Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gãy cánh

Chương 18



Nàng ngồi trong góc phòng, nép mình bên cửa sổ.

– Isabelle!

Không có tiếng trả lời. Mi mắt nàng chớp chớp như cánh bướm bị găm kim.

– Isabelle, tôi tới tìm cô.

Nàng hoảng sợ, ép sát người vào tường:

– Cô không nhận ra tôi sao?

Isabelle vẫn ngồi câm lặng, chỉ có đôi mắt hướng về tôi, ảm đạm và sợ sệt. Một lúc sau, nàng hỏi qua hơi thở:

– Ai sai anh tới? Phải cái người tự xưng là bác sĩ không?

Đúng là Wernicke nhờ tôi tới.

– Có ai sai bảo gì đâu? Tôi lén tới đây, không ai hay biết cả.

Isabelle đứng lên, từ từ rời khỏi chỗ:

– Cả anh nữa, anh cũng phản bội tôi.

– Không, tôi không hề phản bội cô. Tại cô không chịu ra ngoài nên chúng ta không thể gặp nhau.

– Ra làm sao được. Họ đang chực sẵn ở ngoài. Tôi ra là bị bắt ngay. Họ đã khám phá được là tôi ở đây.

– Ai?

Nàng nhìn tôi nhưng không nói. Tôi vỗ về:

– Có ai rình mò gì đâu, Isabelle.

– Có chớ, có những âm thanh, anh không nghe sao?

– Đó là tiếng gió. Isabelle.

Tự nhiên, nàng dịu giọng:

– Chắc là tiếng gió.

Tôi tiến về phía Isabelle, đi ngang qua một cái ghế dựa phủ vải hoa. Thình lình, Isabelle nói một hơi:

– Anh biết không, ở ngoài đó đang có một người đàn bà định bắt cóc tôi. Bà ta tự xưng là mẹ tôi. Tôi không dám ngủ nữa. Tại sao họ không cho người đến đây canh cửa? Tôi phải tự canh gác lấy. Mệt đến muốn ngất đi… Có một cái gì cháy nóng trong đầu, không làm sao nhắm mắt được. Ngay cả anh, anh cũng bỏ tôi.

– Tôi bỏ cô bao giờ?

– Anh đã nói chuyện với họ và chắc chắn là đã bị mua chuộc rồi. Tại sao anh không tới để bảo vệ tôi? Anh không muốn mà, tôi biết nếu anh muốn thì anh đã cứu thoát tôi rồi.

Nàng quay mặt vào tường. Buổi chiều đi vào qua cửa sổ. Tôi ôm Isabelle trong vòng tay. Nàng run rẩy, nép sát người vào trong khi tôi chua xót nghĩ: hai người xa lạ không hiểu rõ ràng nhau vậy mà vẫn có thể tìm một lối thoát tương đối êm dịu qua sự ngộ nhận kéo dài.

Isabelle thở dài:

– Tại sao anh không yêu em?

– Anh yêu em.

Tất cả những gì trong tôi đều là tình yêu đối với Isabelle.

– Không! Bọn người kia vẫn còn đó. Nếu yêu em anh đã giết họ rồi.

Tôi vẫn giữ nàng trong vòng tay và nhìn ra vườn cây giữa lúc bóng tối từ từ dâng lên và những lối đi vừa nhuộm tím. Tôi tự biết mình đang sáng suốt nhưng đồng thời có cảm tưởng như đang đứng trên một chóp nhọn thật cao mà bên dưới là vực thẳm của một dòng suối đổ máu.

Ngả đầu vào vai tôi, Isabelle thì thào:

– Anh có thấy lạnh không? Cứ mỗi đêm là tất cả đều chết đi. Trái tim cũng chết.

– Không có cái gì chết đâu. Isabelle, không bao giờ.

– A! Tất cả đều nói dối. Cả anh nữa, anh cũng nói dối.

– Phải, nhưng không cố ý.

Isabelle bị run lên và áp cả thân mình vào người tôi:

– Họ bịt mắt em rồi lấy kim đâm vào. Vậy mà em vẫn nhìn thấy.

