Cậu ấm ngây thơ

Chương 07 phần 1



Ngay tối hôm đó tôi chuyển chỗ trọ. Về đến nhà là tôi sắp xếp đồ đạc ngay. Thấy thế, mụ vợ chủ nhà hỏi leo lẻo:

– Sao lại thế? Thầy ở đây có gì không vừa lòng hay sao? Nếu có gì thì thầy cứ cho chúng tôi hay để chúng tôi sửa chữa mà!

Tôi thật kinh ngạc. Sao mà ở đời lại toàn những bọn lèo lái như thế này. Không biết thực ra mụ ta muốn đuổi tôi đi hay muốn giữ tôi ở lại. Đúng là điên rồ. Cãi nhau với loại người như thế này là một điều đáng xấu hổ cho một người Êđô. Tôi đành nín lặng, gọi xe đến, đi ngay cho đỡ bực.

Lên xe rồi nhưng chẳng biết là đi đâu. Người kéo xe hỏi đi đâu, tôi bảo cứ đi đi rồi sẽ biết và cuống cuồng giục ông ta đi nhanh lên. Thật là gay go quá. Hay là đến quán trọ Ya-ma-si-ro chăng? Nhưng đến đó rồi thì lại phải chuyển đi cũng mất công vô ích. Thôi, cứ đi như thế này, biết đâu giữa đường có một cái nhà nào đó có biển đề cho thuê cũng nên. Cứ mặc kệ trời phật dẫn dắt đến đâu thì ở đó.

Chúng tôi cứ đi lòng vòng như thế trong một khu phố tĩnh mịch và có vẻ sống ở đây sẽ rất lí tưởng. Cuối cùng đã chạm đến phố Lò rèn. Khu phố này là nơi ở của tầng lớp sĩ tộc, không thể có nhà cho ở trọ được. Tôi đang định quay lại những phố náo nhiệt hơn thì chợt nảy ra một ý hay hay. Chả là, ông thầy Bí Đỏ mà tôi vốn có cảm tình, nhà cũng ở khu phố này. Ông ta quê ở đây thì chắc là có nhà từ thời ông bà để lại. Thể nào ông ta chả biết tình hình nhà cửa quanh đây. Hãy đến hỏi ông này, biết đâu lại được mách cho một chỗ trọ tốt. Chỉ cần đến hỏi ông ta, có phải đỡ tốn công đi tìm kiếm loanh quanh không! Đây rồi, hình như nhà ông ta đây. Tôi cố soát lại trí nhớ của mình rồi lên tiếng:

– Xin lỗi, xin cho tôi hỏi. Xin lỗi!

Vừa gọi được vài tiếng thì từ trong nhà, một người đàn bà trạc năm mươi tuổi, tay cầm một cây đuốc bằng giấy cuộn theo kiểu cổ, bước ra. Tôi cũng chẳng ghét gì đàn bà, con gái trẻ lắm. Song, không hiểu sao, cứ gặp các bà già là tôi lại cảm thấy gần gũi, thân thuộc đặc biệt. Có lẽ vì tôi rất quý bà Ki-yô nên tình cảm ấy lây sang tất cả các bà già khác. Bà này có lẽ là mẹ của Bí Đỏ đây. Một người đàn bà trông phúc hậu, đoan trang, tóc ngắn để xõa trên vai và trông mặt rất giống Bí Đỏ.

Người đàn bà mời tôi vào nhà, nhưng tôi bảo là chỉ cần gặp để hỏi có chút việc thôi, nên không vào. Tôi gọi Bí Đỏ ra, nói rõ đầu đuôi, rồi hỏi anh ta có biết ở đâu có nhà cho thuê hay không? Anh ta bảo là nhà trọ thì hơi khó đấy. Rồi ngẫm nghĩ một lát anh ta nhớ ra và bảo:

– Ở phố đằng sau này có nhà ông Ha-ghi-no, chỉ có hai ông bà già sống với nhau. Ông bà ấy nói là nhà rộng, còn thừa chỗ để không cũng phí. Đã có lần ông bà ấy hỏi là thầy có thấy ai cần thuê thì giới thiệu giúp. Không biết bây giờ nhà ấy có còn cho trọ nữa hay không? Ta cứ đến hỏi thử xem sao.

