Cô Gái Thứ Ba

Chương 23



Poirot đang ngồi trong ghế bành rộng, đặt hai bàn tay lên tay ngai và ngắm nhìn cái lò sưởi mà không nhìn thấy gì cả. Trên mặt một cái bàn nhỏ, gần ông, có một chồng cao các tài liệu khác nhau: báo cáo của ông Goby, thông tin của người bạn là thanh tra trưởng Neele, vài trang giấy có tựa “Nghe người ta nói những chuyện gẫu, những tin đồn” và các nguồn khác nữa mà họ đã thu lượm được.

Poirot đã đọc kỹ tất cả các tài liệu này và giữ chúng cạnh bên mình trong trường hợp cần tham khảo một điểm riêng biệt trong đó. Vào lúc này, ông muốn tập họp trong trí óc tất cả những gì mà ông đã biết và nghe thấy được. Ông hy vọng rằng các tài liệu tản mác này, được sắp xếp cẩn thận, có thể cho phép ông giải dược bài toán đã dự kiến. Poirot cho rằng điều quan trọng không phải là tập trung vào các cảm giác có được mà vào những gì đã gây nên chúng.

Từ cái chung tới cái riêng, đâu là những điểm chuẩn của câu chuyện?

Tiền là một, nhưng nhà thám tử không biết được vì sao và bằng cách nào. Một mãnh lực xấu đang ngư trị ở đâu đó, đó lại là một điểm khác. Nhưng, trong trường hợp cá biệt này, Poirot không biết cái xấu đang ẩn mình ở đâu. Ông đã có một số biện pháp để đấu tranh với nó, hy vọng rằng như vậy đã đủ rồi. Một cái gì đó đang chuyển động, tiến triển, chưa hoàn thành. Một người nào đó, ở một nơi nào đó, đang gặp nguy hiểm.

Tuy nhiên, nếu cái người mà ông nghĩ là đang thực sự bị đe dọa đó, ông không biết rõ vì sao. Ông không nhìn thấy lý do. Nếu ngược lại, người đó không gặp một nỗi nguy hiểm nào thì ông phải nhìn vấn đề dưới một góc cạnh khác. Poirot thôi suy luận để tập trung vào những nhân vật. Trước hết, là Andrew Restarick. Nhà thám tử đã tập họp nhiều thông tin về Andrew Restarick. Một bức tranh toàn bộ về đời sống của ông ta trước và sau cuộc đi ra nước ngoài. Một con người không ổn định, không dừng lại lâu tại một điểm nhưng dù sao cũng gây được cảm tình. Một cá tính có lẽ không kiên quyết và có thể yếu đuối trên nhiều điểm.

Poirot nhíu lông mày, không hài lòng. Ông cho rằng bức tranh này không phù hợp với con người ông đã gặp. Mềm yếu? Với cái cằm dô ra? Cái nhìn đầy tự tin? Cái dáng vẻ quyết đoán? Thêm vào đó, ông ta lại nổi tiếng là một nhà kinh doanh vững vàng và thành đạt. Đã thành công trong thị trường ở Nam Phi và Nam Mỹ, ông ta đã thu được rất nhiều tiền. Vì sao một người như vậy lại có thể xem là mềm yếu? Hay là sự mềm yếu của ông ta có lẽ chỉ liên quan tới phụ nữ? Ông ta đã phạm sai lầm là cưới một người đã không thích hợp với ông ta… có thể do gia đình thúc ép? Sau đó, lại có người đàn bà kia. Chỉ có bà ta? Hay còn có những người đàn bà khác nữa? Sau bao nhiêu năm, thật khó mà biết được. Tất nhiên, ông ta không nổi tiếng là một người được nhiều phụ nữ yêu. Một người đàn ông bình thường và theo lời đồn đại, một người cha rất gắn bó với đứa con của mình. Tuy nhiên, ông ta đã gặp một người đàn bà đã làm ông điên đảo tới mức bỏ tổ ấm và cả xứ sở của mình. Một mối tình lớn?

