Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gãy cánh
Chương 12
Tới gần ngôi tiểu giáo đường, tôi gặp Bodendick đang đi trong sương mù, mặt tươi tắn. Ông ta hỏi tôi:
– Sao? Có còn cố gắng cải thiện thế giới nữa không?
– Chỉ nhìn thấy giáo sĩ là tôi cũng đủ yên lòng.
– A! A! Lại triết lí rồi. Có kết luận nào đáng kể không?
Tôi quan sát khuôn mặt đỏ bóng:
– Tôi nghĩ là trong vòng hai ngàn năm nay, Thiên Chúa giáo chưa thay đổi được bao nhiêu?
Mặt ông ta nhăn lại nhưng chỉ trong một thoáng đã trở lại bình thường:
– Cậu bé có biết là cậu còn quá trẻ đối với những nhận định loại đó không?
– Có biết, nhưng trách một người chỉ vì họ còn trẻ dường như không đúng lắm. Chẳng biết Ngài có để ý chúng ta đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh nữa hay không? Chuẩn bị chiến tranh giữa lúc Ngài và tôn giáo bạn không ngớt cầu nguyện và truyền bá tình thương nhân loại.
Bodendick lắc cái nón đen cho những hạt mưa xuống:
– Cậu quên là chúng tôi đã từng cầu nguyện cho những kẻ sắp chết ngoài chiến trường rồi sao?
– Theo tôi thì quý vị không cần phải tới đó. Tại sao không ngăn cấm tín đồ của mình gây chiến. Điều mà tôi để tâm là mỗi lần làm lễ trong quân đội các tuyên úy đều cầu nguyện cho nước ta thắng trận. Jesus Christ có câu nguyện cho dân Galiléens thắng dân Philislins không?
Bodendick trở lại giọng đắn đo:
– Dường như cơn mưa khiến cậu quá nhạy về những lập luận phỉnh mị. Cậu cũng thừa hiểu là chỉ cần một chút khéo léo và cách xoay trở sự việc chỉ còn nhìn thấy có một khía cạnh thôi thì bất cứ ai cũng có thể chứng minh được những gì mà mình muốn.
– Tôi biết. Và chính vì vậy mà tôi đọc sử luôn mấy tuần nay. Ở trường cũng như trong tôn giáo, người ta dạy tôi là trước khi đấng Christ giáng sinh, thế giới chỉ có toàn những sắc dân hoang dại và tàn ác. Nhưng rồi chỉ tới nay, thế giới đã cải thiện được gì – ngoại trừ một số tiến bộ về khoa học mà chúng ta khai thác phần lớn cho nhu cầu giết người càng nhiều càng tốt.
Bodendick cười lớn:
– Cậu Bodmer, trong gần hai ngàn năm nay, đã có hơn một người Saul trở thành thánh Paul. Cứ tiếp tục làm cua bò đi. Ở bất cứ đầu đường nào cậu chọn, Chúa cũng có mặt ở đó.
Ông ta đi khuất vào trong giáo đường.
Sau giờ lễ thánh ca, tôi và Isabelle đi dạo. Mưa rớt từng vũng như loài ma quái giỡn nước trên các tàng cây. Isabelle mặc áo mưa màu xậm gài tới cổ với nón trùm tóc. Trong bóng tối mờ, chỉ còn có khuôn mặt hiện ra. Trời lạnh và nhiều gió. Chỉ có bọn tôi ở trong vườn. Isabelle đi sát vào người tôi, tôi nghe tiếng bước chân nàng, cảm nhận hơi ấm và từng cử động. Dường như đó là hơi ấm duy nhứt còn lại trên thế giới này dành riêng cho tôi.
Thình lình, nàng dừng lại. Mặt tái xanh, mắt bỗng đen hơn thường lệ, nàng bảo tôi bằng giọng xẵng:
– Anh không thương tôi bao nhiêu.
Tôi ngạc nhiên:
– Có chớ. Isabelle.
Nàng nín lặng một lúc rồi thì thầm:
– Không đủ, nếu không chúng mình đâu có sống riêng nhau.
Chúng tôi tiếp tục đi. Isabelle lại nói:
– Như vậy cũng như là chết.
– Cô nói gì?
– Tình yêu. Tình yêu trọn vẹn.
– Chắc không ai có được tình yêu trọn vẹn đâu, Isabelle.
