Đám Đông Cô Đơn

CHƯƠNG III: Bồi thẩm đoàn là nhóm ngang hàng: sự thay đổi trong các tác nhân hình thành tính cách (tiếp theo)



Chủ nghĩa cá nhân là một giai đoạn chuyển tiếp giữa hai dạng tổ chức xã hội.

W.I Thomas, Cô gái không thích nghi[123]

I. Nhóm ngang hàng trong giai đoạn nội tại định hướng

Cùng với sự suy tàn của hình thức đại gia đình (kiểu gia đình truyền thống định hướng có thể gồm các cô cậu, anh chị em họ và những họ hàng thân thích khác), đứa trẻ dưới mái nhà theo nội tại định hướng thường phải đối mặt những áp chế khắt khe của hình mẫu cha mẹ được lý tưởng hóa. Nó có thể phải ganh đua với anh chị em nhằm nhận được sự ưu ái của cha mẹ, hay để tránh né sự phản đối của họ. Về lý thuyết, con cái có thể cùng nhau chống lại sự độc đoán của cha mẹ, nhưng theo các tiểu thuyết thời bấy giờ, trường hợp thường xảy ra hơn là cha mẹ chia rẽ con cái để dễ chi phối. Con cái trong một gia đình không thể có phản ứng đồng đều như một nhóm ngang hàng vì chênh lệch tuổi tác. Hiển nhiên là đứa trẻ nào cũng luôn phải đối mặt các vấn đề riêng và nó chỉ có thể đơn độc với mớ rối rắm ấy – trừ phi may mắn có bà giúp việc hay người dì biết đồng cảm.

Đây là cái giá mà đứa trẻ nội tại định hướng phải trả cho hoàn cảnh trong đó sự trưởng thành của nó không bị chậm trễ vì phải chờ đợi các nhóm ngang hàng cùng độ tuổi. Cha mẹ không kìm giữ đứa trẻ, bởi lẽ theo “những cá nhân có uy tín” thì nó vẫn chưa đủ sẵn sàng. Trong các lá thư Huân tước Chesterfield[124] gửi con trai, ta thấy được quan điểm thiếu chuẩn xác phổ biến trong rất nhiều tài liệu của giai đoạn đầu thời cách mạng công nghiệp, rằng đứa trẻ chẳng qua là người trưởng thành còn non nớt và thiếu kinh nghiệm. Huân tước Chesterfield viết như thể cậu con trai mới 15 tuổi của ngài đã đạt đến độ trưởng thành về giới tính và trí tuệ, cậu chỉ cần thông minh chín chắn và đạt được ảnh hưởng trong quan hệ xã hội. Phụ huynh theo nội tại định hướng không cho rằng bổn phận làm cha mẹ của họ bao gồm cả việc rèn luyện cho con mình chơi đùa với bọn trẻ đồng lứa ngoài gia đình hay dạy con hợp tác với các bạn một cách hòa nhã.

Kết quả là đứa trẻ, bị vây quanh bởi toàn những người lớn theo nội tại định hướng, thường phải đối mặt với những đòi hỏi hết sức phi lý. Đứa trẻ không bị kìm giữ nhưng cũng không hề được nghỉ ngơi. Đứa trẻ đang lớn có thể phản ứng lại đòi hỏi của cha mẹ bằng mặc cảm tội lỗi và nỗ lực đến tuyệt vọng để sống xứng đáng với hình mẫu được đưa ra hay bằng sự nổi loạn chống lại hình mẫu đó trong đơn độc; nó không phản ứng lại, như trong môi trường ngoại tại định hướng, bằng cách tận dụng nhóm ngang hàng như một hội hòng khiến những người lớn hay âu lo phải nhún nhường nếu họ đưa ra những kỳ vọng bất hợp lý hay thậm chí là bất thường đối với trẻ. Ở thời này, đôi khi hoàn toàn có thể nuôi dạy con trẻ tương đối tách biệt với các nhóm ngang hàng tuổi nó, dù rằng đứa trẻ vẫn giữ liên lạc với các bạn ở trường. Hình ảnh các cô cậu bé nhà giàu đáng thương và tội nghiệp là kết quả của thời đại này, khi con trẻ thường là tù nhân xã hội của cha mẹ và các bảo mẫu.

Trên thực tế, chỗ ở của gia đình có ý nghĩa khác hẳn nhau trong ba giai đoạn dân số. Trong giai đoạn tiềm năng tăng cao dân số, trừ các bộ tộc săn bắn và du mục, thì nhà ở luôn là cố định. Là trung tâm cho hầu hết hoạt động của quá trình hòa nhập xã hội, ngôi nhà tượng trưng cho tầm quan trọng chính yếu của đại gia đình trong quá trình đó. Trong giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp, thanh thiếu niên phải xa rời gia đình và xây dựng tổ ấm mới ở nơi khác. Anh ta sẽ đến một vùng biên chưa khai khẩn hay một thành phố chưa phát triển; ở đó anh ta lập gia đình rồi định cư. Mái nhà mới này có ý nghĩa quyết định trong quá trình hòa nhập xã hội của con cái anh ta, dù trường học và những thành tố chuyên biệt khác bên ngoài gia đình cũng đóng các vai trò ngày một quan trọng.

Trong giai đoạn chớm giảm dân số, người ta vẫn thường xuyên thay đổi chỗ ở, nhưng là để tìm kiếm các đường biên tiêu thụ cũng như sản xuất. Nghĩa là, họ tìm các khu dân cư tử tế để con cái họ về sau gặp được những người đàng hoàng. Mặc dù ngày nay ở nước Mỹ, phần nhiều những cuộc dời đổi chỗ ở là để tìm việc làm tốt hơn, cả trong nội thành hay từ thành phố này sang thành phố khác, nhưng cũng ngày càng có nhiều người chuyển chỗ ở nhằm tìm kiếm nơi ở có hàng xóm và trường học tốt hơn. Vì có nhiều người cùng muốn chọn các khu dân cư tốt, nên áp lực này, cùng với sự chuyển biến nhanh chóng các giá trị và xu thế cư trú của người dân thành thị Mỹ, hàm nghĩa là không ai định cư mãi một chỗ cả cuộc đời. (Vì khi bọn trẻ đã lớn khôn và tạo dựng gia đình riêng, cha mẹ sẽ lại nảy sinh ý muốn chuyển chỗ ở, có lẽ là để tìm kiếm các giá trị khác cho chính mình.) Do vậy, qua chính sự lựa chọn nơi định cư, cha mẹ theo ngoại tại định hướng cho thấy họ đánh giá ra sao về những mối liên hệ xã hội của con cái mình. Và đương nhiên, vì phải sống trong một không gian chật hẹp với một hai đứa con, gia đình thành thị và ngoại ô nảy sinh nhu cầu sử dụng không gian – không gian thực tế và cảm xúc – vượt ra khỏi giới hạn của căn nhà, cho các hoạt động của đám trẻ đang khôn lớn. (Cũng trong giai đoạn này các gia đình thuộc tầng lớp lao động có thêm nhiều không gian sống hơn là trong thời công nghiệp hóa trước đó; thế nhưng ở đây chúng ta chỉ khảo cứu lịch sử của giai tầng trưng lưu.)

