Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gãy cánh
Chương 04
Ngồi ở văn phòng, chúng tôi đợi Riesenfield. Buổi chiều, chúng tôi đã ăn món súp đậu đặc sệt đến nỗi cắm muỗng vào là nó đứng chết một nơi. Ngoài đậu ra còn có giò heo, tai heo và thịt nọng. Chúng tôi cần có mỡ khá nhiều để tráng dạ dày đề phòng trường hợp uống nhiều rượu. Đêm nay, bằng bất cứ giá nào, chúng tôi cũng phải uống thật say. Bà mẹ của Georges đã cho chúng tôi tráng miệng mỗi đứa một miếng phô-mai Hòa Lan béo ngậy. Tương lai của hãng lâm nguy. Bọn tôi có nhiệm vụ phải tranh đấu toàn lực để lấy về một số đá hoa cương, về phần cẩm thạch, đá sỏi và đá vôi thì chưa cần gấp, nhưng đá hoa cương thì tới lúc phải báo nguy.
Henri Kroll đã bị loại khỏi vòng chiến nhờ sự can thiệp của gã đóng hòm Wilke. Võ trang hai chai rượu mạnh, gã đã mời Henri dùng bữa và đánh bài uống rượu. Henri rơi vào bẫy. Khi không phải tốn một đồng nào, ông ta vui lòng say chí chết. Cũng như mọi công dân Đức có tinh thần quốc gia Henri tự coi mình là cái thùng không đáy Danaides. Vài phút trước khi gục ông ta còn oang oang tuyên bố là chỉ một mình thôi cũng đủ quét sạch bọn dân chủ xã hội. Bây giờ thì dù có Thống chế Hindenburg đến ra lịnh, Henri cũng không thèm mở mắt sau khi đã để bụng đói uống rượu vào. Ông ta, đang nằm trong một cái quan tài bằng gỗ sồi có lót mạt cưa… Ở từng bên trên, Wilke và anh chàng điêu khắc Krut Bach đang chơi dominos.
Khối lượng đá hoa cương mà bọn tôi muốn xoáy của Riesenfield dĩ nhiên là cũng không có tiền trả trước. Tiền mặt chẳng có bao nhiêu trong khi không dám gởi ở ngân hàng vì sợ nó sẽ tan ra nước. Do đó, ý định của bọn tôi là phải khéo léo thế nào để Riesenfield đồng ý nhận một hối phiếu trong ba tháng. Được vậy thì chẳng khác gì hắn đã tặng không cho bọn tôi. Nhưng hắn không phải người dễ chơi khăm. Con cá xà đó luôn luôn vùng vẫy trong biển nước mắt của loài người. Như vậy ngay hôm nhận hối phiếu, hắn sẽ mang tới ngân hàng của hắn hoặc của bọn tôi để chiết khấu. Ngân hàng sẽ điều tra về khả năng tài chánh của bọn tôi và chi cho hắn sau khi đã trừ khoảng bách phân mà chúng tôi phải hoàn lại ngay cho Riesenfield. Thế là hắn kể như đã ôm trọn số tiền. Nhưng ngân hàng có bao giờ tự mình chịu xuất không. Họ sẽ gởi hối phiếu đó tới ngân hàng quốc gia Riechs để lấy lại khoản tiền và giữ ở đó cho tới hết kì hạn. Và chuyện gì xảy ra vào lúc đó, chẳng có gì khó hiểu.
Phương cách bán buôn đó đã làm bọn tôi thua lỗ kể từ năm 1922. Henri Kroll, với nguyên tắc riêng của ông ta lại đưa hãng tới bờ sạt nghiệp. Phải đổi chiến thuật: bán ra và mua lại tức khắc.
Nhưng rồi nạn lạm phát vẫn chận đầu chúng tôi ở mọi khúc quanh. Cuối cùng chỉ còn việc trả tiền bằng ngân phiếu có thể cứu vớt được phần nào. Và bởi vì mọi hãng xưởng trong xứ đều hoạt động theo lề lối đó nên ngân hàng quốc gia bắt buộc phải in thêm nhiều giấy bạc không có gì bảo chứng. Hậu quả là thời giá tuột dốc thật mau.
