Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gãy cánh

Chương 08



Làng Wustringen cờ xí bay phất phới. Cả bọn chúng tôi đều có mặt – Georges. Henri, Kurt và tôi – để dự lễ khánh thành đài tưởng niệm các chiến sĩ trận vong do chúng tôi giao tới.

Buổi sáng, các giáo sĩ của hai dòng đạo Thiên chúa và Tân giáo đến làm lễ thánh, mỗi bên cầu nguyện cho tín đồ riêng của họ. Dĩ nhiên là biểu chương danh dự thuộc về bên Công giáo có nhà thờ vĩ đại với gác chuông, với cửa kính, với những ca đội nhi đồng mặc y phục đỏ và trắng. Ông mục sư Tân giáo chỉ có một giảng đường nho nhỏ với các bức tường trần trụi và những cửa sổ thô sơ. Sự khác biệt còn được thể hiện qua thân thể của hai nhà tu: ông mục sư thì gầy nhom, đeo kính lão, còn ông linh mục thì đôi má hồng hào, mái tóc bạc phơ vô cùng đẹp mắt.

Mỗi vị đều làm hết bổn phận cho những người chết thuộc giáo phái mình. Rất tiếc là trong số những người trẻ chết trận tại làng này còn có hai thanh niên Do Thái, con trai của lão buôn mục súc Lévy. Hai linh hồn không có người chủ tế đó, đành bơ vơ.

Cũng như viên Chủ tịch hội cựu chiến binh – trung đội trưởng hồi hưu – hai vị chủ tế đối nghịch nhau đều đồng quan điểm là nước Đức bại trận chỉ tại lỗi của người Do Thái. Xin đừng hỏi ông Chủ tịch Wolkenstein về lí do, vì nếu có ai làm thế thì tức khắc kẻ đó sẽ bị cho là phản nghịch. Chính hắn đã chống lại việc khắc tên hai anh em Lévy vào bảng tưởng niệm với lí do là họ đã tử trận ở phía sau chiến tuyến. Tuy vậy, cuối cùng hắn đứng về phe thiểu số. Chính ông Chủ tịch xã đã làm nghiêng cán cân vì con ông ta đã chết vì bệnh cúm và cũng chưa hề tới mặt trận. Muốn cho tên con mình cũng được khắc vào đài tưởng niệm, ông Chủ tịch xã đã hùng hồn biện luận rằng, một người chết phải được kể là một người chết và một quân nhân bao giờ cũng ngang bằng một quân nhân. Nhờ vậy mà tên hai anh em nhà Lévy được khắc vào mặt sau của tháp, nơi mà lũ chó thường hay đái bậy vào.

Wolkenstein thừa dịp này mặc một bộ quân phục hoàng gia mới toanh. Đúng ra thì bị cấm nhưng ai có quyền lên tiếng ở đây? Sự thay dạng đổi hình kì lạ tiếp diễn kể từ sau ngưng chiến. Cuộc chiến mà rất nhiều binh sĩ chán ngấy vào năm 1918 từ từ trở thành một công cuộc làm ăn lớn cho những người còn sống sót. Những vụ giết người tập thể trong kỷ niệm bây giờ được coi như một chuyến thám hiểm mà người đi đã trở về thật an toàn. Cơn tuyệt vọng bị quên mau, nỗi thống khổ biển dạng và cái chết hụt mất mục tiêu bỗng trở thành một cái gì trừu tượng.

Hội Cựu chiến binh xã đứng thành quân hàng trước đài tưởng niệm, dưới sự điều khiển của Wolkenstein trước đây là những khuôn mặt chủ hòa. Bây giở họ tự gắn nhãn hiệu quốc gia cực đoan. Wolkenstein đã khôn khéo khích động lòng căm thù và tình chiến hữu khiến một số người tự nhiên thấy hăng lên. Kẻ nào không có tinh thần quốc gia cực đoan đó là nhục mạ sự hy sinh của những anh hùng. Những người như Wolkenstein đã thua trận, bây giờ họ gắn liền vào những người đã chết. Hãy tiến lên vì Tổ Quốc!