Giờ quay trở lại tình cảnh của đứa trẻ nội tại định hướng, ta sẽ thấy là nó tìm bạn chơi hoặc trong số anh chị em hoặc trong nhóm trẻ có thể lớn tuổi hơn nó khá nhiều bên các gia đình hàng xóm. Hình thức này còn tồn tại ở các vùng nông thôn, nơi đám trẻ tụ tập ngoài ao tắm hay sân bóng thường bao gồm những cá nhân thuộc khá nhiều độ tuổi; không có sân chơi ngăn cách các nhóm tuổi. Dẫu vậy, sau khi đã đạt một “độ tuổi biết suy xét”, trẻ kiểu nội tại định hướng được trông chờ phải giới hạn các mối quan hệ bạn bè chỉ với những ai thuộc tầng lớp xã hội tương đương. Giai cấp phải là một rào cản có ý thức bởi lẽ thời đó các khu dân cư chưa bị phân cách theo giai cấp và sắc tộc rõ rệt như ở nhiều vùng ngoại ô ngày nay – cũng như người da trắng và người da đen ở miền Nam vẫn thường sống kề cận nhau. Từ 5 đến 15 tuổi, giới tính cũng là một rào cản cho trẻ kiểu nội tại định hướng, trường học chung cho con trai con gái là rất hiếm và nếu có thì ở đó người ta không nỗ lực khuyến khích hòa nhập hai giới, cũng như chẳng mấy ai nỗ lực hòa hợp các giai tầng xã hội: không trường nào tổ chức các buổi khiêu vũ cho học sinh lớp sáu lớp bảy. Nếu so với những đứa trẻ kiểu ngoại tại định hướng ngày nay, trẻ theo nội tại định hướng – bị hạn chế khi chọn bạn và tự giới hạn bản thân vì ý thức rõ được địa vị hiện tại của mình và địa vị mà nó khát khao – có vẻ được coi là “khó tính”.

Bị kìm hãm trong những giới hạn xác định bởi địa lý và sự cấm đoán, khi gần đến tuổi dậy thì đứa trẻ nội tại định hướng sẽ nảy sinh mong muốn cần tìm một hai người bạn thân. Cậu ta có thể thấy, ở một người họ hàng hay người bạn lớn tuổi hơn, một mẫu người để học theo và ngưỡng mộ. Nhưng trong nhiều trường hợp cậu ta sẽ chọn một người bạn thân dựa theo sự tương đồng về sở thích – những sở thích cá nhân mang dấu ấn riêng và thường được lưu giữ ngay cả khi trẻ đã trưởng thành. Ta vẫn có thể quan sát hình thức này tại các trường nam sinh ở Anh, ở đó đứa trẻ nào cũng có đam mê riêng. Một số trẻ thấy mãn nguyện khi được ở một mình – riêng niềm đam mê đã đủ để làm bạn đồng hành rồi. Nhiều trẻ kết bạn với nhau một cách nhanh chóng khi có cùng sở thích như nuôi chim, đi xe máy, sưu tầm khoáng vật, hay yêu thơ.

Như chúng ta sẽ thấy ở Chương XV, một niềm đam mê hay sự khéo tay tự bản thân nó không phải là dấu hiệu rõ ràng của kiểu nội tại định hướng: trẻ ngoại tại định hướng cũng có thể theo đuổi các đam mê tương tự. Thậm chí, ở một mức độ nào đó, trên danh nghĩa niềm đam mê của hai phía là trùng hợp. Nhưng sự đam mê của trẻ nội tại định hướng và ngoại tại định hướng lại khác hẳn nhau về ý nghĩa và bối cảnh xã hội. Trẻ nội tại định hướng sẽ chẳng mấy khi đem sở thích riêng ra chia sẻ với một nhóm đông các bạn bè đồng lứa – sưu tầm tem có thể là ngoại lệ – và khi những trẻ có chung đam mê này gặp gỡ, chúng cũng chỉ trao đổi hiểu biết kỹ thuật và thể hiện lòng nhiệt tình, như hai nông dân cùng chia sẻ thông tin về các giống gia súc ưa thích. Chẳng có gì đáng lo trong những cuộc gặp gỡ như vậy: không nảy sinh vấn đề nào từ việc duy trì các dị biệt hóa biên tế (khác biệt, nhưng không quá lớn) về sở thích như chúng ta sẽ thấy ở trẻ kiểu ngoại tại định hướng. Đứa trẻ không bị dao động khi thấy các bạn có niềm đam mê khác; đúng hơn, nó hãnh diện vì bản thân có phong cách riêng được tôn trọng trên phạm vi rộng.

Tuy nhiên, cho phép tôi lưu ý độc giả, đừng quá nuối tiếc những điều nêu trên, như khi nhớ đến các tác phẩm Penrodhay Huckleberry Finn[125] hay thậm chí là thời niên thiếu tràn đầy lý tưởng của mình. Nhóm ngang hàng có thể tranh đua kịch liệt trong thể thao và học hành, sự ganh đua này được các huấn luyện viên, thầy cô và những người lớn khác tích cực khích lệ. Nhiều học sinh đạt giải thưởng ở tiểu học đã suy sụp khi không vượt qua được cuộc đua tranh khắc nghiệt hơn ở trung học. Nhiều điều đã sụp đổ – và còn nhiều điều nữa cũng có nguy cơ bị sụp đổ – trong những cuộc chạy đua như vậy; và trẻ nội tại định hướng không dễ mà thay đổi các mục tiêu đã bám rễ trong đầu nó, theo kiểu Con cáo và chùm nho,[126] khi những mục tiêu ấy dường như trở nên nằm ngoài tầm với. Hơn nữa, cha mẹ và thầy cô thiếu hiểu biết về tâm lý nhiều khi lại bắt trẻ noi theo gương mấy đứa bạn đáng ghét chỉ biết chúi đầu vào học, áo quần bảnh bao và luôn tỏ vẻ lễ phép.

Trên hết tất cả, số phận của nhiều trẻ nội tại định hướng là cô đơn ngay trong gia đình và cả ở ngoài xã hội. Tại gia đình, lớp học, trên đường tới trường đều có thể là những nơi chúng bị bắt nạt, đối xử tệ bạc và không được ai thấu hiểu. Không người lớn nào đứng ra can thiệp cho đứa trẻ đơn độc bị bắt nạt nhằm tỏ lòng cảm thông, hỏi han hay khuyên nhủ. Người lớn không cho rằng việc chơi đùa của trẻ là quan trọng; họ chỉ trích những đứa trẻ có vẻ mê mải việc chơi mà ít quan tâm chuyện học hành. Giáo viên có xu hướng thiên về phương pháp trắc lượng xã hội sẽ không cố chia tách các hội nhóm trong trường chỉ nhằm đảm bảo không em nào bị ra rìa. Trong công trình nghiên cứu mang tên Middletown của Lynd, có một minh chứng điển hình cho thấy sự đua đòi quá độ của thanh thiếu niên, đó là câu chuyện về đứa con gái bỏ học vì bà mẹ không mua nổi cho nó đôi tất lụa. Thường thì trẻ không nhận thức được rằng chúng có quyền có bạn bè, quyền được nhận sự cảm thông cũng như hưởng thụ thú vui – quả thực chúng không biết người lớn có thể rất để tâm đến những chuyện như vậy – chúng chỉ lẳng lặng chịu đựng và phục tùng những điều hết sức quá quắt.

