Dạ khúc Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông

12. Dạ khúc – Phần 3



Bà cũng choàng áo khoác mặc nhà, nhưng đấy là thứ áo có thể mặc đến buổi ra mắt phim mà vẫn không phải quá xấu hổ. Tất nhiên, bộ cờ đã nằm đó trên cái bàn cà phê kính, và chúng tôi ngồi xuống đối diện như hôm trước và bắt đầu chơi. Có lẽ bởi cả hai đều có việc cho đôi tay, không khí lần này có vẻ thoải mái hơn nhiều. Trong lúc chơi, dần dần chúng tôi nói về đủ thứ chuyện: các chương trình ti vi, những thành phố châu Âu bà thích nhất, đồ ăn Tàu. Lần này tần số nhắc đến các tên tuổi giảm rõ rệt, và bà có vẻ bình tĩnh hơn. Có một lúc bà nói:

“Anh có biết tôi làm gì để khỏi phát điên lên ở chỗ này không? Có biết bí mật lớn của tôi không? Tôi sẽ nói cho anh nhé, nhưng không được hở ra, kể cả với Gracie, đồng ý không? Việc tôi làm là ra ngoài đi dạo lúc nửa đêm. Chỉ trong khách sạn này thôi, nhưng nó lớn đến nỗi anh có thể đi cả đời không hết. Và giữa đêm khuya, cảm giác thật kỳ diệu. Đêm hôm qua tôi đi phải đến cả giờ thì phải? Anh phải rất cẩn thận, vẫn có nhân viên khách sạn đi tuần hai tư trên hai tư, nhưng tôi chưa bao giờ bị ai thấy cả. Nghe thấy động là tôi chạy ngay và trốn ở đâu đó. Có lần mấy người dọn vệ sinh thấy tôi trong một giây, nhưng mới thế tôi đã tan biến vào bóng đêm! Thật là phấn chấn. Cả ngày anh là người tù ở đây, rồi lúc ấy gần như anh hoàn toàn tự do, cảm giác thật tuyệt vời. Đêm nào đó tôi sẽ đưa anh đi cùng, cưng ạ. Tôi sẽ cho anh thấy những thứ kỳ diệu. Quầy bar, nhà hàng, phòng hội thảo. Những phòng khiêu vũ tuyệt vời. Và không có ai ở đó cả, mọi thứ đều tối mò và vắng vẻ. Và tôi khám phá ra một chỗ thiên đường, một phòng tầng thượng, tôi nghĩ chắc là phòng tổng thống? Người ta còn đang xây dở chừng, nhưng tôi tìm thấy và có thể đi thẳng vào trong, và tôi ở trong đó, hai mươi phút, có khi nửa giờ, suy nghĩ đủ thứ chuyện. Ô, Steve, như thế này được không? Tôi có thể đi thế này và ăn hậu của anh?”

“Ồ. Được, chắc thế. Tôi nhìn không ra. Này, Lindy, bà chơi giỏi hơn nhiều so với bà tỏ ra đấy. Bây giờ thì tôi phải làm gì?”

“Được thôi, tôi sẽ bảo anh làm gì. Bởi anh là khách, và rõ ràng là anh bị phân tán vì điều tôi đang nói, tôi sẽ vờ như không nhìn thấy nó. Thấy tôi có tốt bụng không? Này, Steve, tôi không nhớ tôi đã hỏi anh câu này chưa. Anh có gia đình rồi, phải không?”

“Phải.”

“Thế cô ấy nghĩ gì về chuyện này? Ý tôi là, vụ này không rẻ. Nghĩ xem cô ấy có thể mua bao nhiêu đôi giày với số tiền này.”

“Cô ấy không vấn đề gì. Thực ra, đây trước hết là ý tưởng của cô ấy. Xem xem giờ thì ai phân tâm.”

“Ôi quỷ sứ. Mà đằng nào tôi cũng chơi chẳng ra gì. Này, tôi không có ý tọc mạch, nhưng cô ấy có đến thăm anh thường không?”

“Thực ra là cô ấy chưa đến lần nào. Nhưng đấy là thỏa thuận từ đầu của chúng tôi, trước khi tôi đến đây.”

“Thế à?”