Từ trên bục gỗ, hắn thóa mạ những kẻ không cùng một lập trường, hắn gợi lên những vụ đâm sau lưng, hắn mô tả một quân đội Đức bất bại và kết luận với câu “Vinh dự cho những người hùng đã gục ngã, phải báo thù, hoan hô quân đội Đức tương lai!”

Henri Kroll nhắm nghiền mắt, đầu ngoẻo một bên, say sưa uống từng lời từng tiếng. Kurt Bach, với tâm hồn điêu khắc chiêm ngưỡng cái thập đá được bao trùm bằng một lớp hàng thưa. Georges vẫn giữ dáng điệu bất cần coi cuộc đời không quá một cặp xì-gà, và tôi, trong bộ đồ lớn vừa mượn được sáng nay, không mong mỏi gì hơn là được trở về khách sạn Con Nai ngồi bên cạnh Gerda.

Wolkenstein chấm dứt lời kêu gọi hùng hổ với ba lần hoan hô như sấm động. Dàn nhạc trỗi bản “Tôi có một người bạn” và những tiếng hát hòa theo. Chúng tôi cũng hát. Lời ca chẳng có gì là ái quốc hoặc cực đoan. Đây chỉ là lời thương tiếc một người bạn chết ở chiến trường.

Hai nhà tu đều ban phước lành cho đài tưởng niệm, mỗi người nhân danh đấng Thượng đế của mình, khi còn ở mặt trận, mỗi lần các Tuyên úy làm lễ, tôi không khỏi liên tưởng tới những Tuyên úy người Anh, người Pháp, người Mỹ, người Ý, người Nhật, người Nga cũng đang cầu nguyện cho đất nước họ chiến thắng như những vị giáo sĩ của nước tôi đang cầu nguyện cho dân tộc Đức. Rồi tôi lại nghĩ tới Thượng Đế chắc sẽ bối rối vô cùng, nhứt là khi hai nước thù nghịch lại cùng theo một tôn giáo và cùng cầu nguyện một lượt. Làm thế nào để quyết định được. Nên ban ơn cho một nước đông dân hay một nước có nhiều thánh đường hơn? Và đâu là công lí nếu Thượng đế lại cho một dân tộc sùng đạo bị bại vong? Đôi khi tôi không khỏi bơ ngỡ khi hình dung Thượng Đế như một vị hoàng đế luôn luôn thăm viếng các nước liên bang và phải thay đổi mãi y phục cho phù hợp với mỗi giáo phái cũng như đức hoàng đế của chúng tôi mỗi khi đến viếng các binh chủng riêng rẽ như kỵ binh, pháo binh và thủy binh…

Sau khi đặt các vòng hoa, Wolkenstein cất giọng oang oang hát bản quốc ca:Deutschland, Deutschland uber alles. Dường như mục này không có trong chương linh nên dàn nhạc lặng câm, chỉ có vài người lạc lõng hát theo. Wolkenstein tím mặt, trừng mắt. Tiếng kèn trom-pet ngập ngừng trỗi lên rồi lần lượt tới các nhạc khí bắt theo làm chìm lấp tiếng hát của Wolkenstein. Lúc bắt giọng, hắn đã hát quá cao nên đa số không theo nổi, rất may là các bà đã cứu vãn được tình thế. Tôi chợt nhớ tới Renée de la Tourterelle. Chỉ một mình cô ta thôi là xôm trò.

