Dạ khúc Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông
14. Dạ khúc – Phần 5
Chúng tôi mở cửa cũng thận trọng như lúc trước, rồi trong một lúc tôi hoàn toàn mất phương hướng. Ở đây tối mịt và mỗi lần tôi cố quay đầu là thấy mình đang đập vào màn hay vải dầu. Lindy, đã chiếm lấy cây đèn pin, có vẻ di chuyển dễ dàng hơn đâu đó đằng trước. Rồi tôi lộn nhào vào một khoảng không tối om, nơi bà đang đứng đợi tôi, chiếu đèn pin vào chân tôi.
“Tôi nhận ra rồi,” bà thì thầm. “Anh không thích nói về cô ấy. Vợ anh ấy, ý tôi là thế.”
“Không hẳn,” tôi thì thầm đáp. “Chúng ta ở đâu đây?”
“Và cô ấy không bao giờ đến thăm.”
“Đấy là vì chúng tôi không hẳn đang ở với nhau vào thời gian này. Nếu bà muốn biết.”
“Ôi, tôi xin lỗi. Tôi không có ý tọc mạch.”
“Bà không có ý tọc mạch?!”
“Này, cưng ơi, nhìn xem! Nó đây này! Chúng ta tìm ra rồi!”
Bà đang lia cây đèn vào cái bàn cách đó vài bước. Trên đó phủ khăn bàn trắng, và hai đĩa đậy nắp bạc đặt cạnh nhau.
Tôi đi lại cái đầu tiên và cẩn thận nhấc nắp. Đúng như đã nghĩ, một con gà tây quay bự đặt trên đĩa. Tôi tìm xem hốc bụng đâu và thọc ngón tay vào.
“Không có gì cả,” tôi nói.
“Anh phải thò hẳn vào cơ. Tôi đẩy tít vào bên trong. Mấy con này to hơn anh tưởng đấy.”
“Tôi nói là không có gì cả. Đem đèn lại đây. Chúng ta sẽ thử con này.” Tôi cẩn thận nhấc nắp đậy con thứ hai.
“Anh biết không, Steve à, tôi nghĩ đấy là một sai lầm. Anh không phải ngượng khi nói về chuyện đó.”
“Nói về chuyện gì?”
“Về chuyện vợ chồng anh ly thân.”
“Tôi nói chúng tôi ly thân à? Tôi nói thế à?”
“Tôi tưởng…”
“Tôi nói chúng tôi không hẳn đang ở với nhau. Hai chuyện không phải một.”
“Nghe có vẻ như là một…”
“Thế đấy, không phải. Đấy chỉ là chuyện tạm thời, một điều chúng tôi đang thử. Này, tôi đã thấy gì đó. Có thứ gì đó trong này. Đúng nó rồi.”
“Thế sao anh không lôi nó ra, cưng ơi?”
“Thế bà nghĩ tôi đang làm gì? Chúa ơi! Sao bà phải đẩy vào sâu thế này chứ?”
“Suỵt! Có người ở ngoài kia!”
Thoạt đầu khó mà nói được có bao nhiêu người ở đó. Rồi giọng nói đến gần hơn và tôi nhận ra chỉ có một người, nói không ngừng vào một cái điện thoại. Tôi cũng nhận ra đích xác thì chúng tôi ở đâu. Tôi cứ ngỡ chúng tôi chỉ đi lạc vào một khu vực nhà kho vẩn vơ nào đấy, nhưng thực tế là chúng tôi đang ở đúng trên sân khấu, và tấm màn trước mặt đây là thứ duy nhất ngăn chúng tôi với phòng khiêu vũ. Người đang nói điện thoại vậy là đang đi ngang phòng khiêu vũ lên sân khấu.
Tôi thì thầm bảo Lindy tắt đèn pin và thế là xung quanh tối om. Bà nói khẽ vào tai tôi: “Ra khỏi đây thôi,” và tôi nghe thấy bà đang chuồn đi. Tôi cố lôi bức tượng ra khỏi con gà lần nữa, nhưng bây giờ tôi rất sợ phát ra tiếng động, và hơn nữa, những ngón tay tôi không tiến được thêm chút nào.