– Em thấy gì?

Nàng bỗng đẩy mạnh tôi ra:

– Họ sai anh tới đây nhưng đừng hòng tôi khai điều gì cả. Anh là gián điệp, họ trả tiền để anh dọ thám tôi. Tôi mà nói ra là họ sẽ giết tôi.

Tôi không chút ngạc nhiên:

– Anh không phải gián điệp đâu.

Isabelle dường như suy nghĩ lại. Tôi cố gắng không động đậy, không thở mạnh. Chúng tôi đang đứng trên một ngưỡng cửa mà phía sau đó là cả một vùng tự do – điều mà Wernicke gọi là tự do – đó là sự trở về từ những khu vườn điên dại để ra những con lộ bình thường, những ngôi nhà và những cuộc tiếp xúc giữa con người.

Cuối cùng, tôi tìm một lối khuyên giải:

– Nếu em nói rõ cho anh biết, họ sẽ không còn muốn quấy rối em. Và nếu họ vẫn tiếp tục, anh sẽ đi tìm cảnh sát… anh cho báo chí hay. Lúc đó, họ sẽ hoảng sợ. Và em được yên lành.

Nàng chắp hai tay lại:

– Không phải chỉ có vậy thôi…

– Vậy còn gì nữa?

Trong một thoáng, mặt nàng bỗng đanh lại, môi mím chặt, cằm đưa tới trước. Bây giờ, nàng là hiện thân của một nữ đồng trinh hung hãn.

– Thôi!

Giọng nàng cũng khác hẳn đi. Tôi dỗ dành:

– Có gì đâu. Anh chỉ muốn cho em biết rõ hơn.

Tôi hồi hộp. Ánh mắt Isabelle đã hoàn toàn ngây dại, màu chiều biến nó đục lờ như hai viên đá đen. Nhưng hai viên bản thạch đó đang nhìn tôi với tất cả khinh mạn:

– Mầy muốn biết rõ lắm, phải không? Mầy đã phản tao, đồ mật thám!

Tự nhiên tôi bỗng giận sôi lên mặc dầu vẫn biết mình đang đứng trước một người loạn trí. Tôi hét to lên:

– Khốn kiếp! Tội gì phải dây vào tất cả những chuyện này?

Tôi thoáng thấy mặt Isabelle biến sắc và dịu lại nhưng cơn giận vô nghĩa đã mang tôi ra khỏi phòng như một trận cuồng phong.

– Rồi sao nữa?

Tôi nhún vai không buồn nhìn Wernicke:

– Chỉ vậy thôi. Nhưng tại sao lại phái tôi tới gặp cô ta? Có thay đổi được gì đâu. Đã vậy, thay vì an ủi người bệnh, tôi lại nổi xung, chẳng ích lợi gì cả.

– Cậu không biết chớ làm như vậy là đúng lắm. Rất có lợi cho cô ấy.

Wernicke lấy từ sau dãy sách ra một chai rượu và hai cái ly. Vừa rót rượu, ông ta vừa ôn tồn hỏi:

– Uống một chút cognac với tôi đi. Có một điều mà tôi muốn biết: là thế nào cô ấy biết có bà mẹ tới đây?

Tôi sửng sốt:

– Mẹ cô ta đã tới đây?

Wernicke gật đầu:

– Tới từ hôm qua. Cô ấy chưa gặp mặt, dầu là nhìn từ cửa sổ.

– Nhưng tại sao cô ta lại có thể thấy.

Wernicke ngắm nghía màu rượu trong ly:

– Muốn nhìn thấy cô ấy phải có một đôi mắt tương đương với viễn vọng kính. Tuy nhiên, những người bị bệnh tâm trí thường hay có những trực giác lạ lùng. Có thể cô ấy đoán ra nhờ đã dần dần khôi phục.

– Ông nói sao? Cô ta hiện còn điên dữ hơn lúc trước.

Wernicke vẫn bình thản:

– Không đâu.

Tôi đặt li xuống và nhìn những quyển sách dày cộm:

– Cô ta còn thảm hại đến nỗi tôi muốn nôn mửa.

