Cô Gái Thứ Ba
Chương 4: (tt)
Vào lúc bốn giờ mười lăm phút chiều hôm đó, Poirot đã có mặt tại nhà bà Oliver, thưởng thức và rất hài lòng một tách lớn sô-cô-la với kem đánh nổi lên. Bà chủ nhà đặt cạnh khách một dĩa đầy bánh lưỡi mèo.
– Bà bạn thân mến, bà thật là tốt!
Poirot ngước mắt nhìn, có chút ngạc nhiên, về mái tóc của bà Oliver và cả những tấm giấy mới dùng để dán tường. Ông đều chưa trông thấy cả hai. Lần cuối cùng, khi gặp bà bạn, ông nhận thấy bà có mái tóc giản dị, gần như nghiêm khắc. Lần này, tóc của bà hình thành một đống những lọn lớn, nhỏ, được xếp thành những suối rắc rối bao lấy cái đầu của bà. Nhà thám tử nhận thấy một phần những làn sóng đó đều là giả tạo mà thôi. Ông dự đoán trong đầu xem có bao nhiêu lọn tóc đã được thêm vào đó, sẽ bỗng nhiên tuột khỏi nếu bà Oliver làm một cử động mạnh trong các cuộc tranh luận sôi nổi thường xuyên của bà? Còn về những tấm giấy màu… Ông chỉ chúng bằng cái muỗng nhỏ của mình:
– Những trái xơ-ri kia, mới đó hả?
Ông có cảm tưởng như đang ở trong một vườn trái cây vào cuối mùa thu vậy.
– Ông đã thấy chúng quá nhiều phải không? Thật khó lường được trước hiệu quả của một tấm giấy in hoa. Ông ưa cái giấy cũ hơn chớ gì?
Poirot nhớ lại một cách mơ hồ, số lượng những con chim lạ kỳ, màu sắc chói chang, giữa một khu rừng nhiệt đới. Ông như muốn thốt lên: Càng thay đổi bao nhiêu, vấn đề vẫn là vậy, nhưng ông nín lại được.
– Và, bây giờ – bà Oliver thốt, (sau khi người khách của mình đã đặt cái tách lên dĩa và ngã người ra phía sau với một cái thở ra rất hài lòng, chùi chỗ râu mép còn dính chút kem) – cái gì đã xảy ra?
– Tôi có thể kể với bà thật đầy đủ. Hồi sáng nay, có một người con gái đã tới tìm tôi. Tôi nghĩ rằng cô ta muốn xin được gặp… Người ta, ai cũng có thói quen của mình, phải vậy không? Cô ta ngỏ ý muốn được gặp tôi ngay lập tức vì cô ấy nhận thấy mình có thể đã phạm tội giết người.
– Đó là một việc khá lạ lùng! Cô ấy không biết chắc được sao?
– Tôi nghe đúng là vậy. Thật là khó tin. Vậy là tôi bảo với George dẫn cô ấy vào, và một khi đã hiện diện trước mặt tôi, cô ấy không ngừng đứng như trời trồng, từ chối ngồi xuống và nhìn kỹ tôi mà không nhúc nhích! Tôi có cảm tưởng đó là một cô gái ngớ ngẩn. Tôi đã tìm cách khuyến khích cô ấy, thì bỗng nhiên, cô ấy nói cô đã đổi ý kiến, rằng cô ấy không muốn tỏ ra là một con người vô lễ nhưng.. . Nhưng rằng tôi đã thực sự quá già rồi…!. Bà nghĩ như vậy có nghĩa là gì không?
Bà Oliver vội vã trấn an ông khách của mình:
– Nhưng, tất cả các cô gái trẻ đều như vậy mà. Họ cho rằng một con người trên ba mươi lăm tuổi, là như đã chết một nửa rồi. Họ không có nhận thức đúng, ông hằn đã biết điều đó rồi mà.
