Cũng giống với “Lần đầu thân mật”, nếu bạn hỏi tôi:
Cuốn tiểu thuyết “Cây tầm gửi” mười hai vạn chữ này là một cuốn tiểu thuyết như thế nào?
Tôi sẽ cố gắng suy nghĩ vài giây, sau đó trả lời:
Bản thân tôi cũng không biết tại sao lại viết cuốn tiểu thuyết này.
Tôi không biết chuyện viết lách đối với người khác có ý nghĩa gì, tôi chỉ biết, đối với tôi, đó là một khát vọng muốn được nói.
Bởi khát vọng này, trong đầu tôi sẽ theo đuổi con chữ, sau đó ngồi trước máy tính, tự nói một mình.
Khát vọng viết lách này, rốt cuộc từ đâu đến?
Tôi lại rất lấy làm xấu hổ mà nói với bạn rằng:
Tôi cũng không biết.
Cũng giống như tôi trong một đêm mưa lạnh mệt mỏi, uống một ly cà phê Ireland ấm áp, bèn viết nên câu chuyện “Cà phê Ireland”, khát vọng ban đầu khi viết “Cây tầm gửi” cũng chỉ vì tháng Ba năm ngoái, cùng đi leo núi với lũ bạn đại học, bất ngờ nhìn thấy cây tầm gửi.
Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy, cũng là lần đầu tiên biết được, thế nào là cây tầm gửi.
Tôi mất khoảng 4 tháng, viết xong “Cây tầm gửi”.
Khi đó, ban ngày viết chương trình, sau mười giờ tối, mới bắt đầu đặt bút viết truyện.
Thường là nội dung câu chữ của tối hôm nay, không hề giống với mong đợi của tối ngày hôm qua.
Chứ đừng nói tới sẽ thêm thắt, thay đổi gì cho buổi tối ngày mai.
Tôi cố gắng tập trung viết, vì tôi không có nhiều thời gian để viết.
Tôi có công việc của mình, cho dù công việc này là tốt hay xấu, là vĩ đại hay tầm thường, đó cũng đều là bổn phận của tôi.
Tôi luôn cảm thấy cần phải làm tốt những việc trong phận sự của mình, mới có thể nghĩ tới việc khác.
Trong quá trình sáng tác, không hiểu sao, tôi cứ luôn ngoảnh đầu nhìn lại quá khứ.
Cái gọi là “quá khứ”, có lẽ là bắt đầu từ mồng Hai tết của mười hai năm về trước.
Khi đó tôi ngồi trên chuyến tàu hiệu Doanh Quang của đường sắt Nam Hạ, từ Đài Nam tới Đài Bắc.
Vì thế bối cảnh thời gian của “Cây tầm gửi” lấy ngày mồng Hai tết để bắt đầu.
Tôi đã không tài nào nhớ được, tôi – khi đó đang học Đại học năm thứ hai – đã nghĩ gì khi ngồi trên chuyến xe lửa đó.
Tôi cũng không nhớ được, tại sao vào một ngày lễ đoàn viên như vậy, tôi lại đi xe lửa, như là để trốn chạy.
Tôi chỉ nhớ, tôi đã nghĩ rất nhiều rất nhiều.
Điều duy nhất có thể xác định được là, chắc chắn tôi chưa từng nghĩ tới, buổi gặp gỡ hôm đó, sẽ trở thành mở đầu cho “Cây tầm gửi”.
Trong quá trình trưởng thành của tôi, tôi chưa từng tưởng tượng sau này mình sẽ có thể đặt bút viết thứ gì.
Hơn nữa tôi cũng chưa từng có thói quen viết lách.
Bởi vì tôi luôn thích để mọi thứ lưu lại trong đầu, không cần phải biến thành câu chữ.
Nếu thật sự có cỗ máy thời gian, có thể đưa người ta trở về quá khứ, vậy thì tôi rất muốn biết, mười hai năm trước khi ngắm nhìn những hàng cột điện lùi xa bên ngoài cửa xe lửa, tôi rốt cuộc đã nghĩ gì?
Tôi chỉ biết, bây giờ ngồi trước máy vi tính, tôi đang nhớ tới chuyện hồi năm cấp hai.
Dạy tôi môn Quốc văn là một cô giáo, họ Lưu.
“Các em, tiết này là tập làm văn, các em bắt đầu làm bài đi.”
