Cô Gái Thứ Ba

Chương 15



Poirot rất ít khi dùng tới cái chìa khóa căn hộ của mình. Theo một thói quen cố hữu, ông bấm chuông và đợi cho người phục vụ George ra mở cửa. Lần này ông từ bệnh viện trở về, cô Lemon lại là người mở cửa.

– Thưa ông, ông có hai người khách – cô nói. Quí ông Goby và một quí ông khác đã hơi có tuổi, đó là Sir Roderick Horserfield. Ông muốn gặp ai trước?

– Sir Roderick Horsefield.

Ông suy nghĩ một lát, cái đầu nghiêng về một phía giống như một con chim sơn ca một cách lạ kỳ, tự hỏi làm cách nào mà cuộc viếng thăm này có thể ghi vào trong bản danh sách chung của tình hình. Ông Goby hiện diện theo cách của ông, tức là thò cái đầu qua cửa ra vào phòng làm việc của cô thư ký.

Poirot trao cho cô Lemon cái áo măng-tô của mình và ông Goby đứng dựa vào tường.

– Tôi sẽ uống một tách trà với George trong nhà bếp. Tôi có nhều thời gian. Tôi sẽ đợi.

Ông ta biến mất và Poirot đi vào trong phòng khách, nơi mà Sir Roderick, tràn đầy hưng phấn, đang đi bách bộ.

– A! A! Tôi đã khám phá ra nơi trú ẩn của ông, ông bạn ạ! Ông ta nói. Điện thoại là một phát minh thật là kỳ diệu.

– Cụ đã nhớ tên tôi? Tôi rất hãnh diện.

– Thực ra… không hẳn như thế. Nhớ tên không phải là điểm mạnh của tôi đâu, ngược lại, tôi không quên một gương mặt, ông ta tuyên bố dầy hãnh dện. Không, tôi chỉ đơn giản là hỏi thăm Scotland Yard (Sở Liêm Phóng Anh – ND ).

– Ồ!… Poirot hơi lúng túng, mặc dù trong thâm tâm, ông phải thừa nhận là một hành động như vậy phù hợp với tánh nết của Sir Roderick.

– Người ta đã hỏi tôi muốn nói tới ai và tôi đã nhấn mạnh rằng mình muốn gặp ông trùm. Trong cuộc đời, thường phải làm như vậy đó, bạn ạ! Đừng bao gờ tiếp xúc với những người thứ yếu, chẳng đi tới đâu cả! Tôi luôn luôn nói: “Phải đi thẳng tới trên cao”. Đáng nói là tôi đã báo cho họ biết tôi là ai, và tôi đã không phải đợi lâu mới có kết quả mong muốn. Một vị công chức rất đáng mến, thực tình là vậy…. Tôi đã nó rằng tôi cần biết địa chỉ một người của “Allied Interlligence” (cục tình báo của Đồng minh – ND), người đã ở tại Pháp trong một thời gian. Tôi phải thú nhận, trong một lúc ông ta đã mất phương hướng. Tôi đã trợ giúp ông bằng cách nói: “Ông biết không?… Một người Pháp, nếu không thì đó cũng là một người Bỉ, phải không? Tên của ông ấy như là Achille… Một người đàn ông nhỏ bé với bộ râu to đùng”. Người công chức đã hiểu và cam đoan với tôi rằng địa chỉ của ông chắc chắn là có ghi lại trong sổ. Tôi đã trả lời với ông ta không chắc là có kết quả gì đâu vì tôi nghi ngờ rằng ông đã đơn giản lấy tên là Achille hay Hercule. Cuối cùng, ông ta đã nêu cho tôi tên thật của ông. Và đã cho tôi địa chỉ của ông. Theo tôi, đó là một con người rất đáng mến.

– Tôi rất hân hạnh được tiếp kiến cụ, Poirot đáp, nhẩm tính nhanh về người đưa tin cho Sir Roderick và về điều mà ông cụ có thể nói ra, trong lần đi thăm sắp tới của cụ tới Scotland Yard. May thay, rất ít có cơ may là Sir Roderick sẽ gặp “ông Trùm Bự”. Cụ sĩ quan già này có lẽ đã liên lạc được với ai đó quen biết Poirot và nhiệm vụ của người này là phải tỏ ra thật lễ phép đối với những người thuộc về một thế giới khả kính.

