Dạ khúc Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông

15. Nghệ sĩ cello – Phần 2 (Hết)



Họ nói chuyện theo kiểu ấy, và thường cậu chỉ chực đặt câu hỏi ngược lại cho bà. Nhưng cũng như chưa bao giờ dám hỏi Petrovic một câu về đời tư suốt trong thời kỳ học với ông, lúc này cậu thấy mình không thể hỏi một câu gì hẳn hoi về bà. Thay vào đó, cậu nghiền ngẫm những chi tiết nhỏ bà để lộ – rằng bà sống ở Portland bang Oregon, rằng bà đã chuyển đến đó từ Boston ba năm trước, rằng bà ghét Paris “vì ở đó chỉ toàn những liên tưởng đáng buồn” – nhưng chùn lại không dám hỏi sâu hơn.

Bây giờ bà đã bật cười dễ hơn nhiều so với những ngày đầu họ làm bạn với nhau, và bắt đầu có thói quen, khi hai người bước ra khỏi khách sạn mà băng qua quảng trường, đưa tay khoác lấy tay cậu. Đấy là lúc chúng tôi lần đầu phát hiện thấy cặp đôi lạ lùng này, cậu thì trông trẻ hơn nhiều tuổi thực, bà trông có lúc như bà mẹ, lúc khác “như một cô đào lẳng lơ”, như Ernesto diễn tả. Trong những ngày trước khi bắt đầu nói chuyện với Tibor, chúng tôi mất khá nhiều thời gian tán gẫu về họ, như người trong một ban nhạc thường làm. Khi họ đi qua tay trong tay, chúng tôi sẽ nhìn nhau mà bảo: “Bồ nghĩ thế nào? Họ đã có chuyện ấy rồi, hử?” Nhưng sau khi nhấm nháp cái phỏng đoán này, chúng tôi sẽ nhún vai thừa nhận rằng không có lý: đơn giản là họ không có phong thái của tình nhân. Và đến khi chúng tôi quen Tibor, và cậu kể với chúng tôi về những buổi chiều trong phòng suite của bà, không người nào còn nghĩ đến chuyện chọc ghẹo cậu hay đưa ra những ám chỉ nhảm nhí nữa.

Rồi một buổi chiều khi họ đang ngồi trên quảng trường với cà phê bánh ngọt, bà bắt đầu nói về một người muốn lấy bà. Tên ông ta là Peter Henderson, ông ta là chủ một doanh nghiệp phát đạt ở Oregon bán đồ nghề chơi gôn. Ông ta thông minh, tốt bụng, được mọi người quen biết nể trọng. Ông ta hơn Eloise sáu tuổi, nhưng như thế chưa phải là già. Có hai đứa con nhỏ với người vợ trước, nhưng mọi thứ đã được thu xếp êm thấm.

“Thế nên giờ anh hiểu tôi đang làm gì ở đây,” bà nói với tiếng cười căng thẳng cậu chưa từng nghe trước đó. “Tôi đang trốn. Peter không biết tôi ở đâu. Tôi nghĩ là tôi khá ác. Thứ Ba vừa rồi tôi gọi cho ông ấy, bảo mình đang ở Ý, nhưng không nói là thành phố nào. Ông ấy giận điên lên và tôi nghĩ ông ấy hoàn toàn có quyền đó.”

“Nghĩa là,” Tibor nói. “Bà đang dành cả mùa hè suy tính tương lai.”

“Không hẳn. Tôi chỉ đang trốn.”

“Bà không yêu cái ông Peter này?”

Bà nhún vai. “Anh ấy là người tốt. Và tôi cũng không có nhiều đề nghị trước mắt.”

“Ông Peter này. Ông ấy có yêu âm nhạc không?”

“Ồi… Nơi tôi sống bây giờ, anh ấy chắc chắn được tính là có. Nói cho cùng thì, anh ấy cũng đi nghe hòa nhạc. Và sau đó, ở nhà hàng, anh ấy nói những điều tốt đẹp về chương trình chúng tôi vừa nghe. Thế nên tôi nghĩ có thể nói là anh ấy yêu âm nhạc.”

“Nhưng ông ấy… có hiểu được bà không?”

“Anh ấy biết không phải lúc nào cũng dễ dàng khi sống với một nghệ sĩ bậc thầy.” Bà thở dài một tiếng. “Đấy là vấn đề của cả đời tôi. Với anh cũng sẽ không dễ dàng. Nhưng anh và tôi, chúng ta không hẳn có lựa chọn. Chúng ta có con đường riêng phải đi.”

