Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gãy cánh
Chương 20
Tôi đã vận dụng tất cả mọi phương cách nhưng vẫn chưa thoát được lão Roth, một cựu nhân viên phát thư từng đem toàn những tin đau buồn tới khu phố chúng tôi trong thời chiến.
Trước năm 1914, mọi người đều vui vẻ khi thấy ông ta tới, nhưng từ khi thế chiến xảy ra, Roth bỗng trở thành bóng dáng của tai họa đối với nhiều gia đình. Cái túi da của ông ta đầy ngập những tin tức chẳng lành: lính gọi nhập ngũ, giấy cáo tri có mang hàng chữ “Hi sinh cho Tổ quốc”. Chiến tranh càng kéo dài, ông ta càng phát nhiều thơ từ loại đó. Roth tới đâu thì là y như có nước mắt rơi ở đó.
Rồi một hôm ông ta bỗng có bổn phận phát cho chính ông ta một trong những bức thơ định mệnh. Và không đầy một tuần sau ông ta nhận thêm một bức thư thứ hai cùng loại. Sức người có hạn. Roth không chịu nổi. Thế là ông ta bắt đầu loạn trí. Giới thẩm quyền Bưu điện buộc lòng cho ông ta về hưu. Và rồi cũng như bao nhiêu người khác, Roth bị nạn lạm phát lên án tử hình nhưng được phép chết từ từ vì đói khổ. Một số bạn bè giúp đỡ cho con người già nua đơn độc đó. Vài năm sau ông ta lại bắt đầu đi đó đi đây nhưng tâm trí vẫn cứ bất bình thường. Roth cứ tưởng mình là người đưa thơ nhưng chỉ muốn đem tới những tin lành, ông ta thường lượm lặt các bao thơ cũ và những bưu thiếp rồi tới từng nhà phân phối, bảo đó là thơ của những tù binh Đức còn sống ở Nga.
Ông ta bảo:
– Họ không chết đâu, họ chỉ bị bắt và không bao lâu nữa họ sẽ trở về đây.
Tôi nhìn tấm bưu thiếp của Roth vừa đưa, đó là một mẩu giấy in kêu gọi tất cả công dân tham gia vào cuộc xổ số của chế độ cũ. Thật là cả một sự khôi hài chua chát trong thời buổi lạm phát này.
Ông ta làm thế nào lượm được mảnh giấy này? Tôi cố làm ra vẻ thật vui:
– Cám ơn ông. Cám ơn nhiều lắm.
Roth gật gù:
– Họ sẽ từ Nga trở về. Không còn bao lâu nữa…
– Vâng, họ sắp trở về. Không thiếu mất một binh sĩ nào cả. Nhưng phải từ từ. Nước Nga ở quá xa.
– Vâng, hai người con của ông cũng sẽ trở về một lượt.
Mắt người điên sáng lên:
– Phải, phải. Chúng nó cũng về. Chúng nó đã báo tin cho tôi. Lúc này tất cả những thơ từ đều chứa toàn tin lành.
Người đưa thơ cười rồi lặng lẽ tiếp tục chuyển phát thơ tưỏrng tượng. Lúc đầu, nhà chức trách muốn nhốt ông ta lại nhưng gặp sự phản đối mãnh liệt từ mọi giới, họ đành để ông sống tự do.
Một vài tên lưu manh mới đây nảy ra ý nghĩ, nhờ sự trung gian của Roth, gởi tới các nhà chính trị đối nghịch những bức thư hăm dọa. Có kẻ còn lợi dụng lão già mất trí này gởi những lời lẽ thô bỉ hoặc gạ gẫm đến những quả phụ còn xuân.
Nhưng rồi một số lầm lẫn đã xảy ra. Roth thường đưa lộn thư của người này cho người kia. Chính vì vậy mà có một bức thơ gởi cho Lisa được trao tận tay tu viện trưởng Bodendick đề nghị một cuộc găp gỡ lén lút lúc một giờ đêm với giá mười triệu Đức kim.
Cửa nhà lão Knopf mở toang. Tiếng máy may kêu rào rào. Từ sáng sớm, người ta đã mang tới một xấp vải đen để may tang phục. Lão Thượng sĩ vẫn còn thoi thóp nhưng theo lời bác sĩ thì kể như lão đã chết.
Biết chắc chắn là chồng sắp chết, bà Knopf không thể ngồi đợi tử thần mà không chuẩn bị lễ tiễn đưa cho chu đáo: mạng che mặt đen cho góa phụ, nón và vớ đen cho cả bốn mẹ con. Phải chuẩn bị một tang lễ lớn vì dù sao họ cũng là hạng một thời thuộc giới trung lưu.
Georges nhô cái đầu sói bóng vào. Cùng đi với y là Oscar “mắt treo cờ tang”. Vừa thấy họ, tôi hỏi ngay:
– Đô-la lên tới bao nhiêu?