Giọng nói cứ tiến lại gần cho đến khi có vẻ như người này đang đứng ngay trước mặt tôi.
“… Đấy không phải việc của tôi, Larry. Chúng ta cần có logo in trên thực đơn. Tôi không cần biết anh làm thế nào. Được rồi, thế thì anh tự làm lấy. Đúng thế, anh tự làm lấy, tự mang đến đây, tôi không cần biết anh làm thế nào. Mang đến đây trong sáng nay, chậm nhất là bảy rưỡi. Ta cần chúng nó ở đây. Bàn tiệc đều ổn. Có khối bàn, cứ tin tôi. Được rồi. Tôi sẽ kiểm tra cái đó. Được rồi, được rồi. Phải. Tôi sẽ kiểm tra cái đó ngay bây giờ.”
Đến khúc cuối, giọng anh ta đã đi sang một bên phòng. Giờ chắc anh ta vừa bật công tắc trên một bảng điều khiển nào đấy, vì một luồng sáng gắt rọi xuống đúng đầu tôi, và cả một tiếng rừ rừ như tiếng máy điều hòa vừa bật. Chỉ có điều tôi nhận ra đấy không phải máy điều hòa, mà là màn sân khấu đang mở ra ngay trước mặt tôi.
Đã hai lần trong đời diễn của mình tôi lâm vào tình huống đang ở trên sân khấu, sắp chơi một bản solo, và thình lình tôi thấy mình không biết phải bắt đầu thế nào, đang ở gam gì, chuỗi hợp âm ra sao. Cả hai lần gặp cảnh ấy, tôi chỉ đứng đờ ra, như ảnh tĩnh từ một bộ phim, đến khi một cậu trong ban nhảy vào giải cứu. Chuyện đó chỉ xảy ra hai lần trong hơn hai chục năm chơi chuyên nghiệp. Dù gì thì, đấy là phản ứng của tôi khi ánh đèn pha rọi xuống đầu và tấm màn chuyển động. Tôi đứng đờ người. Và thật kỳ cục là tôi thấy khá dửng dưng. Tôi thấy hơi hiếu kỳ một chút, muốn xem mình sẽ thấy gì một khi màn mở hết.
Cái tôi thấy là phòng khiêu vũ, và từ vị trí trên sân khấu nhìn xuống tôi cảm nhận rõ hơn bài trí của hai dãy bàn ăn chạy song song đến tận cuối phòng. Ánh đèn trên đầu làm cả phòng tối đi đôi chút, nhưng tôi cũng nhìn ra bộ đèn chùm và cái trần nhà cầu kỳ.
Người nói điện thoại là một ông hói quá khổ mặc vét màu nhạt, sơ mi hở cổ. Chắc ông ta đã đi khỏi tường ngay sau khi bật công tắc, vì giờ ông ta gần như ngang hàng với tôi. Điện thoại ấn chặt vào tai, nhìn vẻ mặt thì phải đoán ông ta đang lắng nghe tập trung cao độ xem đầu bên kia nói gì. Nhưng tôi nghĩ là không phải thế, vì ông ta đang dán mắt vào tôi. Ông ta cứ thế nhìn tôi và tôi cứ thế nhìn ông, và tình huống này có thể kéo dài vô tận nếu sau đó ông ta không nói, có lẽ để trả lời bên kia hỏi xem tại sao thình lình lặng yên.
“Không có gì. Không có gì. Chỉ có một người thôi.” Ngừng một lúc, rồi nói tiếp: “Tôi đã tưởng là có gì khác. Nhưng chỉ là một người thôi. Có cái đầu quấn băng, mặc áo ngủ. Chỉ có thế thôi, tôi thấy rồi. Chỉ có điều là anh ta có con gà hay cái gì đó mắc ở đầu cánh tay.”
Đứng thẳng lên, tôi duỗi tay theo bản năng tựa như đang so vai. Bàn tay phải vẫn còn trong con gà ngập đến cổ tay, trọng lượng của nó kéo cả khối rơi trở lại đánh rầm. Nhưng ít nhất tôi cũng không phải lo giấu giếm nữa, nên tôi cứ thế tới luôn, không có gì cản trở, cố gắng giải phóng cả bàn tay lẫn bức tượng. Trong lúc đó người kia vẫn nói điện thoại.
