Cái Dũng Của Thánh Nhân

CHƯƠNG III: THÁI ĐỘ VÀ CỬ CHỈ



YORITOMO TASHI chê những kẻ táo bạo, phiến động nhất thời, những kẻ không tự chủ và cũng không chịu lo kiểm soát, ngự trị những cử chỉ lố lăng của mình, là bọn người “tư tưởng trên bắp gân”.

“Tư tưởng trên bắp gân”, nghĩa là gì? Với những người ấy, không cần phải cật vấn làm chi cho nhọc Gương mặt họ là phản ảnh rất trung thành những tình cảm tư tưởng họ.

Những sự mừng, giận, thương, vui, đều lộ ra ngoài gương mặt hay dáng điệu.

Cái “bản ngã”, cái chỗ thâm sâu huyền bí của họ, chỉ như một cái “thành” không củng cố, không tường lũy ai muốn ra vào cũng thong thả. Những kẻ nông nổi, lơ đễnh, không cần quan sát cũng có thể hiểu được thâm tâm của họ.

Những người như thế, không thể đảm đương sự lớn. Muốn làm việc lớn cần phải có những người trầm mặc: vui, buồn, mừng, giận, không hề bao giờ lộ sắc.

Điềm tĩnh là một trạng thái của nội giới Bởi ta điềm tĩnh nơi trong, nên bề ngoài dáng điệu cử chỉ mới thấy đặng vẻ im lặng. Cái đó là tinh thần ảnh hưởng vật chất.

Nhưng, vật chất cũng ảnh hưởng lại tinh thần: những cử chỉ điềm đạm, nếu khéo giữ gìn, cũng khiến được tâm hồn trầm tĩnh.

Trị được thân thể, cử động của mình, là đã đi một bước khá dài trên con đường điềm đạm.

Đi ban đêm, những kẻ nhát thường hay hút gió, ca hát, ra dáng điệu thản nhiên rồi thì cũng nhờ đó mà bớt sợ.

Lúc ta buồn bực chán nản, nếu cứ nằm ỳ mãi một chỗ mà than thở, rồi cũng sẽ vì đó mà buồn bực chán nản thêm. Trái lại, nếu ta phản động lại, ca hát, vui cười tức thời những cái chán, cái buồn cùng theo tiếng cười mà tiêu ma đi hết.

Trong quân đội, người ta cũng dùng một phương pháp ấy. Muốn khêu gợi sự tôn kính và vâng lời theo mạng lịnh bề trên, người ta bày ra cách “chào cứng đơ và thẳng cẳng”, đó là dùng cử động bề ngoài để chi phối bề trong.

Trong những cuộc hành lễ của các tôn giáo, những cử động nhất định như quỳ, lạy, đọc kinh, v.v cũng đều do một nguyên tắc ấy mà ra. Thật vậy, những cử chỉ khiêm nhường gây cho con người có một tâm hồn khuất phục, sợ sệt Muốn có đức tin và lòng tôn kính, hãy bước vào đền thờ hay chùa

miễu, hãy dự vào những cuộc cúng lễ đi thì rồi ta cũng sẽ có một đức tin như những tín đồ chân thành của các tôn giáo ấy vậy. Kẻ nào có đạo mà ít đi nhà thờ, không bao lâu sẽ không còn đức tin về đạo của mình nữa. Pascal nói: “Hãy quỳ gối và đọc kinh đi, rồi thì đức tin sẽ đến cho anh.”

Vậy, với những ai muốn có một tâm hồn điềm đạm, hãy trước hết gìn giữ kỹ càng một thái độ trầm tĩnh, thì rồi sự trầm tĩnh sẽ đến, tràn ngập nơi lòng mình không sai vậy.