– Dù sao tôi cũng tới đây, không có khó khăn gì, ông khách nhấn mạnh.

– Cụ làm cho tôi rất lấy làm hân hạnh. Cho phép tôi được mời cụ một chút gì để giải khát. Nước trà, uýt-ki và sô-đa, xi-rô lựu…?

– Trời ơi! Không – Sir Rodirick phản đối vì xi-rô lựu không hấp dẫn. Tôi thích chút uýt-ki hơn. Đáng lẽ tôi không nên uống rượu, nhưng các thấy thuốc đều là những con lừa, phải không ông? Việc làm duy nhất của họ là cấm chúng ta chạy theo những thú vui nho nhỏ mà thôi.

Poirot bấm chuông gọi George và một lát sau, rượu uýt-ki và bình nước xô-đa đã được đặt gần ông già. Khi người phục vụ đã rút lui, Poirot hỏi:

– Nào… tôi có thể làm gì cho cụ được đây?

– Tôi có một công chuyện muốn giao cho ông, ông bạn ạ!

Sir Roderick dường như đã tin chắc vai trò quan trọng mà Poirot đã thực hiện bên cạnh ông cụ trong cuộc chiến tranh. Một niềm tin làm người thám tử rất hài lòng, nghĩ rằng nó có thể đóng một vai trò gì đó trong các mối quan hệ tương lai với người cháu của ông cụ, Andrew Restarick.

– Những giấy tờ, ông Horsefield thì thầm. Tôi đã đánh lạc mất những giấy tờ và nhất thiết tôi phải tìm cho ra chúng. Tôi đã cho rằng đó là vì những con mắt của tôi không còn tốt như ngày xưa và vì ký ức của tôi cũng không còn hoạt động tốt như trước. Vì vậy, tốt hơn hết là tôi nên nhờ vào một chuyên gia. Ông đã tới chỗ ông cần đến, hôm trước đúng lúc để giúp đỡ tôi, bởi vì tôi rất cần phải tìm được các giấy tờ. Ông hiểu không?

– Vâng, tôi hiểu… Nhưng đó là những cái gì vậy?

– Thực sự, tôi đã nghĩ là ông muốn đi tìm chúng thì trước hết ông phải có được những thông tin về chúng. Chú ý là chúng vô cùng quan trọng và tối mật đấy… Ít nữa cũng đã có một thời như thế và dường như chúng cũng sẽ như thế trong tương lai. Những bức thư, ông bạn ạ… quan trọng, vì rằng nền chính trị đổi thay rồi. Ông có nhớ hồi chiến tranh mới bắt đầu không? Không ai biết mình phải tin vào ai cả. Một lần chúng ta là bạn của những người Ý và tới lần sau thì ta đã bắn vào họ. Trong cuộc chiến tranh lần thứ nhất, người Nhật là “những đồng minh thân thiết” của chúng ta và trong cuộc chiến tranh lần sau, họ làm nổ tung Trân Châu Cảng! Thật khó lòng hiểu nổi nữa! Người ta đã bắt đầu với những người Nga, và chúng ta đã kết thúc với họ theo một cách hoàn toàn trái ngược lại. Không bao giờ có cùng một loại người, từ một cuộc chiến tranh này tới một cuộc khác.

– Và ông đã làm mất nhữnng giấy tờ quan trọng? Poirot hỏi, nhắc ông già mục đích cuộc viếng thăm của ông ta.

– Phải. Tôi có rất nhiều giấy tờ và gần đây, có lấy chúng ra. Chúng đã được cất rất an toàn trong một ngân hàng. Tôi lấy chúng ra để viết hồi ký. Không có lý do gì khiến tôi lại không có được thú vui này. Ngày nay, mọi người đều làm như thế cả. Chúng ta đã có Montgomery Alanbrooke và cả Auchinleck, họ đã nói lên những gì họ đã nghĩ về những viên tướng khác. Chúng ta lại còn có ông già Moran (Sir Moran là thầy thuốc của W. Churchill), một người bác sĩ đáng kính đã công bố những điều bí mật về vị bệnh nhân quan trọng của mình. Vậy đó… Tôi đã nghĩ là sẽ rất lý thú nếu tôi kể lại một số câu chuyện về những nhân vật mà tôi đã biết. Tại sao lại không nhỉ? Tôi đã dính vào các chuyện đó cơ mà.