Nói rồi anh ta sốt sắng dẫn tôi đi.

Tôi bắt đầu trọ ở nhà ông Ha-ghi-no từ đêm hôm đó. Rất lạ là cái phòng tôi trọ ở nhà lão Bạc, tôi vừa trả hôm trước thì hôm sau Hề Trống thản nhiên đến thế chỗ. Thực ra thì tôi cũng đã chán ngấy cái chỗ ấy rồi. Hình như trên đời này chỉ toàn những đồ lừa đảo, chỉ rình chơi xỏ lẫn nhau hay sao? Thật là quá ớn! Đời như thế này thì có lẽ tôi cũng phải cố mà theo mới sống được chăng? Nếu quả là ta phải móc lại một phần trong túi của những thằng móc túi thì mới có mà ăn, thì tôi phải xem lại cách sống mới được. Nếu không thì mang cái thân sức dài vai rộng mà phải treo cổ hổ thẹn với ông cha, mà người đời cũng chẳng ai khen cả. Ngẫm ra, giá mà tôi đừng có đi học trường chuyên môn rồi lại đi dạy toán như thế này, cứ để sáu trăm yên làm vốn mở một cửa hàng bán sữa lại hơn. Như vậy thì có phải bây giờ bà Ki-yô cũng được ở với tôi mà tôi thì không phải ở xa mà lo lắng cho bà gì cả. Lúc ở gần, tôi không nhận ra, nhưng bây giờ ở xa, về cái xó nhà quê này, tôi mới thấy bà là người thật đáng quý. Một người đàn bà tử tế như vậy, cả nước Nhật này chắc cũng chẳng có mấy đâu. Hôm tôi đi bà vẫn còn bị cảm, không biết bây giờ đã khỏi hẳn chưa? Hôm trước, nhận được thư của tôi chắc là bà vui lắm đấy. Có lẽ thư trả lời của bà cũng sắp đến rồi đây… Suốt hai, ba ngày liền tôi toàn sống với những ý nghĩ về bà Ki-yô như vậy.

Vì mong thư nên thỉnh thoảng tôi lại hỏi bà chủ nhà là có thư nào từ Tokyo gửi cho tôi không? Mỗi lần tôi hỏi, bà chủ nhà lại ái ngại nhìn tôi và trả lời chả có thư nào cả. Vợ chồng người chủ nhà này khác hẳn vợ chồng nhà lão Bạc. Cả hai ông bà đều xuất thân tầng lớp sĩ tộc nên họ rất tử tế. Đối với tôi, chỉ có một điều khó chịu là buổi tối ông cụ hay hát tuồng. Nhưng cụ không gạ gẫm uống chè vô tội vạ như lão Bạc nên ở đây dễ chịu hơn nhiều. Cụ bà thì hay vào phòng tôi nói đủ các thứ chuyện. Bà hỏi tôi sao không mang vợ đi theo? Tôi hỏi:

– Thế cụ trông tôi là người có vợ rồi à? Tội nghiệp, tôi mới có hai mươi tư tuổi thôi mà!

– Sao, hai mươi tư tuổi à? Hai mươi tư tuổi thì có vợ được quá đi rồi còn gì?! Anh A ở phố B, có hai mươi tuổi mà cũng đã có vợ rồi này. Còn anh Y ở phố Z thì mới có hai mươi hai tuổi mà đã có hai con…

Cứ thế bà đưa ra hàng nửa tá dẫn chứng hùng hồn để cãi lại, làm cho tôi phát sợ. Tôi bèn bắt chước giọng nhà quê hỏi bà:

– Vậy thì tôi hai mươi tư rồi cũng phải tìm và cưới vợ thôi, nhờ bà tìm giúp cho tôi cô nào nhé!

– Thật à? Thầy nói thật đấy à? Bà hỏi rất nghiêm chỉnh.

– Thật đấy chứ, tôi muốn lấy vợ quá đi chứ.

– Ừ, thế đấy. Còn trẻ thì ai cũng thế cả! Lời nói của bà làm tôi ngạc nhiên và không dám nói đùa thêm nữa.

