Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gãy cánh

Chương 21



Trong phòng ngủ của lão Knopf, một bóng ma từ từ xuất hiện giữa bóng mờ. Phải mất một lúc lâu dưới ánh nắng gay gắt giữa trưa tôi mới nhận ra cái bóng ma đó là lão Knopf bằng xương bằng thịt.

Thế là lão vẫn còn sống và vừa bước xuống giường đi tới cửa sổ. Cái đầu thò ra khỏi áo ngủ màu xám đang ngẩng nhìn trời với đôi mắt sâu hoắm.

Tôi gọi Georges:

– Lại đây xem, lão ta không chịu chết trong chuồng. Con ngựa chiến chuẩn bị ra trận lần cuối tại các bãi chiến rượu ở Werdenbruck.

Chúng tôi cố nhìn kỹ. Râu mép lão ta trễ xuống, mắt màu chì. Lão liếc nhìn một lần nữa về phía thị trấn, rồi quay vào.

– Cái nhìn cuối cùng! Cảm động chưa! Lão già cặn bã của quân trại cảm thấy cần phải nhìn lần chót ánh sáng của thế giới để nói lời vĩnh biệt.

Georges bỗng kêu lên:

– Lão trở ra kìa!

Tôi vội vàng rời khỏi máy phóng ảnh, chạy tới.

Phía sau cửa kính, lão thượng sĩ hồi hưu đang đưa một vật gì lên ngang miệng để uống.

– Lão ta uống thuốc! Gần rã nát cả ra mà vẫn cố bám lấy sự sống.

Georges sáng mắt hơn tôi. Y lại kêu lên:

– Thuốc cái quái gì! Có ai lại đổ thuốc vào chai rượu bao giờ?

– Hả?

Chúng tôi mở cửa kính ra. Georges nói đúng. Không còn chối cãi gì nữa, lão già ghiền rượu đang giải khát bằng một chai đựng rượu. Có lẽ đó là mưu kế của vợ lão. Bà ta đã đổ nước vào chai rượu không để cho chồng nuốt dễ dàng hơn. Tất cả các xó xỉnh trong nhà đã được lục soát tỉ mỉ, làm gì còn rượu nữa.

Tuy nhiên, Georges vận nghi ngại:

– Nếu là nước thì lão đã ném cả chai xuống sân rồi. Từ khi biết lão tới nay, tôi chưa hề thấy lão uống nước bao giờ, có khát lão chỉ uống rượu, còn nước chỉ để tắm rửa mà lại còn ghê tởm nữa. Chắc chắn là lão đang nốc loại cháy ruột mà cuộc bố ráp không tìm ra. Louis, chú đang chứng kiến một cảnh tượng cao cả của một con người dũng cảm bước thẳng vào mạng số. Lão thượng sĩ hồi hưu muốn được chết ngoài chiến trận hơn là chết trên giường.

– Có nên báo động cho bà cụ không?

– Chú tưởng là bà ấy có thể can thiệp hữu hiệu à?

– Không.

– Bác sĩ cho lão thêm hai ngày nữa. Nếu lão chỉ thu ngắn lại có vài giờ thì cũng chẳng có gì khác nhau đâu.

– Có chớ. Đó là sự khác nhau của một tín đồ Thiên Chúa và một người theo định mệnh thuyết.

Và tôi kêu to:

– Ông Knopf! Thượng sĩ Knopf!

Chẳng biết lão có nghe không, nhưng dường như lão đương đưa chai lên chào. Và rồi lão lại kê miệng vào cái kèn tử thần.

Tôi gào thật to:

– Ông Knopf! Bà Knopf đâu!

Georges lắc đầu:

– Chậm mất rồi.

Knopf đã uống cạn. Lão múa tít vỏ chai như một nhạc trưởng lới lúc chấm dứt một khúc quân hành.

Chúng tôi đứng lặng yên, chờ đợi lão gục xuống. Theo lời bác sĩ thì chỉ một giọt rượu cũng đủ khiến lão đi đứt. Bây giờ lão đang vào trong, từ từ biến mất như một con quái vật từ từ lặn xuống nước.

Georges chép miệng:

– Chết như vậy cũng yên lành.

– Mình nên cho gia đình lão hay.

– Cứ để họ yên. Lão là tai họa của họ. Cả bốn mẹ con đều sẽ hài lòng khi lão không còn nữa.

– Tôi không rõ gì cả nhưng đôi khi tình cảm thường mượn những lối thoát bất ngờ. Người ta vẫn có thể bơm rượu ra khỏi dạ dầy.

– Lão sẽ chiến đấu hết mình để giữ lại, rồi chú sẽ thấy. Nhưng nếu muốn lương tâm ngủ yên thì gọi bác sĩ đi. Gọi Hirschmann.

Quay số xong, nghe có tiếng trả lời ở đầu dây tôi hét vào ống nói:

– A lô! Ông già Knopf vừa mới nốc cạn cả chai rượu mạnh, chúng tôi nhìn thấy rõ ràng.

– Uống một hơi?

– Hai lần. Dường như vậy. Bác sĩ cần biết chi tiết đó để làm gì?

– Có làm gì đâu, tò mò thôi. Cầu chúc ông ta bình yên.

