Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2)

Chương – 23



Muốn kết hôn công tước Andrey phải được cha ưng thuận, cho nên ngày hôm sau chàng lên đường về nhà.

Nghe con trai báo tin ấy, lão công tước bề ngoài có vẻ bình thản, nhưng trong lòng thì rất căm giận. Ông không thể hiểu tại sao lại có người muốn thay đổi cuộc sống, đưa vào cuộc sống một cái gì mới, trong khi đối với ông cuộc sống đã kết thúc rồi: “Miễn là chúng nó để cho mình sống những ngày còn lại như mình thích ý, rồi sau đó chúng muốn làm gì thì làm” – Ông già tự nhủ. Tuy vậy, đối với con trai ông vẫn phải sử dụng cái thuật ngoại giao mà ông dành cho những trường hợp quan trọng. Ông lấy giọng bình tĩnh, bàn bạc với con trai về việc này.

– Trước hết, hôn nhân này không được tốt đẹp về mặt gia đình của cải và dòng dõi. Thứ hai là công tước Andrey không còn son trẻ gì nữa và lại kém sức khỏe (ông cụ nhấn mạnh đặc biệt điểm này), còn cô ta thì lại rất trẻ. Thứ ba là công tước Andrey có một đứa con, mà giao cho một cô bé như vậy nuôi nấng thì thật chẳng đành lòng. Và cuối cùng, thứ tư. – Lão công tước nhìn con một cách ngạo nghễ nói. – Tôi xin anh hoãn việc này một năm, anh hãy đi du lịch đi đã, dưỡng sức đi, và tìm một anh thầy học người Đức cho công tước Nikolai như anh đã định, rồi sau đó, nếu cái luyến ái, cái nhiệt tình, cái lòng son dạ sắt ấy. – Anh muốn gọi là cái gì thì gọi. – Quả thật to lớn như vậy, thì lúc ấy hẵng cưới vợ. Và đó là ý kiến cuối cùng của tôi đấy anh biết chưa, ý kiến cuối cùng của tôi đấy… – Công tước kết thúc với một giọng nói tỏ ra rằng không có gì có thể làm cho ông thay đổi ý kiến được nữa.

Công tước Andrey thấy rõ là ông cụ hy vọng tình cảm của chàng hay Natasa sẽ không qua nổi một năm thử thách, hoặc giả chính ông sẽ chết trong thời gian ấy, nên chàng quyết định làm theo ý cha: cầu hôn và xin khất một năm.

Ba tuần sau buổi tối cuối cùng ở nhà gia đình Roxtov, công tước Andrey lại trở về Petersburg.

Sau buổi tâm sự với mẹ một hôm, Natasa đợi Bolkonxki suốt ngày, nhưng chàng không đến, ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa cũng như vậy. Piotr cũng không thấy đến và Natasa không biết công tước Andrey đã về nhà cha nên không thể nào hiểu được tại sao chàng không đến.

Ba tuần trôi qua như vậy. Natasa chẳng buồn đi đâu cả và như một cái bóng, bơ phờ và uể oải nàng đi lang thang trong các phòng.

Đến tối nàng lần ra một chỗ kín ngồi khóc và tối tối không chạy sang phòng mẹ nữa. Nàng đâm ra hay đỏ mặt và dễ phát bẳn. Nàng có cảm giác là mọi người đều biết nàng thất vọng nên chế nhạo và thương hại nàng. Trong khi nỗi buồn trong lòng nàng đang mãnh liệt thì nỗi buồn về lòng tự ái bị tổn thương lại càng làm cho nàng thêm khổ.

Một hôm nàng đến phòng bá tước phu nhân, định nói với mẹ một điều gì nhưng giữa chừng bổng khóc òa lên. Nước mắt của nàng là những giọt nước mặt của một đứa trẻ tủi thân vì không hiểu mình đã làm gì mà bị phạt.

Bá tước phu nhân bắt đầu an ủi Natasa. Lúc đầu nàng còn nghe mẹ nói, nhưàg đột nhiên nàng ngắt lời mẹ.

– Thôi mẹ đừng nói nữa mẹ ạ, con cũng chẳng nghĩ gì đâu, con không muốn nghĩ ngợi gì hết! Thế đấy, đến chơi, rồi thôi không đến nữa, không đến nữa…

Giọng nàng nói run run, nàng suýt khóc òa lên, nhưng lại nín được và điềm tĩnh nói tiếp:

– Mà con cũng chẳng muốn lấy chồng tí nào hết. Con cũng sợ anh ấy, bây giờ con đã bình tĩnh lại rồi, bình tĩnh hẳn rồi.