– Tôi tin là mọi người sẽ rất quan tâm. A! A! Tất nhiên rồi! Người ta khâm phục những người đã được báo chí nhắc tới, những người đó đã được công chúng kính trọng. Không ai biết được rằng, họ thực sự đều là những thằng ngu ngốc có cỡ. Riêng tôi, tôi có những bằng chứng. Trời! Những lầm lẫn mà những tên “To Đầu” đã phạm phải… không tưởng tượng nổi! Vậy là, tôi đã rút những giấy tờ đó ra và cô gái nhỏ đã giúp tôi sắp xếp chúng lại. Một cô gái nhỏ, khá là thông minh… Cô ấy không biết rành tiếng Anh, nhưng ngoài việc đó ra thì cô rất có ích cho tôi. Tóm lại, chúng tôi, mặc dù đã lục tung mọi nơi, những giấy tờ quý giá ấy đã biến mất.

– Thực thế à?

– Thực thế! Chúng tôi đã kiểm tra nhiều lần và tôi có thể khắng định với ông, ông Poirot, là nhiều tài liệu đã bị lấy mất. Chúng không có gì là quan trọng lắm, nếu không, người ta đã không cho phép tôi được giữ chúng.

– Thưa ông Sir Roderick, tôi có thể là hơi tò mò. Ông có thể cho tôi biết rõ hơn về tính chất của những bức thư đó được không ạ?

– Không thể được. Ông bạn ạ. Tôi chỉ cho ông biết hướng đi tìm ra chúng mà thôi, bằng cách nói với ông rằng việc này liên quan tới một kẻ đang huênh hoang về những chiến công tưởng tượng của gã, vào thời gian này, và những bức thư đó có thể chứng minh rằng hắn đã nói láo. Tuy nhiên, tôi không chắc người ta sẽ cho phép tôi công bố chúng ngay, nhưng… chúng ta có khả năng, ví dụ, gởi một bản sao cho gã khoác lác đó và có thể điều đó sẽ làm cho hắn ta phải cụt hứng? Tôi không cần phải nói gì thêm. Ông cũng đã quen với loại công việc này rồi chứ?

– Tôi hoàn toàn thông suốt những gì mà cụ đã nói. Nhưng xin cụ hiểu cho rằng thật không dễ dàng chút nào mà tìm được những gì người ta mù tịt về tính chất của nó, và ai là người quan tâm tới nó.

– Đầu tiên, tôi cần biết xem a là người đã lấy chúng, bởi vì, ông thấy đấy, đây là điều quan trọng nhất. Bộ sưu tập của tôi có lẽ còn bao gồm nhiều giấy tờ quan trọng khác và tôi muốn tìm hiểu xem ai là người muốn đụng đến chúng.

– Cụ có nghi nghờ cho ai không?

– Ông muốn nói là tôi phải nghi ngờ ai đó?

– Thực tình…

– Ông muốn tôi buộc tội cô gái nhỏ hả? Vậy thì, tôi nghĩ rằng không phải là cô ấy. Vả lại, cô ấy cũng đã khẳng định với tôi là không phải cô và tôi tin cô ấy. Ông hiểu chớ?

– Có. Poirot thở dài. Tôi hiểu.

– Đầu tiên là cô ấy còn quá trẻ. Cô ấy không thể biết rằng những bức thư đó quan trọng tới mức nào. Những điều như vậy quả thật là quá già đối với cô ta.

– Có một ai đó đã báo cho cô ấy về giá trị của chúng? Poirot gợi ý.

– Ừ, ừ, có thể khá đúng như vậy. Nhưng điều đó sẽ lộ ngay lập tức.

Poirot thở dài. Ông không tin mình có khả năng thắng được tính thiên vị của cụ Horsefield.

– Ai khác có thể tiếp cận được với giấy tờ của cụ?