Phải chăng đó là lý do duy nhất khiến ông đã bỏ rơi tất cả? Hay vì ông không bao giờ ưa cuộc sống trong văn phòng, sự nhàm chán của công việc tại Luân Đôn?… Poirot tin ông. Andrew hình như là loại người cô đơn. Mọi người đều mến ông, ở đây cũng như ở ngoại quốc, nhưng ông ấy không có bạn thân. Đúng là do không ở lâu tại một nơi, nên ông cũng khó mà gặp được nhiều bạn. Ông lao vào trong một vụ kinh doanh, đưa nó tới chỗ thành công rồi thu xếp hành lý để tiếp tục con đường đi tới trước. Một kẻ phiêu lãng? Một người du mục?

Tất cả các điều đó, tuy nhiên đã không phù hợp với chân dung của ông ta… Một chân dung? Poirot cựa quậy, không thoải mái, khi nhớ tới bức tranh treo tại văn phòng của Restarick. Đó là chân dung cũng của con người đó cách đây đã mười lăm năm. Sự khác nhau như thế nào giữa con người đó với con người hiện đang ngồi sau cái bàn làm việc? Dù có ngạc nhiên, cũng phải thấy không có gì khác bao nhiêu. Mái tóc chỉ đượm màu muối tiêu hơn một chút, đôi vai tròn hơn, nhưng những dấu hiệu đặc trưng trên bộ mặt thì không thay đổi. Một con người hiểu rõ là mình muốn gì và tìm cách đạt cho được, một con người không lùi bước trước một gian nguy, thử thách nào.

Vì sao Restarick lại mang bức chân dung này về Luân Đôn? Đó là một loại bức tranh đôi về người chồng và người vợ, thường phải để ở chung một chỗ. Lại một lần nữa, phải chăng Restarik muốn tách mình ra khỏi người vợ đầu tiên của mình, chia tay một cách dứt khoát với bà ta?

Các bức chân dung có khả năng được rút ra từ một cái tủ nào đó cùng với những đồ vật của gia đình. Chắc là Mary Restarick đã chọn ra chúng để thêm vào số đồ đạc ở Crosshedges mà ông cụ Sir Roderick đã trao cho bà ta sử dụng. Poirot tự hỏi không biết bà vợ trẻ này có phản đối khi treo hai chân dung không? Xem ra tự nhiên hơn nếu vẫn để chân dung bà vợ đầu tiên trong kho. Có lẽ ở Crosshedges không có một cái kho? Dường như May là một phụ nữ biết điều… không phải là một người hay ghen tuông hoặc dễ xúc cảm.

– Dù sao – Poirot tự nhủ – các phụ nữ đều có khả năng ghen và có khi ngay cả những người mà chúng ta nghĩ rằng họ đã tránh được thói xấu đó.

Ông cố gắng làm sống lại Mary Restarick trong ký ức của ông và ông rất lấy làm lạ rằng mình đã không nghĩ được nhiều về bà ta! Ông chỉ gặp bà ta có một lần và cái lần đó, ông không thể giải thích được tại sao, bà ta không gây cho ông một ấn tượng gì. Một cái gì đó thiếu tự nhiên chăng? Mặc dù có mái tóc giả, Mary Restarick đẹp, biết điều và chắc chắn là có khả năng nổi giận. Vả lại, bà ta đã chứng minh điều nay khi bà gặp con Công vào trong nhà mà không được mời.

Poirot bỗng nhiên ngưng mạch suy nghĩ và lắc đầu. Mary Restarick không phải là mẹ của Norma. Bà ta không hề có những nỗi lo âu của bà mẹ đối với đứa con gái của mình đang lao vào một đám cưới không cân xứng… và đau khổ, hoặc việc công bố về một đứa trẻ không chính thức đẻ từ một người cha mà người ta khinh rẻ.

