Con mả con ma
Chương 7
Trưa đó, Tiểu Long, Quý ròm và thằng Lượm đón xe lên huyện.
Lẽ ra chỉ có Tiểu Long và Quý ròm nhưng khi biết hai ông anh chuẩn bị lên huyện, Lượm cứ nằng nặc đòi đi theo.
Thoạt đầu sợ bị lộ chuyện, Quý ròm gạt phắt:
– Tụi tao đi công chuyện, mày đi theo làm chi? Lượm nhảy tưng tưng:
– Em đi chơi! Đã lâu rồi em chưa được lên huyện! Tiểu Long trợn mắt:
– Không được đâu! Tụi tao đi tới tối lận! Mày đi theo làm sao dắt bò đi ăn? Tưởng nghe vậy, Lượm sẽ cụt hứng. Nào ngờ nó cười toe:
– Anh khỏi lo! Hôm qua em đã cắt môt mớ cỏ chất trong chuồng rồi! Chiều thứ bảy bọn em đâu có dám thả bò lảng vảng dưới chân đồi Cắt Cỏ!
Chẳng tìm ra cớ để từ chối, Quý ròm đành thở dài:
– Thôi được! Nhưng khi tao vào bưu điện gọi điện thoại, mày phải đứng bên ngoài với Tiểu Long, không được vào bên trong nghe chưa!
– Tưởng gì! – Lượm “xì” một tiếng – Cái nhà bưu điện chán ngắt đó, anh có mời em cũng chả thèm vào!
Quả nhiên, khi đến nhà bưu điện ở trung tâm huyện lị, Lượm và Tiểu Long đứng trước cửa mua mấy thỏi chewing-gum nhai chóp chép, mặc Quý ròm vào bên trong gọi điện.
Nhỏ Hạh reo lên mừng rỡ khi nghe giọng nói của Quý ròm ở bên kia đầu dây:
– Ôi, Quý đó hả? Bạn và Long về khi nào vậy?
– Về đâu mà về! Tôi và thằng mập vẫn còn đang ở chỗ ông chú nó!
– Quý đừng có phịa! Ở thôn quê làm gì có điện thoại!
– Hạnh chả biết gì hết! Tụi này đón xe đò lên tận nhà bưu điện cúa huyện để gọi về đấy!
Giọng nhỏ Hạnh thoáng ngạc nhiên:
– Có chuyện gì gấp mà Quý phải lên huyện để gọi điện về thế?
– Co chuyện gấp lắm! – Quý ròm nghiêm giọng – Một chuyện cực kỳ quan trọng! Nhỏ Hạnh lộ vẻ sốt ruột:
– Chuyện quan trọng là chuyện gì?
Quý ròm liếm môi:
– Nhưng trước hết tôi muốn biết Hạnh có tin ma không đã!
– Ma à? – Nhỏ Hạnh chưng hửng, nó không ngờ Quý ròm chuyển đề tài đột ngột như thế, nhưng rồi nó vội vàng đáp ngay – Không! Hạnh không tin! Nhưng tại sao Quý lại hỏi thế?
Quý ròm tặc lưỡi:
– Tụi này vừa gặp ma!
– Thôi đi! Đừng có xạo!
– Thật! – Quý ròm vẫn thản nhiên – Và tối nay tôi và Tiểu Long sẽ đi bắt ma!
Nhỏ Hạnh cười khúc khích trong máy:
– Quý mà dám đi bắt ma?
Vẻ chế nhạo trong câu hỏi của nhỏ Hạnh chẳng khiến Quý ròm bối rối mảy may.
Nó ưỡn ngực, quên phắt rằng nhỏ Hạnh chẳng thể trông thấy cái ưỡn ngực của nó:
– Gì mà không dám! Chính vì vậy tôi mới gọi điện để hỏi xem Hạnh còn nhớ câu thần chú trừ tà ma hay không!
– Câu thần chú nào? – Giọng nhỏ Hạnh xem chừng ngơ ngác.
– Câu thần chú mà các thầy pháp thường niệm ấy!
– À! – Nhỏ Hạnh chợt nhớ ra – Đó là câu “Án ma ni bát mê hồng”!
