Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gãy cánh

Chương 23



Georges lại triết lí vặt:

– Người bị cắm sừng cũng giống như một con thú để ăn thịt, một con gà hay con thỏ chẳng hạn. Nếu mình không biết nó nuôi ở đâu mình vẫn thản nhiên nhai nuốt. Nhưng nếu mình sống chung với nó, mình nuôi nấng, săn sóc nó thì phải can đảm lắm mới có thể nấu chín hay quay nó để ăn. Kết luận: nên tránh xa những anh chàng bị cắm sừng.

Tôi chỉ tay về phía chiếc bàn có một khúc dồi ngựa no tròn đang nằm giữa những viên đá mẫu.

Georges hỏi tôi:

– Chú dám ăn không?

– Sao không? Lúc tham chiến ở Pháp tôi còn ăn nhiều thứ lệ hại hơn. Nhưng đừng đi lạc đề. Đó là món quà của Watzek. Tôi đang đứng trước một sự lựa chọn tàn nhẫn.

– Dường như chú rất thích thú trong những hoàn cảnh bi thảm?

– Tôi không chối cãi điều đó. Nhưng ít ra tôi cũng đã cứu mạng anh. Mụ Konersmann thế nào rồi cũng tăng cường công cuộc điều tra. Tốt hơn là anh nên bỏ Lisa. Có đáng gì đâu.

Georges lại tủ kiếng lấy một điếu xì gà Ba Tư.

– Watzek đã kể chú là anh em, có phải vì vậy mà lương tâm của chú chẳng được yên?

– Không. Hắn là người của Quốc Xã, không có vấn đề huynh đệ. Nhưng đừng ra ngoài đề chớ.

Georges thổi một hơi khói trắng vào mặt pho tượng nữ thánh Catherine bằng thạch cao.

– Lisa cũng lừa dối tôi như lừa dối chồng của nó. Vậy là chúng tôi cùng mọc một thứ sừng, đương nhiên là anh em với nhau. Anh em trong bất hạnh, nhưng cuối cùng…

– Anh mới khám phá ra?

– Không đâu, chú không thấy nó có hàng tá áo toàn thứ đắt tiền sao? Watzek thì nhất định không sắm nổi. Tôi không nhắm mắt đâu.

– Nghĩa là?

– Nó đã thú nhận với tôi mặc dù tôi không hỏi tới. Nó muốn chuyện đâu ra đấy. Cũng thành thật đó chứ.

– Còn anh thì anh phản bội ả bằng cách nằm mộng với các cô đào trong tạp chí.

– Dĩ nhiên! Nghĩ cho cùng thì lừa dối nghĩa là gì? Tình cảm không một chút liên hệ tới đạo đức. Lisa dối… đó chỉ là ngôn ngữ tầm thường để chỉ bất bình vi diệu, cuộc tìm kiếm sự mỹ hảo, luôn luôn, luôn luôn…

– Khoan đã! Làm ơn nhìn xem! Anh chàng thấp bé nhưng vạm vỡ trên đầu có buớu, đang đi ngoài kia là đồ tể Watzek. Hắn vừa tắm xong vừa mới hớt tóc và có lẽ còn ngợp mùi nước hoa. Hắn muốn làm vừa lòng vợ hắn. Có đáng cảm động chưa?

– Cảm động chớ. Nhưng chắc chắn là hắn thất bại.

– Nhưng tại sao ả chịu lấy hắn?

– Chiến tranh! Nó không có gì ăn trong khi hắn có thể cung cấp đầy đủ thịt tươi.

– Và tại sao ả không li dị?

– Vì hắn dọa sẽ giết cả nhà.

– Lisa nói hết với anh à?

– Đúng vậy.

– Chúa ơi! Vậy mà anh vẫn tin?

Georges thổi một vòng khói tròn trịa:

– Chừng nào chú trở thành một thằng già vô liêm sỉ như tôi, chú sẽ thấy.

– Rồi anh làm thế nào để dàn xếp giữa con dao của Watzek và cặp mắt mèo rừng của mụ Konersmann?

