyện này đâu liên quan gì đến anh?
Seigel cười nụ.
— Hắn có thể trở về nhà tối nay? Em nói nghiêm chỉnh đấy chứ?
— Em không tin thế nhưng ta cứ cẩn thận thì hơn. Em van anh, anh xuống đi.
Hắn đứng lên ôm cô trong vòng tay.
— Janey, hôn anh đi nào.
Cô lưỡng lự rồi ngẩng mặt lên, hai mắt nhắm lại, đôi môi hé mở. Hắn quấn chặt lấy người cô, ngấu nghiến nghiền nát đôi môi. Cô cố giãy giụa nhưng hắn lại càng xiết mạnh hơn và cảm thấy cô từ từ buông thả.
— Ôi! Louis…, – cô rên rỉ nói.
Hắn dìu cô đến giường. Cô lắc đầu nhưng không tỏ vẻ chống đối. Nằm ngửa trên giường, cô nhìn hắn với ánh mắt mờ tối.
— Chúng mình không nên…
— Janey, hắn ở đâu? – Hắn cúi xuống người cô hỏi.
— Anh hỏi để làm gì? (Cô vụt nhỏm dậy và đẩy hắn ra). Đúng rồi! Sao tôi ngốc đến thế! Đúng rồi!
— Đúng rồi… cái gì!
— Chính vì chuyện này mà đột nhiên anh ve vãn tôi, – cô giận dữ nói. – Anh muốn biết cô gái đó, cái cô Frances Coleman ở đâu chứ gì? Đúng rồi! Paul có nói với tôi anh là tay sai của Maurer. Sao tôi lại ngu đến thế! Ra ngay! Ra ngay trước khi tôi gọi bọn cớm đến!
Seigel nhe cả răng ra mà cười, vẻ quyến rũ của hắn biến mất và ánh mắt dữ dằn làm cô phát sợ.
— Vừa vừa thôi cô em, – hắn nói với giọng khàn khàn. – Cô biết hắn ở đâu và cô phải nói ra nếu không bắt buộc tôi phải tọng vài quả đấm vào cái mặt non choẹt xinh xắn của cô.
Janey lùi lại, người run bắn.
— Tôi không biết đâu. Đi đi.
Seigel đứng lên. Janey mở mồm định kêu, hắn tát phải một cái thật mạnh vào giữa làm cô chổng bốn vó và gần ngất đi.
Hắn cúi xuống người cô, dựng cô đứng lên, đẩy một cái thật mạnh khiến cô lăn từ trên giường ra đến cuối phòng. Cô cứ nằm yên và thở dốc như người vừa bị hơi bom quăng quật.
Hắn vặn chéo cánh tay ra sau lưng và cứ thế mà xoắn. Cô la hét ỏm tỏi nhưng tay trái hắn ấn đầu cô vào chiếc gối cho hết kêu.
— Hắn ở đâu?
Janey không phải là loại gan dạ để trổ tài kiểu anh hùng rơm. Sự đau đớn hắn hành hạ khiến cô hết sức lực. Cô sụt sùi khóc.
Hắn vặn chéo cánh tay cô lần nữa.
— Thôi! Dừng lại! Tôi sẽ cho anh biết! – Janey hét lên.
— Thế là biết điều đấy! Nào, khạc mau ra! Hắn ở đâu?
— Tôi không biết anh ấy ở đâu nhưng tôi có số điện, – Janey khóc to.
Hắn xoay người cô lại nhìn vào mặt tái xanh mà hỏi.
— Số bao nhiêu?
— Barwood 99780.
— Nếu mày nói dối, tao cam đoan với mày đây là lời nói dối cuối cùng của đời mày đấy, con nhãi.
— Buông tôi ra, – cô vẫn khóc nức nở. – Anh làm tôi đau, đồ vũ phu!
— Chúng ta cùng đi xuống và cô gọi điện cho chồng cô.
— Vâng, – cô hổn hển nói.
Cô loạng choạng bước ra cửa, lấy tay xoa cánh tay đau rát. Hắn đi theo cô dọc hành lang cho tới đầu cầu thang. Hắn tiến sát sau lưng khi tay cô vừa nắm lấy tay vịn cầu thang. Đúng lúc cô bước xuống một bậc thang, hắn tận lực phóng một cú đá vào mạng sườn cô.
Người Janey bắn ra ngoài khoảng không. Tiếng la hét khủng khiếp của cô không làm hắn đổi sắc mặt. Thân hình người phụ nữ trẻ quay lông lốc trong khi rơi. Trong chớp mắt, gã giết người nhìn thấy đôi mắt cô trợn trừng vì khiếp hãi, cái miệng mở rộng trước khi cái đầu xuống trước rồi đến thân mình rơi đánh rầm xuống đường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.