– Tất nhiên là Andrew và Mary. Nhưng tôi không nghi ngờ là Andrew đã quam tâm tới. Tôi có thể khẳng định rằng, dù gì, cậu ta cũng là một người đàn ông đứng đắn. Quả thực là tôi đã không bao giờ biết rõ cậu ta, cả bà vợ của cậu ấy cũng vậy. Nhưng không thể nào nghĩ rằng một con người như cậu ấy lại là một tên gián điệp. Còn về Mary, cô ấy chỉ biết lo tới hoa hồng mà thôi. Ngoài họ ra, còn có một người làm vườn, nhưng ông cụ đã tám mươi ba tuổi và luôn luôn sống trong cái làng ấy mà thôi. Đối với hai người đàn bà cho máy hút bụi chạy suốt cả ngày thì cũng như vậy thôi. Ông đã nhận rõ là chỉ có một con người lạ đối với gia đình. Tất nhiên, Mary đeo một mái tóc giả – bỗng nhiên cụ nói như vậy. Người ta nghĩ rằng điều đó đã làm cho cô ta có vẻ khả nghi, nhưng đã có một cách giải thích thật là đơn giản. Cô ta đã bị rụng rất nhiều tóc vào tuổi mười tám, sau một cơn sốt. Đó là một điều đáng buồn đối với một phụ nữ còn trẻ. Ban đầu, tôi đã không để ý tới, nhưng rồi có một hôm, mái tóc cô đã vướng vào một cái bụi và đã mắc kẹt tại đó. Phải, thật đáng buồn cho cô ta…

– Quả là tôi cũng thấy có một cái gì lạ lùng trong cái cách bà ấy sắp xếp mái tóc của mình. Poirot thừa nhận.

– Vả lại gián điệp sành sỏi không đeo tóc giả. Sir Roderick thông tin cho Poirot. Những người đó đã nhờ cậy vào giải phẫu thẩm mỹ… Dù sao thì cũng đã có một kẻ nào đó đã thọc mũi vào các tài liệu của tôi.

– Cụ không giả thiết rằng, vì nhầm lẫn, cụ đã xếp chúng vào một nơi khác chăng… Ví dụ, một cái ngăn kéo nào đó chẳng hạn? Hay một hộc tủ… Cụ đã trông thấy chúng lần cuối vào khi nào?

– Cách đây độ một năm. Lúc đó tôi đã tính tới việc viết một bài dài và khi nghiên cứu chúng, tôi đã khám phá ra các bức thư quan trọng này. Bây giờ thì chúng đã biến mất rồi.

– Cụ đã không nghi cho người cháu mình là ông Andrew, cả bà vợ của ông ta và Mary, cũng không cho những người giúp việc. Thế còn cô con gái của gia đình?

– Norma! Theo ý tôi, nó hơi khùng. Tôi đã nghĩ đến khả năng một người bị kích động ăn cắp một cách vô ý thức, nhưng tôi không tin là nó lại đi lục lọi vào các việc làm của tôi.

– Vậy thì là ai?

– Ông đã xem ngôi nhà rồi. Ông đã biết rằng bất cứ ai cũng có thể vào ra tùy thích, vì các cửa ra vào không bao giờ khóa lại.

– Cụ cũng không khóa bàn làm việc của cụ… ví dụ, khi cụ đi Luân Đôn chẳng hạn?

– Không bao giờ ý nghĩ đó thoáng qua trong trí óc tôi cả. Giờ thì khác hẳn, nhưng… đã quá muộn rồi. Theo ý tôi, tên ăn cắp đã từ ngoài vào. Vụ mất cắp đã xảy ra như vậy đó. Một tên đã đi vào trong nhà chúng tôi, bình yên leo lên gác, mở tất cả cánh cửa, nhặt các đồ nữ trang và đi ra, không ai nghĩ tới việc hỏi tên hắn cả. Có khả năng đó là một tên bụi đời với mái tóc dài và những móng tay dơ bẩn. Tôi đã nhìn thấy một tên như vậy vào nhà chúng tôi. Người ta đã không dám hỏi hắn: Ngươi là con quỉ gì vậy? Bởi vì rất khó phán đoán xem mình đang gặp một phụ nữ hay một nam giới, và cảm thấy lúng túng. Tôi đoán đó là bạn của Norma. Vào thời tôi, chúng không bước được qua ngưỡng cửa nhà chúng tôi. Và nếu ông tìm cách tống cổ thẳng tay bọn chúng thì ông bỗng nhận ra rằng mình đã đụng đến tử tước Endersleigh hay quí bà Charlotte Marjoribanks! Ô! Vậy đó, thế giới đã đổi thay rồi… – Cụ suy nghĩ thêm một lát trước khi kết luận – Nếu có ai đó có thể khám phá ra ngọn nguồn của sự việc thì người đó đúng là ông, Poirot ạ!