– Không còn cách nào thử cứu vãn sao?

Hirschmann đáp ngay:

– Không còn. Tôi ngạc nhiên là ông ta còn sống được tới bây giờ. Tìm cho ông ấy một cái bia giống hình chai rượu.

– Bác sĩ không có trái tim ả?

– Chẳng phải không có tim mà là vô liêm sỉ. Bạn dư biết điều đó vì chúng mình cùng đứng một phe. Hãy uống một li để tưởng niệm cái lò già cỗi không bao giờ còn cất rượu được nữa.

Tôi cúp máy, nói với Georges:

– Georges, theo tôi thấy thì mình nên bỏ quách cái nghề này. Nó làm cho mình đần độn ra.

Càng tệ hại hơn. Đối với mội đoàn viên của hội Thi văn Werdenbruck thì đó là điều ngạc nhiên, sợ hãi, kính trọng, trừ cái chết, anh sẽ là cái gì nếu người ta biến anh thành ngân phiếu và mộ bia?

– Dẹp cái giọng trữ tình đó đi, Louis. Dầu sao tôi cũng hiểu chú. Và bây giờ, tới quán Edouard cụng li để tưởng nhớ ông sếp cũ.

Buổi chiều, chúng tôi trở về nhà. Một tiếng đồng hồ sau có tiếng náo động trong nhà lão Knopf.

Georges lên tiếng trước:

– Cầu cho người chết được an nghỉ! Thôi, mình qua bên đó chia buồn cho phải lễ.

– Chẳng biết mấy mẹ con bà Knopf đã may xong tang phục chưa?

Chúng tôi đi thẳng vào không nhận chuông. Một cảnh tượng bất ngờ hiện ra trước mắt. Lão Knopf đang đứng sừng sững giữa nhà gậy trong tay, áo quần ra phố. Bà và ba cô con gái thì núp sau các máy may.

Giận dữ, lão Knopf vừa múa gậy vừa chửi rủa, một tay vịn vào cỗ máy để giữ thăng bằng. Đường gậy của lão không có gì đáng sợ nhưng lão vẫn múa hết mình. Những bộ đồ tang nằm rải rác trên nên nhà.

Tình trạng đã rõ ràng. Thay vì giết chết, rượu lại càng làm cho lão mạnh dạn thêm nên lão mặc đồ vào để đánh một vòng qua các quán rượu trong thành phố như thường lệ. Không một ai báo cho biết là lão đang ở trong tình trạng lâm tử cả, bà vợ thì sợ lão trả thù nên lặng thinh luôn.

Lão đã vượt qua hơn một lần tình trạng nguy hiểm đó, đối với lão lần sau cùng chẳng có gì thảm hại hơn bao nhiêu lần trước. Cơn giận của lão không phải là không hợp lý, một gia trưởng có bao giờ để mặc cho vợ con tự nhiên tế sống mình, đã vậy còn tốn tiền để mua sắm đồ tang trong khi lão chưa lạnh cứng.

Lão gầm thét:

– Đồ thúi! Vừa lòng lắm hả? Đập vỡ mặt bọn này ra.

Lão đập hụt bà vợ và thở phì phò giận dữ. Bà Knopf cuống cuồng quơ tay nắm trúng đầu gậy và giữ chặt:

– Ông ơi, mẹ con tôi chỉ lo chuyện phòng xa thôi. Đâu có dám nghĩ quấy, ông bác sĩ…

– Bác sĩ cái con… Buông gậy tao ra, đồ quỷ cái. Tao bảo buồng gậy ra có nghe không?

Người đàn bà mập tròn, nhỏ thó, buông tay. Được tự do, lão lại múa loạn lên và đập trúng một trong ba cô gái. Cả ba cô, bất cứ cô nào cũng có thể đoạt cây gậy dễ dàng nhưng không một ai dám. Hết cô này tới cô kia chụp lấy đầu gậy vừa khóc vừa giải thích. Nhưng ông cha nhứt định chẳng chịu nghe:

– Buông ra, lũ chồn hôi! Ném tiền qua cửa sổ, tao sẽ cho bọn mày biết tay.

Lại được tự do, lão múa loạn lên rồi đập mạnh xuống. Chiếc gậy chằng trúng vào ai, cũng không đụng phải vật gì khiến lão mất thăng bằng, quỵ xuống. Bọt miệng sùi ra hai bên mép, dính vào râu. Lão lại gượng đựng lên múa gậy.

Các cô gái vừa khóc vừa van lạy:

– Ba ơi, đừng cử động nhiều. Ba làm như vậy là…

– Bình tĩnh lại, ba! Ba sống là tụi con mừng lắm.

– Ba! Ba có muốn uống cà phê không?

Lão dừng tay, trố mắt:

– Cà-phê hả? Cà-phê cái con mẹ mày, đồ thúi tha! Tao đập nát tụi mày ra! Ném tiền qua cửa sổ…

– Không sao đâu ba. Tụi con còn bán lại được mà.

– Bán. Bán cái gì? Có tao đem tụi mày đi bán… đồ xác chết sình…

– Chưa trả tiền vải mà ông.

Bà Knopf phải cố gắng lắm mới dám nói chen vào. Không ngờ đó lại chính là câu nói giá trị nhứt.