Bà không nhắc đến Peter lần nào nữa, nhưng bây giờ, sau cuộc đối đáp đó, một khía cạnh mới đã mở ra trong quan hệ giữa họ. Những khi bà im lặng nghĩ ngợi sau khi cậu chơi, hoặc những khi, dù đang cùng ngồi trong quảng trường, bà trở nên xa vắng, nhìn ra đằng sau những cây dù gần đó, cậu không thấy có gì khó xử, và hoàn toàn không thấy bị bỏ rơi mà hiểu rằng bà thấy sự có mặt của cậu bên bà là đáng quý.

Một buổi chiều, sau khi cậu vừa chơi xong một bài, bà bảo cậu chơi lại một đoạn ngắn – chỉ tám nhịp – ở gần đoạn cuối. Cậu làm theo và thấy vạch nhăn vẫn còn trên trán bà.

“Nghe không giống như chúng ta,” bà nói và lắc đầu. Cũng như mọi lần, chỉ thấy dáng ngồi nhìn nghiêng của bà trước cửa sổ lớn. “Phần còn lại anh chơi rất tốt. Tất cả phần còn lại, đấy đúng là chúng ta. Nhưng cái đoạn này…” Bà khẽ nhún vai.

Cậu chơi lại theo một cách khác, dù không hẳn hiểu mình cần cái gì, và không ngạc nhiên khi thấy bà lại lắc đầu.

“Tôi xin lỗi,” cậu nói. “Bà có thể thể hiện ý mình rõ hơn. Tôi không hiểu cái ‘không phải chúng ta’ này.”

“Ý anh là muốn tôi tự chơi đoạn đó? Anh muốn nói thế phải không?”

Bà nói bình tĩnh, nhưng khi bà quay lại nhìn cậu lúc này, cậu ý thức được sự căng thẳng đang hiện hình giữa họ. Bà đang nhìn cậu chăm chăm, gần như thách thức, chờ câu trả lời.

Cuối cùng cậu nói: “Không, tôi sẽ thử lại.”

“Nhưng anh đang nghĩ tại sao tôi không tự đi mà chơi lấy, phải không? Mượn đàn của anh và trình bày xem ý tôi là gì.”

“Không…” Cậu lắc đầu với vẻ cố làm ra thản nhiên. “Không. Tôi nghĩ là tốt, phương pháp chúng ta vẫn làm rất tốt. Bà gợi ý bằng lời, rồi tôi chơi. Như thế sẽ không phải là tôi chỉ bắt chước rồi bắt chước. Lời của bà mở những cửa sổ trước mắt tôi. Nếu bà tự chơi, sẽ không có cửa sổ nào mở. Tôi sẽ chỉ bắt chước.”

Bà ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói: “Chắc là anh đúng. Được rồi, tôi sẽ thử thể hiện ý mình rõ hơn.”

Và một vài phút tiếp đó bà nói – về sự khác nhau giữa vĩ thanh và phần nối. Rồi khi cậu chơi lại mấy nhịp đó lần nữa, bà mỉm cười và gật đầu tán thành.

Nhưng từ sau cuộc đối đáp nhỏ ấy, có một bóng đen đã phủ xuống các buổi chiều. Có lẽ nó đã ở đó từ đầu, nhưng giờ đã ra khỏi vỏ và lửng lơ giữa họ. Một lần khác, khi đang ngồi trên quảng trường, cậu vừa kể cho bà nghe chuyện làm sao người chủ trước của cây đàn đã túm được nó từ hồi còn Liên bang Xô viết bằng cách đổi vài chiếc quần bò Mỹ. Khi cậu kể xong, bà nhìn sang cậu với nụ cười nửa miệng lạ lùng và nói:

“Đấy là một cây đàn tốt. Tiếng của nó rất hay. Nhưng vì tôi chưa từng chạm vào nó, tôi không hẳn phán xét về nó được.”

Cậu biết bà lại đang tiến đến địa hạt nguy hiểm kia, cho nên, nhanh chóng đánh mắt đi chỗ khác, cậu nói:

“Với một người ở tầm vóc bà, nó không phải là một nhạc cụ tương xứng. Ngay cả với tôi hiện giờ, nó cũng không hẳn còn tương xứng.”

Cậu thấy mình không còn có thể trò chuyện thoải mái được nữa vì sợ bà lại sẽ phục kích và lái câu chuyện trở lại địa hạt này. Ngay cả trong những cuộc trao đổi vui vẻ nhất, một phần trong đầu cậu vẫn phải liên tục đề phòng, sẵn sàng cản lại nếu bà lại vừa tìm ra một hướng tấn công mới. Kể cả thế, cậu cũng không thể đánh lạc hướng bà luôn luôn được, và cậu quyết định giả vờ không nghe thấy khi bà nói những câu như: “Ồi, sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu tôi chỉ việc chơi cho anh nghe!”

