Cô Gái Thứ Ba

Chương 10



Hercule Poirot đọc cho cô nữ thư ký, cô Lemon:

… “Và mặc dù tôi đánh giá rất cao niềm vinh dự tôi đã được dành cho mình, tôi vẫn lấy làm tiếc để báo rằng …”

Chuông điện thoại reo vang. Cô Lemon chìa bàn tay ra nắm lấy máy nghe.

– Vâng? Bà nói tên gì ạ? Cô ta đặt tay lên máy nghe. Bà Oliver.

– À!… Bà Oliver. Poirot không thích bị làm rầy lúc này, nhưng ông vẫn cầm lấy máy nghe: Hercule Poirot đang nghe đây.

– Ồ! Ông Poirot! Tôi rất lấy làm vui được gặp ông. Tôi đã tìm ra cô ta rồi!

– Tôi xin lỗi bà?

– Tôi đã tìm ra cô ta rồi! Cô con gái ông nói đó mà! Ông nhớ không, cái cô đã dính vào một vụ án mạng hay tưởng là mình đã phạm phải đó mà! Cô ấy đang nói quá nhiều tới vụ đó. Theo ý tôi, cô ấy hình như là bị loạn trí, nhưng trong lúc này, không cần tới chi tiết đó đâu. Ông có muốn đi tới nơi để tìm cô ấy không?

– Bà hiện giờ đang ở đâu đó, thưa bà thân mến?

– Một nơi nào đó giữa Saint-Paul và Mermaid Theatre Calthorpe Street, bà vừa nói vừa nhìn ra phía ngoài phòng điện thoại mà bà ta đang đứng. Ông nghĩ mình có thể tới thật nhanh được không. Cả hai người đang ở trong một tiệm cà phê nè!

– Hai người?

– Ồ! Cô ấy và cái cậu mà ta gọi là “người yêu không được ưa thích” ấy mà. Trên thực tế, cậu ta xem ra rất dễ thương và hình như rất mê cô gái. Tôi đã tự hỏi tại sao như vậy? Con người ta thật là lạ… Nhưng tôi sẽ không nói nhiều đâu, vì tôi đang muốn đi trở lại nơi đó đây. Tôi theo dõi họ mà, ông hiểu không? Tôi đã đi vào tiệm cà-phê sau họ.

– Bà ạ, bà rất có nhiều mưu mẹo đó.

– Không đúng vậy đâu. Đó hoàn toàn do ngẫu nhiên thôi. Tôi muốn nói là tôi đi vào tiệm cà-phê và họ đã ở trong đó rồi mà.

– Dịp may đã đến với bà. Đây là một điều luôn luôn quan trọng.

– Tôi đã ngồi xuống cái bàn bên cạnh bàn của họ và cô gái thì quay lưng về phía tôi. Tuy vậy, tôi vẫn nghi là cô ấy đã nhận ra tôi. Tôi đã sắp xếp cho mái tóc của tôi khác đi. Tôi để ý là họ đã nói chuyện như không có ai khác ở đây nữa. Họ vừa gọi món đậu hầm nước xốt cà-tô-mát. Tôi thì không chịu được cái món đó và tự hỏi làm sao thiên hạ lại…

– Bà ơi, xin bà bỏ rơi cái món đậu hầm đó đi, và mời bà tiếp tục cho. Vậy là bà đã rời họ để đi gọi điện thoại cho tôi phải không?

– Phải. Cái món đậu đó đã dành cho tôi có được chút thời gian. Nhưng tôi phải trở lại nơi đó ngay bây giờ, nếu không muốn mình đứng ở ngoài đường. Dù sao thì ông hãy tìm cách tới liền đây đi.

– Tiệm cà-phê đó tên gì?

– “Con chuồn vui vẻ”… mặc dù nó chẳng có gì là vui vẻ cả. Tôi xem ra nó lại còn ủ dột nữa là khác. Tuy nhiên, cà-phê thì không tồi lắm đâu.

– Xin bà thôi đừng nói thêm gì nữa. Tôi sẽ tới đó mau nhất có thể được.

– Tuyệt!

Bà Oliver gác máy nghe.

* * *

Cô Lemon luôn luôn tỏ ra mẫn cán, đã đi xuống vỉa hè trước đó và đang đứng chờ cạnh một xe tắc-xi. Cô không hỏi một lời và cũng chẳng tỏ ra tò mò. Cô cũng không hỏi mình sẽ làm gì khi Poirot đi vắng. Như thế là vô ích. Cô đã biết là mình phải làm gì và sẽ hành động theo cách tốt nhất.