Chính phủ không làm gì khác hơn được, đành phải trả công nợ bằng loại tiền có sẵn. Nạn nhân là những tiểu điền chủ, công nhân, những người có lợi tức cố định. Sổ tiết kiệm và trương mục ngân hàng của họ rách nát ra. Kế đó là những công, tư chức mà đồng lương không thể mua nổi một đôi giày mới. Phần chiến thắng nằm trong tay những kẻ đầu cơ: các ông vua đổi bạc, những người ngoại quốc có trong tay đô-la, cua-ron hay zloti và của những nhà đại doanh nghiệp, các nhà lí tài. Với hạng người sau này, cuộc sống gần như không tốn kém. Có thể bảo đó là một cuộc hủy diệt ý thức tiết kiệm, lòng chánh trực và danh dự. Đâu đâu cũng có bóng dáng của loài kên kên, và chỉ có những kẻ mắc nợ mới thoát được các mắt lưới của nạn lạm phát.
Cuối cùng, chính Riesenfield đã xóc nách chúng tôi để dựng dậy bằng cách chấp nhận cho chúng tôi trả từng kì hạn. Đá hoa cương của xưởng Odenwald là loại đảm bảo, thế là quả đủ rồi. Bởi thế, chúng tôi phải chuẩn bị nghinh tiếp hắn như đón một vị cứu tinh. Nhà điêu khắc Krut Bach của chúng tôi đã họa cho hắn một chân dung lồng trong khung thạch cao mạ vàng tuyệt diệu. Hỡi ơi! Riesenfield chẳng bằng lòng. Hắn nhìn thấy chân dung đó có vẻ giống một mục sư làng trong khi hắn tự cho mình có đường nét của một đào hoa nam tử. Trên thực tế, thân ngưởi hắn giống như một trái lê được dựng lên trên đôi gậy kẻ trộm.
Tôi chia xẻ nỗi lo âu với Georges:
– Lần này mình đãi hắn ra sao đây? Không còn một trò giải trí nào ra hồn cả. Đãi rượu à? Hắn đã thừa thãi. Hắn cần nhìn, cần nghe và nếu được thì sờ vuốt. Không may là những người đẹp chẳng ai chịu tiếp hắn trọn buổi tối. Còn mấy đám khác thì chỉ là những họa mi sầu thảm.
Georges vẫn cứ đùa đay nghiến:
– Tôi thì đang lo khoản tiền mặt không biết có đủ chi cho đêm nay không. Hôm qua, lúc tìm tới hắn, tôi tính lầm giá đô-la. Sáng nay tôi vẫn còn đi với hắn. Tới trưa thì trễ rồi, ngân hàng đã đóng cửa. Chiều thứ Bảy…
– Nhờ vậy mà hối suất không tăng.
– Ngốc lắm. Ở Moulin Rouge, cứ đêm Chúa Nhật là họ tự động tăng trước giá chính thức mấy ngày. Có trời mới biết một chai rượu chát đêm nay sẽ là bao nhiêu?
– Trời không biết mà cả chủ nhân cũng không biết luôn. Ông ta chỉ định giá khi đốt những ngọn đèn thủy tinh lên. Nếu Riesenfield biết thưởng thức nghệ thuật, âm nhạc và văn chương thì đỡ tốn. Ở Viện Bảo Tàng, vé vào cửa vẫn còn hai trăm năm mươi Marks. Hay đưa hắn tới nhà thờ Sainte Catherine để nghe hòa tấu.
Georges cười hăng hắc:
– Trời ơi cứ nhìn Riesenfield có mặt tại những nơi giải trí lành mạnh đó là muốn khóc ngất rồi. Thà hắn chịu đi xem hát hay nghe nhạc nhẹ còn đỡ hơn là vào cái hộp đêm quỷ quái Moulin Rouge.
Georges bỗng nhiên nghiêm mặt lại:
– Hắn tới kia! Chú hỏi xem hắn thích gì.
Riesenfield lên thang gác từng bốn bậc một. Cảnh sắc êm ả buổi chiều không làm hắn động tâm. Hắn nhìn bọn tôi với ánh mắt sắc bén rồi ngồi tỏm xuống nghế dựa:
– Các bạn cứ tự nhiên.
Tôi hơi khó chịu khi thấy hắn cũng muốn nói với mình:
– Nếu ông không cần cung cách thì cũng nên để người khác làm cho phải điệu.
Riesenfield cười khô khốc:
– Ông bạn trẻ nên biết ở thời đại này, học vấn chẳng ăn thua gì đâu. Nhiều lắm là chỉ trở thành giáo sư môn xã giao nhưng chắc chắn là không có học trò.
Tôi cười nửa miệng:
– Theo ông thì phải thế nào?
– Phải có hai khuỷu tay bọc sắt và một lương tâm dây thun.
Georges nhẹ nhàng chêm vào:
– Ông Riesenfield, ông nói vậy chớ phần ông đã có những cung cách tuyệt vời. Theo ý nghĩa trưởng giả thì chính hai đức tính này đã khiến ông trở thành một tay đào hoa toàn hảo: ăn mặc hợp thời trang và thái độ ung dung.