Nhờ quan điểm ngày nay, chúng ta mới thấy được những điểm lợi bị lẫn trong các điều bất lợi nêu trên. Có thể thấy rằng trong một xã hội coi trọng kiểu nội tại định hướng thì nỗi cô đơn và thậm chí sự ngược đãi không bị coi là những điều tồi tệ nhất. Cha mẹ, đôi khi ngay cả thầy cô, nắm giữ uy quyền đạo đức lớn lao, còn nhóm ngang hàng đem lại ít ảnh hưởng đạo đức hơn, dù ảnh hưởng đó có thể hấp dẫn hay mang tính đe dọa. Người lớn hiếm khi can thiệp để hướng dẫn và giúp đỡ trẻ, họ cũng không bảo với trẻ rằng nó nên là một phần của đám đông và phải được vui chơi.

II. Nhóm ngang hàng trong giai đoạn ngoại tại định hướng

Phụ huynh trong thời ngoại tại định hướng thống trị xã hội đã mất đi vai trò đã từng là hiển nhiên không thể bàn cãi; người cha không còn là “thống đốc” trong gia đình hay là người đào tạo ra các thống đốc nữa. Những uy quyền khác trước kia nằm trong tay bảo mẫu và người bà gần như biến mất, hoặc như uy quyền của người thầy, đảm nhận vai trò mới là người trợ giúp và trung gian hòa giải cho các nhóm ngang hàng – vai trò này có lẽ gần tương tự như các giáo sĩ, những người mà trong giáo đoàn người trưởng thành, đi từ đạo lý sang tinh thần.

Như đã chỉ ra, thành phố nơi trẻ kiểu ngoại tại định hướng lớn lên khá rộng lớn và phân tầng – tính cả vành đai các khu ngoại ô – đủ để tạo thành các nhóm theo độ tuổi và theo giai tầng cho trẻ. Có thể gửi trẻ vào trường, sân chơi và trại hè cùng các trẻ khác có lứa tuổi và địa vị xã hội tương đương. Nếu gọi người lớn là thẩm phán, thì bạn bè đồng lứa là bồi thẩm đoàn. Ở Mỹ, thẩm phán bắt buộc phải phục tùng vô số quy định, điều này trao cho bồi thẩm đoàn quyền lực mà không nước theo thông luật nào khác có được. Các nhóm bạn bè ngang hàng ở Mỹ cũng tương tự, không nhóm nào khác có thể bì kịp về quyền lực với một cá nhân trong khắp giới trung lưu.

Phiên tòa. Trong khi cha mẹ theo nội tại định hướng thường thúc ép đứa con thực hiện các “bổn phận” ở nhà, ví dụ như thói quen ăn ở sạch sẽ và tập đi vệ sinh, thì cha mẹ theo ngoại tại định hướng dễ tính hơn trong những chuyện như vậy, nhưng họ lại thúc ép con cái, với sự nôn nóng tương tự, trong đời sống xã hội của trẻ, dù họ thường không nhận thức được mình đang làm vậy. Cha mẹ ngày nay đạo diễn các cuộc gặp gỡ của trẻ lên ba lên bốn, cũng như người lớn sắp đặt chuyện hôn nhân cho con cái ở thời trước. Trong khi phần đông người lớn cho trẻ nhỏ ăn uống tùy theo nhu cầu, thì điều tương tự lại không được áp dụng trong quá trình hòa nhập xã hội. Thời gian biểu hằng ngày của trẻ là một nỗ lực, khi người mẹ kiêm nhiệm cả vai trò tài xế lẫn đại lý tài năng,[127] nuôi dưỡng ở đứa trẻ mọi khả năng hiện đang được coi là thiết yếu, nhất là khả năng hòa đồng. Một số người lớn không thể hiểu nổi khi quan sát thấy trẻ thích chơi một mình hay chỉ thích chơi cùng một bạn khác.

Theo cách đó, đứa trẻ đối mặt với cái chúng ta gọi là bè bạn ngang hàng về mặt trắc lượng xã hội mà không có bên mình bè bạn ngang hàng về những mặt không mấy hiển hiện ngay trước mắt, ví dụ như tính khí và sở thích. Thế nhưng vì không có những khác biệt hiển hiện nên trẻ khó diễn đạt để biện minh, thậm chí là nhận thức được, những khác biệt khó thấynày. Trên bình diện công khai, tình trạng này được chuẩn hóa rất cao: vào bất kỳ lúc nào thuộc chu kỳ đang là thời thượng trong thực hành giáo huấn và hướng dẫn trẻ tiêu khiển, đứa trẻ nào cũng sẽ bị đối chiếu với những trẻ đồng lứa về mức độ hiểu biết. Như chúng ta đã thấy, thực ra chính sự chuẩn hóa này đã làm suy yếu quyền lực của cha mẹ, vì con cái và ngay bản thân họ đều thấy được sự lệch chuẩn ở chính họ minh chứng cho thiếu kinh nghiệm và không tương xứng. Trong bối cảnh này, người lớn nóng lòng mong con mình theo kịp nhóm bạn đồng lứa và do vậy bận tâm đến khả năng thích ứng của đứa trẻ. Cả họ cũng có khuynh hướng phớt lờ và thậm chí lấp liếm những khác biệt khó thấy giữa con mình và con người khác. Những khác biệt như vậy có thể gây hồ nghi về sự thích ứng của chính bản thân họ cũng như sự chính xác trong phản ứng của họ đối với các tín hiệu liên quan đến việc giáo huấn con cái.

Với những điều kiện trên, đa số trẻ em học hỏi rất nhanh; chính những uy quyền của người lớn vốn luôn đỡ đầu cho khả năng hiểu biết của trẻ (và do vậy làm chậm mức độ phát triển của chúng) có lẽ không mấy ấn tượng đối với bọn trẻ hiện đại theo ngoại tại định hướng biết tỏ ra chững chạc trong nhiều tình huống xã hội. Những trẻ này không e thẹn với người lớn hay với người khác phái mà chúng đi cùng đến các buổi khiêu vũ và tiệc tùng, những người chúng gặp mỗi ngày bên trong và ngoài trường. Hơn nữa, khả năng thích nghi này chuẩn bị tinh thần cho trẻ trước một dạng thức di động xã hội có phần không giống với kinh nghiệm tiến thân trong xã hội của kiểu người hãnh tiến mới nổi ở môi trường nội tại định hướng. Kiểu người hãnh tiến họa hoằn lắm mới hấp thu được cách cư xử tế nhị trong giao tiếp và trí tuệ của chúng bạn mới – thậm chí còn bắt chước và phô trương đến mức kệch cỡm. Người đó có thể hoặc giữ lại cung cách thô lậu và thấp kém hoặc khổ sở học tác phong mới khi tiến thân; trong cả hai trường hợp thì cách xử thế cứng nhắc, hạn hẹp của anh ta đều không giấu đi được. Ngược lại, trẻ kiểu ngoại tại định hướng có thể xoay trở giữa đám bạn mới với khả năng thích ứng gần như tự động trước các dấu hiệu khác biệt tinh tế nhất của địa vị mới.

