Cô Gái Thứ Ba
Chương 6
Hercule Poirot đi trong con đường chính của Long Basing, nếu người ta có thể gọi đó là con đường duy nhất trong thị trấn này. Long Basing là một trong các làng có đặc điểm chỉ kéo theo chiều dài, không nghĩ tới việc phát triển theo chiều rộng. Người ta trông thấy tại nơi đó một ngôi nhà thờ đồ sộ, với cái tháp chuông khổng lồ và gần đó là một cây thông đỏ rất cao to trùm lên ngôi vườn – nghĩa trang. Hai bên phải và trái của con dường, trải dài những cửa tiệm rất đa dạng, trong đó có hai nơi bán đồ cổ. Một nơi dường như chỉ quan tâm tới những tấm chắn trước của cái lò sưởi bằng gỗ chạm, còn cửa tiệm kia lại tỏ rất chú ý tới các loại bản đồ treo tường cũ, đồ sứ (phần lớn đều đã mẻ), những tủ com-mốt cũ bằng gổ sồi bị mọt đục, những tấm kệ đầy những miếng thủy tinh và đồ bạc đã có từ thời nữ hoàng Vic-to-ri-a, tất cả đều xếp không được gọn mắt vì thiếu chỗ. Còn có thêm hai tiệm cà phê, cả hai rất thiếu chưng dọn, một tiệm bán những cái rổ và đầy những đồ làm bằng thủ công, một văn phòng bưu điện nơi đó có bán những trái cây, một người bán vải, đặc biệt tập trung vào những đồ may sẵn theo “mốt”, ở chính giữa là một cái quầy thật bự trên đó chất đống những đôi giày trẻ em, trong lúc đó, ở tận góc kia, có đủ các mặt hàng tạp hóa. Còn phải kể ra nữa một người bán nhật trình – giấy viết, bán thêm cả thuốc lá và các thứ kẹo. Một cửa hàng đồ bằng len, có lẽ, đó là bậc “khá giả” nhất của địa phương. Trong cửa hàng này, hai người phụ nữ ăn mặc lịch sự tóc trắng, trông chừng những chồng hàng trên các kệ đầy những lọn len đủ màu sắc và trên mặt quầy là những cái giỏ chứa đầy hình mẫu đan. Người ta đã xếp ở cuối góc, một khoảng trống để chưng bày những sản phẩm đẹp đẽ của nghệ thuật đan len. Đối với những mặt hàng về tạp hóa, chúng được chuyển thành một “siêu thị” với các rổ bằng kim loại và các dãy dài đồ hộp có các bao bì trông thật khêu gợi. Cuối cùng chiếm một chỗ riêng biệt là một tiệm nhỏ, trình bày tại giữa tủ kính nổi lên với nét dáng nghệ thuật chữ “Lillah” – một áo sơ-mi từ Pháp tới, kèm theo một cái nhãn hiệu xác nhận là “mốt mới nhất”. Áo này nằm cạnh một cái váy màu xanh lam và một áo nịt len rực rỡ, tất cả đều được sắp xếp một cách lộn xộn có dụng ý.
Poirot quan sát tất cả với cặp mắt thản nhiên. Ông để ý một dãy dài những ngôi nhà hẹp nhỏ, kiểu cổ nằm giữa làng. Trong đó một số còn giữ đường nét từ thời các ông vua George, còn phần đông đã mang những biểu hiện thay đổi theo thời nữ hoàng Vic-to-ri-a, ví dụ một hàng hiên, một cửa sổ nhô ra, một cái vườn nhỏ… Bộ mặt tiền của một hay hai cái nhà đó đã được nâng cao thêm và dường như đã cho những chủ nhân của chúng cái quyền đòi hỏi một sự kính nể về cách “hợp thời” của họ.
Poirot đi chầm chậm, ghi nhận lấy tất cả những gì ông dã khám phá ra. Nếu bà bạn dữ dằn của ông là bà Oliver đã đi cùng, bà sẽ hỏi vì sao ông lại bỏ phí thời giờ đi dạo như vậy, trong khi cái nhà mà ông quan tâm đang nằm cách vài trăm thước ở rìa làng. Poirot sẽ trả lời với bà ta rằng ông muốn nhận thức sâu sắc không khí xung quanh, một điều đôi khi có nhiều điểm rất quan trọng.