Buổi chiều dành cho những cuộc vui. Chúng tôi vẫn còn chờ để nhận tiền. Bài diễn văn quá dài của Wolkenstein đã làm chúng tôi hụt mất hối suất Mỹ kim thay đổi vào giữa trưa. Vậy là lỗ mất một phần đáng kể. Trời nóng bức và cái áo mượn tạm bắt đầu thấy chật ở cánh tay. Nền trời đầy mây trắng, giữa khoảng đất trống là một cái bàn ngổn ngang những li rượu mạnh và bia. Buổi tiệc tưởng niệm người chết vô cũng thịnh soạn. Tối đến sẽ có khiêu vũ ở tửu quán Saxonne. Heo giấy và cờ xí – đen, trắng, đỏ – phất phới khắp làng. Chỉ có một nơi một, treo cờ đen, đỏ, vàng của Cộng hòa Đức. Màu cờ đen trắng đỏ của Hoàng gia Đức đã bị cấm treo. Tuy nhiên, như Wolkenstein tuyên bố “những người chết đều hy sinh cho chế độ cũ nên bất cứ ai treo cờ Cộng Hòa vơi ba màu đen đỏ vàng đều là phản nghịch”. Như vậy anh chàng thợ mộc Beste ở căn nhà kia là quân phản nghịch. Trong chiến tranh, hắn đã bị đạn xuyên thủng phổi nhưng vẫn cứ là phản nghịch. Trong đất nước yêu quý của chúng tôi gần như ai cũng có thể bị gọi là phản nghịch một cách dễ dàng. Chỉ có bọn Wolkenstein là khỏi.

Chúng tôi tới gặp viên Chủ tịch xã. Hắn không chịu trả tiền ngay. Rất may là Henri Kroll vắng mặt vì quá nể phục Wolkenstein nên ở lại dự tiệc. Kurt Bach thì ra ruộng lúa tán tỉnh các thôn nữ. Chỉ còn tôi và Georges đối diện với lão Dobbeling và viên thơ ký Westhauss gù lưng.

Dobbeling mời xì-gà:

– Tuần tới trở lại, chúng tôi sẽ trả hết bằng tiền mặt. Bây giờ công việc bề bộn quá.

Chúng tôi nhận lấy xì-gà. Georges ra điều hiểu biết:

– Nếu không gấp, chúng tôi sẵn sàng chờ. Chẳng may là hãng chúng tôi có việc phải trang trải ngay hôm nay, vì thế chúng tôi cần có tiền.

Gã thơ ký cười ăng ẳng:

– Vậy chớ ai chẳng cần tiền..

Dobbeling láy mắt với tên cạo giấy lưng gù rồi rót rượu:

– Xin mời một li.

Georges tỉnh bơ:

– Ông nên nhớ đã giao hẹn trước là tui tôi nhận tiền ngay hôm làm lễ khánh thành.

Dobbeling nhún vai:

– Coi kìa! Sao các ông lằng nhằng mãi vậy? Mấy chỗ khác họ có trả vậy đâu..

– Đó là nguyên tắc, ông Dobbeling, giao hàng là nhận tiền.

– Rất tiếc là các người đã giao hàng rồi… Nào, xin mời.

Chúng tôi không từ chối. Dobbeling lại liếc sang viên thơ ký. Tôi cũng làm tỉnh như Georges:

– Rượu khá ngon.

Gã lưng gù vồn vã:

– Li nữa chớ?

– Tại sao không.

Chúng tôi lại uống thêm li nữa. Dobbeling tưởng bở:

– Vậy là đồng ý tuần tới, phải không?

Georges trả lời ngay:

– Chúng tôi cần hôm nay.

Dobbeling tức tối. Chúng tôi đã hút xì-gà và uống rượu của hắn mà vẫn giữ vững ý định. Hắn mím môi:

– Tuần tới đi. Uống li nữa chớ, li chia tay?

– Li nữa cũng chẳng sao.

Dobbeling và viên thơ ký cười tươi. Tối nhìn ra cửa sổ nghe Georges từ tốn nói:

– Thưa ông Chủ tịch, chúng tôi rất tiếc là phải lấy tiền ngay, ông cũng biết tuần tới, bạc lại mất giá thêm. Từ ngày đặt hàng đến nay chúng tôi cũng đã chịu thiệt thòi rồi.