“Không, đúng như tôi vừa nói đấy. Và giờ anh ra đang giũ con gà ra. Ồ, và anh ta đang lấy trong đó ra một thứ gì đó. Ê cậu, đấy là cái gì thế? Con cá sấu à?”
Mấy lời cuối này ông ta nói với tôi với vẻ thản nhiên đáng nể. Nhưng giờ tôi đã nắm được bức tượng trong tay và con gà rơi xuống sàn nhà đánh phịch. Trong lúc hối hả trở lại bóng tối đằng sau lưng, tôi nghe thấy người kia nói với bạn:
“Làm thế quái nào tôi biết được? Một tiết mục ảo thuật, chắc vậy.”
Tôi không nhớ làm thế nào chúng tôi trở lại được tầng mình. Tôi đã lại lạc lối giữa một mớ lùng nhùng những màn tuột khỏi sân khấu, rồi bà đã hiện ra túm lấy tay tôi. Một phút sau, chúng tôi đã hối hả chạy qua khách sạn, không buồn để ý là đang gây ồn ào đến đâu hay có ai thấy mình. Đâu đó trên đường đi tôi bỏ lại bức tượng trên một khay đồ ăn đang đặt bên ngoài cửa một phòng ngủ, cạnh những gì còn lại sau bữa tối của ai đó.
Trở lại phòng bà, chúng tôi thụp người xuống xô pha và cười ầm ĩ. Chúng tôi cười đến khi ngã bổ vào người nhau, rồi bà đứng dậy, đến bên cửa sổ kéo mành. Bây giờ bên ngoài đã có ánh sáng, mặc dù trời khá âm u. Bà đi lại tủ rượu để pha đồ uống – “món cốc tai không cồn quyến rũ nhất thế giới” – và mang một ly lại cho tôi. Tôi nghĩ bà sẽ ngồi xuống cạnh tôi, nhưng bà bước trở lại bên cửa, nhấp ly của mình.
“Anh có mong ngóng không, Steve?” một lúc sau bà hỏi. “Đến ngày tháo băng ấy?”
“Có. Tôi nghĩ vậy.”
“Mới tuần trước, tôi còn không nghĩ đến nhiều lắm. Có vẻ như còn rất xa. Nhưng bây giờ không còn lâu mấy nữa.”
“Đúng thế,” tôi nói. “Với tôi cũng không còn lâu mấy.” Rồi tôi nói nhỏ: “Chúa ơi.”
Bà nhấp rượu và nhìn ra ngoài cửa sổ. Rồi tôi nghe bà nói: “Này cưng ơi, anh có chuyện gì thế?”
“Tôi ổn mà. Tôi chỉ thiếu ngủ một chút, thế thôi.”
Bà nhìn tôi một lúc. “Tôi nói anh nhé, Steve,” cuối cùng bà nói. “Sẽ ổn cả thôi. Boris là tay cừ nhất. Rồi anh xem.”
“Phải.”
“Này, anh có chuyện gì thế? Nghe này, với tôi là lần thứ ba rồi. Lần thứ hai với Boris. Rồi sẽ ổn cả thôi. Trông anh sẽ cực kỳ, rất cực kỳ. Và sự nghiệp của anh nữa. Từ giờ trở đi nó sẽ nhảy vọt.”
“Có thể.”
“Không có có thể gì hết! Rồi nó sẽ thành khác hẳn, cứ tin tôi. Anh sẽ lên tạp chí, sẽ lên ti vi.”
Tôi không nói gì.
“Nào, thôi đi!” Bà bước vài bước lại gần. “Tươi lên nào. Không phải anh vẫn còn bực tôi chứ, phải không? Chúng ta vừa mới là một đội ăn ý, phải không? Và tôi muốn nói với anh điều này nữa. Từ giờ trở đi tôi sẽ vào đội của anh. Anh là một thiên tài, và tôi sẽ đảm bảo mọi việc đều thuận lợi cho anh.”
“Không ăn thua đâu, Lindy.” Tôi lắc đầu. “Không ăn thua đâu.”
“Không ăn thua cái con khỉ. Tôi sẽ đi gặp mấy người. Mấy người sẽ có ích cho anh lắm.”