Georges hờ hững đáp:
– Chẳn chòi một tỷ hồi trưa nay. Mình có thể ăn mừng dưới hình thức lễ đại xá ngũ thập chu niên, nếu muốn.
– Tại sao không! Và chừng nào sạt nghiệp?
– Tới lúc sập tiệm. Uống gì, bạn Fuchs?
Oscar hững hờ:
– Gì cũng được. Tiếc là ở Wenderbruck này không có Vodka.
– Rượu Vodka? Bạn đã từng đánh giặc trên đất Nga?
– Chớ sao. Chỉ huy cả một nghĩa trang chớ phải bỏ đâu! Đúng là thời kì vàng son!
Tôi không giấu được ngạc nhiên:
– Thời kì vàng son? Một người nhạy cảm, có thể khóc được bất cứ lúc nào như bạn mà lại bỏ thế à?
– Chớ sao, cậu bé. Thực phẩm dư dả, rượu loại nào cũng có, công việc nhẹ nhàng, ở cách mặt trận thật xa, còn muốn gì hơn? Con người rồi cũng quen với sự chết chóc như với bệnh hay lây.
Hắn nhấp li rượu của Georges vừa rót ra với điệu bộ của một tay chơi sành sõi.
– Một lần, lúc còn ở Nga, người ta loan báo là Đức Hoàng đế sắp thị sát vùng của ta chiếm đóng. Ồ, thật là cả một sự xáo trộn. Cũng may là gần đó còn có hai nghĩa địa khác để trao đổi.
Georges nhíu mày:
– Đổi cái gì? Mộ bia hay vòng hoa?
– Không, mấy đồ trang trí nghĩa địa đều luôn luôn thừa thãi. Tôi nói đây là trao đổi xác chết.
– Giỡn à?
– Không đùa đâu, đổi xác chết đàng hoàng. Không phải xác chết nào cũng có giá trị của một xác chết đâu. Bộ binh thì nghĩa địa nào cũng có hàng khối. Hạ sĩ, thượng sĩ, trung sĩ, thiếu úy, trung úy… nhiều vô số kể. Nhưng muốn tìm những cấp lớn hơn thì không phải dễ. Người bạn chỉ huy nghĩa địa gần chỗ tôi có tới ba cái xác tiểu đoàn trưởng trong khi tôi chẳng có một cái nào, thí dụ vậy. Nhưng bên tôi thì có tới hai cái xác trung tá và một cái xác đại tá. Tôi đổi cho anh ta một cái xác đại tá để lấy hai cái xác tiểu đoàn trưởng. Thế là hắn phải trả cho tôi một con ngỗng thật béo. Nếu có thể, hắn sẵn sàng bán cả em gái hắn để lấy một cái xác trung tá. Trình diễn trước Đức Vua mà trong nghĩa địa không có lấy một cái xác trung tá thì còn thể thống gì?
Georges đưa bàn tay che mắt:
– Chỉ nghĩ tới cũng đủ ớn lạnh.
Oscar nhướng mày và đốt một điếu thuốc xì-gà:
– Bây giờ tới chuyện anh chàng coi sóc nghĩa địa thứ ba. Cái khó của hắn gần như chẳng có một sĩ quan nào coi được, không có tới một ông thiếu tá, chỉ toàn là thiếu úy, trung úy… linh tinh. Hắn hận đời vô kể. Tôi đưa cho hắn một trong hai ông tiểu đoàn trưởng vừa đổ được để lấy về hai ông đại úy và một thượng sĩ tác chiến. Quý vị thấy chưa, lúc nào tôi cũng được việc với bạn bè. Đại úy thì tôi có hàng lô. Nhờ vậy mà tôi có được ba con ngựa rằn để trưng bày trong khu đất chết cho thêm phần long trọng.
– Còn mấy ông tướng?
Oscar nheo mắt với tôi:
– Tướng hả. Louis? Một ông tướng không phải là chuyên đùa, một ông tướng chết ở mặt trận lại càng hiếm có như…
Hắn cố tìm một so sánh trong lúc hỏi chúng tôi:
– Quý vị có nuôi loại côn trùng bốn cánh không?
Chúng tôi đồng thanh trả lời không. Hắn hỏi ngay:
– Uổng quá. Phải bảo là hiếm có như con diều giấy của Lucanus Cervris hay là như loại sư tử đầu đàn bà. Nếu không như vậy thì làm gì có chiến tranh, phải không? Ông đại tá của tôi là chết ở hậu tuyến vì bội thực sau một bữa tiệc chớ đâu phải ở mặt trận, ông đại tá đó…
Oscar nhăn mặt. Hắn không nói về đại tá đó nữa.
