Cô Gái Thứ Ba

Chương 7



Poirot đứng im trong chốc lát tại nơi đầu cầu thang. Đầu nghiêng về một phía. Không một tiếng động nào ở phía dưới. Ông đi tới gần cửa sổ và liếc mắt ra bên ngoài. Bà Restarick đang đứng tại sân trời, phía dưới, lại bị thu hút vào việc làm vườn. Hài lòng, nhà thám tử gục gặc đầu và đi ngang qua hành lang với các bước chân thật nhẹ. Ông lần lượt mở ra từng cánh cửa để quan sát các phòng trong đó. Một phòng tắm, một tủ đựng quần áo trên tường, một phòng dành cho các bạn bè có một cái giường lớn, một cái phòng khác, rõ ràng do một người phụ nữ đang ở, phòng này dính với một phòng kế tiếp bằng một cửa qua lại. Có thể, không nghi ngờ gì, đó là phòng của ông và bà Restarick.

Poirot chú ý tới phía bên kia của hành lang. Một phòng ngủ với một cái giường chiếc, tiếp đến là một phòng giống hệt vậy. Nó đã khiến cho ông nghĩ rằng người ở đây không thường xuyên hàng ngày. Những bàn chải và các đồ dùng vệ sinh nằm dài trên bàn chải tóc. Poirot dỏng tai lên nghe, xong lẻn vào trong phòng. Ông mở cánh cửa tủ chứa những loại quần áo nữ kiểu cổ. Bàn viết, đặt trước cửa sổ, không có gì trên mặt bàn. Ông nhẹ nhàng mở các ngăn kéo, trong đó chỉ có một ít giấy tờ không quan trọng.

Poirot đi xuống dưới nhà trệt và chào bà chủ nhà. Ông từ chối lời mời dùng một tách trà, lấy cớ có các người bạn đang chờ, ông phải mau chóng đi cho kịp chuyến xe lửa về Luân Đôn.

– Ông có cần tới xe tắc-xi không? Tôi sẽ dễ dàng gọi cho ông một chiếc, hay là tôi có thể đưa ông tới nhà những người bạn cũng được?

– Dạ, khỏi cần, thưa bà. Bà thật là quá tốt.

Poirot đi trở về làng. Tại đó, ông dùng con đường hẻm nhỏ chạy dài theo nhà thờ, đi qua một cây cầu nhỏ bắc qua suối và ông tìm thấy ngay, nấp sau một cái cây sồi rừng thật lớn, một xe hơi to có người lái xe đang đợi trong đó. Người đó lật đật đứng dậy, ra mở cửa xe cho ông chủ mình.

Poirot ngả mình trên tấm ghế phía sau và rút đôi giày ra khỏi hai bàn chân, kèm theo một tiếng thở dài khoan khoái.

– Bây giờ ta đi trở về Luân Đôn, ông ra lệnh.

Xe khởi động thật nhẹ nhàng.

Trên đường về, có một chàng trai trẻ ra dấu xin đi nhờ, đó là một việc làm không có gì là lạ. Cặp mắt của nhà thám tử hờ hững nhìn cậu tín đồ của thuyết Nhân Ái này. Anh chàng này ăn mặc lòe loẹt và mang một mái tóc quăn dài. Cũng giống như nhiều người khác, Poirot vội nhổm dậy khi chiếc xe đi vượt qua người con trai và ông kêu lên với người tài xế:

– Ngưng lại, cho xe lùi lại một chút… Có ai đó đang xin ta cho đi nhờ kìa.

Người tài xế nhìn người chủ của mình, xem ra không hiểu. Poirot lại gật đầu. Người tài xế tuân lời, nhưng vẫn không hiểu gì cả.

Chàng trai trẻ David xáp tới gần xe hơi.

– Tôi không hình dung rằng ông đã ngừng lại vì tôi, anh nói giọng vui thú. Tôi rất cám ơn ông.

Anh ta ngồi vào trong xe, đặt gói hành lý xuống dưới chân và lấy các ngón tay vuốt mái tóc.

– Vậy là, ông đã nhận ra tôi sao?

– Cái cách dị hợm của anh trong ăn mặc làm cho việc đó trở nên dễ dàng.

– Dị hợm? Ông nghĩ vậy sao? Tôi không nghĩ như vậy. Tôi chỉ thuộc về một nhóm người muốn tất cả là anh em của nhau.

– Và các anh đã lấy trường phái của Van Dyck làm mẫu phải không? Tinh vi lắm.

