Cô Gái Thứ Ba
Chương 8
Ông Goby ngồi trong một chiếc ghế. Đó là một con người còi cọc, hoàn toàn không có ý nghĩa gì đến mức như không tồn tại nữa.
Ông ta vừa chăm chú nhìn cái chân bàn vừa nói lên những nhận xét của mình. Ông không bao giờ nhìn thẳng vào người ông đang nói chuyện.
– Thưa ông Poirot, tôi thật hài lòng được ông cho biết những tên. Không có chúng, thật ra, tôi đã phải tốn nhiều công hơn. Như vậy, giờ tôi có thể cung cấp cho ông những tin chính… và thu nhận vài câu chuyện phiếm, điều đó luôn luôn có ích. Nếu được ông cho phép, tôi sẽ bắt đầu từ Boredene Mansions được không?
Poirot nghiêng đầu, tỏ ý đồng tình.
– Nhiều người gác cửa, người đàn ông nhỏ con nói, lúc này đang nhìn cái đồng hồ đặt trên lò sưởi. Tôi đã bắt đầu từ họ, qua việc sử dụng hai người của tôi. Mắc tiền, nhưng đáng giá đồng tiền. Tôi không muốn làm cho họ nghi ngờ có một ai đó đang săn tìm những thông tin đầy đủ! Tôi phải dùng những chữ đầu tên hay cả tên người?
– Giữa những bức tường này, ông có thể tự do phát biểu.
– Cô Claudia Reece-Holland. Tiếng tăm tốt. Người cha là một nghị sĩ, một người nhiều tham vọng mà người ta đã nói đến nhiều. Cô ấy là con gái duy nhất. Làm nghề thư ký. Đứng đắn. Không có tham gia băng nhóm nào. Cô cũng không uống rượu và lui tới chỗ những bọn Beatincks. Cô chia xẻ căn phòng với hai cô khác. Cô số hai làm việc cho “Wedderburn Ganty” trong vùng Bond Street. Loại nghệ sĩ. Cô gắn với các băng ở Chelsea. Cô này tổ chức nhiều cuộc triển lãm ở khắp nơi. Cô thứ ba là của ông. Cô chỉ mới ở chung với các cô kia mà thôi. Theo dư luận chung, cô này hơi “yếu tâm thần”, hơi “mát”. Nhưng, không chắc là như vậy. Một trong những người gác cửa có thói hay nói chuyện. Ông mời hắn uống chút gì, thế là ông sẽ phải ngạc nhiên về các điều hắn sẽ tuôn ra, ai có khuynh hướng thiên về chai rượu hay về ma-tuý, ai có những điều phiền toái với thuế vụ, hay đã giấu tiền phía sau các thùng chứa nước. Tất nhiên là ta không nên tin vào tất cả những gì hắn nói ra. Tuy nhiên, hắn đã kể lại câu chuyện về một tiếng súng trong một buổi chiều tại sân nhà.
– Một tiếng súng? Có ai bị thương không?
– Dường như là không. Người gác cửa nói rằng sau khi nghe tiếng súng nổ, anh ta đã đi ra xem và nhìn thấy cô gái mà ông đã quan tâm tới, đang đứng, một cây súng sáu trong bàn tay mình. Cô xem như ngây dại. Sau đó, một trong hai cô kia… cả hai đều chạy tới. Cô Cary (cái cô nghệ sĩ) kêu lên “Norma, cô đã làm cái gì vậy?” nhưng cô Reece-Holland chặn ngay lại: “Im miệng đi, Frances. Đừng ngu ngốc”. Rồi cô lấy cây súng sáu trong tay Norma, ra lệnh: “Đưa súng đây cho tôi”. Cô ta nhét súng vào túi xách và lúc đó nhận ra sự hiện diện của người gác cổng tên Micky. Cô liền đi tới gần anh này, mỉm cười: “Chắc là ông đã tự hỏi có điều gì đã xẩy ra phải không?”. Micky thú nhận là anh ấy cầm thấy bị “sốc” một cách kỳ lạ. Nhưng cô này nói tiếp, giọng vui vẻ: “Không có gì phải lo lắng cả, sự việc xảy ra do chúng tôi không ngờ khẩu súng này đã nạp đạn rồi. Chúng tôi đùa vui thôi. Nếu ai có hỏi, xin ông hãy trả lời là không có gì xảy ra cả”. Cô quay lại phía cô bạn: “Đi nào, Norma” và kéo cô ấy về phía thang máy. Xong cả ba người đều chui vào trong đó.