Bà có vẻ bối rối nên tôi bảo: “Nghe cũng kỳ, tôi biết, nhưng đấy là chúng tôi muốn như thế.”

“Hiểu.” Rồi một lúc sau bà nói: “Thế nghĩa là không ai đến đây thăm anh à?”

“Tôi cũng có người thăm. Nói thật thì, có người vừa đến sáng nay. Một nhạc công từng chơi cùng tôi.”

“Ồ thế à? Thế thì tốt. Anh biết không, cưng ạ, tôi không bao giờ nhớ được con mã này phải đi thế nào. Nếu anh thấy tôi đi sai thì cứ nói, được không? Không phải là tôi muốn qua mặt anh đâu.”

“Tất nhiên rồi.” Rồi tôi nói: “Cái người đến thăm tôi sáng nay, anh ta cho tôi biết tin. Nghe cũng lạ lùng. Một trùng hợp tình cờ.”

“Thế à?”

“Có một nhạc công saxophone chúng tôi từng quen cách đây vài năm, ở San Diego, một người tên Jake Marvell. Có thể bà đã nghe tiếng anh ta. Bây giờ anh ta ở đẳng cao. Nhưng hồi đó, khi chúng tôi quen nhau, anh ta chưa là gì. Thực ra, anh ta là một tay vờ vĩnh. Loại người bà có thể gọi là dân bịp. Chưa bao giờ nhớ được hết các phím. Và tôi đã nghe anh ta chơi gần đây, rất nhiều lần, anh ta cũng không khá hơn. Nhưng anh ta đã có vài bước tiến và giờ được coi là mốt. Tôi thề là anh ta không khá hơn mảy may so với hồi trước, không một tẹo nào. Thế mà bà biết có tin gì không? Chính người này, Jake Marvell, ngày mai anh ta sẽ nhận một giải thưởng âm nhạc lớn, tại ngay khách sạn này. Nghệ sĩ Jazz của năm. Thật là điên rồ, bà hiểu không? Có bao nhiêu tay kèn giỏi, thế mà người ta chọn trao giải cho Jake.”

Tôi bắt mình dừng, và rời mắt khỏi bàn cờ, khẽ bật cười. “Ta có thể làm được gì chứ?” tôi nói, nhẹ nhàng hơn.

Lindy đang ngồi thẳng dậy, tập trung hoàn toàn vào tôi. “Thật tệ quá. Mà người này, anh ta không giỏi à, anh bảo vậy?”

“Tôi xin lỗi, tôi hơi đi quá đà. Họ muốn trao giải cho Jake, thì tại sao lại không?”

“Nhưng nếu anh ta không giỏi…”

“Anh ta cũng giỏi như mọi người. Tôi chỉ nói lung tung thôi. Tôi xin lỗi, bà phải bỏ qua cho tôi.”

“Này, anh làm tôi nhớ ra,” Lindy nói. “Anh có nhớ mang đĩa sang không?”

Tôi chỉ cái đĩa để bên cạnh trên ghế. “Tôi không biết bà có thích không. Bà không bắt buộc phải nghe…”

“Ôi, nhưng tôi muốn nghe, rất muốn nghe mà. Nào, đưa tôi xem.”

Tôi đưa bà cái đĩa. “Đấy là một ban nhạc tôi chơi cùng ở Pasadena. Chúng tôi chơi những bài cơ bản, swing kiểu cũ, một ít bossa nova. Không có gì đặc biệt, tôi chỉ mang theo vì bà hỏi.”

Bà đang ngắm nghía cái bìa đĩa, giơ lên sát tận mặt, rồi lại đưa ra xa. “Thế có anh ở trong bức ảnh này không?” Bà lại kéo lại gần. “Tôi khá tò mò trông anh ra sao. Hoặc là đúng hơn, lúc trước trông anh ra sao.”

“Tôi đứng thứ hai từ phải qua. Mặc áo chim cò, cầm cái cầu là.”

“Người này?” Bà ta nhìn cái đĩa, rồi lại nhìn tôi. Rồi bà nói: “Ồ, anh trông rất là ngộ.” Nhưng bà nói thật nhỏ, bằng một giọng không có gì tin tưởng. Thực tế là, tôi nghe ra vẻ thương hại rõ rệt trong đó. Nhưng gần như lập tức, bà đã hồi lại. “Được rồi, thế thì ta nghe thôi!”