Ghi nhận những thành tựu tích cực của tính hòa đồng kiểu ngoại tại định hướng này, ta hãy thôi không để ý đến những điều nhóm ngang hàng chỉ dạy và khuyến khích mà quay sang xét tới những gì nó kìm hãm. Ngày nay trẻ sáu tuổi trở lên đã biết nói câu – “nó cứ nghĩ nó giỏi lắm” (hay “nó tưởng nó là ai đó oách lắm”) – điều này phản ánh vai trò của nhóm ngang hàng trong quá trình nảy sinh kiểu người ngoại tại định hướng. Mục đích là nhằm giảm xuống mức thường tất cả những kẻ nào nổi trội theo bất kỳ chiều hướng nào. Ngay từ khi còn ấu thơ và từ đó trở đi, việc phô trương tính kiêu căng được coi là một trong những điều chướng tai gai mắt nhất, có lẽ cũng nặng như sự thiếu trung thực ở thời trước. Khoe khoang là cấm kỵ.

Sự cáu kỉnh, đố kỵ ra mặt, thái độ ủ dột – những điều này cũng vi phạm quy tắc ứng xử của nhóm ngang hàng. Mọi thói tật hay cá tính độc đáo đều ít nhiều sẽ bị loại trừ hay kiềm chế. Đánh giá của các thành viên trong nhóm ngang hàng thường là vấn đề liên quan đến sở thích và khi diễn đạt người ta phải dùng đến những từ ngữ mơ hồ, liên tục thay đổi: đáng yêu, bần tiện, vụng về, cục cưng, cừ khôi, bảnh, đồ chó (không mang nghĩa chính xác)… Phép trắc lượng quan hệ xã hội theo nhóm phản ánh tình hình này, ví dụ như khi hỏi trẻ xem chúng thích ngồi cạnh ai hay không thích ngồi cạnh ai, thích có ai là bạn, muốn ai làm lãnh đạo, vân vân. Những đánh giá của trẻ có thể được cân nhắc kỹ lưỡng là bởi, và chỉ vì, tất thảy đều dựa trên những chuỗi sở thích đơn giản mà trẻ em thường xuyên dựa vào để xếp hạng lẫn nhau.

Tuy nói rằng các đánh giá của nhóm ngang hàng chủ yếu là do vấn đề về sở thích, không liên quan đến đạo đức hay thậm chí chủ nghĩa cơ hội, nhưng không có nghĩa là trẻ có thể mặc kệ những đánh giá này. Trái lại, chưa bao giờ trẻ phải lệ thuộc vào những đánh giá đó đến như vậy. Nếu nhóm ngang hàng là – ở đây chúng ta vẫn chỉ bàn đến tầng lớp trung lưu thành thị – một nhóm ngông cuồng, đồi bại, xấu xa, cá nhân đứa trẻ có thể cảm thấy bất bình như là một biện pháp tự vệ trước những mệnh lệnh của nhóm. Nhưng cũng như uy quyền của người lớn trong các quá trình hòa nhập xã hội theo ngoại tại định hướng, nhóm ngang hàng thường thân thiện và khoan dung. Chúng chú trọng tinh thần “chơi đẹp”. Các điều kiện gia nhập nhóm có vẻ hợp lý và cởi mở. Nhưng ngay cả khi không như vậy, việc tỏ ra phẫn nộ trước sự bất công đã trở thành lỗi thời. Đứa trẻ do vậy bị đưa ra phiên xử của bồi thẩm đoàn mà không nhận được sự bào chữa hoặc từ ý thức đạo đức hoặc từ phía người lớn. Toàn thể đạo lý là của nhóm. Trên thực tế, việc điều đó chính là một đạo lý cũng bị che đậy bởi cái ý niệm rằng chức năng của nhóm là để được vui vẻ, để chơi đùa; thành thử cái điều nghiêm túc đến buồn tẻ có thể giúp bào chữa cho trẻ khi coi điều trên là vấn đề, do vậy mà bị ẩn đi.

“Chuyện ai cũng nhắc đến”: trao đổi các sở thích. Trong mắt bồi thẩm đoàn tức nhóm ngang hàng, hôm nay ta có thể là một gã tử tế, mai kia lại là một kẻ đáng ghét. Sự khoan dung, chưa nói đến việc được lãnh đạo, phụ thuộc vào phản ứng nhạy bén của cá nhân trước thay đổi của các xu hướng hợp thời. Có thể dùng một số cách để đạt được điều này. Một là hy sinh sự độc lập trong đánh giá và ý thích – một kiểu biện hộ im lặng.[128] Một cách khác là cầu xin đặc cách bằng việc đạt được kỹ năng đặc biệt nào đó mà người ta có thể coi trọng với tư cách là một người tiêu dùng – thể hiện tài năng trong việc sử dụng quỹ thời gian nhàn rỗi. Nếu gặp may, một cá nhân thậm chí có thể trở thành người dẫn dắt về sở thích cũng như ý kiến và có ảnh hưởng lớn đối với bồi thẩm đoàn.

Mỗi nhóm ngang hàng đều có những cộng đồng và biệt ngữ riêng. Sự an toàn không nằm ở khả năng thuần thục một kỹ năng khó mà nằm ở sự tinh tường một nhóm lớn thị hiếu và cách biểu đạt chúng. Những thị hiếu này được áp dụng cho mặt hàng tiêu dùng hay các “thần tượng” và cho chính thành viên trong nhóm. Phương thức biểu đạt thích hợp đòi hỏi phải biết dò ra sở thích của người khác bằng sự khéo léo và độ tinh nhạy rồi trao đổi những thứ thích và không thích với nhau nhằm tăng sự hòa hảo trong nhóm.

Giờ đây một số trong các điều trên đã trở nên quen thuộc ngay cả ở giai đoạn phụ thuộc vào nội tại định hướng; do vậy, quan trọng là xác định được mức độ mà sự tập thành các sở thích mang tính chất tiêu dùng thay thế cho sự tập thành phép tắc xã giao. Cư xử theo phép xã giao có thể được xem là phương tiện để giữ quan hệ với những người mà ta không tìm kiếm sự thân tình. Điều đó đặc biệt hữu ích khi người trưởng thành và thanh thiếu niên, đàn ông và đàn bà, các giai tầng trên và dưới tách bạch rõ ràng và khi cần phải có chuẩn mực để dàn xếp trao đổi qua những lằn ranh này. Do vậy, phép tắc xã giao có thể vừa là phương tiện giúp đến gần cũng vừa là phương tiện để giữ khoảng cách với mọi người. Với một số người, phép xã giao có thể mang ít sức nặng cảm xúc – một cái “áo khoác hành vi” thuận tiện; với người khác thì thứ bậc trong các mối quan hệ xã hội qua phép xã giao có thể mang ý nghĩa cảm xúc lớn lao – một bằng chứng cho sự cưỡng chế tính cách. Nhưng dù trong trường hợp nào, phép xã giao tồn tại không phải vì cuộc gặp gỡ giữa các cá nhân trên danh nghĩa tự thân mà là cuộc gặp gỡ giữa họ trên danh nghĩa đại diện cho vai trò xã hội của từng người, với thứ bậc và đẳng cấp rõ ràng.