Ra khỏi đô thị nhỏ này, sự chuyển tiếp thật rõ rệt. Một bên, lùi vào phía sau con đường có vài ngôi nhà được quốc gia mới dựng lên cách nay không lâu, trước mỗi nhà là một vườn cỏ, với các cánh cửa ra vào sơn những màu nổi bật lên. Xa xa, đồng quê trải dài thật thanh bình, với những ngọn đồi và các bức rào bằng gai và đây đó, một số những cái nhà mà những người buôn bán bất động sản gọi là “những ngôi nhà đẹp của các chủ nhân” ngự trị lên những cây và vườn hoa, thấm nhuần cái vẻ bí mật riêng của các bất động sản tư nhân. Phía khá xa trước mặt ông, Poirot nhìn thấy một ngôi nhà mà tầng một mới được làm thêm cách nay không lâu, tạo cho ngôi nhà cái dáng kiến trúc tròn trĩnh lạ mắt. Đó chắc là nơi ông muốn tới. Nhà thám tử tới hàng rào mang bảng chữ “Crosshedges” và mắt ông nhìn vào cái nhà có lẽ đã hiện diện từ đầu thế kỷ tới nay.
Nó không đẹp cũng chẳng xấu – thật là bình thường. Ngược lại, cái vườn làm thích mắt mọi người. Người ta đoán ra ngay từ đầu, nó đã được chăm sóc khá kỹ và cẩn thận. Nó còn mang dấu những bãi cỏ được cắt xén sắc sảo, một số khá lớn những bồn hoa, cây nho khéo sắp xếp. Một người thạo nghề đã chăm sóc ngôi vườn này. Poirot nghĩ vậy và có lẽ, chính những vị chủ nhân đã quan tâm đặc biệt tới nó vì ông vừa để ý tại một góc gần ngôi nhà, một người phụ nữ nghiêng mình trên một bồn đất hẹp, dường như để buộc lại những cây hoa thược dược. Đầu bà ta trông như một khối vàng sáng chói. Bà ta có vẻ như cao lớn, thon thả, và đôi vai vuông vức.
Poirot đẩy cửa và bước tới.
Người đàn bà quay đầu lại, xong đứng thẳng dậy, mắt ngắm nhìn người mới tới như dò xét. Bà ta không động đậy, giữ cái kéo trong bàn tay:
– Ông cần gì?
Poirot chào bà ta bằng một cử chỉ lịch thiệp và nghiêng người. Hai mắt của người phụ nữ dừng lại nơi hàng ria mép của người dàn ông nhỏ con này, như bị thôi miên vậy.
– Bà Restarick?
– Phải. Tôi…
– Thưa bà; hy vọng là tôi không quấy rầy bà chớ?
Một cái mỉm cười hiện lên đôi môi của bà chủ nhà.
– Không có chi. Ông là…
– Tôi tự cho phép mình được tới thăm quý vị ở đây. Một trong các bà bạn của tôi là quí bà Ariane Oliver…
– Ơ! Ông phải là ông Poiret không?
– Poirot – ông sửa lại, nhấn mạnh tới âm chót. Dạ, Hercule Poirot để phục vụ quí bà. Tôi đi qua vùng và tự cho phép mình được tới đây với niềm hy vọng là được trình bày lòng ngưỡng mộ tới quí ông Sir Roderick Horsefield.
– Phải. Naomi Lorrimers đã báo trước chúng tôi là ông có thể tới một cách bất ngờ.
– Tôi hy vọng điều đó không làm phiền quí bà?
– Không hề. Ariane Oliver đã có mặt ở nơi đây vào cuối tuần trước. Bà ấy đi cùng với gia đình nhà Lorrimers. Sách của bà ấy thật là trí tuệ phải không ông? Nhưng, tôi thật là quá ngốc nghếch! Ông cũng là một thám tử cơ mà… một thám tử thực?
– Dạ, tôi là thực nhất trong loại thám tử, Hercule Poirot đáp.