Bỗng nhiên, gã thơ ký lưng gù ré lên:

– Nếu không lấy tiền được bữa nay thì các người làm gì? Lấy cái tháp về hả?

Tôi nổi sùng:

– Tại sao không! Bốn người tụi này là đủ khiêng con sư tử và đem mấy con chim ưng về. Hai tiếng đồng hồ sau, thợ của hãng tới bứng cái tháp đi.

Tên lưng gù nhe răng:

– Khánh thành rồi bộ dễ lấy lắm hả? Đừng quên xã này có tới hàng ngàn dân.

Viên Chủ tịch xã thêm vào:

– Đó là chưa kể Wolkenstein và hàng ngàn dân chiến hữu của ông ta.

– Nhưng nếu các ông làm vậy thì cả làng này về sau không mua ở đâu được một tấm mộ bia…

Tên cạo giấy cười hè hè. Dobbeling mời:

– Một li nữa chớ, li cuối cùng.

Ngay lúc đó, một bóng người chạy vụt vào sân, tới bên cửa sổ kêu lên:

– Ông Chủ tịch, lại đằng này mau, có chuyện lôi thôi rồi.

– Chuyện gì?

– Beste! Thằng cha thợ mộc đó không chịu hạ cờ.

– Sao? Lại thằng chó đãng Xã Hội đó à?

– Nhưng… hắn đã đổ máu.

– Còn ai bị thương không?

– Không, chỉ một mình Beste.

Mặt Dobbeling sáng ra:

– À, vậy thì nói làm gì?

– Hắn không đứng dậy được. Hộc máu mồm.

Dobbeling nói với chúng tôi:

– Xin lỗi, tôi tới tận chỗ để xem xét. Chuyện tiền bạc mình tính sau.

Hắn tưởng thế là xong, vội vàng mặc áo lớn vào. Nhưng chúng tôi không rời hắn.

Besie đang nằm ở hiên nhà y. Lá cờ Cộng Hòa bị xé rách nằm một bên. Một đám đông đứng nhìn vào. Dobbeling hỏi người cảnh binh đang cầm một quyển sổ tay:

– Chuyện gì vậy?

Viên cảnh binh định thuật rõ đầu đuôi thì Dobbeling chận lại:

– Anh có mặt ngay lúc đó không?

– Không. Tôi vừa tới được mấy phút.

– Vậy là anh không biết gì đâu. Lúc đó, ai có mặt tại đây?

Không có tiếng trả lời. Georges nói vào:

– Sao không cho mời bác sĩ?

Dobbeling trừng mắt:

– Cần gì. Một chút nước…

– Cần lắm chớ. Người này sắp chết.

Dobbeling hơi hoảng, vội vàng cúi xuống nhìn kĩ Beste:

– Hắn chết?

– Phải, sắp chết. Bể động mạch và có thể dập xương hoặc gãy xương. Có lẽ bị ném từ trên cao xuống.

Dobbeling từ từ nhìn Georges:

– Đó chỉ là giả thuyết thôi, ông Georges. Phải chờ bác sĩ xác nhận.

Hắn quay sang bảo hai thằng bé có xe đạp:

– Đi gọi bác sĩ Bredius tới mau lên. Bảo là có tai nạn.

Chúng tôi chờ. Bredius tới. Vừa cúi xuống nghe, ông ta đã đứng lên:

– Chết rồi!

– … chắc không?

– Chết! Có phải y là Beste không? Người có vết thương ở phổi?

Viên Chủ tịch miễn cưỡng gật đầu:

– Phải, phải. Bị thương ở ngực, tôi quên mất. Chắc hắn quá sợ… vì bịnh tim.

Bác sĩ Bredius xẵng giọng:

– Rồi giải thích ra sao về chuyện xuất huyết? Chuyện gì vậy?