– Đúng là câu này rồi! – Quý ròm reo lên, nhưng rồi nó bỗng ngập ngừng hỏi lại – Nhưng Hạnh có chắc là câu này sẽ trừ được ma quỷ không?
– Quý hỏi buồn cười quá! Làm sao Hạnh biết được!
Nhỏ Hạnh đáp, giọng thoáng giễu cợt. Nhưng rồi thấy đầu dây bên kia lặng thinh, nó liền áy náy trấn an:
– Nhưng đây là câu thần chú phổ biến ở xứ Tây Tạng, nghe nói do Phật Bà Quan Âm truyền dạy!
Quý ròm thở phào:
– Thế thì tụi này có thể yên tâm được rồi!
– Nhưng mà này!
– Gì thế? – Quý ròm hỏi. Nhỏ Hạnh tò mò:
– Bộ Quý và Long thấy ma thật hả? Quý ròm khẽ tằng hắng:
– Chuyện này dài dòng lắm! Nếu kể tường tận thì tôi e sẽ không đủ tiền trả cho cuộc gọi. Nói tóm tắt thì ở chỗ tụi này có một ngôi nhà hoang trên đồi, cứ đến tối thứ bảy lại hiện lên những ngọn lửa xanh!
– Những ngọn lửa xanh?
– Ừ! Dân làng bảo đó là do những hồn ma hiện lên đốt đèn bày tiệc!
– Và Quý tin lấy tin để?
Tuy không nhìn thấy nhưng Quý ròm vẫn đoán ra nhỏ Hạnh đang nháy mắt với vẻ ranh mãnh. Nó liền “hừ” một tiếng:
– Nếu tin thì tối nay tôi đâu có mò đến ngôi nhà đó làm chi! Nhỏ Hạnh vặn lại:
– Nếu không tin tại sao Quý lại hỏi câu thần chú kia?
– Đó là để đề phòng thôi! Nhỡ gặp ma thật thì tụi này có cái mà đối phó!
– Quý lo xa ghê nhỉ! – Nhỏ Hạnh bật cười, và nó chậm rãi nói – Nhưng những ngọn lửa xanh đó không phải là ma đâu! Hạnh biết nó là cái gì rồi!
– Cái gì? – Quý ròm hồi hộp.
– Phốt-pho!
– Phốt-pho?
– Ừ. Hợp chất này có ở trong xương người, hễ gặp không khí là bốc cháy. Vì vậy ở các nghĩa địa thường hiện ra thứ lửa màu xanh này, người ta vẫn gọi là ma trơi. Lời nhắc nhở của nhỏ Hạnh làm Quý ròm mừng rơn. Nó gật gù:
– Ờ há! Chuyện đơn giản vậy mà không hiểu sao tôi lại quên khuấy đi mất!
Nhỏ Hạnh “xí” một tiếng:
– Nhà ảo thuật chuyên tạo ra khói lửa mà lại quên?
Biết nhỏ Hạnh bắt đầu giở giọng châm chọc, Quý ròm lật đật:
– Thôi nghen! Hẹn gặp lại!
Và không để cô bạn thân yêu kịp nói thêm tiếng nào, nó vội vàng buông ống nghe xuống.
Tiểu Long đón Quý ròm trước cửa bằng cặp mắt mở tròn:
– Kết quả thế nào? Mặt Quý ròm tươi rói:
– Thành công mỹ mãn! Tiểu Long liếm môi:
– Nhỏ Hạnh biết câu thần chú đó hả?
Câu hỏi của Tiểu Long rõ là thừa, nhưng Quý ròm vẫn dễ dãi. Nó gật đầu:
– Ừ. Đó là câu “Án ma ni bát mê hồng”!
Thằng Lượm đứng cạnh, nghe như vịt nghe sấm:
– Các anh nói chuyện gì vậy? Quý ròm nheo mắt:
– Chuyện người lớn, mày con nít hỏi làm chi!
Thấy Quý ròm lớn hơn mình có hai, ba tuổi mà giở giọng kẻ cả, Lượm ức lắm. Nó lầm lũi bước theo Tiểu Long, không thèm hỏi nữa.