Lão Knopf hạ gậy xuống:

– Nói sao?

Chúng tôi can thiệp. Georges mở lời:

– Ông Knopf, thành thật mừng ông sớm lành bệnh.

Lão nhăn mặt:

– Đừng làm tôi mắc ỉa. Bộ mấy người không thấy gia đình đang có chuyện lộn xộn hả?

– Xin ông đừng cử động mạnh, có hại cho sức khỏe.

– Hả? Mấy người cũng lo cho thằng già này nữa à? Chỉ nội mấy con quỷ cái này cũng đủ chết ngộp này.

– Không đâu. Bà Knopf chẳng những không hoang phí mà còn làm được một việc hay ho. Ngày mai, nếu đem bán lại tất cả tang phục đó đi, gia đình ông sẽ lời vào khoảng vài tỷ nhờ lạm phát… nhứt là chưa trả trước tiền vải.

Cả bốn mẹ con đều đồng thanh kêu lên:

– Đúng là chưa trả tiền vải.

– Vậy là nên mừng mới phải, ông Knopf. Trong khi ông bất an, đồng Mỹ kim đã leo mau vùn vụt. Vậy là không cần biết gì cả chỉ nhắm mắt ngủ, ông cũng đã có một gia tài nho nhỏ.

Lão thượng sĩ vểnh tai. Nạn lạm phát, dầu không để ý lão cũng đã biết tới qua sự kiện giá rượu tăng đều mỗi ngày.

Lão ấp úng:

– Lời hả? Mấy người nói đúng không?

Rồi quay sang bốn con chim sẽ đang run rẩy, lạo hỏi:

– Có mua mộ bia chưa?

– Dạ chưa.

– Tại sao không?

Tất cả nhìn sững lão ta.

– Ngu như bò. Phải mua rồi, bây giờ bán lại…

Lão quay sang Georges:

– Chắc chắn là có lời, phải không?

– Lời là cái chắc, nhưng với điều kiện là đã trả tiền rồi. Nếu không, chúng tôi chỉ có mỗi một việc là lấy lại.

– Này, không được đâu. Chúng tôi có thể bán nó lại cho hãng Hollmann và Klotz và sau đó thanh toán cho mấy người.

Và lão trừng mắt với vợ con:

– Ngu như bò! Tiền để làm gì? Không trả tiền vải thì còn đó sao lại không chịu mua?

Georges bảo tôi:

– Xong rồi. Kể như đã hạ màn. Mình về thôi.

Nhưng Georges đã lầm. Khoảng mười lăm phút sau, lão Knopf đã có mặt văn phòng chúng tôi, mùi rượu xông ra nòng nặc:

– Các người đừng chơi cha. Tôi đã điều tra cặn kẽ rồi, nói láo cũng vô ích. Mụ già đó thì thú nhận đã có đặt mua một tấm bia.

– Nhưng chưa trả tiền. Bây giờ ông có cần tới nó đâu.

Lão thượng sĩ về hưu gằn từng tiếng với giọng hăm dọa:

– Đặt mua tức là đã chịu mua. Có nhân chứng đàng hoàng. Đừng tìm cách nói quanh, có hay không?

Georges nhìn tôi:

– Nhưng vợ ông chỉ mới hỏi giá chớ đâu phải đã mua.

Lão quát lớn:

– Có hay không?

Georges cố làm dịu cơn quỷ ám của lão già say:

– Ông Knopf, chúng mình đã quen biết nhau từ lâu thì chuyện gì hợp lí là phải chấp nhận.

– Được rồi. Đưa hóa đơn cho tôi.

Chúng tôi nhìn nhau. Không ngờ lão ta mau hiểu đến thế.

– Cần gì giấy tờ. Cứ trả tiền là có tấm bia ngay.

Lão trợn mắt với tôi:

– Câm miệng, đồ lõi con. Đưa hóa đơn đây!

– Thì cứ trả tám tỷ ra.

– Hả? Các người nói gì? Tám tỷ một cục đá?

– Tám tỷ là tám tỷ. Trả tiền mặt.

Knopf cự rất hung hăng cuối cùng đành nhượng bộ. Lão trở về nhà, moi tiền vợ đem qua. Nhịp ngón tay trỏ lên mặt bàn, lão gầm gừ:

– Xong rồi, làm giấy đi.

Lão nhận lấy hóa đơn. Từ cửa sổ nhìn ra tôi thấy bốn mẹ con bà Knopf chùm nhum trước cửa nhà dáng điệu buồn rầu. Lão đã tước đoạt của họ đến đồng bạc cuối cùng.

Lão hất hàm nói với Georges:

– Bây giờ tôi bán lại. Mua bao nhiêu?

– Tám tỷ.

Lão nhảy dựng lên:

– Sao? Lường gạt hả? Tôi mới vừa trả tám tỷ cho giá cũ. Lạm phát đã qua một ngày mà mấy người vẫn giữ đứng giá được à?

– Chúng tôi biết lắm. Theo thời giá thì tấm bia dó phải là tám tỷ rưỡi. Chúng tôi trả tám tỷ là giá mua, như vậy còn lại năm trăm triệu là tiền lời trên giá bán.

