Cái Dũng Của Thánh Nhân

CHƯƠNG VI: PHÒNG SỰ BẤT NGỜ



NGƯỜI xưa nói:

“Khéo giữ gìn lời nói, như người ta ‘chăn tù’ vậy”. Phải, lời nói của ta, là những tên tôi mọi, phải “cấm cố” nó cho kỹ càng. Thả nó ra, phải coi chừng: nó sẽ trở hại mình, không phương tránh đỡ. Tại nó mà kẻ nghịch của ta biết đặng cơ mật của lòng ta, biết được nhược điểm của bản tánh ta và nhân đó, bắt ta làm tôi làm tôi mọi cho họ. Nếu biết đặng chỗ yếu của người khác rồi, thì làm chủ lấy họ một cách rất dễ dàng.

Bởi vậy, đừng tưởng lầm: điềm tĩnh là một đức tánh để xử với việc lớn. Bất kỳ là một hành động nhỏ mọn nào trong đời mình, như lời nói vô tình, thốt ra trong khi mừng, giận, thương, vui cũng phải kiểm soát kỹ lưỡng, đừng để nó làm cho mình mất sự điềm tĩnh đi. Điềm tĩnh trong từng mảnh mún việc nhỏ rất khó, khó hơn là trong lúc mình xử sự với việc lớn.

Yoritomo Tashi có thuật một câu chuyện ngộ nghĩnh như vầy:

“Lao, một tên đệ tử rất nhiệt tâm đeo đuổi theo con đường tận thiện của Điềm đạm, nhưng chưa vượt qua khỏi giai đoạn háo thắng, nóng nảy. Một buổi kia đến tìm tôi: “Sư phụ, con đã nghe theo lời giáo huấn của Sư phụ và hằng ngày luyện tập. Nay con có thể tự hào là đã thành thục rồi. Con làm chủ lấy con rồi. Con hôm nay đến đây, bái yết Sư phụ, là để cho Sư phụ thấy rõ nơi con cái kết quả ấy”.

– Nầy con, con hãy coi chừng, đừng vội vàng mà sa vào cái tật háo thắng tự phụ. Con nên biết rằng: Điềm đạm là cái hạnh tối cao, siêu thoát. Muốn được nó, con người phải biết đứng trên hết mọi trở lực, bất kỳ một trở lực nào hết sức lớn lao hay hết sức nhỏ nhặt.

– Thưa Sư phụ, con đã biết lẽ ấy rồi. Con bây giờ, sẵn lòng chờ đợi Sư phụ thử con, bất kỳ là bằng cách nào.

– Con chắc chắn như vậy? Con chắc con sẽ thắng tất cả mọi cảm xúc, không chút nao lòng phải chăng?

– Con chắc như vậy, và con chắc chắn rằng: bầu trời thăm thẳm kia đổ nát trên đầu con, cũng không làm cho lòng con nao núng nữa.

– Được! Vậy con hãy lại ngồi trên chiếu kia, và cứ lẳng lặng làm thinh mà đợi thầy thử con. Thầy sẽ xem coi con có thể chịu nổi một cuộc thí nghiệm ghê gớm nầy không!

Tôi bèn kêu Châu Ly vào và dặn nhỏ nó vài lời, làm cho nó tỏ vẻ kinh khủng. Sau đó tôi nói lớn lên:

– Thôi con hãy lại ngồi gần bên sư huynh con. Sẵn cơ hội con sẽ học thêm một bài học khác.

Lao, là con nhà giàu sang, quyền quý. Nó mặc một bộ đồ rất quý giá, tay áo dài, thêu kim tuyến. Ngồi xếp bằng trên chiếu, những tà áo trải trên mặt chiếu rất đẹp.

Châu Ly, vâng lệnh tôi, đi ngay lại bên mình Lao, rồi làm bộ như vô ý, đạp đôi giày dơ lên trên tay áo dài của Lao, và ngồi phịch lên đó. Nhưng Lao, không đợi cho nó có kịp thời giờ ngồi lên trên, đã vội vàng đẩy mạnh anh ấy nhào hớt ra ngoài xa và nói: “Thằng vô ý thế nào!” Gương mặt Lao đã lộ vẻ giận dữ.

Tôi bèn giơ tay lên bảo: “Thôi, không cần phải thí nghiệm thêm nữa. Con đã hai lần phạm lỗi: thứ nhứt, con đã bị hoàn cảnh trái nghịch buộc con phải thốt ra lời; thứ nhì, con bị sự nóng giận lôi cuốn con và làm chủ lấy con.

Đấy là hai cái lỗi trọng nhất đối với một tín đồ của Điềm Đạm. Nhưng cũng còn một cái lỗi thứ ba nầy, mà con không khéo tránh: con để cho người ta, xuất kỳ bất ý làm chao động lòng con. Con không biết phòng sự bất ngờ.