– Thôi cho tôi xin, ông bạn có lầm không?
Tuy hỏi vậy nhưng Riesenfield phồng mũi ra. Tôi làm ra điều kinh ngạc:
– Sao? Một tay đào hoa toàn hảo à? Ông chủ nên nói chính xác hơn là ông Riesenfield quả có cốt cách của một tên du đãng.
Georges chỉ chờ có thế. Trò đùa ngẫu hứng của bọn tôi đã đi vào đúng khớp. Tôi nói tiếp:
– Cũng có thể gọi đó là tư cách của một kẻ cướp.
Danh từ du đãng, quá thẳng, khiến Riesenfield khó chịu nhưng khi nghe tới kẻ cướp hắn có vẻ hài lòng. Georges đi lấy một chai rượu mạnh mua hôm qua, rót vào ly:
– Chúng ta uống gì đây?
Theo thông lệ thì người ta cụng li uống mừng sức khỏe hay mở đầu hoặc kết thúc một cuộc bàn thảo về thương vụ. Đổi với bọn tôi, vấn đề tế nhị hơn: Sức khỏe? Chúng tôi phải bỏ nghề. Công việc để làm ăn: Cái chết của người khác. Đối với bọn tôi cụng li có nghĩa là đón mừng bệnh tiêu chảy lan tràn, hoặc bệnh hoại huyết xảy ra ở khắp nơi. Do đó chúng tôi nhờ Riesenfield chọn công thức. Hắn liếc xéo chúng tôi, li cầm tay suy nghĩ giây lát và bỗng hỏi:
– Thời gian đúng nghĩa của nó là gì?
Georges hơi hoảng hốt, đặt li xuống. Tôi định nghĩa bừa:
– Là ý nghĩa thâm thúy nhứt của cuộc đời.
Riesenfield làm như không có tôi:
– Ông Kroll nghĩ sao?
Georges nhún vai:
– Tôi không thích triết lí. Vậy mình uống mừng sức khỏe của nhau.
Riesenfield làm ra vẻ suy tư:
– Thời gian… vâng, tôi không muốn nói đến thời hạn thảm khổ của cuộc sống loài người tính theo nhịp độ đồng hồ, mà là cái chết chậm chạp, là sự trôi chảy triền miên…
Lần này đến lượt tôi đặt li xuống:
– Tôi nghĩ là mình nên mở đèn lên. À, tối nay ông Riesenfield đã ăn gì?
Hắn lườm tôi:
– Cậu nên để người lớn nói chuyện với nhau.
Tôi định cãi lại nhưng kịp nghĩ là uống rượu còn tốt hơn. Trong khi đó, Riesenfield gật gù:
– Năm nay, tôi năm mươi tuổi, vậy mà vẫn nhớ thuở hai mươi như mới hôm qua. Kể cũng lạ. Mình lớn lên lớn lên và… hấp! Tuổi già hiện ra đột ngột. Ông nghĩ có đúng không, ông Kroll?
– Chắc đúng như vậy. Tôi mới bốn mươi nhưng tưởng như đã sáu chục rồi. Với tôi, đó là lỗi của chiến tranh.
Georges nói láo để khỏi phật lòng Riesenfield. Tôi nói vào ngay:
– Phần tôi thì khác. Cũng do lỗi chiến tranh. Đi lính năm mười bảy, bây giờ đã hai mươi lăm. Vậy mà tôi vẫn tưởng cứ còn mười bảy tuổi. Mười bảy hay bảy mươi. Tuổi trẻ của tôi, quân đội đã lấy mất.
Riesenfield lại lườm tôi:
– Cậu hả? Cậu chỉ là một thằng ngốc. Nếu không có chiến tranh cậu chỉ có thể là một thằng bé ranh mười hai tuổi.
– Cám ơn, ông quá khen. Mười hai tuổi, tuổi của thiên tài. Sau giai đoạn dậy thì đó, con người chỉ là một biểu tượng tầm thường của đồng loại, tức là loại hữu nhũ như bao nhiêu con vật khác.
Georges lại rót rượu vào ly. Tôi làm cách nào để lôi Riesenfield ra khỏi những chuyện tầm phào đó. Tôi cố đánh một đòn tuyệt vọng:
– Nếu ông Riesenfield thích những luận lí cao xa, tôi có thể giới thiệu ông tớii một hội đoàn toàn những nhà tư tưởng… đó là thi đoàn của thị xã yêu quý chúng tỏi. Ở đó có nhà thơ Hans Hungermann ông ta chuyên nghiên cứu thời gian dưới nhiều khía cạnh chẳng hạn như: cánh thời gian, màu thời gian, thời kì hái nho, động cơ hai thì, làm cách nào để giết thì giờ, chiều dài của thời gian, nhạc ba nhịp v.v… ông ta làm thơ sáu chữ cũng rất tài. Nếu ông thích chúng tôi giới thiệu tới ngay.