– Đừng bịp bợm! Vậy phần tôi, tiền lời của tôi đâu? Nằm trong túi mấy người, phải không?

Tôi chen vào:

– Ông Knopf, nếu ông mua một chiếc xe đạp rồi một giờ sau ông đem bán lại, ông sẽ không bao giở lấy đúng giá bán. Đó là chuyện buôn bán vặt. Nhờ vậy mà chúng tôi mới có huê lợi.

– Huê lợi, cái đít đây nè. Mua xe đạp là xe đạp cũ còn tấm bia của tôi là tấm bia hoàn toàn mới.

Tôi lại xía mỏ vào:

– Trên lí thuyết thì tấm bia đó đã được dùng rồi, nhứt là về mặt thương mại. Vả lại, chẳng lẽ ông bắt chúng tôi phải mất tiền túi chỉ vì ông vẫn còn sống?

– Gian lận! Đúng là gian lận!

Georges vẫn từ tốn:

– Ông cứ giữ lấy tấm bia, có sao đâu. Ít ra đó cũng là một thứ của nổi. Vả lại rồi cũng sẽ có những ngày ông cần tới. Có ai bất tử đâu, dầu người đó là một thượng sĩ.

– Được rồi, tôi sẽ bán nó lại cho hãng Hollmann và Klotz. Nếu các người không chịu trả ngay mười tỷ.

Tôi nhấc ổng điện thoại lên:

– Xin mời. Ông cứ thương lượng trực tiếp với họ, không cần trung gian. Gọi số 624.

Thấy tôi hăm hở, lão Knopf mất tự tin và lắc đầu:

– Bọn du đãng! Ngày mai, giá một tấm bia sẽ là bao nhiêu?

– Có thể tăng thêm một tỷ, cũng có thể hai hay ba.

– Và trong một tuần.

Georges hơi khó chịu:

– Ông Knopf, nếu chúng tôi biết trước giá của đô-la thì còn ở đây bán mấy cục đá này làm gì, nhứt là những khách hàng quá tồi tệ cùng một loại với ông.

Tôi chọc tức:

– Không chừng chỉ trong một tháng ông trở thành tỷ tỷ phú.

Knopf suy nghĩ một lúc lâu truớc khi càu nhàu:

– Mẹ nó! Mình cứ giữ lại. Tiếc là đã trả tiền rồi.

– Chúng tôi vẫn sẵn sàng mua lại.

– Mua lại à? Ngon quá! Tôi giữ để lấy lời.

Lão nhìn ra ngoài và lẩm bẩm:

– Chẳng biết trời mưa có sao không?

– Bia đá luôn luôn chịu đựng nổi mọi thời tiết.

– Láo khoét! Không hư thì cũng cũ đi. Tôi yêu cầu cất nó trong kho, nhớ lót rơm ở dưới.

Georges hỏi:

– Tại sao không giữ trong nhà ông để tránh tuyết giá?

– Anh có điên không?

– Không bao giờ. Vô số người có danh vọng và địa vị vẫn để sẵn một quan tài trong nhà. Đó là những người mộ đạo và những người Ý miền Nam. Lại còn nhiều kẻ ngủ cả trong hòm như anh chàng Wilke chẳng hạn.

– Không thể được. Còn mấy người đàn bà. Phải để nó ở đây. Các người phải chịu trách nhiệm nếu làm hư. Nếu sợ thì xuất liền túi ra bảo hiểm.

Không chịu nổi cái giọng chỉ huy đó, tôi trả đũa ngay:

– Đề nghị ông mỗi sáng qua đây xem lại. Có vậy ông mới nhìn thấyy tận mắt là hòn đá của ông vẫn còn so hàng với mấy tấm bia khác, vẫn còn bóng láng với các bệ hót vào như bụng một tân binh và tất cả những cây con quanh đó đều đứng nghiêm. Nếu muốn, ông có thể đòi hỏi Henri Kroll mặc quân phục vào rồi thổi kèn gọi nó tập họp? Chắc là Henri khoái lắm!

Lão lườm tôi:

– Thế giới sẽ sáng sủa hơn nếu có được một chút kỷ luật của nước Phổ.

Mùi rượu từ người lão xông ra nồng nặc sau một tiếng ợ khan. Có lẽ suốt ngày lão chưa ăn. Lão lại ợ thêm một cái nữa. Lần này âm thanh nghe êm dịu và kéo dài. Tiếng ợ thứ nhứt chỉ là cái hốc của kẻ ghiền rượu. Và cái ợ thứ hai rõ ràng là sự khiêu khích của một người cục mịch tự biết không ai thèm dây dưa tới.

Với lão, không thể nào giận được. Không thể nào giận một kẻ vừa từ bên kia thế giởi trở về! Lão vẫn còn nhìn chúng tôi với đôi mắt khắc nghiệt và sộp nước vì thiếu ngủ quá lâu. Lão quay người, suýt té, gượng lại rồi băng qua sân. Trong túi, ít ra lão cũng còn được vài tỷ bạc cuối cùng của gia đình.

Chân mang dép, vai vắt khăn bếp. Gerda đang đứng trước bếp nấu dầu làm món cải su nhồi thịt. Không khí loáng thoáng mùi mỡ heo, bột gạo và hương ướp. Bên ngoài khung cửa sổ, là nho rừng đỏ úa với ánh nắng Thu.