Khi bà đi lại gần bộ dàn Bang & Olufsen, tôi nói: “Bài số chín. ‘The nearness of you’. Đấy là bài đặc biệt của tôi.”

“Xin giới thiệu ‘The nearness of you’.”

Tôi đã chọn bài này sau một lúc suy nghĩ. Các nhạc công trong ban đó đều là loại xịn. Xét từng người thì chúng tôi đều có những tham vọng thuộc loại cấp tiến, nhưng khi họp lại thành ban nhạc thì chúng tôi xác định mục đích là chơi những bản đỉnh cao trong số nhạc thịnh hành, loại nhạc mà công chúng trong các phòng ăn tối sang trọng sẽ muốn nghe. Bản ‘The nearness of you’ của chúng tôi – với tiếng tenor của tôi từ đầu đến cuối – không hẳn là một trời một vực so với lãnh địa của Tony Gardner, nhưng tôi vẫn luôn thực tình hãnh diện với nó. Có thể anh nghĩ anh đã nghe bài này chơi theo mọi kiểu phối khí trên đời. Chậc, nếu thế thì hãy nghe thử chúng tôi xem. Hãy nghe, chẳng hạn như lời hai ấy. Hoặc nghe đoạn chúng tôi vừa kết thúc đoạn điệp khúc, khi cả ban chuyển từ hợp âm III-5 sang VIx-9 trong lúc tôi lên đến những quãng anh không bao giờ tin là có tồn tại và rồi ngân mãi ở nốt si giáng dịu dàng, rất đỗi mỏng manh. Tôi nghĩ ở đó có những sắc độ, những nỗi khát khao và nuối tiếc mà anh chưa bao giờ thấy trước đây.

Thế nên anh có thể thấy tôi khá tự tin rằng đĩa này sẽ được Lindy tán thưởng. Và trong khoảng một phút đầu, trông bà vẫn có vẻ thích thú. Bà đứng đó sau khi bỏ đĩa vào máy, và cũng như lần bật đĩa của chồng bà cho tôi nghe, bà bắt đầu đu đưa nhè nhẹ theo tiết tấu chậm rãi. Nhưng rồi cử động của bà mất dần nhịp điệu, tới khi bà đứng im phăng phắc, lưng quay về phía tôi, đầu gục xuống như đang cố tập trung. Lúc đầu tôi chưa thấy đây là dấu hiệu xấu. Chỉ đến khi bà quay người bước trở lại và ngồi xuống trong lúc nhạc vẫn còn vang dội, tôi mới nhận ra có gì không ổn. Qua lớp băng quấn, tất nhiên, tôi không nhìn được nét mặt bà, nhưng cái vẻ bà ngồi thụp vào xô pha, như một cô ma nơ canh căng thẳng, không phải là điềm tốt.

Khi bài hát dừng, tôi nhặt điều khiển và tắt máy. Trong một lúc lâu thật lâu, bà ngồi nguyên như thế, cứng đờ và lúng túng. Rồi bà hơi nhổm người lên và bắt đầu mân mê một quân cờ.

“Bản nhạc rất hay,” bà nói. “Cám ơn anh đã cho tôi nghe.” Nghe rất sáo mòn, và bà có vẻ cũng không bận tâm giấu điều đó.

“Có lẽ đấy không phải típ của bà.”

“Không, không.” Giọng bà trở nên hờn dỗi và lặng lẽ. “Bài hát rất hay. Cảm ơn anh đã cho tôi nghe.” Bà đặt quân cờ xuống một ô, rồi nói: “Đến lượt anh.”

Tôi nhìn bàn cờ, thử nhớ xem chúng tôi đã đến đâu. Sau một lúc, tôi nhẹ nhàng hỏi: “Có lẽ bài đó, nó có những liên tưởng đặc biệt với bà chăng?”

Bà nhìn lên và tôi cảm thấy cơn giận dữ qua lớp băng. Nhưng bà vẫn nói lặng lẽ như trước: “Bài ấy à? Không có liên tưởng gì cả. Không có đâu.” Bỗng nhiên bà bật cười – tiếng cười ngắn, lạnh lùng. “Ồ, anh nói là liên tưởng với ông ấy, với Tony à? Không, không. Nó không ở trong số những bài ông ấy hát. Anh chơi hay lắm. Rất chuyên nghiệp.”