Mary có những tình cảm gì đối với Norma? Có lẽ, đầu tiên bà ta nhận xét đó là một cô gái khó tính… đã lựa chọn một người con trai, không nghi ngờ gì nữa, là nguồn gốc của những điều lo buồn và phiền toái với Andrew Restarick. Nhưng Mary đã nghĩ gì về người con ghẻ chắc là đã tìm cách đầu độc mình?

Phản ứng của bà ta dường như hợp lý. Bà ta chỉ tách xa Norma khỏi nhà, cách ly nỗi nguy cơ đang đè nặng trên bà và đã hợp tác với chồng bịt vụ xì-căng-đan này đi càng nhiều càng tốt. Norma về nghĩ cuối tuần với họ là để cứu cái vẻ bề ngoài mà thôi!

Đối với Poirot, người đã đầu độc Mary Restarick vẫn chưa bị tìm ra, mặc dù Restarick đã nghĩ rằng đó là con gái ông ta. Poirot chuyển suy nghĩ qua trường hợp Sonia. Cô này làm gì trong ngôi nhà? Vì sao cô ta lại tới đó?… Có lẽ cô ta không muốn trở về nước mình? Có lẽ ý định của cô ta là hôn nhân… Những người đàn ông ở tuổi cụ Sir Roderick cưới những cô gái trẻ, đẹp mỗi ngày trong tuần. Trong trường hợp này, Sonia có thể thành công. Một vị trí xã hội bảo đảm và một tình trạng góa bụa sớm với một món tiền lợi tức lớn hàng năm. Hay mục đích của cô ta khác xa hoàn toàn? Phải chăng cô ta đã đi tới Vườn Kew với các giấy tờ của Sir Roderick đã biến mất và cô ta đã giấu chúng trong một cuốn sách?

Mary Restarick đã nuôi những nghi ngờ gì về các hoạt động của Sonia? Và trong trường hợp này, phải chăng Sonia là người đã cho bà ta dùng các độc chất trong các thức ăn do cô ta nấu?

Từ bỏ cô gái người ngoại quốc này, Poirot hướng suy nghĩ về Luân Đôn, nơi ba cô gái đã chia nhau một căn hộ. Claudia Reece-Holland, Frances Cary và Norma Restarick.

Claudia Reece-Holland, có khả năng, đầy kinh nghiệm, đẹp, nữ thư ký loại số một. Frances Cary, nghệ sĩ, học sinh một trường nghệ thuật sân khấu, rồi trường Blade mà cô ta đã bỏ học. Cô ta kiếm sống tốt và lui tới một nhóm người lang thang. Cô ta có biết David Baker, mặc dù không có gì cho thấy họ hơn là tình bạn. Có thể cô ta cũng yêu anh chàng này?

Một gã đẹp trai, có vẻ xấc xược và mỉa mai mà ông đã gặp lần đầu tại thang lầu của nhà Restarick ở Crosshedges, đang làm một việc gì đó cho Norma (hay là làm theo lợi ích của anh ta?). Poirot đã hình dung lại David khi cho anh ta leo lên xe hơi của ông. Một chàng trai có cá tính và tỏ ra ngang tầm với mọi việc mà mình định làm. Tuy nhiên, cá tính của anh ta có một khoảng tối. Poirot cầm lấy một tờ giấy và đọc lại nó. Một bản báo cáo không đẹp đẽ gì, nhưng cũng chưa đến nỗi ghê gớm lắm. Vài vụ ăn cắp vặt, một số hành động côn đồ, đã đặt anh ta hai lần “tự do bị kiểm soát”. Tất cả các chuyện này đang trở thành “mốt” của hiện tại. Baker có thể trở thành một họa sĩ tốt, nhưng anh ta đã bỏ học. Không có việc làm ổn định. Anh ta tỏ ra phù phiếm, một con công thực sự, mê cái vẻ bề ngoài.