– Ở đó có phụ nữ không?
– Không. Nữ sĩ thời này khó kiếm hơn vị ba chân.
Riesenfield phì cười:
– Như vậy thì giải trí cái nỗi gì?
Tôi đang tìm một lối thoát khác thì thình lình cửa sổ nhà Lisa mở toang và sáng rực lên, một bóng đàn bà hiện lờ mờ ra sau những bức màn. Vợ anh chàng Watzek thay đồ, trên người chỉ có một cái nịt ngực và một cái quần đùi đen vô cùng khêu gợi.
Cánh mũi Riesenfield phồng lên xẹp xuống như ngựa động cỡn. Đầu óc triết lí của hằn biến mất. Tôi đứng dậy mở đèn. Riesenfield nói nhỏ:
– Đừng mở đèn, phải có đầu óc thơ mộng chút chớ.
Hắn bước mau tới cửa sổ. Lisa bắt đầu tròng chiếc váy hẹp qua đầu và uốn éo như con lươn. Riesenfield phồng mũi một cách vô liêm sỉ:
– Đẹp không thể tưởng! Cập đùi quá ngon lành! Chắc hoa khôi của Werdenbruck.
Tôi phá đám:
– Còn thua của tôi.
Riesenfield trừng mắt:
– Ai vậy?
– Suzanne…
– Ngốc! Tôi hỏi người đó là ai?
Một ý nghĩ chợt lóe trong đầu tôi:
– Không biết. Chúng tôi mới thấy lần đầu tiên. Hồi sáng này nàng ta vẫn chưa tới ở.
– Thật không?
Lisa đã mặc váy xong và đang vuốt nếp. Georges thừa cơ hội Riesenfield nhìn qua bên kia, rót đầy hai li rượu và chúng tôi cùng uống cạn một hơi. Riesenfield vẫn bị hít chặt vào cửa sổ:
– Đúng là một phụ nữ rặc giống! Phải là một mệnh phụ, chắc là người Pháp.
Theo tôi biết thì Lisa là dân du mục, nhưng tôi vẫn đưa đà:
– Không chừng cô ta là Renée de la Tourterelle. Mới nghe nói tới cái tên này hôm qua.
Riesenfield quay lại phía bọn tôi:
– Thấy chưa! Tôi đoán đúng mà. Dân Pháp. Thấy là biết ngay, đó là vấn đề…
Georges tâng bốc:
– Ông bạn quả là tay lão luyện.
Đèn trong phòng Lisa vụt tắt. Riesenfield nuốt vội hai hớp rượu rồi tiếp tục dán mắt qua bên kia hẻm. Một lúc sau, Lisa xuống đường. Riesenfield lại xuýt xoa.
– Trời! Dáng đi quyến rũ làm sao! Các người thấy không? Bước lớn mà không núng nính. Y như một con beo! Những đàn bà đi lắc mông, chán lắm. Riêng nàng này…
Trong khi hắn so sánh dáng đi của Lisa như beo cái, tôi và Georges lại uống thêm một li nữa. Georges lại uống lén một li nữa. Georges dựa ngửa vào lưng ghế, cười nửa miệng. Thế là bất ngờ, bọn tôi đạt được mục tiêu.
Riesenfield xoay người lại, mặt hắn sáng như trăng đầy.
– Mở đèn lên, quý vị! Còn chờ gì nữa? Bọn ta xông thẳng vào dòng đời!
Chúng tôi lẽo đẽo theo hắn. Đêm mát dịu nhưng tôi bận nhìn cái lưng ếch nhái của Riesenfield.
Ca vũ trường Moulin Rouge đầy nghẹt khách. Sau một hồi chen lấn, chúng tôi tìm ra một bàn trống gần dàn nhạc. Âm thanh ầm ĩ khiến chúng tôi phải hét lớn vào tai nhau mới nghe ra, nhưng rồi nhạc cứ dồn dập tới và chúng tôi phải ra dấu cho nhau như một bộ ba vừa câm vừa điếc. Trên sàn nhảy dường như không còn chỗ để xê dịch. Nhưng Riesenfield vẫn hăng hái. Hắn xông tới quầy rượu, bắt bồ với một nữ chiêu đãi viên và cả hai ra nhảy. Ả ta cao to hơn hắn một cái đầu, vừa nhảy vừa đờ đẫn nhìn gian phòng. Riêng phần Riesenfield thì cứ như ngọn Vésuve phụt lửa. Tôi bảo Georges:
– Hay là mình rót rượu mạnh vào li rượu chát của hắn? Hắn uống như hũ chìm. Trong hai tiếng đồng hồ nữa là mình cháy túi luôn. Hy vọng là hắn không mời ả kia tới uống.
