Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gãy cánh

Chương 10



Người đàn ông thủy tinh đứng trước một luống hoa hồng dưới ánh nắng chiều. Người tự xưng Đức Giáo hoàng Grégoire đệ thất đi giữa hai hàng cây dẻ. Một nữ tu sĩ đưa một ông lão tóc dài đi dạo mát. Ông già điên thỉnh thoảng lại đưa tay ra làm như sắp nhéo vào mông của người nữ tu rồi cười ngặt nghẽo. Bên cạnh tôi, hai người đàn ông cùng nói với nhau một lúc, chẳng ai nghe ai. Một toán ba phụ nữ mặc quần áo sọc lặng lẽ tưới hoa.

Ở đây, tất cả đều bình lặng và hiện thực. Chẳng mệt ai bận tâm đến việc hối suất Mỹ kim đã lên hai mươi ngàn đồng Đức trong một ngày. Không ai nghĩ là phải tự treo cổ vì chuyện đó, như một số người trong thành phố… Ở đó, sáng nay, người ta phát giác một cặp vợ chồng chết treo trong tủ áo. Ngoài hai cái xác ra, chẳng còn gì cả: tất cả đồ đạc đã được bán đi hoặc còn nằm trong tiệm cầm đồ. Người mua cái tủ chạm trán hai thi thể khi đến dọn những đồ đạc còn sót lại. Bấu chặt vàọ nhau, cặp vợ chồng chết treo cổ mặt tím bầm, lưỡi thè ra. Họ chẳng cân nặng bao nhiêu nên người ta thấy không cần tháo xuống, cả hai đều mặc quần áo thật sạch, tóc chải gỡ cẩn thận. Người mua vừa trông thấy đã mửa thốc mửa tháo ra và tuyên bố là không lấy cái tủ nữa. Thế nhưng tới chiều, y đổi ý, cho người đến lấy tủ về, luôn cả cái giường đã đặt thi thể cặp vợ chồng xấu số ấy lên trước khi mang vào nhà xác. Trong một lá thơ tuyệt mạng, họ cho biết muốn tự tử bằng hơi đốt nhưng công ty nay đã cúp hơi vì họ không có tiền để trả. Cuối thơ, họ xin lỗi những người mua giường tủ về những phiền phức mà họ đã gây ra.

Isabelle lững thững tới. Nàng mặc quần ngắn không quá gối. Áo blouse vàng, cổ đeo một xâu chuỗi màu hổ phách. Nàng hỏi tôi:

– Anh đi đâu?

Mấy hôm nay, chúng tôi chẳng gặp nhau. Cứ sau giờ làm lễ tôi lăn về nhà. Bỏ bữa ăn tối có rượu chát do Viện đài thọ là điều đau khố lớn nhứt của tôi, nhưng thà ăn uống đạm bạc với Gerda còn hơn là phải ngôi chung bàn với Bodendick và Wernicke.

Isabelle nhắc lại:

– Anh đi đâu?

– Đi ngoài kia… để kiếm tiền.

Nàng ngồi lên thành ghế. Đôi chân xạm như đã được tắm nắng lâu ngày. Hai người đàn ông bên cạnh bĩu môi về phía tôi. Rồi cũng bỏ đi. Isabelle ngồi xuống:

– Tại sao trẻ con chết. Rudolf?

– Biết đâu!

Tôi tránh nhìn nàng, sợ lại sa vào những võng lưới toàn dấu hỏi.

– Tại sao chúng ra đời để rồi chết?

– Cô nên hỏi linh mục Bodendick. Ông ta cho rằng Thượng đế ghi chú từng sơi tóc rụng của mỗi người, và tất cả đều có một ý nghĩa và một tinh thần.

Isabelle cười rộ lên:

– Thượng đế có sổ sách hả? Để làm gì? Ông ta biết hết mọi thứ mà!

Không hiểu sao tôi bỗng cảm thấy khó chịu:

– Cố nhiên! Tình thương của Ngài bao la. Nhưng rồi trẻ con cũng chết, cả mẹ chúng nữa và không một ai hiểu được tại sao lại có cảnh thảm khổ trên mặt đất này.

Thình lình, Isabelle ngưng cười rồi quay phắt sang tôi:

– Tại sao con người không có hạnh phúc, Rudolf?