Nhưng Micky vẫn còn hoài nghi. Hắn đã sục sạo tại sân. Ông Goby kiểm tra các ghi chú trong sổ tay và đọc lời của người gác cửa:
– Tôi nói với ông là tôi đã khám phá ra một điều gì có vẻ mờ ám. Có các dấu ướt và tôi tin chắc chắn rằng đó là máu. Tôi đã xem xét chúng cho chắc ăn hơn. Theo ý tôi, một người nào đó đã bị trúng đạn… một người đàn ông, trong khi anh ta đang chạy trốn… Tôi đã lên chỗ các cô gái và đã nói chuyện với cô Reece-Holland.
“Thưa cô, tôi nghĩ có ai đó đã bị thương. Trên sân có dấu máu”.
“Trời ơi!” – Cô này kêu lên – “Viên đạn đã trúng một con chim bồ câu. Micky, tôi lấy làm tiếc là sự việc này đã làm phiền ông như vậy. Hãy quên nó đi…” và cô nhét một tờ giấy bạc năm bảng vào trong tay tôi. Sau sự việc đó, tất nhiên là tôi không hé ra một lời nào”.
Sau khi nuốt thêm một ngụm rượu uýt-ky, Micky nói tiếp :
“Nếu ông muốn nghe ý kiến của tôi, cô ta đã bắn đại vào một tên mất dạy nào đó đã tìm tới chỗ cô. Họ đã cãi lộn nhau và cô ta đã muốn giết chết hắn ta. Đó là điều tôi nghĩ ra. Nhưng càng nói ít tới thì càng tốt hơn: vì vậy, tôi sẽ không lập lại nữa. Nếu có ai hỏi tôi, tôi sẽ làm như không biết gì cả…”
Ông Goby ngưng lại.
– Lý thú đấy, Poirot nhận xét.
– Phải. Nhưng có thể toàn bộ câu chuyện chỉ là một điều bịa đặt. Không một ai, ngoài người gác cửa kia dường như biết sự việc này. Có một câu chuyện khác nói về một bọn du đãng trẻ tuổi đã tràn vào sân, trong một đêm, và bắt đầu ẩu đả nhau bằng… dao.
– Tôi hiểu. Lại thêm một giải thích về dấu máu trên sân.
– Có thế là cô gái đã gây lộn với người yêu của mình và đã dọa sẽ bắn chàng ta? Micky đã nghe được nội dung câu chuyện và pha trộn cả hai sự việc lại với nhau… nhất là nếu lúc đó có tiếng nổ của động cơ xe hơi xen vào.
– Đúng, Poirot thừa nhận, lời phân tích có lý.
Ông Goby lật một trang khác của sổ tay và chọn một điểm nhìn mới, lần này là cái lò sưởi điện.
– Josua Restarick Ltd. Một công ty thuộc về gia đình đã hoạt động từ trên một thế kỷ nay. Được giới kinh doanh đánh giá cao. Không có gì đáng chú ý, kể từ thời Josua Restarick thiết lập nó từ năm 1850. Nó làm ăn phát đạt từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất nhờ vào các cuộc đầu tư vốn vào nước ngoài, chủ yếu là tại Nam Phi và Tây Phi và tại châu Úc. Simon và Andrew Restarick là những người thừa kế cuối cùng. Simon là con cả, đã chết cách đây khoảng một năm, không có con để lại. Vợ ông ta đã chết từ nhiều năm rồi. Andrew hình như có một cuộc sống đầy sóng gió. Ông ta không có tâm trí dành cho việc buôn bán, mặc dù người ta cho rằng ông ta có nhiều năng khiếu. Ông ta đã đi trốn với một người phụ nữ, bỏ lại vợ và một con gái lên năm tuổi. Ông đi tới Nam Phi, tới Gana và nhiều nước quanh đó. Không có ly dị. Vợ ông đã chết cách đây hai năm, sau nhiều năm nằm liệt giường. Andrew tiếp tục cuộc sống giang hồ của mình, và hình như đẻ ra tiền trên lối đi của mình. Ông quan tâm tới các nhượng địa về mỏ. Những gì ông đụng chạm tới đều ra tiền cả. Sau khi người anh đã chết, bỗng nhiên ông ta có ý định trở về đất nước mình và sống một cuộc đời êm ả hơn. Ông cưới vợ và cố ý muốn đón người con gái về nhà mới ở. Trong lúc này, gia đình Restarick sống với một người chú nhưng họ chỉ sống tạm một thời gian. Bà Restarick đang tìm một ngôi nhà trong thành phố Luân Đôn. Không mấy quan tâm tới giá cả vì họ sống trên tiền.