Ông để ý thấy bà ta cố nén một nụ cười mỉm. Trong lúc ngắm nhìn kỹ bà, ông để ý thấy bà quả thật là đẹp, nhưng đó là một sắc đẹp nhân tạo. Mái tóc vàng của bà được bó sát nhau như chúng bị dồn ép vào nhau. Ông tự hỏi, không biết bà ta sẵn có cái vẻ tự tin lớn lao như thế, hay là bà đang đóng vai một bà quý tộc Anh đang chăm chú làm vườn? Ông cũng tự hỏi cái dĩ vãng của người phụ nữ này đã là cái gì?
– Thưa bà, bà có một cái vườn rất là đẹp.
– Ông cũng ưa các khu vườn sao?
– Không bằng những người nước Anh. Trong quốc gia này, các vị có năng khiếu đặc biệt đối với vấn đề vườn. Trong mắt các vị, nó có một giá trị đặc biệt mà tại nước chúng tôi, chúng tôi không đánh giá tới mức như vậy.
– Ông muốn ám chỉ đó là nước Pháp phải không?
– Tôi không phải là người Pháp mà là người Bỉ.
– Ơ! Bây giờ tôi mới nhớ là bà Ariane Oliver đã nói ông thuộc về cảnh sát Bỉ.
– Đúng vậy ạ! Tôi là một con cáo già thuộc cảnh sát Bỉ mà – ông nở một nụ cười lịch sự và tiếp tục nói – Những ngôi vườn ở Anh… tôi thật cảm phục chúng. Những giống dân la-tinh ưa thích những kiến trúc đều đặn, những vườn Versailles thu nhỏ, và hơn thế nữa, tất nhiên, họ đã sáng chế ra potager (tiếng Pháp: vườn rau); đó là một điều rất quan trọng. Ở đâu cũng vậy, các vị cũng có potager , nhưng chúng đã tới với các vị từ nước Pháp và các vị không thích rau sống hơn là hoa. Đúng vậy không?
– Phải, tôi nghĩ là ông đã có lý. Nếu ông vui lòng đi theo tôi. Tôi dẫn ông tới chỗ ông chú chúng tôi.
– Tôi tự cho phép mình đã làm phiền bà vì lòng mong muốn tới chào quí ông Sir Roderick, nhưng tôi cũng xin bày tỏ lời chào mừng của tôi tới quí bà nữa. Tôi luôn luôn bày tỏ lòng kính trọng tới sắc đẹp mà mình có may mắn được gặp.
Ông nghiêng người.
Bà ta cười, hơi lúng túng.
– Ồ, thưa ông Poiroi, ông làm cho tôi đỏ mặt vì ngượng đó.
– Tôi biết sơ qua ông chú của bà vào năm 1944.
– Ông ta thật tội nghiệp, đã quá nhiều tuổi rồi. Bệnh điếc lại tăng thêm.
– Tôi lo là sau nhiều năm chắc ông đã quên tôi. Hồi đó, có một vụ hoạt động gián điệp dính tới sự phát triển của một phát minh mới. Chúng tôi được biết Sir Roderick qua phát minh đó. Tôi hy vọng là ông vui lòng tiếp tôi.
– Tôi tin chắc như vậy. Cuộc sống hiện tại của ông đã mất hết tầm quan trọng rồi. Tôi đã phải thường xuyên đi Luân đôn… Chúng tôi cần tìm cho được một căn nhà phù hợp với mình.
Bà thở dài và kết luận:
– Những người già đều tỏ ra khó sống chung với họ.
– Tôi biết. Tôi đã gần giống như vậy.
Bà ta bật cười.
– Này, ông Poirot, ông không cho là mình đã quá già chớ?
– Dù sao cũng đã có người nói với tôi điều đó rồi. Ông trả lời như vậy, thở dài. Trong số đó, có những cô gái trẻ.
– Thật không tốt chút nào đối với họ. Nhưng tôi biết cô con gái của chúng tôi cũng có thể có những nhận xét như vậy.
– Bà có con gái sao?
– Đó là con riêng của chồng tôi.
– Tôi rất vui mừng được gặp cô ấy.
– Tôi nghĩ không thể được vì nó hiện ở tại Luân Đôn. Nó làm việc ở đó.
– Vào thời đại ngày nay, tất cả các cô gái đều có nghề cả.
– Mỗi người chúng ta đều phải làm việc, bà đáp lại với giọng buồn tẻ. Ngay sau khi vừa làm đám cưới, một phụ nữ đã phải quay về căn phòng hay bục giáo sư của mình rồi.
