Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2)
Phần VII – Chương -1
Truyền thuyết Thánh kinh nói rằng cảnh sống nhàn hạ, không lao động, là điều kiện hạnh phúc của con người đầu tiên trước khi sa ngã. Sau khi đã sa ngã rồi, con người vẫn thích nhàn hạ, nhưng sự nguyền rủa của Thượng đế vẫn đè nặng trên con người, cho nên không những nó phải đổ mồ hôi trán mới kiếm được miếng ăn, mà hơn nữa những bản tính về đạo đức của ta cũng không cho phép ta an tâm mà nhàn hạ được. Một tiếng nói thầm kín nhắc nhở ta rằng sống nhàn hạ là có tội. Nếu có thể tìm được một cảnh sống trong đồ con người vẫn nhàn hạ mà lại cảm thấy mình hữu ích và đang làm tròn nhiệm vụ, thì như vậy là con người đã tìm thấy một mặt của hạnh phúc nguyên thuỷ. Và cảnh nhàn hạ bắt buộc không ai chê trách được ấy chính là cái cảnh mà cả một tầng lớp người được hưởng: tầng lớp quân nhân. Điều thú vị nhất của nghề nghiệp nhà binh chính là cảnh sống nhàn hạ vì nghĩa vụ và không ai chê trách được đó.
Nikolai Roxtov từ năm 1807 đến nay vẫn được hưởng cái lạc thú ấy một cách trọn vẹn, trong khi tiếp tục phục vụ ở trung đoàn Pavlograd: bây giờ chàng chỉ huy đại đội kỵ binh của Denixov trước đây.
Roxtov đã trở thành một anh chàng lỗ mãng và đôn hậu mà có lẽ những người quen biết ở Moskva cho là kiểu người không tốt nhưng được các bạn đồng ngũ kẻ dưới người trên đều mến trọng, và chàng rất hài lòng với cách sống của mình. Gần đây, trong những bức thư mà chàng nhận được trong năm 1809, mẹ chàng thường phàn nàn về nỗi cảnh nhà càng ngày càng sa sút, và nói rằng đã đến lúc chàng phải về để cha mẹ chàng được vui vẻ và yên lòng.
Đọc những bức thư ấy, Nikolai lo sợ rằng người ta muốn hất chàng ra khỏi cái môi trường trong đó chàng đang sống yên tĩnh phẳng lặng, cách biệt tất cả những phiền nhiễu của cuộc đời. Chàng cảm thấy sớm hay muộn gì chàng cũng phải lao mình vào luồng nước xoáy của cuộc đời, phải cứu vãn những tình thế khó khăn của gia đình, phải kiểm tra những tính toán và sổ sách của viên quản lý, phải tham dự những cuộc tranh chấp, những mưu mô, những quan hệ xã giao, phải giải quyết vấn đề tình yêu với Sonya và lời chàng đã hứa với nàng. Tất cả những điều đó thật là khó khăn, phiền phức ghê gớm, và chàng trả lời mẹ bằng những bức thư rập khuôn lạnh lùng, bắt đầu bằng “mẹ thân yêu” và kết thúc bằng “con trai hiếu kính của mẹ”, mà không hề nói rõ mình định đến bao giờ thì sẽ về. Năm 1810, một bức thư nhà báo cho chàng biết là Natasa đã đính hôn với Bolkonxki và lễ cưới phải hoãn lại trong thời hạn là một nằm, vì lão công tước không thuận. Bức thư khiến chàng vừa buồn vừa giận.
Trước hết, chàng buồn vì thấy Natasa, em gái cưng của chàng, sắp rời khỏi nhà.
Sau nữa, theo quan điểm sĩ quan phiêu kỵ của chàng, chàng tiếc rằng đã không có mặt ở nhà để tỏ rõ cho Bolkonxki thấy rằng làm thông gia với nhà hắn ta tuyệt nhiên không phải là một vinh dự gì lớn lắm, và nếu quả thật hắn ta yêu Natasa, thì hắn có thể bất chấp cả sự phản đối của ông bố gàn dở của hắn. Có một lúc, chàng đã phân vân tự hỏi nên xin nghỉ để về thăm Natasa sau khi nàng đã đính hôn hay không, nhưng chính lúc ấy những cuộc tập trận lại diễn ra, chàng lại nghĩ đến Sonya, đến những nỗi phiên toái mà chàng sẽ gặp, và chàng lại trì hoãn. Nhưng đến mùa xuân năm ấy mẹ chàng lại viết thư cho chàng mà không cho lão bá tước biết, bức thư đó đã khiến chàng quyết định về nhà. Bà bảo nếu chàng không về để nắm lấy mọi việc thì bao nhiêu tài sản sẽ bị phát mại hết và cả nhà sẽ phải đi hành khất. Bá tước quá nhu nhược, hiền lành, hoàn toàn tin cậy Mityenka, lại bị mọi người lừa phỉnh, cho nên công việc càng ngày càng hỏng thêm. “Mẹ van xin con hãy vì Chúa mà về ngay nếu con không muốn làm cho mẹ và cho cả nhà phải khốn đốn” – Bá tước phu nhân viết như vậy.