– Đúng ra thì phiền phức vô cùng. Nhưng có điều Watzek là thằng ngu. Từ ngày bị cắm sừng cuộc sống của hắn đẹp ra. Tự nhiên là Lisa phải tỏ ra ngoan ngoãn và dịu dàng hơn. Và chú thấy nó sẽ biến thành gấu cái ngay nếu nó vẫn trung thành. Thôi, mình ăn đi. Vấn đề này còn có thể thảo luận cho tới tối.

Vừa thấy chúng tôi, Edouard Knoblock như bị trúng phong. Hối suất đô-la đã lên gần một ngàn tỉ vậy mà chúng tôi dường như hãy còn một số phiếu cổ phần vô tận. Hắn chân đứng ngay:

– Bộ các người in lấy, hả?

Georger lên giọng:

– Cho một chai Forster sau bữa ăn?

Edouard như ngửi thấy một quỷ kế:

– Sao? Tại sao sau bữa ăn? Trò gì nữa đây?

Tôi chêm vào:

– Cần phải có rượu chát mới tiêu hóa nổi những món ăn quá lễ luôn mấy tuần nay.

Mặt Edouard tím lại:

– Ăn bằng phiếu của mùa Đông năm trước, chỉ đáng có bảy ngàn Marks, đã không biết xấu mà còn chỉ trích. Vậy là quá rồi! Phải mời cảnh sát tới.

– Mời đi! Chỉ thêm một tiếng nữa là bọn này ăn xong rồi tới Hohenzollern mua rượu ở đó.

Edouard đành nhượng bộ vì dầu sao ít ra hắn cũng còn bán được rượu cho chúng tôi.

Chúng tôi ngồi nhìn gian phòng trong khi chờ đợi. Tôi liếc trộm để xem Gerda có mặt ở đây không nhưng chẳng tìm thấy. Bỗng một bộ mặt quen thuộc đang đi tới chỗ chúng tôi.

Riesenfield chào chúng tôi. Georges tường thuật ngay vụ Watzek đánh ghen:

– Ông tới vừa đúng lúc để chứng tỏ sự biết ơn. Nhà tư tưởng oắt con của chúng ta vừa mở một trận quyết đấu thay mặt cho ông. Song đấu theo kiểu Mỹ: đá cẩm thạch chống dao găm.

– Thật không? – Hắn gọi một chai bia rồi hỏi tiếp – Chuyện ra sao?

– Walzek, chồng của Lisa mà ông đã tấn công bằng hoa, nghi ngờ bạn nhỏ này là tác giả. Hắn phục kích bằng dao.

Riesenfield hỏi cộc lốc:

– Bị thương?

– Chỉ hư đế giày. Watzek bị thương nhẹ.

– Định giở trò gì nữa đây?

– Không. Chuyện thật trăm phần trăm.

Bỗng nhiên Riesenfield lên giọng kẻ cả:

– Hắn phải đi khỏi chỗ này.

Tôi vểnh tai:

– Ai? Watzek hả?

– Không. Cậu.

– Tôi à? Tại sao không phải là ông? Hay là cả ông và hắn?

– Watzek thế nào rồi cũng ra tay lần nữa. Cậu là nạn nhân chỉ định. Hắn không để ý tôi và Georges, nội cái đầu hói của bọn này cũng đủ bảo đảm phần đạo đức. Hiểu chưa?

– Chưa.

– Muốn đặt điều kiện?

– Nhưng không phải vì vụ Lisa.

Riesenfield nhấn mạnh:

– Tôi nói về chuyện điều kiện. Cậu có thích làm dân hạ tiện của một thành phố lớn không?

– A? Trong thành phố lớn của ông, chắc người ta không nuôi heo bằng nước lạnh.

– Nếu có chỗ làm trong một nhật báo, cậu nghĩ sao? Ở Bá Linh… Dĩ nhiên là lúc đầu lương bổng chẳng bao nhiêu nhưng vừa đủ để nổi lên mặt nước. Sau đó thì tự xoay xở lấy.

Tôi tưởng như nghẹt thở:

– Rồi sao? Cậu hay hỏi tôi xem có việc gì giúp được không. Cậu cũng biết Riesenfield này giao dịch rất nhiều. Bây giờ giúp cậu. Và nghe đây bắt đầu làm từ ngày 1 tháng 1 năm 1924. Một công việc nho nhỏ ở Bá Linh. Bằng lòng chưa?