– Và nếu có tình yêu trọn vẹn thì đó có phải là sự chết không?
– Có lẽ. Bởi vì cũng chưa người sống nào biết cái chết ra sao. Bởi vậy mà không so sánh được.
– Vậy là tốt hơn nên có tình yêu không trọn vẹn?
Tôi tự mắng thầm là lại để lôi cuốn vào những chuyện không bờ bến và gượng đáp:
– Chỉ riêng tình yêu thôi cũng đã khá trọn vẹn.
– Đừng tự dối lòng; Rudolf. Bây giờ tôi thấy là phải cần không trọn vẹn. Bởi vì một khi đã trọn vẹn, sẽ có một tia chớp rồi chẳng còn gì cả.
– Chắc phải còn một cái gì đó ngoài thính giác của chúng ta.
– Cũng như sự chết.
Tôi dè dặt để nàng không quá trớn:
– Biết đâu. Có thể là sự chết không mang đúng danh hiệu của nó. Mình chỉ nhìn thấy nó có một khía cạnh. Không chừng nó là tình yêu toàn vẹn giữa Thượng đế và con người.
Một khoảnh mưa lại đổ ào xuống. Sau một lúc im lặng, Isabelle lại hỏi:
– Phải chăng vì vậy mà tình yêu trở nên buồn thảm?
– Tự nó không buồn thảm nhưng nó làm chúng ta buồn thảm vì khó thực hiện và cũng không kéo dài được bao lâu.
Isabelle đứng lại. Nàng giậm chân:
– Tại sao vậy, Rudotf. Tại sao phải như thế?
Tôi nhìn khuôn mặt tái mét và căng thẳng:
– Đó là hạnh phúc.
Mắt nàng mở lớn ra:
– Hạnh phúc à?
Tôi gật đầu.
– Hạnh phúc gì, đó là tai họa.
Nàng vừa nói vừa ôm chầm lấy tôi, khóc nức nở. Tôi an ủi:
– Đừng khóc, Isabelle. Cứ mỗi chuyện nhỏ nhặt cũng khóc rồi chẳng tới đâu cả.
– Vậy nên khóc cho những gì?
Tôi muốn đáp, hãy khóc cho nỗi thống khổ của hành tinh đáng nguyền rủa này, nhưng chỉ có thể nói:
– Đó không phải là tai họa, Isabelle. Đó là hạnh phúc. Chỉ tiếc là chúng mình chỉ có thể diễn tả được với những chữ toàn vẹn và không toàn vẹn.
Nàng lắc đầu liên hồi
– Không, không…
Và nàng khóc nhiều hơn. Tôi chợt thấy nàng có lí bởi luôn luôn phủ nhận tất cả mọi thỏa hiệp và lúc nào cũng gợi lên hai tiếng tại sao. Đó là hai tiếng làm thành câu hỏi độc nhất và duy nhất của bản ngã.
– Tai họa khác hơn thế, Isabelle.
– Anh nói sao?
– Tai họa không phải là vì con người bao giờ có thể trở thành một hữu thể duy nhất mà là cứ phải luôn luôn tự tách rời ra, mỗi ngày và mỗi giờ trong ngày. Mình biết và mình không chấp nhận, cũng như hột cát lọt xuống khỏi những ngón tay. Luôn có một phần trong người chết trước. Và luôn còn lại là phần kia.
Nàng ngước mắt lên:
– Làm thế nào dứt bỏ được cái mà mình không có?
– Có nhiều cách dứt bỏ đi hoặc tự rứt bỏ đi, tất cả đều đau đớn cũng giống như sự chết.
Isabelle thôi khóc:
– Làm sao anh biết được điều đó? Anh chưa già mà.
Hỡi ơi! Chính tôi tự cảm thấy già. Một phần trong người tôi đã bất chợt già đi khi tôi từ chiến trận trở về:
– Tôi biết nhờ kinh nghiệm, Isabelle.
Người ta có thể bỏ lại nhiều thứ, cuối cùng là bỏ lại đằng sau tất cả. Khi dấn bước vào cõi chết, con người đã trần truồng cho tới lúc từ cõi chết trở về, lại phải lấy lại những gì đã bỏ đi.