Đến gần cuối tháng Chín – giờ đã thấy giá lạnh trong hơi gió – Giancarlo nhận được điện thoại của ông Kaufmann từ Amsterdam; có một chỗ khuyết cần người chơi cello trong một nhóm nhạc thính phòng nhỏ ở một khách sạn năm sao giữa trung tâm thành phố. Nhóm nhạc chơi trên ban công nhìn xuống phòng ăn một tuần bốn tối, và các nhạc công cũng có những “công việc nhẹ nhàng ngoài âm nhạc” khác trong khách sạn. Chỗ ăn chỗ ở đều có đủ. Ông Kaufmann đã nhớ ngay đến Tibor và chỗ làm này đang để ngỏ chờ cậu. Chúng tôi đem tin cho Tibor tức khắc – trong quán ngay buổi chiều ông Kaufmann gọi đến – và tôi nghĩ tất cả đều bất ngờ vì phản ứng lạnh nhạt của Tibor. Đấy hẳn nhiên là ngược lại hoàn toàn với thái độ của cậu hồi đầu mùa hè, khi chúng tôi sắp đặt buổi “diễn thử” trước ông Kaufmann. Giancarlo là người đặc biệt giận dữ.

“Thế thì cậu cần suy nghĩ cẩn thận đến thế là vì sao?” anh ta nạt cậu thanh niên. “Cậu còn muốn cái gì? Carnegie Hall hả?”

“Không phải là tôi không biết ơn. Nhưng dù sao tôi cũng cần nghĩ kỹ đã. Chơi cho người ta vừa nghe vừa nói chuyện vừa ăn. Rồi lại những công việc khách sạn nữa. Có thật như thế thích hợp với một người như tôi không?”

Giancarlo vốn là một người nóng tính, nên lúc này chúng tôi phải giữ không cho anh túm cổ áo Tibor và hét vào mặt cậu. Một số còn cảm thấy cần thiết phải đứng về phía cậu bé, nói rằng suy cho cùng đấy là cuộc đời cậu, cậu không việc gì phải bắt buộc nhận một công việc cậu không thích. Tình hình dần dần dịu lại, và Tibor đến lúc đó lại thừa nhận rằng công việc này cũng có những điểm lợi nếu coi là biện pháp trước mắt. Và thành phố chúng tôi, theo cậu ta nhận xét có phần vô tâm, rồi sẽ thành tù túng khi mùa du lịch đã qua. Amsterdam ít ra cũng là một trung tâm văn hóa.

“Tôi sẽ suy nghĩ việc này cẩn thận,” cuối cùng cậu nói. “Có lẽ anh có thể giúp tôi nhắn với ông Kaufmann là tôi sẽ báo lại quyết định trong vòng ba ngày.”

Giancarlo không thể nói là hài lòng vì thế – dù gì thì anh cũng đã trông đợi lòng biết ơn dạt dào – nhưng vẫn đi gọi lại cho ông Kaufmann. Trong cả cuộc tranh luận tối hôm đó, Eloise McCormack không được nhắc đến lấy một lần, nhưng chúng tôi đều rõ ảnh hưởng của bà là nguyên do mọi lý lẽ của Tibor.

“Con mụ đó đã biến thằng bé thành một đứa ngạo mạn,” Ernesto nói sau khi Tibor đi. “Cứ để nó mang thái độ ấy đến Amsterdam. Rồi nó sẽ được giũa cho nhẵn.”

Tibor chưa bao giờ nói với Eloise về lần diễn thử cho ông Kaufmann. Cậu đã định tâm kể hàng bao nhiêu lần, nhưng lần nào cũng rụt lại, và tình bạn của họ càng sâu đậm thì việc cậu từng đồng ý làm thế càng giống một sự bội ước. Thế nên tất nhiên Tibor không hề có ý định hỏi ý Eloise về diễn biến mới nhất này, hoặc kể cả để hở cho bà biết. Nhưng cậu chưa bao giờ giỏi giấu giếm, cho nên quyết định giữ bí mật với bà lại thành ra có những kết quả không ngờ.

Chiều hôm đó ấm một cách bất thường. Cậu đã đến khách sạn bà ở như lệ thường, và bắt đầu chơi vài bản mới mà cậu đang chuẩn bị. Nhưng chỉ vừa sau ba phút, bà đã bảo cậu dừng và nói:

“Có chuyện gì đó không ổn. Tôi đã nghi từ lúc anh mới vào. Tôi đã hiểu anh rõ lắm rồi, Tibor, tôi đoán được, gần như từ lúc nghe anh gõ cửa. Bây giờ khi anh chơi thì tôi biết chắc. Không ích gì đâu, anh không thể giấu tôi đâu.”