“Rất chuyên nghiệp? Như thế có nghĩa là thế nào?”

“Nghĩa là… là nó thực sự chuyên nghiệp. Tôi nghĩ đấy là một lời khen.”

“Chuyên nghiệp à?” Tôi đứng dậy, bước qua phòng và lấy đĩa ra khỏi máy.

“Có gì mà anh bực tức thế?” Giọng bà vẫn xa vắng lạnh lùng. “Tôi nói gì sai à? Tôi xin lỗi. Tôi chỉ đang cố lịch sự.”

Tôi quay lại bàn, bỏ đĩa vào vỏ, nhưng không ngồi xuống.

“Thế chúng ta có chơi nốt không?” bà hỏi.

“Nếu bà không phiền, tôi còn vài việc phải làm. Gọi điện. Giấy tờ nữa.”

“Có gì mà anh bực tức thế? Tôi không hiểu.”

“Tôi không bực tức gì cả. Đã muộn rồi, thế thôi.”

Ít nhất bà cũng đứng lên tiễn tôi ra cửa, trước khi chúng tôi chào nhau bằng một cái bắt tay lạnh lẽo.

Tôi đã nói là giờ giấc ngủ của tôi lộn tùng bậy cả sau ca mổ. Chiều hôm đó tôi bất chợt thấy mệt, đi ngủ sớm, ngủ yên lành được vài giờ, rồi tỉnh dậy giữa đêm mà không tài nào ngủ lại được. Một lúc sau tôi trở dậy bật ti vi. Có một bộ phim tôi đã xem hồi còn bé, nên tôi kéo ghế xem nốt phần còn lại, để tiếng thật nhỏ. Khi phim hết tôi xem tiếp hai giảng sư quát tháo nhau trước một bầy khán giả đang hú lên. Nói chung, tôi cảm thấy bằng lòng. Tôi thấy dễ chịu và tưởng như đang ở cách thế giới bên ngoài hàng vạn dặm. Thế nên tim tôi chỉ thiếu nước nhảy khỏi lồng ngực khi điện thoại reo.

“Steve? Anh đấy phải không?” Đấy là Lindy. Giọng bà là lạ và tôi nghĩ không hiểu có phải bà vừa uống rượu không.

“Vâng, tôi đây.”

“Tôi biết là muộn rồi. Nhưng vừa nãy lúc đi qua, tôi thấy đèn phòng anh vẫn sáng dưới khe cửa. Tôi nghĩ là anh đang khó ngủ, giống tôi.”

“Tôi nghĩ thế. Ở đây khó giữ được giờ giấc bình thường.”

“Phải. Rất khó.”

“Mọi thứ vẫn ổn chứ?” tôi hỏi.

“Tất nhiên. Cái gì cũng ổn. Cực kỳ ổn.”

Tôi nhận ra không phải bà ta say, nhưng không thể đoán nổi có chuyện gì với bà ta. Bà ta chắc cũng không phải đang ngấm thuốc – chỉ là tỉnh táo quá mức và có thể đang hưng phấn vì điều gì đó muốn kể cho tôi.

“Bà có chắc là mọi thứ ổn không?” tôi hỏi lần nữa.

“Có, ổn mà, nhưng mà… Này, cưng ơi, tôi có cái này, cái này tôi muốn tặng cho anh.”

“Thế à? Là cái gì vậy?”

“Tôi không muốn nói. Tôi muốn tạo một bất ngờ.”

“Có vẻ thú vị lắm. Tôi sẽ qua nhận, có lẽ là sau bữa sáng?”

“Tôi đang trông đợi là anh sẽ qua lấy nó bây giờ cơ. Ý tôi là, nó ở ngay đây, và anh còn thức và tôi cũng thức. Tôi biết là muộn rồi, nhưng mà… Nghe này, Steve, chuyện lúc trước ấy, chuyện vừa xảy ra ấy. Tôi nghĩ mình nợ anh một lời giải thích.”