Khuôn mặt Isabelle ngời chiếu trong đêm mưa, một cái gì dịu dàng đến với tôi. Tôi đoán được cảnh trạng chiến đấu của nàng giữa sự cô đơn, giữa những bộ mặt của sự điên loạn, không một nơi ẩn trú, không một ngày ngưng nghỉ, lúc nào cũng phơi mình trước những ngọn gió của trái tim, chẳng một ai cứu giúp, không than van cũng không thương hại cho chính mình. Tất cả những lầm lẫn, điên loạn khiếp nhược bắt đầu từ đâu, và thái độ tinh khôn cũng như sư can đảm cuối cùng bắt đầu từ đâu?
Có tiếng chuông đổ, Isabelle lo sợ.
– Tới giờ rồi. Cô nên trở về.
– Anh có đi với tôi không?
– Đi chớ.
Chúng tôi đi về trại. Ra khỏi lối đi, màn mưa bụi đón lấy chúng tôi. Isabelle nép sát vào người tôi. Tôi nhìn triền đồi chúi dài xuống thành phố. Không phân biệt được gì. Mưa và sương mù chia cách chúng tôi với bên ngoài. Không một ánh đèn, chúng tôi hoàn toàn cô độc. Isabelle đi bên tôi như đã vĩnh viễn thuộc về tôi, như không còn một trọng lượng nào, như một khuôn mặt huyền thoại bị chi phối bởi những định luật khác hẳn những định luật của vũ trụ này.
Chúng tôi dừng lại ở cửa. Isabelle bảo:
– Vào đi!
Tôi lắc đầu:
– Không được. Hôm nay không vào được.
Nàng lẳng lặng nhìn tôi với đôi mắt thật trong, không một trách móc hay thất vọng. Rồi bỗng nhiên, dường như một cái gì đó chợt tắt lịm ở nàng. Tôi nhìn xuống với cảm giác của một kẻ vừa đánh đập một đứa bé hay vừa giết chết một con én. Tôi nói:
– Đêm nay không được. Để mai.
Isabelle vẫn lặng thinh. Nàng đi vào trong. Một nữ tu sĩ đưa nàng lên lầu. Tự nhiên, tôi cảm thấy đã đánh mất vĩnh viễn một vật gì đó mà đời người chỉ có thể bắt gặp một lần.
Phải làm gì đây? Tại sao tôi dính líu vào tất cả chuyện này? Tôi có muốn thế đâu, có lẽ tại cơn mưa.
Uể oải, tôi đi về gian chính diện. Wernicke từ trong đi ra với một cái dù.
– Trả cô Terhoven về phòng chưa?
– Rồi.
– Tốt. Nếu có thể được cũng nên gặp cô ấy ban ngày.
– Chi vậy?
– Chưa trả lời được. Có điều mỗi lần gặp cậu, cô ấy có vẻ tỉnh táo hơn. Rất tốt cho cô ấy.
– Nhưng cô ta coi tôi là người khác.
– Có sao đâu! Tôi nói là cho người bệnh của tôi chớ đâu phải cho cậu.
Ông ta nháy mắt với tôi:
– Hồi nãy, Bodendick vừa khen cậu.
– Thật không? Có bao giờ tôi để cho ông ta có dịp khen đâu.
– Ông ấy bảo là cậu đang đi trên con đường thú tội.
Tôi không khỏi bất bình:
– A! Lại có chuyện mới lạ.
– Đừng hiểu lầm sự khôn ngoan của Giáo đường. Chế độ độc tài đó là chế độ duy nhất còn tồn tại, sau gần hai ngàn năm.
Tôi trở xuống thành phố. Isabelle lảng vảng trong đầu. Tôi đã bỏ nàng… đó là điều nàng đang nghĩ tới. Có lẽ tôi đừng nên bao giờ trở lại đó. Còn trở lại tức là tự gây phiền toái. Nhưng nếu nàng không còn ở đó. Vấn đề trọng yếu là cái gì không bao giờ thuộc về mình, thì cái đó sẽ không bao giờ hao mòn, già cỗi và trở nên thường nhựt.
Tôi đi qua cửa hiệu đóng giày của Karl Brill. Từ bên trong vang ra tiếng máy hát. Karl có mời tôi dự tiệc đêm nay, một trong những dạ hội tại nhà ông ta có cả bà Beckmann biểu diễn sức mạnh của bắp thịt. Tôi do dự một lúc, cuối cùng tôi bước vào với nỗi chán chường.