– Dù sao, câu nói của một cô bé ngớ ngẩn đó đã xúc phạm tôi, sỉ nhục tôi…
– Nếu là ông, bạn thân mến ạ, tôi không điên đầu về một câu nói vớ vẩn như vậy đâu! Hiển nhiên là lời nhận xét bất nhã của cô gái đó đã tới mức thô bỉ…
– Thưa bà thân mến, tôi xin bà, ta đừng nói tới chuyện này nữa. Nhưng, đâu phải chỉ có lòng tự trọng của tôi bị xúc phạm… Tôi không giấu bà là mình rất lo ngại.
– Nếu là ông, tôi sẽ quên đi việc này.
– Tôi nghĩ là bà đã không hiểu vấn đề rồi! Tôi lo ngại cho cô con gái đó. Cô ấy đã tới để yêu cầu tôi giúp đỡ cô ấy. Xong, cô ta lại quyết định là tôi quá già để có thể giúp được như cô ấy đã hy vọng. Tôi đã hình dung như vậy đó. Tất nhiên, cô ấy đã nhầm lẫn, nhưng trước khi tôi trấn tĩnh được cô ta, cô ấy đã biến mất. Tôi xin cam đoan với bà rằng cô gái đó hiện đang rất cần được giúp đỡ.
– Tôi không nghĩ rằng sự việc nghiêm trọng đến vậy. Các cô gái có vô vàn thắc mắc đối với những chuyện không đâu.
– Không, tôi tin chắc vậy đó. Cô ấy cần chúng ta giúp đỡ.
– Nào! Như vậy là ông đã nghĩ rằng cô ta thực sự đã dính vào một vụ giết người?
– Tại sao không? Thì chính cô ấy cũng đã tự cho là vậy mà.
– Ông đã quên rằng cô ấy đã dùng từ “có thể”. Thực sự, tôi không rõ vì sao lại dùng từ đó?
– Tôi cũng như bà. Điều đó không ăn khớp gì cả.
– Cô ta nghĩ mình đã ám sát ai?
Poirot đánh dấu sự không biết của mình bằng một cái nhún vai.
– Và với mục đích gì?
Một cái nhún vai nữa, từ phía Poirot.
– Tất nhiên, các giả thiết đều có nhiều.
Bà văn sĩ bắt đầu cựa quậy, bộ óc tưởng tượng phong phú của bà đã bắt đầu hoạt động rồi.
– Có thể, cô ta đã đâm xe hơi của mình vào một người nào đó, xong rồi không ngừng lại? Hay, bị một người đàn ông tấn công sát một bờ vực, cô đã xô gã ta té xuống vực? Hay ít nữa, được giao cho chăm sóc một người ốm, cô đã cho người đó uống nhầm thuốc? Hoặc là, được mời tới dự một trong các buổi hội, trong đó người ta hút ma-túy, một cuộc ẩu đả đã nổ ra và sau khi đã chết ngất, cô khách của chúng ta đã phục hồi lại trí nhớ, nhận ra mình đã đâm một người nào đó.
– Thôi, thưa bà, thôi đủ rồi!
Nhưng, bà chủ nhà của ông đã quá phấn hứng để chịu ngưng lại dễ dàng như vậy.
– … Trợ lý trong một phòng giải phẫu, có thể cô ấy đã tống một liều thuốc mê quá cao cho bệnh nhân, hay…
Bà bỗng nhiên ngưng lại, để tìm những chi tiết rõ rệt hơn.
– Trên thực tế, cô ấy như thế nào?
Poirot suy nghĩ một chút:
– Một Orphélie nhưng không có nét quyến rũ của nàng tiên này.
– Trời ơi! Khi ông tả cô ta như vậy, tôi gần như đã hình dung cô ta thật rõ rệt. Thật mới lạ làm sao?
– Bị tước vũ khí trước những khó khăn của cuộc sống… đó là những điều mà tôi đã hình dung. Cô ấy không thuộc loại người biết tìm cách để vượt qua khó khăn, cũng không thuộc loại người biết đánh hơi trước một mối nguy hiểm. Có vẻ cô ấy là một người mà người ta hay nói: tôi đang cần một con mồi, và đây đúng là người tôi đang tìm..