Cụ nuốt ngụm úyt-ky cuối cùng rồi đứng dậy.

– Đó! Tôi đã giải thích tất cả với ông rồi! Ông lo việc này chứ?

– Tôi sẽ làm hết sức mình.

Hai người nghe tiếng chuông kêu ở cửa ra vào.

– Đó là cô gái nhỏ, Sir Roderick nói – Luôn luôn đúng hẹn! Tuyệt phải không? Tôi không thể di chuyển trong Luân Đôn này mà không có cô ta. Tôi cận thị như một con chuột nhũi, ông bạn ạ!

– Cụ không mang kính sao?

– Tôi có một đôi, nhưng cặp kính này cứ rơi khỏi lỗ mũi và tôi đã để lạc đâu mất rồi! Tôi ghét các loại này. Vào tuổi bảy mươi tôi còn đọc được, không khó khăn gì, như vậy là tốt quá rồi, phải không?

– Không có điều gì tồn tại mãi mãi.

George hướng dẫn Sonia vào. Cô rất đẹp và Poirot nghĩ rằng cái vẻ nhút nhát của cô đã rất phù hợp với cô.

Nhà thám tử vội vàng bước tới một cách rất lịch thiệp.

– Thưa cô, tôi rất hân hạnh, ông nói, nghiêng mình trên bàn tay của cô gái.

– Tôi không đến muộn chớ? Thưa Sir Roderick? Cô hỏi, hướng đôi mắt lo lắng nhìn ông chủ.

– Không muộn một phút nào, cô gái ạ! Sẵn sàng như một con tàu lúc nhổ neo, phải không?

Cô nhìn cụ, hơi thắc mắc.

– Cô đã ăn ngon chứ? Cụ nói thêm. Tôi đã dặn cô phải tìm cho được các loại bánh kem, tóm lại đó là thứ mà các cô gái rất thích. Cô có tuân lệnh của tôi không?

– Dạ không. Tôi đã lợi dụng những giờ phút được tự do để đi mua đôi giày. Xin ông hãy nhìn xem! Chúng có tuyệt không? Cô chìa đôi bàn chân ra.

Đúng là một đôi bàn chân nhỏ và thon. Sir Roderick nở một nụ một nụ cười thỏa mãn.

– Vậy, chúng ta phải đi xe lửa. Tôi rất là thủ cựu, nhưng đó là một phương tiện giao thông mà tôi ưa thích. Luôn luôn đúng giờ. Đi xe hơi, ta luôn luôn phải ngừng lại vì các xe khác và điều đó tốn thì giờ kinh khủng! Các loại xe hơi! A! Pu-a!

– Cụ có muốn tôi bảo George gọi cho cụ một xe tắc xi không?

– Tôi đã có một xe đang chờ, Sonia nó.

– Ông thấy không, Sir Roderick reo lên, cô ta đã nghĩ tới đủ mọi chuyện rồi.

Cụ vỗ nhè nhẹ vào lưng cô một cách trìu mến và cô ngước mắt nhìn ông cụ khiến cho Poirot xúc động.

Nhà thám tử dẫn hai người đi ra cửa ra vào, trong sảnh họ đụng phải ông Goby, trông giống hệt một người đi thu tiền khí đốt.

George đóng cửa sau khi hai người đã ra khỏi và quay người lại ông chủ.

– Anh nghĩ gì về cô gái này hả George? Nhà thám tử hỏi, ông thường đánh giá cao những lời nhận xét đúng đắn của người phục vụ.

– Quả thực, nếu ông cho phép tôi được phát biểu thì tôi sẽ nó là ông cụ rất gắn bó với cô gái.

– Tôi thấy anh đã nhận xét đúng.