Thầy biết dư: nếu có đao phủ thủ bước vô, hăm he con bằng ngọn gươm sắc lẻm của nó, cũng không làm mất đặng sự bình tĩnh của con. Nghe báo cáo một cái tin rất dữ, hoặc nghe trời đất sắp tan vỡ như tro bụi, chưa ắt đã làm cho con nao núng. Khi thầy nói với con chờ đợi một cuộc thí nghiệm ghê gớm, là thầy dụng ý làm cho tâm trí con tưởng tượng trước sẽ gặp những cuộc chấn động to tát như thế. Nhưng con đâu có dè, lại bị phải một sự cỏn con đáng buồn cười như thế kia, nó đánh úp làm cho mất cả công phu điềm tĩnh của con đi. Từ đây con nên nhớ kỹ bài học nầy”.

Điềm tĩnh, không phải chỉ để đối phó với những việc lớn trong đời mà thôi. Trong những việc rất nhỏ, từ cử chỉ, từ dáng điệu, từ nét mặt cũng phải kiểm soát kềm chế. Trong những trường hợp to tát, ta thường dễ gìn giữ cử chỉ điềm tĩnh hơn là trong những câu chuyện “vô cố” hằng ngày.

Luận về những người đại dũng, Tô Đông Pha nói: “Bực đại dũng thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh; vô cố bị những điều ngang trái cũng không giận” (thốt nhiên lâm chi nhi bất kinh; vô cố gia chi nhi bất nộ). Trái lại, “kẻ thất phu bị nhục, thì tay tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh” (thất phu kiến nhục, bạt kiếm nhi khởi, đỉnh thân nhi đấu). Cái đó, chưa đủ gọi là “dũng”!

Hai chữ “thốt nhiên” và “vô cố” là hai chữ thần, những tín đồ của Điềm Đạm cần phải tụng niệm hằng giờ hằng phút mới đặng.

Đọc sử thời Chiến Quốc ai là người không biết Yếu Ly và Khánh Kỵ?

Yếu Ly cảm cái nghĩa của Hạp Lư nên hứa giúp cho để lừa giết Khánh Kỵ Một hôm Khánh Kỵ ngồi ở mũi thuyền chỉ huy binh sĩ, thì Yếu Ly, đứng sau lưng cầm kích mà hầu, thừa lúc thuận chiều, đâm suốt qua bụng Khánh Kỵ, Khánh Kỵ sức khoẻ như voi, liền trở tay vói bắt Yêu Ly, xách ngược lên dìm đầu xuống nước 3 lần Nhưng rồi, lại ẵm lên để trong lòng, cúi nhìn, cười và bảo: “Thiên hạ lại còn có kẻ dũng sĩ nầy có gan đâm ta chớ!”

Các tướng sĩ toan đâm chết Yếu Ly, nhưng Khánh Kỵ gạt đi, bảo: “Người nầy là một bực dũng sĩ. Trong một ngày, chớ nên để chết 2 người dũng sĩ của thiên hạ. Các ngươi nên tha hắn cho hắn về Ngô để tỏ lòng trung”.

Khánh Kỵ tha Yếu Ly rồi rút ngọn giáo trong bụng ra mà chết.

Người ta bảo Yếu Ly là dũng sĩ nhưng đây là một sự sắp đặt trước rồi, chỉ có trầm tĩnh mà thi hành thôi. Đâu có thể bì với cái dũng của Khánh Kỵ thốt nhiên bị người ta đâm chết một cách tàn nhẫn, mà dằn được cái lòng phục thù của mình để tha thứ được cái kẻ đã xúc phạm đến sanh mạng mình Thay vì nghiền nát kẻ giết mình kia cho hả giận, Khánh Kỵ điềm tĩnh, nhận thấy mình chết đây không phải tại Yếu Ly mà là tại mình thất trí. Dìm đầu Yếu Ly 3 lần xuống nước, làm cho ta thấy Khánh Kỵ đã phải bị một cơn tranh chấp mãnh liệt nơi lòng Sau cùng, Khánh Kỵ đã thắng được cái lòng tự ái của mình cả cái thiên tính tự vệ của mình nữa. Thật đúng với câu: “Thắng nhơn giả hữu lực, tự thắng giả cường”. Sức điềm tĩnh của Khánh Kỵ ở trên mấy từng mây đối với cái điềm tĩnh của Yếu Ly. Thảo nào Yếu Ly không còn mặt mũi nào sống sót

Cử chỉ ấy có thua gì cử chỉ điềm tĩnh và đầy nhân đạo của Jésus khi bị quân lính đâm vói bên hông, lúc gần trút linh hồn lại còn cầu nguyện: “Xin Cha hãy tha tội cho chúng nó. Chúng nó không hiểu cái việc của chúng nó làm”.

Tôi nói không thua Jésus, vì Jésus là nhà đạo hạnh hoàn toàn, còn Khánh Kỵ là một tay tướng giặc: sự điềm tĩnh và lòng tha thứ ấy là một sự “thường” đối với những bực đức độ viên dung, mà là một sự “bất thường” đối với những nhà thượng võ hiếu thắng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.