– Thảm hại thì đúng nhưng điên thì không.

– Vậy, tốt hơn hết là nên để cô ta hoàn toàn sống sung sướng như mùa hè vừa qua. Bây giờ… ghê tởm quá.

Wernicke nhìn nhận:

– Ghê tởm thật.

– Giống như kẻ đang ở trong phòng tra tấn.

Wernicke gật đầu:

– Nhưng không phải chỉ có một mình cô ấy. Cậu hãy còn trẻ để giải quyết vấn đề thương hại. Thêm một ít tuổi nữa sẽ biết.

– Tôi cũng đã có một mớ kinh nghiệm về phần tôi.

– Đừng tự hào lắm về cái nhãn hiệu cựu chiến binh. Những gì cậu thấy không dính líu chi đến vấn đề siêu hình của sự xót thương mà chỉ là dậy lên thêm sự ngu dại của loài người. Lòng trắc ẩn bắt đầu từ một nơi nào đó và tự kết thúc tại một nơi nào đó… vượt ra ngoài phạm vi của những kẻ hay than vãn như cậu hoặc những kẻ hay ban phát những lời an ủi, chia buồn.

Ông ta uống cạn li bình lặng nhìn màn đêm đang từ từ buông xuống. Ánh đèn điện làm ngời chiếu những gáy sách nhiều màu. Đột nhiên, ông ta đứng lên, lấy nón đội rồi nhích vành nói sang một bên để chào tôi:

– Xong rồi. Đã tới giờ đi thăm bệnh

– Sao bác sĩ không cho cô Geneviève Terhoven một ít thuốc ngủ?

– Nhưng thuốc ngủ không thể chữa hết bệnh.

– Ít ra cô ta cũng được một đêm yên nghỉ.

– Cám ơn. Tôi sẽ làm theo lời cậu… À, tôi quên nói điều này: Hôm nay chỉ một mình cậu thôi cũng đã hơn cả một lô y sĩ chuyên chữa bệnh điên. Rất cám ơn.

Tôi không hiểu ông ta muốn nói gì. Tôi lặp lại:

– Đừng quên cho cô ta uống thuốc ngủ. Loại mạnh.

– Đồng ý. Câu có sang Trung Hoa chưa?

– Trung Hoa à? Sao tôi lại phải đi?

– Tôi… Tôi đã có lần ở đó… trước chiến tranh. Giữa thời nạn lụt và đói khát xảy ra liên miên.

– Ông khỏi bận tâm kể thêm. Tôi đã đọc hàng lô sách nói về những chuyện đó rồi. Ông đi gặp cô Geneviève Terhoven ngay bây giờ phải không?

– Tôi sẽ tới cô ấy trước. Đừng lo, tôi sẽ giúp cô ấy ngủ yên.

Và ông ta cười khó hiểu:

– Sau đó tôi sẽ có một vài câu hỏi tế nhị với mẹ cô ta.

Văn phòng chìm trong bóng tối. Tôi mở đèn lên và bắt gặp một mảnh giấy trên bàn“Riesenfield đã lên đường. Hôm nay, nghỉ phép vào nửa đêm. Hãy sẵn sàng tỉnh táo, nhớ cắt móng tay và đừng quên cầu nguyện cho đức vua và tổ quốc. Ký tên Kroll, thượng sĩ và con người. Tái bút: Coi chừng! Tội lỗi đang rình rập ngay cả trong giấc ngủ”.

Tôi lên phòng riêng. Chiếc dương cầm cười nhe cả hàm răng trắng xóa. Trên kệ là những quyển sách của các nhà tư tưởng lớn. Chúng nhìn tôi với đầy vẻ nghi ngờ. Tôi gởi ra cửa sổ một loạt âm thanh, Lisa xuất hiện trong chiếc áo choàng với một bó hoa to tướng. Ả nói lớn qua con hẻm:

– Của Riesenfield! Ngốc quá! Có cần loại rau này không?

Tôi từ chối bằng cử chỉ. Biết gởi cho ai? Không thể cho Gerda, cả Isabelle nữa.

– Không hả?

– Không, cám ơn.