Từng vàng khói thuốc và từng luồng hơi bia xỏa vào mặt tôi, Karl Brill hơi lảo đảo chạy tới ôm tôi. Trán ông ta cũng sói như trán Georges, nhưng dường như tất cả tóc trên đầu đều chạy xuống ở chung với bộ râu hải cẩu.
– Người bạn trẻ tới vừa đúng lúc, tiền đánh cá đã hết ra rồi. Bây giờ chỉ còn chờ có nhạc giúp vui thôi. Chơi một bản valse nghe! Flots du Danube?
– Đồng ý!
Chiếc dương cầm đặt trong xưởng máy. Chồng chất, dựa tường là giày đủ cỡ và da thuộc, rải rác đây đó là những chiếc ghế. Một thùng bia khoét lỗ nằm bên cạnh các chai rượu mạnh. Thùng bia thứ hai đang chờ sẵn trên quầy. Trên mặt bàn là một cây đinh to tướng có quấn bông gòn ở đằng đầu, bên cạnh là một cái búa đóng giày.
Tôi đánh bản Flots du Danube. Giữa làn khói mù, các ông khách ngà ngà say, nghiêng qua ngả lại. Karl đặt lên nắp dương cầm một li bia và một li rượu, mạnh, bảo nhỏ với tôi:
– Clara đang chuẩn bị. Hơn ba triệu tiền đánh cá! Nếu bà ta thất bại là tôi đi ăn xin ngay. Nhớ chơi bản gì giựt gân để tiếp sức. Bà ta mê nhạc lắm.
– Được rồi, tôi sẽ đánh bản “Những người giác đấu”. Cho tôi cá nho nhỏ với, được không?
Mặt Karl xìu ra:
– Cậu Bodmer, chẳng lẽ cậu cũng cá nghịch với Clara nữa sao? Như vậy là làm sao chơi nhạc cho có hồn?
– Không, tôi đứng về phía bà ấy mà.
– Tốt lắm! Bao nhiêu?
– Một giọt nước thôi. Tám chục ngàn, cả gia sản của tôi.
Karl suy nghĩ một chút rồi quay lại hỏi cử tọa:
– Có ai còn muốn cá tám chục ngàn đồng không? Cá với nhạc sĩ dương cầm đây.
– Có tôi.
Một anh chàng cao lớn bước ra, móc một xấp bạc trong một cái va li nhỏ, ném lên quầy.
Tôi đặt tiền bên cạnh xấp bạc của hắn và hô to:
– Xin ông Tổ ăn trộm phò hộ cho. Nếu không là ngày mai không còn một xu ăn cháo.
Karl Brill nôn nóng:
– Xong rồi, xong rồi!
Mọi người quan sát cây đinh. Karl sẽ đem đóng cây đinh vào tường cho ngập khoảng một phần ba ở chỗ thấp vừa với hạ bộ. Hắn giơ búa thật cao nhưng đập vào vừa phải. Hắn làm bộ lay lay đầu đinh rồi nói lớn:
– Chắc lắm rồi.
Nhiều người đề nghị nên xem lại. Anh chàng cao lớn bước ra nắm cây đinh lay mấy cái rồi nheo mắt:
– Karl, tôi chỉ thổi một cái là đủ bay. Cho mượn cái búa đi.
Gã cao lớn nhổ đinh ra đem đóng một chỗ khác. Karl quan sát khoảng sáu hoặc bảy phân còn thò ra ngoài. Hắn nhăn mặt:
– Sâu quá. Kéo bằng tay ra cũng không nổi nói gì kẹp bằng mông để nhổ.
– Cái đó ai biết.
Tôi bắt đầu đánh bản “Những người giác đấu”. Tại trường canh ba bà Beckmann xuất hiện trong chiếc kimono đỏ bóng có thêu một con phượng ở sau lưng.
Đây là một người đàn bà vạm vỡ, có đáng dấp của loài chó mặt bạnh, nhưng là một con chó đẹp. Tóc đen huyền xoắn lọn, mắt như hai quả anh đào… phần còn lại thì mập phị, nhứt là ở cằm. Điều chắc chắn là thân thể đầy thịt ấy lại chắc nịch, bộ ngực là nơi đặt hai pháo đài và sau cùng là hai cặp mông to xù nhưng rắn chắc như đá hoa cương Thụy Điển. Đêm nay, với sự hiện diện của anh chàng to lớn chưa quen biết, bà ta thử thử lại lần thứ hai sức mạnh của bắp thịt mông bằng cách kẹp vào đầu đinh nhổ ra.