Khi so sánh với điều trên, việc tập thành những sở thích mang tính chất tiêu dùng – vốn có chiều hướng thay thế phép xã giao giữa những người kiểu ngoại tại định hướng – vô cùng hữu ích đối với nội bộ nhóm bồi thẩm đoàn ngang hàng về tuổi tác và giai cấp xã hội, nhưng lại không được như vậy đối với các nhóm tuổi và tầng lớp xã hội khác nhau. Ví dụ, trong một số nhóm – trẻ em cũng như người lớn – thảo luận có thể hướng tới những dị biệt hóa biên tế giữa xe Cadillac và xe Lincoln, còn trong các nhóm khác thảo luận lại xoay quanh xe Ford và xe Chevrolet. Điều quan trọng trong cả hai trường hợp là: khả năng liên tục nhận thức được thị hiếu của người khác, thường cần tới một quá trình mang tính can thiệp sâu hơn nhiều chứ không đơn thuần chỉ là những trao đổi và pha trò lịch sự mà phép xã giao đòi hỏi. Dĩ nhiên, trẻ không dễ dàng trở nên thân thiết với những người mà nó san sẻ các thị hiếu – sự trao đổi này thường chỉ là tán gẫu về hàng hóa. Thế nhưng, có một nguồn sức mạnh xúc cảm nhất định, thậm chí là háo hức, lan tỏa trong kiểu giao tiếp này. Một mặt, người kiểu ngoại tại định hướng tự tạo cho mình mối quan tâm sâu sắc đến thị hiếu nhất thời của “người khác” – mối quan tâm mà trẻ kiểu truyền thống định hướng hay nội tại định hướng không thể hiểu nổi vì thị hiếu của chúng chịu ảnh hưởng của một quá trình hòa nhập xã hội ít phân hóa hơn. Mặt khác, trẻ kiểu ngoại tại định hướng, vì luôn để tâm học hỏi từ các cuộc trao đổi, biết phải tự chú ý xem thiết bị rađa nhận thức trong mình hoạt động có ổn không.

Điều bất di bất dịch trong các giai tầng xã hội chịu sự khống chế của các xu thế là: để không trở nên lạc hậu do xu thế biến động, cần rèn luyện khả năng thay đổi nhanh chóng theo xu thế mới; để thoát được nguy cơ bị quy kết là khác biệt với “mọi người”, cá nhân cần phải khác hẳn với chính bản thân ngày hôm qua – cả về bề ngoài, ăn nói và cung cách. Về điểm này, cũng cần nhận thức được chính xác cái gì đã thay đổi. Nhìn chung, các xu thế được mở rộng tùy thuộc từng giai cấp và ngày một tiến nhanh về mặt thời gian. Trong nền kinh tế mang tính nhàn hạ của giai đoạn chớm giảm dân số, bộ máy phân phối của xã hội được cải thiện, cả về phân phối thu nhập lẫn hàng hóa. Có thể thúc đẩy tốc độ biến động xu thế cũng như phân biệt hàng hóa bằng các chuẩn đo lường hết sức chi tiết. Trong các giai đoạn sau, sản xuất hàng loạt và tiêu thụ đại trà không chỉ cho phép và đòi hỏi mức tăng khổng lồ về số lượng mà còn về sự khác biệt chất lượng giữa các sản phẩm – không chỉ như là hệ quả của nỗ lực độc quyền dị biệt hóa biên tế mà còn vì luôn có những bộ máy và tổ chức sẵn sàng cho thiết kế, sản xuất và phân phối đủ loại hàng hóa một cách nhanh chóng.

Điều này có nghĩa người tiêu dùng phải nỗ lực tiếp thu nhiều hơn so với thời kỳ đầu của công nghiệp hóa. Lấy một ví dụ, người nước ngoài đến Mỹ rất có thể sẽ cho rằng những cô bán hàng, các quý bà thượng lưu cũng như nữ diễn viên điện ảnh hết thảy đều ăn mặc như nhau, khác hẳn với sự phân biệt địa vị rõ ràng ở châu Âu. Nhưng người Mỹ biết – phải biết nếu cá nhân muốn thành công trong cuộc sống và tình yêu – rằng nhận định trên đơn thuần là nhầm lẫn: rằng phải nhìn ra những khác biệt tuy nhỏ nhưng là dấu hiệu riêng của phong cách và địa vị, chẳng hạn phải để ý thấy cách ăn mặc đôi khi xuề xòa nhưng có phong cách của tầng lớp thượng lưu so với những bộ đồ chải chuốt nhưng thiếu tự nhiên của tầng lớp lao động. Vào thời mà phép tắc xã giao còn được coi trọng, các khác biệt rõ ràng hơn nhiều.

Phải lắng nghe những đứa trẻ hãy còn ít tuổi thảo luận về người mẫu trên truyền hình, kiểu dáng ô tô, hay ưu thế của từng loại tàu cao tốc, ta mới biết với tư cách người tiêu dùng thì chúng rành rẽ đến mức nào, dù là còn rất lâu bản thân chúng mới đủ lớn để có tiếng nói quyết định – nhưng không nên đánh giá thấp ảnh hưởng của chúng lên các quyết định chung của gia đình. Bọn trẻ tham dự vào những cuộc trao đổi đánh giá ngay cả khi cha mẹ chúng không thể sắm nổi các món đồ được bàn đến; thực ra, nền kinh tế sẽ phát triển chậm lại nếu chỉ những ai sẵn tiền mới được đào luyện thành người tiêu dùng.

Phạm vi rộng hơn của xu thế xã hội hóa thị hiếu ngày nay thể hiện trong một thay đổi mang tính quyết định khác từ thời còn phụ thuộc vào nội tại định hướng. Hồi đó, vì phép tắc xã giao và cách biệt giai cấp, một số lĩnh vực trong đời sống được xem là riêng tư: sẽ là vi phạm phép xã giao nếu xâm phạm hay cho phép xâm phạm những lĩnh vực ấy. Song ngày nay, cá nhân phải sẵn sàng cởi mở để đối chất trong gần như bất kỳ lĩnh vực nào mà nhóm ngang hàng quan tâm tới. Điều đó có thể trở thành xu thế, ví dụ như một số bài trong loạt “Chân dung lớp trẻ” đăng trên tạp chí Ladies’ Home Journalcho thấy, những thiếu nữ bắt đầu thích thảo luận kỹ năng ôm hôn của tình địch với chính bạn trai mình.[129] Trong khi trò chơi hôn nhau “bưu điện”[130] đã lỗi thời thì việc phải bộc lộ chuyện riêng tư thầm kín trong tình yêu vẫn là điều mới mẻ. Vốn dĩ hẹn hò từ độ 12-13 tuổi, đứa trẻ từ sớm đã hiểu là thị hiếu của nó trong cảm xúc cũng như đối với hàng tiêu dùng phải được đem ra san sẻ cho những lần tán gẫu. Trong khi phép xã giao dựng rào cản giữa mọi người, việc trao đổi các thị hiếu tiêu dùng lại đòi hỏi: sự riêng tư hoặc phải bị từ bỏ hoặc được đem cất giữ như nhà thần học có đầu óc tự do cất giữ Thượng đế của mình, vào những góc khuất trong bản tính ta. Trước bồi thẩm đoàn là các bạn đồng lứa, cá nhân không được quyền miễn buộc tội bản thân.