– Hắn muốn tôi đổi thêm một sĩ quan tham mưu và cho biết sẵn sàng để tôi lấy bất cứ món gì, nhưng bộ sưu tập của tôi đã đầy đủ, tôi không muốn làm sứt mẻ. Cuối cùng hắn ra giá ba mươi sáu chai vodka, tôi đành chìu lòng hắn… dành đổi ông đại tá. Ba mươi sáu chai vodka! Không phải đồ bỏ! Bây giờ tìm không ra một chai!
Tuy thế, hắn vẫn vui lòng uống li rượu mạnh thứ hai. Georges lò mò:
– Việc gì phải rắc rối với mấy cái xác chết? Đổi tới đổi lui, lôi thôi quá. Ở địa vị bạn, tôi chỉ cặm một vài cây thánh giá với tên tuổi và cấp bậc tưởng tượng… Làm như vậy mình có thế có cả một ông tướng, nếu muốn.
Oscar nhăn mặt bất mãn:
– Ồ, ông Kroll! Làm như thế là giả mạo, không đúng tinh thần nghề nghiệp, vả lại, đến lúc bị tiết lộ thì sao. Bọn đào huyện đâu phải vừa. Giả mạo… một ông tướng. Hừm, chắc chắn là Đức Hoàng đế thuộc lòng tên tuổi các tướng lãnh của ngài.
Đề tài đã gần cạn nhưng Oscar vẫn cố vớt vát:
– Quý vị có biết chỗ cốt yếu của câu chuyện là gì không?
Chúng tôi ngồi im. Đó cũng là cách tỏ ra không hiểu. Oscar chặc lưỡi:
– Đức vua không tới. Tất cả đều phải dẹp bỏ. Tôi đã cho trồng cấp tốc một vườn hoa. Thật tiếc…
Rồi hắn mơ màng như tiếc nuối một thời oanh liệt:
– Quả là một thời kì vàng son. Hàng vạn nấm mồ nằm trong khu đất của tôi. Ngày nay – Hắn rút ra một mảnh giấy từ túi áo – Chỉ có hai tấm bia loại trung bình. Xin giao ông.
Tôi đi thơ thẩn trong khu vườn bệnh viện. Lần đầu tiên, đêm nay, Isabelle chịu dự thánh lễ. Hết giờ, tôi đi tìm mãi nhưng chẳng thấy nàng đâu cả. Lá cây đập mạnh vào nhau như tiếng vỗ cánh của loài dơi. Đâu đâu cũng có mùi đất và hương vị mùa Thu. Mùa Hè đâu rồi?
Wernicke ngồi trong phòng riêng. Vừa dùng lưng bàn tay đẩy chồng hồ sơ bệnh lí sang một bên, ông ta vừa hỏi tôi:
– Có gặp cô Terhoven không?
– Có, trong nhà thờ. Ở ngoài không thấy đâu cả.
Wernicke gật đầu:
– Kể từ nay, cậu khỏi phải lo cho cơ ấy nữa.
– Đồng ý! Còn chỉ thị nào khác nữa không?
– Đừng vờ vĩnh thế. Tôi không hề ra lệnh mà chỉ làm bổn phận của bác sĩ với bệnh nhân.
Và nhìn tôi chăm chú, ông nói tiếp:
– Có si tình tì chút nào chưa?
– Si tình? Si ai?
– Cô Terhoven chớ ai! Cũng đẹp đó chớ! A, hư rồi! Tôi quên nghĩ tới chuyện đó.
– Tôi cũng thế.
Ông ta cười:
– Vậy là tốt. Cậu không bị thiệt hại gì cả.
– Thật sao? Từ trước tới nay tôi ngỡ chỉ có ông Bodendick là đại diện Thượng đế, bây giờ lại có thêm một vị nữa. Bác sĩ có biết chính xác cái gì làm hại và cái gì chằng làm hại không?
– Dẹp chuyện đó đi. Dầu sao tôi cũng có quyền. Rất tiếc là tôi không có thì giờ để tranh luận. Tuy thế, cũng nên hút với tôi một điều thuốc xì-gà. Cậu có để ý là đã sang Thu rồi không?
– Có. Và chúng ta đồng ý trên điểm đó.
Wernicke đưa hộp xì-gà tới. Tôi lấy một điếu để khỏi phải bị cho là kẻ si tình nếu từ chối. Thình lình tôi cảm thấy thê thảm đến buồn nôn. Tuy nhiên, tôi vẫn cố đốt điếu thuốc.
Wernicke nhìn khói thuốc:
– Tưởng cũng cần nói rõ cho cậu biết. Bà mẹ cô ấy! Tôi phải mất luôn hai đêm để dẫn dụ bà ta. Cuối cùng bà ta nói toạc ra. Chồng chết sớm, trẻ và đẹp, nuôi một bạn trai trong nhà, cô con phát điên lên… đó là trường hợp đáng nói. Bà ta và người bạn trai không giữ gìn ý tứ, đứa con gái bắt gặp quả tang, có lẽ cô ta đã theo dõi từ lâu… Cậu hiểu chưa?