Georges lắc đầu:
– Không sao đâu cô ta là chiêu đãi viên, xong là phải trở về quày.
Riesenfield từ đám đông hỗn loạn trở về bàn. Mặt hắn đỏ gay và nhớp nhúa mồ hôi. Hắn hét lớn giữa những tiếng ồn ào:
– Còn gì thú vị bằng! Tưởng tượng đã trở thành thực thể! Một phụ nữ như thế… các bạn có biết tôi nói gì không?
Georges cũng cố kêu to:
– Biết lắm! Cái gì mình không có bao giờ cũng tốt hơn những gì đang có. Bởi vậy mới có tư tưởng lãng mạn và tất cả sự ngu si của con người.
Riesenfield rống lên:
– Không phải tôi muốn nói tàn nhẫn vậy. Tôi chỉ muốn đề cập tới hình thức.
Georges hét trả:
– Tôi cũng vậy.
– Nhưng tôi còn hơn bạn.
– Được rồi! Muốn bao nhiêu hình thức cũng xong được.
Nhạc phóng vút lên cao. Thình lình, mắt tôi chết sững. Bên phải tôi, cô bạn gái xinh xắn đang chen lấn ra sàn nhảy vớỉ sự che chở của một gã cao lớn như khỉ đột. Tôi nhận ra ngay mái tóc nâu của nó từ xa! Không xấu hổ, nó lại còn bám vào vai của tên kia. Tôi không hề cử động, thế nhưng lại có cảm tưởng như vừa nuốt trọn một quả lựu đạn. Nó nhảy với một thằng lạ, con bẩn thỉu! Vậy mà trong suốt thời gian qua tôi viết tặng cho nó đến mười bài thơ với nhan đềTinh cầu và Cát bụi. Khoảng một tuần nay, con lăng loàn đó lại bảo là nhức xương sống vì ngã té ở thang gác trong nhà. Ngã té, hừ, té trong tay của một thằng con trai ăn mặc diêm dúa kia…
Riesenfield hét về phía tôi:
– Chuyện gì vậy? Bệnh hả?
– Nực quá!
Thật vậy, mồ hôi đã đổ ướt hết cổ áo tôi. Tôi giận sôi gan. Nếu Erna nhìn lại, phải làm thế nào cho nó thấy là tôi không hề đổ mồ hôi, phải bình tĩnh, ung dung, phải tỏ ra là một trượng phu. Tôi lau mặt thật mau. Riesenfield nhìn tôi với cái cười chế giễu bỉ ổi. Georges lưu ý:
– Chú mày đổ mồ hôi như con bò.
Riesenfield tự che chở:
– Tôi cũng đổ mồ hôi nhưng do tràn ngập niềm vui.
Tôi phát cáu:
– Mặc tôi!
Erna tới gần. Tôi làm điều hơi sửng sốt và cố cườí khoan dung trong khi mồ hôi tiếp tục nhả ra. Riesenfield lại rống to:
– Làm cái gì kì vậy? Như gà sắp bị cắt cổ không bằng!
Tôi không trả lời. Erna quay lại. Tôi nhìn vu vơ ra sàn nhảy và làm như bất ngờ nhìn thấy nó. Tôi đưa hai ngón tay lên chào với điệu bộ khoan thai. Riesenfield gào thét giữa tiếng nhạc fox-trot:
– Bộ điên rồi sao?
Tôi không còn đủ sức mở miệng. Erna không nhìn thấy tôi.
Nhạc ngừng lại. Sàn nhảy lần lần trống vằng. Erna đi mau về chỗ ngồi dành riêng. Riesenfield vẫn kêu ong óng:
– Chú em mấy mươi tuổi, hồi nãy? Mười bảy hay bảy chục?
Câu hỏi của hắn giữa lúc nhạc ngừng vang rền khắp phòng. Mọi người quay đầu về phía chúng tôi, Riesenfield hơi ngượng còn tôi thì lại muốn chui xuống gầm bàn. Thình lình, tôi nhận ra là những người kia tưởng con số bảy chục là giá thách bán một vật gì. Tôi lạnh lùng hô to:
– Bảy mươi mốt Mỹ kim, không thêm một cắc.
Một gã da mặt hồng hào ở bàn bên cạnh hỏi:
– Cái gì vậy? Nếu đáng giá tôi trả tiền mặt ngay. Tên tôi là Aufstein.