– Nhưng thầy thì chắc chắn là đã có vợ rồi. Tôi xem là tôi biết được liền.

– Sao bà có con mắt tinh thế hả? Làm thế nào mà bà xem là biết được như vậy?

– Làm thế nào ư? Thì ngày nào mà thầy chả nôn nóng hỏi có thư từ Tokyo đến không đấy thôi, còn gì nữa!

– Thôi chết rồi, quả là một đôi mắt tinh tường, sợ thật.

– Đã đúng chưa nào?

– Vâng, có lẽ đúng đấy.

– Này, nhưng mà con gái bây giờ không như ngày xưa đâu. Không thể coi thường, phải cẩn thận đấy thầy ạ.

– Sao cơ? Vợ tôi ở Tokyo sẽ đi với người khác mất sao?

– Không, không, vợ thầy thì chắc là không thế đâu. Nhưng…

– Nếu thế thì tôi yên tâm. Nhưng bà bảo phải cẩn thận là cẩn thận cái gì cơ?

– Vợ thầy thì… Vợ thầy thì chắc chắn rồi… Nhưng mà…

– Thế thì ở đâu có người không chắc chắn…?

– Ở đây có nhiều lắm. Thầy có biết cái cô con gái nhà To-ya-ma không?

– Không, tôi không biết.

– Ừ. Thầy chưa biết đâu. Ở đây, thầy biết không, cô ta vào loại đẹp nhất đấy. Thực ra cô ta cũng chẳng đẹp lắm đâu, nhưng tất cả các thầy trong trường ai cũng gọi cô ta là Madonna, Madonna… Thầy chưa nghe thấy bao giờ à?

– À, Madonna à? Tôi cứ tưởng đó là một cô kĩ nữ nào chứ?

– Không, thầy ơi, Madonna là tiếng nước ngoài, nghĩa là cô gái đẹp đấy.

– Ồ, có thể là như vậy, ghê thật.

– Hình như là thầy giáo dạy vẽ đã đặt tên ấy đấy.

– Tay Hề Trống đặt à?

– Không, thầy Yo-si-ka-wa đặt đấy.

– Thế cái cô Madonna ấy không đứng đắn à?

– Vâng, cái cô Madonna ấy là Madonna không đứng đắn đâu.

– Rắc rối quá nhỉ. Đàn bà mà có biệt danh như thế, xưa nay có ai đứng đắn đâu. Có thể đúng thế.

– Vâng, đúng thế đấy thầy ạ. Thì chả có những người đàn bà đáng sợ như quỷ thần O-ma-tsu, công nương Đắc Kỷ đó là gì?

– Thế Madonna cũng thuộc loại ấy à?

– Madonna này ấy à, thầy biết không, cái thầy Ko-ga đã đưa thầy đến đây ấy, cô ta đã hứa sẽ lấy thầy Ko-ga đấy, thầy ạ.

– Chà, lạ quá nhỉ. Không ngờ cái anh Bí Đỏ ấy mà lại đào hoa thế cơ à? Con người ta thật là không thể chỉ nhìn mà biết được nhỉ. Đúng là phải coi chừng!

– Nhưng mà, năm ngoái, ông cụ nhà ấy mất đi. Trước đó thì nhà đó cũng khá. Đã có tiền, lại có cả cổ phiếu của ngân hàng, nên mọi sự dường như êm cả. Nhưng mà rồi thì sau đó, chẳng hiểu sao cứ sa sút dần… Nghĩa là cái thầy Ko-ga này là người rất tốt nên đã bị lừa. Nghĩa là việc cưới xin cứ kéo dài mãi, rồi thì cái thầy hiệu phó ấy về đây, ông ta đã ngỏ lời muốn lấy cô Madonna đấy.

– Cái tay Áo Đỏ ấy à? Thật là một thằng quá đáng! Tôi đã nghĩ đúng là tay này không phải tay vừa mà. Rồi sau đó thế nào?