– Trường hợp của bà có như vậy không?
– Không. Tôi đã được nuôi dạy ở Nam Phi. Tôi đã về đây với chồng tôi và nước Anh là một quốc gia… còn khó hiểu đối với tôi.
Bà nhìn quanh mình bằng một cái nhìn mà Poirot đánh giá là thiếu thiện cảm.
Họ đang ở trong một căn phòng bầy biện tốt nhưng không có vẻ đặc sắc. Hai bức chân dung to lớn nhìn vào nhau: một người đàn bà với đôi môi mỏng, bận cái áo buổi tối bằng nhung màu xám và một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi, với cái vẻ kiêm nghị uy nghiêm.
– Tôi nghĩ chắc cô con gái của bà đã buồn khi phải về ở trong vùng quê như vậy.
– Đúng. Luân Đôn phù hợp với nó hơn. Bà ta ngưng lại và nói thêm một cách luyến tiếc: Nó không yêu tôi.
– Không thể như thế được! Poirot thốt lên với một vẻ lịch sự đúng kiểu Pháp.
– Rất không may là như vậy đó. Tôi nghĩ quả thật là khó cho một cô gái chịu chấp nhận bà mẹ ghẻ của mình.
– Cô con gái của bà có yêu mẹ cô ấy không?
– Tôi nghĩ là có. Nó có tánh nết khó chịu nhưng tôi cho là các cô gái ngày nay đều như vậy.
Poirot thở dài.
– Các bậc cha mẹ đã có ít sự kiểm soát đối với con cái hơn trước. Ngày xưa thì không như thế.
– Đúng vậy.
– Người ta do dự khi đề cập tới vấn đề này nhưng tôi phải thú nhận là đã có ý kiến về cái tật thiếu sự xét đoán của họ trong việc lựa chọn lấy một bạn trai.
– Norma là nguồn gốc nỗi đau buồn của cha nó, trong vấn đề này, tôi nghĩ than phiền cũng chẳng ích lợi gì. Giới trẻ phải tự họ rút tỉa ra được các bài học kinh nghiệm cho mình… Chú Roderick có phòng trên lầu đó.
Bà ta hướng dẫn Poirot ra khỏi căn phòng, nơi mà ông vừa nhìn lại một lần cuối. Buồn tẻ… không cá tính… ngoại trừ hai bức chân dung. Theo kiểu cách cái áo của người phụ nữ, các bức chân dung ấy không phải mới đây và nếu đó là bà Restarick thứ nhất thì ông không có cảm tình.
– Các chân dung này đẹp quá, ông nhận xét.
– Phải. Chúng do Lansberger vẽ đó.
Lansberger là một họa sĩ nổi tiếng và giá rất mắc, hai mươi năm về trước. Nét vẽ tự nhiên chủ nghĩa của ông hiện nay đã quá thời rồi và từ ngày ông chết đi, người ta đã không còn nhắc tới ông ta nữa. Các bức họa của ông được gọi một cách khinh miệt là “thứ phẩm”, nhưng Poirot cho rằng chúng có giá trị hơn. Ông nhận thấy nụ cười châm biếm cay độc của người họa sĩ dưới những bức họa ấy.
Ông leo lên vài bậc thang chót của thang lầu, cách xa ông có ít bước. Bà Restarick tuyên bố:
– Các bức họa ấy mới lấy từ nhà kho ra, phục chế lại và… bà bỗng nhiên ngưng ngay lại và đứng sững, một bàn tay để trên lan can cầu thang.
Một bóng đen vừa quẹo qua bậc cuối thang lầu, đi xuống gặp họ…. Một bóng đen khá kỳ dị, xem như bận đồ hoá trang không hợp với không khí ngôi nhà.
Poirot đã quen với những nhân vật như vậy, qua nhiều lần gặp họ trong những dịp ở trên đường phố Luân Đôn và ngay trong các đêm dạ hội. Một mẫu người của giới thanh niên thời nay đó. Người ấy bận một áo vét màu đen, một gi-lê bằng nhung kiểu cách dị hợm, một cái quần dài bằng da thật chật và một mớ tóc màu hạt dẻ quăn rủ xuống hai bờ vai. Một vẻ ngoại lai và gần như đẹp, mặc dù phải nhận rõ mặt người đó một lúc trước khi đoán được giới tính của họ.