Poirot đã tới góc phố Calthorpe Street, ông bỏ tắc-xi tại đó. Ông nhìn thấy “Con chuồn vui vẻ” nhưng không nhìn thấy quanh đó có ai giống như bà Ariane Oliver cả, dù bà ấy đã cãi trang. Ông đã đi dọc theo con đường theo hết chiều dài của nó và đi trở lại, vẫn không đạt được kết quả gì. Hoặc cái cặp mà bà chú ý tới đã đi khỏi tiệm này và bà bạn của ông đã đi theo họ, hoặc là… Ông đi tới gần tiệm cà-phê để nhìn vào trong đó. Hơi nước che kín các tấm kính khiến ông không nhìn thấy gì cả. Ông đẩy cửa, đưa mắt nhìn các thực khách.

Ông nhận ra ngay cái cô gái đã tới tìm ông vào buổi sáng hôm trước. Ngồi vào một cái bàn gần tường, cô ấy đang hút thuốc, mắt nhìn xa xăm, như đang suy nghĩ gì lung lắm. Poirot lắc đầu: không, giả thiết không có lý. Sau cái trán kia, thực ra đã không có một ý nghĩ nào cả, chỉ có một thứ vô ý thức, một nỗi sợ hãi thường trực mà thôi.

Nhà thám tử nhỏ con đi chậm qua căn phòng và nhẹ nhàng, ngồi xuống trước mặt Norma. Cô ta ngước mắt nhìn và ông hài lòng nhận thấy rằng cô đã nhìn ra ông.

– Thưa cô, thế là chúng ta lại gặp nhau lần nữa, ông nói thật dễ mến. Tôi nghĩ là cô đã nhận ra tôi rồi.

– Vâng, vâng, quả thế ạ.

– Thật là tự hào biết bao khi mình đã được một cô gái trẻ như vầy nhận ra mình, tuy cô chỉ gặp có một lần và trong một thời gian ngắn ngủi như vậy.

Nàng tiếp tục nhìn ông, không nói gì.

– Nếu cho phép tôi được đặt một câu hỏi thì đó là vì sao cô lại có thể nhận ra tôi?

– Bộ ria của ông – nàng đáp, không ngần ngại. Nó không thể thuộc vào ai khác cả.

Câu nhận xét này làm ông thật vui lòng và ông lau bóng đôi râu mép của mình với một niềm tự hào và hãnh diện mà ông luôn luôn bày tỏ trong những dịp như vầy.

– À! Vâng! Rất đúng. Đã không có nhiều bộ ria như vậy đâu. Chúng khá đẹp, phải không cô?

– Tôi nghĩ là… đúng… Tôi đã nghĩ như thế.

– Có lẽ, cô không rành lắm về ria mép, nhưng tôi có thể tuyên bố với cô rằng, cô Restarick. Cô Norma Restarick, phải không?… Đó là bộ ria rất đẹp đó!

Ông ta đã cố tình nhấn mạnh đến cái tên. Cô ấy xem ra lơ đãng tới mức ông tự hỏi cô ấy có để ý tới ông đang nói không.

Người con gái, bỗng giật mình ngạc nhiên.

– Vì sao ông lại biết tên tôi?

– Đúng là cô đã không công bố nó cho người gia nhân khi cô tới thăm tôi.

– Vì sao ông lại biết được nó? Ai đã nói với ông?

Ông để ý thấy vẻ sợ hãi của nàng.

– Một người bạn tôi đã nói cho tôi biết. Những người bạn thường khi có ích lợi như vậy đó.

– Người nào vậy?

– Cô vốn ưa giấu kín những điều bí mật riêng của mình, vậy thì cô cho phép tôi cũng làm như vậy nhé!

– Tôi không biết làm sao ông lại tìm ra được nó?

– Tôi là Hercule Poirot, ông đáp với niềm tự hào quen thuộc.

Ông ngồi đó, bình tĩnh, chờ cho cô ta bày tỏ những ý kiến của mình.

– Tôi… cô bắt đầu. Ông muốn nghe không…

– Tôi biết rằng chúng ta đã không đi xa, cái sáng hôm đó. Cô làm tôi phải ngạc nhiên vì cho tôi biết rằng cô đã phạm vào một vụ án mạng.

