Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2)

Chương – 7



Hai năm trước đây, năm 1808, trở về Petersburg sau khi đi thăm các điền trang, Piotr bất giác trở thành người đứng đầu hội Tam điếm ở Petersburg. Chàng tổ chức những hội quán tụ xan(1), kết nạp những hội viên mới, lo việc hợp nhất các chi hội và sưu tầm những hiến chương nguyên bản cho nó. Chàng xuất tiền ra xây dựng các đền thờ của hội và bù vào số tiền quyên cho hội, vì các hội viên phần nhiều đều rất bủn xỉn và nộp tiền chẳng mấy khi đúng hạn. Hầu như chỉ có một mình chàng bỏ tiền ra cung cấp cho nhà tế bần do hội lập ra ở Petersburg. Trong khi đó cuộc sống của chàng vẫn như cũ, chàng vẫn giữ nếp sinh hoạt say sưa và phóng túng ngày trước. Chàng thích ăn ngon, uống rượu, và tuy cho rằng như vậy là vô luân và nhục nhã, chàng vẫn không tránh khỏi những cuộc truy hoan của những nhóm thanh niên chưa vợ mà chàng thường lui tới.

(1) Những hội quán dùng để tiến hành nhưng buổi lễ có những hình thức ăn uống và chôn cất tượng trưng.

Song trong khi say mê với công việc và những cuộc vui chơi, sau một năm Piotr đã bắt đầu cảm thấy rằng cái nền tảng Tam điểm trên đó chàng càng củng cố đứng vững bao nhiêu thì lại càng sụt xuống bấy nhiêu. Đồng thời chàng cảm thấy rằng nó càng sụt xuống bao nhiêu thì vô hình trung chàng lại càng gắn bó với nó bấy nhiêu. Khi Piotr vào hội Tam điểm, chàng cảm thấy mình như một người yên trí đặt chân lên bề mặt phẳng của một khoảng đồng lầy. Đặt được một chân xuống thì thấy lún. Muốn biết cho thật chắc khoảng đất mình đứng có vững hay không, người đó đặt chân kia xuống và lại càng lún sâu hơn, và thế là bây giờ người đó lội trong vũng lầy, bùn ngập đến đầu gối. Ioxif Alekxeyevich bấy giờ không ở Petersburg (gần đây ông ta không tham dự vào công việc của các hội ở Petersburg nữa và ở hẳn Moskva không đi đâu cả). Tất cả các “Anh em” hội viên trong chi hội đều là những người mà Piotr quen biết trong sinh hoạt thường ngày, và chàng thấy khó lòng quan niệm được rằng họ chỉ là những người anh em trong hội Tam điểm, chứ không phải là công tước B hay Ivan Vaxilievich D, là những người mà trong sinh hoạt thường ngày chàng biết là rất kém cỏi và yếu đuối. Dưới những tấm tạp đề che ngực và nhừng dấu hiệu của hội, chàng hình dung thấy họ mặc phẩm phục và đeo những chiếc huân chương mà họ đã kiếm chác được trong cuộc sống. Nhiều khi đi thu tiền quyên về chàng tính được cả thẩy hai ba mươi rúp về khoản thu chi trong số quyên, phần lớn là ghi chịu, ấy thế mà một nửa số hội viên đó lại giàu có chẳng kém gì chàng. Những lúc ấy Piotr nhớ lại lời thề của hội Tam điểm: mỗi người anh em trong hội đều thề sẽ hiến tất của cải của mình cho đồng loại; và trong thâm tâm chàng thấy nổi lên những mối ngờ vực mà chàng cố gạt đi.

Chàng chia tất cả các anh em hội viên mà chàng biết ra làm bốn loại. Loại thứ nhất là những người không tham gia các hoạt động của chi hội, cũng không tham gia vào các công việc thế tục, mà chỉ chuyên tâm nghiên cứu những điều bí ẩn của khoa học Tam điểm, chuyên chú các vấn đề như ba cách gọi Thượng đế, hay ba nguyên lý của mọi vật: diêm sinh, thuỷ ngân và muối, hay ý nghĩ của hình vuông và của các hình tượng trong đền Salomon. Piotr kính trọng loại hội viên này, phần lớn gồm các hội viên cũ trong đó có cả Ioxif Alekxeyevich, nhưng chàng không quan tâm đến những điều họ nghiên cứu. Lòng chàng vốn không thiên về mặt thần bí của hội Tam điểm.

Piotr liệt vào loại thứ hai chính bản thân chàng và những anh em hội viên giống như chàng, là những người đang tìm kiếm, đang do dự chưa tìm thấy trong hội Tam điểm một con đường thẳng thắn và sáng sủa, nhưng hy vọng là sẽ tìm thấy.