Cậu đã cảm thấy rầu lòng, liền cụp mắt xuống, đã định thổ lộ can tràng mọi việc, thì bà giơ tay lên và bảo:

“Đây là một chuyện chúng ta không thể cứ chạy trốn mãi. Anh cứ luôn tìm cách lẩn tránh, nhưng không được gì đâu. Tôi muốn nói về chuyện đó. Cả tuần vừa qua này, tôi đã muốn nói về chuyện đó.”

“Thật ư?” Cậu nhìn bà kinh ngạc.

“Phải,” bà nói, và xoay ghế để quay mặt về phía cậu lần đầu tiên. “Tôi chưa bao giờ có ý định lừa anh, Tibor. Mấy tuần vừa qua, đối với tôi thật không dễ dàng, và anh lại là một người bạn thân thiết. Tôi sẽ phật lòng vô cùng nếu anh nghĩ tôi có bao giờ định giở mánh khóe nào với anh. Không, làm ơn, đừng tìm cách ngăn tôi lại lần này. Tôi muốn nói điều này. Nếu anh đưa tôi cây đàn ngay bây giờ và bảo tôi chơi, tôi sẽ phải nói không, tôi không thể chơi được. Không phải vì cây đàn không đủ tốt, không phải như thế. Nhưng nếu bây giờ mà anh nghĩ tôi nói dối, nghĩ tôi giả vờ đóng một vai không phải của tôi, thì tôi muốn nói anh đã nhầm. Hãy nhìn những thứ chúng ta đã cùng đạt được. Chẳng lẽ đấy không phải bằng chứng rằng tôi không nói dối? Phải, tôi đã bảo anh tôi là một bậc thầy. Chà, hãy để tôi giải thích ý tôi là thế nào. Ý tôi là tôi được ban cho một tài năng, cũng như anh. Anh và tôi, chúng ta có một thứ mà hầu hết các nhạc công cello khác không bao giờ có được, dù họ có tập luyện cực khổ thế nào. Tôi đã nhận ra được ở anh, từ phút đầu tiên nghe anh chơi trong cái nhà thờ ấy. Và cách nào đó, anh chắc cũng đã nhận ra ở tôi. Vì thế anh mới quyết định đến khách sạn này hôm ấy.

“Người như chúng ta không có nhiều, Tibor ạ, và chúng ta nhận ra được nhau. Chuyện tôi vẫn chưa học cách chơi cello chẳng thay đổi gì cả. Anh phải hiểu, tôi là một bậc thầy. Nhưng tôi là một người vẫn chưa lột xác. Cả anh nữa, anh vẫn chưa lột xác hoàn toàn, và đấy là điều tôi đã làm mấy tuần vừa rồi. Tôi đã cố giúp anh trút bỏ những lớp vỏ đó. Nhưng tôi chưa bao giờ định lừa dối anh. Chín mươi chín phần trăm người chơi cello không có gì bên trong những lớp vỏ, không có gì cần thoát ra. Thế nên những người như chúng ta, ta phải giúp đỡ nhau. Khi chúng ta nhìn thấy nhau trong quảng trường đông đúc, dù ở đâu, chúng ta phải đến với nhau, bởi những người như chúng ta quá ít.”

Cậu nhận thấy mắt bà có những giọt lệ, nhưng giọng bà vẫn vững vàng. Đến đây bà lặng yên và lại quay mặt đi.

“Thế nên bà tin mình là một nghệ sĩ cello đặc biệt,” sau một chốc cậu nói. “Một bậc thầy. Đám còn lại chúng tôi, Miss Eloise ạ, chúng tôi phải gom góp can đảm và tìm cách lột xác, như cách bà nói, lúc nào cũng nơm nớp không biết sẽ tìm thấy gì bên trong. Nhưng còn bà, bà không thèm quan tâm đến việc lột xác này. Bà không làm gì cả. Nhưng bà vẫn tin chắc bà là một bậc thầy…”

“Xin anh đừng bực tức. Tôi biết nghe có vẻ điên khùng. Nhưng chuyện là thế, đấy là sự thực. Mẹ tôi, bà nhận ra tài năng của tôi từ sớm, từ khi tôi còn nhỏ. Ít nhất tôi biết ơn bà vì thế. Nhưng những giáo viên bà tìm về cho tôi, khi tôi lên bốn, khi tôi lên bảy, khi tôi mười một, họ chẳng ra gì. Mẹ không biết thế, nhưng tôi biết. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã có bản năng này. Tôi biết mình phải bảo vệ tài năng của mình khỏi những người, dù thiện ý đến đâu, có thể hoàn toàn tiêu diệt nó. Thế nên tôi tránh họ. Anh cũng phải làm thế, Tibor. Tài năng của anh là điều quý giá.”