– Ồ! Cái đó!

– Vâng, thưa cô, cái đó.

– Nhưng… thực tình tôi đã không nghĩ như vậy. Tôi đã không muốn nói ra điều đó. Đó chỉ là một câu nói đùa mà thôi.

– Thực vậy ư? Cô đã tới tìm tôi vào buổi sáng thật sớm, nói đúng hơn, đó là vào giờ ăn điểm tâm. Cô nói với tôi rằng cô cần gặp tôi thật khẩn cấp vì cô nghĩ là mình đã phạm vào một vụ án mạng, và cái đó chỉ là để nói đùa sao?

Một cô phục vụ đã đi rảo xung quanh họ từ một lúc, xem xét Poirot, lại gần nhà thám tử và chìa ra cho ông một cái tàu nhỏ bằng giấy, giống như loại người ta cho bọn trẻ con chơi.

– Thưa ông, ông là ông Poirot? Một quí bà đã gửi lại ông.

– À! Đúng rồi. Nhưng cô làm sao biết được đúng tôi?

– Quí bà đó cho tôi biết chỉ cần tìm bộ ria mép của ông thì sẽ thấy. Bà ấy đã nói là bà chưa hề thấy bộ ria nào như vậy. Và quả thực là như thế – cô này nói thêm, mắt ngắm vào đôi ria.

– Ra vậy, cám ơn nhiều.

Poirot cầm lấy cái tàu, dở nó ra và vuốt thẳng nó trước khi đọc vài hàng viết thấu. “Hắn đã đi khỏi! Cô gái còn ở lại, vì thế tôi giao ông theo dõi cô ấy. Ariande.”

– Ừ, ừ… – ông xếp lại tờ giấy và cất nó vào trong túi – Chúng ta đang nói về chuyện gì nhỉ? Thưa cô Restarick, phải chăng về tính hay nói đùa của cô?

– Ông đã biết rõ tên tôi… hay ông đã biết rõ những gì về tôi?

– Tôi có biết được một số chi tiết. Cô là cô Norma Restarick, địa chỉ ở Luân Đôn là số 67 Borodene Mansions, và địa chỉ thường xuyên là tại Crosshedges, Long Basing. Cô đang sống ở đó với cha cô, bà dì ghẻ cô và một ông chú nội nữa… A! và còn một cô gái nhỏ làm việc đi kèm. Cô thấy đấy, tôi đã được thông tin khá đầy đủ phải không?

– Ông đã đi theo tôi?

– Không, không. Không hề như vậy. Tôi long trọng thề như vậy.

– Nhưng ông đâu thuộc lực lượng cảnh sát?

– Không, tôi không thuộc về cảnh sát.

Nỗi nghi ngại của cô gái đã biến mất.

– Tôi thật không biết mình phải làm gì bây giờ nữa, cô thú nhận.

– Tôi không thúc ép cô phải sử dụng tôi vì cô đã nhận xét là tôi đã quá già. Có thể là cô đã có lý, nhưng vì tôi đã biết rõ cô là ai và cũng biết được nhiều điều liên quan tới cô, tôi nghĩ là không có gì ngăn cản chúng ta sẽ trao đổi với nhau như hai người bạn về các vấn đề đã gây phiền muộn cho cô. Những người già – cô đừng nên quên điều này – nếu họ được coi là không còn khả năng hành động nữa thì họ cũng có một kho kinh nghiệm lớn mà ta có thể khai thác được.

Norma tiếp tục nhìn kỹ ông, vẻ ngập ngừng, với cái nhìn đã làm ông Poirot day dứt trong lòng. Tuy nhiên, người ta có thể đoán ra được rằng cô ấv đã bị dồn vào cuối đường rồi và rất muốn bày tỏ nỗi lòng với ai đó. Poirot vẫn luôn luôn là một người mà người ta muốn thổ lộ.

– Họ cho rằng tôi bị điên, bỗng nhiên cô gái tuyên bố. Và… tôi bắt đầu tin là họ nói không sai.