– Làm sao biết được. Biết đâu là tại Trời giận.

– Không, không phải vậy đâu.

– Chở tại sao?

– Tại ộng ấy sợ.

– Sợ cái gì?

– Nếu mọi người trên trái đất hạnh phúc cả thì không ai còn nhớ tới Thượng đế.

Bây giờ tôi mới dám nhìn Isabelle. Mắt nàng thật trong nhưng mặt thì gầy đi đôi chút. Nàng nói tiếp:

– Con người có đau khổ mới chịu cầu nguyện. Và mới để yên ngôi vị của Trời.

– Cũng có người cầu nguyện vì sống trong hạnh phúc.

Isabelle cười, tỏ ra không tin:

– Thật không? Nếu có thì chắc là họ sợ mất hạnh phúc đi. Tất cả cũng chỉ vì sợ mà thôi. Rudolf. Anh không biết sao?

Ông già điên đi trở lại vẫn làm trò con khỉ sau lưng người nữ tu. Isabelle lặp lại:

– Tất cả cũng chỉ vì sợ. Có bao giờ anh sợ chưa?

– Không nhớ rõ, nhưng chắc là phải có. Nhứt là trong chiến tranh. Tôi muốn nói về cái sợ không tên.

Tôi lặng thinh, sợ lại phải dài dòng. Chúng tôi ngồi yên một lúc khá lâu trong hoàng hôn. Một lần nữa, tôi có cảm giác là Isabelle không hề điên.

– Sao anh không nói?

– Nói để làm gì?

– Anh sợ phải nói, hả?

Tôi suy nghĩ:

– Trong lời nói thường hay có những dối trá… có thể đôi khi mình cũng sợ ngay cả những cảm nghĩ của mình. Mình không còn tin mình nữa.

Isabelle duỗi chân trên ghế.

– Nhưng mình cần phải nói. Nếu không thì sống làm sao được.

Máy hút bụi ngưng chạy. Im lặng hoàn toàn. Mùi đất ẩm từ các luống hoa xông lên. Một con chim từ những hàng cây dẻ kêu lên vài tiếng trầm buồn. Hoàng hôn, đối với tôi đột nhiên giống như một cán cân đang cân đều sức nặng của quả đất ở hai đầu… và điểm tựa lại chính là ngực của tôi. Tôi tự trấn an, mình còn thở chẳng có gì xảy ra đâu.

Isabelle thì thầm bên tôi:

– Anh có sợ tôi không?

Tôi lắc đầu muốn bảo là không, và nghĩ tiếp, cô chính là người duy nhất mà tôi không sợ. Lời lẽ của cô không khoa trương cũng không ngờ nghệch. Cô luôn luôn hiểu ngôn ngữ của tôi, vì cô sống trong một thế giới mà ngôn ngữ và cảm nghĩ vẫn còn là một, mà gian dối và ảo giác vẫn là một sự thật.

– Sao anh không nói gì cả?

Tôi nhún vai:

– Có những lúc chẳng còn gì để nói. Isabelle. Và đôi khi rất khổ sở để thú nhận.

– Thú nhận gì?

– Thú nhận với chính mình.

– Con dao có bao giờ tự chặt nó làm đôi đâu. Rudolf. Tại sao anh sợ?

– Tôi không biết…

– Đừng đợi quá lâu, cưng. Nếu không thì quá trễ. Con người cần có lời nói. Những lời nói chống sự sợ hãi Rudolf. Những ngọn đèn soi sáng cho mình. Anh có thấy tất cả đều xám tối rồi không?

– Máu cũng không còn đỏ. Tại sao anh không cứu giúp tôi?

– Ước gì tôi có đủ sức để cứu cô!

Nàng chồm lới, ôm choàng cổ tôi:

– Xích lại gần tôi. Cứu tôi. Họ đang réo gọi tôi.

– Ai? Ai đâu?

– Những giọng nói. Bộ anh không nghe sao? Chúng réo gọi không ngừng.

– Có giọng nói, tiếng nói nào đâu, Isabelle. Họa chăng chỉ có tiếng gọi của lòng cô. Nhưng họ nói gì?