Nhà thám tử lấy một tờ giấy có ghi lại những đề tài chính trong cuộc trao đổi giữa Norma và David, khi họ đang ở trong tiệm cà phê tại Cité. Nhưng người ta có thể tin vào bản báo cáo của bà Oliver được tới đâu? Không biết óc tưởng tượng của bà ta chen vào tới đâu! Chàng trai này có thực sự mê Norma không? Anh ta có muốn cưới cô này thật không? Ngược lại, những tình cảm của cô gái đối với gã thì không nghi ngờ gì nữa! Anh chàng đã đề nghị làm đám cưới. Norma có chăng một tài khoản tại ngân hàng? Dù là con gái của một nhà kinh doanh giàu có, không có gì bảo đảm rằng cô ấy có nhiều tiền cả. Poirot có một cử chỉ bực dọc. Ông đã quên không tìm hiểu các khoản di chúc của bà Reastick đã quá cố. Ông lật những tờ giấy của mình… Không, ông Goby, may thay đã không quên cái điểm quan trọng này. Bà Restarick đã để lại toàn bộ của cải của bà cho cô con gái của mình. Có lẽ, là người con duy nhất. Norma sẽ thừa kế toàn bộ gia sản của người cha, nhưng với điều kiện là người cha đó không truất cái quyền này của cô ta vì ông không tán thành người đàn ông mà cô sẽ cưới. Và, buồn thay, chỉ đến lúc đó người ta mới có thể đánh giá sự trung thực của các tình cảm của David. Poirot lắc đầu lần thứ ba. Tất cả các dữ kiện này không dính liền với nhau. Ông nhớ lại phòng làm việc của Restarick và tấm séc mà nhà doanh nghiệp vừa ký để mua chuộc người con trai, một con người sẵn sàng để mình bị mua. Điều này cũng không còn khớp nữa. Số tiền trên tờ séc là quan trọng nhưng không muộn hơn ngày hôm trước, David đã xin Norma làm lễ cưới. Tất nhiên, đây có thể là một âm mưu nhằm tăng số tiền đòi hỏi với ông Restarick.

Từ Restarick, Poirot chuyển sang Claudia. Claudia và Restarick? Có phải do ngẫu nhiên mà cô này trở thành người nữ thư ký của ông kia hay không? Có mối dây liên hệ nào giữa hai người này không? Ba cô con gái ở chung trong một căn hộ. Căn hộ của Claudia Reece-Holland. Cô ta là người đã mướn căn hộ, rồi với một cô con gái nữa, rối cô con gái thứ ba. Người con gái thứ ba . Ông luôn bị trở lại điểm này. Đó là nơi, rốt cuộc ông đã trở về, đó cũng là nơi mà ông phải tìm ra kết luận. Mọi việc đều tùy thuộc vào Norma Restarick.

Norma. David đã nghĩ gì về cô? Và những người khác đã nghĩ gì về cô?

Restarick yêu cô ta và lo lắng bồ chồn. Người cha đã tin chắc rằng Norma đã đầu độc Mary và ông ta đã tham khảo một vị bác sĩ về người con gái của mình. Poirot rất muốn được trao đổi với ông bác sĩ này, mặc dù ông nghi ngờ kết quả của cuộc trao đổi ấy. Poirot có ý kiến khá rõ về điều mà ông bác sĩ kia đã kết luận, khi được Andrew Restarick tham khảo.

Claudia Reece-Holland đã nghĩ gì về Norma? Ông không có một ý kiến gì. Chắc chắn Claudia là một người biết giữ kín điều bí mật mà mà cô ta nhận thấy không cần thiết phải bộc lộ ra. Dù sao, cô ta cũng chưa tỏ rõ ý định trục xuất Norma, điều mà cô ta sẽ làm nếu cô ta có chút nghi ngờ về tình trạng cân bằng của cô kia. Cô Reece-Holland có thể đã dính líu vào sự việc chung nhiều hơn là Poirot đã nghi lúc ban đầu. Đó là một con người thông minh và có khả năng… Ông trở lại với Norma, một lần nữa quay lại với người con gái thứ ba này… Cô có một vai trò gì trong cái kịch bản này? Tấm bảng nối chung lại tất cả những sợi dây dẫn? Một loại Ophélie, một nhân vật trong vở kịch Hamlet của Shakespeare. Nhưng, một Ophélie điên hay tự xem mình như thế? Các diễn viên đều không nhất quán về phong cách và vai diễn cần phải biểu hiện…