– Chưa!
Tất cả sự thể càng khiến tôi buồn nôn hơn điếu xì-gà loại xấu của Wernicke:
– Chuyện xảy ra là như vậy. Oán hận bà mẹ, ghê tởm, mặc cảm trốn lánh trong sự nhị trùng hóa nhân cách, trường hợp điển hình! Sau đó bà mẹ và người bạn kia kết hôn, cơn khủng hoảng nổ bùng… và bây giờ, cậu hiểu chưa?
– Chưa!
Wernicke hơi sốt ruột:
– Giản dị lắm. Sự khó khăn đã đi tới cái gút của vấn đề. Và lần này – Ông ta xoa tay – chúng ta may mắn hơn nhân vật thứ hai, người bạn cũ trong nhà Ralph hay Rodopf, một cái tên như thế không còn ở đó nữa để quấy rày chúng ta. Li dị cách nay ba tháng, chết cách đây mười lăm hôm, tai nạn xe hơi. Nguyên nhân bị hủy diệt thế là con đường mở rộng. Nói như thế chắc đã quá đủ để cậu nắm toàn diện vấn đề?
– Hiểu rồi!
Vừa trả lời tôi vừa có ý nghĩ xẻ cổ họng con người thông thái vui tính này ra để nhét vào đó một cuộn băng tẩm thuốc mê.
– Cậu thấy chưa, hiện thời chúng ta đã phăng tới đầu mối. Chỉ trong đầu hôm sớm mai, bà mẹ không còn là kẻ kình địch nữa. Tôi đã phải làm việc suốt tuần để chuẩn bị một cuộc găp gỡ giữa hai mẹ con và tất cả đều diễn ra hoàn toàn tốt đẹp. Cậu đã thấy cô Terhoven trở lại dự thánh lễ lúc nãy rồi.
– Khoan, ông lại đóng vai trò của Bodendick rồi à? Với một kẻ vô thần…
– Đừng giả bộ ngu! Vấn đề không phải ở chỗ đó. Tôi muốn nói là cô ấy đã có phần tỉnh táo, dễ giao tiếp hơn. Cậu không nhận ra điều đó trong lần gặp gỡ cuối cùng sao?
– Cậu thấy không – Wernicke lại xoa tay – Sau cơn xúc động mạnh đầu tiên, kết quả đã có phần mỹ mãn.
– Và cơn xúc động đó cũng nằm trong phần trị liệu?
– Chớ sao.
Tôi nghĩ tới Isabelle đang nằm trong phòng:
– Bác sĩ giỏi quá!
Wernicke vẫn chìm mình trong thành quả vừa đạt được nên không để ý tới giọng châm biếm của tôi.
– Một cuộc tiếp xúc ngắn ngủi cộng thêm phương pháp chữa trị của tôi là mọi việc đều êm xuôi. Nhưng đó là chuyện dự đoán… và tôi đang đặt nhiều hy vọng. Cậu hiểu là tôi không có uy quyền để cho bất cứ gì ngăn trở hay làm chậm trễ diễn tiến bình thường.
– Nói cách khác, tôi không được…
Wernicke gật đầu:
– Tôi biết là cậu hiểu rõ như thế. Cậu có một chút tò mò của nhà thông thái. Cậu đã giúp ích chúng tôi quá lâu nhưng bây giờ… Ủa! Chuyện gì vậy?
– Điếu xì-gà. Mạnh quá!
– Không phải đâu. Loại xì-gà Ba Tây này có tiếng là nhẹ nhất trong các loại thuốc lá khác mà.
– Có thể như vậy.
Tôi dụi mẩu xì-gà còn lại vào cái gạt tàn. Wernicke lại tiếp tục nói một cách say mê:
– Bộ óc con người… Trước kia tôi muốn được làm thủy thủ, một tay phiêu lưu, một nhà thám hiểm rừng già. Buồn cười không! Bây giờ tôi mới biết bộ óc con người mới đáng là nơi được thám hiểm – Ông ta vỗ trán – dường như tôi đã có dịp nói với cậu những chuyện đó phải không?
– Đúng rồi, không cần nhắc lại nữa!
Lá khô dập nát dưới bước chân. Mình là kẻ si tình chị Nguyệt! Dính vào những chuyện rắc rối của nhà tâm bệnh học quèn đó làm gì? Với những người cùng loại ông ta, tất cả đều giản dị.