Hơi thở nàng dồn dập:

– Hãy yêu em, nó sẽ không réo nữa.

– Anh yêu em đây.

Nàng ngồi sát vào tôi, mắt nhắm nghiền. Trời bắt đầu tôi và người thủy tinh đi ngang qua chỗ chúng tôi. Một nữ tu sĩ hiền lành đang gom mấy người già lại một chỗ. Họ ngồi co rút và bất động như những khối thịt bị bỏ quên.

Người nữ tu nhìn về phía chúng tôi:

– Hết giờ rồi.

Tôi gật đầu nhưng vẫn ngồi. Isabelle thở dài:

– Anh nghe không? Những giọng nói đó, không bao giờ mình tìm ra.

Tôi bồng nàng lên, đem nàng về trước trại.

Ngay lúc được thả đứng xuống, nàng bấu chặt vào tôi, thì thầm những gì không nghe rõ, và để người gác bệnh dẫn đi. Lối vào trại được soi sáng bởi ánh đèn đục như sữa. Tôi dìu nàng lới ngồi trên một cái ghế mây ở phòng ngoài. Nàng ngồi lặng yên, mắt vẫn nhắm. Hai người nữ tu mặc áo dòng đen đi qua, trông họ giống như tới tìm Isabelle để đem chôn. Họ đi vào tiểu giáo đường. Và một người gác bệnh tới đưa nàng vào trong.

Bà Viện trưởng cho mang thêm vào một chai rượu chát Moselle. Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy lão Bodendick biến dạng ngay sau bữa ăn trong khi Wernicke vẫn còn ngồi.

– Bác sĩ, tại sao người ta không làm cho những người bệnh không còn trị được chết đi?

– Cậu có tình nguyện đứng ra hành quyết không?

– Tôi không biết, vấn đề được đặt ra là đối với những người bệnh đang chết dần mòn, sao không cho họ một mũi thuốc để họ rút ngắn những ngày đau khổ lại?

Wernicke không trả lời. Tôi nói tiếp:

– Rất may là không có ông Bodendick ở đây, như vậy mình khỏi phải đặt thành vấn đề đạo đức tín ngưỡng. Trước kia, một người bạn của tôi bị nổ banh bung ra trông như mọt khối thịt. Hắn vẫn xin bọn tôi giết chết hắn ngay. Chúng tôi đưa hắn vào bệnh viện dã chiến. Hắn nằm ở đó kêu thét luôn ba ngày đêm. Quả là một thời gian vô tận khi người ta kêu thét vì đau đớn! Tôi đã từng chứng kiến nhiều người nổ xẹp xuống: nổ xẹp chớ không phải chết. Sao không giúp họ một mũi thuốc? Cả mẹ tôi cũng ở trong trường hợp đó.

Wernicke không nói gì.

– Vâng, tôi biết, làm như thế cũng giống như giết một người. Kể từ ngày đi đánh giặc, tôi do dự khi phải giết một con ruồi. Vậy mà miếng thịt bê chúng ta vừa lúc nãy cũng là của một con vật bị giết. Cuộc sống là sự huyền bí dầu là của một con bê, hay một con ruồi. Nhứt là với con ruồi, một con vật mà mỗi mất có đến hàng vạn con mắt li ti. Tại sao mình giết một chó dại trong thời bình lại không chịu kết liễu một mạng sống đang giãy chết, giữa lúc đang có hàng triệu người bị giết trong những cuộc chiến phi lí.

Wernicke vẫn không hé răng. Một con bọ bay vù vù quanh ngọn đèn. Nó đâm đầu vào bóng thủy tinh, rơi xuống, gượng dậy bay lên rồi lại tiếp tục đâm vào. Tôi tiếp tục cuộc độc thoại:

– Ông Bodendick thì có thể trả lời tất cả. Loài vật không có linh hồn, khác với con người. Nhưng cái linh hồn đó sẽ ra sao khi đầu óc đã bị hư hại? Khi nào thì con người trở thành ngu dại? Tôi đã nhìn thấy một vài người bệnh trong khu vực cấm của ông, đối với những đậu óc bệnh hoạn đó thì thú vật là thần thánh. Vậy linh hồn của họ đã thành gì? Phải chăng nó không còn dính liền với con người họ? Hay nó đang treo tòn teng như là quả khí cầu trên đầu óc bệnh hoạn?