Tất cả diễn ra trong tinh thần thể thao, cử tọa đều bảo thế. Bà Beckmann nghiêng mình chào vô cùng trang trọng từ từ đi tới chỗ cây đinh, phần dưới thân thể được che khuất bởi một tấm bình phong thấp, làm vài động tác thể dục.
Tôi bắt đầu đánh những âm thanh trầm làm thành một hồi trống xung trận. Bà Beckmann vận chuyển tất cả các bắp thịt. Karl Brill lo ra mặt. Bà Beckmann lại cứng người, mắt nhìn lên trần, nghiến chặt răng. Một tiếng động khô khan… và bà Beckmann đi tránh ra: cây đinh dưới đất.
Tôi chuyển sang bài “Kinh cầu của một nữ đồng trinh”. Bà ta gật cái đầu to lớn về phía tôi, tỏ dấu cám ơn và bảo lớn “Chúc các vị vui vẻ” rồi khép hai tà kimono lại, lên lầu.
Karl Brill gom tiền và đưa phần của tôi lại. Gã to lớn lại quan sát lỗ đinh, khẽ kêu lên:
– Ghê gớm thật!
Ruợu mạnh và bia lại tuôn ra như suối. Tôi uống luôn mấy li và tiếp tục đàn, sung sướng vì không còn cô đơn nữa. Mưa rơi bên ngoài, sương mù bao phủ quanh tôi, Isabelle hiện ra trong bóng mờ. Tôi thấy nàng không phải là người điên, mặc dầu biết rằng nàng vẫn còn điên, nhưng trong người chúng ta có ai dám bảo mình không điên?
Tiếng cãi vã làm tôi tỉnh lại. Gã cao lớn đang hăng tiết vì những đường cong trên thân thể bà Beckmann. Quá say, hắn chẳng còn giữ gìn ý tứ nữa. Hắn đưa ba đề nghị với Karl Brill:
– Năm triệu để ngồi uống trà một buổi chiều với bà Beckmann.
– Một triệu nếu được nói chuyện vài câu lại đây – có lẽ hắn sẽ mời bà ta dùng cơm tối có mặt Karl Brill.
– Hai triệu để sờ nắn cái mông to lớn, cũng ngay tại chỗ này, trong tinh thần quan sát, tuyệt đối không ẩn ý.
Dĩ nhiên là Karl nổi cơn thịnh nộ. Nếu anh chàng có ý niệm thể thao thật sự thì có lẽ Karl không tức giận, đằng này lúc đề nghị, mắt anh chàng bốc ra những ý nghĩ hắc ám khiến Karl cảm thấy chạm tư ái. Hắn hét lớn:
– Bỉ ổi quá! Các vị có thấy không? Vậy mà tôi tưởng ở đây toàn những người đứng đắn.
Gã to lớn cãi lại:
– Tôi là người đứng đắn. Vì vậy mà tôi đề nghị.
– Ông là con heo.
– Nếu tôi đã không là con heo thì tôi đã không là người đứng đắn. Ông bạn nên hãnh diện có một nàng như vậy. Tại sao ông bạn giận? Bạn kết hôn với bà ấy rồi à?
Tôi thấy Karl nhảy dựng lên như bị gai đâm đít. Hắn và bà Beckmann sống với nhau như chồng vợ nhưng không cưới hỏi. Tại sao không cưới hỏi, chẳng ai biết được. Dường như đó là một trong những thói kì của hắn cũng như hễ cứ vào mùa Đông là hắn thường đào lỗ trong băng rồi chui xuống đó tắm, và gọi đó là một trò thể thao.
Gã to lớn lải nhải:
– Tôi, ông bạn biết không, một hòn ngọc quý báu như thế, tôi sẽ bồng trên tay, tôi sẽ bọc lại bằng nhung lụa. Bằng nhung lụa đỏ.
Gã vừa nói vừa dùng tay phác họa những đường cong của bà Beckmann trong không khí. Một chai rượu mạnh cạn tới đáy đang nằm bên cạnh gã. Tôi không chú ý tới nữa và tiếp tục đánh đàn. Tôi tưởng tượng cảnh gã bồng bà Beckmann trên tay…
Karl quát lớn:
– Ra ngay! Quá lắm rồi. Tôi không bao giờ đuổi khách nhưng lần này thì đã quá sức chịu đựng.