Tôi đi thẳng ra cổng và suýt đụng phải một người đàn bà đi ngược lại. Bà ta mặc áo choàng lông, không phải là người của viện. Trời tối nhưng tôi vẫn thấy được một khuôn mặt xanh mét, buồn phiền. Bà ta đi qua còn để lại phía sau một ít mùi nước hoa.
Tôi hỏi người gác cổng:
– Ai vậy?
– Không biết. Bà ta tới gặp bác sĩ Wernicke. Đã tới đây mấy lần rồi. Dường như đi thăm một người bệnh nào đó.
A! A! Đúng là mẹ của Terhoven. Ra tới ngoài, tôi nhìn ngoái lại. Tôi giận sôi lên, vừa hận vừa tức là đã tự biến thành lố bịch thương hại cho chính mình… và cuối cùng là cảm nghĩ trống không và bất lực.
Tựa người vào cây dẻ, tôi cảm nhận sự tươi mát của vỏ cây. Tôi không còn biết mình muốn gì và đang ở đâu.
Một lúc sau, tôi tiếp tục đi và lần lần bình tĩnh lại. Cứ để cho họ nói, Isabelle, cứ để cho họ nhạo báng chúng mình. Isabelle em là một cuộc sống bé nhỏ quý mến của tôi, Isabelle nhẹ nhàng và thanh thoát, em dám đi vào những nơi mà loài người tới đó sẽ mất thăng bằng, em bay bổng trong khi họ trợt chúi và tiến tới những biên giới mà họ không thể ngờ… bây giờ họ muốn làm gì em? Tại sao họ phải vận dụng toàn lực để kéo lôi em trở về thế giới của họ thay vì cứ để em sống ở đó thoát khỏi mọi hệ lụy, vượt trên thời gian và cõi chết? Hay là Wernicke đã nói đúng, ông ta muốn cứu em ra khỏi những sự sợ hãi không tên đang lần lần đưa em vào vực thẳm u mê? Ông ta thật sự có được khả năng đó hay không? Hay lại làm cho em rơi mau hơn vào vực thẳm? Nhà sưu tầm bươm bướm đó có hiểu được những nguy cơ và những phút thoát trần của cuộc sống bất chấp thời gian và không gian? Ông ta đã uống mặt trăng chưa? Đã biết là cây cỏ kêu khóc chưa? Tất cả những điều đó với ông ta chỉ là một sự lệch lạc gây ra bởi những va chạm mạnh của tri giác, ông ta là nhà tiên tri, hay Thượng đế, để biết được những gì sẽ xảy ra một cách tất nhiên?
Tôi dừng lại. Thế là, nếu được chữa khỏi, nàng sẽ ra đi! Mẹ nàng, mặc áo choàng lông, phảng phất mùi nước hoa, sẽ can thiệp… Đối với tôi, Isabelle thế là không còn nữa…
Tôi vào một quán cóc. Vài người tài xế đang ngồi ở trong cùng. Một tấm gương méo mó phản chiếu khuôn mặt đờ đẫn của tôi. Phía trước nằm trong tủ kính là khoảng nửa chục ổ bánh nhỏ dồn cá mòi, đuôi cá vểnh lên.
Li rượu mạnh đầu tiên khiến tôi có cảm tưởng dạ dầy thủng lỗ. Tôi ăn ngấu nghiến một hơi mấy ổ bánh và gọi thêm một miếng phô-mai. Tất cả những món ăn đó đều khó ngửi nhưng tôi vẫn nuốt như điên. Tôi lại kêu thêm một dĩa dồi đỏ hỏn tưởng chừng như chúng có thể hí bất cứ lúc nào. Càng ăn tôi cảm thấy rõ sự đau xót và cơn đói cào của ruột.
Người chủ quản nhìn tôi:
– Bạn nhỏ ăn coi ngon lành quá!
– Đói lắm. Còn gì ăn nữa không?
– Còn xúp đậu. Đặc sệt nếu bạn cho thêm bánh mì vào.
– Tuyệt! Cho xúp ra đây.
Món xúp đậu biến mất trong nháy mắt. Chủ quán đem thêm ra một lát bánh mì quết mỡ heo, món này không tính tiền. Tôi lại nuốt chửng! Nhưng vẫn cứ đau khổ và đói cồn cào.
Mấy người tài xế bắt đầu chú ý đến trạng thái lạ thường của tôi. Một người lên tiếng:
– Tôi biết có một thằng cha ăn luôn một hơi ba chục cái trứng luộc.
– Không có đâu. Ăn như vậy là chết ngay. Khoa học đã chứng minh.
Tôi nhìn anh chàng thích làm bạn với khoa học:
– Anh có thấy ai chết như vậy chưa?
– Thấy chớ.
– Không chắc đâu. Có điều khoa học chứng minh rất rõ mà ông bạn không để ý là những người lái xe đều chết yểu.
– Sao vậy?
