Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gãy cánh
Chương 14
Thi đoàn lại tới kỳ họp tại nhà Edouard Knoblock. Cuộc viễn chinh nhà chứa đã được quyết định xong. Nhân vật chính là nhà giáo kiêm nhà thơ Otto Bambuss đứng chờ đợi để tìm hồng huyết cầu cho những vần điệu của anh ta. Hans Hungermannn cũng nôn nóng với mục đích gia tăng kích thích tố cho tập Casanova và một số thơ tự do chưa đủ sức nóng.
Tôi hỏi Edouard:
– Sao bạn không đi với chúng tôi?
Hắn trả lời với giọng điệu trên trước:
– Không cần. Đã đầy đủ lắm rồi.
Tôi biết là hắn nói dối và biết rõ hắn muốn ám chỉ gì. Hans Hungermann cười:
– Ông ta ngủ với mấy con nhỏ ở nhà hàng. Nếu chúng nó từ chối, ông ta sẽ tống cổ ra.
Edouard phản kích ngay:
– Chỉ có những đứa làm thơ tự do mới thích thứ tự do luyến ái. Với tôi thì không, thưa ông bạn.
– Còn với khách thì sao?
Edouard nhìn lên cao:
– Với khách nhà hàng? Đôi khi mình đa cảm. Như những nữ bá tước Bell Armin chẳng hạn, hay thí dụ như…
Tôi cắt ngang:
– Nói hết ra. Thí dụ như ai?
Edouard nhún nhảy:
– Người đàng hoàng luôn luôn biết giữ kín chuyện riêng.
Ngay lúc đó, Valentin Busch bước vào. Tuy không phải con người văn nghệ nhưng hắn vẫn tới mỗi khi Otto Bambuss lạc vần thơ. Hắn cười với Edouard:
– Mạnh giỏi chớ? Vẫn sung sướng còn được sống, phải không? Nếu không thì làm gì có chuyện bá tước.
Edouard ngạc nhiên:
– Ủa! Làm sao bạn biết?
– Ở dưới đường, tôi nghe bạn tuyên bố oang oang. Chắc là uống khá nhiều. Mặc! Sẵn sàng chấp nhận vụ bà bá tước. Chỉ biết là tự hài lòng đã cứu bạn sống đủ rồi.
Đoán chừng Valentin sắp mở cuộc tấn công vào hầm rượu, Edouard đánh gạt:
– Ồ, đó là chuyện còn hồi chiến tranh.
Valentin hòa hoãn:
– Được rồi! Nhưng sau chiến tranh coi bộ bạn sống thơ mộng lắm.
– Giữa thời buổi này à?
– Tự nhiên. Khi thất vọng con người thường thích chuyện phiêu lưu. Nữ bá tước, nữ nam tước, nữ tử tước giữa thời buổi này lại càng thất vọng hơn ai cả. Xin lỗi, đang ờ giữa những nhà thơ mà tôi lại ghép vần ghép điệu. Thế nào, Edouard? Một chai rượu ngon chớ?
Knoblock vẫn không lạc hướng:
– Bữa nay, không được đâu. Rất tiếc, Valentin, cả thi đoàn bận ra ngoài thưởng ngoạn.
– Bạn cùng đi à?
– Dĩ nhiên, Louis! Là thủ quỹ, tôi phải… Hồi nãy, tôi không nghĩ tới. Bổn phận phải làm tròn.
Tôi cười, Valentin nháy mắt với tôi nhưng không cho biết có cùng đi không. Edouard cũng cười khi nghĩ tới khỏi mất toi một chai rượu hảo hạng.
Chúng tôi lên đường tới số 12 đường Nhà Ga. Thành phố chúng tôi có hai nhà thổ, nhưng cái quán gái ở Nhà Ga đặc biệt hơn. Đó là một ngôi nhà nho nhỏ nằm biệt lập giữa những cây bạch dương. Đó cũng là nơi mà tôi đã từng biết qua thời còn thơ ấu, dĩ nhiên là không cần hiểu những nhân vật trong đó làm gì.