– Anh đến phải lúc lắm. Sáng mai tôi dọn khỏi nơi này.

– Vậy à?

Gerda vẫn thản nhiên và vô tư trước bếp lò:

– Anh cũng chú ý đến chuyện đó à?

Nàng quay lại nhìn tôi. Tôi nói mau:

– Sao lại không. Em dọn đi đâu?

– Tới nhà hàng Walhala.

Tôi kêu lên:

– Tới Edouard?

– Phải, ở với Edouard.

Gerda lật trở những món cải nhồi thịt rồi hỏi:

– Anh có cần lặp lại không?

Biết nói gì đây? Tôi cố giữ giọng bình thường:

– Và không làm ở Moulin Rouge nữa?

– Thôi làm ở Moulin Rouge khá lâu rồi. Anh có để ý gì tới đâu. Không thể được, tôi không thể theo đuổi mãi cái nghề để rồi chết đói. Tôi phải sống ở thành phố.

– Ở nhà Edouard?

– Phải, ở nhà Edouard, ông ta giao cho tôi coi sóc nhà hàng.

– Và ở luôn tại nhà hàng Walhala.

– Ở từng trên, sát với mái nhà. Tiện làm việc hơn. Tôi có còn quá trẻ như anh tưởng đâu, phải cố tìm một chỗ sống chắc chắn trước khi không tìm ra một chỗ làm. Không còn chuyện gánh xiếc nữa.

– Nhưng em vẫn có thể tái ký hợp đồng với họ vài năm nữa. Đừng kiếm chuyện.

– Anh không hiểu gì cả. Tôi biết việc gì cần phải làm.

Tôi nhìn những lá nho đỏ úa đọng đưa phía trong khung cửa sổ và bất giác tự thấy mình không hơn một tên vô lại. Đối với Gerda có lẽ tôi chẳng khác gì hơn một lên lính đi nghỉ phép.

Gerda vẫn nói với giọng đều đều:

– Tôi định chờ gặp anh để tự mình cho biết.

– Em định cho biết là chuyện của mình kể như đã hết?

Gerda lắc đầu:

– Tôi luôn luôn thẳng thắn. Edouard đề nghị giúp tôi một chỗ làm, tôi thấy đó là một chỗ xứng đáng. Tất cả cần phải rõ rệt.

Và nàng cười giòn:

– Vĩnh biệt tuổi trẻ! Thôi sửa soạn ăn. Chín rồi.

Nàng lo dọn bàn. Tôi ngồi nhìn và chợt thấy buồn:

Nàng hỏi tôi:

– Còn tình yêu thượng giới của anh ra sao? Cái cô gì mà anh đánh phong cầm cho nghe đó?

– Gerda, đứng nói nữa.

Nàng lấy món ăn ra dĩa:

– Đây là một lời khuyên, cưng nên ghi nhớ. Lần tới, nếu có găp cô nào, đừng nên nhắc tới những người tình cũ hiểu chưa?

– Hiểu. Anh khổ lắm, Gerda.

– Thôi, cho xin, đừng lải nhải nữa, ăn đi.

Vẫn bình tĩnh, Gerda lúc nào cũng nhìn thẳng vào sự việc. Nét mặt nàng rắn rỏi và trong sáng. Từ nhỏ đã phải sống một thân một mình nên Gerda đã hiểu rõ thế nào là định mệnh và sẵn sàng xoay trở cho phù hợp. Nàng có tất cả những gì tôi không có và tôi muốn yêu nàng.

– Anh đã biết là tánh tôi chẳng bao giờ đòi hỏi thái qua. Người ta đã nuôi tôi lớn bằng gậy gộc, kế đó tôi phải trốn đi, bây giờ đã quá chán cái nghề nhào lộn rồi tôi thích được ở yên một chỗ. Edouard cũng không phải là người quá tệ.

– Nhưng hắn kiêu căng và hà tiện.

Vừa nói xong tôi biết là đã lỡ lời.

– Còn hơn là xốc xếch lôi thôi lại thích xài tiền mà cứ muốn có vợ con.

– Em định thành hôn với hắn à? Còn tin cậy hắn thật sự chưa? Coi chừng hắn lợi dụng đến lúc nhừ cả rồi, hắn đi cưới một cô gái khác có của hồi môn to lớn.

– Ông ta không hứa gì với tôi cả. Tôi chỉ ký hơp đồng trong coi nhà hàng, thế thôi. Một hợp đồng ba năm. Trong ba năm, ông ta có đủ thì giờ để hiểu là không thể thiếu tôi được nữa.

– Em đã thay đổi quá nhiều.

– Vậy sao? Vẫn cứ ngớ ngẩn! Đây chỉ là một quyết định chứ có gì khác đâu.

– Tới lúc về tới Edouard, chắc em sẽ cho là anh và Georges đang cố làm tàn mạt hắn với mấy cái phiếu khẩu phần mất giá.

– Bộ còn nhiều lắm sao?

– Khoảng một tháng rưỡi nữa.

Gerda cười lớn:

– Tôi không chống báng đâu, tin đi. Dầu sao các anh cũng đã mua đúng với giá tiền lúc đó.