“Thôi bỏ đi. Tôi không phiền…”

“Anh bực tức với tôi vì nghĩ tôi không thích nhạc của anh. Ồ, không phải thế. Sự thật là ngược lại, ngược hoàn toàn. Bài anh cho tôi nghe ấy, bài ‘Nearness of you’ ấy? Tôi không tài nào dứt nó khỏi đầu mình. Không, không phải đầu, mà là tim. Tôi không tài nào dứt nó khỏi tim tôi.”

Tôi không biết phải trả lời thế nào, và trước khi tôi nghĩ ra thì bà đã lại nói.

“Anh có sang không? Sang ngay bây giờ? Rồi tôi sẽ giải thích lại cẩn thận. Và quan trọng nhất là… Không, không, tôi không nói đâu. Đấy sẽ là một bất ngờ. Sang đây rồi anh sẽ thấy. Và mang cả đĩa của anh lại nữa. Đồng ý nhé?”

Bà cầm lấy cái đĩa trên tay tôi ngay khi mở cửa, như thể tôi chỉ là người chuyển hàng, nhưng rồi tóm lấy cổ tay tôi dẫn vào. Lindy vẫn đang mặc chiếc áo choàng ở nhà hồi sáng, nhưng lúc này không có vẻ phẳng phiu sạch sẽ bằng: một vạt áo buông thấp hơn vạt kia, và có một túm bông lù xù dính vào lớp băng đằng sau gần cổ áo.

“Tôi đoán là bà vừa mới làm chuyến đi dạo ban đêm về,” tôi nói.

“Tôi thật mừng là anh còn thức. Tôi không biết mình có đợi nổi đến sáng không. Giờ nghe nhé, như tôi đã nói, tôi có một bất ngờ cho anh. Tôi hy vọng anh sẽ thích, tôi nghĩ là anh sẽ thích. Nhưng đầu tiên tôi muốn anh ngồi thoải mái đã. Chúng ta sẽ nghe lại bài hát của anh. Để tôi xem nào, bài số mấy nhỉ?”

Tôi ngồi xuống xô pha chỗ thường lệ và nhìn bà chộn rộn quanh dàn loa. Trong phòng ánh sáng dịu dịu, và không khí lạnh một cách dễ chịu. Rồi ‘The nearness of you’ bật lên hết cỡ.

“Bà có nghĩ sẽ làm phiền người khác không?” tôi nói.

“Mặc xác họ. Chúng ta trả một đống tiền cho chỗ này, đấy không phải vấn đề của chúng ta. Giờ thì yên nào! Nghe đi, nghe đi!”

Bà lại bắt đầu đung đưa theo tiếng nhạc như lúc trước, chỉ có lần này không dừng lại sau một khổ. Thực tế là dường như càng lúc bà càng chìm đắm vào tiếng nhạc, tay đưa ra như đang ôm một bạn nhảy tưởng tượng. Khi nhạc hết, bà tắt đi và đứng lặng yên, ở đầu kia phòng quay lưng lại tôi. Bà đứng như thế trong một lúc có vẻ thật lâu, rồi cuối cùng cũng đi lại phía tôi.

“Tôi không biết phải nói gì,” bà nói. “Thật là siêu phàm. Anh là một nghệ sĩ tuyệt diệu, tuyệt diệu. Anh là một thiên tài.”

“Vâng, cám ơn.”

“Tôi biết ngay lần đầu tiên. Đấy là sự thực. Đấy là lý do vì sao tôi phản ứng như thế. Giả vờ không thích nó, giả vờ kênh kiệu à?” Bà ngồi xuống trước mặt tôi và thở dài. “Tony vẫn thường mắng mỏ tôi vì thế. Tôi luôn luôn làm thế, đấy hình như là một tật tôi không tài nào chữa được. Cứ hễ tôi gặp phải một người, anh hiểu đấy, một người thực sự có tài, một người đơn giản là được Chúa ban cho như thế, là tôi không đừng được, phản xạ đầu tiên là tôi làm như đã làm với anh. Đấy chỉ là, tôi không biết, tôi nghĩ là thói ghen tị. Cũng như một số người đàn bà thỉnh thoảng anh thấy, những người không mấy nhan sắc ấy? Một người đẹp bước vào phòng, thế là họ căm ghét, họ muốn cào toạc mặt cô ta. Đấy là tôi mỗi lần tôi gặp một người như anh. Nhất là nếu lại không đề phòng, như là hôm nay và tôi chưa sẵn sàng. Ý tôi là, anh ngồi đây, một phút trước tôi còn nghĩ anh chẳng qua là một người trong công chúng, rồi bỗng nhiên anh là… chà, một thứ khác hẳn. Anh có hiểu tôi nói gì không? Tóm lại thì, tôi chỉ đang cố làm anh hiểu tại sao tôi lại cư xử tệ như thế hồi chiều. Anh có toàn quyền nổi giận với tôi.”

