Cô Gái Thứ Ba
Chương 19
Ông thanh tra trưởng Neele ngồi phía sau bàn làm việc, vẻ quan trọng và mực thước, chào lễ phép Poirot và chỉ cho ông một cái ghế ngồi. Ngay khi chàng trai đã đưa người khách vào vừa rút lui, thái độ của ông thanh tra liền thay đổi.
– Nào. Ông đang tìm gì vậy, anh sục sạo già kia?
– Ông đã biết rồi.
– Quả thật là đã tập họp được một vài sự kiện, nhưng tôi nghĩ không có gì nhiều cho ông về cái lỗ ấy.
– Vì sao ông lại nói đến cái lỗ?
– Bởi vì ông giống hệt như một con mèo ngồi rình gần một cái lỗ và chờ một con chuột chui ra. Josuha Restarick là một người có tiếng tăm tốt. Một vấn đề gia đình… tới giờ là như vậy vì Simon Restarick không có con thừa tự và Andrew thì chỉ có một người con gái. Cũng có một bà dì già về phía người mẹ, cô con gái đã sống ở đó để đi học, sau khi mẹ của cô chết. Bà dì này cũng đã chết rồi, cách đây khoảng sáu tháng. Tính hơi “mát”, tôi cho là như vậy… Bà ta đã theo nhiều phái tôn giáo khá đặc biệt nhưng không có gì nguy hiểm. Simon Restarick là một nhà kinh doanh bình thường. Vợ ông ta đã giúp đỡ ông về phương diện xã hội. Hai người ấy lấy nhau khá muộn.
– Và Andrew?
– Andrew, dường như bị bệnh thích phiêu lưu. Ông ấy không thể ở lâu tại một nơi, đi lang thang khắp Nam Phi, Nam Mỹ, Kenya và nhiều nước khác. Người anh đã nhiều lần gọi ông trở về nước, nhưng ông ta đã không nghe theo. Ông ấy đã không ưa cả Luân Đôn lẫn công việc. Tôi không rõ cái gì đã thúc đẩy ông ta phải trở về Anh sau cái chết của người anh. Có lẽ là cô vợ mới, một người đàn bà đẹp, trẻ hơn ông ta nhiều. Trong lúc này, họ ở chung với ông cụ Sir Roderick Horsefield, anh ông cụ đã cưới một bà cô của Andrew Restarick.
– Có dấu hiệu nào về sa sút trí tuệ thuộc dòng họ hai phía không?
– Tôi nghĩ là không có, ngoại trừ bà dì với các giáo phái kỳ quặc của bà.
– Tóm lại, tất cả những gì mà ông muốn khẳng định với tôi là có rất nhều tiền trong gia đình.
– Rất nhiều tiền với nguồn gốc rất đáng kính trọng. Chú ý là phần lớn số tiền đó là do Andrew Restarick mang về đấy!
– Ai là người thừa kế?
– Còn tùy theo quyết định của Andrew. Theo ý tôi, đó là bà vợ hay con gái ông ta.
– Vậv là cả hai người, một ngày nào đó được gọi tới để hưởng một số tiền rất lớn?
– Tất nhiên.
– Có một người đàn bà nào khác, giả dụ vậy, đã được Andrew Restarick để mắt tới không?
– Chúng tôi không khám phá được gì về khía cạnh đó cả.
– Một chàng trai ranh ma một chút – Poirot nhận xét, giọng suy tư – có thể dễ dàng phát hiện tất cả những điều này.
– Và cưới cô gái? Không gì ngăn cản anh ta được cả. Tất nhiên là người cha có quyền không cho thừa kế.
Poirot xem một bản danh sách được thiết lập tỉ mỉ mà ông cầm nơi tay.
– Ông hãy nói cho tôi về Wedderburn Gallery.