– Ông ta đã nhờ người đến ngỏ lời. Nhưng giữa nhà To-ya-ma với thầy Ko-ga thì còn phải giữ cái đạo lí chứ, cho nên chỗ cô ta chưa trả lời ngay được, chỉ trả lời mập mờ là xin để cho suy nghĩ đã. Thế rồi ông thầy Áo Đỏ này đã liên lạc, trao đổi với cô ta thông qua một người quen. Nghĩa là, ông ta thường xuyên lui tới nhà To-ya-ma. Cuối cùng, thầy ạ, ông ta đã lôi kéo hẳn được cô ta rồi. Mọi người ai cũng nói cả cái ông Áo Đỏ lẫn cô này chả ra cái gì cả. Đã nhận lời lấy thầy Ko-ga rồi, thế mà thấy ông cử nhân thì lại ngả theo. Như vậy thì Ngài Hôm nay cũng chẳng để yên cho đâu, có phải không thầy?

– Nhất định rồi. Chẳng cứ gì Ngài Hôm nay mà Ngài Ngày mai, Ngài Ngày kia và cả Ngài Mãi Mãi sau này nữa, chẳng có ngài nào tha thứ cho họ đâu!

– Thế rồi, thấy tội nghiệp thầy Ko-ga quá, bạn của thầy ấy là ông Hot-ta đã đến nói với ông hiệu phó. Nhưng mà cái ông Áo Đỏ này nói là tôi đâu có cướp vợ chưa cưới của người khác. Tôi chỉ mới nói là sau này, khi cô ta đã dứt khoát từ hôn xong rồi thì tôi sẽ cưới cô ta, thế thôi. Còn bây giờ tôi chỉ có quan hệ quen biết, đi lại với gia đình nhà ấy thôi. Việc tôi quan hệ, đi lại với nhà To-ya-ma chẳng có lỗi gì đối với anh Ko-ga cả. Ông Hot-ta nghe nói thế thì cũng đành ra về chứ chả biết làm sao được. Nghe nói, từ đó trở đi, quan hệ giữa ông Áo Đỏ với thầy Hot-ta chẳng mấy tốt đẹp gì cả.

– Bà biết nhiều chuyện quá nhỉ! Làm sao mà bà lại biết được rành rọt nhiều chuyện như thế? Tôi phục bà thật đấy.

– Cái xứ nhỏ hẹp này, có chuyện gì mà mọi người chả biết hả thầy?

Bà cụ biết nhiều chuyện thế này thì thật đáng sợ. Kiểu này thì chắc là cái chuyện tenpura, chuyện bánh trôi của tôi bà cũng biết hết cả rồi cũng chưa biết chừng! Thật là một cái nơi dễ sợ. Nhưng nhờ trời, cũng vì thế mà tôi biết được ý nghĩa của cái tên Madonna, biết được quan hệ giữa Nhím và Áo Đỏ. Thật là những kiến thức bổ ích đối với tôi. Nhưng khổ một nỗi, như thế này thì tôi không làm sao mà hiểu được ai là người tốt, ai là người xấu nữa. Với những kẻ đơn giản như tôi, nếu không được chỉ bảo rạch ròi, nói rõ trắng đen thì tự mình không thể biết được mình nên đứng về phía nào?!

– Thế giữa Áo Đỏ với Nhím thì ai là người tốt hả bà?

– Nhím là ai cơ?

– Nhím tức là cái ông Hot-ta ấy.

– Về mạnh mẽ thì cái ông Hot-ta này mạnh mẽ hơn. Nhưng ông Áo Đỏ lại là cử nhân, lại có quyền thế nữa. Còn nói về hiền thì ông Áo Đỏ có vẻ hiền hơn. Nhưng bọn học trò thì lại thích thầy Hot-ta hơn.

– Vậy thì ai là người tốt?

– Thì chả phải là ai có tiền lương cao hơn thì người đó oai hơn hay sao?

Cứ kiểu này thì có hỏi mãi cũng chẳng đi đến đâu. Thôi, đành chả hỏi nữa.

Sau đó ít lâu, khoảng hai, ba ngày sau, một hôm tôi vừa ở trường về thì bà cụ hớn hở đưa cho tôi một bức thư và bảo:

– Gớm, mong mãi, hôm nay đến rồi đây! Đây, thầy cứ thong thả đọc cho kĩ vào.