Nói xong, cô ngồi xuống một cái ghế, bắt đầu đọc sách.
“Thưa cô, đề bài là gì ạ?”
Sau vài phút im lặng, cuối cùng đã có một bạn giơ tay hỏi.
“Các em viết văn của riêng mình…” Cô giáo cười, “Tại sao lại muốn cô ra đề?”
“Vậy thưa cô…” Bạn đó lại tiếp tục hỏi, “Bọn em nên dùng thể văn nào ạ? Văn trần thuật? Văn nghị luận? Hay là văn trữ tình?”
Cô Lưu đặt sách xuống, đứng dậy:
“Nếu sau này cô sống ở Đài Bắc, các em đến Đài Bắc thăm cô, cô nhất định sẽ rất vui.”
Cô lại cười cười:
“Các em nghĩ xem, cô còn để ý đến việc các em đi xe buýt đến Đài Bắc? Đi tàu hỏa? Hay là đi máy bay sao?”
“Cô chỉ muốn được đọc những bài văn mà các em viết ra một cách nghiêm túc, không quan tâm đến việc các em dùng phương thức nào để biểu đạt.”
Cuối cùng cô nói một câu như vậy.
Trải qua mười mấy năm, khi bắt đầu nghiêm túc viết lại những gì mình muốn viết, tôi mới biết được ý nghĩa câu nói này của cô giáo.
Cô ơi, cảm ơn cô.
Nếu cuối cùng bạn hỏi tôi:
“Cây tầm gửi” rốt cuộc miêu tả kiểu tình yêu như thế nào?
Trước tiên tôi sẽ lùi lại ba bước (vì tôi sợ bạn sẽ đánh tôi), sau đó nói với bạn: Tôi không biết.
Cũng giống như một người mỏi mệt, tan ca, mắc mưa, khi mở cửa vào nhà, người yêu dấu vừa mới nấu xong một tô mì nóng hổi, sau đó giúp anh ta lau đi những giọt nước mưa trên trán.
Tôi có thể miêu tả rất cụ thể con người đó, cơn mưa đó, tô mì đó, chiếc khăn tay dùng để lau nước mưa đó.
Nhưng tôi không tài nào miêu tả được hương vị của tô mì.
“Ga Đài Bắc.”
Chân trái vừa bước vào cánh cửa xe taxi đang hé ra một phần tư, chân phải còn chưa kịp giũ hết bùn đất ở gót giày, tôi đã lên tiếng.
“Về nhà mẹ hả?”
Bác tài tiện mồm hỏi, rồi bật cười.
Tôi cũng cười.
Tuy là mùng Hai Tết, nhưng tôi lại một thân một mình, chỉ có một cái ba lô đơn giản.
Lại còn là con trai.
Dù trời đổ mưa rất to, cũng chỉ có thể làm thay đổi kiểu tóc, chứ không phải giới tính của tôi.
Tôi chẳng phải Ranma dưới ngòi bút của Takahashi Rumiko, nên sẽ không vì bị ngấm nước lạnh mà biến thành con gái.
“Hôm nay lạnh thật.”
“Vâng.”
“Ướt rồi phải không? Sau xe có giấy ăn, mời dùng.”
“Cảm ơn.”
“Đi tàu hỏa hả?”
“Dạ.”
“Về nhà à?”
“Không, đi gặp bạn.”
“Chắc chắn là người bạn rất quan trọng.”
“Dạ.”
Đài Bắc ngày mưa, xa lạ tới mức khiến người ta sợ hãi.
Xem ra tuy tôi đã làm việc ở thành phố này nửa năm, nhưng chưa từng thực sự sống ở nơi này.
Không hiểu sao, tôi không tài nào dung hòa được với huyết mạch của thành phố này.
Nhịp đập của Đài Bắc có lẽ cũng xoay quanh hỉ nộ ái lạc của tôi, nhưng chưa từng có được linh hồn tôi.
Tôi giống như nàng Tây Thi trong cung Ngô, thân xác kề bên Phù Sai, nhưng linh hồn vẫn nhớ về Phạm Lãi.
Qua cánh cửa xe, người đi đường như một đàn cá quẫy đuôi qua lại, chỉ có động tác, không có âm thanh.
Yên tĩnh quá, dường như mọi âm thanh đều bị nhốt lại trong lỗ đen.