Ngày hôm sau Natasa mặc chiếc áo cũ mà nàng tin rằng sáng sáng mặc vào vẫn thường đem lại cho nàng một ngày vui vẻ, và từ sáng nàng lại bắt đầu sinh hoạt như ưước kia, lối sinh hoạt mà nàng đã bỏ đi từ hôm đi dự hội. Uống nước trà xong, nàng đi vào gian phòng mà nàng văn ưu thích đặc biệt vì nó có tiếng vang rất mạnh, rồi nàng bắt đầu hát các bài luyện giọng. Tập xong bài thứ nhất, nàng ra đứng ở giữa phòng và hát lại một câu mà nàng rất thích.

Nàng vui vẻ lắng nghe những âm thanh của câu ca hòa lẫn vào nhau vang dội khắp khoảng trống của gian phòng rồi chậm rãi tan đi. Âm hưởng huyền diệu ấy nàng có cảm tưởng như bây giờ nàng mới chợt nghe thấy, và nàng bỗng vui hẳn lên. “Nghĩ nhiều đến chuyện ấy làm gì, như thế này cũng thích lắm rồi” – Nàng tự nhủ và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, nhưng không bước như thường trên sàn gỗ, mà cứ mỗi bước đi lại đặt gót giày xuống trước (nàng đang đi đôi giày mới mà nàng rất thích) rồi lại ấn mũi giày xuống, và cũng vui mừng khi nghe tiếng hát của mình, nàng lắng nghe tiếng gót giày gõ cồm cộp đều đặn trên sàn gỗ và tiếng kin kít của mũi giày. Đi ngang tấm gương, nàng đưa mắt nhìn vào. “Mình đây! – vẻ mặt nàng hình như nói thế khi nàng trông thấy mình ở trong gương. – Thế này là tốt lắm. Mình chẳng cần đến ai cả”.

Một người đầy tớ muốn vào phòng để dọn đẹp, nhưng nàng không cho, đóng sập cửa và tiếp tục đi đi lại lại. Sáng hôm ấy nàng lại trở về với tâm trạng ưa thích của nàng là tự thấy yêu mình và thán phục mình.

“Cái cô Natasa ấy tuyệt thật! – Nàng lại tự nói một mình, thay cho một nhân vật thứ ba nào đấy, một nhân vật chung chung bao gồm toàn bộ giới đàn ông. – Xinh này, có giọng hát, lại trẻ măng, và lại không làm phiền ai cả, miễn là để cho cô ta yên thôi”. Nhưng dù người ta có để cho cô ta yên như thế nào thì Natasa không còn có thể yên tĩnh được nữa rồi, và cũng cảm thấy ngay như vậy.

Ngoài phòng áo có tiếng mở cửa và có ai hỏi: “có nhà không?”. Rồi có tiếng chân người bước vào nhà. Natasa đang ngắm mình trong gương nhưng không trông thấy mình. Nàng mải lắng nghe những tiếng động ở phòng áo. Khi nàng trông thấy mình trong gương, da mặt nàng tái xanh. Chính là chàng. Nàng biết chắc như vậy tuy chỉ thoáng nghe tiếng chàng văng vẳng qua một lần cửa đóng kín.

Natasa, mặt tái mét và vẻ hốt hoảng, chạy vào phòng khách.

– Mẹ ơi, anh Bolkonxki đến! – Nàng nói. – Mẹ ơi, sợ quá, không thể chịu được nữa! Con không muốn khổ sở mãi thế này! Con biết làm thế nào bây giờ?

Bá tước phu nhân chưa kịp trả lời nàng thì công tước Andrey, vẻ mặt xúc động và nghiêm trang bước vào phòng khách. Trông thấy Natasa mặt chàng bừng sáng lên. Chàng hôn tay bá tước phu nhân và hôn tay Natasa rồi ngồi xuống chiếc đi-văng.

– Đã lâu chúng tôi không được hân hạnh… – Bá tước phu nhân mở đầu, nhưng công tước Andrey đã ngắt lời, đáp lại câu hỏi của bà và hình như muốn nói cho nhanh những điều chàng đang cần nói.

– Suốt thời gian vừa rồi tôi không lại nhà được vì tôi phải về gặp cha tôi: tôi có việc rất quan trọng cần bàn với cha tôi. Đêm hôm qua tôi mới lại trở về đây, – Chàng nói và đưa mắt nhìn Natasa. – Tôi cần thưa chuyện với phu nhân, – Chàng nói thêm sau một phút im lặng.

Bá tước phu nhân thở dài và cụp mi mắt xuống.

– Tôi xin sẵn sàng nghe ông, – Phu nhân nói.

Natasa biết rằng mình cần phải đi chỗ khác, nhưng nàng không đi được: có một cái gì chẹn ở cổ, và không kể gì lễ tiết, nàng mở to hai mắt nhìn thẳng vào công tước Andrey.