Wernicke làm một cử chỉ như xua đuổi một con ruồi:

– Chừng nào hết nói thì ra hiệu cho tôi biết.

– Đủ rồi.

– Tốt. Tôi không thể trả lời những câu hỏi đó. Cậu cũng biết…

– Dĩ nhiên. Làm sao bác sĩ có thể trả lời được khi mà tất cả các thư viện trên thế giới này chỉ chứa toàn những lập luận thay thế cho những câu giải đáp.

Con bọ lại rơi xuống. Nó lồm cồm đứng lên, chuẩn bị làm một kinh nghiệm nữa. Cánh nó óng ánh màu đồng chùi bóng. Thân thể nó cũng là bộ máy kì diệu nhưng trước ánh sáng, nó giống nhu một tửu đồ ngồi trước chai rượu mạnh.

Wernicke rót phần rượu chát cuối cùng vào ly:

– Cậu đi lính bao lâu?

– Ba năm.

– Khá lắm!

Tôi không để lạc sang hướng khác. Có lẽ biết vậy nên ông ta đổi đề tài:

– Cậu có tin rằng lí lẽ còn là đặc tính của tâm hồn không?

– Không biết. Nhưng ông có tin rằng những người điên ở cấm khu còn có linh hồn không?

Wernicke cầm li rượu:

– Với tôi thì thật giản dị, tôi là người của khoa học. Với tôi thì không có vấn đề tin mà chỉ có quan sát. Bodendick thì ông ấy tin trước đã. Còn cậu thì lại bềnh bồng ở giữa. Cậu hãy nhìn con côn trùng bốn cánh xem!

Con bọ tấn công bóng đèn lần thứ năm. Nó sẽ còn tiếp tục đâm vào cho tới chết. Wernicke tắt đèn:

– Làm thế này là tôi đã cứu nó.

Bóng đêm tràn vào, bao la và xanh xám. Mùi đất, hương hoa và ánh sáng các vì sao cũng theo cửa sổ tràn vào. Tất cả những gì tôi nói lúc nãy bây giờ trở thành lố bịch. Con bọ đang bay một vòng trong bóng tối rồi vọt ra ngoài. Wernicke hỏi:

– Có khi nào cậu tự đặt câu hỏi là thế giới này sẽ ra sao nếu con người có thêm một giác quan không?

– Không.

– Và nếu bớt đi một giác quan?

Tôi suy nghĩ:

– Có thể là câm hoặc điếc, hoặc không nếm được mùi vị thức ăn. Cái đó là chuyện khác.

– Nhưng nếu là trường hợp ngược lại? Tại sao lại phải năm giác quan? Tại sao không phải là sáu… hay mười hai. Biết đâu khi có tới giác quan thứ sáu thì mất tất cả ý niệm về thời gian không gian, về sự chết, về đạo đức, sự đau khổ? Con người chúng ta chỉ có được những giác quan giới hạn. Loài chó, thính giác bén nhạy hơn. Loài dơi, dẫu mù mắt, vẫn tìm ra đường về không vấp một trở ngại nào. Loài bướm, dầu cách xa con cái hàng mấy cây số vận có thể tìm tới gặp nhau. Loài chim di cư nhận định phương hướng giỏi gấp ngàn lần chúng ta. Loài rắn có thể nghe được bằng da. Khoa sinh vật học còn hàng trăm hàng ngàn thí dụ tương tự. Như vậy, việc phát triển một giác quan hay có thêm một giác quan mới đương nhiên làm cho hình thái thế giới đổi khác đi, và cả lòng tin vào Thượng đế cũng thế. Nào, chúng mình uống.

Tôi đưa li lên và uống cạn.

– Như vậy mình phải chờ cho tới khi có thêm được giác quan thứ sáu, phải không?

Wernicke lắc đầu:

– Không cần thiết, vấn đề là chỉ cần có thêm một giác quan nữa thôi thì tất cả cái kiến trúc xã hội loài người hiện nay đều sụp đổ. Cậu thấy rượu có khá không?

– Ngon. Cô Terhoven ra sao?

– Tệ lắm. Mẹ cô ấy tới… cô ấy không nhìn ra.