Poirot thở dài :
– Tôi đã biết. Tất cả những gì ông vừa kể tóm lại là một câu chuyện hạnh phúc. Tất cả đều giàu có. Tất cả đều thuộc về một gia đình được kính trọng hoàn toàn. Họ hàng đáng kính thì cũng được nói tốt trong các giới tài chánh. Duy có một bóng đen trong bức tranh: người con gái mà người ta cho rằng “tâm thần hơi yếu” và có người yêu là một tên bị nghi vấn đã có chuyện với pháp luật nhiều lần rồi. Một người con gái có thể đã tìm cách đầu độc dì ghẻ của mình và cô ấy, nếu không bị những ảo giác, đã phạm một tội ác. Tôi cam đoan rằng những điều này không phù hợp với câu chuyện đẹp đẽ mà ông vừa mới kể.
Ông Goby gật đầu buồn bã:
– Trong mỗi gia đình vẫn có một con điên.
– Bà Restarick này còn rất trẻ. Tôi nghĩ không phải là cô gái chạy trốn với ông Andrew năm xưa.
– Ồ! Không! Cuộc phiêu lưu không kéo dài. Đó là một phụ nữ không đáng giá trên mọi phương diện. Thật là ngốc khi ông ta si mê cô ấy. – Ông Goby đã xếp cuốn sổ lại và nhìn ông Poirot với vẻ dò hỏi – Ông còn có điều gì cần tôi khám phá ra nữa không?
– Có. Tôi muốn biết nhiều hơn về bà Restarick đã chết. Bà ấy đã bị liệt giường và đã nằm trong các nhà an dưỡng. Vậy đó là loại nhà gì? Có phải đó là những nhà chăm lo sức khỏe không?
– Tôi hiểu, thưa ông Poirot.
– Ông hãy tìm kiếm xem trong hai gia đình đã có ai bị hiện tượng tâm thần rối loạn không?
– Thưa ông Poirot, tôi sẽ lo.
Ông Goby đứng dậy, và sau khi chào nhà thám tử, ông đi về. Poirot ngồi im một lát, suy tư. Ông đi đi lại lại, hai chân mày co dúm lại. Ông ta tự hỏi… ông ta thực sự đang tự hỏi…..
Ông gọi bà Oliver trên điện thoại.
– Tôi đã báo trước rằng bà phải cẩn thận, ông tuyên bố. Tôi lập lại một lần nữa: bà phải thật cẩn thận đấy.
– Cẩn thận về điều gì?
– Về bà. Tôi đã nhìn thấy có nguy hiểm. Nguy hiểm cho những ai thò mũi vào những gì mà họ không được yêu cầu. Có mùi chết chóc trong không khí đó… Tôi mong là không dính tới bà.
– Ông đã có những thông tin cần thiết rồi sao?
– Có, nhưng chỉ là những tin đồn đại hay những thứ ngồi lê đôi mách mà thôi. Hình như đã có xảy ra một việc gì đó tại Borodene Mansions.
– Có gì vậy?
– Có dấu máu trong sân.
– Thật vậy ư? Tôi bỗng nhớ tới một tiểu thuyết trinh thám hồi xưa The Stian ơn the Staircase (Dấu máu trong thang gác). Giờ thì có thể nói là She Asked for Death (Nàng kêu gọi cái chết).
– Có thể những dấu máu này chỉ là kết quả của óc tưởng tượng của một người gác cổng.
– Có lẽ đó là một chai sữa đổ nhào. Ông ấy đã không phân biệt được vào ban đêm. Ý kiến của ông thì ra sao?
Poirot không trực tiếp trả lời.
– Người con gái đã nói dường như là đã phạm vào một án mạng.
– Ông muốn ám chỉ là cô ta đã thực sự muốn giết chết ai đó?
– Người ta có thể kết luận rằng cô ta đã nổ súng vào một ai đó, nhưng đã bắn hụt. Vài giọt máu… có thế thôi. Không có xác chết.
– Trời ơi! Thật là rối rắm! Này, nếu người mà ông đã nhắm vào bắn còn đủ sức chạy trốn khỏi nơi xảy ra sự việc thì ông không nói rằng mình đã giết chết anh ta, phải không nào?
– Quả thật là khó khăn vậy, Poirot công nhận và gác máy nghe.
* * *
Tôi lo sợ, Clauđia Reece-Holland tuyên bố như vậy.
Nàng tự rót cho mình thêm một tách cà phê nữa. Frances Cary ngáp tới sái quai hàm. Hai cô gái đang ăn điểm tâm trong nhà bếp nhỏ xíu của căn hộ họ đang ở. Claudia đã bận xong quần áo, sẵn sàng bắt tay vào một ngày làm việc. Frances còn bận áo ngủ và áo choàng trong phòng. Mái tóc đen đang che lấp một con mắt của nàng.