– Một hiện tượng tự nhiên và thường xảy ra đối với các nhà quí tộc vào cỡ tuổi này. Tôi nhớ tới quí ông Lord Mountbryan. Ông đã có rất nhiều kinh nghệm với thiên hạ và đã được xem là một vị trí thức rất uyên bác. Tuy nhiên, ông sẽ ngạc nhiên khi biết được ông đã cho các cô gái xoa bóp cho ông những gì: áo buổi tối, vòng đeo tay có cẩn các hoa tai chuột bằng ngọc lam và kim cương, những tấm khăn choàng lông… Không phải loại thông thường mà là lông chồn trắng Nga, cả một cái túi xách tay cho buổi dạ hội bằng đăng – ten nữa. Sau đó, cô gái còn tiết lộ là người anh của cô đang gặp tai họa, một món nợ lớn và Lord Mountbryan đã cho tiền để trang trải nó… Cái ông anh chẳng bao giờ tồn tại đó! Vào tuổi này, những nhà quí tộc dường như đã mất hết tính hoà nghi. Các quí ông này thường bị thu hút bởi những người đàn bà có dáng e lệ, yếu đuối, và không thích những người phụ nữ tỏ ra biết tự lo liệu và không cần ai giúp đỡ cả.

– George, tôi không nghi ngờ gì là anh đã có lý nhưng đó không phải hoàn toàn là điều tôi muốn hỏi anh. Tôi muốn biết về nhận xét cửa anh đối với cô gái kia.

– Ồ! Thực tình… Tôi không chắc lắm, nhưng tôi sẽ nói đó là một loại người rất quyết tâm. Không có gì nhiều để nói về cô ấy nhưng tôi tin chắc rằng cô ta hoàn toàn biết mình phải làm gì để đạt được một mục đích đã được định sẵn từ lâu.

Poirot đi trở vào phòng làm việc, có ông Goby đi theo. Người đàn ông nhỏ con này ngồi lên một cái ghế theo một tư thế thường lệ: hai đầu gối khép lại và hai bàn chân hướng về phía trong. Ông rút cuốn sổ ra, cẩn thận giở từng trang và nhìn một cách nghiêm túc vào chai nước khoáng.

– Xin báo cáo về những thông tin mà ông đã bảo tôi đi kiểm tra.

“Gia đình Restarick: rất đáng kính. Người cha, James Patrick Restarick có uy tín là một nhà doanh nghiệp thành thạo. Công ty của ông ở trong gia đình từ ba thế hệ nay. Người ông đã thành lập, người cha đã phát triển và Simon đã giữ nó trong tình trạng cũ. Simon Restarick đã có nhiều phiền toái về sức khỏe. Ông ta suy sụp mau chóng và đã chết đi cách nay một năm rưỡi.

“Người em, Andrew vào làm việc ở công ty này một thời gian sau khi đã tốt nghiệp tại trường đại học Oxford. Ông ta đã cưới cô Grace Beldwin. Có một người con gái là Norman. Ông ta đã rời gia đình để đi Nam Phi. Một cô Birell đi theo ông. Không có thủ tục ly dị. Bà Andrew Restarick đã chết cách đây hai năm rưỡi. Bà ấy bị bệnh dài ngày. Cô Norma Restarick đã nội trú tại Meadowfield, trường Nữ học. Không có gì đáng nói về hạnh kiểm của cô ta.

Liếc nhìn nhanh Poirot, ông Goby nhận xét:

– Tóm lại, mọi thứ liên quan tới gia đình xem ra đều tốt và đúng luật.

– Không có con chiên ghẻ? Không một thứ bệnh tâm thần?

– Hoàn toàn là không.

– Đáng thất vọng, Poirot than.

Ông Goby không có bình luận gì. Ông tằng hắng giọng, thấm nước miếng vào một ngón tay và lật trang giấy trong cuốn sổ.

– David Baker. Hạnh kiểm đáng buồn. Hai lần đã bị quản thúc. Cảnh sát xem ra rất chú ý tới cậu ta. Liên quan tới những sự việc mờ ám, bị nghi là có tham gia vào một vụ ăn cắp tranh nhưng không có bằng chứng. Đã tham gia vào một băng các nghệ sĩ nghiệp dư. Không có phương tiện sinh sống rõ rệt, tuy nhiên cậu ta đã khéo xoay sở. Thích những cô gái có nhiều tiền, không ngại ngùng sống bám vào họ, những cô đã mê cậu. Cũng không từ chối để các ông cha trả tiền mong gã để yên các cô con gái của họ. Nếu ông tin nhận xét của tôi thì đó là một phần tử rất bất hảo, nhưng lại khá là thông minh để tránh được mọi sự rắc rối.