Tôi biết lỗ đen có thể nhốt lại mọi vật chất và năng lượng, thậm chí là ánh sáng.
Nhưng âm thanh có thể thoát ra khỏi lỗ đen không? Hồi học cấp ba từng có một bạn hỏi thầy giáo vật lý câu này.
“Âm thanh? Em đã từng nghe thấy có ai kêu cứu trong lỗ đen chưa?”
Nói xong, rất hỉ hả với óc hài hước của mình, thầy giáo bật cười ha hả.
Có thể đầu óc tôi bây giờ cũng giống như lỗ đen, nhốt rất nhiều âm thanh, những âm thanh này chạy tán loạn khắp nơi.
Có của tôi, của Thuyên, và của Minh Thanh.
“165 tệ, chúc mừng năm mới.”
“A?… Cảm ơn. Chúc mừng năm mới.”
Sực tỉnh, trả tiền xe.
Nhấc ba lô lên, đóng cửa xe lại, như đội đặc công Thần Phong xông vào hàng không mẫu hạm, tôi xông vào trong ga.
Đám người xếp hàng đứng mua vé, đưa thời gian và không gian trở về bến Thượng Hải của năm 1949, tôi đã xem trên ti vi rồi.
Đó là cảnh tượng khi Quốc Dân Đảng muốn rút quân về Đài Loan.
Tôi không muốn mất thời gian, bèn tới quầy bán vé tự động mua một tấm vé tiễn, đi vào trong sân ga.
Tôi không có mục tiêu rõ ràng, chỉ có phương hướng.
Đi về phía Nam.
Khi những dòng chữ này hóa thành tro bụi, em đã nằm trong lồng ngực anh.
Người trên sân ga đương nhiên ít hơn người trong sảnh, nhưng vì không gian nhỏ, nên càng thêm chật chội.
Người trong sảnh nhà ga thường nóng lòng, người trên sân ga lại chỉ đợi chờ.
Còn tôi?
Tôi đang nóng lòng chờ đợi.
Einstein nói không sai, thời gian là tương đối, không phải là tuyệt đối.
Thời gian chờ đợi luôn giống như những đêm dài mất ngủ, bất lực mà đằng đẵng.
Còn tàu hỏa chết tiệt thì hệt như xe buýt của thành phố Đài Bắc, bạn càng nôn nóng chờ đợi, nó càng đến muộn.
“Khi trời mưa, đừng chỉ mải chú ý đến những giọt nước đọng trên mặt em, phải thấy được nụ cười không thay đổi của em.”
Chợt nhớ tới một câu Thuyên từng nói, tâm trạng tôi lập tức nhẹ nhõm hẳn đi.
Hôm đó trời mưa to, em chạy tới tìm tôi không dù không áo mưa, cả người ướt sũng, nói câu nói này.
“Làm ơn đi, anh sẽ lo cho em đấy.”
“Không. Em chỉ quên mang dù thôi, không phải là cố ý.”
“Lúc em ăn cơm có quên cầm đũa không?”
“Đâu có giống nhau.” Thuyên thoáng ngẫm nghĩ, vén mái tóc ướt sũng:
“Đũa vì ăn cơm mà tồn tại, nhưng ô che mưa đâu có vì được gặp anh mà tồn tại.”
Thuyên là như vậy, em luôn khiến tôi lo lắng, nhưng tôi lại không thể thuyết phục em đừng làm tôi lo lắng.
So với Minh Thanh, Thuyên rất ngây thơ, nhưng hai người họ đều là người lương thiện.
Lương thiện là so với tôi.
“Sao lúc nào bạn cũng đi bên tay trái mình thế?”
“Bên trái gần đường, nguy hiểm hơn.”
Minh Tinh dừng bước, kéo tôi lại gần, cười nói:
“Bạn biết không? Bạn thật là một người lương thiện.”
“Vậy sao? Cũng thường thôi.”
“Mặc dù đa số mọi người đều lương thiện, nhưng bạn còn lương thiện hơn bọn họ.”
Tôi vẫn luôn muốn nói với Minh Thanh, được một người lương thiện khen là lương thiện là một chuyện hết sức ngượng ngùng.
Cũng ngượng ngùng như khi Nhan Hồi được Khổng Tử khen là uyên bác vậy.
Tôi chầm chậm thả những âm thanh trong óc ra, như vậy tôi mới có thể suy nghĩ được.