– Hay là không muốn nhìn?

– Thì cũng vậy thôi. Cô ta hét to, đuổi bà mẹ đi. Trường hợp điển hình.

– Tại sao?

– Cậu nên chú ý những gì tôi trình bày về chứng nhị trùng hóa nhân cách thì biết.

– Vâng.

– Cậu không chịu nghe nên tôi chỉ có thể tóm gọn mà thôi. Nhị trùng hóa nhân cách là một cuộc chạy trốn đối với bản ngã.

– Và cái bản ngã đó sự thật là gì?

Wernicke nhìn tôi một lúc lâu:

– Bỏ qua chuyện đó đi. Nhị trùng hóa nhân cách là chạy trốn vào một nhân cách khác. Thỉnh thoảng bệnh nhân lại quay về với chính mình. Geneviève thì không. Lâu lắm rồi cô ta không trở lại với con người của cô ta. Cậu, chẳng hạn, cô ấy không nhìn cậu như là một nhân vật của chính cậu.

– Dầu vậy, cô ta xử sự cũng hết sức thích đáng. Nhưng bệnh có nặng lắm không?

– Theo tôi thì nặng. Nhưng còn nhiều cách chữa trị mau hơn mà kì lạ.

Wernicke đốt một điếu thuốc. Tôi không thể đừng hỏi:

– Sống như hiện tại, cô ta cũng cảm thấy có hạnh phúc rồi, sao không để mặc như vậy?

Wernicke hơi xẵng giọng:

– Trước hết là mẹ cô ta trả tiền trị bệnh, kế đến là cô ta không hề sung sướng đâu.

– Nhưng nếu hết bệnh ông có tin là cô ấy sung sướng hơn không?

– Khó lắm. Cô ấy nhạy cảm thông minh lại nhiều tưởng tượng. Chỉ bao nhiêu đó cũng khó tìm ra hạnh phúc.

– Vậy, tại sao không để yên thế này?

– Tại sao? Đôi khi tôi cũng tự hỏi như thế. Tại sao phải mổ khi biết là có mổ cũng chằng ích gì? Cậu có muốn lập thành một bản liệt kê về những “tại sao” không? Chắc phải dài bất tận. Và lúc đó phải thêm vào: tại sao tôi không chịu uống rượu và không chịu cho ngưng cái cối xay, toàn những câu hỏi tại sao? Và tại sao không chịu hưởng cái thú vị của một đêm đẹp trời lại tự dày vò đầu óc của mình? Tại sao phải tranh luận ý nghĩ của cuộc sống trong khi có thể hưởng thụ?

Ông ta đứng lên vươn vai:

– Phải đi một vòng xem xét mấy người bị nhốt ra sao. Cậu có muốn đi không?

– Đi.

– Mặc blouse trắng vào. Tôi sẽ cho cậu xem một nơi khác thường. Sau đó, hoặc cậu sẽ mửa ra hết hoặc uống thêm vào và cảm tạ những người làm ra rượu nho.

– Chai này cạn rồi.

– Tôi còn một chai. Cậu có biết chỗ kì lạ ở đâu không? Hai mươi lăm tuổi cậu đã biết khá nhiều về chết chóc, đau khổ và những ngu dại của con người để tự đặt quá nhiều câu hỏi. Thế giới là như vậy… cho tới khi thật sự hiểu biết được một vài điều thì tuổi tác đã cao, không còn hưởng thụ được bao nhiêu, và cứ như thế, đợt sống này tới đợt sóng kia, thế hệ này tới thế hệ khác. Chẳng ai học được của ai gì cả. Thôi, đi.

Chúng tôi ngồi ở quán Trung Ương: Georges, Willi và tôi. Đêm nay, tôi không muốn ở nhà, chỉ có một mình. Wernicke đã đưa tôi tới trại phế binh. Bị thương ở đầu, bị chôn sống… điên điên dại dại. Giữa đêm Hè êm ả, trại bệnh đứng đen ngòm, thảm não giữa những tiếng hát họa mi.