Nghe tiếng tĩnh mịch buổi đêm giữa chúng tôi một lúc. “Ừm, tôi cám ơn,” cuối cùng tôi nói. “Cám ơn bà đã cho tôi biết.”

Bà thình lình đứng dậy. “Bây giờ, đến bất ngờ! Anh cứ đợi đấy, đừng đi đâu cả.”

Bà đi sang phòng bên và tôi nghe tiếng bà đóng mở ngăn kéo. Khi quay lại, bà đang cầm vật gì đó trước mặt trong cả hai tay, nhưng tôi không nhìn thấy là vì bà đã phủ lên trên một chiếc khăn lụa. Bà đứng lại giữa phòng.

“Steve, tôi muốn anh đến đây nhận lấy. Đây sẽ là một buổi tặng thưởng.”

Tôi không hiểu gì, nhưng cũng đứng dậy. Khi tôi đi đến, bà kéo chiếc khăn ra và giơ cho tôi một món đồ tí xíu bằng đồng.

“Anh hoàn toàn xứng đáng được nhận. Nên nó là của anh. Nghệ sĩ Jazz của năm. Có lẽ còn của mọi thời đại. Xin chúc mừng.”

Bà đặt nó vào tay tôi và hôn phớt lên má tôi qua lớp vải.

“Ồ, cảm ơn. Đây đúng là một bất ngờ. Ô, cái này xinh thật. Nó là gì đấy? Con cá sấu à?”

“Cá sấu? Trời ơi! Đây là một đôi thiên sứ xinh xẻo đang hôn nhau.”

“Ờ đúng, tôi thấy rồi. Ừm, cám ơn, Lindy. Tôi không biết phải nói gì. Thực sự là rất đẹp!”

“Cá sấu!”

“Tôi xin lỗi. Chẳng qua là vì cậu nhỏ này có cái chân duỗi ra đến tận đây. Nhưng giờ tôi thấy rồi. Đẹp lắm.”

“Ừ, của anh đấy. Anh hoàn toàn xứng đáng.”

“Tôi rất cảm động, Lindy. Thật đấy. Thế còn dưới này viết gì? Tôi không mang kính.”

“Viết ‘Nghệ sĩ Jazz của năm’. Thế còn viết gì được nữa?”

“Nó viết thế à?”

“Tất nhiên, nó viết thế đấy.”

Tôi quay lại sô pha, cầm bức tượng nhỏ, ngồi xuống và suy nghĩ một lúc. “Thế này, Lindy,” cuối cùng tôi nói. “Cái món quà bà vừa tặng tôi này. Không thể nào có chuyện, phải không, là bà đã bắt gặp nó trong một chuyến dạo chơi ban đêm thường lệ chứ?”

“Có chứ. Tất nhiên là có thể.”

“Tôi hiểu. Và không thể nào có chuyện đây là đồ thật, phải không? Ý tôi là cái kỷ niệm chương người ta sẽ trao cho Jack ngày mai?”

Lindy không trả lời trong vài giây, chỉ đứng thật yên ở đó. Rồi bà nói:

“Tất nhiên đây là đồ thật. Có ý nghĩ gì, nếu tặng anh một món đồ cũ kỹ nào đó? Một việc bất công sắp diễn ra, nhưng bây giờ công lý đã chiến thắng. Đấy là điều quan trọng nhất. Này, cưng, tươi lên. Anh biết anh mới là người xứng đáng nhận giải này mà.”

“Tôi rất trân trọng quan điểm của bà. Chỉ có điều là… ừm, việc này có vẻ như ăn trộm.”