Nhiều khi, dường như có một cái gì lạ kỳ trong người Norma, nhưng có lẽ lạ kỳ trong một nghĩa nào khác. Poirot nhớ lại, trong khi đi trong phòng khách bằng những bước chân uể oải, một người con gái giống như bao người con gái khác thời nay, với mái tóc trên đôi vai, trang phục xoàng xĩnh, cái váy quá hẹp… tất cả tạo nên dáng điệu một người đàn bà đã trưởng thành mà còn làm ra vẻ một đứa trẻ con.

“Tôi rất tiếc, ông đã quá già rồi”.

Có lẽ điều đó đã đúng? Ông đã đánh giá với những con mắt của một người có tuổi, không thông cảm. Đối với ông, đó là một cô gái không có ý muốn làm vừa lòng ai, không diêm dúa, một người con gái không hấp dẫn, bí ẩn hay quyến rũ, và không phù hợp với lý tưởng của ông về một người phụ nữ. Ông không thể trợ giúp gì cho cô ta được, vì ông đâu có hiểu gì về cô ta. Ông đã thử làm cái điều không thể làm được là đi tới cứu giúp cô, nhưng đã đi được tới đâu? Ông đã làm được gì cho cô kể từ lúc cô đến xin gặp ông, yêu cầu ông giúp đỡ? Câu trả lời đã hiện ra trực diện trong trí óc ông. Ông đã giữ cho cô được an toàn . Đó là một điều đáng kể rồi. Với điều kiện là cô ấy thấy cần được trú ẩn tại một chỗ an ninh. Toàn bộ sự việc là ở chỗ đó… Một lời thú tội vô lý! Trên thực tế, không phải là một lời thú tội mà là lời tuyên bố: Tôi nghĩ là mình đã phạm vào một vụ giết người.

Phải bám chặt vào câu này, vì đó là cái gút của toàn bộ sự việc. Nghề nghiệp của ông chuyên về các vụ giết người, làm rõ các vụ giết người, ngăn chặn nó ! Là một con chó săn đi tìm cho ra một vụ giết người. Một vụ giết người đã được công bố. Một vụ giết người đã xảy ra ở đâu đấy . Ông đã đi tìm một vụ giết người nhưng chưa thấy. Phải chăng đó là câu chuyện chất thạch tín trong thức ăn? Hay về những tên du côn trẻ tuổi kia đã giết nhau bằng dao? Cái nhận xét nực cười và tai hại về những vết máu trong sân . Một phát súng lục. Chống lại ai và vì sao?

Đó không phải là loại giết người phù hợp với những lời của cô gái. “Tôi có thể đã phạm vào một vụ giết người”. Ông suy nghĩ, mò mẫm, cố tìm vị trí của người con gái trong cái mớ bòng bong này.

Từ một câu nói bâng quơ, bà Oliver đã hướng dẫn cho ông. Sự tự vẫn giả định của một người đàn bà ở Borodene Mansions? Norma đã sống ở nơi đây. Đó chính là vụ giết người mà cô ta đã nói tới. Vì thế, khi bà văn sĩ đã báo cho ông về cái chết của một người đàn bà đã nhảy qua cửa sổ, ông nghĩ rằng, cuối cùng mình đã có cái mà mình đã tìm kiếm từ lâu nay.