Những chiều thả rong, bọn học trò nhãi ranh chúng tôi thường rủ nhau ra suối hay tới ao để bắt cá, câu lươn hoặc ra đồng đuổi bướm. Một trưa nóng bức, chúng tôi kéo nhau tìm quán nước không ngờ lại đi vào ngôi nhà số 12. Gian phòng lớn từng dưới cũng giống như hầu hết những quán nước khác. Chúng tôi quây quần uống nước Seltz và một lúc sau, vài người đàn bà mặc áo rộng trong nhà và váy hoa đến ngồi cùng bàn. Họ hỏi chúng tôi làm gì và học lớp mấy. Tám hôm sau, đúng vào tiết đại thử, bọn tôi lại vào quán này, có cả sách vở mang theo để học ôn trong khi ngồi hứng mát bên bờ suối. Những người đàn bà khả ái đó cũng lại tới bàn chúng tôi hỏi han thân mật. Phòng mát, người nhà dễ dãi, buổi chiều lại vắng khách, chúng tôi lấy bài ra làm. Mấy người đàn bà nhìn chúng tôi học, thỉnh thoảng chỉ dẫn cách làm cho đúng với dáng điệu của những cô giáo. Họ đọc lại những bài luận, kiểm soát điểm, bắt chúng tôi trả bài thuộc lòng. Những đứa giỏi thường được thưởng sô-cô-la trong khi mấy thằng quá kém thì bị véo tai. Và rồi, chẳng bao lâu, hình ảnh quen thuộc và sự đối xử chân tình của người đàn bà dễ mến đó khiến cả bọn học sinh chúng tôi coi họ như dì hay cô giáo. Cứ mỗi lần bọn tôi tới là họ sốt sắng hỏi về bài vở và khuyên nhủ cũng như rầy la. Vào thời đó, mẹ tôi bịnh phải năm nhà thương nên một phần học vấn của tôi được kể như đã hấp thụ trong ngôi nhà chứa điếm đó. Phải nhìn nhận rằng, họ nghiêm khắc và tận tình hơn những người đã dạy chúng tôi ở trường hoặc ở nhà. Hai mùa Hè liên tiếp, chúng tôi đều tới học và làm bài ở ngôi nhà số 12, rồi gia đình tôi phải dọn về một khu vực khác.
Trong thời chiến, tôi trở lại đó một lần với các bạn. Đó hôm chia tay để lên đường ra mặt trận sau một thời gian được huấn luyện quân sự. Tất cả chúng tôi đều tròn 18 tuổi, và phần lớn chưa hề biết đàn bà. Lý do khiến bọn lính mới chúng tôi chọn nơi này là không muốn chết trước khi biết rõ chuyện đời. Năm đứa cùng vào. Người nhà đón chúng tôi vô cùng náo nhiệt. Phần bọn tôi thì háo hức vì mấy năm sau này, chúng tôi đã biết họ là ai. Sau một lúc mượn rượu lấy can đảm, Willy – thằng bạo dạn nhứt trong bọn – gọi Frilzi, người hấp dẫn nhứt của nhà chứa:
– Thế nào cưng, mình lên phòng được chưa?
Frilzi trả lời qua khói thuốc:
– Được chớ, nhưng có đủ tiền không?
– Quá nhiều.
Willy vừa đáp vừa cho coi khoảng tiền lương mới lãnh gộp chung với số tiền của bà mẹ cho trước khi ra trận. Fritzi lơ đãng bảo:
– Xong rồi, theo tôi.
Willy đứng lên, lột mũ lính ra. Fritzi bỗng rùng mình mà nhìn sững vào mái tóc hung của Willy – một màu hung đặc biệt – mà mãi cho tới bảy năm sau, người đàn bà này vẫn chưa quên. Fritzi nhận ra ngay:
– Xin lỗi, cậu có phải là Willy không?
Willy cười thật tươi:
– Đúng nó rồi.
– Và trước kia, hồi còn bé, cậu có tới đây làm bài của nhà trường?
– Quả đúng.
Fritzi gằn từng tiếng:
– Vậy mà… mà cậu có còn ý định lên phòng với tôi?
– Cố nhiên! Mình là người cũ với nhau.
Nó vừa đáp vừa cưới hô hố nhưng tiếp sau đó là một tiếng chát vang lên. Nó bị tát tai, đang ngơ ngác trong khi người đàn bà nói như nghẹt thở:
– Đồ thú vật! Vậy là hết rồi!
Willy ấp úng:
– Sao vậy? Mấy thằng kia…
Fritzi lồng lên:
– Mấy thằng kia… Mặc kệ chúng nó. Có phải chính tao đã bắt bọn mày trả bài thuộc lòng về giáo lý cương yếu không? Có phải chính tao giúp bọn mày làm bài không? Có phải chính tao lo sợ bọn mày cảm lạnh không? Trả lời mau, quân con heo!
– Nhưng bây giờ, tôi đã mười bảy tuổi rưỡi…
– Câm miệng! Đồ trâu chó! Đi ra ngay!
Tôi buột miệng:
– Ngày mai nó ra trận.
Người đàn bà nhìn thẳng vào mắt tôi:
– Còn mày, có phải thằng bé thả rắn trong phòng này không? Phải đóng cửa ba ngày để tìm cho ra mấy con rắn của mầy, nhớ không?
– Tôi đâu có thả. Tại chúng nó sút ra…
Tôi chưa kịp nói hết đã bị một cái tát như trời giáng. Frilzi gầm lên:
– Đi ra! Mau! Bọn côn đồ!
Cả bọn chúng tôi tiu nghỉu đi ra với vũ khí trên tay nhưng cũng với một bên tai nóng rát. Chẳng biết làm gì hơn, cả bọn lại rủ nhau đi uống rượu cho tới say mèm.
Trong tình trạng đó, chúng tôi ra tới chiến tuyến. Mười tám tuổi chưa hề biết đàn bà. Và một số đã chết ngoài mặt trận, chắc không còn đủ thời giờ hối tiếc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.