Tôi vẫn lắc đầu. “Tôi rất cảm kích. Nhưng không được gì đâu. Không ăn thua đâu. Sẽ chẳng bao giờ ăn thua cả. Lẽ ra tôi không bao giờ nên nghe Bradley.”
“Nào, thôi đi. Có thể tôi không còn là vợ Tony nữa, nhưng tôi vẫn còn rất nhiều bạn tốt ở đây.”
“Tất nhiên rồi, Lindy, tôi biết. Nhưng không được gì đâu. Bà biết đấy, Bradley, ông bầu của tôi, ông ta thuyết phục tôi làm chuyện này. Tôi đúng là ngốc mới nghe lời ông ta, nhưng tôi không tránh được. Tôi đang tắc tị cả, rồi ông ta đưa ra giả thiết này. Ông ta nói vợ tôi, Helen, cô ấy có ý đồ này. Cô ấy không hẳn đã bỏ tôi. Không, đấy chỉ là một phần trong ý đồ của cô ấy. Cô ấy làm thế là vì tôi, để tôi có thể làm vụ mổ này. Và rồi khi tháo băng ra, và tôi có khuôn mặt mới, cô ấy sẽ trở lại và mọi chuyện sẽ lại ổn thỏa. Đấy là Bradley nói thế. Ngay lúc ông ta nói thế, tôi đã biết là chuyện vớ vẩn, nhưng tôi còn biết làm gì? Ít ra đấy cũng là một tia hy vọng. Bradley lợi dụng nó, ông ta lợi dụng nó, ông ta là thế, bà hiểu không? Ông ta là đồ mạt hạng. Trong đầu ông ta chỉ có chuyện làm ăn. Và chuyện đẳng cao. Ông ta đâu thèm quan tâm cô ấy có quay lại hay không?”
Tôi dừng lời và bà không nói gì một lúc lâu. Rồi bà nói:
“Nghe này, cưng, nghe tôi. Tôi hy vọng vợ anh quay lại. Tôi thực tình hy vọng thế. Nhưng nếu cô ấy không quay lại, thì, anh phải bắt đầu tìm góc nhìn mới. Cô ấy có thể là một người tuyệt vời, nhưng cuộc đời lớn hơn nhiều chứ không phải chỉ là chuyện yêu một ai đó. Anh phải xông pha, Steve. Một người như anh, anh không thuộc về công chúng. Nhìn tôi này. Khi lớp băng này bỏ ra, liệu tôi có thực sự sẽ giống như tôi của cách đây hai mươi năm? Tôi không biết. Và đã lâu lắm rồi kể từ lần cuối tôi trung chuyển giữa hai cuộc hôn nhân. Nhưng thế nào tôi cũng sẽ xông ra mà thử một lần xem.” Bà đến gần huých vào vai tôi. “Nào. Chỉ là anh mệt thôi. Anh sẽ thấy khá hơn nhiều sau khi ngủ một chút. Nghe này. Boris là tay cừ nhất. Ông ấy sẽ sửa chữa lại, cho cả hai ta. Rồi anh thấy.”
Tôi đặt ly xuống bàn và đứng lên. “Tôi nghĩ bà nói đúng. Như bà đã nói, Boris là tay cừ nhất. Và chúng ta quả là một đội ăn ý hồi lúc nãy.”
“Chúng ta là một đội cực kỳ ăn ý hồi lúc nãy.”
Tôi đưa tay ra, đặt lên hai vai bà, rồi hôn lên hai bên má quấn băng. “Bà cũng ngủ đi cho lại sức,” tôi nói. “Tôi sẽ lại qua và chúng ta lại chơi cờ nữa.”