“Xin lỗi bà,” Tibor ngắt lời, lần này nhẹ nhàng hơn. “Bà nói bà đã chơi cello hồi còn nhỏ. Nhưng bây giờ…”

“Tôi đã không chạm vào đàn từ hồi mười một tuổi. Từ cái ngày tôi nói với mẹ mình không thể tiếp tục học ông Roth. Và mẹ tôi hiểu. Bà đồng ý là tốt hơn nên không làm gì cả và ngồi đợi. Điều cốt yếu là không được làm hỏng tài năng của tôi. Thời của tôi vẫn có thể sẽ đến. Được rồi, có những lúc tôi nghĩ mình đã để quá muộn. Tôi đã bốn mươi mốt tuổi rồi. Nhưng ít nhất tôi vẫn chưa làm hỏng những gì mình có từ lúc sinh ra. Tôi đã gặp rất nhiều giáo viên qua năm tháng, những người nói họ sẽ giúp tôi, nhưng tôi nhìn thấu họ. Đôi lúc khó mà nói được, Tibor ạ, ngay cả với chúng ta. Những thầy giáo ấy, họ quá… chuyên nghiệp, họ nói quá hay, anh nghe họ và ban đầu anh bị lừa phỉnh. Anh nghĩ, phải, cuối cùng cũng có người có thể giúp mình, có người thuộc về chúng ta. Rồi anh nhận ra họ chẳng phải là người ấy. Và đấy là lúc anh phải cứng cỏi mà tách mình ra. Nhớ lấy, Tibor, tốt nhất luôn là đợi. Đôi lúc tôi cũng cảm thấy khó chịu, rằng tôi vẫn còn bọc kín tài năng của mình. Nhưng tôi chưa làm hỏng nó, và đấy là điều quan trọng.”

Cuối cùng cậu cũng chơi cho bà nghe vài bản cậu đã chuẩn bị, nhưng họ không thể khôi phục tâm trạng thường ngày và kết thúc buổi tập sớm. Xuống đến quảng trường, họ uống cà phê, nói chuyện ít, đến lúc cậu cho bà biết kế hoạch rời thành phố một vài ngày. Cậu vẫn luôn mong muốn khám phá vùng quê quanh đây, cậu nói, thế nên cậu đã lên một kỳ nghỉ ngắn ngày cho mình.

“Kỳ nghỉ sẽ có lợi cho anh,” bà nói nhỏ. “Nhưng đừng đi lâu quá. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.”

Cậu trấn an bà rằng cậu sẽ về sau một tuần là nhiều nhất. Dù thế, trong dáng vẻ bà vẫn còn gì đó không vui khi họ chia tay.

Cậu không hoàn toàn thành thực về chuyến đi: cậu chưa lên kế hoạch gì cả. Nhưng sau khi chào Eloise chiều hôm đó, cậu về nhà và gọi vài cú điện, cuối cùng cũng đặt được một giường ở một nhà nghỉ thanh niên trong vùng núi gần biên giới vùng Umbria. Cậu đến gặp chúng tôi trong quán tối hôm ấy, và ngoài việc nói với chúng tôi về chuyến đi – chúng tôi đưa ra đủ lời khuyên mâu thuẫn về việc xem gì ở đâu – cậu còn gần như bẽn lẽn nhờ Giancarlo nhắn với ông Kaufmann cậu đồng ý nhận làm.

“Tôi còn làm thế nào được?” cậu bảo chúng tôi. “Đến khi quay lại, tôi sẽ chẳng còn một xu.”

Tibor đã có một kỳ nghỉ khá thoải mái trong vùng quê của chúng tôi. Cậu không kể nhiều về nó, ngoài chuyện làm quen với vài người Đức, và đã vung tay quá trán trong các trattoria[1] bên đồi. Cậu trở lại sau một tuần, nhìn phấn chấn lên rõ rệt, nhưng cũng lo lắng hỏi cho chắc rằng Eloise McCormack không đi đâu khỏi thành phố trong thời kỳ cậu vắng mặt.

[1] Quán ăn bình dân (tiếng Ý).