– Tôi không bao giờ nghĩ đến góc cạnh đó. Nhưng, có thể là ông đã có lý.

– Các anh còn phải đội thêm cái mũ của giới quí tộc và một cổ áo bằng ren nữa, nếu anh cho tôi được góp ý kiến.

– Tôi không tin là chúng tôi sẽ đi xa như vậy trong phạm vi này… – Anh ta cười. Bà Restarick quả đã ghét tôi thậm tệ. Cũng phải nói thêm rằng tôi đối với bà ấy cũng vậy. Tôi cũng không ưa gì cả những người Restarick khác. Có một cái gì đó đáng ghét ở những người đã thành đạt trong việc kinh doanh. Ông có thấy thế không?

– Đó là một vấn đề quan điểm thôi. Anh đã theo tán tỉnh cô con gái phải không?

– Đó là một câu nói rất hay. Nhưng tôi cho rằng ông có thể nói như vậy cũng được, mặc dù phía cô ả cũng làm vậy đối với bản thân tôi. Ông biết là tôi không phải là kẻ tội phạm duy nhất đâu.

– Trong lúc này, cô ta hiện đang ở đâu?

David quay ngay cái đầu lại.

– Vì sao ông lại hỏi tôi câu ấy?

– Tôi rất muốn làm quen với cô ta.

– Tôi nghĩ cô ấy không phải là loại của ông đâu, vả lại cũng không phải là của tôi nữa. Norma hiện đang ở Luân Đôn.

– Nhưng anh đã nói với bà dì ghẻ cô ấy…

– Người ta không tin tưởng vào các bà dì ghẻ.

– Ở Luân Đôn, cô ta đang làm việc ở đâu?

– Tại nhà một người họa sĩ trang trí nội thất, nhưng tôi đã quên mất tên rồi. Hình như là Sussan Phelps, ở King’s Road, trong vùng Chelsea.

– Tôi cho rằng cô ấy không ở tại nơi đó. Anh có biết địa chỉ không?

– Có. Đó là một tòa nhà lớn… Nhưng tôi không rõ vì sao ông lại quan tâm tới Norma?

– Người ta quan tâm tới biết bao vấn đề.

– Nghĩa là thế nào?

– Cái gì đã đưa anh tới cái nhà ở Crosshedges bữa nay và lại lén lút đi vào nữa.

– Tôi thừa nhận là mình đã đi vào bằng cái cửa hậu.

– Anh đã tìm gì trên lầu?

– Đó là việc riêng của tôi. Tôi không muốn tỏ ra là người thô lỗ nhưng… ông có hơi quá tò mò không vậy?

– Đơn giản là tôi chỉ muốn biết chỗ cô gái đang trú ẩn mà thôi.

– Tôi hiểu! Cái ông Andrew thân mến và cái bà Mary thân mến… quỷ tha ma bắt họ đi!… đã sử dụng ông để tìm cách kiếm cho ra cô ấy phải không?

– Cho tới lúc này, tôi nghĩ là họ chưa biết việc cô ấy mất tích đâu.

– Vậy ông phải làm việc cho ai đó chớ?

– Một nhận xét rất sáng suốt đó anh bạn ạ!

– Tôi tự hỏi các ông định tiến hành những gì? Chính vì lẽ đó, tôi đã ra dấu cho ông trên đường đi này. Tôi hy vọng là ông sẽ cho tôi đi cùng ông và có thể cho tôi biết được một vài thông tin. Norma “cô bồ của tôi”. Tôi cho là ông đã biết rồi phải không?

– Hình như tất cả mọi người đều nghĩ như thế. Trong trường hợp này, anh đâu có mù tịt việc cô ấy hiện đang ở đâu, anh…, xin lỗi, ngoài tên anh ra tôi không biết tới họ của anh nữa…

– Baker.

– Có thể, anh Baker, anh đã cãi nhau với Norma?

– Không. Tại sao ông lại có ý nghĩ đó?

– Cô Restarick đã đi khỏi Crosshedges chiều chủ nhật hay sáng thứ hai, phải vậy không?

– Nàng có thể đã đi xe buýt từ sáng sớm hôm thứ hai, và tới Luân Đôn vào khoảng sau chín giờ. Như vậy, nàng tới chỗ làm có hơi trễ giờ một chút, không trễ nhiều quá? Thông thường thì cô ta từ giã cha mẹ vào tối chủ nhật.

– Cô ta đã rời Crosshedges vào tối chủ nhật nhưng đã không tới được Borodene Mansions.

– Nhìn bên ngoài mà nói thì không. Ít nữa, theo lời khẳng định của Claudia.