– Đó là vố chứng khoán thành công duy nhứt của anh và Georges.

Tôi nhìn Gerda ở phía sau trong khi nàng lấy dĩa đi.

– Anh sẽ giao hết mấy phiếu còn lại cho Georges. Không tới Walhala nữa.

Nàng xoay người lại, mỉm cười, nhưng ánh mắt không cười:

– Tại sao?

– Không biết, mới có ý nghĩ đó. Có thể sẽ trở lại vào một ngày…

– Chắc chắn là anh sẽ trở lại đó. Tại sao không?

– Chắc vậy, tại sao không?

Từ từng dưới tiếng dương cầm vang lên inh ỏi. Tôi ra đứng ở cửa sổ:

– Lại gần hết năm rồi, mau quá.

Gerda tới gần tôi:

– Mau thật… nhưng có điểm này, nói ra thì rõ là cổ điển “tôi rất thích anh, nhưng anh lại không thích hợp với tôi”.

Và nàng đẩy tôi ra:

– Thôi, về đi. Trở về với mối tình thượng giới của anh đi. Anh. Không bao giờ anh hiểu nổi đàn bà, có phải không?

– Chẳng hiểu gì cả.

Nàng mỉm cười:

– Khoan, chờ chút. Đây rồi, cầm lấy và đi đi!

Nàng trao tôi một cái huy chương. Tôi hơi ngạc nhiên:

– Cái gì đây?

– Huy chương của một người từng giúp những kẻ khác vượt nước. Đây là vật đem tới hạnh phúc.

– Nó đã đem hạnh phúc tới cho em chưa?

– Ồ! Nhiều lắm, hàng khối hạnh phúc. Thôi, cút đi!

Nàng đẩy tôi ra và khóa cửa lại. Tôi lững thững xuống lầu. Hai người đàn bà du mục đi về phía tôi ở ngoài sân.

Mấy tay nữ đô vật đã về từ lâu. Người đàn bà trẻ nhứt lên tiếng:

– Bói tương lai, thưa ông?

– Không, cám ơn.

Và tôi bỏ đi mau.

Không khí có vẻ căng thẳng tại nhà Karl Brill. Giấy bạc chất cao trên mặt bàn. Ít lắm cũng là hàng ngàn tỷ Đức kim. Đối thủ là một anh chàng đầu hải cẩu và hai bàn tay quá nhỏ. Hắn vừa tới soát lại cây đinh và trở về chỗ.

Hắn cất giong oang oang:

– Thêm hai trăm tỷ!

Karl đáp ngay:

– Bắt!

Hai người cùng đặt tiền ra:

– Còn ai đánh nữa không?

Không ai trả lời. Tiền cuộc quá cao, chẳng ai theo nổi. Karl đổ mồ hôi hột nhưng hoàn toàn tự tin. Ông ta bắt bốn ăn sáu vì vừa mới nhận cho anh chàng đóng thêm một búa nữa vào đinh. Thế là từ năm ăn năm đổi ra bốn ăn sáu.

Karl hỏi tôi:

– Bạn vui lòng đánh giúp bản “Dạ khúc chim non” được không?

Tôi ngồi vào dương cầm. Bà Beckmann xuất hiện với chiếc kimono đỏ ánh. Dường như người nữ lực sĩ đã mất bớt dáng vẻ uy nghi. Hai ngọn đồi trên ngực rung rung như bị động đất. Màu mắt cũng thay đổi. Bà không nhìn về phía Karl như thường lệ.

Karl lên tiếng:

– Clara, em biết quý vị ở đây rồi chứ, có cả người khách mới là ông Schweitzer – Và đưa một tay về phía anh chàng hải cẩu, ông ta giới thiệu – Đây, ông Schweitzer…

Con hải cẩu vừa liếc nhìn đống bạc với ít chút lo âu vừa nghiêng mình chào đáp lễ.

Cây đinh đã được quấn bông gòn và Clara đã tới đứng vào vị trí. Tôi nhấn phím tạo thành một hồi trống rồi ngưng bặt. Tất cả đều im lặng.

Bà Beckmann đang vận sức. Tôi thấy bà rùng mình tới hai lần. Thình lình, bà ta quắc mắt nhìn Karl và nghiến răng:

– Rất tiếc! Không thể được.

Không nhìn bất cứ ai, bà ta rời chỗ và đi thẳng lên lầu.

Karl cuống cuồng gọi to:

– Clara?

Không có tiếng trả lời. Gã hải cẩu cười hô hố, chuẩn bị hốt bạc, Karl Brill ướt như tắm. Ông ta chạy lại xem cây đinh rồi trở về chỗ.

– Khoan! Chưa kết cuộc mà. Mình đánh cá ba lần. Mới có hai.

– Xin lỗi, ba lần rồi.

– Ông bạn không rõ đâu. Ông chưa hiểu rõ lãnh vực này đâu. Ông Schweizer. Mới có hai lần thôi.

Những người cùng phe với người chủ hiệu giày tới bây giờ mới phụ họa:

– Đúng vậy, mới có hai lần.