Mật độ du khách đã vãn dần lúc ấy, và bồi bàn các quán đã bắt đầu mang đèn sưởi ra đặt giữa các bàn ngoài sân. Buổi chiều hôm cậu về, vào giờ thường lệ, Tibor mang cây đàn quay lại Excelsior, và hài lòng thấy không chỉ là Eloise đang chờ, mà rõ ràng là bà nhớ cậu. Bà chào đón cậu nồng nhiệt, và cũng như người khác, trong cơn lốc tình cảm, có lẽ sẽ trút lên cậu hàng đống thức ăn hay đồ uống, bà ấn cậu vào cái ghế mọi khi và sốt ruột mở bao đàn, miệng nói: “Chơi cho tôi nghe! Nào! Chơi đi!”

Họ đã trải qua một buổi chiều tuyệt vời. Trước đó cậu đã lo lắng không biết mọi thứ sẽ thế nào, sau lời “thú nhận” của bà và sau cách họ chia tay, nhưng sự căng thẳng hình như đã biến mất sạch sẽ, và không khí giữa hai người hòa thuận hơn lúc nào hết. Ngay cả khi, sau khi chơi xong một bản, bà nhắm mắt và bắt đầu một bài phê bình dài, nghiêm khắc về cách cậu chơi, cậu cũng không cảm thấy ghét bỏ gì, chỉ thấy cồn cào muốn hiểu lời bà càng kỹ càng tốt. Ngày hôm đó và hôm sau nữa, vẫn là như vậy: thoải mái, đôi lúc còn đùa cợt, và cậu biết chắc mình chưa bao giờ được chơi hay hơn thế trong đời. Họ không hề nhắc đến cuộc đối thoại trước khi cậu đi, bà cũng không hỏi về kỳ nghỉ ở vùng quê. Họ chỉ nói chuyện âm nhạc.

Rồi ngày thứ tư sau khi cậu trở về, một chuỗi những không may lặt vặt – tính cả một cái két bồn cầu rỉ nước trong phòng – khiến cậu không thể đến Excelsior vào giờ mọi khi. Đến lúc cậu đi qua quán, ánh ngày đã nhạt, bồi bàn đã thắp nến trong những bát thủy tinh nhỏ, và chúng tôi đã chơi được vài bài trong suất tối. Cậu giơ tay vẫy chúng tôi, rồi đi tiếp qua quảng trường đến khách sạn, trông như cà nhắc vì tha theo cây đàn.

Cậu để ý thấy người lễ tân hơi do dự trước khi gọi lên phòng bà. Rồi khi mở cửa, bà chào cậu thân thiết nhưng có vẻ hơi khác mọi khi, và trước khi cậu kịp lên tiếng thì bà đã nhanh chóng nói:

“Tibor, tôi thật mừng là anh tới. Tôi vừa kể với Peter mọi chuyện về anh. Đúng thế, Peter cuối cùng cũng đã tìm thấy tôi!” Rồi bà gọi với vào phòng: “Peter, anh ấy đây rồi! Tibor đây rồi. Và với cả cây đàn nữa!”

Khi Tibor bước vào phòng, một người to con, cứng tuổi, chậm chạp trong chiếc sơ mi cổ bẻ nhạt màu đứng lên với một nụ cười. Ông ta bắt tay Tibor rất chặt và nói: “Ôi, tôi đã nghe bao nhiêu điều về anh. Eloise tin chắc anh sẽ thành một ngôi sao sáng.”

“Peter kiên trì lắm,” bà thì đang nói. “Tôi biết cuối cùng anh ấy sẽ tìm thấy tôi.”

“Không ai trốn được tôi,” Peter nói. Rồi ông đã kéo ghế cho Tibor, rót cho cậu một cốc sâm banh từ xô đá đặt trên tủ ly. “Nào, Tibor, hãy cùng chúng tôi uống mừng cuộc hội ngộ này.”

Tibor nhấp sâm banh, để ý thấy Peter đã tình cờ kéo cho cậu chiếc “ghế chơi đàn” mọi khi. Eloise đã mất tích đâu đó, và trong một lúc Tibor và Peter nói chuyện, cốc trong tay. Peter có vẻ hiền hậu và hỏi rất nhiều chuyện. Tibor đã sống thế nào hồi trẻ ở một nơi như Hungary? Có sốc nhiều không khi lần đầu đến phương Tây?

“Tôi ước gì mình biết chơi nhạc,” Peter nói. “Anh thật may mắn. Tôi rất muốn học. Nhưng có lẽ hơi muộn rồi, tôi nghĩ thế.”

“Ôi, ông chẳng bao giờ nói được là quá muộn,” Tibor nói.