– Hơi xăng chớ còn sao. Nhiễm độc từ từ.
Chủ quán lại xuất hiện với một dĩa xà-lách trộn theo kiểu Ý. Giờ này, ông ta tìm đâu ra xà-lách tươi? Lại có cả sốt dầu trứng. Bí mật! Hay là ông ta đã lấy bớt một ít trong bữa ăn tối để chia cho tôi? Mặc! Tôi cứ tống hết vào rồi cáo từ. Ruột nóng như lửa nhưng không hiểu sao tôi vẫn có cảm tưởng là nó trống không như chiêc thùng không đáy của các cô Danaides [1].
[1] Danaidea: Tên của năm mươi cô gái con Danaos, đêm tân hôn đã giết tất cả, trừ chồng họ ra. Các cô bị đày xuống địa ngục, bị phạt đổ nước cho đầy một cái thùng không đáy.
Đường phố tối ám, rải rác những người ăn xin. Đây không phải là những người hành khất trước kia mà là những người què cụt vì chiến tranh, những kẻ thất nghiệp và những người già cả không ai nuôi dưỡng giữa thời buổi lạm phát gia tăng.
Cảnh tượng trước mắt khiến tôi xấu hổ khi nghĩ tới mình vừa ăn xong một bữa quá no, quá đầy đủ. Nếu tôi chia phần ăn lúc nãy cho vài ba người trong những kẻ khổ sở này chắc chắn họ sẽ được một bữa ăn sang trọng. Tôi lấy tất cả tiền còn lại trong túi và phân phát. Ít quá. Sáng mai vào lúc mười giờ khoản tiền đó lại mất giá thêm một phần tư. Mùa Thu năm nay, đồng Đức kim đã bị phá giá gấp mười lần hơn. Tất cả những người ăn xin đều biết vậy nên sau khi nhận tiền họ chạy biến đi, bởi một phút là một de dọa. Trong vòng một tiếng đồng hồ, giá của một dĩa xúp có thể lên tới vài triệu Đúc. Đó là tùy theo chủ quán mua đồ sớm hay trễ.
Tôi tiếp tục đi. Từ trong bệnh viện một vài người đi ra cùng một người đàn bà băng bột ở cánh tay phải.
Bệnh viện đứng sừng sững như một tòa thành chiếu sáng trong bóng tối. Hầu hết các cửa sổ đều sáng choang, dường như phòng nào cũng đầy nghẹt bệnh nhân. Giữa thời buổi lạm phát con người chết rất mau. Không ai biết rõ hơn chúng tôi, những người chuyên bán mộ bia.
Ra đường lớn, tôi đi thẳng tới một hiệu tạp hóa thường mở cửa rất khuya. Chúng tôi đã có thỏa ước riêng với bà chủ tiệm. Lúc chồng bà ta chết, chúng tôi đã giao tới một mộ bia loại bình thường và giao ước với giá sáu Mỹ kim đổi lấy hàng hóa. Đó là lối mậu dịch thông thường trong vùng của chúng tôi, người ta có thể đổi những đồ bằng sành để lấy dồi chả, nữ trang; để lấy khoai tây, bàn ghế; để lấy bánh mì, dương cầm; để lấy thịt đùi, lưỡi dao cạo; để lấy rau cải…
Tháng vừa rồi, Georges suýt đổi được một tấm bia cẩm thạch để đổi lấy một cái áo đuôi tôm gần như mới tinh. Tuy nhiên, cuối cùng Georges đành từ khước vì quá tin dị đoan: đó là cái áo của một người đã chết. Người đàn bà góa cho biết, cái áo đó được nhuộm lại rồi và như vậy là kể như còn mới. Theo người thợ nhuộm thì hơi clor đã tống hơi hướm của người chết ra khỏi các nếp áo và các đường may. Georges tiếc quá vì cái áo rất vừa với y.
Tôi nắm chốt cánh cửa. Đã bị khóa mất rồi. Chán nản, tôi nhìn qua những món hàng bày trong tủ kính rồi lững thững trở về nhà.
Trong sân, các tấm bia bằng sa thạch, chưa khắc tên, giăng hàng ngang như chắn lối đi. Kurt Bach vừa làm ra chúng vừa nguyền rủa sự phản bội nghề nghiệp và tài năng của chính hắn. Mấy lúc sau này, hắn ít có dịp đẻo đá để tạc thành những con chim ưng buồn rũ hoặc những tháp tưởng niệm xứng đáng. Chẳng còn gì để làm, hắn đành gọt đẻo những tấm bia rẻ tiền bất cứ lúc nào cũng có chỗ bán, nhứt là vào mùa Thu khi có gió thổi mạnh cũng như vào những ngày đầu xuân.