– Cái cô Reece – Holland? Đúng tên cô ta như vậy không? Cô ta ngạc nhiên hay lo sợ?

– Trời thần! Không. Vì sao cô ta phải như vậy? Các cô gái đó đâu có thì giờ đi rình người khác.

– Nhưng anh đã nghĩ rằng cô ấy đã trở lại nhà những người bạn của mình?

– Cô ấy đã không tới chỗ làm nữa. Tôi có thể nói ông rõ là nhưng người chủ của Norma đã quá ngấy cô ta rồi!

– Anh có lo sợ không? Anh Baker?

– Không, dĩ nhiên như vậy… Mặc dù… Tôi sẵn sàng chịu treo cổ nếu tôi biết được. Không có lý do gì khiến tôi phải lo sợ cả, tuy thời gian đã trôi qua. Chúng ta hiện giờ đã tới…. thứ năm rồi.

– Cô ta đã không cãi lộn với anh chứ?

– Chúng tôi không gây lộn với nhau bao giờ.

– Nhưng, anh Baker, anh có lo sợ cho cô ta?

– Việc đó có liên quan gì tới ông đâu?

– Không có gì, nhưng tôi tin là tôi đã đoán ra có vấn đề gì đó đã xảy ra về phía các vị cha mẹ. Cô Restarick đã không yêu dì ghẻ của mình.

– Nàng có đầy đủ lý do! Người đàn bà đó là một con điếm? Không lương tâm!… Nếu điều này giúp ích được ông… Mụ ấy cũng không yêu Norma đâu.

– Bà ta đã bị bệnh, hình như vậy và đã phải nằm viện?

– Ông muốn nói về ai… Về Norma?

– Không. Tôi muốn ám chỉ tới bà Restarick.

– Quả là mụ ấy đã đi vào một an dưỡng đường. Vả lại tôi cũng chẳng biết vì lẽ gì. Mụ ấy khỏe như con trâu vậy?

– Và cô Restarick thì ghét bà dì ghẻ của mình.

– Có những lúc Norma như mất thăng bằng vậy. Nàng nhìn các vấn đề dưới khía cạnh bi thảm. Nhưng tôi có thể nói với ông rằng các cô con gái đều luôn luôn ghét dì ghẻ của họ cả.

– Không nghi ngờ gì. Nhưng thái độ căm ghét đó có làm cho các người dì ghẻ phải nằm bệnh viện không?

– Ông muốn đi tới chỗ quái quỉ gì vậy?

– Việc làm vườn… việc sử dụng những thuốc trừ cỏ.

– Thuốc trừ cỏ thì có quan hệ gì tới đây? Ông nghĩ rằng Norma đã có thể…?

– Thiên hạ đàm tiếu và những tiếng đồn đi rất xa.

– Ý ông muốn nói rằng có kẻ đã đồn là Norma đã tìm cách đầu độc dì ghẻ mình? Lố bịch! Hoàn toàn lố bịch!

– Rất khó tin, tôi đồng ý. Trên thực tế, thiên hạ không đồn đãi như vậy.

– Xin lỗi, vậy là tôi đã không hiểu. Nhưng… người ta muốn nói gì?

– Anh bạn trẻ này, anh sẽ phải thừa nhận rằng khi những tiếng xầm xì như thế đã lưu truyền, thì chúng sẽ dính dáng đến người chồng thôi.

– Sao? Cái ông Andrew đáng thương ấy à? Ít có khả năng lắm, theo ý riêng tôi.

– Đó cũng là ý của tôi nữa.

– Nhưng ông đã làm gì ở Crosshedges vậy? Ông là… nhà thám tử chăng?

– Quả vậy. Nhưng tôi đã không đi tới đó để tiến hành một cuộc điều tra về một vụ đầu độc. Đó là những gì tôi có thể bảo đảm với anh. Đây là một vụ rất riêng tư.

– Ông muốn nói vụ gì?

– Tôi muốn tới thăm ông lão Sir Roderick.

– Cái ông lão lẩm cẩm đó à? Ông ta đã hết xài rồi phải không?

– Đó là một người đang nắm giữ một số lớn những điều bí mật.

Trong cuộc chiến tranh vừa qua, ông ấy đã có nhiều hoạt động rất quan trọng. Ông đã quen với rất nhiều nhân vật.

– Mà mọi việc đã đều chấm dứt từ lâu rồi.