Georges vội vàng can thiệp:

– Không được. Hắn còn một hợp đồng năm năm.

– Vậy là càng nên đi sớm. Đồng ý?

Georges hỏi:

– Lương bao nhiêu?

– Hai trăm Marks.

Tôi trợn mắt:

– Bộ bọn ăn mày chết hết rồi sao? Tiền lương chết giấc đó vẫn tồn tại à?

Risenfield vẫn lạnh lùng:

– Đã bắt đầu trở lại.

– Thật à? Ở đâu? Ở Tân Tây Lan?

– Ngay trên nước Đức yêu quý của chúng la. Tiền lúa mạch. Các người chưa hay biết gì sao?

Tôi và Georges sững sờ nhìn nhau. Gần đây có tin đồn là một loại tiền mới sắp được lưu hành. Trị giá của một Đức kim mới được tính lương đương với một số lượng lúa mạch. Tuy nhiên, mấy lúc sau này, có quá nhiều tin đồn đến mức không biết tin vào đâu nữa.

Riesenfield quả quyết:

– Lần này là có thật. Nguồn tin riêng của tôi luôn luôn không sai chạy. Đồng Đức Kim lúa mạch sẽ trở thành đồng Đức kim vàng. Chánh phủ đang ráo riết vận động.

– Chánh phủ? Thì cũng chính chánh phủ gây ra nạn lạm phát.

– Nhưng tất cả đều đã qua rồi. Nước Đức không còn thiếu nợ nữa. Một ngàn tỉ Đức kim lạm phát sẽ trở thành một Đức kim vàng.

– Và đồng Marks vàng lại tới lượt nó bị mất giá, phải không? Và cuộc khiêu vũ lại tái diễn?

Riesenfield hớp một ngụm bia:

– Sao? chấp nhận hay từ chối?

Cả quán ăn dường như bỗng lặng trang. Tôi trả lời như gió thoảng:

– Chấp nhận.

Chính miệng mình nói ra nhưng tôi nghe như có kẻ nào đó nói thay. Tôi không dám nhìn qua Georges. Riesenfield khen:

– Vậy mới đúng là thức thời.

Những tấm thảm dưới chân tôi như đang bềnh bồng trong một vùng biển vô hình. Rồi tôi nghe Georges gọi:

– Mang chai Forster trắng ra đây.

Tới lúc đó, tôi mới dám ngẩng đầu lên:

– Vậy là anh đã cứu giúp chúng tôi…

– Chúng tôi. Sao lại là chúng tôi?

Georges trả lời thay:

– Cuộc sống nào cũng có đôi chút liên hệ với vài người khác.

Tôi nhìn Georges với sự biết ơn. Tôi phản bội y bởi vì tôi chẳng còn cách nào hơn, và Georges đã hiểu rõ điều đó. Tôi nghĩ là phải nói một lời gì với Georges:

– Chừng đó, thỉnh thoảng anh lên thăm tôi và tôi sẽ giới thiệu cho anh các bà các cô cùng mấy cô đào màn ảnh.

Riesenfield quay sang tôi:

– Ôi chao! Chưa chi đã có đại chương trình. Rượu đâu? Tôi cũng vừa cứu giúp cậu.

Georges thở ra:

– Một ngày nào đó trong đời, bất cứ ai cũng có được một lần cứu giúp kẻ khác. Cũng như một ngày nào đó, mình bỗng trở thành kẻ sát nhân một cách vô ý thức.

Chai rượu đã được đặt lên bàn. Bỗng Edouard mặt xanh như lá, quýnh quáng đi mau tới:

– Cho tôi một ly.

Tôi khoát tay.

– Đi chỗ khác. Bọn này vẫn uống được không cần có mặt bạn.

– Các bạn đừng hiểu lầm. Tôi trả tiền chai rượu này. Cho tôi một ly. Tôi cần phải uống…

Giọng hắn gần như rên rỉ nhưng chúng tôi không để ý:

– Bạn giành trả tiền hả? Suy nghĩ kĩ chưa?

Edouard thẫn thờ ngồi xuống:

– Tôi trả. Valentin chết rồi!