“Anh nói phải. Đừng bao giờ nói quá muộn. Quá muộn luôn chỉ là cách bào chữa. Không, sự thực là, tôi là một người bận rộn, và tôi tự nhủ mình bận rộn đến nỗi không học được tiếng Pháp, không chơi được nhạc, không đọc được Chiến tranh và hòa bình. Mọi thứ tôi vẫn muốn làm từ trước đến nay. Eloise từng chơi nhạc hồi còn bé. Tôi nghĩ cô ấy đã kể với anh.”

“Có, bà có kể. Tôi biết là bà ấy có rất nhiều tài năng.”

“Ôi, chắc chắn là thế. Ai quen cô ấy cũng sẽ thấy là thế. Cô ấy có tâm hồn nhạy cảm. Cô ấy mới là người cần những giờ học ấy. Tôi, thì chỉ là đức ông Chuối Mắn.” Ông giơ hai bàn tay lên và cười. “Tôi rất muốn chơi dương cầm, nhưng anh còn làm gì được với bàn tay thế này? Rất thích hợp với công việc đào đất, và dòng họ tôi đã làm thế từ nhiều thế hệ. Nhưng còn cô ấy,” ông giơ cốc về phía cửa, “cô ấy thì có tâm hồn nhạy cảm.”

Cuối cùng, Eloise cũng hiện ra từ buồng ngủ trong váy dạ tiệc và rất nhiều trang sức.

“Peter, đừng làm Tibor phát chán,” bà nói. “Anh ấy không thích đánh gôn đâu.”

Peter giơ hai tay ra nhìn Tibor cầu khẩn. “Nói tôi nghe, Tibor. Tôi đã nói với anh một chữ nào về đánh gôn chưa?”

Tibor nói cậu cần đi thôi, nói cậu thấy mình đang làm vướng hai người sắp đi dùng bữa tối. Câu này vấp phải sự phản đối từ cả hai người, và Peter nói:

“Anh nhìn tôi xem. Trông tôi có giống mặc để ăn tối hay không?”

Và dù Tibor nghĩ ông mặc cực kỳ đàng hoàng, cậu cũng cười lên một tiếng cho lịch sự. Rồi Peter nói:

“Anh không thể đi mà chưa chơi gì cả. Tôi đã nghe kể bao nhiêu về tiếng đàn của anh.”

Bối rối, Tibor thực tế đã bắt đầu kéo khóa bao đàn, nhưng Eloise đã nghiêm khắc lên tiếng với một thái độ mới trong giọng nói:

“Tibor có lý. Đã muộn rồi. Nhà hàng trong thành phố này, họ không giữ bàn nếu không đến đúng giờ đâu. Peter, anh thay đồ đi. Có lẽ cạo râu nữa? Em sẽ tiễn Tibor đi. Em cần nói chuyện riêng với anh ấy.”

Trong thang máy, họ cười với nhau thân mật, nhưng không nói gì. Khi ra đến ngoài, họ thấy piazza đã thắp sáng cho buổi tối. Trẻ con quanh đây, đã quay lại sau kỳ nghỉ, đang đá bóng hoặc chạy đuổi nhau vòng quanh đài phun. Dân chúng đã đổ hết xuống quảng trường trong giờ đi dạo hoàng hôn, và tôi nghĩ tiếng nhạc từ quán tôi chắc đã vượt không gian đến tận chỗ họ đang đứng.

“Chà, thế đấy,” cuối cùng bà nói. “Anh ấy đã tìm thấy tôi, nên tôi nghĩ anh ấy xứng đáng với tôi.”

“Ông ấy là một người cực kỳ dễ mến,” Tibor nói. “Bà định quay lại Mỹ luôn à?”

“Vài ngày tới. Tôi nghĩ tôi sẽ quay lại.”

“Bà định kết hôn?”

“Tôi nghĩ thế.” Trong một lúc, bà nhìn cậu chăm chú, rồi quay đi. “Tôi nghĩ thế,” bà nhắc lại.

“Tôi chúc bà hạnh phúc. Ông ấy là một người tốt bụng. Cũng là người yêu âm nhạc. Đấy là điều quan trọng với bà.”

“Phải. Đấy là điều quan trọng.”

“Khi bà đang chuẩn bị vừa lúc nãy. Chúng tôi không nói chuyện chơi gôn, mà chuyện học nhạc.”

“Ồ thật à? Anh nói là cho anh ấy hay tôi?”

“Cả hai. Tuy thế, tôi không nghĩ sẽ có nhiều giáo viên ở Portland, Oregon có thể dạy được bà.”

Bà cười lên. “Tôi đã nói, rất khó cho những người như chúng ta.”