Nói xong, bà đi ra. Tôi cầm bức thư lên xem, hóa ra là thư của bà Ki-yô. Trên phong bì dán thêm hai, ba cái nhãn tem bưu điện. Nhìn kĩ mới biết, lá thư đã đi vòng vèo qua quán trọ Ya-ma-si-ro, sang nhà I-ka Gin, rồi từ nhà I-ka Gin mới vòng đến đây. Lá thư đã nằm lại ở quán trọ Ya-ma-si-ro đúng một tuần lễ. Có lẽ đó là nhà trọ nên họ có cả phòng trọ dành cho thư từ chăng?

Tôi bóc thư ra. Một bức thư dài ơi là dài.

“Nhận được thư của cậu ấm, tôi định viết thư trả lời ngay. Nhưng đáng tiếc là tôi bị cảm, nằm mất đúng một tuần, cuối cùng mãi bây giờ mới viết thư được. Mong cậu thứ lỗi cho. Vả lại, bây giờ tôi không thể đọc, viết một cách dễ dàng như các cô gái trẻ. Phải cố gắng lắm mới viết cho cậu được những dòng chữ nguyệch ngoạc như thế này đây. Thế mà đã thấy vất vả lắm rồi. Tôi cũng định đọc cho cháu tôi viết hộ, nhưng lại nghĩ là đã cất công viết thư cho cậu mà lại không tự tay mình viết thì không phải với cậu. Vậy là tôi cố tự mình viết nháp một lần, rồi sau đó chép lại cho sạch sẽ. Chép lại chỉ mất có hai ngày, nhưng viết thì phải mất nhưng bốn ngày mới xong. Chắc cậu đọc thư này cũng khó đọc lắm đây. Nhưng tôi đã cố viết được như vậy thì cậu cũng cố mà đọc cho hết nhé…”

Nguyên phần mở đầu bức thư đã dài tới bốn thước(*), toàn những lời giao hẹn này nọ. Đúng là thư khó đọc thật! Không chỉ chữ xấu, mà hầu hết đều viết bằng chữ Hi-ra-ka-na(**) nên chẳng còn biết chỗ nào nối với chỗ nào nữa. Câu cũng chẳng có chấm phảy gì, cho nên lần cho được đâu là đầu, đâu là cuối câu cũng mệt. Tôi là một thằng tính hay nôn nóng. Một lá thư như thế này, giá mà ai thuê tôi đọc với giá năm yên tôi cũng xin kiếu. Thế mà chỉ riêng hôm nay, tôi đã nghiêm chỉnh đọc hết từ đầu đến cuối bức thư. Đọc thì quả là tôi đã đọc hết một lượt thật. Nhưng vì phải dồn sức vào để đọc cho kì được, nên tôi chẳng hiểu nội dung nói gì. Vì vậy, đọc xong tôi lại phải đọc lại từ đầu. Trong phòng đã hơi tối, không nhìn rõ nữa, tôi mang ra ngoài cửa, vừa tựa lưng vào bậu cửa, tôi vừa trịnh trọng bái kiến bức thư. Một cơn gió đầu Thu lay động tàu lá chuối, phả vào da thịt tôi rồi giật luôn bức thư trong tay tôi, kéo ra phía vườn. Kết quả là bốn thước giấy phần đầu bức thư cứ bay phần phật, phần phật. Nếu mà tôi buông tay thì có lẽ bức thư sẽ bay tuốt sang tận hàng rào phía bên kia vườn mất. Tôi mặc kệ thế, cứ tiếp tục đọc.

(*) Thư viết bằng giấy cuộn, viết đọc từ trên xuống dưới và từ phải sang trái.

(**) Chữ Hirakana là những chữ cái của tiếng Nhật, mỗi chữ thể hiện một âm tiết. Một từ tiếng Nhật gồm nhiều âm tiết, thường được thể hiện bằng một chữ Hán. Nếu không dùng chữ Hán, chỉ dùng Hirakana thì rất khó phân biệt âm tiết nào nối với âm tiết nào để mà hiểu từ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.