– Sao? Valentin bị gì?

– Tim. Vừa mới biết qua điện thoại.

Hắn vồ lấy li rượu. Tôi nổi nóng:

– Được tin Valentin chết mà bạn còn nhậu được à? Sung sướng vì thoát nạn phải không?

– Không, ngàn lần không. Louis. Bạn biết là chính hắn đã cứu sống tôi.

Riesenfield sửng sốt:

– Cái gì? Ông bạn cũng được cứu sống?

– Vâng, chính tôi đây.

Riesenfield kêu lên:

– A! Chúng ta toàn là những cứu tinh cả hay sao?

Georges thở dài:

– Đó là dấu hiệu của thời đại. Trong những năm sau này, rất nhiều người được cứu. Và cũng rất nhiều người gục ngã.

Tôi nhìn chằm chặp Edouard. Mắt hắn ươn ướt, nhưng với một người như hắn thì khó biết chắc được gì.

– Không tin được. Bạn vẫn thường mong Valenlin chết để khỏi tốn rượu.

– Tôi thề với bạn là không hề có chuyện đó.

– Nói cho có vậy thôi trong thâm tâm không bao giờ nghĩ thế – Những giọt nước mắt lăn dài trên má – chính hắn đã cứu mạng tôi.

Riesenfield uể oải đứng lên:

– Thôi, đủ lắm rồi. Kroll, chiều nay có ở văn phòng không?

Georges nhún vai:

– Điều quan trọng là ông đừng gởi hoa cho Lisa nữa.

Riesenfield gật đầu bỏ đi, mặt vẫn lạnh lùng.

Môi Edouard run run:

– Mình uống một li để tưởng niệm Valentin. Thật là khó tin! Đánh giặc, hắn chẳng sao, vậy mà bỗng nhiên lăn ra chết.

Tôi vỗ vai Edouard:

– Nếu bạn thương Valentin thật thì hãy chứng tỏ bằng hành động. Mang ra đây chai rượu mà hắn thường đòi hỏi.

– Johannisberg, được lắm.

Hắn đứng lên ngay và đi thẳng tới quầy rượu.

Georges gật gù:

– Chắc là buồn thật.

– Rất buồn nhưng cũng hết sức nhẹ người.

– Tôi cũng định bảo thế…

– Tóm lại, tâm trạng hiện thời của hắn là sửng sốt trước một tin bất ngờ.

Bỗng Georges quyết định:

– Mình nên rời khỏi đây. Cứ để cho Edouard khóc bạn bằng chính rượu của hắn.

Tôi men đài bờ tường trong bóng tối, lẩm bẩm như người điên:

“Em, người em hiền dịu và man dại, vết thương của anh và bó mimosa, yêu em, anh muốn điên! Có ai thử nhốt gió chưa? Rồi còn lại những gì? Một chút hơi tù hãm. Em hãy đi lấy đường em, hãy tìm vui trong rạp hát, trong những buổi hòa nhạc, hãy lấy chồng sĩ quan trừ bị, giám đốc ngân hàng, một kẻ chiến thắng lạm phát. Hãy đi đi tuổi trẻ, hãy lên đường cánh buồm xanh. Đi đi, Isabelle! Đi đi tuổi trẻ trễ muộn của tôi được giành giựt lại từ bàn tay chiến tranh, cả hai, hãy đi đi, và tôi nữa, tôi cũng sẽ đi. Chẳng có gì phiền trách nhau, mỗi người một con đường… Sự chết chóc luôn luôn mạnh hơn tất cả, không một ai có thể lừa dối nó. Vĩnh biệt! Chúng ta chết mỗi ngày, chúng ta cũng sống mỗi ngày thêm một ít, em đã nói và anh cũng chẳng quên, và kẻ nào không muốn ôm đồm sẽ có được tất cả. Vĩnh biệt, anh hôn em bằng đôi môi lạnh, anh ôm em trong vòng tay – những cánh tay không hề biết giữ lại – chúc em may mắn, chúc em manh khỏe, em vẫn cứ mãi ở trong anh…”

Tôi ngồi trên ghế dài trong vườn cây với một chai rượu mạnh trong tay, nhìn bao quát cả khu trại điên.