Chính các lực lượng củng cố quá trình xã hội hóa thị hiếu cũng tạo ra các tiêu chuẩn thành tích được xã hội hóa cao hơn. Trẻ kiểu ngoại tại định hướng, khi học chơi piano, là đang ngày ngày đua tranh với các ngôi sao trong studio. Đứa trẻ không nhớ có lúc nào mà những lời bình phẩm của bạn bè đồng lứa hoặc người lớn lại không dính đến so sánh phần trình bày của nó với những thần tượng kia. Bất kể đứa trẻ thử làm gì – cố đạt một thành quả nghệ thuật, một lối diễn thuyết, một mẹo ảo thuật – thì nhóm ngang hàng cũng luôn thường trực để nhận định điều đó và đưa ra phán quyết với sự sành sỏi điển hình của khán giả truyền thông. Chẳng mấy chốc quá trình này được nội tại hóa, và thế là đứa trẻ cảm thấy mình đang tranh đua với các nghệ sĩ lớn như Eddie Duchin hay Horowitz[131] dù thực ra bên cạnh nó không có ai khác. Do vậy, trẻ kiểu ngoại tại định hướng sẽ khó trau giồi được một năng khiếu đặc thù cá nhân: các chuẩn mực quá cao, mà trẻ lại có quá ít thời gian riêng tư để chín muồi.

Mẫu thức kiểu mới cho sự nổi tiếng giờ đây không còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi khả năng chơi nhạc cụ nữa mà phụ thuộc chủ yếu vào khả năng biểu đạt các loại hình âm nhạc đang thịnh hành. Mùa thu năm 1947 tôi tiến hành một số phỏng vấn với các nhóm thanh thiếu niên ở Chicago, nội dung liên quan đến sở thích của họ về các bản nhạc thịnh hành, ngoài ra tôi cũng tham khảo cả nhạc công chuyên nghiệp, danh sách bản nhạc được yêu cầu ở máy hát tự động, và một số nguồn khác để hỗ trợ thêm cho nghiên cứu của mình. Chủ yếu là tôi muốn biết những thanh niên này áp dụng thị hiếu âm nhạc của họ vào quá trình thích nghi với nhóm ngang hàng ra sao. Tương tự như trò sưu tầm thẻ bài của nhóm trẻ độ 8-11 tuổi có thể coi là tượng trưng cho việc cạnh tranh trong tiêu dùng, sưu tầm đĩa hát có vẻ là một cách để xác lập sự gắn bó của cá nhân với nhóm bạn, cũng như khả năng ngân nga các giai điệu thịnh hành là một phần trong những yếu tố cần cho sự hòa đồng. Đòi hỏi trong đám con gái khắt khe hơn so với con trai, dù vậy cánh con trai cũng không được suôn sẻ cho lắm. Các giai điệu nói về con người: những con đường đến với tâm hồn con người, ký ức của họ. Đồng thời những thanh thiếu niên này cũng thể hiện âu lo về việc làm sao để có các thị hiếu “sành điệu”. Khi tôi có dịp phỏng vấn một nhóm trẻ, các thành viên trong nhóm nhìn quanh dò xét xem bạn khác nghĩ gì rồi mới đưa ra ý kiến – ít nhất cũng là về các bản nhạc hay đĩa hát cụ thể, hoặc không thì là về một thể loại nhạc chung chung, ví dụ như giao hưởng hay nhạc hillbilly, những bản nhạc hay thể loại mà chúng có thể biết chắc về phản ứng của nhóm bạn. Độc giả nào chưa tự mình quan sát thấy mức độ lo âu ở giới trẻ về việc không hòa nhập được với nhóm bạn có thể sẽ phản đối bằng nhận xét: người trẻ bao giờ chẳng muốn hùa theo chúng bạn cùng nhóm. Đúng; tuy nhiên tôi vẫn cho rằng, dường như mấu chốt ở đây là vấn đề mức độ âu lo và rằng cái nhu cầu cần có sự hợp gu trong âm nhạc ngày nay chuyên biệt và đòi hỏi khắt khe hơn so với trước đây, thời mà một số trẻ có thể, hay bị cha mẹ ép buộc, phải am hiểu âm nhạc trong khi một số khác có thể không cần biết âm nhạc là gì.

Ngay cả trong số những thanh thiếu niên được phỏng vấn có học piano, niềm yêu thích âm nhạc từ chính bản thân họ cũng gần như không tồn tại. Một cậu bé 14 tuổi dường như có niềm đam mê âm nhạc thực sự, cậu chơi các bản piano “cổ điển”. Thế nhưng mẹ cậu lại nói với người phỏng vấn là bà không để cậu tập đàn quá nhiều vì sợ cậu lạc nhịp với các bạn khác, và cứ một mực cho rằng cậu rất xuất sắc về thể thao. “Tôi mong cháu nó là một cậu bé bình thường”, bà nói. Kinh nghiệm thu được từ nghiên cứu này của tôi dường như gợi ý rằng những sở thích mang tính chất tiêu dùng không được coi như đòn bẩy phát triển khả năng của con người giúp liên hệ bản thân với các đối tượng văn hóa. Vì các đối tượng này hầu như không được trao ý nghĩa về mặt giá trị cá nhân khi mà chúng được sử dụng quá nhiều làm thước đo trong phương pháp ưu tiên giúp liên hệ bản thân với người khác. Các đối tượng văn hóa, bất kể bản chất của chúng, là những đồ lưu niệm không mang tính nhân văn, do lực tác động của một thứ xúc cảm quyến luyến chân thật đặc thù mang tính cá nhân.

Người đi quá sâu trong những trao đổi sở thích đơn thuần là người dẫn dắt ý kiến[132] muốn gây ảnh hưởng đến các nhận định cũng như lặp lại chúng – thực sự là một trò chơi nguy hiểm. Các mối nguy, tuy vậy, lại được giảm thiểu nhờ người chơi tham gia trong những giới hạn mà sự dị biệt hóa biên tế đặt ra. Phỏng vấn của tôi cho thấy rằng mỗi nhóm tuổi giới hạn trong một vùng và tầng lớp đều có sở thích âm nhạc riêng; chẳng hạn, những người trẻ sẽ thích loại “ngọt ngào”, nhưng kiểu đó lại bị coi là “sướt mướt” đối với những người lớn tuổi hơn một chút. Trong xu hướng chung này, một cô bé có thể quả quyết là không thể chấp nhận Vaughn Monroe hay Perry Como là ca sĩ hàng đầu. Một khi dám phát biểu ý kiến quyết liệt như vậy, có khả năng cô bé đã là, hoặc muốn là, người dẫn dắt ý kiến. Bởi lẽ nhiều thanh thiếu niên không thể hiện rõ sự ưa thích mạnh mẽ hay chán ghét đặc biệt nào – dù họ có thể cùng thấy chán ghét nhiều thứ, như loại nhạc hot jazz hay hillbilly. Những thanh thiếu niên ấy là kiểu theo đuôi người dẫn dắt ý kiến, hiếm khi đủ khả năng có được dù là một chút khác biệt không đáng kể.