Tôi đáp ngay:
– Felix Koks, kĩ nghệ gia. Hai chục chai nước hoa. Rất tiếc là nam tước Kroll ở đây đã chịu giá rồi.
Một ả tóc vàng hoe nói chen vào:
– Vậy là hết chuyện!
Các màn phụ diễn bắt đầu. Một tên hề vô duyên ra chọc cười nhưng chẳng thành công. Kế đó là Renée de la Tourterelle. Cô ta hát hai giọng, một đoạn giọng kim, một đoạn giọng thổ. Tôi hỏi Riesenfield:
– Ông thấy ca sĩ đó như thế nào?
– Tương đối khá.
– Có thích gặp cô ta không? Tên cô ta là de la Tourterelle.
Riesenfield giựt mình:
– La Tourterelle? Bộ quái tượng hội chợ này là nàng trên cửa sổ hồi nãy sao?
Tôi muốn đáp phải để xem phản ứng của hắn ta ra sao nhưng cố dằn lại. Đột nhiên tôi dùng ngón tay cái chỉ về phía lối vào:
– Kia kìa, đúng rồi! Đúng là nàng! Mới nhìn là biết ngay!
Đúng vậy. Lisa đi giữa hai gã mặt thộn trông ả như một mệnh phụ, ít ra đó cũng là ý kiến của Riesenfield.
Màn trình diễn thứ ba bắt đầu. Một nữ lực sĩ nhào lộn ra đứng giữa sàn nhảy. Mũi hỉnh, mặt trâng tráo nhưng đôi chân thì không thể chê vào đâu được. Cô ta nhảy lộn tròn, biểu diễn thăng bằng trên một chân… nhưng bọn tôi còn bận nhìn về chỗ Lisa.
Risenfield nói oang oang:
– Cho sâm banh!
Tôi hốt hoảng, Georges lo ra mặt. Tôi can thiệp ngay:
– Ông Riesenfield, sâm banh ở đây tồi lắm.
Ngay lúc đó, tôi bỗng có cảm giác bị nhìn lén. Tôi quay đầu lại: Chính cô ả nhào lộn đang uốn quặp người ra sau, thò đầu vào giữa hai chân, thao láo nhìn tôi.
Riesenfield lườm tôi:
– Tôi thấy muốn uống sâm banh là tôi gọi.
Khuôn mặt thò giữa đôi chân kêu lên:
– Hoan hô!
Georges liếc mắt sang tôi. Anh ta đóng vai hào hoa phong nhã còn tôi giữ trò quấy rối. Chúng tôi đã giao ước với nhau. Tôi bảo:
– Nếu ông cần sâm banh là có sâm banh ngay. Ông khách quý của chúng tôi.
– Không. Cứ để tiền sâm banh tôi trả. Một lời thôi.
Chiêu đãi viên mang sâm banh lại. Riesenfield vênh váo tự cho là một Don Juan. Một số các bà gần đó lộ vẻ thèm thuồng. Tôi cũng được lợi lây. Rượu sâm banh sẽ làm cho Erna nhận ra là nó đã cắm sừng tôi quá sớm.
Willi đột ngột hiện ra. Hắn là khách quen của Moulin Rouge. Khách bàn bên cạnh đứng lên. Willi ngồi vào chỗ đó. Chưa ngồi yên hắn đã vội vàng đứng lên chạy tới đón Renée cùng đi với một thiêu nữ mặc dạ phục đen: cô gái nhào lộn lúc nãy. Tên cô ta là Gerda Schneider. Chúng tôi chờ xem thái độ của Riesenfield, nếu hắn thấy thích nàng này là bọn tôi kể như khỏi tốn tiền đêm nay. Tuy nhiên, hắn vẫn để hết tâm ý vào Lisa và hỏi Georges:
– Mình có thể mời cô ấy nhảy không, Kroll?
– Cũng được nhưng theo tôi thì bây giờ có hơi trễ tuy chúng tôi vẫn giới thiệu.
Câu trả lời ỡm ờ của Georges khiến Riesenfield nhìn tôi với vẻ trách móc vì lúc còn ở văn phòng chính tôi đã bảo là không hề quen ả ta.
Cô gái nhào lộn hỏi tôi:
– Ông không nhảy sao?
– Tệ lắm. Tôi không có khiếu.
– Tôi cũng vậy. Cứ thử xem sao.
Chúng tôi bước ra và bị đám đông cuốn hút ngay. Vừa bước theo nhịp nhạc, Gerda vừa hỏi:
– Ba người đàn ông mà không có một phụ nữ nào. Sao vậy?