Trong túi tôi, một ngân phiếu đang nằm đó: ba mươi quan Thụy Sĩ. Những phép lạ nối tiếp nhau. Một tờ báo Zurich mà cách đây hai năm tôi đã gởi tới tấp rất nhiều bài thơ, vừa chọn đăng được một và gởi trả tiền nhuận bút bằng ngân phiếu. Tôi đã tới thẳng ngân hàng người ta cho biết không phải ngân phiếu giả. Một nhân viên ở đó đề nghị tôi đổi ra Đức kim theo thị trường đen. Không. Mảnh giấy quý giá đó đang nằm trong túi áo, cạnh trái tim. Nếu nó tới sớm hơn có lẽ tôi đã dùng nó để sắm một bộ quần áo mới làm dáng với mẹ con bà Terhoven. Mặc! Gió lạnh nổi lên, tờ ngân phiếu phập phều trong túi áo. Tôi ngồi với một bộ lễ phục trong tưởng tượng, với đôi giầy da hoẵng mà Karl Brill hứa đóng cho, với một khăn tay ló ra từ miệng túi. Tôi là một nhà tư bản đang du lịch, cả Moulin Rouge thuộc về tôi, một cái vẫy tay và một chai sâm banh mang tới… và tôi uống, tựa người vào bờ tường xám, phía sau tôi là một lũ oan hồn: Isabelle, tuổi trẻ của anh, mẹ, em, Bodendick – Đại diện nhà trời – Wernicke – vị chủ tể của luận lí – … và xa xa là bóng dáng quỷ quái của chiến tranh.

Trước mặt tôi là một tòa nhà, viện bảo sanh. Lần đầu tiên tôi nhận ra nó ở quá gần khu trại người điên. Đó là nơi tôi được sanh ra và tôi gần như quên mất. Chào mi, ngôi nhà thân mến, nơi sanh sản của con người. Người ta đã đưa mẹ ta đến với mi, gia đình ta nghèo lắm và mi đã chấp nhận hoàn toàn miễn phí. Xin chào người! Kiến trúc sư xa lạ đã xây dựng tòa nhà sanh đẻ ấy lên, bên cạnh nhà thương điên. Có lẽ người không nhận ra sự kì dị đó bởi vì những điều buồn cười nhất lại thường được thực hiện bởi những người nghiêm trang nhất. Tóm lại xin hoan hô lí lẽ nhưng đừng quá tin vào nó. Em. Isabelle em đã tìm thấy được rồi, và Wernicke, ông ấy có quyền xoa tay.

Chai rượu cạn. Tôi cố ném thật xa. Nó rơi phịch trên mảnh đất cày. Tôi đứng dậy. Tôi tự biết đã thấm rượu và cần phải tới Moulin Rouge. Riesenfield hứa đãi một chầu để tiễn tôi lên đường và để nhớ công những kẻ đã cứu người. Georges sẽ có mặt ở đó với Lisa. Chúng tôi phải ăn mừng lạm phát ra đi.

Chúng tôi ra khỏi đường lớn vào lúc đã quá khuya như một lũ say. Ánh đèn soi mờ nhạt. Chúng tôi đã chôn vùi năm cũ hơi sớm một tí. Willi và Renée de la Tourterelle bất ngờ nhập bọn. Willi và Riesenfield ngay sau đó đã tranh luận vô cùng sôi nổi. Riesenfield quả quyết là sắp có đồng Đức kim lúa mạch… Willi thì tuyên bố là trong trường hợp đó hắn sẽ bị phá sản. Renée theo dõi câu chuyện, lặng thinh nhưng e ngại.

Xuyên qua bóng đêm và màn gió, bọn tôi chợt thấy một đám đông đang tiến tới. Tôi bảo nhỏ Georges:

– Bảo các bà tránh ra. Chắc chắn không tránh được ẩu đả.

– Đồng ý.

Chúng tôi đang ở gần khu chợ mới. Georges bảo Lisa:

– Nếu thấy có chuyện xảy ra thì chạy ngay tới quán Matz, gọi ban hợp ca của Bodo tới mau tăng viện.