Nguồn sinh lực lớn lao của người kiểu ngoại tại định hướng dồn vào những lĩnh vực tiêu dùng không ngừng rộng mở, trong khi sinh lực của kiểu người nội tại định hướng liên tục dồn vào việc sản xuất. Những hình mẫu nội tại định hướng thường ngăn cản cả người lớn lẫn trẻ em trước sự tiêu dùng. Nhưng ở thời khác, và nhất là trong các giai tầng xã hội cao hơn không bị ảnh hưởng nhiều bởi chủ nghĩa khắc kỷ kiểu Thanh giáo, người nội tại định hướng – trong thời gian nghỉ ngơi, ấy là nói vậy, để tiết kiệm và trau giồi đạo đức – cũng tiêu dùng hết mình như khi anh ta (hay các bậc tiền bối của anh ta) sản xuất. Ta có thể thấy rõ điều này qua cách thức tiêu dùng khoa trương của tầng lớp thượng lưu, anh ta thèm khát được sở hữu và phô trương, một khi những gò bó truyền thống định hướng xưa dần trở nên bớt khắt khe. Dựa trên chủ nghĩa cá nhân mãnh liệt, anh ta theo đuổi cả tích trữ lẫn tiêu dùng của cải. Chắc chắn là các mục tiêu của anh ta đã được quyết định do ảnh hưởng của xã hội, nhưng không phải bằng hiệp hội người tiêu dùng đương đại mà bằng các mô thức ham muốn mang tính kế thừa, ổn định không kém gì ham muốn tiền bạc. Các mục tiêu như nhà đẹp, ngựa tốt, mỹ nữ, những món đồ nghệ thuật tinh xảo – đều có thể là những món đầu tư vì có giá trị hiếm khi thay đổi trong thang bậc người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngày nay những theo đuổi tương đối ổn định và mang tính cá nhân trên được thay thế bằng các thị hiếu thay đổi thất thường mà người kiểu ngoại tại định hướng tiếp nhận từ nhóm ngang hàng. Hơn nữa, rất nhiều mong muốn nảy sinh trong xã hội phụ thuộc vào nội tại định hướng vốn thúc đẩy con người làm việc và đẩy họ đến mức điên rồ giờ đây lại được thỏa mãn khá dễ dàng; những mong muốn ấy đã nhập vào mức sống mà hàng triệu người hiện giờ xem là đương nhiên. Dù vậy sự thèm khát vẫn không mất đi. Đó là sự thèm khát các thỏa mãn mà những người khác đều có vẻ như đạt được, sự thèm khát không có đối tượng. Người tiêu dùng ngày nay mất dần đi phần lớn tính cá thể tiềm tàng là bởi tư cách thành viên trong hội những người tiêu dùng. Cá nhân giữ mình trong chừng mực, không phải bởi mục tiêu định hướng mà được dẫn dắt bởi ngoại tại định hướng, không phô trương thái quá vì sợ thiên hạ đố kỵ, và không tiêu dùng quá dè sẻn vì chính cá nhân đó sẽ đố kỵ thiên hạ.

Ngày nay không có ranh giới phân cách mô thức tiêu thụ trong thế giới người lớn với mô thức tiêu thụ của trẻ, ngoại trừ chính đối tượng được tiêu thụ. Đứa trẻ tiêu thụ truyện tranh hay đồ chơi trong khi người lớn tiêu thụ báo chí và xe hơi; cả hai phía ngày càng tiêu thụ theo cùng một phương cách. Trong hội tiêu dùng của nhóm ngang hàng, kỷ luật mà trẻ phải tuân thủ với tư cách người tiêu dùng ngày nay bắt đầu từ rất sớm trong đời – và kéo dài đến rất muộn. Trẻ nội tại định hướng phải biết nghĩ đến việc làm dù cho bản thân việc làm còn chưa hình thành rõ nét trong đầu nó. Ngày nay nghề tương lai của mọi đứa trẻ là trở thành người tiêu dùng sành sỏi.

Điều này thể hiện rất sớm qua trò chơi mua sắm của trẻ, được thúc đẩy nhờ sự gia tăng đáng kể các loại đồ chơi trẻ em. Ví dụ như thiết bị mô phỏng sản xuất như xe tải và máy đào hay lính đồ chơi và thiết bị chiến tranh thu nhỏ là cả một loạt món đồ phỏng theo các ngành dịch vụ: xe tải chở đồ giặt ủi, điện thoại đồ chơi, trạm bán xăng, vân vân. Thêm vào đó là đồ chơi cho bé gái, búp bê và quần áo đi kèm, cả đồ trang điểm cho thiếu nữ và máy thu thanh.

Tuy nhiên, những món đồ chuyên dành cho giờ chơi của trẻ lại không gây chú ý bằng sự hợp lý hóa nhanh chóng các thị hiếu của trẻ trong mọi thứ chúng tiêu thụ. Trong giai đoạn nội tại định hướng, trẻ em chấp nhận nhãn hiệu ngũ cốc nào chủ yếu vì đó là thứ được dọn ra cho chúng ở bàn ăn. Ngày nay, chúng ăn đồ ngũ cốc nhãn hiệu Wheaties, hay một số đồ điểm tâm khác, vì một lý do cụ thể là chúng luôn được nghe lời quảng cáo: “Ngũ cốc Wheaties làm nên các nhà vô địch!” Với truyện tranh, trẻ sẽ nói khi bị thúc giục, rằng truyện tranh “giúp các nhà vô địch thư giãn”. Theo chiều hướng này, trẻ kiểu ngoại tại định hướng nhanh chóng hiểu rằng luôn luôn có và luôn luôn phải có một lý do để tiêu thụ bất kỳ thứ gì. Một lý do là hàng hóa mà nó đang dùng là “số một” trong dòng sản phẩm đó. Khi đã khôn lớn với tư cách người tiêu dùng tập sự, trẻ sẽ không còn dựa vào quảng cáo để trả lời câu hỏi thế nào mới là đứng đầu trong một dòng sản phẩm nữa. Sản phẩm nào được hầu hết mọi người ủng hộ, hay có được chứng nhận phù hợp từ một bạn tiêu dùng đồng lứa, sẽ trở thành “số một”. Theo công thức này, các sản phẩm nổi tiếng nhất là những thứ được người nổi tiếng nhất sử dụng. Và để cho chắc chắn, chính những cá nhân đại biểu đều có “lý do” riêng để sử dụng loại sản phẩm đó, thường là lý do được lấy từ phương tiện truyền thông, nếu không phải là từ các trang quảng cáo; do vậy cuộc săn lùng lý do cứ thế thoái lui mãi. Đại thi hào William Blake[133] đã viết: “Đồ chơi của con và lý do của cha/Là trái của hai mùa.” Trong hội người tiêu dùng, đồ chơi và lý do yêu thích đã nhập làm một, và như đã nêu, lằn ranh giữa tuổi thơ và tuổi trưởng thành có chiều hướng trở thành một lằn ranh vô định hình.