Điều này không hề dễ dàng, tất cả âm thanh không chỉ phân tán và hỗn tạp, mà còn giống như bị đánh vỡ rồi ghép lại với nhau.
Tôi phải cố ghép lại từng thi thể nguyên vẹn, trên hiện trường vụ nổ.
Sau đó tôi bắt đầu ý thức được, phải chăng tôi đang làm một chuyện điên rồ.
Chắc là điên rồ, tôi nghĩ.
Bắt đầu từ sáng nay, khi mở bao thuốc lá định lấy một điếu thuốc ra hút.
Chưa biết chừng bắt đầu từ lúc đột nhiên muốn hút thuốc, đã được coi là điên rồ.
Bởi vì tôi đã cai thuốc được nửa năm.
Có lần Bách Sâm hỏi tôi chuyện điên rồ nhất đã làm trong đời là gì.
Tôi nghĩ chán chê, chỉ nghĩ ra được chuyện quên mang chìa khóa nên phải chui qua cửa sổ từ ban công tầng 10 để mở cửa.
“Đó là tìm đến cái chết, không phải là điên rồ.”
“Thức trắng hai đêm ôn thi học kỳ, thi xong lập tức đi hiến máu. Có tính không?”
“Vẫn là tìm đến cái chết.”
“Đạp xe đạp dang hết hai tay, sau đó làm động tác bơi tự do và bơi ếch?”
“Đó vẫn là tìm đến cái chết.”
Sau này tôi thường dùng câu hỏi này để hỏi đồng nghiệp hoặc bạn bè quanh tôi, câu trả lời của bọn họ phong phú hơn nhiều.
Đương nhiên cũng có những câu trả lời kiểu tìm đến cái chết như vừa chạy marathon vừa hút thuốc lá.
Thậm chí có người còn bảo tôi, khi bầu cử bỏ phiếu cho Trần Thủy Biển là chuyện điên rồ nhất.
Đó là một kỹ sư sắp nghỉ hưu trong công ty, đảng viên trung trinh 20 năm tuổi đảng của Quốc Dân Đảng.
Tư tưởng của ông ấy khuynh hữu, lập trường khuynh hữu, nghe nói khi mặc quần đùi cũng quay “que sinh mệnh” về phía bên phải.
“Vậy tại sao bác lại bỏ phiếu cho Trần Thủy Biển?”
“Tới khi cậu già rồi, phát hiện ra mình chưa từng làm chuyện gì điên rồ, cậu không cảm thấy hối tiếc sao?”
Có lẽ tôi vẫn chưa được coi là già, nhưng tôi đã bắt đầu cảm thấy hối tiếc.
Còn nhớ có lần Bách Sâm chơi trò lảm nhảm, cậu ấy nói:
“Cậu không có quá khứ, bởi vì quá khứ của cậu căn bản chưa từng xảy ra;
Cậu cũng không có tương lai, bởi vì tương lai của cậu đã trở thành quá khứ.
Cậu không thể già đi, bởi vì cậu chưa từng trẻ;
Cậu cũng không thể trẻ, bởi vì cậu đã già rồi.”
Cậu ấy nói không sai, xét trên một ý nghĩa nào đó, tôi thực sự đã sống như vậy.
“Cậu sẽ không chết đi, bởi vì cậu chưa từng sống.”
Vậy rốt cuộc tôi là cái gì? Bách Sâm không trả lời tôi.
Có lẽ là giống một cây tầm gửi chăng, Minh Thanh từng hình dung tôi như vậy.
Cuối cùng đã có tàu vào ga, là chuyến tàu Doanh Quang màu cam.
Tôi đi về phía cuối toa, đó là nơi ít hành khách nhất.
Hơn nữa nếu như tàu gặp tai nạn ở đường giao nhau, những toa phía đầu thường xảy ra chuyện hơn.
Bởi vì không nhìn thấy tàu chạy qua, mới lao qua đường giao nhau, vì thế rất dễ tiếp xúc thân mật với đầu tàu.
Đấy là chưa kể tới vụ xe kẹt bánh trong đường ray bị tàu hoả húc tung.
Chỉ đáng tiếc, hành khách quá đông, toa nào cũng vậy.
Tôi không đành lòng chen lấn với một đám phụ nữ tay xách nách mang lại phải bế theo con nhỏ.