Và quay sang Riesenfield:

– Còn ông, cứ làm như không quen biết bọn này.

Willi cũng lo cho Renée:

– Em cũng tránh ra xa, càng xa càng tốt.

Đám đông đã tới gần. Bọn du đãng đều mang giày ống, có lẽ chúng nuối tiếc cái thời của những nhà ái quốc Đức. Trừ một vài đứa, tất cả đều ở khoảng mười tám hoặc hai mươi tuổi.

Một tên trong bọn hô lớn:

– Thằng tóc đỏ, tụi bây! Và cái đầu lợp da mông!

Dầu trời tối, chúng vẫn nhận ra ngay cái mớ tóc đỏ của Willi và cái đầu sói của Georges. Một tên khác ra lệnh:

– Nhào tới!

Georges hét:

– Lisa, chạy!

Gót giày của ả khua cồm cộp. Một tên tóc vàng vừa đeo kính vừa đuổi theo, vừa hô lớn:

– Nó kêu cảnh sát.

Willi ngáng chân. Tên tóc vàng lăn kềnh. Thế là trận chiến mở màn.

Bọn tôi có năm người, không kể Riesenfield. Đúng ra thì chỉ có bốn người rưỡi và Hermann Lotz, một chiến hữu, đã cụt mất tay trái. Nó đến với chúng tôi, cùng đi có anh chàng Kohler nhỏ bé.

Tôi kêu to:

– Hermann coi chừng ngã. Cứ đứng ở giữa. Kohler, nếu có té thì cắn bọn nó.

Georges chỉ huy:

– Bảo vệ phía sau!

Lệnh ra rất đúng nhưng lúc đó phía sau chúng tôi là một dãy cửa kính của cửa hiệu thời trong Max Klein. Nước Đức ái quốc bắt đầu xung phong!

Chúng tôi siết chặt hàng ngũ. Nhờ ánh đèn từ phía sau, chúng tôi thấy rõ địch thủ hơn. Tôi nhận ra tên cầm đầu đã từng toan hành hung bọn tôi ở quán Trung Ương. Tôi gọi hắn:

– Nhào vô, con!

Hắn nhìn bọn cận vệ. Ba tên từ từ bước ra. Quả đấm của Willi phóng ra trúng đầu của tên tới trước. Nó ngã quỵ trên thềm đường. Tên thứ hai quất trúng vào tay tôi một dùi cui. Tôi cố chụp lấy cây gậy cao su của nó nhưng không được. Willi vừa thoáng thấy, nhảy bổ vào, bẻ vai. Cái dùi cui rơi xuống. Willi toan lượm lên thì bị tống lật ngửa ra.

Tôi hét lởn:

– Kohler, lượm cây ma-trắc!

Đội hình chiến đấu của chúng tôi bắt đầu rối loạn. Tôi bị hất tung vào cửa kính. Khung cửa rung chuyển nhưng may mắn là không bể kính. Nhiều cửa sổ quanh đó mở ra. Phía sau, những hình nộm bằng gỗ ăn mặc theo thời trang Max Klein lặng lẽ theo dõi cuộc chiến.

Một tên mặt mụn cao lớn bấu vào cổ họng tôi. Mùi cá mòi và rượu bia xông ra, đầu hắn kề sát khiến tôi có cảm tưởng là hắn định hôn mình. Tay trái còn bị tê điếng bởi cú dùi cui, tôi dùng ngón cái tay phải định bấm vào mắt hắn. Nhưng vì cả hai cái đầu đang chạm sát vào nhau, món móc mắt trở thành vô dụng.

Và, đúng vào lúc sắp lăn đùng vì nghẹt thở, tôi bỗng mơ hồ thấy như một đóa hoa vừa nhô ra khỏi đầu hắn, đồng thời mắt hắn trợn dọc lên và những ngón tay từ từ nới lỏng ra… Có tiếng đổ loảng xoảng của một bình hoa vỡ… vừa lấy đủ không khí vào buồng phổi tôi lung cả đầu vào cằm khiến hắn quỵ ngay. Một chi tiết lạ kỳ: bình hoa ném từ cửa sổ xuống ngay đầu gã, vỡ toang ra nhưng những cánh bông còn vướng trên tóc hắn. Tôi không hiểu tại sao đầu hắn chẳng nứt tung ra, chắc được làm bằng thép “La Ruhr”. Bởi thế, tuy ngã quỵ nhưng hắn không bất tỉnh và trận chiến tiếp diễn…

Cuối cùng, tôi quật ngã được hắn đồng thời cũng lãnh gọn một cú đánh lén, rụng rời cả chân tay.