Sau khi dạo một vòng quanh huyện lị theo yêu cầu của Lượm, cả ba dắt díu nhau ra bãi đỗ để đón xe trở về làng.
Đang đi, Lượm đột ngột níu tay Tiểu Long:
– Anh Sơn kìa!
Tiếng reo của ông em làm Tiểu Long há hốc miệng:
– Anh Sơn nào?
– Anh Sơn chứ anh Sơn nào! – Lượm dậm chân – Cái anh tuần nào cũng xuống làng mình công tác đó!
– À, tao biết rồi! Đây là anh chàng thường ở nhà ông Cả Tham chứ gì!
Tiểu Long gật gù nói. Ngay lúc đó, Quý ròm cũng vừa kịp nhớ ra anh chàng kỹ sư Tắc Kè Bông kể hôm qua.
– Đúng rồi! – Lượm gật đầu, và nó chợt ngạc nhiên – Sao anh biết? Tiểu Long nhún vai:
– Tao nghe thằng Tắc Kè Bông nói.
– Nó kể chuyện ảnh xông lên đồi Cắt Cỏ bị ma giấu chứ gì?
– Ừ.
Lượm lại cầm tay Tiểu Long giật giật:
– Lại chào ảnh đi!
Tiểu Long còn đang ngần ngừ thì Quý ròm hắng giọng:
– Ừ, lại hỏi chuyện ảnh chơi!
Anh Sơn trạc hăm bốn, hăm lăm tuổi, ăn vận bảnh bao, da trắng hồng như con gái. Thằng Lượm phát hiện ra anh đúng vào lúc anh đang tấp xe vào một căn nhà bên đường. Nghe tiếng xe máy, một đứa bé khoảng ba, bốn tuổi ở trong nhà chạy ùa ra đón, theo sau là một người phụ nữ có lẽ mẹ nó. Anh đang cúi xuống nựng nịu con thì Lượm gọi:
– Anh Sơn!
Nghe tiếng người gọi thình lình, anh giật mình quay lại. Nhận ra Lượm, anh “à”
một tiếng:
– Lượm đấy hả? Em đi đâu đây?
– Em lên huyện chơi! – Lượm nhanh nhẩu đáp và đưa mắt tò mò nhìn người phụ nữ đang dắt con vào nhà, nó liếm môi hỏi – Vợ anh đấy hả?
– Ừ, vợ con anh đấy! – Anh Sơn ngượng ngập đáp, vẻ như bất đắc dĩ
– Bạn em hả?
– Không! Đây là hai ông anh của em ở thành phố Hồ Chí Minh ra chơi! Anh Sơn gật gù:
– Hèn gì anh trông mặt thấy là lạ!
Rồi như không muốn kéo dài cuộc gặp gỡ, anh nói:
– Thôi, anh phải vào nhà sửa soạn để chiều còn xuống làng!
Lượm định “dạ” nhưng nghe hai chữ “xuống làng”, nó sực nhớ tới một chuyện liền vọt miệng:
– À, em quên kể anh nghe chuyện này! – Rồi chỉ tay vô người Quý ròm, nó hí hửng khoe – Cách đây mấy ngày anh Quý em đi lên đồi Cắt Cỏ và cũng bị ma nhát hệt như anh lần trước đấy!
Đang dợm bỏ vào nhà, anh Sơn lập tức dừng chân lại. Có vẻ như câu chuyện của Lượm đã níu lấy chân anh. Anh tròn mắt nhìn Quý ròm:
– Em dám đi lên đồi Cắt Cỏ thật hả?
– Dạ.
– Em lên trên đó chi vậy?
– Em định nhặt quả bóng bạn em đánh rơi!
– Thế em đã thấy những gì? – Anh Sơn lại hỏi, giọng không giấu vẻ hiếu kỳ. Lần này Quý ròm chưa kịp đáp, Lượm đã bô bô:
– Ối trời! Ảnh gặp toàn những chuyện rùng rợn không hà! Đang đi tự nhiên nghe “bộp” một cái, quay lại thấy một cánh tay người từ trên cây rớt xuống giẫy đành đạch. Chưa hoàn hồn, đã nghe “bộp” một tiếng nữa, thế là thêm một cẳng chân…
Quý ròm không để Lượm ba hoa hết câu. Nó trừng mắt nhìn thằng oắt:
– Thôi đi mày!