Mấy chiếc máy may trong nhà lão Knopf vẫn chưa ngưng nghỉ. Xuyên qua cửa kính, ánh đèn từ phòng ăn lão cho thấy họ vẫn còn may tang phục, cửa sổ phòng riêng của lão không có ánh đèn. Có lẽ lão đã chết. Tôi chợt nghĩ, nếu đúng thế, chúng tôi nên đặt cái tháp đen chĩa chóp nhọn lên trời ở mồ của lão. Đõi với lão, cái tháp huyền bí đó cũng như một quê hương thứ hai. Khối đá hoa cương già nua đó đã làm chán nản luôn cả hai thế hệ của dòng họ Kroll.
– Vào đi!
Georges đã nghe tiếng bước chân tôi từ trên gác xuống. Tôi xô cửa và dừng sững lại. Như thường lệ. Georges ngồi ở ghế dựa, quanh y là những tạp chí hình ảnh. Hội đoàn tuyển chọn sách báo ngoại quốc mà Georges đã đóng tiền mua dài hạn vừa gởi tới những tuần sau đó.
Nhưng đó không phải là chuyện làm tôi ngạc nhiên. Vấn đề là y mạc áo đuôi tôm, sơ-mi thẳng nếp và áo cánh trắng, giống y như bức họa của tờ báoĐộc thân. Tôi hỏi dò:
– Vậy là nhượng bộ rồi phải không? Cái áo của chồng người đàn bà góa chớ gì?
– Không đâu! – Georges vươn vai thỏa mãn – Cái áo mà chú thấy đấy chứng tỏ là nữ giới luôn luôn vượt chúng mình về lãnh vực khéo léo. Người đàn bà đó đã đem chiếc áo của ông chồng chết đến một tiệm may đổi lấy cái áo này. Làm như vậy là không chạm đến sự tế nhị của tôi. Cái kia lót bằng sa tanh còn cái này thì lót một lớp lụa đôi. Lại vừa vặn cả tay áo và vẫn một giá.
Tôi ngắm Georges. Cái áo còn tốt, chắc chắn không hoàn toàn mới, có lẽ cũng là của một người nào đã chết. Nhưng thấy Georges quá hài lòng, tôi không muốn làm y mất vui. Vả lại, tất cả những gì chúng ta đang có không phải là của những người đã chết để lại hay sao? Ngôn ngữ, tập quán, kiến thức, thất vọng và còn gì nữa? Hơn thế, trong suốt cuộc chiến, Georges đã chẳng lừng mặc quần áo của những người đã chết hay sao? Năm sau cùng cuộc chiến, chúng tôi đã phải mặc những bộ quân phục còn vấy máu hoặc bị thủng vì vết đạn. Như vậy, bây giờ mặc y phục vẫn còn tươm tất của người chết chẳng phải là đã hơn nhiều sao? Tuy thế, đối với Georges, biểu trưng cho hòa bình là không bao giờ mặc đồ của những người đã chết.
– Các ngôi sao màn bạc bây giờ có thay đổi gì không? Henry Porten, Erna Morena và Lisa de Putti?
Georges ngước mắt:
– Họ cũng có những phiền muộn giống mình. Chạy trốn vào những của cải nổi: xe hơi, áo lông, vương miện, chó đẹp, nhà to, cổ phân đầu tư và sản xuát phim ảnh… có điều là họ tạo được những thứ đó dễ hơn mình.
Y khoan khoái ngắm một bức ảnh chụp cảnh tiếp tân ở Hollywood. Một cuộc khiêu vũ trong một không khí sang trọng không thể tả. Bọn đàn ông đều ăn mặc như Georges hoặc lễ phục.
– Chừng nào anh sắm lễ phục?
– Sau khi được khiêu vũ một lần với áo đuôi tôm. Muốn sắm phải tới Bá Linh. Ba ngày. Và khi nào nạn lạm phát đã kiệt sức và tiền bạc không luôn ra khỏi ngón tay như cát. Trong khi chờ đợi đành bằng lòng với hiện tại.
– Anh còn thiếu giầy nhảy.
Georges lấy đồng vàng hai mươi Đức kim ra, tung lên không bắt lấy và nhét lại vào túi áo, không nói một lời. Tôi thèm muốn được là con người của y. Y ngồi đó, mặt phớt lạnh điếu xì-gà thò đầu ra túi áo, bên kia đường là Lisa luôn say mê y, bởi gia đình Kroll có cả một xưởng thợ trong khi cha của ả chỉ là một nhân viên công nhựt.
Từ lúc bé, Lisa lúc nào cũng ngẩn người mỗi khi nhìn thấy Georges ra đường với cổ áo trắng toát, mũ thủy binh trên đầu trong khi cô nàng mặc váy cũ do mẹ sửa lại cho vừa. Và con bé hàng xóm tiếp tục ngẩn người trước sự hiện diện của gã con trai hàng xóm giàu sang. Georges khỏi cần nhích động ngón tay cũng đã chinh phục được một trái tim lúc còn non. Theo tôi chắc không ngờ Lisa thấy người yêu hói đầu. Đối với ả, Georges vẫn cứ là “hoàng tử của lòng em”.