Bà Oliver không nghe nữa, hai bàn tay nắm lấy mái tóc rậm, bà đang suy nghĩ. Một thái độ mà Poirot rất quen thuộc.
– Đợi chút xíu! Bà la lên với giọng kinh hoàng. Đợi chút!
Poirot đợi, hai chân mày nhướng lên:
– Ông chưa cho tôi biết tên cô ấy? Cuối cùng bà hỏi.
– Cô ấy đã không nói. Tôi thừa nhận rằng đây là một thiếu sót.
– Đợi chút! Bà năn nỉ lần nữa với giọng nói đầy bi kịch.
Bỗng nhiên, bà nới lỏng cái siết của hai bàn tay và một phần của mái tóc xõa trên hai vai. Một lọn nặng rơi trên mặt đất và Poirot lượm lên, đặt nó nhẹ nhàng lên mặt bàn.
– Chúng ta hãy xem xét lại vấn đề theo trình tự, bà Oliver đã lấy lại bình tĩnh, nói.
Bà đẩy lui một hay hai kẹp tóc và nói:
– Ông Poirot, ai đã nói với cô gái đó về ông?
– Theo chỗ tôi biết thì không có ai cả. Cô ấy tất nhiên đã nghe nói về tôi.
Bà Oliver nghĩ rằng các từ “tất nhiên” có vẻ ít khiêm tốn. Poirot nghĩ mình đã được rất nhiều người biết đến. Trên thực tế, nhiều người không hiểu gì về những câu chuyện đề cập tới Hercule Poirot, đặc biệt là trong giới thanh niên.
“Nhưng, làm sao cho ông ta công nhận điều này, mà không gây tự ái?” Bà Oliver tự nhủ. Bà tiến hành rất thận trọng ý định này.
– Ông bạn, tôi cho ông có thể nhầm lẫn đấy. Những cô gái trẻ… và những cậu choai choai ngày nay, không biết gì nhiều về các thám tử và những gì liên quan tới họ đâu.
(mất trang 33-34)
… đang nói tới những nhà thám tử… và tôi đã đề cập tới ông và những khả năng kỳ diệu của ông.
– Bà đã cho cô ấy địa chỉ của tôi ư?
– Không hề! Tôi đã không đoán rằng cô ấy cần phải tới gặp ông. Chúng tôi đã nói chuyện không có mục tiêu cụ thể. Phải cho là cô ấy đã ghi nhớ lại tên ông và sau đó thì tìm chỗ ở một cách dễ dàng qua danh bạ điện thoại.
– Bà có nói tới án mạng không?
– Theo tôi nhớ thì không. Tôi cũng không nhớ là mình đã đề cập tới lãnh vực thám như thế nào…. ít ra… chờ cho cho xíu… vâng, đúng là cô ta đã dẫn cuộc nói chuyện tới vấn đề đó.
– Bà bạn thân mến, nếu không biết tên cô ta, bà làm ơn nhớ lại mọi thứ bà đã biết về cô ấy.
– Vậy là, điều đó đã xảy ra vào cuối tuần trước. Tôi đang ở trong gia đình Lorrimers. Họ không liên quan gì tới vụ này, trừ cái việc tôi đã đi theo họ tới nhà những người bạn mà chúng tôi đã được mời tới uống một ly rượu. Trong nhà họ có cả tá người… tôi không mấy vui, vì tôi chỉ uống được chút ít mà người ta thì luôn sẵn các mẫu chuyện ít nhiều ngộ nghĩnh về sở thích của tôi đối với loại nước uống không có chất rượu. Thêm nữa, người ta luôn luôn lập lại cho tôi những câu đại loại: … “Bà biết không, người ta đã ưa thích các cuốn sách của bà tới thế” và… “đã từ rất lâu rồi, tôi muốn được làm quen với bà”. Các câu chuyện phím ở đó đã khiến tôi khó chịu, làm tôi chán, và làm tôi có vẻ ngốc nghếch, tuy nhiên tôi ráng giữ bộ mặt vui vẻ. Trong cuộc tụ họp này, còn có người anh hùng kinh khủng của tôi là nhà thám tử Sven Hjerson, người đã được công chúng ái mộ… Nếu người ta biết được tôi đã ghét hắn tới mức nào! Những nhà xuất bản của tôi đã cấm tôi không được nói vậy. Tôi nhớ lại là câu chuyện trao đổi hôm ấy đã nhắc đến các thám tử thật sự, và tôi đã nói tới ông trong lúc đó, cô con gái kia ngồi cách tôi không xa, lắng nghe tôi nói. Một Orphélie không có sự quyến rũ của nàng tiên, đúng là cô gái đó… Nàng là một thành viên của gia đình nếu tôi không nhìn lầm với một người khác.