Tại sao ta không lo điêu luyện tinh thần điềm tĩnh nơi trong trước, lại lo huấn luyện cử chỉ điềm tĩnh bên ngoài. Cái đó không có gì lạ. Ý chí trị cái hiện tượng của cảm tình dễ hơn là ngăn cấm cảm tình ấy. Giận, ta có thể trị liền cái tay ta đừng đánh đập một cách dễ dàng hơn là trị cái giận ấy đừng cho nó có. Rồi thì sự điềm tĩnh bề ngoài ấy, nó ảnh hưởng lại tinh thần bên trong của ta. Nếu ta làm bộ giận dữ, rồi thì, một lúc nữa, sẽ giận ngay thật.

Người ta thường để ý thấy rằng, trình độ con người càng cao bao nhiêu, thì những cử động vô ý thức của thiên tính càng giảm bấy nhiêu.

Những kẻ chất phác ngây thơ mà sự giáo dục phó mặc cho tự nhiên theo thiên tính, là những kẻ hay buông lỏng tâm hồn mình cho khách qua đường.

“Chế ngự những dáng điệu cho có mực thước, gìn giữ lời nói cho có khuôn sáo, ấy là thái độ của những tâm hồn cao thượng”.

Tóm lại, bất kỳ là ở vào trường hợp nào, nếu muốn trầm tĩnh, trước hết hãy lo gìn giữ cho sắc mặt và dáng điệu có một thái độ thản nhiên Chắc chắn, ta sẽ thắng đặng mối cảm xúc nơi lòng và lần lần tâm hồn trở nên yên lặng.

Cách tập luyện

Trước hết, ta phải nhứt định gìn giữ kỹ càng không cho mặt lộ vẻ kinh ngạc, hay bực bội vì những khó chịu do giác quan ta nhận thức.

Nghe một tiếng động to và bất ngờ, đừng giựt mình hay la hoảng, hãy trấn tĩnh ngay và im lặng. Thấy cái gì lạ, dữ đừng tỏ dấu ngạc nhiên, hay kinh khủng. Đi xem hát, những lúc nhiệt hứng, đừng vỗ tay la lối om sòm. Rủi có đụng chạm, hay té ngã, cũng cứ thản nhiên, đừng nhăn mày nhíu mặt, tỏ dấu đau thương. Đừng để ai tội nghiệp cho mình cả. Đi xe, nếu phải bị chờ đợi, cứ thản nhiên đừng tỏ dấu bực mình. Bất kỳ là ở trường hợp khó chịu nào, cũng phải khéo lợi dụng nó để điêu luyện cử chỉ điềm tĩnh của mình.

Đừng tưởng lầm như thế là tỏ ra mình nhu nhược, có một cử chỉ tiêu cực, thụ động. Trái lại, người như thế là người dũng mãnh nhứt đời.

Đối với những xúc động về tinh thần, cũng nên lấy một cử chỉ ấy mà đối phó. Có ai nhục mạ mình, hoặc làm phật lòng mình, hãy điềm nhiên, đừng tỏ dấu chi khó chịu cả. Nếu cần phải trả lời, hãy ung dung tươi tỉnh mà trả lời, vắn tắt và thản nhiên, đừng cho sắc mặt biến đổi theo mối cảm của tâm tình. Bất kỳ là một sự vật nào, bất kỳ là một người nào: hãy tập ngó ngay bằng cặp mắt lạnh lùng quả quyết.

Phản động như thế, lâu ngày rồi thì ta sẽ thấy, chung quanh, người hay vật, không còn có ảnh hưởng gì đối với ta như xưa nữa cả. Trì chí kiên tâm, một ngày một chút, đừng nản lòng, đừng gián đoạn Một ngày kia, không xa đây, các bạn sẽ thấy đời mình thay đổi mới lạ

Anh kép hát A. Dieudonné sau khi đóng vai Napoléon anh thấy cái người của anh đổi khác, những cử chỉ, những dáng điệu của Napoléon, mà anh bắt chước lâu ngày, đã thâm nhiễm vào cái người của anh, anh tưởng mình là đấng anh hùng cái thế kia và có những tính nết can đảm, quả quyết, tin mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.