Kẻ địch thắng thế lại có thêm quân tăng viện. Tôi bỗng thấy Hermann Loz đang quỳ gối. Hắn bảo nhỏ:

– Lấy giùm cánh tay tao ra…

Tôi giúp hắn lôi cánh tay giả ra. Cái phần thân thể nhân tạo này bằng kền, ngoài đầu có một bàn tay thép được bao da đen. Chính vì vậy mà Hermann có biệt danh: Lotz hiệp sĩ tay sắt. Hắn tháo rời cánh tay giả ra rồi cầm lấy bàn tay mặt và đứng lên. Tôi báo động cho phe mình:

– Dang ra! Lolz xuất hiện!

Georges và Willi lập tức tránh đường. Cú đầu tiên, Hermann nhắm đúng một tên đầu sỏ. Bọn du đãng kinh hoàng. Lúc này, Hermann giống y một lực sĩ tả xông hữu đột. Cánh tay sắt bay múa giữa đám người. Thỉnh thoảng hắn lại dùng bàn tay mang găng da tát một vài tên khó thương. Bây giờ đến lượt hắn chỉ huy:

– Chạy cả tới cầu tiêu. Tôi bọc hậu.

Bọn tôi chạy ùa về phòng vệ sinh công cộng ở khu chợ mới. Hermann chạy sau, thỉnh thoảng quay người lại, vung cánh tay sắt. Bọn mang giày ống kinh hoảng tột độ, có tên vừa thấy bàn tay mang bao da đen vút qua là kêu thét lên, hai tay ôm mặt.

Chúng tôi đã vào cả bên trong phòng tiểu nhưng để dễ dàng phòng thủ hơn, chúng tôi tràn sang chiếm chỗ dành cho các bà. Phía đàn ông quá trống trải, rất dễ bị tấn công, bên các bà có được vài cửa sổ nhỏ tiện lợi hơn.

Kẻ thù đuổi tới. Bọn chúng khoảng hai mươi đứa, đa số là những tên mới. Chúng cố phá thủng vị trí phỏng thủ của tôi và Kohler.

Trong cơn hỗn loạn tôi chợt nhận thấy bên mình có quân tiếp viện. Và Riesenfield hiện ra với một cái cặp da cuộn tròn, bên trong có lẽ đã được dồn gạch đá. Một cái quơ tay của hắn, một tên Quốc Xã ngã quỵ. Trong khi đó, Renée dùng giày cao gót làm võ khí phá vòng vây.

Tôi còn đang mê man theo dõi cuộc chiến li kì bỗng một lên thừa cơ húc mạnh vào người. Tôi từ từ quỵ xuống nhưng vẫn còn đủ sáng suốt nhận thấy phần thắng lợi nghiêng về phe ta.

Tôi gượng đứng lên đồng thời chuẩn bị đón đỡ đòn thứ hài. Và chính ngay lúc đó, tôi bỗng chứng kiến một cảnh tượng oai hùng. Lisa, như một nữ chúa, đang oai vệ tiến tới, bên cạnh là Bodo Ledderhose và phía sau là cả một băng hợp ca của hắn. Bỗng một giọng ồm ồm vang lên như sấm:

– Đứng nghiêm!

Đó là sáng kiến của Renée. Một số lớn kẻ địch giựt nẩy người. Và ca đoàn Bodo bắt đầu nhập trận.

Tôi lại gượng đứng lên. Tất cả đều im lặng. Bọn du đãng đã bỏ chạy mang theo những đồng bọn bị thương. Tôi mệt mỏi buông thõng:

– Thèm rượu rồi.

Bodo nói ngay:

– Được rồi, sẽ có ngay. Bây giờ thì rời khỏi chỗ này lập tức. Cảnh sát sắp tới.