– Rất hấp dẫn đó, Poirot nhận xét, giọng vui vẻ. Vậy thì, chúng ta tạm cứ công nhận rằng cô điên, hoặc cô có vẻ như vậy, hoặc là cô tưởng rằng mình thì đã bị điên. Có khả năng là cô đã điên thực sự: điều đó không có nghĩa là cái bệnh đó đã không có thuốc chữa khỏi. Đó là một sự suy yếu mà một số lớn người ngày nay đang mắc phải, và người ta đã chữa chạy tốt lắm. Nguyên nhân là, tùy theo từng trường hợp, vì tinh thần bị quá căng thẳng, vì sầu muộn quá nhiều, vì sự cố gắng về trí óc triền miên, vì một sự nhạy cảm quá mức, có thể là một niềm tin về tôn giáo quá cuồng nhiệt, hoặc vì một thói vô thần trầm uất. Cũng có thể là sự suy nhược này đơn giản chỉ do một nỗi thất vọng về tình cảm mà thôi.

– Tôi có một người dì ghẻ. Tôi căm thù bà ấy và tôi tin rằng mình cũng căm thù cả cha đẻ của mình nữa. Như vậy là quá nhiều, phải không ông?

– Căm thù một người nài đó cũng là một tình cảm bình thường mà thôi. Tôi giả thiết là cô đã rất gắn bó với mẹ đẻ của mình phải không? Bà ấy đã chia tay với cha cô hay đã chết rồi?

– Bà ta đã chết, từ hai hay ba năm nay.

– Cô yêu bà lắm phải không?

– Tôi nghĩ là như vậy. Tôi muốn nói tất nhiên là vậy rồi. Cha tôi đã đi qua Nam Phi khi tôi mới lên năm hay sáu tuổi. Tôi nghĩ rằng, thời kỳ đó, ông rất muốn ly dị, nhưng mẹ tôi luôn luôn từ chối. Ông ta vẫn gửi thư cho tôi nhân dịp lễ Noel và gửi cho tôi một món quà hay nhờ người mang tới. Tất cả gần như chỉ có vậy. Vì thế, ông xem ra như không tồn tại trong con mắt của tôi. Ông đã trở về cách nay khoảng một năm, vì các giấy tờ của ông bác tôi cần được giải quyết. Và… ông… ông… đã mang theo về một người vợ mới.

– Và điều đó không làm cô thích thú?

– Đúng vậy.

– Nhưng mẹ cô đã chết vào thời đó rồi. Vậy đâu có gì là bất bình thường khi một người đàn ông cưới vợ lại, nhất là bà vợ ông và ông đã sống ly thân với nhau trong nhiều năm rồi. Người phụ nữ mà ông đã mang về, có phải là người ông định cưới khi mẹ cô không ly dị không?

– Ồ! Không. Cô này rất trẻ. Cô ấy rất đẹp và cư xử như cha tôi đã thuộc về cô ấy vậy!

Sau khi im lặng một chút, cô gái nói thêm với một giọng hoàn toàn như trẻ con:

– Tôi nghĩ rằng lần này ông đã trở về để chăm lo cho tôi, có thể là vậy, và… nhưng cô ấy là người đã ngăn cản. Cô ấy chống lại tôi. Cô ấy đã buộc tôi phải bỏ nhà mà đi.

– Nói thật giữa chúng ta với nhau, điều này không có chút gì là quan trọng cả, với cái tuổi của cô. Cô đâu còn cần có ai để hướng dẫn mình nữa. Cô có thể tự do hưởng thụ cuộc đời, chọn lấy bạn cho mình…

– Ông đã không nghĩ được những gì mà họ đã nói về gia đình tôi đâu!

– Những cô gái trẻ ngày nay phải chịu đựng những lời phê bình của những cô bạn mình.

– Mọi thứ đều khác hẳn. Cha tôi không còn giống như kỷ niệm mà tôi đã giữ về ông nữa, khi ông đi xa chúng tôi. Hồi đó ông có thói quen là chơi đùa với tôi suốt ngày và ông đã tỏ ra rất vui vẻ… Ngày nay, ông không còn vui vẻ như vậy nữa! Ông đã tỏ ra luôn luôn lo sợ và thô bạo, và… khác hẳn trước.

– Trong mười lăm năm, mọi việc đều đã thay đổi mà!

– Nhưng… tới mức như vậy sao?

– Cô muốn nói về mặt hình thức à?

– Không, không, không phải về vấn đề đó đâu! Ồ! Không! Nếu ông được thấy tấm hình của cha tôi đặt sau bàn viết ấy, dù cho nó đã có từ khi ông ta còn trẻ, thì ông sẽ nhận ra ông ngay. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy ông ta không còn như trước.