– Tại sao phải có? Ông bạn của tôi bảo là dẫn bồ vào hộp đêm chẳng khác gì mở đường cho cô ta cắm sừng.
– Ai tên Georges? Phải người có cái mũi giống cái quặng đó không?
– Không, anh ta sói đầu. Anh ta chỉ thích ở trong cung thôi không muốn đưa bạn gái ra chỗ công cộng.
– Dĩ nhiên… còn ông?
– Tôi không có nguyên tắc nào cả. Như ngọn cỏ trước gió.
Gerda kêu nhỏ:
– Coi chừng, đừng giẫm lên chân tôi. Theo tôi thì ông không phải là cỏ. Ông nặng ít lắm cũng bảy chục ký.
Tôi bắt đầu tỉnh táo ra. Chúng tôi tới gần chỗ Erna ngồi. Lần này, cô ả nhận ra tôi mặc dầu đang ngả lên vai thằng khỉ đột chưa ráo mũi. Tôi cười với Gerda và siết cô ta thêm vào. Gerda hiểu ngay:
– Buông tôi ra. Coi chừng cô bé tóc đỏ giận bây giờ.
Tôi nói láo như không:
– Tôi không hiểu cô muốn nói gì.
– Thôi đi. Ông đóng kịch không khéo đâu. Nãy giờ liếc cô ta, bây giờ lại làm như khờ khạo.
Tôi vẫn giữ nụ cười làm chủ tình hình. Gerda buông tay tôi:
– Thôi, nghỉ một chút. Chân tôi đau rồi.
Tôi đưa cô ta trở lại bàn.
Rượu bắt đầu có hiệu lực. Riesenfield và Georges bắt đầu mày tao. Họ của Riesenfield là Alex. Chút nữa đây thế nào hắn cũng đề nghị mày tao với tôi. Cố nhiên là sáng mai, chẳng còn ai nhớ nữa.
Tôi ngồi nhìn ra sân nhảy. Từng cặp, từng cặp trôi qua. Rồi đến Erna. Con bé lướt sát bên tôi nhưng làm như không thấy trong khi điệu bộ khiêu khích rõ ràng. Gerda thúc khuỷu tay vào tôi:
– Tóc cô ta nhuộm.
Tôi chợt thấy xốn xang với cảm nghĩ là cô gái chuyên nghề nhào lộn này cố an ủi mình. Riesenfield gọi tính tiền – Moulin Rouge mà thiếu Lisa bên cạnh không có nghĩa gì với hắn và trả phần rượu sâm banh.
Ra tới đường bất ngờ tôi chạm trán Erna. Con bé quắc mắt với tôi:
– A! Tôi bắt gặp anh rồi! Đừng có chối!
Không dằn được, tôi đốp chát ngay:
– Bắt được gì? Cô làm tôi chán ngấy! Chính tôi…
Con bé không cần nghe:
– Đi với cái đồ nhảy múa xoành xoạch. Này, đừng có đụng tới tôi.
Tôi đang giận nhưng không khỏi buồn cười vì chẳng hề có ý đụng chạm tới con bé. Tôi hỏi lại:
– Còn cô? Cô đi với ai? Tôi đi lo công việc của tôi cũng không được sao?
– Công việc! Ai chết?
– Bọn làm sang chết chớ ai. Mỗi ngày bọn nó chết tại đây.
Erna vẫn không để ý tôi nói gì:
– Thấy cái mặt rách rưới của nó mà phát tởm. Hết rồi, thưa ông Bodmer.
Georges và Riesenfield còn bận chen lấn để lấy nón. Tôi mở cuộc đại tấn công, nói sát vào mũi Erna:
– Nghe đây! Con lẳng lơ nào chiều qua đã nói với tôi là hôm nay phải ở nhà vì còn nhức đầu để rồi lẻn đi với một tên túi đầy tiền.
Mặt Erna trắng nhợt:
– Đồ khốn! Ăn cắp văn của người chết mà cứ tưởng mình là Goethe! Hãy đi học cách kiếm ra tiền để dẫn đào đi chơi! Đừng làm bộ trơ mặt ra bảo là yêu nghệ thuật, yêu thiên nhiên!
Tuy lảo đảo trong lòng nhưng tôi vẫn cười khẩy:
– Đưa đào tới chỗ thế này tưởng là quý lẳm!
– Không quý mà lại dốc túi học làm sang, uống sâm banh! Ghê quá!
– Không phải tôi gọi sâm banh.
– Vâng! Lúc nào cũng vô tội! Còn đợi gì nữa! Đi cho khuất mắt!