Ngay lúc đó, một tiếng chát vang lên. Ngạc nhiên, chúng tôi cùng quay đầu lại. Lisa vừa đánh một người nào đó. Ả lạnh lùng gằn giọng:

– Khốn kiếp! Mầy lo cho vợ bằng cách đó hả?

Bóng người thều thào:

– Em… em…

Một tiếng nữa vang lên nhưng hơi đục. Chính Watzek! Hắn đang đứng đó, hai tay che đít.

Lisa tru tréo giữa khu chợ trống:

– Trời ơi! Chồng con như vậy đó!

Walzek vẫn im lìm. Máu từ vết thương cũ do tôi gây ra luôn xối xả. Tôi chỉ cái cặp da dồn đá và hỏi nhỏ Riesenfield:

– Ông đánh hắn?

Riesenfield gật đầu và nhìn chằm chập về gã đồ tể:

– Dường như có gặp hắn ở đâu.

– Tại sao hắn ôm đít? Làm kì vậy?

– Bị ong chích.

Renée vừa trả lời vừa cài một cây kim nhọn vào nón.

Tôi đi tới chỗ Watzek:

– Sao! Bây giờ tôi mới biết chính bạn đã húc vào bụng tôi lúc nãy. Trả ơn bằng cách đó hay sao?

Watzek xấu hổ:

– Trời ơi! Tôi có biết đó là bạn đâu.

Lisa đanh đá:

– Hắn thì còn biết tới ai!

Tôi nhận thấy Watzek xấu hổ thật sự. Và tôi cũng nhận thấy hắn đã cố thực hiện lời khuyên của tôi. Chiếc sơ mi trắng của hắn mới tinh. Nhưng hỡi ơi, chính vì vậy mà máu đỏ thêm ra. Bất hạnh!

Lisa bảo chồng:

– Đi về, đồ khốn nạn!

Walzek lẳng lặng đi theo. Georges giúp Hermann buộc lại cánh tay giả.

Bodo mời cả bọn:

– Về đằng tôi kiếm gì uống đi.

Chúng tôi rời nhà Bodo khi trời sắp sáng. Một gã bán báo đi qua. Riesenfield gọi lại mua một tờ. Ở trang nhứt, một hàng tít lớn nổi lên:

Chấm dứt lạm phát.

Một ngàn tỷ ăn một Đức kim.

Riesenfield hỏi:

– Cậu thấy sao?

Tôi chỉ biễt gật đầu trong khi Willi rên rỉ:

– Vậy là chết rồi, sạt nghiệp luôn…

Và hắn quay sang Renée:

– Em thấy không, mới được đó rồi mất đó. Tiền bạc có nghĩa gì…

Renée lạnh lùng:

– Có nghĩa lắm chớ, nhứt là khi thiếu hụt.

Georges cùng tôi ra đường Assomption. Tôi nói với y:

– Kể cũng lạ, Watzek bị tôi và Riesenfield đánh chớ không phải anh. Đáng lí là anh mới phải. Như vậy có vẻ tự nhiên hơn.

– Tự nhiên nhưng không được đúng lắm.

– Tại sao?

– Bởi vì người sói đầu như tôi không nên nói chuyện tay chân mà cần phải vận dụng sự khôn ngoan.

Chúng tôi đã về tới khu vườn. Những cây thánh giá trông xám xịt vào buổi sớm. Cô con gái nhỏ nhất của lão Knopf, mặt còn ngái ngủ ra đón chúng tôi.

– Ba tôi bảo với các ông là ba tôi đồng ý bán lại tấm bia với giá mười hai tỷ.

– Cô nói với ba cô là chúng tôi chỉ trả tám Đức kim thôi. Và nếu chấp thuận thì nên cho biết trước giữa trưa. Tiền bạc lúc này khó kiếm.

Từ buồng ngủ, lão Knopf thò đầu ra:

– Mấy người nói gì?

– Tám Đức kim, thưa ông Knopf. Tới chiều là chỉ còn sáu thôi. Tiền đang tuột dốc. Khó tin lắm phải không?

– Vậy là tôi cứ giữ luôn. Bọn ăn cướp xác chết!

Và lão Knopf đóng sầm cửa lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.