“Bây giờ? Ngay phút này? Không, không thể như thế được!” Natasa nghĩ thầm.

Công tước Andrey lại nhìn nàng, và cái nhìn đó khiến nàng tin chắc rằng mình không nhầm. – Phải, ngay giờ phút này số phận của nàng đang được định đoạt.

– Con hãy ra ngoài đi đã Natasa ạ, mẹ sẽ gọi con, – Bá tước phu nhân nói nhỏ.

Natasa đưa đôi mắt hoảng sợ, van lơn nhìn công tước, nhìn mẹ rồi ra ngoài.

Công tước Andrey nói:

– Thưa bá tước phu nhân, tôi đến đây để xin hỏi tiểu thư, ái nữ của phu nhân.

Mặt bá tước phu nhânđỏ bừng lên, nhưng bà không nói gì.

– Lời cầu hôn của anh… – Bá tước, phu nhân mở đầu, giọng nghiêm trang.

Chàng im lặng, nhìn vào mặt phu nhân.

– Lời cầu hôn của anh… (phu nhân lúng túng một lát) đối với chúng tôi rất quý, và tôi xin nhận lời, tôi rất sung sướng. Và cả chồng tôi nữa… tôi hy vọng rằng chồng tôi cũng… nhưng tất cả đều tuỳ ở nó…

– Tôi sẽ xin nói với tiểu thư khi nào đã được phu nhân chấp thuận… Xin phu nhân cho biết phu nhân có vui lòng ban cho tôi lời chấp thuận đó không? – Công tước Andrey nói.

– Tôi xin nhận lời, – Bá tước phu nhân nói đoạn đưa tay ra cho chàng, rồi với một cảm xúc lẫn lộn, vừa xa lạ vừa trìu mến, bà đặt môi lên trán chàng khi chàng cúi xuống hôn tay bà. Bá tước phu nhân muốn yêu chàng như con trai mình nhưng lại cảm thấy chàng là một người xa lạ, đáng sợ đối với mình.

– Tôi tin chắc rằng nhà tôi sẽ ưng thuận, – Bá tước phu nhân nói, – Nhưng cụ thân sinh của anh…

– Tôi đã trình bày ý định của tôi cho cha tôi rõ, và ông cụ đã đưa ra một điều kiện nhất quyết là một năm nữa làm lễ cưới thì Người mới chấp thuận. Điều đó tôi cũng xin trình bày để phu nhân rõ

– Quả tình Natasa cũng còn trẻ lắm, nhưng… lâu thế kia ư?

– Không thể nào khác được, – Công tước Andrey thở dài đáp.

– Để tôi gọi em nó ra, – Bá tước phu nhân nói và ra khỏi phòng.

– Xin Chúa phù hộ chúng con! – Phu nhân vừa lẩm bẩm vừa đi tìm con.

Sonya nói Natasa đang đứng trong buồng ngủ. Natasa ngồi trên giường của nàng, mặt tái xanh, đôi mắt đờ đẫn nhìn vào mấy bức tượng thánh và vừa làm dấu chữ thập rất nhanh vừa thì thào nói gì không rõ. Trông thấy mẹ, nàng chôm dậy và chạy ra đón.

– Thế nào hở mẹ? Sao?

– Con ra đi, con ra với anh ấy. Anh ấy xin lấy con đấy, – Bá tước phu nhân nói với một giọng mà Natasa có cảm tưởng là lãnh đạm… – Ra đi… đi đi con, – Phu nhân nói giọng buồn rầu trách móc, nhìn theo Natasa đang chạy ra ngoài, và thở dài.

Natasa không nhớ rõ mình đã vào phòng khách như thế nào. Bước qua ngưỡng cửa và trông thấy công tước Andrey, nàng dừng lại.

“Có thể nào con người xa lạ ấy bây giờ đối với ta đã trở thành tất cả?” – Nàng tự hỏi và trong giây lát đã tự trả lời: “Phải, tất cả: chỉ mỗi mình người đó thôi bây giờ đối với ta còn quý hơn tất cả mọi vật trên đời”.

Công tước Andrey lại gần nàng, hai mắt nhìn xuống.

– Tôi đã yêu cô từ phút đầu trông thấy cô. Tôi có thể hy vọng được chăng?

Chàng nhìn nàng, và vẻ mặt say đắm và nghiêm trang trên khuôn mặt nàng khiên chàng kinh ngạc. Vẻ mặt nàng như nói: “Anh còn hỏi làm gì? Tại sao lại còn hoài nghi về một điều mà anh không thể không biết được? Nói để làm gì, một khi lời nói không thể bày tỏ nổi những gì mình đang cảm xúc?”

Nàng lại gần chàng và dừng lại. Chàng cầm lấy tay nàng và hôn lên bàn tay.