Một cuộc cãi vã bùng nổ. Tôi quay đầu sang hướng khác, chẳng buồn nghe. Tôi có cảm tưởng như đang bềnh bồng trên một hành tinh xa lạ. Đây là một thứ cảm giác ngắn ngủi, nóng sốt, kinh hoàng. Do đó tôi thấy dễ chịu khi trở về với thực tại là những tiếng ồn ào.

Anh chàng hải cẩu lợi dụng sự bối rối của Karl đưa ra thỏa hiệp: chấp nhận làm lại lần nữa với điều kiện bắt ba ăn bảy.

Tháo mồ hôi hột, Karl chấp nhận tất cả. Theo sư phỏng tính của tôi thì ông ta đã đổ vào cuộc chơi này nửa xưởng giầy kể cả cái máy ghép đế.

Karl bảo nhỏ tôi:

– Lên trên đó với tôi. Nó quá quắt lắm rồi. Phải làm cho nó thay đổi ý kiến.

Chúng tôi bước từng bốn bực một. Bà Beckmann nằm trên giường trong chiếc kimono thêu phượng, trông đẹp lộng lẫy nhứt là với những ai thích hạng phụ nữ phốp pháp.

Karl năn nỉ:

– Clara, sao vậy? Em làm vậy coi sao được?

– Nè, khéo ăn, khéo nói một chút!

– Anh biết mà, anh thề là…

– Thề thốt cái gì, đồ khốn, tao biết mày ngủ với con nhỏ thâu ngân ở khách sạn Hohenzollern từ lâu rồi. Đồ điếm đực!

– Anh à? Sao có chuyện đó! Ai nói?

– Đó, mày mới vừa tự thú nhận còn hỏi gì nữa?

– Thú nhận gì đâu?

– Không có gì hả? Chính mày mới hỏi tao ai nói. Làm sao tao biết được nếu chuyện không có thật?

Tôi bỗng thấy thương hại cho nhà lực sĩ bơi lội Karl Brill. Ông la không sợ khi đập vỡ tuyết ra để chui vào đó cùng tắm với hội bơi lội của ông ta, nhưng bây giờ thì khác hẳn. Lúc lên lầu tôi đã khuyên ông ta cố mềm dẻo, đừng nói nhiều mà chỉ quỳ xuống xin lỗi, nhưng đứng thú nhận gì cả.

Nhưng bây giờ, tình hình bỗng biến đổi quá mau: một quả đấm giáng trúng mũi khiến Karl lảo đảo lùi lại, hai tay ôm mặt. Rồi không tự kiềm chế được nữa, ông ta gầm lên như thú dữ, khom xuống xoắn lấy tóc bà Beckmann, lôi tuột ra khỏi giường, xô sấp xuống và một chân đạp vào gáy, một tay dùng dây nịt da quất túi bụi vào cặp mông đồ sộ của bà Beckmann.

Tôi dùng mũi giày đá nhẹ vào đít Karl. Ông ta quay phắt lại, toan nhảy xổ vào tôi, nhưng bắt gặp ánh mắt nhắc nhở của tôi, với hai tay đưa lên trời, với những lời nói nhỏ, cơn giận giết người của ông ta tan biến mất.

Karl gật đầu, máu mũi đổ ròng ròng, quay người lại rồi ngồi xệp xuống giường:

– Clara, anh thề là anh chẳng có gì cả, nhưng anh vẫn xin lỗi em.

– Quân bẩn thỉu! Cái áo của tao!

Bà ta kéo vạt áo lên, máu mũi của Karl rơi trên vải trải giường. Karl, con người giản dị và trung tín, tưởng rằng hễ đã chịu quỳ là xong chuyện, bây giờ vẫn cứ còn chửi nên đã bắt đầu nóng lại. Nếu một trận nữa xảy ra thì kể như hết cứu vãn.

Tôi vừa đạp vào ngón chân ông ta vừa rống to:

– Bà Beckmann, xin nghe đây, tôi thề chịu đứt đầu ông Karl không lỗi lầm gì cả. Chính tôi mới là kẻ phạm tội, ông nhà là vật hy sinh.

– Hả? Cái gì?

– Lỗi tại tôi, hoàn cảnh do tôi. Ông Karl và tôi từng ở chung đơn vị trong thời chiến. Anh em giúp nhau, tình chiến hữu…

Bà Beckmann cắt ngang:

– Sao? À, các người viện tới tình chiến hữu thiêng liêng hả, đồ láo khoét. Cậu muốn tôi phải tin một chuyện tầm phào như thế à?

Tôi vẫn ong óng:

– Bà không biết bọn đàn ông đã từng sống chết bên nhau đâu. Chính ông Karl đã hy sinh cho tôi, thật một trăm phần trăm, ông Karl đã vì tôi, đã liên lạc với cô ta, cô thư ký thu ngân.

Bà Beckmann chống tay ngồi dậy, mất bà như đổ lửa:

– Không đúng, không thể được. Còn quả trẻ như cậu không thể nào có chuyện tình ái lăng nhăng với một con gấu ngựa cỡ đó được. Đúng là một loại bè đi biển.

– Bà Beckmann, bà không hiểu được đâu. Người sắp chết đuối có bao giờ lựa chọn thuyền bè. Sự cô đơn của tuổi trẻ mà.

Bà Beckmann lắc đầu:

– Không được, còn trẻ thế này không bao giờ đi tìm một con chằn như thế cả.