Poirot thở hắt ra. Với cái bà Oliver này, luôn luôn phải tỏ ra rất kiên trì.
– Những người mà bà đã tới thăm đó là những ai vậy?
– Họ có tên là Trefusis hay Treherne, điều gì đại loại như vậy. Ông ta là một người tai to mặt lớn. Giàu có. Một chuyên gia trong lãnh vực tài chánh, tuy ông ta đã bỏ một phần lớn thời gian của đời mình tận Nam Phi …
– Ông ta đã cưới vợ chưa?
– Rồi, với một phụ nữ thật đẹp. Trẻ hơn ông rất nhiều. Cô ấy có mái tóc rậm màu vàng. Đó là người vợ kế của ông. Người con gái sanh ra với bà vợ trước. Còn có một ông chú, một vật cổ thực sự. Rất nặng tai, nhưng thật tao nhã… với một trang dài những chữ viết tắt sau tên. Tôi nghĩ đó là một ông cựu thủy sư đô đốc hay một ông tướng gì đó. Hình như, ông ta cũng là một nhà thiên văn học. Có một cái kính viễn vọng lớn đặt lên trên nóc nhà. Tất nhiên, đó cũng có thể là một ý thích riêng…
Tôi còn nhớ có một cô gái ngoại quốc còn trẻ, luôn luôn lăng xăng sau lưng ông lão. Cô nàng đi theo ông già tới Luân Đôn trong các chuyến di chuyến của ông ta và lo sao cho ông ta khỏi phải bị xe đụng. Cô ta khá đẹp.
Vậy, những người sống trong nhà là ông và bà Trefusis…
– Không phải Trefusis… Tôi nhớ lại rồi: Restarick!
– Cái tên xem ra thuộc về một dạng khác hẳn trước rồi.
– Có phải đó là một tên thuộc về vùng Cornouailles không?
– Vậy là, chúng ta có ông và bà Restarick, ông chú thật tao nhã… Ông ta cũng tên là Restarick à?
– Sir Roderick hay gì gì đó.
– Vì còn có một cô tùy tùng, có thể không phải là tùy tùng. Và cuối cùng, là cô con gái đó… Độc nhất?
– Tôi nghĩ như vậy nhưng tôi biết có phải chắc như vậy không. Vả lại, cô này không chung sống với cha mẹ. Cô chỉ tới nơi này nhân ngày nghỉ cuối tuần thôi. Theo lời người ta nói thì cô ấy không thuận với người dì ghẻ. Cô ấy có việc làm ở Luân Đôn và có một người yêu. Cũng theo lời kể của thiên hạ thì anh này không được gia đình nàng ưa thích lắm.
– Bà cho tôi cảm tưởng là bà đã biết cả tá câu chuyện về gia đình này!
– Ồ! Ông cũng biết là đôi khi ta nghe được những cuộc nói chuyện lý thú. Gia đình Lorrimers rất hay nói chuyện và luôn luôn tranh luận với nhau. Câu chuyện tầm phào do đó chạy ra như suối. Nhưng thường người ta nhầm lẫn tên người lung tung cả. Đó là cái điều có lẽ đã xảy ra với tôi. Tôi muốn nhớ tới tên người con gái. Một cái tên nhắc tới một hài hát. Thora? Nói với tôi đi, Thora. Thora. Thora. Hay ít nữa thì cũng là Myra? Myra, ô! Myra! Mối tình tôi để dành hết cho em. Phải vậy không? Tôi thấy mình đang sống trong một lâu đài vàng son. Norma? Hay Maritana? Không, có lẽ là Norma thì đúng hơn. Norma Restarick, đúng như vậy rồi! Tôi tin chắc chắn là vậy đó! Bà nói thêm với sự vô ý thức hoàn toàn: đó là một cô gái thứ ba.