Một bản tóm tắt được hoàn thành tốt đã cho ông biết rõ về đời sống của bà Charpentier. Một người đàn bà bốn mươi ba tuổi, có vị trí xã hội tốt, nổi tiếng là một người dám làm, hai đời chồng, hai lần ly dị. Một người đàn bà đã bắt đầu uống rượu nhiều hơn sức mình, thích những buổi dạ hội, nơi mà bà ta bám lấy những chàng trai trẻ hơn bà ta, cuối cùng một người đàn bà đã sống một mình trong một căn hộ tại Borodene Mansions. Poirot đã hiểu bà này là hạng người như thế nào và vì sao bà ta lại muốn nhảy qua cửa sổ, một buổi sáng sớm, sau khi thức dậy, tuyệt vọng vì bà ta bị ung thư hay tưởng tượng mình bị như vậy? Nhưng, trong cuộc điều tra, bản báo cáo về y học đã kết luận bà ta không hề mắc phải một chứng bệnh nan y nào cả.

Cái mà Poirot cần là tìm ra một mối liên hệ nào đó giữa bà ta và Norma Restarick nhưng ông không tìm thấy.

Người chưởng khế là người đã nhận diện thi hài. Bà Louise Carpenter đã “Pháp hóa” họ của mình thành Charpentier, bởi vì có lẽ bà ấy thấy rằng cái họ đó hợp với cái tên của bà ta hơn? Louise? Vì sao cái tên quái quỷ này lại quen thuộc với Poirot? À! Cái cô gái đã khiến cho ông Restarick từ bỏ vợ mình đã có tên là Louise Birell. Restarick và cô ta đã cãi lộn nhau và xa nhau sau một năm chung sống. Nhưng câu chuyện như vậy, có thể đã xảy ra liên tục, trong suốt cuộc sống của người đàn bà này.

Yêu nồng nhiệt một người đàn ông, nếu cần, phá vỡ tổ ấm của chàng, và rốt cuộc cãi lộn với chàng và xa chàng. Poirot đã chắc chắn rằng cái bà Louise Charpentier kia chính là bà Louise Birell.

Vì sao sự khám phá này có thể đưa ông tới Norma? Restarick và Louise Charpentier đã có quan hệ lại sau khi Restarick đã trở về chăng? Poirot nghi ngờ điều đó. Cuộc đời của họ đã đi theo hai con đường khác nhau từ nhiều năm qua. Ngẫu nhiên họ lại gặp nhau, điều đó dường như không thể có. Trước đây mối tình của họ chỉ là một cuộc phiêu lưu ngắn ngủi, không quan trọng. Khó lòng thừa nhận là Mary Restarick đã tỏ ra ghen tuông về dĩ vãng của người chồng tới mức loại trừ người tình cũ của ông ta. Lố bịch? Người duy nhất đã tỏ ra thù hằn để có thể hành động như vậy, phải là bà Restarick thứ nhất, mặc dù điều này không phù hợp với tính cách của bà ta. Vả lại, bà ta đã chết từ lâu rồi.

Điện thoại reo. Poirot không nhúc nhích. Ông không muốn bị quấy rầy trong lúc này. Ông có cảm giác mình đã tìm ra một hướng đi và muốn đi cho tới cùng… Chuông ngừng reo. Tốt. Cô Lemon có lẽ đã lo xong việc rồi.

Cửa ra vào mở và cô thư ký xuất hiện.

– Bà Oliver muốn nói chuyện với ông.

Poirot khoát tay.

– Không phải trong lúc này! Không phải trong lúc này, tôi xin cô.

– Bà ấy nói rằng bà vừa nhớ ra một điều gì đó, một điều mà bà đã quên không báo cho ông rõ. Theo chỗ tôi được biết, thì đó là một miếng giấy… một bức thư viết chưa xong bay ra từ một xe tải chuyển đồ đạc… Một câu chuyện không rõ ràng…

Poirot khoát tay với một sức mạnh gấp đôi.

– Không phải lúc này, tôi van cô, không phải lúc này.

Cô Lemon rút lui.

Yên lặng trong phòng. Poirot cảm thấy mình đã thấm mệt, nghĩ nhiều quá rồi. Ông nhắm hai mắt lại. Lúc này, ông chắc chắn rằng mình không cần biết thêm gì từ bên ngoài nữa. Câu trả lời phải từ bên trong .