– David! Bà Restarick nói giọng gay gắt. Cậu làm cái quỉ gì ở đây vậy?
Cậu thanh niên xem ra không bối rối chút nào.
– Tôi đã làm cho bà sợ phải không? Tôi rất tiếc.
– Cậu đang làm gì…. trong cái nhà này? Cậu đã tới với Norma phải không?
– Norma? Không, tôi đang hy vọng tìm thấy cô ta trong phòng ngủ của cô.
– Cậu đã biết quá rõ là cô ấy hiện đang ở Luân Đôn rồi chứ?
– À không! Dù gì thì nàng cũng không có ở số sáu mươi bảy Borodene Mansions.
– Vì sao như vậy?
– Dường như cô ta đã quay về đây vào ngày nghỉ cuối tuần rồi. Tôi cứ tưởng hiện giờ cô đang ở tại đây. Tôi đã tới nơi để xem có việc gì không?
– Cô ấy đã đi vào tối chủ nhật, như thường lệ.
Bà Restarick nói thêm, giọng nói bực tức hẳn lên:
– Vì sao cậu không bấm chuông cửa để báo cho chúng tôi biết là cậu đã vào đây rồi? Vì sao cậu lại đi rình trong nhà như vậy?
– Thật vậy sao? Xem ra bà có vẻ nghi tôi sắp ăn cắp các cái muỗng phải không? Vào trong nhà ban ngày ban mặt như vầy cũng là một việc bình thường phải không?
– Chúng tôi sống kiểu khác và không thích cái trò này.
– Ô! Là! Là! Thiên hạ hay kiếm chuyện quá! Thưa bà thân mến, nếu tôi không phải là một người được chào đón, và nếu bà quả thực không biết người con gái riêng của chồng bà đang ở đâu thì tốt hơn là tôi nên rút lui cho được việc. Trước khi rời đi, liệu tôi có phải trình ra các túi của mình không?
– David, đừng tỏ ra quá ngu ngốc nữa.
– Vậy thì xin chào!
Người thanh niên đi qua mặt họ, vẫy tay chào và biến mất.
– Một tay thật kinh tởm! Mary Restarick nhận xét với một giọng nói chua cay gây cho Poirot nhiều ngạc nhiên. Tôi không chịu nổi hắn ta. Vì sao nước Anh lại phải chịu đựng những con người như vậy?
– Thưa bà, xin bà đừng nổi giận. Đó chỉ là một vấn đề thuộc “mốt” mà thôi, và điều này thì luôn luôn tồn tại. Ở nông thôn, các vị không có nhiều dịp để gặp, nhưng ở Luân Đơm chúng ta thường phải đụng với những người như vầy tới số trăm chớ không ít hơn đâu.
– Kinh tởm! Thật kinh tởm! Trông như phụ nữ…
– Và tuy nhiên khá giống với chân dung của Van Dyck, bà có nhận thấy như vậy không? Đặt trong một khuôn hình mạ vàng, với một vòng ren quấn quanh cổ, bà sẽ không thấy họ như con gái nữa đâu.
– Dám đến kiểu như vậy! Andrew chắc sẽ tức giận lắm đây. Câu chuyện này sẽ làm ông ấy lo lắng nhiều hơn vì ông ấy không hiểu hết Norma. Ông ta đã đi ra ngoại quốc trong khi cô ấy chỉ mới là một trẻ em, để lại cho vợ ông ta trông coi. Cả tôi, tôi cũng không khỏi lo cho cô gái này và không khỏi nhận thấy cô ấy kỳ lạ lắm. Tên David Baker này đã làm điên đảo cô ấy và chúng tôi thật là đã hết phép rồi! Chúng tôi đã cấm tên này bước vào nhà và ông xem đấy: hắn trình diện với một vẻ phớt đời không chê vào đâu được. Tôi nghĩ không nên cho Andrew biết chút gì về việc này. Tôi hình dung là Norma đã cặp kè với tên này ở Luân Đôn và có thể, với những tên khác, cũng giống hệt vậy. Có những tên còn tệ hơn tên này nữa, chúng không tắm rửa bao giờ, để râu dài lòng thòng và bận quần áo đầy cáu ghét.