Georges lấy một hộp cá con rồi chỉ nửa ổ bánh mì và một miếng bơ:
– Chú nghĩ sao? Một bữa lót dạ ngoại lệ để nói chuyện triết lí về một thành phố nhỏ sau khi mặt trời lặn, có nên không?
– Chán lắm. Tại sao đã sang trọng thế này lại chẳng đến nhà hàng cũ Hohenzollern hay nay là “Triều đình” để ăn tối. Trứng cá caviar và trái cây miền biển.
– Tôi chỉ thích những tương phản. Nếu không thì tội gì lại phải làm một tên bán mộ bia trong một thị trấn nhỏ giữa giấc mộng hải hồ.
Georges đứng sừng sững bên cửa sổ với tất cả màu sắc huy hoàng. Bên kia đường vẳng sang một tiếng rú thán phục. Georges quay cả thân trước ra ngoài, hai tay cho vào túi quần để làm nổi bật chiếc áo gillet trắng. Lisa cuồng nhiệt lên. Ả quấn sát chiếc kimono vào người, ưỡn ẹo vài bước nhảy Ả Rập, và thình lình để khỏa thân thành bóng mờ trước ánh đèn, choàng chiếc kimono vào, dời ngọn đèn sang một bên và tái hiện với thân hình nóng hổi và nụ cười ngon mát. Georges bình thản theo dõi vũ điệu chào mừng như một lãnh chúa Thổ Nhĩ Kỳ và tôi đứng đó nhưng một hoạn quan trong cung điện.
Đối với Lisa, chiếc áo đuôi tôm không phải là vật lạ vì ả đã từng chạm tay chạm chân chẳng biết bao nhiêu người mặc áo đó trên sàn nhảy Moulin Rouge. Tuy nhiên, một khi chiếc áo đó nằm trên người Georges thì sự việc khác hẳn. Như vàng khối.
– Anh thật là có phước. Rồi đây thế nào Riesefield cũng khô cạn cả xương tủy và sẽ sạt nghiệp. Nhiều lắm là hắn chỉ thành công được một phần tư với bao nhiêu gian khổ đó, còn anh thì chỉ cần làm một hình nộm cũng đủ chiến thắng trăm phần trăm.
Georges có vẻ nhìn nhận:
– Đó là bí quyết và tôi tiết lộ cho chú nghe đây. Đừng bao giờ phức tạp hóa những gì có thể thực hiện một cách đơn giản. Đó là tư tường khôn ngoan nhất trong cuộc sống. Nhưng không mấy dễ dàng khi thực hành, nhứt là với những người trí thức và lãng mạn.
– Và sau nữa?
– Chỉ có vậy thôi. Đừng bao giờ chơi trò lực sĩ của tinh thần khi mà một cái quần mới cũng có thể gặt hái được hiệu quả tương tự. Như vậy chú sẽ không làm phiền người bạn đồng hành và y sẽ theo chú một cách dễ dàng. Chú cứ bình tĩnh, thản nhiên như là những con sơn ca, tôi nói theo nghĩa bóng, sẽ rơi thẳng vào miệng – tất cả đều đã được quay chín.
– Coi chừng dính mỡ lên ve áo, khô cá con hôi lắm.
– Chú nói có lí – Georges cởi áo ra – Đừng bao giờ cố đuổi bắt hạnh phúc. Đó là lời khuyên thứ hai.
Georges tiếp tục nhấm những con cá khô. Tôi hơi bực:
– Tại sao anh không làm một loạt lời hay ý lạ cho các hãng sản xuất du lịch. Đáng tiếc là những tư tưởng đó lại quá tầm thường đối với giới trí thức.
– Đừng có mồm mép. Tôi tặng không cho chú. Đối với tôi đó không phải là những ý nghĩ lạt lẽo mà là những sinh tố. Bất cứ ai ưa sầu muộn hay làm cái nghề chán phèo của tôi đều cần phải vui sống. Không cần phân biệt tánh chất của cuộc giải trí… Châm ngôn thứ ba.
Tôi nhận thấy không thể nào hơn nổi Georges nên ngay khi hộp cá khô vừa sạch nhẵn, tôi trở lên phòng. Tôi định trút cả bực bội vào tiếng dương cầm, nhưng khốn nỗi cái chết hay cơn hấp hối của lão Knopf đã không cho phép tôi đàn. Còn loại nhạc đưa ma, tôi đã nghe ngập cả tai đến không còn đủ can đảm để đánh lên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.