– Tôi lo sợ cho Norma, Claudia tiếp tục.
– Nếu là chị, tôi không lo gì. Tôi cho là chị ấy sẽ gọi điện thoại về hay sẽ xuất hiện không lâu nữa đâu.
– Chị tin vậy hả? Frances, chị biết không, tôi không ngừng tự hỏi…
– Tôi không hiểu vì sao, người bạn cắt ngang lời cô ấy, vừa uống tiếp cà phê một cách ngán ngẩm. Nói cho cùng… Norma đâu phải là câu chuyện của chúng ta, chị không nghĩ vậy sao? Chúng ta đâu có nhiệm vụ phải coi chừng hoặc ru ngủ cô ta như một em bé. Cô ta chỉ chia sẻ với chúng ta căn hộ mà thôi. Vì sao lại có sự lo lắng như mẹ con vậy? Chị đừng dựa vào tôi để làm phiền tôi.
– Tôi rất hiểu điều đó. Frances, chị không bao giờ lo ngại đâu mà. Nhưng tôi thì không thể như thế được.
– Vì chị là người chính thức đứng ra thuê căn hộ này?
– Tôi nghĩ là tôi đang trong một tình thế khá là đặc biệt.
Frances ngáp thật to.
– Đêm hôm qua tôi đã ngủ quá muộn. Tôi đã đi dự dạ hội của Basil. Tôi thấy mình không được khỏe lắm. Tôi mong cà phê đen sẽ giúp tôi tỉnh táo. Chị dùng thêm nữa đi, trước khi tôi dốc hết cái bình này. Basil đã buộc chúng ta phải thử một viên mới… “Giấc mơ màu ngọc bích”. Tôi nghĩ rằng tất cả những thứ ngu ngốc đó không đáng để ta thử nữa.
– Chị sẽ đi muộn tới phòng trưng bày của chị đó!
– Ồ! Điều đó không có gì đáng quan tâm. Không có ai để ý tới điều đó đâu. Cô ấy bỗng nhiên tuyên bố: Tối hôm qua, tôi trông thấy David. Anh ấy ăn mặc rất kẻng, trông thật là tuyệt.
– Nè, Frances, chị đừng nói với tôi là đến lượt chị, chị cũng mê cái anh chàng đó? Anh ta trông quá ghê tởm!
– Tôi biết đó là quan điểm của chị. Claudia, sao chị công thức quá vậy?
– Không phải vậy. Nhưng tôi không thế chịu được cái bầy nghệ sĩ của chị. Cứ xài thử tất cả các thứ ma – túy ấy để cuối cùng chết ngất hoặc đi đánh lộn như những tên điên.
Frances xem ra thích thú.
– Tôi không phải là một người nghiền ma-túy, chị thân mến ạ. Tôi chỉ muốn tìm hiểu về hiệu quả của những thứ đó mà thôi. Và, trong những băng đó cũng có một vài người không xấu lắm đâu. Nếu anh ấy muốn, David có thể vẽ được, chị hẳn đã biết vậy.
– Anh ta cũng chẳng chịu vẽ vời gì!
– Chị xem ra vẫn hằn học anh ấy! Chị ghét anh ấy đã tới đây để nói chuyện với Norma. Và còn về vấn đề con dao thì…
– Sao? …
– Tôi tự hỏi, Frances nói chậm từng chữ, tôi có làm cho chị lo sợ nếu tiết lộ ra một sự kiện nhỏ kỳ lạ không?
Claudia liếc nhìn vào cái đồng hồ của mình.
– Lúc này, tôi không có thì giờ. Chị sẽ kể cho tôi vào tối nay nếu chị muốn. Nói chung, ta đang có nhiều mối lo nghĩ trong đầu mình. Trời, nàng thở dài, tôi không biết phải quyết định như thế nào.
– Liên quan tới Norma hả?
– Liệu tôi có phải báo tin cho cha mẹ chị ấy về sự mất tích này không?
– Thật là không tốt đối với chúng ta. Norma tội nghiệp… Vì sao chị ấy lại không thể muốn đi đâu thì đi, nếu trái tim mình bảo phải làm như vậy?
– Vì Norma không phải hoàn toàn…
– Không, phải không? Không hoàn toàn có tâm thần lành mạnh? Chị muốn nói vậy chứ gì? Chị đã gọi cho cái tiệm mà chị ấy đang làm việc chưa? “Hoembird” hay cái gì gần như vậy… Ừ, chị đã làm rồi, tôi đã nhớ lại rồi.