Bức thư ấy đã có tác dụng với Nikolai. Chàng vốn có cái trí xét đoán lành mạnh của những người tầm thường, là cái vẫn vạch cho họ thấy rõ nhiệm vụ phải làm.
Bây giờ thì chàng nhất định phải về, nếu không phải là xin giải ngũ, thì cũng phải xin nghỉ phép. Tại sao chàng lại phải về, chàng cũng không biết nữa, nhưng sau một giấc ngủ trưa, chàng bảo thắng con ngựa Marx, một con ngựa đực màu xám, tính rất dữ, đã lâu không ai cưỡi; và khi trở về phòng, trên con ngựa ướt đẫm bọt mồ hôi, chàng báo tin cho Larutska (người cần vụ của Denixov nay chuyển sang hầu hạ Roxtov) và cho các bạn bè đến chơi buổi tối ở nhà chàng biết rằng xin nghỉ phép để về thăm nhà. Mặc dù chàng thấy khó tin và lấy làm kỳ lạ khi nghĩ rằng mình ra đi trong khi Bộ tham mưu chưa cho biết (chàng đặc biệt quan tâm đến việc ấy) qua cuộc tập trận vừa rồi chàng có được thăng chức đại uý hoặc ít nhất có được thưởng huân chương Anna hay không; Mặc dù chàng lấy làm lạ rằng mình bỏ ra đi trong khi chưa bán lại xong xuôi cho bá tước Golukhovxki ba con ngựa lang mà ông ta đang mặc cả với chàng (chàng đã đánh cuộc với anh em là sẽ bán được hai ngàn rúp) mặc dù chàng thấy rõ rằng nếu mình không đến dự cuộc khiêu vũ mà bọn phiêu kỵ tổ chức mừng tiểu thư Ba Lan Psadexka đề chọc tức bọn kỵ binh U-lan cũng đang tổ chức một cuộc khiêu vũ cho tiểu thư Bôjodovxka của họ thì đó sẽ là một điều cực kỳ vô lý, nhưng chàng vẫn biết rằng thế nào mình cũng phải rời khỏi thế giới êm đềm dễ chịu này để đến một nơi ở đấy tất cả đều hỗn độn be bét.
Một tuần sau chàng nhận được giấy phép. Bè bạn của chàng là những sĩ quan trong trung đoàn và cả trong lữ đoàn nữa, tổ chức một bữa tiệc tiễn chàng mỗi người góp mười lăm rúp, có hai dàn nhạc, hai đội hợp ca; Roxtov nhảy bài trepak với thiếu tá Baxov; mấy viên sĩ quan say rượu công kênh chàng, hôn chàng và thả cho chàng rơi phịch xuống đất; Binh sĩ của đại đội ba lại công kênh chàng một lần nữa và hô: ura! Rồi họ đặt chàng lên xe trượt tuyết và hộ tống chàng đến trạm đường thứ nhất.
Trong phần thứ nhất của hành trình, từ Krementsng đến Kiev bao nhiêu tâm trí của Roxtov, như xưa nay vẫn thế, đều gửi lại nơi mình vừa từ giã, gửi lại kỵ đội của chàng; nhưng khi đã đi được quá nửa đường, chàng bắt đầu quên ba con ngựa lang, quên cả viên tào trưởng của kỵ đội là Dozoiveyka, và bắt đấu băn khoăn tự hỏi khi về đến Otradnoye mình sẽ thấy tình hình ra sao. Chàng càng gần về đến nhà thì những ý nghĩ của chàng về gia đình càng mạnh hơn trước nhiều (dường như tình cảm, cũng như trọng lực, phục tùng cái quy luật hấp dẫn theo tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách); đến trạm cuối cùng trước trang viên Otradnoye, chàng cho người đánh xe trạm ba rúp tiền uống rượu và thở hổn hển nhảy lên thềm từng bốn bậc một, như một đứa trẻ.
Sau những phút mừng rỡ của buổi mới về, và sau cái cảm giác thất vọng lạ lùng khi so sánh hiện thực với những điều trước đây chàng vẫn chờ đợi. – Chả có gi thay đổi cả, thế mà cũng hối hả làm gì Nikolai lại quen dần với cuộc sống gia đình. Ông cụ bà cụ vẫn như trước, chỉ có già đi ít nhiều. Điều mới ở hai ông bà là một nỗi lo lắng và đôi khi là sự bất đồng ý kiến trước kia không hề có, mà nguyên nhân như Nikolai ít lâu sau nhận thấy, chính là tình hình tài chính rối ren của gia đình. Sonya thì sắp đến tuổi hai mươi.