– Bà đã nói với tôi là bà không biết cô ta có anh hay có chị?
– Quả vậy, tôi không biết chắc.
– Vậy lời chú thích của bà nghĩa gì?
– Trời thần! Có thật là ông đã không hiểu câu “một cô gái thứ ba” là gì sao? Ông đã không đọc trong nhật báo Times sao?
– Có, tôi đã đọc các ngày sanh, ngày chết và các ngày cưới. Và thỉnh thoảng những bài tôi thấy hấp dẫn nữa.
– Tôi muốn nói tới các thông tin đã chiếm hay đáng lẽ phải chiếm lấy trang nhất kia. Từ khi họ đã quyết định thay đổi vị trí các thông tin vặt, tôi đã quyết định mua một tờ báo khác. Để tôi lấy cho ông xem.
Bà ta đi lại một cái bàn nhỏ, lấy tại đó một tờ báo, lật nhanh các trang vì đi trở lại phía Poirot.
– Đây đọc đi. “Cô gái trẻ cho một căn hộ đầy tiện nghi, tầng 21, phòng riêng, sưởi trung tâm. Earl’s Court.” “Cô gái trẻ thứ 3 để chia sẻ căn phòng, 5 guinees một tuần, phòng riêng.” “Tìm cô gái trẻ thứ 4, Regent’s Park, phòng riêng.” Bây gìờ, các cô gái trẻ thích sống kiểu này lắm. Tốt hơn trong một phòng cho thuê tại nhà. Cô gái thứ nhất mướn một căn hộ có đầy đủ đồ đạc và sẵn sàng chia sẻ nhà mướn. Cô thứ hai thường là một trong các người bạn của cô trước. Cả hai, nếu họ không quen một ai khác nữa, sẽ kiếm cô gái thứ ba qua các bản tin vặt trên báo. Và như ông thấy, thường thường họ tìm ra được cả một cô thứ tư cho ngôi nhà nữa. Cô đầu giữ cái phòng tốt nhất, cô thứ nhì, trả ít tiền hơn. Cô thứ ba hầu như không phải trả bao nhiêu nhưng phải ở trong một góc xó. Các cô gái này bèn quyết định với nhau, cô nào được hưởng sự vui thích của việc mướn nhà một tối mỗi tuần… Cách làm này tiến hành nói chung là tốt.
– Cái cô có tên là Norma kia thì đang ở nơi nào tại Luân Đôn?
– Như tôi đã bảo với ông, tôi hầu như không biết gì về cô ấy cả.
– Nhưng, bà có cách nào để giúp tôi nhiều hơn về việc này?
– Tôi hình dung, mình có thể tìm hiểu thêm dễ dàng về cô gái này.
– Bà có chắc không nghe ai đả động gì đến một cái chết đột ngột?
– Ở Luân Đôn hay ở nhà Restarick?
– Cả hai.
– Tôi không hề nghe. Ông có muốn tôi thử xem mình có thể khám phá ra được gì không?
Hai mắt bà sáng lên niềm kích thích. Rõ ràng, bà ta đã vui thích trước tình hình này rồi.
– Như vậy thì bà quá tốt.
– Tôi gọi điện thoại cho nhà Lorrimers. Lúc này là thích hợp nhất để nói chuyện được với họ.
Bà ấy đi lại chỗ điện thoại, nói:
– Tôi phải tìm ra một cái cớ để xin lỗi… Tôi phải bịa ra một lý do để bắt chuyện.