– Chúng tôi đang kiểm chứng. Người nào nhìn thấy xin ở lại đây. Mấy người không có trách nhiệm, tránh ra.

Hắn nói câu sau cùng, nhìn tôi và Georges. Tôi bảo:

– Chút nữa, chúng tôi trở lại.

Hầu hết những người xem đều bỏ đi, chỉ còn lại vài ba người.

Tôi và Georges vào tửu quán Saxonne. Chưa bao giờ tôi thấy Georges giận dữ như bữa nay. Một người thợ còn trẻ ngồi gần bàn chúng tôi. Georges hỏi anh ta:

– Bạn có mặt ở chỗ đó không?

– Tôi ở đó lúc Wolkenstein bảo mấy người kia tới hạ cờ. Ông ta hô lớn “Hạ cái giẻ rách đó xuống!”.

– Hắn có đi theo mấy người kia không?

– Không?

– Dĩ nhiên. Còn mấy người kia?

– Cả một đám nhào vào Beste. Họ đã ngà ngà say.

– Rồi sao nữa?

– Chắc là Beste có chống lại. Họ không có ý giết ông ta. Nhưng một lúc sau, ông ta bị xô ngã xuống thang gác. Có lẽ bị nện mấy cú nặng vào lưng. Say quá, họ không biết đã dùng hết sức. Chắc không ai muốn giết ông ta đâu.

– Chỉ muốn nện cho một trận thôi, phải không?

– Phải. Đúng như vậy.

– Chính Wolkenstein nói như thế, phải không?

Người thợ vừa gật đầu xong bỗng giựt mình:

– Ủa! Sao ông biết?

– Đoán vậy thôi. Mọi việc xảy ra như bạn nói, đúng hay không?

Người thợ trẻ tuổi nín lặng một lúc lâu. Cuối cùng anh ta bảo:

– Ông biết rồi còn hỏi làm gì?

– Phải biết cho rõ chớ. Đả thương trí mạng, đó là công việc của Tòa án. Và khích động sát nhân cũng vậy.

Người thợ hoảng lên, ngồi thẳng người:

– Tôi không biết gì hết nghe. Tôi không dính líu gì đâu.

– Bạn biết khá nhiều và không phải chỉ có một mình bạn.

Người thợ uống một hơi cạn li bia:

– Ông nên nhớ là tôi không có nói gì hết. Và cũng không biết gì. Tôi có vợ và một con, tôi cần phải sống. Ông làm ơn tìm người khác đi.

Và anh ta lặn mất. Georges buồn thiu:

– Thấy không. Cứ bắt họ, hết người này tới người kia, cũng chẳng ai dám hé răng.

Chúng tôi tiếp tục ngồi đợi. Wolkenstein đi qua, tay xách một va-li da. Tôi hỏi Georges:

– Hắn đi đâu vậy?

– Ra nhà ga. Hắn không còn ở Wustringen nữa. Người ta đã đưa hắn tới Werdenbrucke với chức vụ Chủ tịch hội cựu chiến binh thị xã. Hắn chỉ tới đây để dự lễ khánh thành. Chú có biết cái gì trong va-li đó không? Bộ quân phục.

Kurt Bach tới quán với một thôn nữ. Cô gái quê xanh mặt khi hay tin:

– Vậy là bãi bỏ khiêu vũ.

Tôi lắc đầu:

– Không chắc đâu.

Georges đứng lên:

– Thôi, mình trở lại gặp Dobbeling.

Cả làng bỗng lặng trang. Nắng chiều rọi vào lưng đài tưởng niệm. Con sư tử cẩm thạch của Kurt Bach sáng ngời.

Viên Chủ tịch xã nói ngay:

– Chẳng lẽ các người lại nói chuyện tiền bạc trước một vụ chết người?

Georges thản nhiên:

– Chúng tôi lúc nào cũng đối diện với người chết. Nghề nghiệp bắt buộc.