Nhưng sau buổi sáng đó, chúng tôi không còn mấy khi gặp nhau. Về sau này khi tôi nhớ lại, đã có những điều nói ra đêm hôm ấy, những điều có lẽ tôi nên xin lỗi, hay ít nhất nên giải thích. Nhưng lúc ấy, khi chúng tôi đã trở lại phòng bà, và chúng tôi đã cùng ngồi cười trên ghế, có vẻ như không cần, thậm chí không đúng chỗ, nếu nhắc lại những điều đó. Khi chúng tôi chia tay sáng hôm ấy, tôi đã nghĩ hai chúng tôi đã vượt qua chuyện đó rồi. Ngay cả thế, tôi cũng đã thấy Lindy có thể thất thường ra sao. Có thể là sau đó bà nghĩ lại và lại thấy tức giận. Ai biết được? Dù sao thì, dù tôi đã chờ bà gọi điện trong ngày hôm ấy, nhưng bà chẳng hề gọi, cả ngày hôm sau cũng thế. Thay vào đó, tôi nghe giọng Tony Gardner bật bên kia tường, vặn tiếng to nhất, hết đĩa này đến đĩa khác.
Rồi cuối cùng tôi cũng lại qua, có lẽ là bốn ngày sau đó, bà có vẻ niềm nở, nhưng lạnh nhạt. Cũng như hôm đầu, bà kể rất nhiều về những bạn bè nổi tiếng của mình – dù không nói gì về chuyện nhờ họ giúp tôi thăng tiến. Dù thế, tôi cũng không buồn bực. Chúng tôi có bắt đầu chơi cờ, nhưng điện thoại của bà réo liên tục và bà lại vào phòng ngủ nói chuyện.
Buổi tối hai hôm trước bà gõ cửa phòng tôi, nói mình sắp trả phòng. Boris rất hài lòng với bà và đã đồng ý sẽ cho bà tháo băng tại nhà. Chúng tôi chào tạm biệt nhau thân thiện, nhưng có vẻ như lời chia tay thực sự đã nói từ trước rồi, từ sáng hôm đó ngay sau chuyến phiêu lưu, khi tôi đưa tay ra và hôn lên hai má bà.
Đấy là câu chuyện về thời kỳ tôi làm láng giềng của Lindy Gardner. Tôi cầu chúc bà may mắn. Còn với tôi, vẫn còn sáu ngày nữa mới tới lượt tôi lộ diện, và còn lâu nữa mới đến lúc tôi được phép thổi kèn. Nhưng giờ tôi đã quen với cuộc sống này, và tôi giết thời giờ một cách khá vui vẻ. Hôm qua tôi nhận được điện thoại của Helen hỏi thăm, và khi tôi kể mình đã làm quen với Lindy Gardner, cô ấy khâm phục hẳn hoi.
“Không phải bà ấy đã lại kết hôn rồi à?” cô hỏi. Và khi tôi đính chính lại, cô nói: “À, phải. Chắc là em đã nhầm với bà kia. Anh biết đấy. Cái bà ấy ấy.”
Chúng tôi nói chuyện khá lâu về những thứ lặt vặt – cô vừa xem gì trên ti vi, bạn cô vừa mang con ghé chơi. Rồi cô nói Prendergast có hỏi thăm tôi, và khi nói thế, giọng cô căng thẳng thấy rõ. Và tôi suýt nữa đã nói: “Ơ kìa? Có phải tôi vừa nhận thấy nỗi cáu kỉnh khi nhắc tên cục cưng không?” Nhưng tôi không nói. Tôi chỉ bảo cho tôi gửi lời chào, và cô không nhắc đến tên hắn ta lần nữa. Mà chắc là tôi cũng chỉ tưởng tượng ra thôi. Làm sao tôi biết, có thể cô chỉ đang nhử cho tôi nói mình biết ơn hắn.
Khi cô sắp dập máy, tôi nói: “Anh yêu em,” cái kiểu nói nhanh theo thói quen người ta vẫn đệm vào cuối cuộc nói chuyện với bạn đời. Nghe im lặng vài giây, rồi cô đáp lại, cũng theo kiểu đó. Rồi cô đã đi. Chúa biết được thế nghĩa là gì. Bây giờ không còn việc gì làm nữa, tôi nghĩ thế, ngoài việc đợi đến khi tháo băng. Và rồi thì sao? Có thể Lindy nói đúng. Có thể, như bà nói, tôi cần góc nhìn mới, và cuộc đời lớn hơn nhiều chứ không phải chỉ là chuyện yêu một ai đó. Có thể đây đúng là bước ngoặt đối với tôi, và đẳng cao đang đón chờ. Có thể bà nói đúng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.