– Tất nhiên là vậy. Vai trò của ông chấm dứt cách đây đã lâu rồi. Nhưng anh không biết rằng vẫn còn một tá những vấn đề hiện nay rất hữu ích cho những ai biết chúng.

– Những vấn đề gì vậy?

– Những bộ mặt, chẳng hạn. Một bộ mặt rất quen thuộc mà ông Sir Roderick có thể nhớ lại được. Một thái độ, một cách phát biểu, cách đi đứng, một cái tật….. Con người ta hay nhớ lại về những chi tiết như thế, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Họ thường lãng quên những gì mới xảy ra nhưng lại hay nhớ về những gì mình đã chứng kiến, cứ cho là… hai mươi năm về trước. Vì vậy, họ giữ được kỷ niệm nguyên vẹn về một người nào đó đang muốn che dấu tung tích của dĩ vãng. Những người lớn tuổi đó, có thể thông tin cho chúng ta về một người đàn ông hay đàn bà mà họ đã quen biết hay về một sự kiện mà họ đã tham dự… Chúng ta hãy xem là tôi đã tới thăm cụ Sir Roderick để cụ cho tôi một số thông tin như thế.

– Thực vậy sao? Và ông cụ đã cho ông chưa?

– Tôi rất lấy làm hài lòng về việc làm này.

David ngắm nhìn Poirot với vẻ hoài nghi.

– Tôi đang tự hỏi… ông đã tới thăm ông già hay thăm cô gái đang ở cạnh ông cụ? Có phải ông muốn biết xem cô ấy đã có vị trí gì trong gia đình? Đó là điều tôi cũng đã tự hỏi. Ông có nghĩ rằng cô ấy đã chui vào đấy để moi móc những thông tin của ông già không?

– Cô con gái đó bộc lộ cho tôi thấy là một người rất tận tụy, rất chăm chỉ trong công việc… tôi phải gọi là gì đây nhỉ… làm thư ký?

– Một sự pha tạp giữa người y tá, thư ký, người phục dịch một ông chủ cô đơn. Người ta có thể tìm ra cho cô ấy cả một tá danh hiệu phải không? Ông lão mê cô ấy như điên. Ông không để ý thấy vậy sao?

– Trong những điều kiện sống của một ông lão, điều đó chẳng có gì là bất thường cả. Poirot phản đối một cách lạnh lùng.

– Tôi có thể bảo đảm với ông rằng có ít nhất một người đã không ưa cô ấy và người đó là Mary.

– Có lẽ, cô gái đó cũng chẳng ưa gì bà ấy.

– Ông cũng nghĩ như vậy phải không? Sonia ghét Mary Restarick và đã khám phá ra nơi cất giấu thuốc diệt cỏ? Ồ! Câu chuyện thật là khôi hài! Tốt thôi. Cám ơn là đã chở tôi đi. Tôi sẽ xuống nơi đây.

– Chúng ta còn cách Luân Đôn tới mấy cây số nữa mà.

– Không quan trọng gì. Chào.

– Chào.

Poirot thu mình vào cuối xe trong khi David đóng mạnh cửa lại.

* * *

Bà Oliver rất bị kích động, đi đi lại lại trong phòng khách. Bà vừa gói một bản thảo đánh máy mà bà vừa sửa xong. Bà sắp sửa gởi nó tới một nhà xuất bản đang nóng lòng chờ nó. Ông này đã gọi điện thoại tới những ba hoặc bốn lần về việc này rồi.

– Đây, bà nói một mình với nhà xuất bản vô hình. Tôi hy vọng rằng nó làm ông được vui lòng. Tôi thì tôi nhận thấy nó rất đáng ghét! Đúng là tôi không hề biết được những gì mình viết ra có thành công hay không. Dù sao, tôi cũng không giấu ông rằng tôi cho nó là rất tệ. Ông đã không tin như vậy, được thôi! Hãy chờ một chút nữa và ông sẽ nhận thấy… Hãy chờ!

Bà mở cửa ra vào, gọi gia nhân, Edith, bảo cô mang ngay cái gói ra nhà bưu điện.

– Và bây giờ… bà thở ra, ta phải làm gì đây?

Bà bắt đầu đi quanh trong phòng, nói một mình:

– Mình ưng các con chim lạ vẫn còn trên tường hơn là những trái xơ-ri ngu ngốc này. Ít ra mình còn có cảm giác được ở trong một cánh rừng nhiệt đới, là một con sư tử, một con hổ, một con báo. Mình có thể ví mình là cái quái gì trong một cái vườn cây đầy trái xơ-ri, nếu không phải bản thân mình là một tên bù nhìn đuổi chim.