Và bỗng nhiên… đúng lúc hai mí mắt của ông vừa cụp xuống trong giấc ngủ.. thì ông hiểu tất cả!

Mọi thứ đều ở đó… trong tầm tay của ông! Có thể, ông phải sắp xếp tất cả lại, nhưng giờ đây, ông đã hiểu . Các nhân tố điều hiện lên đầy đủ. Các mảnh rời rạc đã khớp vào nhau: mái tóc giả, bức tranh, năm giờ sáng, những người đàn bà và các mái tóc của họ, con Công… tất cả đều dẫn tới cái câu mà mọi việc đã bắt đầu từ đó!

“Tôi có thể đã phạm vào một vụ giết người”. Nhưng, chắn chắc là vậy!

Một bài thơ của tuổi thơ, tinh nghịch, hiện ra trong óc ông. Ông lớn tiếng đọc nó lên:

Ba người đàn ông trong một cái ống.

Và bạn nghĩ họ là ai?

Một ngươi bán thịt bò, một người làm bánh mì, một người làm nến…

Tiếc là ông không nhớ ra các câu thơ cuối.

Một người làm bánh mì, phải, và người ta không biết rõ vì sao, một người bán thịt bò…

Ông thử nhái lại theo giống cái:

Làm một cái bánh. Ba người con gái trong một căn hộ.

Và bạn nghĩ họ là ai?

Một người thư ký và một cô gái tới từ Slade.

Và người thứ ba là người…

Cô Lemon đi vào.

– À! Giờ thì tôi nhớ lại rồi. Và tất cả họ đều tới từ một củ khoai tây nhỏ .

Cô Lemon nhìn ông, ngạc nhiên.

– Ông bác sĩ Stillingfleet nhấn mạnh rằng ông ta cần nói chuyện ngay lập tức với ông. Ông nói đây là một việc rất gấp.

– Hãy nói với cái ông bác sĩ Stillingfleet rằng ông ta có thể… Bác sĩ Stillingfleet ?

Ông vội gạt cô ra khỏi đường đi và cầm lấy máy nghe.

– Tôi đây. Poirot đang ở máy đây? Có việc gì đã xảy ra thế?

– Cố ấy đã trốn mất rồi!

– Sao?

– Ông có nghe tôi nói không? Cô ấy đã trốn mất rồi. Đi bằng cửa chính.

– Ông đã để cho cô ấy đi à?

– Tôi còn làm gì khác được?

– Giữ cô ấy!

– Không.

– Thật điên mới để cô ấy đi mất!

– Chúng tôi đã nhất trí với nhau. Tự do đi khi nào cô ấy muốn.

– Ông không biết hậu quả sẽ như thế nào.

– Đồng ý. Tôi không hiểu gì cả. Nhưng tôi biết điều mình phải làm. Nếu tôi không để cô ta đi, toàn bộ công việc của tôi không phục vụ được gì cả. Nhiệm vụ của ông và của tôi khác nhau. Tôi có thể bảo đảm với ông rằng tôi đang tiến triển, tới mức đã tin chắc là cô ấy không thể vuột khỏi tay mình.

– À! Ừ! Và tuy vậy, anh bạn ạ, đó là diều cô ấy đã làm.

– Thành thật mà nói, tôi không hiểu gì hết! Tôi không thấy vì sao lại xảy ra việc tái phát này.

– Một điều gì đó đã xảy ra.

– Đúng, nhưng điều gì?

– Cô ấy đã nhìn thấy một ai đó, có ai đó đã nói với cô ấy, có ai đó đã khám phá ra nơi trú ẩn của cô ấy.

– Tôi không tin rằng những điều đó đã xảy ra… nhưng, cái điều mà ông không chấp nhận được là cô ấy được tự do về các việc làm và cử chỉ của mình.