“Phải, tôi hiểu điều đó. Sau mấy tuần vừa rồi, tôi càng hiểu điều đó hơn bao giờ hết.” Rồi cậu thêm: “Miss Eloise, có điều này tôi cần nói trước khi chúng ta chia tay. Tôi sắp đi Amsterdam, ở đó tôi có việc làm trong một khách sạn lớn.”

“Anh sẽ trực khách sạn à?”

“Không. Tôi sẽ chơi trong ban nhạc thính phòng nhỏ trong phòng ăn tối khách sạn. Chúng tôi sẽ chơi cho khách nghe trong khi họ ăn.”

Cậu đang quan sát bà thật kỹ và thấy có gì đó lóe lên trong hai mắt bà, rồi lại tắt đi. Bà đặt tay lên cánh tay cậu và mỉm cười.

“Được rồi, thế thì chúc anh may mắn.” Rồi bà thêm. “Khách nghỉ ở đó. Họ sắp được hưởng vận may rồi.”

“Tôi hy vọng thế.”

Thêm một lúc nữa, họ vẫn đứng đấy cùng nhau, ngay sát chân luồng sáng từ mặt tiền khách sạn đổ xuống, cây cello to đùng giữa họ.

“Và cũng hy vọng,” cậu thêm, “bà sẽ thật hạnh phúc với ông Peter.”

“Tôi cũng hy vọng thế,” bà nói và lại cười. Rồi bà hôn lên má cậu và ôm nhanh cậu một cái. “Anh bảo trọng nhé,” bà nói.

Tibor cám ơn bà, rồi chưa kịp để ý thì cậu đã nhìn bà bước trở lại Excelsior.

Tibor rời thành phố chúng tôi sau đó chẳng bao lâu. Lần cuối cùng chúng tôi chạm cốc với cậu ta, cậu rõ ràng là hết sức biết ơn Giancarlo và Ernesto đã giúp tìm việc, cũng như chúng tôi đã làm bạn với cậu, nhưng tôi không thể không có cảm giác cậu có hơi ngạo với chúng tôi. Có vài người trong chúng tôi nghĩ thế, không chỉ riêng tôi, dù Giancarlo, theo bản tính anh, lúc này lại bênh Tibor, nói thằng bé chẳng qua đang phấn khích và căng thẳng về bước tiếp theo trong đời.

“Phấn khích à? Làm sao nó phấn khích được?” Ernesto nói. “Nó đã qua cả mùa hè nghe nói mình là một thiên tài. Làm ở khách sạn, đấy là một bước lùi. Ngồi đây nói chuyện với chúng ta, đấy cũng là một bước lùi. Nó là một thằng bé tốt lúc đầu hè. Nhưng sau những gì con mụ ấy gây ra cho nó, tôi rất mừng là chúng ta tống tiễn được nó đi.”

Như tôi đã nói, mọi chuyện này xảy ra đã bảy năm rồi. Giancarlo, Ernesto, tất cả ban từ hồi ấy trừ tôi và Fabian, họ đều đã tiến lên. Cho đến lúc bắt gặp cậu ta trên quảng trường mấy hôm trước, tôi đã không nghĩ đến đại danh cầm Hungary trẻ tuổi từ rất lâu rồi. Cậu ta không khó nhận ra lắm. Cậu ta đã lên cân, tất nhiên, và trông cổ đã mập hơn. Và cái lối cậu ta làm hiệu bằng ngón tay, gọi bồi bàn, có cái gì đó – cũng có thể tôi tưởng tượng – cái gì đó như sốt ruột, như khinh suất lại kèm theo thái độ có vẻ chua chát. Nhưng có thể nói thế là bất công. Suy cho cùng, tôi chỉ thoáng nhìn thấy cậu. Dù có thế, tôi cũng cảm giác cậu đã đánh mất nỗi háo hức muốn chứng tỏ mình hồi trẻ, và bộ dạng dè dặt cậu từng có hồi ấy. Nhưng chẳng có gì trên đời chỉ có mặt xấu, chắc anh sẽ nói vậy.

Tôi đã muốn tới đó nói chuyện với cậu, nhưng tới khi suất diễn hết thì cậu đã đi rồi. Biết đâu đấy, có thể cậu chỉ ở đây một buổi chiều. Cậu đang mặc vét – không thực sự sang trọng, chỉ là một bộ vét thường – nên có thể cậu đã tìm được việc làm bàn giấy ở đâu đó. Có thể cậu có công tác gì gần đây và qua thành phố chúng tôi chỉ để hồi nhớ chuyện cũ, ai biết được? Nếu cậu trở lại quảng trường, và nếu lúc ấy tôi không chơi nhạc, tôi sẽ tới trò chuyện với cậu ta.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.