Chiến tranh, gần như bị quên lãng, vẫn cứ hiện diện trong những gian phòng đó. Những tiếng nổ long trời vẫn còn vang bên tai họ. Những cặp mắt, như năm năm trước, vẫn còn nhìn thấy những cảnh hãi hùng, lưỡi lê đâm phầm phập vào bụng, chiến xa cán dẹp thân người, và những cái đầu vỡ tan từng mảnh… Tất cả những thứ đó cứ xuất hiện như một ma thuật và tiếp tục múa may quay cuồng giữa không khí của hoa hồng bao bọc chung quanh.

Họ ra lệnh, họ tuân hành những chỉ thị không nói thành lời, những gầm giường là hầm trú ẩn, họ siết cổ, họ nghẹt thở… họ vẫn còn là những người trận mạc… Rồi hơi cay xông vào, họ kêu thét, giãy giụa, bò càng, nước mắt nước mũi chảy ra, họ tìm chỗ núp…

– Đứng lên!

Tiếng hô lớn từ phía sau làm chúng tôi giựt mình. Một số khách hoảng hốt đứng lên. Dàn nhạc quán rượu đang hòa tấu bảnDeutschland, Deutschland uber alles. Đây là lần thứ tư không phải ban nhạc quá yêu nước, cũng không phải do lệnh chủ nhân mà chính là do một nhóm nhãi ranh muốn ra điều quan trọng. Cứ mỗi ba mươi phút một đứa trong bọn vênh váo đi tới chỗ dàn nhạc, ra lệnh đánh quốc thiều. Các nhạc sĩ không dám từ chối. Rồi những tiếng hô “đứng lên” vang dội, và người ta lại phải đứng lên mặc dầu bảnDeutschland uber allesđó đã làm cho hai triệu người chết, làm cho nước Đức bại trận và lạm phát.

– Đứng lên!

Một thằng nhãi hét lớn vào mặt tôi mặc dù khi chiến tranh kết thúc nó chỉ vào khoảng mười hai tuổi.

– Trở về lớp học đi em bé.

Một đám du đãng ào tới bao vây bàn chúng tôi.

– Đứng lên hay muốn chết?

Willi ỡm ờ:

– Chuyện gì đây?

– Chuyện gì rồi biết. Quân khiếp nhược! Đồ phản nghịch. Đứng lên!

Georges bảo chúng:

– Thôi, trở về chỗ đi. Chẳng lẽ bọn tôi tuân lệnh các chú bé vị thành niên?

Một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi xô vẹt bàn ghế tới trước bàn bọn tôi:

– Bộ các người không tôn trọng quốc thiều, hả?

Georges tỉnh bơ:

– Quốc thiều trong quán rượu có đáng được tôn trọng không? Hay chỉ là cớ để gây náo loạn? Về chỗ đi ông bạn! Dẫn lũ nhóc đó theo.

– Này, anh coi chừng! Trong chiến tranh, anh ở đâu?

– Rất buồn là phải ở trong hầm ngoài mặt trận.

– Nói dễ quá! Đâu, chứng minh xem.

Willi dựng cả thân hình khổng lồ lên. Nhạc ngưng tức khắc. Willi bảo chúng:

– Coi đây?

Rồi nó giở một chân lên, quay đít lại người kia, nổ một phát trung tiện. Gã cầm đầu tự động lùi lại một bước. Bọn nhãi gầm gừ… Nhưng chủ quán đã cùng gã vệ sĩ vạm vỡ tới nơi:

– Xin quý vị, không nên làm ồn trong quán.

Dàn nhạc bắt đầu chơi bản “Thiều nữ của Rừng đen”. Toán du đãng rút lui với những điệu bộ đe dọa rồi tụ họp ngoài cửa. Bọn chúng có ý định chờ chúng tôi ra để tấn công. Chúng tôi thử so sánh lực lượng đôi bên: ba người chống lại hai mươi. Cân cán nghiêng về phe địch.

Đột nhiên, chúng tôi có tăng viện bất ngờ. Một chàng nhỏ thó đi tới bàn chúng tôi: Bodo Lodderhose, nhà buôn da thú và sắt vụn. Chúng tôi đã từng đóng quân gần nhau tại một nơi nào đó trên đất Pháp.

– Ê, các bồ! Cho bọn này nhập cuộc với. Cả một ban hợp ca của tôi đang ngồi sau cột đằng kia. Khoảng mười hai trự, đồng ý chớ?