Đúng lúc tôi đang muốn siết cổ con bé thì Georges tới đưa nón cho tôi. Đồng thời, gã khỉ đột nồng nặc hơi giấy bạc cũng hiện ra. Bọn chúng bỏ đi. Tôi hỏi Georges:
– Anh có nghe không, Georges?
– Chút ít. Tại sao chú cãi lộn với đàn bà?
– Tôi có muốn vậy đâu.
Georges bật cười. Không bao giờ y say dù có uống luôn mấy chai nguyên:
– Đừng bao giờ cãi với họ. Cãi là thua. Tại sao chú cứ phải muốn là mình có lí?
– Tôi cũng nghĩ thế. Có lẽ tại tôi là người Đức. Anh có cãi với đàn bà lần nào chưa?
– Có chớ! Nhưng không phải vì thế mà không được khuyên kẻ khác.
Gió mát làm Riesenfield cảm khoái. Hắn bảo với tôi:
– Mình nên coi nhau như anh em. Cùng là bọn ăn huê lợi trên xác chết. Gọi tôi là Alex.
– Và tôi là Rolf.
Cái họ Louis của tôi không thích hợp với con sâu rượu này. Chỉ có là Rolf mới đủ ăn miếng trả miếng với Alex.
Riesenfield nhìn tôi:
– Rolf hả? Cái họ này không khá nổi. Có mang nó luôn luôn không?
– Chỉ mang vào những nhuận và mỗi tối sau giờ làm việc. Vả lại họ Alex cũng chẳng có gì đặc biệt.
Riesenfield hơi lảo đảo nhưng dịu giọng:
– Thôi bỏ qua. Bây giờ xin thú thật với các người là đêm nay hoàn toàn đầy cảm hứng. Mình nên làm một mách cà-phê.
Georges reo lên:
– Ý kiến hay! Rolf là chuyên viên cà-phê.
Chúng tôi chệnh choạng trở về ngõ hẻm. Trước mắt chúng tôi là lão thượng sĩ Knolf vừa về tới. Ông ta đang đứng đái vào cái tháp tưởng niệm đen. Tôi quát:
– Ông Knolf, không được đái bậy!
Ông ta không thèm quay lại mà ra lệnh:
– Nghỉ!
Tôi không nhịn được hơn:
– Thưa Thượng sĩ! Đây là trò con heo. Thượng sĩ nên diễn ở nhà.
Lão ta lừ đừ quay đầu lại:
– Sao? Chú mày bảo tao đái trong nhà hả? Có điên không?
– Trong nhà đã có buồng vệ sinh, vả lại ông làm thế này là phạm tội.
– Phạm cái gì? Chưa dựng ở đất thánh thì cũng như là một cục đất chớ có gì đâu.
Lão ta bỏ đi, đầu chạm vào khung cửa, lẩm bẩm chửi thề rồi biến mất.
Trong khi tôi pha cà-phê, Riesenfield hỏi:
– Lão già đó là ai vậy?
– Một con sâu rượu nhưng khác với ông. Lão ta chỉ cần có rượu để uống chứ không biết mượn rựợu gây cảm hứng.
Riesenfield bước tới cửa sổ:
– Như vây gọi là thùng rượu đúng hơn. Con người phải sống với những giấc mơ, chú em biết không?
– Không! Tôi còn quá trẻ.
– Không phải là quá trẻ mà chỉ tại là sản phẩm của chiến tranh. Người ta dạy cho chú mày cách giết người… còn ái tình thì zê-rô!
– Cám ơn!
Hơi rượu từ từ tan loãng. Không ai còn xưng hô mày tao nữa. Riesenfield hỏi Georges:
– Không biết người đẹp bên kia đã về chưa?
– Chắc là chưa. Phòng không có ánh đèn.
– Vậy mình có thể đợi thêm vài phút.
– Cố nhiên.
Tôi đánh đòn thời cơ:
– Mình nên nhân dịp để tính toán công việc làm ăn. Bây giờ chỉ còn ký vào hợp đồng. Trong thời gian đó tôi sẽ pha một bình cà-phê mới.
Tôi lấy cớ xuống bếp để Georges và Riesenfield dễ nói chuyện với nhau. Tôi ngồi ở đầu cầu thang. Tiếng ngáy chưa tỉnh rượu của Henri từ dưới vọng lên.
Trong khi chờ đợi Georges ra dấu hiệu, tôi lơ đãng nhìn ra vườn. Trời sáng lần trong im lặng. Ở khung cửa đối diện, bóng lão Knolf mặc áo ngủ đang hớp ngụm rượu cuối cùng. Con mèo cọ vào chân tôi. Lại một Chúa Nhật đi qua.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.