Vẻ ngập ngừng, bà ta quay về phía Poirot, ông đang trấn an bà:
– Tôi hoàn toàn tin là bà có thể tạo ra một lý do chính đáng. Tuy nhiên, đừng quá khác thường nghe. Cần phải có mức độ…
Bà Oliver nhìn ông với vẻ thông cảm.
Bà gọi bộ phận thông tin và cho một số, xong bà nói với Poirot:
– Ông có bút chì và một tờ giấy không? Trong trường hợp tôi cần phải ghi lại những tên và địa chỉ.
Poirot, đã cầm sẵn sổ tay trong tay, gật đầu.
Nối được liên lạc, bà Oliver lao và một cuộc đối thoại dài. Poirot chăm chú nghe.
– A lô? Tôi có thể nói với… Ồ! Chị đó à? Naomi! Tôi là Ariane Oliver đây. Vâng… thực thế, có biết bao là người… Chị muốn nói tới ông cụ đó hả? Không, chị biết rõ là không rồi…. Gần lòa à? Tôi tưởng ông ấy đi Luân Đôn với cô gái ngoại quốc trẻ… Đúng, đó phải là một nỗi lo lớn đối với họ… Nhưng hình như cô ta đã chăm lo cho ông ấy tốt… Chị bạn thân mến, chị có nghĩ rằng tôi gọi chị là muốn hỏi thăm chị địa chỉ của cô gái đó không? Không, tôi muốn nói tới cô con gái của gia đình Restarick kia. Một nơi nào đó ở South Ken phải không? Hay Knights-bridge? Tôi đã hứa cho cô ấy một cuốn sách, như những người khác thôi. Nhưng tôi đã không tìm ra tờ giấy mình đã ghi địa chỉ của cô ấy. Tôi cũng không nhớ cả tên của cô ta nữa. Đó là Thora hay Norma…? Vâng, tôi nghĩ đó phải là Norma… Đợi tôi một chút để tôi đi lấy cái gì viết được… Tôi đã sẵn sàng rồi… 67 Borodence Mansions. Tôi có biết, đó là tòa nhà lớn trong giống như Wormwood Scubs (Nhà tù xây cất theo kiểu lầu ở Luân Đôn). Tôi tưởng tượng rằng các căn phòng đều đầy đủ tiện nghi, có lò sưởi ở trong nhà và tất cả mọi thứ… Hai người con gái cùng sống với cô ấy là những ai vậy?… Những cô bạn à?… Có thể cô ấy đã tìm ra họ nhờ vào các tin rao vặt phải không?.. Claudia Reece – Holland… có phải đó là cô con gái của ông nghị sĩ không?… Còn cô kia?… Không, đúng là không có lý gì để chị phải biết tới cô ấy… Tôi hình dung cô này cũng rất dễ thương. Họ làm gì tất cả? Nữ thư ký, tất nhiên rồi… Hả? Người kia là một người trang trí nội thất à?… Hay là cô ấy quan tâm tới một phòng trưng bày nghệ thuật? Không, Naomi, tất nhiên là không rồi. Tôi thực sự không muốn tìm hiểu làm gì… Tôi chỉ tự đặt cho mình một câu hỏi trong những ngày này, các cô gái đang làm gì mà thôi? Nói tóm lại, điều đó chỉ liên quan tới cuốn sách của tôi mà thôi. Cần phải nắm được những thông tin về đời sống hiện đại, phải không nào? Một người con trai đã yêu phải nói lên điều gì nào?…. Đúng, nhưng chúng ta cảm thấy mình đã bị bỏ rơi khá là xa rồi! Bây giờ các cô gái chỉ muốn làm những gì họ ưa thích mà thôi… Có phải thực sự là gớm ghiếc không, tôi muốn nói tới cái loại dơ bẩn và không cạo mặt cho cẩn thận ấy?