Poirot nhận xét vui vẻ:
– Xin bà đừng thất vọng và xin nhớ cho rằng các lỗi lầm của tuổi trẻ sẽ qua mau thôi.
– Tôi hy vọng là như thế. Nhiều khi, tôi có cảm nghĩ là Norma đã có gì trục trặc về tâm thần. Nó có những giây phút đãng trí hay bỗng nhiên ghét cay ghét đắng cái gì đó.
– Ghét cay ghét đắng?
– Nó căm ghét tôi. Không, không, tôi không nói quá lời đâu! Tôi không hiểu tại sao lại như vậy, vì nếu nó có tôn thờ mẹ nó thì nó cũng phải biết rằng điều tự nhiên là cha nó rồi sẽ phải đi bước nữa chứ!
– Bà có tin rằng cô ấy căm ghét bà không?
– Nó đã cung cấp cho tôi đầy đủ bằng chứng. Tôi không thể nói với ông rằng tôi đã nhẹ mình bao nhiêu khi nó đã quyết định tới Luân Đôn để làm việc. Tôi không muốn kiếm chuyện, nhưng…
Bà ấy ngưng bặt đi như vừa nhận thức ra là mình đang tâm sự với một người khách nước ngòai.
– Trời ơi! Tôi thật không hiểu sao mình lại nói với ông những câu chuyện như vậy? Tôi cho rằng mỗi gia đình đều có những nỗi buồn tương tự như vậy. Các bà mẹ ghẻ đáng thương hại, chúng tôi đã bị đối xử thật là tệ. Đây, chúng ta đã đến nơi rồi.
Bà ta gõ vào cánh cửa.
– Vào đi! Vào đi! Vang lên một tiếng nói to như lệnh vỡ.
– Thưa chú, chú có khách tới thăm ạ!
Một ông lão, to con và lớn mặt, hai gò má đỏ và có vẻ cáu giận, đang đi qua đi lại. Ông bước tới những người khách, với đôi chân khập khiễng. Ngồi về phía sau một chiếc bàn, một cô gái đang thu xếp các thư và giấy tờ, nghiêng lên đó mái tóc nâu và được vuốt thẳng.
– Thưa chú Roddy, cháu xin giới thiệu đây là ông Hercule Poirot.
Poirot bước tới và lên tiếng nói thật tự nhiên:
– Sir Roderick! Tôi đã hân hạnh được gặp quí ông từ bao nhiêu năm nay rồi! Trong cuộc chiến tranh vừa qua. Ở Normandie với đại tá Race và tướng Abereromby… và cả với ông tướng Sir Edmund Collinsby nữa. Kỷ luật tuyệt mật của sở an ninh hồi đó!
Ngày nay, chắc không cần phải giữ mồm giữ miệng nữa rồi! Tôi nhớ tới cái tên nhân viên bí mật đó đã làm khổ các ông biết bao nhiêu… Thưa ông, ông còn nhớ tới cái viên đại úy Henderson đó không?
– Viên đại úy Henderson? Tôi nhớ quá chứ! Con heo chết dẫm đó! Chúng tôi dù sao cũng đã lột được mặt nạ hắn!
– Có thể là ông không còn nhớ ra tôi nữa phải không?
– Có, có, tôi đã nhớ ông rất rõ mà. Chúng ta cùng thoát nạn với nhau. Ông là người đại diện cho phía Pháp, phải không?
Hồi đó đã có một hay hai… tôi không chịu nổi một trong hai người đó… Tôi không còn nhớ tên anh ta. Nào, ngồi xuống đi, ngồi xuống đi. Không gì tốt hơn là cùng nhau nhắc lại những ngày tốt đẹp đã qua.
– Tôi đã thật lo ngại rằng quí ông không còn nhớ đến tôi hay bạn đồng nghiệp là ông Giraud.
– Có, có, tôi nhớ lại rõ lắm.
Cô gái đứng dậy và đẩy thật lễ phép một cái ghế tới chỗ Poirot.
– Tốt lắm, Sonia ạ, tốt lắm – Sir Roderick tỏ vẻ tán thành, ông quay mình lại phía nhà thám tử. Cho phép tôi giới thiệu với quí ông, đây là cô thư ký rất đáng mến của tôi. Điều này thay đổi tôi rất nhiều. Cô ấy giúp đỡ, cô ấy sắp xếp các công việc làm của tôi. Tôi tự hỏi, trước khi có cô ấy, không rõ tôi đã xoay sở ra làm sao?