– Nhưng, chị ấy hiện đang ở đâu? David có nói với chị về Norma, tối qua không?
– Anh ấy hình như không biết câu chuyện đã xảy ra. Thực vậy, Claudia ạ! Tôi không rõ vì lý do gì mà vấn đề trở nên quan trọng như vậy?
– Đối với tôi, nó là một điều quan trọng, bởi vì ông chủ của tôi lại là cha chị ấy. Chậm hay mau gì, nếu đã xảy ra một chuyện gì đó, người ta sẽ hỏi vì sao tôi lại không báo ngay về sự vắng mặt của chị ấy.
– Đúng. Họ có thể trách cứ chị. Tuy nhiên, không phải lúc nào chị Norma cũng thông báo cho chị biết việc chị ấy có ý định đi vắng một hay hai ngày hoặc trong một vài tối. Chị ấy đâu phải đặt dưới sự quản lý của chị!
– Không, nhưng ông Restarick đã nhiều lần nói với tôi là ông ấy rất sung sướng khi nhận thấy Norma ở chung với chúng ta.
– Điều đó đâu có liên quan gì đến sự việc Norma mất tích không báo trước cho chị? Có thể, chị ấy lại đi theo một thằng cha nào đó rồi!
– Chị ta đã yêu David rồi. Chị có tin là chị ấy đang trốn trong nhà anh ấy không?
– Tôi không tin. Trên thực tế, xem ra thằng cha cũng không mấy để ý nhiều tới chị ấy.
– Đó là điều thích thú khi chị nghĩ tới chớ gì? Chị xem chừng cũng “mết” thằng cha ấy lắm!
– Chắc chắn là không rồi! Frances đáp thật dứt khoát.
– David chắc là đã yêu chị ấy nhiều, nếu không thì đâu có lại đây tìm chị ta bữa trước?
– Chị đã không mất công lâu trong việc đuổi anh ấy ra khỏi cửa. Tôi nghĩ là… Nàng đi tới tự ngắm trong một tấm gương treo trên tường nhà bếp… Tôi nghĩ là anh ấy có thể tới đây để tìm tôi.
– Chị ngốc lắm! Anh ấy đến là vì Norma mà!
– Cô gái đó điên mà!
– Đó là điều mà tôi cũng đã tự nhận xét.
– Tôi tin chắc là như vậy! Nghe này, chị Claudia. Để tôi thuật cho chị nghe những gì tôi muốn nói với chị. Chị cần phải biết. Hôm trước, tôi bị tụt mất một chiếc vớ, tôi đang bước vội mà. Tôi biết rằng chị vốn không thích người khác đụng vào những đồ đạc của mình…
– Tất nhiên là vậy rồi!
– Nhưng Norma không câu nệ lắm, hay có thể chị ấy sẽ không để ý tới. Tôi đi vào phòng ngủ của chị ấy và lục trong tủ chị ấy, tôi… ờ, tôi đã tìm thấy có một vật… Một con dao.
– Một con dao? Loại dao nào?
– Chị còn nhớ lúc lộn xộn ở dưới sân nhà không? Có một đám thanh niên đã tới đó để đánh nhau bằng những con dao có chốt an toàn. Norma đã tới ngay sau đó.
– Có, có, tôi có nhớ ra.
– Một trong những thằng nhỏ đó bị thương, đã chạy trốn. Đó là lời kể của một anh nhà báo với tôi. Con dao mà tôi đã tìm thấy trong ngăn tủ của Norma là một con dao có chốt an toàn. Trên lưỡi dao có một dấu vết giống như máu đã khô lại.
– Frances, chị bi kịch hóa rồi đó.
– Có lẽ. Nhưng tôi đã không nhầm lẫn. Và con dao đó là cái quái gì trong đống đồ dùng của Norma vậy?
– Có lẽ chị ấy đã lượm được nó?
– … Một kỷ niệm? Vậy tại sao lại đem giấu nó và không hề nói gì với chị cả?
– Thế chị đã làm gì?
– Tôi đã để nó lại chỗ cũ, cô bạn chậm rãi trả lời. Tôi… tôi không biết mình phải làm gì nữa. Tôi đã không dám hỏi ý kiến của chị. Nhưng hôm qua, tôi đã đi tới nhìn nó lại một lần nữa và Claudia, nó đã biến mất rồi!
– Chị cho rằng Norma đã bảo David tới tìm nó phải không?
– Có khả năng như vậy… Dù gì, tôi có thể báo với chị rằng, từ ngày đó, ban đêm tôi đã khóa trái cửa phòng mình lại.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.