Trong loại thứ ba chàng xếp những hội viên (họ chiếm số đông nhất) chỉ thấy hình thức bề ngoài của hội Tam điểm, không biết gì ngoài những lễ nghi của hội, và trân trọng làm theo cho thật đúng cái hình thức bề ngoài đó, không hề nghĩ đến nội dung và ý nghĩa của nó. Vilarxki và ngay cả vị đại sư của tổng hội chính là thuộc loại này.

Cuối cùng loại thứ tư cũng gồm một số đông hội viên, đặc biệt là những người, mới gia nhập gần đây theo sự quan sát của Piotr thì đó là những người chẳng tin tưởng gì hết, chẳng ước mong gì hết, họ vào hội Tam điểm chẳng qua chỉ là để tìm cách gần gũi những hội viên trẻ, giàu có và có thế lực nhờ các quan hệ giao thiệp và dòng dõi quyền quý, vì trong chi hội số hội viên này rất đông.

Piotr bắt đầu cảm thấy không thỏa mãn về hoạt động của mình. Nhiều khi chàng có cảm tưởng là hội Tam điểm ít nhất là cái hội Tam điểm mà chàng được biết ở đây chỉ có hình thức bề ngoài.

Chàng không có ý hoài nghi bản thân hội Tam điểm nhưng chàng ngờ rằng hội Tam điểm Nga đi theo một con đường lầm lạc và đã tách ra khỏi cỏi nguồn của nó. Vì vậy đến cuối năm Piotr ra nước ngoài để học hỏi những điều bí mật cao đẳng của hội.

Mùa hè năm 1809 Piotr đã trở về Petersburg. Qua những thư từ đi lại giữa các hội viên Tam điểm ở trong nước với các hội viên ở nước ngoài, người ta biết rằng trong thời gian ra ngoại quốc Piotr đã chiếm được lòng tin cậy của nhiều nhân vật cao cấp trong hội, đã hiểu thấu được nhiều điều bí ẩn, được thăng lên trật cao nhất và có đem về nước nhiều điều có lợi cho sự nghiệp của hội Tam điểm Nga.

Các hội viên ở Petersburg không ngớt đến gặp Piotr, họ đều tìm cách lấy lòng chàng và ai cũng có cảm giác là chàng đang có điều gì che giấu và đang sửa soạn một việc gì không rõ.

Hôm ấy là phiên họp trọng thể của chi hội đệ nhị cấp. Piotr có hứa trong phiên họp này sẽ truyền đạt lại những điều mà các vị lãnh đạo cao cấp của hội đã giao phó cho chàng chuyển về các anh em hội viên ở Petersburg. Cử tọa đã đông đủ. Sau các nghi thức thường lệ Piotr đứng dậy và bắt đầu nói.

– Thưa các dạo huynh thân mến, – Piotr nói lắp bắp, mặt đỏ ửng lên, tay cầm bài diễn từ viết sẵn. – Gìn giữ những bí mật của chúng ta trong cảnh im lặng của hội sở chưa đủ, cần phải hành động… hành động. Chúng ta đang ở trong trạng thái mê ngủ, thế mà nhiệm vụ của chúng ta là phải hành động. – Nói đến đây Piotr cầm quyển vở lên và bắt đầu đọc:

“Để truyền bá cái chân lý thuần tuý và góp phần làm cho đạo đức toàn thắng, ta phải làm sao cho con người thoát khỏi các thành kiến, truyền bá những quy tắc phù hợp với tinh thần thời đại, lãnh lấy trách nhiệm giáo dục thanh niên, liên hệ chặt chẽ với những người thông tuệ nhất, mạnh dạn và đồng thời khôn khéo khắc phục tình trạng mê tín, hoài nghi và ngu dốt, dào tạo những người tận tuỵ với chúng ta thành những con người gắn bó với nhau vì mục đích duy nhất và có quyền lực, có sức mạnh.