Đáp lại lời chào rất duyên dáng của Poirot, cô gái thì thầm vài tiếng. Đó là một cô gái nhỏ con, tóc cắt như kiểu bà Jeanne d’Arc và xem ra hơi nhút nhát. Đôi mắt cô màu xanh sậm, thường hay cúi xuống nhưng đã mỉm cười rất dễ thương với ông chủ mình.
Ông ta vỗ nhẹ bàn tay vào lưng cô.
– Tôi thật sự không biết mình sẽ ra sao nếu không có cô.
– Dạ, tôi đâu có làm được gì nhiều! Tôi còn đánh máy rất xoàng.
– Thế là đủ với tôi rồi, cô thân mến ạ! Cô còn là trí nhớ, đôi mắt, đôi lỗ tai của tôi nữa…
Cô cười với ông lão.
– Tôi còn nhớ trong óc mình, Poirot xen vào nói, một số câu chuyện lý thú mà tôi được nghe kể hồi đó, và cụ thể về một câu chuyện có dính dáng tới quý ông, cái ngày ngưới ta đã đánh cắp cái xe hơi của quý ông.
Nhà thám tử thuật lại câu chuyện. Nó làm nức lòng người nghe.
– À! À! Đúng là vậy! Hơi khuyếch đại nhưng đúng. Phải, phải, tôi không nghĩ rằng sau bao nhiêu năm, ông còn nhớ được tới như vậy. Nhưng, tôi có thể kể lại với ông một câu chuyện còn hay hơn vậy nữa.
Tới phiên mình, ông lão lao vào câu chuyện.
Poirot lắng nghe và vỗ tay. Cuối cùng, ông liếc nhìn vào đồng hồ của mình và đứng dậy.
– Tôi không dám làm phiền quý ông lâu hơn nữa. Tôi thấy rõ là quý ông đang bận vào những câu chuyện quan trọng hơn. Nhân đi qua đây, tôi không thể tự kềm mình tới đây trình bày với quí ông lời cảm phục của mình. Năm tháng trôi qua, nhưng tôi nhận thấy quý ông không chút thay đổi nào trong sức mạnh và nhiệt huyết của mình cả.
– Có thể. Tuy nhiên, xin đừng quá khen tôi như vậy. Ông ở lại dùng một chén trà? Tôi tin chắc là Mary đã chuẩn bị cho ông rồi.
Ông nhìn quanh mình
– Ồ! Cô ấy đã đi đâu rồi! Một cô gái thật dễ mến làm sao…
– Rõ ràng là vậy. Và còn rất đẹp nữa. Tôi hình dung rằng, từ nhiều năm nay, cô ấy đã là một niềm an ủi lớn đối với quí ông phải không?
– Họ mới lấy nhau đây thôi. Cô ấy là người vợ kế của người cháu trai tôi. Tôi nói thành thật với ông là tôi chưa bao giờ yêu Andrew nhiều. Cái cậu ấy, sống không nề nếp chút nào cả. Tôi thích người anh cả của cậu ấy hơn. Không phải vì tôi đã biết cậu ấy nhiều hơn đâu… Nhưng Andrew đã cư xử với người vợ đầu không được tốt lắm. Cậu ấy đã bỏ cô ta để chạy theo một cô gái mà cậu ta si mê. Mối tình chỉ kéo dài được vài tháng mà thôi…
Thằng ngốc! Còn cô mà cậu ấy vừa lấy đây xem ra tốt, tuyệt nữa là khác. Về Simon, cậu ấy là một con người ổn định nhưng lại buồn chán. Tôi đã không hài lòng khi bà chị của tôi nhập vào gia đình này. Đó là những ông thương gia lớn, dĩ nhiên là rất giàu, nhưng đồng tiền đâu phải là tất cả. Do truyền thống, cả gia đình tôi đều thiên về quân đội. Tôi đã không bao giờ gần gũi với dòng họ Restarick.
– Tôi thấy hình như là họ có một cô con gái thì phải. Một trong các bà bạn tôi đã gặp cô ấy vào tuần cuối.