“Ăn trộm à? Chẳng phải chính anh đã nói người này chẳng giỏi giang gì à? Chỉ là đồ giả? Còn anh thì là thiên tài. Ai đang ăn trộm của ai ở đây chứ?”

“Lindy, chính xác thì bà lấy được cái này ở đâu?”

Bà nhún vai. “Một nơi nào đó. Một trong những nơi tôi qua. Một văn phòng, anh gọi thế cũng được.”

“Tối nay à? Bà vừa lấy nó tối nay?”

“Tất nhiên tôi lấy nó tối nay. Tối qua tôi đâu có biết về cái giải thưởng của anh.”

“Được rồi, được rồi. Thế nghĩa là cách đây khoảng một tiếng, phải không?”

“Một tiếng. Có thể hai. Ai biết được? Tôi ở ngoài đó khá lâu. Tôi còn vào phòng tổng thống của tôi một lúc.”

“Chúa ơi.”

“Xem này, ai quan tâm chứ? Anh lo lắng gì nào? Họ mất cái này, họ có thể đi lấy cái khác. Họ chắc phải có cả một tủ cất đâu đó. Tôi trao tặng anh một thứ anh đáng nhận. Anh sẽ không từ chối đâu, phải không, Steve?”

“Tôi không từ chối đâu, Lindy. Tình cảm của bà, vinh dự này, mọi điều đó tôi xin nhận, tôi rất vui vì những điều đó. Nhưng cái này, cái biểu trưng này. Chúng ta sẽ phải trả nó về chỗ cũ. Chúng ta phải để lại đúng nơi bà đã thấy.”

“Mặc kệ họ! Ai quan tâm chứ?”

“Lindy, bà chưa nghĩ đến nơi đến chốn. Bà sẽ làm gì khi chuyện này lộ ra? Bà có thể tưởng tượng báo chí sẽ làm gì không? Tưởng tượng đến những lời bàn tán, đến vụ bê bối? Công chúng của bà sẽ nói gì? Nào đi thôi. Chúng ta sẽ đi ngay bây giờ trước khi có người thức dậy. Bà sẽ chỉ cho tôi chính xác bà tìm thấy nó ở đâu.”

Bà bỗng có vẻ mặt như đứa trẻ vừa bị mắng. Rồi bà thở dài và bảo: “Tôi nghĩ anh nói đúng, cưng ạ.”

Khi chúng tôi đã đồng ý mang trả rồi, Lindy chuyển sang thái độ chiếm hữu cao độ, khư khư giữ lấy nó trước ngực suốt trong lúc chúng tôi vội vã đi qua những hành lang trong khách sạn rộng lớn đang thiêm thiếp. Bà dẫn đường xuống các cầu thang mật, theo những đường sau, qua các phòng tắm hơi và máy bán hàng. Chúng tôi không nhìn cũng không nghe thấy một ai. Rồi Lindy thì thầm: “Lối này,” và chúng tôi đẩy hai cánh cửa nặng nề vào một nơi tối tăm.

Khi đã chắc chắn chỉ có chúng tôi ở đây, tôi bật đèn pin mang theo từ phòng Lindy chiếu quanh phòng. Chúng tôi đang ở phòng khiêu vũ, dù nếu lúc này anh có ý nhảy nhót thì sẽ gặp vấn đề với những bàn tiệc khắp phòng, cái nào cũng trải khăn bàn trắng và ghế đồng bộ. Giữa trần có một bộ đèn chùm cầu kỳ. Đằng xa là một bục sân khấu, có lẽ đủ rộng cho một tiết mục cỡ vừa, dù lúc này màn đang hạ che kín bục. Có người đã bỏ lại chiếc thang xếp giữa phòng và máy hút bụi dựng cạnh tường.

“Sẽ có tiệc ở đây,” bà nói. “Bốn trăm, năm trăm người gì đó thì phải.”

Tôi đi vào sâu hơn và lại lia đèn quanh phòng lần nữa. “Có thể không phải là địa điểm này. Nơi họ sẽ trao giải cho Jake.”

“Tất nhiên là ở đây. Khi tôi thấy cái này” – bà giơ bức tượng lên – “còn có cả những cái khác. Tài năng mới. An bum R&B của năm. Đại loại như thế. Sẽ là một sự kiện rất to đấy.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.