Đám Đông Cô Đơn

CHƯƠNG V: Vòng đời nội tại định hướng



Để tưởng nhớ

ông Thomas Darling

mất ngày 30 tháng 11 năm 1789 —

Một quý ông có trí lực mạnh mẽ,

mở mang thêm bằng khoa học và văn chương,

— đến nghiên cứu triết học,

quen trầm tư và đọc sách

— có đầu óc suy luận luân lý đạo đức,

hiểu biết sâu xa và nhận định xác đáng,

khả kính vì khiêm cung và ngay thẳng,

nhân từ và tự chủ

trong đối đãi với mọi người

trung thực và quảng đại,

hòa ái trong mọi quan hệ đời sống xã hội

và giữ mọi công vụ

với lòng tận tụy và phẩm cách

những khả năng xuất chúng với tư cách chính khách và quan tòa

một giáo sư buổi đầu về Cơ Đốc giáo

người bạn trung kiên, niềm vinh dự và người bảo vệ

với niềm tin duy lý và không lay chuyển ở Chúa Trời

và Đấng Cứu Thế của mình: ông không biết đến vị thầy nào khác.

LỜI KHẮC TRÊN BIA MỘ TRONG MỘT NGHĨA TRANG Ở NEW HAVEN

Các kiểu xưa nhất trong lịch sử ở Mỹ, về mặt sơ đồ nêu ra trong sách này, là một ít người phần nào vẫn còn bị truyền thống định hướng như một số người Canada gốc Pháp vùng Đông Bắc, người da đen vùng châu thổ, và người Mexico “nhập cảnh lậu vào Mỹ” ở Texas. Những nhóm này còn sót lại từ các xã hội và tầng lớp xã hội có lối tuân thủ được thiết lập trong một giai đoạn tiềm năng tăng cao dân số. Kiểu xưa thứ hai là nội tại định hướng, còn sót lại từ giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp ở Mỹ và ở nước ngoài. Họ vẫn còn chiếm ưu thế ở nhiều vùng và nhiều ngành nghề, thậm chí ở các thành phố. Có lẽ họ còn là kiểu đông nhất, nếu chúng ta kể luôn vào nhóm họ không chỉ những ai có kiểu nội tại định hướng hết sức rõ rệt, mà cả nhiều người thuộc tầng lớp lao động vốn mong muốn là kiểu nội tại định hướng nhưng trên thực tế không thể thích nghi với bất cứ cách thức tuân thủ nào, dù nội tại định hướng hay ngoại tại định hướng. Cuối cùng, kiểu mới nhất, ngoại tại định hướng, là kết quả của những thay đổi ở các tác nhân hình thành tính cách đã bàn trong ba chương trước – những thay đổi nổi bật nhất trong các thành phố lớn và trong các nhóm thu nhập cao.

Trong chương này và hai chương sau, chúng ta sẽ tìm hiểu cặn kẽ hơn cách thức mà sự chuyển dịch đường đồ thị dân số Mỹ sang giai đoạn chớm giảm dân số tương ứng với một thay đổi trong cơ cấu công việc và vui chơi của người lớn. Các kiểu tính cách ngoại tại định hướng được tạo ra không chỉ do những ảnh hưởng tác động đến cha mẹ và các tác nhân hình thành tính cách thuở nhỏ khác, mà còn bởi các định chế uốn nắn hay uốn nắn lại tính cách của những người trưởng thành vốn đã khôn lớn trong một môi trường nội tại định hướng ít bị pha loãng hơn. Tuy trẻ em là người đi tiên phong trên các lĩnh vực tính cách học của dân cư, song chính người lớn, ngay cả trong một nền văn hóa tập trung vào trẻ em, mới là người vận hành động cơ, dựng tín hiệu, viết sách và truyện tranh, chơi trò chính trị và các trò người lớn khác.

Một bia mộ như ở đầu chương này nhắc chúng ta về các kiểu mẫu mực của những người có ảnh hưởng lớn ở thời phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng. Lẽ đương nhiên không phải ai cũng tốt đẹp như những gì người ta đã nói về ông Darling; chúng ta không nên đánh đồng kiểu nội tại định hướng với sự định hướng bởi lương tâm. Một tên vô lại biết mình muốn đạt được cái gì cũng có thể nội tại định hướng một cách chắc chắn không kém gì một tín đồ Thanh giáo ngoan đạo. Thế nhưng khi giờ đây chúng ta quay sang khơi gợi lại hương vị của một thời đủ gần để cho là quen thuộc và không quá xa khiến ta không thể hiểu đầy đủ, thì ta có thể nghĩ đến một người không biết vị thầy nào khác ngoài Chúa của mình.