– Nhưng cô thân mến, Poirot thầm thì với giọng nói dịu dàng, cô đã đến tuổi hiểu rằng người ta không thể giống những hình ảnh mà ta nhớ về họ sau nhiều năm qua. Thời gian trôi qua, nhưng cô vẫn nhớ lại họ theo ý cô mong muốn. Óc tưởng tượng của cô đã đánh lừa cô mà cô không ngờ tới.

– Ông tin vậy sao? Thành thực chứ?

Nàng lặng im một lát rồi bỗng nhiên đặt câu hỏi:

– Vì sao ông lại nghĩ rằng tôi muốn giết người?

Poirot thầm nghĩ, cuối cùng họ đã đến được điểm mấu chốt.

– Đó có lẽ là một câu hỏi rất lý thú và nó chứa đựng một lý do cũng rất là lý thú. Con người duy nhất có đủ khả năng trả lời phải là một bác sĩ.

Norma phản ứng sôi nổi.

– Tôi sẽ không đi khám bác sĩ! Không khi nào! Họ muốn đưa tôi đi tới một ông và nếu vâng lời họ, tôi sẽ bị nhốt vào một nơi mà không bao giờ được thả ra nữa.

Nàng động đậy, tìm cách đứng dậy.

– Tôi không phải là người sẽ gởi cô tới bác sĩ. Cô không cần phải sợ hãi. Nếu muốn, cô có thể tự mình lo liệu. Cô hãy tới thăm một chuyên gia tâm lý, lập lại với ông ta tất cả những gì mà cô đã kể cho tôi, hỏi ông ta vì sao cô lại suy nghĩ như vậy? Có thể ông ta sẽ giải thích cho cô.

– Đó cũng là điều mà David đã khuyên tôi, nhưng tôi không tin rằng… tôi không tin rằng anh ấy đã hiểu sự việc. Tôi phải nói với bác sĩ rằng… rằng tôi đã có thể thử làm những điều…

– Cái gì đã thúc đẩy cô tin tưởng vào điều đó?

– Tôi không nhớ rõ tất cả các hành động của mình. Hay nhớ được cái nơi mà tôi đã đi tới Tôi lãng quên mất một tiếng đông hồ đã làm gì, hay hai tiếng… và tôi không thể nào nhớ lại nổi. Có một lần, tôi đã ở trong một cái hành lang… một hành lang trước một cánh cửa, cánh cửa của căn phòng cô ấy. Tôi cầm một cái gì trong bàn tay nhưng không biết vì sao tôi có cái đó. Cô ta đi tới gần tôi… nhưng một khi đã tới gần tôi, bộ mặt của cô ta vụt thay đổi. Không còn là cô ta nữa, không còn một chút nào cả. Cô ta đã trở thành một người khác.

– Chắc cô đang bị ám ảnh bởi một cơn ác mộng? Những con người mà chúng ta quen biết cũng có lúc thay đổi vẻ bên ngoài.

– Đó không phải là một ám ảnh. Tôi đã nhặt lên một khẩu súng. Nó nằm dưới chân tôi.

– Trong một hành lang.

– Không, trong một cái sân. Cô ta đã đi tới nắm hai bàn tay tôi.

– Ai?

– Claudia. Cô ta đã buộc tôi phải đi lên trở lại căn hộ và cho tôi uống một thứ nước chua chua…

– Bà dì ghẻ cô lúc đó đang ở đâu?

– Cũng ở tại đó, bà cũng ở đó… Không, tôi đã lầm rồi. Bà ở tại Crosshedges hay tại bệnh viện. Tại đó, người ta phát hiện ra rằng bà ta đã bị đầu độc… bởi tôi.

– Không nhất thiết như thế. Có thể là một người không phải là cô.

– Ai?

– Có thể là… chồng của bà ấy.

– Cha tôi ấy à? Vì sao cha tôi lại đầu độc Mary? Ông ta rất chung thủy với bà ấy.

– Trong ngôi nhà, còn có ai ngoài cha cô không?

– Ông chú nội Roderick, thật nực cười.

– Ai biết đâu? Ông ta có thể hành động mà không suy tính, cứ tin tưởng rằng nhiệm vụ của mình là trừ bỏ một người phụ nữ bị ông xem như là một nữ gián điệp xinh đẹp, cô nghĩ sao?