Một tiếng thét đau đớn vang lên từ cuối phòng. Ở đó, một anh chàng say đang nhảy cỡn. Karl phóng tới, chụp một cái kéo, chận máy ngừng lại. Anh chàng say ngã ra bất tỉnh.
Karl tức tối:
– Trời ơi! Sao lại nhè máy ghép đế giày mà phá.
Mọi người ào tới. Một vài đoạn chỉ may còn dính tòn teng ở hổ khẩu bàn tay phải của anh chàng hay táy máy. Karl đổ rượu vào vết thương khiến anh ta tỉnh lại ngay. Karl bỗng nhìn quanh và lo ngại:
– Thằng cha to lớn đâu rồi?
Một người đùa:
– Có lẽ tự nó đã biến thành nhỏ lại để không ai thấy.
Mọi người cười ồ lên. Nhưng tất cả bỗng trố mắt khi cửa mở bật ra. Anh chàng to lớn gập cong người lùi lủi đi vào, hai cánh tay bị bẻ quặp ra sau bởi bà Beckmann. Tới giữa phòng, bà ta xô mạnh tới khiến anh chàng ngã chúi vào đống giày đàn bà. Bà Beckmann phủi tay như vừa cầm phải một món đồ dơ rồi lẳng lặng quay ra.
Karl nhảy tới, dựng xốc gã to lớn lên. Gã rên rỉ:
– Trời ơi! Nó bẻ lọi tay rồi. Ôi đau bụng, chết mất.
Không cần giải thích ai cũng biết, bà Beckmann cũng mạnh tương đương như Karl – nhà thể thao tắm tuyết – hiển nhiên là bà ta đã vặn lọi một cánh tay của gã và đã đánh gã nhừ tử. Sau tháng trước, hai tên trộm lẻn vào xưởng không may bị bà ta bắt gặp. Cả hai đều vào nhà thương.
Giận tái mặt, Karl lôi gã to lớn ra chỗ sáng nhưng gã đã bất tỉnh rồi.
Một ông khách cao lêu nghêu vừa đổ một li bia vào chiếc dương cầm vừa nhừa nhựa nói:
– Coi vậy mà thằng Karl cũng có tinh thần hiếu khách.
Tôi ra đường lớn trở về nhà. Đầu nặng như chì. Đã uống quá nhiều nhưng tôi không biết hối tiếc bởi vì tôi muốn vậy. Sương mù từng lúc che mờ một vài ánh đèn lẻ lơi ở các cửa hiệu buôn. Trước cửa một hàng thịt, một bó hoa hồng khoe màu cạnh một con heo sữa. Quanh đó là một số dồi chả được xếp đặt với một sự lơ là cố ý. Quả là một cảnh tượng duyên dáng nhằm phối hợp sự thưởng ngoạn và ý nghĩa thực dụng.
Vào tới sân, sương mù dày đặc, tôi đụng mạnh vào một cái bóng. Lại lão thượng sĩ hồi hưu đang đứng trước cái tháp tưởng niệm đen. Knopf lảo đảo vội vàng ôm cái tháp trong dáng điệu như muốn trèo lên.
– Xin lỗi vì không thấy đường nên đã đụng vào ông. Nhưng ông định làm gì nữa đây? Tại sao không về nhà mình hoặc ra góc đường tiểu tiện?
Lão ta buông tay ra, gầm gừ nho nhỏ:
– Làm cái gì kì vậy? Ướt hết cả quần rồi.
– Càng tốt. Cứ đái vào quần như vậy cho ấm.
– Nè, nên lễ phép một chút!
Và lão ta xiêu vẹo bỏ đi. Tôi lên cầu thang với ý định dùng số tiền thắng cuộc ở nhà Karl mua một bó hoa gởi cho Isabelle. Thường thường, hễ cứ tặng hoa cho ai là tôi gặp chuyện đau lòng nhưng biết cách nào khác hơn. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn trời đêm và thì thầm những lời lẽ mà tôi thích được nói ra vào một ngày nào đó với một người nào đó. Bây giờ, tôi chẳng có ai để nhận lấy thứ ngôn ngữ đó, ngoại trừ Isabelle, nhưng khốn nỗi, trên thực tế nàng chẳng hề biết tôi là ai. Còn tôi, tôi có thật sự biết mình là ai chưa?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.