… Ôi! Cái loại đó… áo gilê nhàu nát và mái tóc dài xoăn tít lại…. rơi xuống hai vai… Khó có thể phân biệt được các cô gái với những người yêu của họ, chị có thấy vậy không?… Đúng là, đôi khi trông họ cũng giống như một Van Dick, nếu họ kẻng trai… Sao, chị bảo sao? Rằng Andrew Restarick ghét hắn thậm tệ à?… Với những người đàn ông lớn tuổi, điều đó dễ hiểu thôi… Mary Restarick?… Tôi cho rằng cãi nhau với bà dì ghẻ là một thái độ cư xử bình thường phải không? Bà ấy chắc hài lòng khi Norman đã tìm ra một việc làm ở Luân Đôn. Chị muốn nói gì khi bảo: “Người ta kể chuyện rằng?”… Vì sao lại không thể khám phá ra điều gì không ổn trong người bà ấy?…. Ai đã thuật lại như vậy?… Phải, nhưng ai xầm xì những điều như vậy?…. Ồ! Một cô y tá đã lập lại như thế với cô bảo mẫu nhà Janners à? Chị muốn nói, chồng của bà ấy?… Ơ! Tôi thấy rồi. Người bác sĩ cũng không bao giờ biết chắc như vậy đâu… Không, nhưng thiên hạ độc địa lắm! Tôi đồng ý với chị. Những câu chuyện như vậy đều sai lạc hoàn toàn… Ồ! Đó là một chứng đau bao tử?… Nhưng thật là lố bịch! Người ta tung tin rằng… ông ấy tên là gì nhỉ? Andrew… Tất nhiên điều đó sẽ dễ xảy ra với loại thuốc diệt cỏ rơi vãi khắp nơi… Đúng, nhưng vì sao? Tôi muốn nói không phải là liên quan đến bà vợ mà ông đã căm ghét trong bao nhiêu năm qua… Người vợ thứ hai tôi có biết, trẻ hơn nhiều và đẹp hơn. Đúng, tôi giả thiết có thể như vậy. Nhưng cái cô ngoại quốc kia có lý do gì mà muốn thế…? Cô ấy thù oán ông vì một lời nhận xét không tốt ư?… Đó là một cô gái khá xinh đẹp. Andrew có thể cảm mến cô ấy, chưa có gì là quan trọng nhưng cũng đủ để Mary bực mình tới mức đã nói thẳng sự việc cho cô ngoại quốc đó và…
Trong góc của con mắt mình, bà Oliver đã chú ý thấy Poirot đang ra dấu cho bà.
– Chờ tôi một chút nghe, cô bạn… Đó là người làm bánh mì (Poirot giật mình vì hơi bị xúc phạm). Đừng bỏ máy nghe!
Bà bỏ máy nghe và nhào tới nhà thám tử, ông này đã thối lui lại theo phản xạ tự vệ.
– Có điều gì đó? Bà hỏi trong một hơi thở.
– Một người thợ làm bánh mì ư? Tôi ấy à? Poirot phản đối với giọng chua chát.
– Thì tôi phải tìm ra một lời tháo lui thật lẹ mà. Vì sao ông lại ra dấu cho tôi? Ông đã nghe rõ những câu trao đổi…
– Bà sẽ kể lại tôi nghe tất cả những việc đó. Trong lúc này, tôi muốn bà tìm cho tôi một cái cớ cho phép tôi tới thăm nhà Restarick.. Một trong các bạn cũ của bà sẽ đi qua vùng này trong một ngày nào đó.
– Cứ đế mặc tôi lo! Tôi sẽ tìm ra được một cái cớ nào đó. Ông có muốn dùng một tên mượn nào đó không?
– Tất nhiên là không rồi! Chúng ta hãy cố làm cho đơn giản.
Bà Oliver gật đầu và quay ngay lại chỗ điện thoại.