– Trẻ thì tôi hãy còn trẻ, nhưng nghèo, thưa bà, tôi lại quá nghèo. Thời này, các cô gái tân thời cứ đòi đi phòng trà đi ca nhạc, làm sao tôi chịu nổi. Bây giờ nếu thú thật cả ra chắc bà hiểu rõ ngay. Giữa thời buổi lạm phát này, một thằng nghèo kiết xác như tôi vớ được một nữ thư ký thu ngân, dầu có xấu như chằn, dữ như gấu, cũng đã là có phước rồi. Còn ông Karl sẵn có một cơ sở làm ăn phát đạt, sẵn một người bạn đẹp như bà ông ấy có cần gì. Chỉ tội nghiệp, vì tình chiến hữu.

Bà Beckmann dịu giọng trong khi ánh lửa trong mắt bà gần như tắt lịm đi:

– Được rồi, để tôi điều tra lại.

A ha! Thế là trận chiến chẳng xảy ra. Cuộc thương nghị không nói thành lời tự nhiên đã có kết quả.

Trước khi rút xuống lầu cùng tôi, Karl hứa sẽ mua đền cho bà Beckmann một cái kimono màu tím có thêu hoa sen và thiên nga.

Trong khi ông ta lau rửa mặt mũi, bà Beckmann đứng lên, hỏi tôi:

– Tiền đánh cuộc tất cả là bao nhiêu?

– Không thể tưởng tượng nổi. Hằng triệu tỷ.

Bà Beckmann nhìn Karl:

– Karl! Đánh cho cậu Bodmer hai trăm năm mươi tỷ!

– Được rồi. Clara. Louis với anh là chiến hữu mà.

Chúng tôi xuống lầu. Anh chàng đầu hải cẩu ngồi đợi, chung quanh là người của Karl, sẵn sàng can thiệp nếu hắn có ý định bỏ đi.

Vừa xuống tới chỗ, chúng tôi được hắn báo cáo ngay là hắn toan chơi lận nhưng đồng bọn của Karl đã kịp thời giựt búa lại. Thế là cây đinh vẫn như cũ.

Bà Beckmann mỉm cười khinh bỉ khi bước tới chỗ cây đinh, và không đầy ba mươi giây sau đó, cây đinh đã rơi xuống đất. Đầu ngẩng cao, bà ta oai vệ rời khỏi xưởng trong khi tôi đánh bản “Cháy lớn trong dãy núi Alpes”.

Khi mọi người đã ra về, Karl nói với tôi bằng giọng cảm động chưa từng có:

– Một chiến hữu là một chiến hữu. Không gì hơn được.

Tôi không khỏi nhột nhạt:

– Thôi, bỏ đi. Nhưng câu chuyện cô thư ký thu ngân thật sự ra sao?

– Có gì đâu. Ban đêm, con người thường có ý nghĩ rung động. Nhưng con quỷ cái đó chẳng biết giữ gìn gì cả lại đem nói toạc ra. Vây mới chết! Bây giờ bạn cần gì cứ lựa chọn theo ý muốn.

Ông ta chỉ vào một chồng da:

– Muốn loại nào, cứ chọn loại thật tốt, tôi sẽ tự tay đóng lấy cho bạn: da bò con hay da hoẵng, đen, nâu hay vàng?

– Nếu được, xin cho một đôi đánh vec-ni.

Vừa về tới nhà, tôi gặp ngay một bóng người trong sân. Lại lão Knopf đang sửa soạn tưới cái tháp đen.

Tôi chụp tay lão:

– Thượng sĩ, từ nay trở đi ông đã có một chỗ để xả bọng đái rồi. Hòn đá đó còn mới nguyên…

Tôi bảo lão tới tấm bia mà lão đã mua và đứng đó chờ xem.

Knopf trợn mắt:

– Cái bia này là của tôi mà. Chú mày có điên không? Tới giờ này, giá bán là bao nhiêu?

– Theo hối suất bữa nay thì là chín tỷ.

– Vậy mà chú mày bảo tôi đái vào. Nè, tôi giao cho giữ, phải săn sóc cho cẩn thận.

Lão đảo mắt vài lượt từ phải sang trái, rồi khập khễnh đi về nhà. Không ngờ tinh thần tư hữu lại có thể biến cải con người mau đến thế. Từ nay trở đi chắc chắn lão chỉ tiểu tiện ở phòng vệ sinh trong nhà lão. Đừng ai nói với tôi về chủ nghĩa tập thể nữa. Quyền tư hữu giúp cho con người ý thức được trật tự. Tôi đứng lại ở ngưỡng cửa thêm một lúc để nghĩ tới sự huyền bí của thiên nhiên: vi trùng, cá, ếch nhái loài có xương sống… biết bao nhiêu biến thể để kết thành một sinh vật hữu nhũ và đứng thẳng mang tên Knopf… chỉ biết sống để nốc cạn những chai rượu mạnh.

Tôi lên phòng, mở đèn và tới đứng trước gương. Đối diện tôi là một kì quan khác nữa của thiên nhiên nhưng chẳng có giá trị bao nhiêu. Tôi tắt đèn, tôi chỉ thích thay đồ trong bóng tối.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.