Nàng không thể đẹp thêm nữa, nhan sắc của nàng không hứa hẹn gì hơn nữa, song dù cứ thế này thôi cũng là đủ lắm rồi. Từ khi Nikolai về, cả con người nàng phơi phới hạnh phúc và tình yêu, và lòng chung thuỷ keo sơn của người thiếu nữ ấy khiến chàng vô cùng vui sướng. Petya và Natasa làm cho chàng kinh ngạc hơn cả Petya thì bây giờ là một cậu thiếu niên mười ba tuổi, cao lớn và đẹp trai, hóm hỉnh, vui tươi, tinh nghịch, tiếng nói đã vỡ. Còn Natasa thì trong một thời gian khá lâu chàng cũng lấy làm lạ và hễ nhìn cô em chàng lại bật cười.
– Không giống trước tí nào cả.
– Thế em xấu đi à?
– Trái lại, nhưng trông trang trọng thế nào ấy. Đúng là một công tước phu nhân! – Chàng nói thì thào.
– Phải, phải đấy, phải đấy. – Natasa vui vẻ đáp.
Natasa kể lại cho chàng nghe câu chuyện diễm tình của nàng với công tước Andrey, việc công tước đến thăm Otradnoye, rồi đưa cho chàng xem bức thư mới nhận được của công tước.
– Thế anh có thích không? – Nàng hỏi. – Bây giờ em thấy thanh thản và sung sướng quá.
– Thích lắm. – Nikolai nói. – Anh chàng ấy rất khá. Em yêu anh ta lắm à?
– Biết nói thế nào cho anh hiểu bây giờ nhỉ. – Natasa đáp. – Trước kia, em đã từng cảm Boris, cảm ông thầy học của em, cảm Denixov, nhưng lần này thì không giống thế một tí nào. Em tự thấy bình tĩnh, vững vàng lắm. Em biết không ai tốt hơn anh ấy được, em thấy trong lòng bây giờ thanh thản, sung sướng quá. Thật không giống trước kia một tí nào…
Nikolai ngỏ cho Natasa biết rằng chàng không hài lòng về việc hoãn lễ cưới lại một năm; nhưng Natasa kịch liệt cãi lại chàng và chứng minh rằng không thể làm cách nào khác, rằng về nhà chồng mà không được ông bố chồng thuận tình thì không tốt, rằng chính nàng đã muốn làm như vậy.
– Anh chả hiểu gì cả, chả hiểu tí gì, – Nàng nói.
Nikolai im lặng và cho là nàng nói phải.
Chàng thường thấy làm lạ môi khi nhìn em. Nàng hoàn toàn không có vẻ là một người vợ chưa cưới chung tình đang phải xa cách người chồng chưa cưới. Nàng bình thản, vui vẻ chẳng khác gì trước. Nikolai lấy điều đó làm lạ, thậm chí còn nảy ra ý nghi ngờ chủ ý của Bolkonxki trong việc cầu hôn này. Chàng không tin rằng số phận Natasa đã được định đoạt; hơn nữa là vì chàng chưa hề thấy nàng và Andrey bên cạnh nhau bao giờ. Chàng vẫn thấy có cái gì không ổn trong cuộc hôn nhân tự định này.
“Tại sao lại hoãn? Tại sao không làm lễ đính hôn?” – Chàng băn khoăn tự hỏi.
Một hôm, trong khi nói chuyện với mẹ về Natasa, chàng lấy làm lạ, nhưng cũng có phần thích thú nhận thấy rằng mẹ chàng trong thâm tâm cũng có lúc nhìn cuộc hôn nhân ấy với con mắt hoài nghi như chàng.
– Đây thư của anh ấy viết đây. – Bà cụ vừa nói vừa đưa cho con trai bức thư của công tước Andrey, với cái ác cảm thầm kín của tất cả các bà mẹ đối với hạnh phúc vợ chồng tương lai của con gái mình. – Anh ta nói là không về được trước tháng Chạp. Chả biết bận công việc gì? Có lẽ là ốm! Sức khỏe anh ta rất kém. Con đừng nói với Natasa nhé. Không nên thấy nó vui vẻ thế mà tưởng nhầm; nó đang sống những ngày cuối cùng trong quãng đời con gái của nó, ấy thế mà mẹ biết rõ trong lòng nó như thế nào mỗi khi nó nhận được thư anh ta. Vả chăng, nếu Chúa ban ơn, thì mọi việc có lẽ rồi sẽ tốt đẹp. – và cũng như mọi lần khác, bà lại kết luận. – Anh ấy rất tốt.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.