– Naomi? Mình không còn nhớ rằng chúng ta đang trao đổi với nhau những gì nữa! Vì sao hễ mỗi khi bắt đầu có một cuộc trao đổi đầy thú vị như vậy thì đều xảy ra một việc gì đó? Tôi thật không nhớ vì sao mình đã gọi tới chị nữa… À! Đúng rồi! Về địa chỉ của cô con gái đó, Thora… tôi muốn nói tới Norma… và chị đã cho tôi địa chỉ rồi. Nhưng lại còn chuyện khác nữa… Ồ! Tôi nhớ lại rồi. Một trong những người bạn của tôi, một người đàn ông nhỏ con nhưng rất hấp dẫn. Vả lại trong cái tối hôm nọ, tôi đã đề cập tới ông ta rồi. Ông ấy tên là Hercule Poirot, ngẫu nhiên ông có việc sắp đi qua gần nhà Restarick và ông ấy rất muốn được làm quen với quí ông cụ Sir Roderick. Ông ta dã nghe nói rất nhiều về ông cụ và rất là khâm phục những thành tích của ông cụ trong chiến tranh hoặc muốn tìm hiểu thêm điều gì đó… nói tóm lại, ông bạn của tôi rất hân hạnh nếu được tới thăm và trình với ông cụ “những lời kính trọng” của ông ta, đó là tôi nói theo lời ông bạn tôi. Chị nghĩ có được không?… Đúng, ông bạn tôi sẽ tới nơi vào một ngày nào đó không báo trước. Chị làm ơn nói với ông cụ hãy kể lại một trong những câu chuyện hoạt động gián điệp của cụ mà thôi. Ông ấy… sao? Ồ! Những người làm vườn của chị à? Ồ! Đúng, tất nhiên là chị phải đi ngay rồi. Chào nhé.
Bà đặt máy nghe xuống và thả mình trong ghế bành.
– Trời! Tôi đã hết hơi rồi! Như vậy có được không?
– Không xoàng dâu.
– Tôi nghĩ rằng tốt nhất là thoạt đầu ông hãy tiếp xúc với ông lão. Như vậy ông có thể gặp tất cả bọn họ nếu ông muốn vậy, phải không? Và một người phụ nữ sẽ dễ bị lạc lối trong một câu chuyện có đề tài khoa học đó. Tôi tin là ông sẽ tìm ra được một câu chuyện nghe được. Nhưng bây giờ tôi phải thuật lại với ông những gì mà bà Lorrimers đã kể lại với tôi.
– Về vấn đề sức khỏe của bà Restarick ấy à?
– Đúng như vậy! Ông hãy hình dung là bà ấy bị một chứng bệnh bí mật… bệnh đau bao tử mà các thầy thuốc không hiểu được tý gì. Họ đã gửi bà ta tới một bệnh viện, nơi đó tuy không có chữa chạy gì đặc biệt – bà ta vẫn mau chóng hồi phục. Nhưng vừa trở về nhà, những triệu chứng của bệnh này lại xuất hiện trở lại!.. Các bác sĩ chẳng hiểu mô tê gì cả. Và thế là người ta bắt đầu đàm tếu. Một cô y tá đã kể câu chuyện này cho người chị, bà này đi nói lại cho một bà hàng xóm. Người hàng xóm này là một bà nội trợ, đã thuật lại khắp nơi, nhấn mạnh rằng câu chuyện xem ra đầy vẻ bí ẩn. Người ta xầm xì mau tới mức là ông chồng đã tìm cách đầu độc bà vợ mình. Đó là một giả thiết nảy ra một cách tự nhiên trong trí óc người ta, nhưng trong trường hợp cụ thể này, thì đó là một điều không tin được. Naomi và tôi, chúng tôi đã hỏi nhau không hiểu sự việc này có dính dáng gì đến cô gái trẻ tùy tùng… tôi nói tùy tùng nhưng trên thực tế, đó là một loại nữ thư ký, hay một phụ nữ đi theo chăm sóc một ông quí tộc già. Tuy nhiên, không có lý gì khiến cô này đã cho bà là Restarick uống loại thuốc diệt cỏ cả.
– Tôi đã nghe những giả thiết của bà hồi nãy rồi.
– Thông thường thì những tên giết người luôn luôn có một lý do nào đó, còn trong trường hợp này…
Poirot chặn lời bà lại:
– Hình như kẻ đầu độc không có can đảm tiến hành đến cùng!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.