Bà lại đi quay vòng tròn.

– Lải nhải như một con chim, đó là những gì mình đang phải làm – Bà nhận xét thật chua chát – ăn những trái xơ-ri… Mình muốn tìm cho ra những trái này trong thời kỳ này của năm. Mình muốn được ăn ngay. Mình tự hỏi… Bà đi lại gần máy điện thoại.

George trả lời bà :

– Thưa quí bà, tôi sẽ đi báo ngay.

Ngay sau đó, một tiếng nói khác vang lên:

– Đây là Hercule Poirot, để phục vụ bà, thưa bà.

– Ông đang ở đâu đấy? Tôi nghĩ là ông đã đi tới thăm gia đình Restarick rồi. Ông đã gặp Sir Roderick chưa? Ông đã khám phá ra được gì?

– Không có gì cả.

– Thật là tiếc!

– Không, tôi không nghĩ thế. Tôi chưa khám phá ra được điều gì cả cũng có mặt tốt.

– Vì sao? Tôi thật tình là chưa hiểu.

– Bởi vì điều đó có nghĩa không có gì để khám phá, nhưng tôi nói riêng với bà, xét kỹ hoàn cảnh này, tôi không tin như vậy, hoặc là có một cái gì đó đã được che giấu rất khéo léo. Trên thực tế, bà Restarick không biết rằng cô gái đó đã mất tích.

– Ông muốn nói rằng… bà ấy không liên can gì tới vụ mất tích đó hả?

– Hình như vậy. Tôi đã gặp người con trai tại nơi đó.

– Người con trai không được ưa thích, chẳng ai ưa hắn cả.

– Đúng như vậy, người con trai không được ưa thích.

– Ông có nghĩ hắn đáng bị như vậy không?

– Tùy theo quan điểm riêng của từng người.

– Không phải đó là quan điểm của cô gái, tôi hình dung vậy đó phải không?

– Cái cô con gái đã tới thăm tôi vào buổi sáng nọ, tôi tin chắc là đã rất mê cậu ta.

– Cậu ấy có thật sự là dị hợm không?

– Trái lại, xem ra rất đẹp trai.

– Đẹp trai? Tôi không tin chắc là mình có thể yêu được các cậu đẹp trai kiểu ấy.

– Nhưng bây giờ các cô gái lại yêu họ.

– Ông có lý. Họ ưa thích những gì là cực đoan mà. Đối với họ, những cậu trai phải đẹp để có thể hoặc làm mẫu cho các họa sĩ thời kỳ Phục hưng hoặc cáu ghét như những kẻ lang thang ngủ ngoài vỉa hè vậy.

– Cậu ấy xem ra cũng không biết lúc này Norma trốn ở đâu?

– Hay là cậu ấy không muốn nói ra?

– Cậu ấy đã đi tới Crosshedges. Để làm gì à? Cậu ấy đã chui vào nhà không cần báo hiệu. Chui vào nhà để làm gì? Để tìm cô gái hay một cái gì khác?

– Ông nghĩ cậu ấy định tìm một cái gì khác ư?

– Cậu ấy đã lẻn vào phòng ngủ của Norma.

– Làm sao ông biết được? Ông đã bắt gặp cậu ấy à?

– Không. Tôi chỉ gặp khi cậu ta đi xuống thang lầu mà thôi. Nhưng, tôi đã phát hiện ra một dấu bùn trên tấm thảm của phòng ngủ của Norma. Có thể nó là từ đôi ủng của chàng trai đó. Có thể là cô ta đã yêu cầu cậu này lấy cho cô ta một thứ gì đó… Các giả thiết thì nhiều. Lại có một cô gái trẻ khác ở trong ngôi nhà… và cô này rất đẹp. Có thể cậu ta đến nhà của Restarick để gặp cô ấy nữa.

– Bây giờ, ông sẽ làm gì?

– Không làm gì cả.

– Cũng phải làm một cái gì chứ?

– Tôi hy vọng sẽ nhận được một thông tin từ một người được tôi sử dụng vào việc này, dù có thế tôi cũng không biết thêm điều gì cả.

– Nhưng, phần ông không làm gì sao?

– Không, trong lúc này.

– Vậy thì, tôi, tôi sẽ hành động!

– Thưa bà thân mến, tôi xin bà hãy thật sự cẩn thận!

Nơi nào có thể xảy ra án mạng thì cũng có thể xảy ra bất cứ điều gì khác. Tôi, Hercule Poirot, nói với bà như vậy đó!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.