– Đổ quạ mổ! Vui lên một chút chớ.

Ả đóng sầm cửa lại. Tôi lại tung thêm một loạt âm thể ra ngoài trời. Không cảm hứng. Tôi đậy nắp dương câm và xuống gác. Xưởng mộc của Wilke vẫn còn đèn, tôi lên chỗ anh ta và hỏi ngay:

– Vụ mấy đứa bé sanh đôi tới đâu?

– Xong xuôi. Tốt đẹp. Đã vậy lại còn mua được một chỗ nằm tốt, đất có cát, khô ráo, ở trên cao.

– Cho ai? Cho bà ta và chồng? Để làm gì?

– Đừng quên là giữa thời buổi này có một chỗ chôn cất tức là để chiếm được một vị trí tốt nhất cho cuộc đời. Vả lại, bà ta có thể bán đi nếu cần. Lạm phát như điên, thế nào cũng kiếm được chút ít.

– Quá đúng, tôi quên mất, xin lỗi. Còn bạn, đang làm gì đây?

Wike chỉ một chiếc quan tài:

– Đóng hộp cho thằng cha ngân hàng. Werner. Bất đắc kì tử. Gỗ quý, bạc khối, tơ thứ thiệt, giờ phụ trội… ngon lành. Đêm nay không ở chơi à? Kurt Bach đi đâu mất. Vậy là ngày mai bạn có thể bán được một cái tháp thứ quý nhứt. Thằng cha này ngã chết sau khi đóng cửa nhà băng.

– Thành thật chia buồn. Phần tôi cũng gần như sắp chết. Nên tới Moulin Rouge, quá một giờ trở về làm tiếp, được không?

Wilke suy nghĩ một chút rồi gật đầu:

– Ý kiến hay. Nhưng có cần mặc áo đuôi tôm không? Tôi không có.

– Cần cóc gì.

– Cũng được. Có hay không có áo đuôi tôm thì cùng phải xài tất cả số tiền làm một đêm chỉ trong một tiếng đồng hồ. Nhưng… hay là tìm một quán rượu nho nhỏ. Chắc chút nữa tôi phải tới Blum, bia của hắn ngon lắm.

Tôi băng qua sân trong bóng tối. Một đốm mờ nằm ngang dưới chân tháp tưởng niệm đen: bó hoa của Lisa. Ả đã đem bỏ lại đó trước khi tới Moulin Rouge. Tôi ngập ngừng nửa muốn lấy, nửa muốn không. Tới lúc chợt nghĩ là Knopf có thể tưới nước bẩn lên đó, tôi không do dự nữa. Đem bó hoa về phòng, tôi cắm vào một bình đất nung. Gian phòng như sáng chói ra. Thế là tôi đang sống cùng những đóa hoa cúc nâu, trắng và vàng phảng phất mùi nghĩa địa. Bất giác tôi tưởng như mình đang nằm dưới đáy mồ. Thật ra, có phải tôi đã vừa chôn một vật gì đó hay không?

Càng về khuya, hương hoa càng ngào ngạt và trở nên khó chịu. Nhìn sang xưởng mộc tôi biết ngay là giờ này Wilke hãy còn ngồi ở quán để chờ giờ của ma quỷ đi qua mới dám trở về. Tôi đem bó hoa sang chỗ hắn. Một chai bia nhỏ đang tựa mình vào cái hòm của gã khổng lồ. Tôi uống cạn, đặt tại chỗ rồi mở toang cửa sổ ra để lúc trở về ngỡ là một oan hồn nào đó đã vào đây uống bia của hắn. Ngắt từng cánh hoa ra, tôi rải trên chiếc quan tài đóng dở dang và đặt ở chân làm tờ giấy bạc một ngàn Đức kim mất giá.

Wilke sẽ ngạc nhiên ra sao? Hắn phản ứng thế nào? Nếu cái hòm của Wilke không xong được đêm nay cũng chưa phải là tai họa. Tên chủ ngân hàng đó, với khối tiền lạm phát, đã làm sạt nghiệp chẳng biết bao nhiêu trương chủ đã tin cậy hoàn toàn nơi hắn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.