– Một sự việc rất không tốt đã xảy ra tại nơi này. Họ đã bán cho một nhà triệu phú người Texas tới đó đặc biệt để mua các bức tranh, một của Renoir và một của Van Gogh. Người ta đã đặt câu hỏi về tính xác thực của Renoir, mặc dù người ta không có lý do gì để nghi ngờ tính trung thực của Wedderburn Gallery cả. Đã có một vụ kiện và nhiều chuyên viên đã phát biểu ý kiến của mình. Rốt cuộc, họ nói trái ngược nhau và Gallery đã đề nghị mua lại bức tranh đó. Nhưng nhà triệu phú đã từ chối bán vì người chuyên gia có uy tín đã khẳng định với nhà triệu phú rằng tác phẩm hoàn toàn xác thực. Ông ta đã trở về với bức tranh, nhưng từ hồi đó, một làn nghi vấn nhẹ đã lượn lờ trên nhà triễn lãm nghệ thuật này.
Poirot liếc vào sổ tay.
– Ông đã khám phá ra được gì về David Baker?
– Hắn ta tham gia vào một băng thông thường. Một tên bất lương… Sống nhờ buôn lậu cô-ca-in, bạch phiến… Con gái thì than vãn cho hắn, đời sống hắn đã gặp quá nhiều bất hạnh trong khi hắn có nhiều tài năng. Những bức vẽ của hắn không được đánh giá cao. Không có gì khác hơn những nét vẽ quen thuộc nhàm chán.
– Chúng ta hãy nói tới ông Reece-Holland, nghị sĩ.
– Trên phương diện chính trị, ông ta đã thành công khá tốt. Một hay hai vụ mờ ám trong Cité, nhưng ông ta đều rút ra được bình yên. Một người tinh ranh, theo ý của tôi.
Poirot tới điểm chót của ông.
– Sir Roderick Horsefield?
– Một người tốt nhưng đã rất mệt mỏi. Chúng tôi ở Sở Đặc biệt này, đã khá đau đầu về cái tật của ông cụ muốn viết hồi ký. Tất cả các vị lão thành ở Sở đã ganh đua nhau xuất bản những lời đánh giá của mình về những sai lầm của những người khác! Phiền là ở chỗ họ đều giữ lại những giấy tờ mà đáng lẽ phải hủy chúng đi. Họ đã giữ lại tất cả.
– Thái độ của ông sẽ ra sao với một người đàn bà… trẻ và đẹp mang một mái tóc giả?
– Tôi chẳng thấy gì là quan trọng cả, vì chính vợ tôi cũng mang tóc giả mỗi khi chúng tôi đi xa.
Trong lúc hai người từ giã nhau, ông thanh tra nói:
– Tôi nghĩ rằng ông đã nhận đầy đủ những tin tức về vụ tự tử mà ông cần rồi chớ? Tôi sẽ gởi tới ông một bản báo cáo.
– Vâng, cám ơn.
– Một câu chuyện buồn chán. Một người đàn bà vui tính, với lòng ham muốn khá mạnh mẽ về những người đàn ông, có đủ tiền để sống, không có những điều âu lo đặc biệt nào, và bỗng nhiên bắt đầu uống rượu. Bà ta có cái điều mà tôi cho là một sự ám ảnh về bệnh tật. Và tôi nghĩ rằng, đúng vào cái thời điểm đó, bà cho rằng nỗi ám ảnh đó đã biến thành bệnh tật thực sự, và bà đã không chịu đựng được ý nghĩ đó. Còn về cái ông nghị sĩ Reece-Holland của chúng ta. Này, Louise Charpentier đã có một thời là người tình của ông ấy.
– Một mối quan hệ nghiêm chỉnh?
– Không tới mức như thế. Người ta đã trông thấy họ nhiều lần đi với nhau, trong khoảng thời gian sáu tháng, nhưng tôi cho là bà ấy không phải chỉ có riêng ông ta và chắc chắn ông ấy cũng không phải chỉ có riêng bà ta.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.