Để đạt đến mục đích nói trên phải làm sao cho đạo đức thắng thói xấu, phải cố làm sao cho người tốt được nhận trên thế gian này một phần thưởng vĩnh cửu về đạo đức của mình. Nhưng các chế độ chính trị hiện hành cản trở rất nhiều cho việc thực hiện những ý định lớn lao này. Trong tình hình như vậy phải làm gì? Có nên giúp sức cho cách mạng, lật đổ tất cả, dùng bạo lực để tiêu diệt bạo lực không? Không, việc đó rất xa lạ đối với chúng ta. Bất cứ một cuộc cải cách nào thực hiện bằng bạo lực cũng đều đáng chê trách bởi vì cái ác sẽ không được sửa chữa chút nào một khi mà con người vẫn như cũ, và bởi vì sự thông tuệ không cần đến bạo lực. Toàn bộ chương trình của hội phải nhằm làm sao đào tạo ra những con người cứng rắn, có đạo đức và gắn bó khăng khít với nhau vì một lòng tin duy nhất, một chí hướng duy nhất, đó là làm sao truy nã thói xấu và sự ngu dốt, nâng đỡ tài năng và đạo đức ở khắp mọi nơi và bằng đủ mọi cách: đưa những người xứng đáng ra khỏi tro bụi kết nạp họ với khối huynh đệ của chúng ta. Chỉ có như vậy thì hội ta mới có đủ quyền lực dần dần trói tay những kẻ gây sự rối loạn và chi phối mà họ không hề hay biết. Nói tóm lại, cần phải thiết lập một hình thức quản trị chỉ huy tôan thế giới, nhưng vẫn không phá vỡ các mối liên hệ công dân, và trong khi đó tất cả các hình thức cai trị khác đều có thể tiếp tục tồn tại và tiến hành như cũ, và có thể làm đủ mọi việc, trừ những điều ngăn trở mục đích cao cả của hội ta, là làm sao cho đạo đức thắng thói xấu. Mục đích này chính Cơ đốc giáo cũng đã đặt ra. Cơ đốc giáo dạy rằng con người phải thông tuệ và nhân hậu. Và để mưu đồ lợi ích cho chính bản thân mình phải noi gương và theo lời dạy bảo của những người thông tuệ và đạo đức nhất.

Vào thời mọi vật đang chìm đắm trong cõi tối tăm thì cố nhiên chỉ cần lời truyền giáo là đủ; sự mới mẻ của chân lý khiến cho nó có một sức mạnh đặc biệt; nhưng ngày nay thì ta lại cần có những phương tiện mạnh hơn thế rất nhiều. Ngày nay cần phải làm sao cho con người là kẻ đi theo tình cảm của mình, lại tìm thấy trong đạo đức những khoái lạc cảm quan. Không thể tiêu diệt dục vọng được, mà phải cố gắng hướng dục vọng đến một mục đích cao cả; cho nên cần làm sao cho mỗi người đều có thể thỏa mãn dục vọng của mình trong khuôn khổ của đạo đức, và Hội của chúng ta phải làm sao cung cấp phương tiện nhằm thực hiện việc đó.

Hễ khi nào trong khắp các nước đều có một số người xứng đáng của hội ta, mỗi người như vậy lại dào tạo thêm hai người khác, và tất cả những người đó lại sẽ liên kết chặt chẽ với nhau, – đến lúc ấy hội có thể làm được tất cả, tuy trước kia trong bóng tối hội cũng đã làm được nhiều cho hạnh phúc của nhân loại”.

Bài diễn từ này không những đã gây nên một ấn tượng mạnh trong chi hội mà còn làm cho chi hội xôn xao lên. Phần đông các hội viên thấy trong bài diễn từ này có những tư tưởng của chủ nghĩa khải phát nguy hiểm nên ngồi nghe với một thái độ lạnh nhạt khiến Piotr phải ngạc nhiên. Vị đại sư lên tiếng bác lại Piotr. Piotr liền phát triển ý kiến của mình, mỗi lúc một hăng. Đã từ lâu chưa có một buổi họp nào sôi nổi như thế này. Cử tọa chia ra làm nhiều phe: phe thì lên án Piotr, buộc tội chàng là ảo tưởng, phe thì lại bênh vực Piotr. Trong phiên họp này lần đầu tiên Piotr kinh ngạc nhận thấy trí tuệ của con người khác nhau vô cùng tận, đến nỗi không có một chân lý nào có thể được hai người nhìn nhận giống nhau. Ngay cả những hội viên tưởng đâu đứng về phía chàng, cũng hiểu ý chàng theo lối của họ, với những sự hạn chế, với những sự thay đổi mà chàng không thể chấp nhận được, vì yêu cầu chủ yếu của Piotr chính là làm sao truyền đạt tư tưởng mình cho người khác đúng y như chính mình quan niệm.

Đến khi buổi họp kết thúc, vị đại sư nhận xét một cách mỉa mai và không có thiện ý rằng Piotr đã quá nóng, và nói rằng trong khi tranh luận không phải chàng chỉ luân theo lòng yêu đạo đức mà còn tuân theo lòng hiếu thắng nữa. Piotr không đáp lại chỉ hỏi một câu vắn tắt là đề nghị của chàng có được chấp nhận hay không. Họ trả lời là không, và Piotr không đợi xong các nghi thức thường lệ đã bỏ chi hội ra về.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.