Bỗng nhiên Goby ngẩng đầu lên.

– Ông đã gặp y rồi thì phải?

– Rồi.

– Ông đã kết luận ra những điều gì, nếu tôi được phép hỏi như vậy?

– Những nhận xét giống như của ông. Một sản phẩm “cao cấp”

– Một tay đao phủ phá nát các trái tim. Đáng buồn là ngày nay, phụ nữ không nhìn tới những ai chịu khó làm ăn để sống, mà là chạy theo những tên mất dạy… Họ hay than: “Cái cậu tội nghệp đó đã có ít cơ may”.

– Ông có cho rằng cái gã David đó đã dùng một cái gậy để đánh người ta không?

Goby suy nghĩ và trả lời, mắt nhìn vào lò sưởi điện.

– Tôi chưa thể buộc tội gì. Tôi không nói là gã không có khả năng làm nhưng đó không phải là cách làm của gã. Chủ yếu đó là một tên lẻm mép, không phải là một tín đồ của bạo lực.

– Tôi cũng nghĩ như vậy đó. Ông có cho rằng y dễ dàng bị mua không?

– Gã bỏ rơi bất cứ cô gái nào nếu điều đó đem lại cho gã chút ít tiền.

Poirot gật đầu trong lúc trí nhớ trở về với ông. Khi ông Andrew Restarick giơ cho ông xem tập séc để biết chữ ký của mình, ông đã để ý tên người thụ hưởng. Đó là David Baker và số tiền khá lớn. David Baker dường như đã thuyết phục Norma cưới hắn nhưng hắn có thành thật không? Norma đã tin không còn nghi ngờ gì nữa, rằng chàng trai yêu nàng. Andrew Restarick, Goby và Hercule Poirot đều nghĩ ngược lại… và có nhiều khả năng là chính họ có lý.

Goby ho khẽ và nói tiếp:

– Cô Clauda Reece – Holland. Không có gì đáng chê trách cả. Cha là một thành viên của Nghị Viện, rất đáng kính trọng. Không có xì căng đan. Cô gái đã được giáo dục tốt tại Roedean (một trường tư thục ở gần Brighton), tại Lady Margaret Hall (trường phổ thông trung học cho nữ ở Cambridge) và theo học các lớp đào tạo thư ký ở Luân Đôn. Ban đầu làm việc cho một ông bác sĩ ở Harley Street, sau đó là Công ty Mỏ than. Một thư ký có năng lực. Cô đã làm việc cho Andrew Restarick từ hai tháng nay. Không có một mối quan hệ sâu sắc nào, chỉ có vài người bạn. Không có dấu hiệu nào sàm sỡ giữa cô và ông chủ. Ở trong một căn hộ tại Borodence Mansions đã ba năm. Tiền nhà khá cao, cô chia chi phí với hai cô bạn của mình, những cô gái mà thường cô tìm thấy ở các mục rao vặt. France Cary đã ở chung với cô này từ khá lâu. Đã học tại R.A.D.A. (Viện hàn lâm về nghành sân khấu), xong rồi học tại Slade (liên quan tới mỹ thuật). Hiện làm việc cho phòng tranh Vedderburne ở Bond Street, rất nổi tiếng. Cô Cary đã tổ chức những cuộc triển lãm tại Manchester, Birmingham, có khi tại ngoại quốc, cụ thể là Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha. Đó là một loại nghệ sĩ có rất nhiều bạn thuộc giới họa và kịch.

Ông nghĩ một chút rồi nói tiếp:

– Tôi đã không có được những thông tin cụ thể về Nam Phi và nghĩ rằng mình cũng không tìm hiểu nhiều được về hướng đó. Andrew Restarick hay thay đổi chỗ ở. Một người thích di động đã đi từ Ouganda ở Bờ Biển Vàng tới Nam Phi. Ông ta có đủ tiền để muốn đi đâu thì đi. Không một ai đã biết rõ ông ta, nhưng tất cả những người đã gặp, đều nhận xét đó là một con người dễ mến. Nhưng một khi đã lao vào cuộc phiêu lưu thì ông ta không còn giữ mối liên hệ nào với các bạn tình cờ đó cả. Tôi được biết rằng người ta đã tưởng ông ấy chết ba lần rồi… Ông đi vào rừng và chỉ xuất hiện lại vào sáu tháng sau đó. Năm vừa qua, người anh ông ta đã chết ở Luân Đôn. Lúc đó, thật khó mà tìm cho ra dấu vết của Andrew. Hình như cái chết này đã tác động mạnh tới ông ta. Ông ấy vừa cưới một phụ nữ trẻ hơn ông ta rất nhiều, một cô giáo, dường như thế. Có phải là ông ta bắt đầu thấy ngán cuộc đời lang thang rồi chăng? Dù sao, nghe tin về cái chết của người anh, ông đã quyết định trở về nước. Nói thêm là tài sản riêng của ông rất lớn, ông ta đã thừa kế của người anh vừa mới chết.

– Một câu chuyện hạnh phúc và một người con gái bất hạnh. Poirot nhận xét. Tôi rất muốn biết thêm về Norma và những người xung quanh đã có những tác động vào cô gái. Ông có chắc rằng gần đây, trong những người thân thuộc với cô ta, không có ai chết chớ? Rất quan trọng đấy…

– Không có một người nào. Cô gái làm việc cho một tiệm nào đó ở Homebirids… gần bị phá sản, nên được trả lương rất thấp. Người dì ghẻ vừa nằm bệnh viện… để theo dõi. Có nhiều tin đồn vô căn cứ.

– Bà ta đâu có chết! Cái mà tôi muốn, Poirot nói với giọng trịnh trọng, là một cái chết!

Goby tỏ ra lấy làm tiếc và đứng dậy.

– Trong lúc này, ông còn cần gì thêm nữa không?

– Không.

– Thưa ông, rất tốt – Khi nhét cuốn sổ tay vào túi, người đàn ông nhỏ con này nói thêm – Thưa ông, xin ông thứ lỗi, nếu tôi dính tới những điều không liên quan gì tới tôi… Cái cô gái trẻ vừa ở đây hồi nãy.

– Cô thư ký của Sir Restarick? Có gì vậy?

– Dạ tất nhiên, là không có gì liên quan tới cái vụ mà chúng ta quan tâm, tuy vậy, tôi nghĩ là tôi phải nói một câu về việc này…

– Ông cứ nói! Tôi hình dung ông đã gặp cô ta trước đây phải không?

– Đúng. Cách đây hai tháng.

– Ở đâu?

– Ở Kew Gardens.

– Kew Gardens à?

– Tôi không theo dõi cô ta. Tôi chỉ quan tâm tới người đến gặp cô ấy.

– Người đó là ai vậy?

– Thưa ông, tôi nghĩ rằng điều đó không có gì quan trọng… Người đó là một tùy viên sứ quán Herzégovine.

Poirot nhướng đôi lông mày lên.

– Này… này… khá lý thú đó. Kew Gardens… Một nơi gặp gỡ lý tưởng.

– Tôi cũng đã nghĩ vậy.

– Họ có nói chuyện với nhau không?

– Thưa ông, không. Ông không nghĩ rằng họ đã quen nhau đâu. Cô con gái, một cuốn sách cầm tay, đi tới ngồi nơi một cái ghế dài, đọc một lúc, rồi đặt cuốn sách xuống cạnh mình. Con chim kia bay tới và ngồi xuống cạnh cô gái. Họ không trao đổi với nhau một lời nào. Xong, cô ta đứng dậy và bỏ đi dạo. Người con trai đợi một chút nữa rồi cũng bỏ đi, cầm lấy cuốn sách mà cô gái đã để lại. Thưa ông, có như vậy thôi.

– Điều này làm tôi quan tâm rất nhiều đấy.

Goby ngước mắt nhìn vào cái kệ sách, nói lời chào tạm biệt rồi ông đi ra.

Poirot thở dài, bực tức.

– Thật là quá quắt! Rất quá quắt! Thế là giờ đây người ta đã mang tới cho tôi một câu chuyện gián điệp! Không phải là việc của mình! Cái mà mình tìm đơn giản chỉ là một vụ án mạng và mình bắt đầu nghi ngờ rằng vụ án mạng này chỉ xảy ra trong cái đầu của một cô nghiện ma túy mà thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.