Những mô thức nêu trên dồn thêm gánh nặng lên cánh con gái, phần vì phụ nữ là những người chỉ đạo chi tiêu được đa phần xã hội công nhận, phần vì phụ nữ – hơn nam giới nhiều – chịu áp lực phải đóng trọn bất cứ vai trò nào mà họ được đàn ông chấp nhận. Ở mọi tầng bậc xã hội con trai đều được phép ngổ ngáo hơn con gái; chúng còn được phép có nhiều sở thích hơn và ít bị gây khó dễ hơn vì có thể kháng cự mạnh mẽ lại quá trình trao đổi sở thích.

Cuối cùng, trẻ tiêu dùng tập sự trở thành chuyên gia về tiêu dùng trong phạm vi gia đình, còn “dạy dỗ” được cả cha mẹ. Tạp chí Life đã từng đăng một bài báo có tầm ảnh hưởng về chủ đề “Vui chơi ở tuổi thanh thiếu niên”, trong đó nêu lên những phép xã giao và thú tiêu khiển của giới trẻ thịnh hành tại một số thành phố ở Mỹ; những thú tiêu khiển này đều rất mới mẻ ngay cả với một số học sinh vừa tốt nghiệp trung học mấy năm gần đây. Thanh thiếu niên phải dạy vỡ lòng cho người lớn thay vì điều ngược lại; điển hình là một trường hợp được trích dẫn trong tạp chí Life: thầy cô tại một trường trung học ở Denver bắt chước lối chào hỏi toàn tiếng lóng của cậu bé “nổi tiếng nhất trường”.

NHỮNG NGƯỜI HỢP TÁC ĐỐI KHÁNG TRONG NHÓM NGANG HÀNG

Rất có thể, không phải chỉ tình cờ mà lối chào của cậu bé nêu trên chính là điều mà cậu dùng để thực hành khả năng dẫn dắt ý kiến và tạo ra dị biệt hóa biên tế của riêng mình. Vì thật ra, ngoài việc hòa nhập xã hội các sở thích tiêu dùng và bàn luận trao đổi chuyện tiêu thụ của hội tiêu dùng, các thành viên còn tham gia vào tiêu thụ chính bản thân hội đó. Tức là, con người và tình bạn được xem là những thứ lớn lao nhất trong mọi thứ có thể tiêu dùng; tự bản thân nhóm ngang hàng là đối tượng tiêu thụ chính, là đối thủ cạnh tranh thị hiếu của chính nó. Việc trao đổi “lược đồ quan hệ xã hội” hiển thị xếp hạng của nhóm ngang hàng được cá nhân thực hiện không ngừng và tiếp tục cả những lúc “riêng tư”, như một cuộc độc thoại với bản thân; ai là bạn thân nhất của ta, bạn thân thứ nhì của ta, và cứ thế, xuống tận kẻ bị ghét nhất. Cá nhân càng chịu ảnh hưởng của ngoại tại định hướng càng có khả năng không ngần ngại phân loại các thị hiếu của mình rồi so sánh với những người khác. Quả thực, so với các bậc cha ông theo nội tại định hướng thì trẻ theo ngoại tại định hướng hiểu biết rất sâu sắc về xếp hạng sự nổi tiếng. Với các cậu bé thuộc tầng lớp lao động, con đường chính dẫn đến địa vị có lẽ vẫn là làm sao có được thể lực dẻo dai và chân tay khéo léo, dù cho cách thức này đang dần mất đi tầm quan trọng. Tuy thế, trong giới trẻ thuộc giai tầng trung lưu lớp trên, sự nổi tiếng có vẻ xoay quanh những tiêu chuẩn mơ hồ hơn nhiều và đối với người lớn quan sát từ bên ngoài, những tiêu chuẩn này thực vô cùng khó hiểu, trong khi với nội bộ nhóm trẻ thì các tiêu chuẩn này, chừng nào chúng còn tồn tại, lại quá rõ ràng.

Nguồn năng lượng tranh đua dồi dào mà người kiểu nội tại định hướng vốn có sẵn cho công cuộc sản xuất, và thứ yếu là cho tiêu dùng, giờ đây xem ra đổ nhiều hơn vào các cuộc cạnh tranh vì sự an toàn vô định hình có được nhờ sự tán thành của nhóm đồng lứa. Nhưng cũng chính đang tranh giành để nhận được sự tán thành nên cá nhân buộc phải kìm nén thái độ cạnh tranh lộ liễu của mình. Trong trường hợp này, cụm từ “hợp tác đối kháng”, mượn từ các bối cảnh khác, là rất thích hợp.

Biến chuyển này quan trọng đến độ chúng tôi sẽ dành riêng vài phần ở Chương VI để nói cụ thể hơn, nhưng giờ chỉ cần lưu ý một số điều để tham chiếu. Cha mẹ, nếu lần trở về thời trước, những gì họ vẫn làm dựa trên cấu trúc tính cách bản thân, thì chính họ cũng tranh đua rất nhiều – thậm chí còn lộ liễu hơn bọn trẻ. Phần lớn ý thức hệ của chúng ta – tự do kinh doanh, chủ nghĩa cá nhân và hết thảy những thứ còn lại – đều mang tính cạnh tranh và được truyền lại từ cha mẹ, thầy cô, và các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời còn có chuyển biến lớn lao về mặt ý thức hệ ủng hộ sự phục tùng nhóm, một chuyển dịch mà tính quyết định bị sự dai dẳng của các hình mẫu ý thức hệ cũ che lấp đi. Nhóm ngang hàng trở thành thước đo cho tất cả mọi thứ; không có mấy sự phòng vệ nào từ cá nhân mà nhóm không đánh sập được. Trong hoàn cảnh này, động lực cạnh tranh cho sự thành đạt trong bản thân đứa trẻ được ủng hộ bởi những tàn dư của kiểu nội tại định hướng còn lại trong cha mẹ đứa trẻ là tác nhân dẫn đến xung đột với đòi hỏi hợp tác do nhóm ngang hàng ủng hộ. Đứa trẻ do vậy buộc phải biến chuyển nỗ lực cạnh tranh nhằm đạt được thành tích, như cha mẹ chúng đòi hỏi, thành nỗ lực tự thân để có được sự tán thành từ đám bạn đồng lứa. Cả cha mẹ, bản thân đứa trẻ và nhóm đồng lứa đều không ý thức được rõ ràng về quá trình này. Kết quả là cả ba bên tham gia trong quá trình nêu trên không thể biết được mức độ mà một ý thức hệ cá nhân của thời trước có thể đem lại nguồn năng lượng để hoàn thiện các kiểu mẫu của một loại tính cách mới hơn, định hướng theo nhóm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.