– Thật là lý thú. Tôi biết rằng ông chú nội Roderick đã có nhúng tay vào các câu chuyện gián điệp trong thời kỳ chiến tranh. Còn ai nữa? Sonia? Tôi nghĩ rằng cô này cũng có thể được xem là một nữ gián điệp thực sự. Tuy nhiên, cô không thích hợp với vai này.

– Không, và tôi cho rằng cô ta không có lý do gì để loại trừ bà dì ghẻ của cô cả. Và những người giúp việc?

– Họ chỉ tới vào ban ngày thôi. Tôi không tin là…

– Bà ta có thể tự đầu độc?

– Tự tử à?

– Có khả năng.

– Tôi không hình dung Mary lại tự tử. Bà ta còn đầy đủ lý trí. Và lại nữa, bà làm vậy vì lý do gì?

– Cô có cảm giác rằng nếu muốn tự tử, bà ta sẽ đút đầu vào cái lò ga, hay nằm dài trên giường sau khi đã uống một liêu lớn thuốc ngủ. Đúng vậy chăng?

– Theo ý tôi, điều đó phù hợp với tính khí của bà hơn. Do đó, ông có thấy rằn g ngoài tôi ra không còn ai nữa?

– Tôi đang chú ý nhiều tới điều đó. Cô muốn tôi nghĩ cô là thủ phạm. Cái ý tưởng rằng chính bàn tay cô đã đổ liều thuốc giết người đang làm cô say mê.

– Vì sao ông lại đưa ra một nhận xét như vậy?

– Bởi vì tôi nghĩ rằng đó là sự thật. Xin cô vui lòng cho tôi biết rõ vì sao việc cô dính líu vào một vụ án mạng lại kích thích cô như vậy?

– Điều đó không đúng!

– Tôi đang tự hỏi…

Cô ta nắm lấy cái túi xách tay và thọc các ngón tay bồn chồn vào trong đó.

– Tôi sẽ không ngồi lại đây để nghe những điều phi lý như vậy nữa.

Cô ta ra hiệu cho người nữ phục vụ đem bảng tính tiền lại.

– Xin phép cô, Poirot nói.

Bằng một cử chỉ lanh lẹn, ông cầm lấy tờ giấy và đặt bàn tay vào túi mình. Người con gái giật lại tờ giấy trong tay ông, đỏ mặt vì tức giận.

– Tôi không thể để ông trả tiền cho tôi!

– Nếu cô muốn vậy.

Ông còn đủ thì giờ xem điều mình đang quan tâm. Bảng tính tiền cho cả hai. Chàng David bảnh trai đã để cho cô gái si tình phải thanh toán tiền ăn uống của mình.

– Vậy là cô bao cho một người bạn trai à?

– Làm sao mà ông biết được rằng tôi đã ngồi với ai đó?

– Cô thấy đấy, tôi biết khá nhiều chuyện.

Cô ta đặt tiền lên mặt bàn và đứng dậy.

– Tôi đi đây và cấm ông không được đi theo tôi.

– Tôi không chắc sẽ làm được điều đó. Cô cần nhớ tới tuổi tác của tôi đã cao rồi. Nếu tôi muốn chạy trên đường, thật tình tôi không thể nào bắt chước cô được.

Cô ta đi về phía cửa ra vào.

– Ông hiểu rồi chớ? Không được đi theo tôi!

– Ít nữa cô cũng cho phép tôi được mở cửa hầu cô chớ?

Ông xin lỗi bằng một cử chỉ duyên dáng.

– Xin chào cô.

Cô ta nhìn ông với một cách nghi ngờ và đi ra, sải bước, thỉnh thoảng quay đầu lại nhìn. Poirot đứng ở cửa ra vào, nhìn cô, không tìm cách đi theo. Khi cô đã khuất dạng, ông trở vào tiệm cà phê.

– Những điều này có ý nghĩa quỷ quái gì? Ông lầm bầm.

Cô nữ phụ vụ lại gần ông, vẻ bất bình.

Người thám tử nhỏ con trở lại chỗ ngồi và xoa dịu cô bằng cách gọi một tách cà phê.

– Trong này có một cái gì không ổn, ông nghĩ. Thật là lạ.

Một tách chất lỏng màu be lạt được đặt trước mặt ông. Ông hớp một hụm và nhăn mặt.

Ông tự hỏi, vào giờ này cái bà Oliver hiện đang ở đâu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.