– Đồng ý và hoan nghinh Bodo! Chính Thượng đế gởi bạn tới!

– Đừng nói quá! Chỗ này, người đàng hoàng không nên lui tới. Bọn này tới để kiếm bia giải khát, bia ở đây ngon nhứt thị xã. Rất tiếc chỉ được có chừng ấy, ngoài ra thì như cứt.

Hắn so sánh có vẻ tàn nhẫn nhưng dù sao hắn cũng có lí phần nào. Tinh túy của thơ văn chẳng phải là thêm nhưn thêm nhị một chút sao?

– Chúng tôi sắp đi. Các bồ cùng đi chớ?

– Đi tức khắc.

Bọn nhãi ranh quả đang đợi chúng tôi, võ trang bằng gậy, đá và bàn tay sắt.

Bodo đi trước, thẹo sau là mười hai người của hắn. Tời trước bọn kia, hắn dừng lại:

– Muốn gì đây, mấy thằng đẻ non?

Bọn nhãi lườm chúng tôi. Cuối cùng tên cầm đầu hậm hực:

– Đồ hèn! Được, rồi sẽ biết.

Willi đáp:

– Phải gặp chớ. Bọn này sống mấy năm trong hầm cũng không phải vô ích. Nhớ kiếm cho đông. Có hơn về số lượng thì tinh thần mới vững chắc hơn.

Chúng tôi ra đường lớn với toán của Bodo. Sao chiếu sang trên trời. Đôi khi, gặp lại nhau trong tình chiến hữu, người ta không khỏi cảm thấy một cái gì vừa mới lạ vừa hùng vĩ, vừa ngạc nhiên vừa khó hiểu: có thể đó là mình đã thoát nạn, phải còn sống và được tự do.

Bodo khuyên:

– Các bồ nên tìm một quán khác. Chỗ bọn này chẳng hạn chẳng bao giờ có loại đó. Đi tới này, tôi chỉ cho.

Chúng tôi tới nơi. Từng dưới, cà-phê, nước ngọt, bia và kem, từng trên là phòng họp. Hội quán của Bodo là một ban hợp ca thành phố lúc nhúc những hội đoàn, nội quy riêng lề luật riêng và luôn luôn ra điều quan trọng. Hắn than phiền:

– Bọn này hợp ca bốn giọng nam. Hơi yếu về giọng nam thứ nhứt hơn thế hệ chết trận, mầm non vẫn chưa theo kịp.

Tôi giới thiệu ngay:

– Willi là giọng kim một.

– Thật à? Đâu thử cho nghe xem, Willi.

Nghe xong, Bodo kêu lên:

– Tuyệt diệu! Nhập với bọn này đi, Willi. Chừng nào muốn rút thì cứ rút.

Willi từ chối lấy lệ và sau cùng chấp nhận. Ngay tại chỗ nó được chỉ định làm thủ quỹ của hội. Hắn cảm khái, bao luôn hai vòng bia và rượu mạnh, kể cả món xúp đậu, giò heo.

Tới vòng thứ ba, Willi tuyên bố có quen một nữ ca sĩ có biệt tài hát cả giọng kim lẫn giọng thổ. Bodo và hội viên của hắn vừa gặm giò vừa trố mắt nghi ngờ. Georges và tôi phải nói rõ về biệt tài của Renée de la Tourterelle. Một tràng pháo tay chào mừng người vắng mặt và Renée đưọc bầu ngay làm hội viên danh dự.

Willi đãi hết tua này đến tua khác để ăn mừng. Và họ bàn tới việc Renée phải mặc nam trang để hội được tiếng hợp ca nam.

Georges và tôi về trước. Willi từ trên lầu theo dõi. Là lính trận, nó chẳng có quyền nghi ngờ một vụ phục kích. Chẳng có gì xảy ra. Công trường chợ vẫn bình lặng.

Vừa đi vào hẻm Arquebusiers tỏi hỏi Georges:

– Georges, hãy trả lời thật tình là anh có hạnh phúc không?

Georges nhấc nón lên như chào một kẻ vô hình trong đêm:

– Hỏi câu khác đi! Người ta có thể ngồi trên mũi kim được bao lâu?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.