– Cô có yêu tôi không?

– Có… có… – Natasa nói như có ý bực bội; nàng thở dài rất mạnh, rồi thở dài lần nữa, mỗi lúc một thở gấp, cất tiếng khóc nức nở.

– Tại sao cô khóc? Cô làm sao thế?

– Ôi em sung sướng quá, – Natasa đáp, mỉm cười qua nước mắt, nhích lại gần chàng, do dự một lát như để tự hỏi xem có thể làm như vậy được không và ôm hôn chàng.

Công tước Andrey cầm tay nàng, nhìn vào mặt nàng và thấy trong tâm hồn mình không còn cái tình yêu trước đây nữa. Trong tâm hồn chàng bỗng có một sự đảo lộn; niềm ước mong thơ mộng và huyền bí trước kia không còn nữa, thay vào đấy là lòng ái ngại cho sự yếu đuối của nàng, sự yếu đuối của một người đàn bà, của một đứa trẻ, là một mối lo âu trước lòng tận tuỵ và lòng tin cậy của nàng, là một ý thức nặng nề và đồng thời vui sướng về cái bổn phận đã vĩnh viễn gắn bó Natasa với chàng. Tình cảm của chàng hiện nay, tuy không tươi sáng và nên thơ như trước kia, nhưng lại thâm trầm hơn và mạnh mẽ hơn.

– Mẹ đã nói với cô là phải đợi một năm nữa chưa? – Công tước Andrey nói, mắt vẫn nhìn vào mặt nàng.

“Thế ra mình, con bé con (như mọi người vẫn thường nói) – Natasa nghĩ thầm, – Thế ra mình bây giờ, từ phút này đã là một người vợ, là người ngang hàng với con người xa lạ kia, người mà cả cha mình cũng kính trọng? Thế ra đây là chuyện thật ư? Thế ra bây giờ mình đã lớn, bây giờ mình phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình làm hay mình nói, thật thế ư? Nhưng anh ấy vừa hỏi mình cái gì thế nhỉ?”

– Chưa ạ. – Nàng đáp, nhưng không hiểu câu chàng vừa hỏi.

– Cô tha lỗi cho, – Công tước Andrey nói, – Nhưng cô còn trẻ lắm, còn tôi thì đã từng trải nhiều. Tôi sợ thay cho cô. Cô chưa biết rõ mình.

Natasa chăm chú nghe, cố gắng hiểu nghĩa những lời chàng nói, nhưng vẫn không hiểu.

Công tước Andrey nói tiếp:

– Tuy rất khổ tâm vì thời gian đó sẽ trì hoãn hạnh phúc của tôi nhưng dù sao trong một năm ấy cô cũng có thể hiểu rõ mình thêm. Một năm nữa xin cô đem lại hạnh phúc cho đời tôi; nhưng cô vẫn tự do: cuộc đính hôn của chúng ta sẽ được giữ kín, và nếu cô dần dần thấy rõ rằng cô không yêu tôi, hoặc nếu cô vẫn yêu tôi… – Công tước Andrey nói với một nụ cười gượng gạo.

– Sao anh lại nói thế? – Natasa ngắt lời chàng. – Anh cũng biết rằng em yêu anh từ hôm anh đến Otradnoye lần đầu, – Nàng nói, trong lòng tin chắc rằng điều mình vừa nói là đúng sự thật.

“Trong một năm cô sẽ biết rõ mình…”

– Cả một năm trời! – Natasa bỗng thốt lên, mãi bây giờ nàng mới hiểu rằng cuộc hôn nhân đã bị hoãn lại một năm. – Nhưng tại sao lại một năm nữa? Tại sao lại một năm?

Công tước Andrey bắt đầu giảng giải cho nàng nghe những nguyên nhân của việc trì hoãn này.

Natasa không nghe chàng nói.

– Không thể nào khác được ư? – Nàng nói.

Công tước Andrey im lặng không đáp, nhưng vẻ mặt của chàng tỏ rõ rằng không thể nào thay đổi điều đó được.

Khủng khiếp quá! Không, như thế thì khủng khiếp quá! –

Natasa bỗng thốt lên và khóc nức nở. – Phải đợi một năm thì em chết mất. Không thể như thế được, như thế thì khủng khiếp quá.

Nàng nhìn lên khuôn mặt của vị hôn phu và nhận thấy vẻ băn khoăn và thương xót trên gương mặt chàng. Nàng bỗng gạt nước mắt nói:

– Không, không, em sẽ chịu hết, em sung sướng lắm.

Cha mẹ Natasa bước vào phòng và cầu phúc cho hai người đính hôn.

Từ hôm đó công tước Andrey bắt đầu đến nhà gia đình Roxtov với tư cách là chàng rể tương lai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.