Thở dài, khoác ba lô lên, lùi lại ba bước, lặng lẽ chờ đợi.
Còi tàu rúc lên, tôi trở thành người khách cuối cùng bước lên toa tàu cuối cùng.
Tôi đứng ở bậc thang cuối cùng ở cửa toa, hai tay bám cây cột sắt bên trong cửa toa, rất giống tư thế trượt tuyết.
Rầm một tiếng thật to, tàu hoả chuyển bánh.
Tôi ngoái đầu nhìn sân ga, vẫn còn vài người khách chưa lên được tàu và những người đi tiễn.
Rất dễ phân biệt, người đi tiễn sẽ giơ tay phải lên vẫy chào; người không lên được tàu thì động tác đơn giản hơn, chỉ giơ ngón giữa của tay phải lên.
Khi học tiểu học, mỗi lần đi xe đi đâu chơi, thầy giáo đều dặn: “Không được thò đầu thò tay ra ngoài cửa sổ.”
Tôi còn nhớ có một cậu bạn nghịch ngợm hỏi: “Tại sao ạ?”
Thầy giáo nói: “Sẽ làm gãy mất mấy cột điện ở dọc đường.”
Nói xong thầy tự bật cười ha hả, hệt như con tinh tinh Đài Loan trong sở thú lên cơn động dục.
Rất kỳ lạ, tôi thường gặp phải những thầy giáo có óc hài hước không được cao cho lắm.
Khi đó tôi đã bắt đầu lo lắng cho tính cách của mình sau khi trưởng thành, có khi nào bị những thầy giáo kiểu này làm cho méo mó.
Tàu hoả bắt đầu lắc lư trái phải, vì thế tôi cũng lắc lư trước sau.
Nếu tay và đầu đều không được thò ra ngoài cửa sổ, vậy còn chân thì sao?
Tôi bỗng nhiên kích động, bèn nhấc chân trái lên, thò ra bên ngoài, sau đó thả tay trái ra.
Giống tư thế đang lướt ván ấy.
Bách Sâm, tiếc là cậu không nhìn thấy. Như vậy có thể coi là điên rồ không?
Nếu thả luôn cả tay phải ra thì thế nào? Bách Sâm chắc chắc sẽ nói đó là tìm tới cái chết.
Cái gọi là điên rồ, có phải là nhiều hơn kích động một tí, ít hơn tìm đến cái chết một tẹo?
Thu chân trái lại, đổi thành chân phải. Đổi đi đổi lại mấy lần, bắt đầu cảm thấy nhàm chán.
Hơn nữa một cậu nhóc chừng năm sáu tuổi túm vạt áo của mẹ, cứ nhìn tôi đầy nghi ngờ.
Tôi thật không muốn làm gương xấu cho nó.
Thuyên thường nói có lúc trông tôi hơi xấu xa, em hơi sợ.
Minh Thanh cũng nói tôi không đủ trầm ổn, phải cố để trông trang trọng hơn một chút.
Bọn họ đều hy vọng hình tượng bên ngoài của tôi sẽ không khiến những người khác hiểu lầm.
Tôi luôn cảm thấy mình phải gánh vác một điều gì đó mà sống qua ngày, những điều đó rất nặng nề.
Nặng nề nhất, có lẽ là thứ gọi là kỳ vọng. Thường là do người khác mang tới.
Sau đó là đạo đức.
Nhưng khi ở trong trường học, đạo đức rất có trọng lượng, ra ngoài xã hội rồi, lại trở nên nhẹ bẫng.
Chúng cứ đè lên vai tôi, khống chế trái tim tôi, bịt miệng tôi.
Vì thế tôi gỡ ba lô trên vai xuống, dùng hai chân kẹp trên mặt đất.
Bởi vì tôi không muốn giờ phút này trên người tôi có thêm bất kỳ gánh nặng nào nữa.
Tôi móc bao thuốc lá trong túi áo khoác bên trái ra, cẩn thận lấy ra một điếu.
Người phụ nữ đứng dưới tấm biển cấm hút thuốc nhìn tôi bằng ánh mắt có phần kinh hoàng.
Tôi lắc đầu với chị ấy.
Đưa điếu thuốc lên sát mắt, đọc hàng chữ bên trên đó:
“Khi những dòng chữ này hoá thành tro bụi, em đã nằm trong lồng ngực anh.”