– Cô ấy có nhận được một bức thư, một bức điện tín, một cú điện thoại nào không?

– Không. Tôi chắc điều đó.

– Vậy thì, vì sao… nhưng chắc là…! Các tờ báo! Tôi nghĩ rằng ông đã có các tờ báo trong nhà chớ?

– Dĩ nhiên rồi. Cuộc sống bình thường hàng ngày, đó là điều tôi đã khuyên cô.

– Vậy thì đó là cách mà họ đã liên hệ với cô ta. Cuộc sống bình thường hàng ngày… Ông đã có những tờ nhật báo nào?

– Năm tờ. Và ông ta kể tên chúng.

– Cô ấy đã đi vào lúc nào?

– Sáng nay. Mười giờ rưỡi.

– Đó. Sau khi đã đọc các tờ báo. Đủ để bắt đầu. Cô ấy hay đọc báo nào?

– Tôi nghĩ là cô ấy không tỏ ý thích loại nào cả. Khi thì báo này, khi thì báo nọ, có khi tất cả.

– Tốt. Tôi không phải mất thì giờ của mình vào cuộc tranh luận.

– Ông cho rằng cô ấy đã để ý tới một thông báo nho nhỏ sao?

– Còn cách giải thích nào khác? Chào ông, trong lúc này tôi chưa thể nói gì được. Tôi phải tiến hành cuộc tìm kiếm. Tìm lời thông báo, và hành động.

Ông bỏ máy xuống.

– Cô Lemon, mang lại cho tôi hai tờ báo của chúng ta và sai George đi mua các báo khác.

Ông đã tới đúng lúc. Ông phải tới đúng lúc. Đã có một vụ án mạng rồi. Một vụ khác đang được chuẩn bị. Nhưng ông Poirot sẽ ngăn cản nó lại… nếu ông tới nơi đúng lúc. Ông là Hercule Poirot, người bảo vệ những người vô tội.

George mang những tờ báo tới.

Poirot quay sang phía cô Lemon đang đứng chờ xem mình giúp được gì.

– Cô hãy kiểm tra những điều tôi đọc để phòng tôi bỏ sót điều gì.

– Cột những chuyện cá nhân?

– Đúng. Tôi nghĩ rằng phải có tên David ở đâu đó. Một cái họ của phụ nữ, một tên lóng, có thể vậy. Chúng không dùng tên Norma đâu. Một lời kêu gọi giúp đỡ hay một lời hẹn gặp.

Cô Lemon miễn cưỡng vâng lời. Đây không phải là cái loại công việc của cô, nhưng trong lúc này Poirot không có việc gì khác nhờ cô.

Nhà thám tư nhỏ con trải tờ báo Morning Chronicle , có ba cột thông báo và nghiêng mình lên những dòng chữ nhỏ xíu.

Một người đàn bà muốn bán cái áo bằng lông. Những nhà du lịch tìm ai đó để chia xẻ những phí tổn về một cuộc đi du lịch bằng xe hơi tại ngoại quốc… Một cái nhà muốn bán. Một chỗ trọ gia đình… Con cái chậm phát triển… Sô-cô-la làm tại nhà… “Julie, đừng quên. Mãi mãi vì em”. Điều này phù hợp hơn cả với điều mà ông tìm tòi. Ông suy nghĩ và tiếp tục. Đồ đạc thời Louis XV… Một phụ nữ vào giữa hai lứa tuổi để điều hành một khách sạn… Rất buồn. Tôi phải gặp cô. Hãy tới căn hộ vào lúc 4 giờ 30, đừng trễ hẹn. Mã hiệu của chúng tôi. Goliah.

Ông nghe tiếng chuông ngoài cửa ra vào khi ông lên tiếng gọi George đi kiếm một xe tăc-xi. Ông mặc áo khoác và đi qua sảnh khi người giúp việc đã mở cửa ra vào và đụng phải bà Oliver.

Trong cái sảnh hẹp, cả ba người cùng cựa quậy để thoát khỏi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.