– Nhưng tôi có thì giờ đâu. Các người cũng biết chuyện này mà.

– Biết rồi và biết khá rõ. Ông có thể ghi vào biên bản là chúng tôi làm nhân chứng. Chúng tôi sẽ ở lại đây cho tới khi nhận tiền xong và ngày mai chúng tôi sẵn sàng ra trước Cảnh sát tư pháp.

– Nhân chứng gì? Lúc đó mấy người đâu có mặt ở đây.

– Nhưng chúng tôi vẫn làm chứng được. Đả thương trí mạng và khích động sát nhân.

Dobbeling nhìn Georges rồi nói gằn từng tiếng:

– Tống tiền phải không?

Georges ưỡn ngực:

– Xin ông Chủ tịch vui lòng giải thích câu vừa nói.

Dobbeling không nói. Hắn nhìn Georges trừng trừng. Georges không nháy mắt. Được một lúc, Dobbeling tới tủ sắt mở ra, lấy vài cuộn giấy bạc ném lên bàn:

– Đếm lại đi rồi làm hóa đơn.

Georges bình thản đếm bạc rồi làm hóa đơn. Dobbeling tức tối:

– Các người nên nhớ là từ nay trở đi không bao giờ còn đặt được một tấm mộ bia nào trong nghĩa địa của thị xã này nữa.

Georges cười mỉa:

– Ông lầm rồi! Chúng tôi sắp đặt một tấm tại đây, cho người thợ mộc tên Besle. Không lấy tiền!

– Thôi, cút đi!

– Chúng tôi đang đợi câu này.

Trên đường ra nhà ga, tôi nói với Georges:

– Vậy là tên khốn đó có sẵn tiền.

– Phải có chớ. Hắn đã lấy tiền từ hai tháng nay và còn muốn giữ đó để kiếm lời thêm vài trăm ngàn nữa.

Một lúc sau, gặp Henri và Kurt. Henri hỏi:

– Lấy tiền chưa?

– Rồi.

– Vậy là tôi đoán đúng. Dân ở đó toàn những người đáng tin cậy.

– Phải, rất đáng tin cậy.

Kurt Bach lên tiếng:

– Cuộc khiêu vũ bị hủy bỏ.

Henri sửa cà-vạt cho ngay ngắn lại:

– Thằng cha thợ mộc đó đáng đời. Hắn khiêu khích người ta.

– Sao? Treo cờ chính thức của đất nước là khiêu khích à.

– Chớ sao. Hắn đã biết lập trường của mấy người kia. Làm như vậy tức là khiêu khích. Hợp lí…

Georges nhìn ra xa:

– Hợp lí lắm, Henri. Nhưng anh nên câm miệng thì hơn.

Henri định trả lời nhưng khi thấy Georges hầm hầm, ông ta nhìn về phía Wolkenstein cũng đang chờ xe như chúng tôi.

Tôi hỏi Georges:

– Vụ này đi tới đâu?

– Chẳng tới đâu cả.

– Còn Wolkenstein?

– Hắn cũng vô sự. Người duy nhứt đáng bị trừng phạt là anh chàng thợ mộc nhưng anh ta đã chết rồi. Một vụ giết người vì chánh trị do phe cực hữu gây ra luôn luôn được giảm khinh. Chúng ta đang sống trong chế độ Cộng Hòa nhưng các thẩm phán, công chức và sĩ quan đều là của chế độ cũ.

Chúng tôi nhìn mặt trời đang lặn xuống. Xe lửa tới, đen đủi như một chiếc xe tang. Chúng tôi đã từng thấy, nhiều xác chết trong thời chiến và đã biết có hơn hai triệu người của chúng tôi rụng như sung. Như vậy, tại sao lại xúc động trước cái chết của một người trong khi hai triệu người kia bị bỏ quên? Bỗng nhiên tôi hiểu ra một cá nhân chết gọi là một người chết, còn hai triệu người chết chỉ là một con số thống kê.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.