– Norma. Một con bé ngu ngốc. Nó bận quần áo trông thật kinh người và đi yêu một tên ghê tởm. Ngày nay, bọn trẻ chúng đều giống nhau như lột, với mái tóc dài thượt của chúng, những tên Beatnik, những tên Beatles, đủ các loại tên gọi. Chúng nói lên những thứ tiếng, trên thực tế khác hẳn tiếng nói của chúng ta. Tuy nhiên, ai mà để ý tới lời phê bình của một người già lão cơ chứ? Mary, ngay cô ấy cũng… Tôi luôn luôn cho rằng cô ấy là mẫu mực của một người vợ đảm người Anh. Nhưng, cả cô ấy, tôi nghĩ rằng cô ấy cũng bị rối loạn, về phương diện sức khỏe ấy, tôi muốn nói vậy. Những câu chuyện liên quan tới vụ nằm ở bệnh viện để xét nghiệm, hoặc đôi điều đại loại như vậy. Ông uống một ly nhé? Uýt-ky? Không à? Ông có muốn uống một tách trà trước khi từ giã chúng tôi không?
– Cám ơn, nhưng tôi đang có những người bạn đang đợi tôi.
– Vậy, tôi phải nói là mình rất hài lòng được hầu chuyện với ông. Nói lại những chuyện đã qua mới vui làm sao! Sonia, xin cô bé làm ơn dẫn ông đây đi nhé… Xin lỗi, tôi đã quên mất tên ông rồi … À! Đúng rồi. Poirot. Cô làm ơn dẫn ông đây tới chỗ bà Mary nhé!
Poirot lật đật từ chối.
– Không, không. Tôi không muốn quấy rầy quí bà Restarick dưới bất cứ lý do nào nữa. Tôi dễ dàng kiếm ra được đường về mà. Tôi thật rất vui mừng là đã được gặp lại quí ông.
Ông rời căn phòng.
– Tôi hoàn toàn không biết cái ông này là ai cả. Sir Roderick nhận xét, sau khi Poirot đã đi khỏi.
– Ông không biết ông ta là ai ư? Sonia tròn đôi mắt hỏi.
– Tôi không biết tới một nửa con số những người đã tới thăm tôi trong thời kỳ này. Tất nhiên là tôi đã thực hiện bổn phận mình một cách đầy đủ. Tôi phải học tập cách giữ bộ mặt của mình chứ? Đối với các cuộc hội nghị cũng như vậy. Có một kẻ tới gặp tôi, hỏi: “Có lẽ, ông đã nhớ tới tôi rồi chớ? Tôi đã gặp ông lần chót vào năm 1939”. Tôi phải trả lời: “Ồ, có tôi nhớ chứ” thực ra thì không nhớ một chút nào cả. Bị gần như điếc và mù là một tai vạ rất lớn. Vào thời cuối của chiến tranh, chúng tôi đã liên hệ nhiều với những người Pháp như cái ông này. Tôi đã quên họ hết cả rồi. Với cái ông này, cũng vậy mà thôi. Ông ấy đã biết tôi và về phần tôi, tôi chỉ nhớ lại được khá nhiều các tên người mà ông ta đã nói tới. Câu chuyện cái xe hơi của tôi bị mất cắp là có thật tuy nó đã bị thổi phồng lên khá nhiều. Vào thời kỳ đó, nó là một trong các câu chuyện tiếu lâm. Nói cho cùng… Tôi hy vọng ông ấy không để ý tới sự việc tôi đã quên mất nhiều rồi. Ông ấy một con người thông minh, rất đặc trưng cho người Pháp, cô có nghĩ vậy không? Cái tư thế đĩnh đạc, các cử chỉ lễ phép quá mức đó… Nào, chúng ta đã tới đâu rồi?
Cô gái trẻ cầm lên một bức thư, đưa cho ông lão cùng với cặp mắt kính. Nhưng ông ta đẩy lui cặp mắt kính thật nhiệt liệt.
– Tôi không muốn các thiết bị mắc dịch này! Không có chúng, tôi cũng đã nhìn thấy rất rõ rồi.
Ông lão nheo hai mắt, nghiêng người trên tấm giấy, nhưng phải đầu hàng ngay.
– Cầm lấy này. Tốt nhất là cô tự tìm hiểu nó.
Cô gái bắt đầu đọc văn bản với cái giọng trong treo và dịu dàng của mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.