– Thôi gì mà thôi! – Lượm gân cổ – Những chuyện đó chả phải chính miệng anh kể là gì!
Sự bướng bỉnh của Lượm làm Quý ròm nổi dóa. Nó vừa phồng má định nạt thêm một tiếng nữa thì anh Sơn đã can thiệp. Anh nhìn xoáy vào mặt nó, hỏi:
– Những chuyện vừa rồi có thật không?
Không hiểu sao cái nhìn của anh Sơn khiến Quý ròm chột dạ. Nó đỏ mặt ấp úng:
– Cái đó là do em phịa ra để dọa các bạn thôi!
Lượm chết trân trước lời thổ lộ bất ngờ của Quý ròm. Miệng nó há hốc:
– Là chuyện phịa ư? Tiểu Long cười hì hì:
– Ngay từ đầu tao đã biết đó là chuyện phịa rồi! Chỉ có ngây thơ như mày mới tin những điều kỳ quặc đó thôi!
Lượm không phải là đứa dễ đầu hàng. Nghe Tiểu Long chê bai, nó nghinh mặt phản kích ngay:
– Những chuyện đó chẳng có gì là kỳ quặc! Không tin, anh hỏi anh Sơn xem! Chính ảnh còn bị ma nhát nữa là!
Rồi để cho lời nói của mình thêm phần “nặng ký”, nó quay sang anh Sơn:
– Phải không anh Sơn?
Thấy thằng oắt đột nhiên lôi mình ra làm “nhân chứng” cho mấy con ma, mặt anh
Sơn nhăn như bị. Anh “ừ”. Tiếng “ừ” xụi lơ nhưng cũng đủ khiến Tiểu Long và Quý ròm sửng sốt:
– Ma nhát anh là chuyện có thật ư? Anh Sơn gật đầu, ánh mắt lộ vẻ kỳ dị. Quý ròm liếm môi:
– Chuyện ma giấu anh vào giữa bụi gai cũng có thật? Anh Sơn lại gật đầu.
Quý ròm nuốt nước bọt:
– Và cả chuyện con ma đưa võng trên chính mái tóc của mình?
Thấy Quý ròm “phỏng vấn” tới tấp, anh Sơn tỏ vẻ bối rối. Anh chớp chớp mắt:
– Chuyện ma đưa võng là người ta thêm thắt! Nhưng hôm đó anh nghe có tiếng ru con ở trên ngọn cây!
Ba đứa trẻ bất giác cảm thấy lạnh mình. Tuy anh Sơn không nhìn nhận chuyện ma đưa võng, nhưng tiếng ru con ma quái mà anh nghe thấy đủ khiến bọn trẻ không rét mà run.
Quý ròm hỏi, giọng nơm nớp:
– Anh nghe thấy tiếng ru con thật ư?
– Tất nhiên là thật! – Anh Sơn khịt mũi – Vừa nghe tiếng ru con, anh liền dáo dác nhìn lên ngọn cây, nhưng chưa trông thấy gì đã xây xẩm mặt mày và ngã ra bất tỉnh!
Quý ròm hít vào một hơi:
– Và khi tỉnh dậy anh thấy mình đang ở trong bụi gai?
– Ừ.
Cũng như lần trước, lần này tiếng “ừ” của anh Sơn vẫn nhẹ như gió thoảng. Nhưng Quý ròm có cảm giác luồng gió lạnh lẽo đó đã luồn vào trái tim mình. Nó đưa tay xoa ngực:
– Thôi, tụi em về đây!
Nói xong, Quý ròm quay mình rảo bước. Lượm và Tiểu Long lật đật chào anh Sơn rồi vội vã co giò đuổi theo.
Ở phía sau, anh Sơn vẫn đứng chôn chân trước cổng nhà bần thần nhìn theo bọn trẻ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.