Trong phần đầu chương này chúng ta sẽ xem xét ý nghĩa của công việc đối với người nội tại định hướng vào thế kỷ 19 ở Mỹ; trong phần thứ hai, chúng ta sẽ xem xét anh ta sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình ra sao. Sự phân chia này là khá tùy tiện bởi lẽ những cách thức làm lụng và hưởng thụ xoắn xuýt đan xen nhau. Vả lại, lập luận trong chương này và hai chương kế tiếp tiến triển theo một kiểu cách có phần biện chứng: các mô thức nội tại định hướng và ngoại tại định hướng thỉnh thoảng được nêu lên ở những dạng cực đoan nhất, để làm nổi bật sự tương phản giữa hai mô thức. Song, vì lẽ các vấn đề của người kiểu nội tại định hướng không còn là những vấn đề nhiều người chúng ta gặp phải, độc giả cũng như tác giả phải cảnh giác với xu hướng lý tưởng hóa thái quá kiểu nội tại định hướng và chỉ trích thái quá kiểu ngoại tại định hướng.

I. Con người trong công việc

VẤN ĐỀ KINH TẾ: ĐỘ CỨNG CỦA VẬT LIỆU

Nhiệm vụ của chúng ta trong chương này và chương sau là so sánh ý nghĩa của công việc trong các thời kỳ phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng và vào kiểu ngoại tại định hướng. Thay đổi là sự thay đổi về mức độ, như hầu hết những đổi thay trong lịch sử. Người kiểu nội tại định hướng thường nghĩ về công việc như các vật thể không phải con người, gồm một tổ chức xã hội được khách thể hóa, trong khi đó người kiểu ngoại tại định hướng lại thường quan niệm công việc như những con người – con người được nhìn nhận là cái gì đó lớn hơn chứ không chỉ là tổng gộp những kỹ năng và phẩm chất nhân công của họ. Do vậy, đối với người kiểu nội tại định hướng, sản xuất được nhìn nhận và cảm nhận ở khía cạnh các quá trình kỹ thuật và trí tuệ hơn là khía cạnh hợp tác giữa người với người. Các mối quan hệ cộng đồng trong công nghiệp, cũng như quan hệ giữa các ngành công nghiệp và giữa công nghiệp với xã hội nói chung, đối với người kiểu nội tại định hướng dường như được điều hành bởi sự hợp tác vô danh có được thông qua “bàn tay vô hình”, cách diễn đạt tuyệt vời của Adam Smith[157] để chỉ kế hoạch hóa kinh tế thông qua thị trường tự do.

Đương nhiên người ta biết, trong giai đoạn phụ thuộc nhiều nhất vào kiểu nội tại định hướng, rằng thành tựu của hợp tác trong tổ chức công việc không đơn giản chỉ là tự động. Người ta đã nói rất nhiều về nhu cầu có kỷ luật, sự điềm đạm, liêm chính. Thế nhưng thật chính xác khi nói rằng tâm trạng con người trong lực lượng lao động vẫn chưa được coi là một vấn đề lớn [vào thời đó]. Nhân công vẫn còn quá đông – họ từ các nông trại trù phú tràn vào xưởng máy và có thể dễ dàng được chuyển đi nơi khác vào thời trước khi có giấy thông hành. Hơn nữa, lực lượng nhân công lao động được rèn luyện bởi các giá trị mới cũng như một số giá trị duy trì từ thời truyền thống định hướng; ngoài ra còn bởi giáo lý Phúc Âm ở các xứ công nghiệp tiên tiến. Mặt khác, người ta hãy còn chưa cảm thấy lực lượng quản lý cũng là một vấn đề, vì quy mô của nhân viên hành chính hãy còn nhỏ và vì các kiểu nội tại định hướng có thể hợp tác với nhau trong những nhiệm vụ rõ ràng về vật chất và tinh thần dù họ có thích hay chấp nhận nhau hay không. Chuẩn mực cư xử kiểu nội tại định hướng, chứ không phải tinh thần hợp tác, mới là điều ngăn họ không phá hoại liên miên.

Kết quả là, ngay cả trong các tổ chức lớn và đã bị quan liêu hóa thì mọi người cũng dồn nhiều chú ý vào sản phẩm hơn (dù đó là hàng hóa, quyết định, báo cáo hay khám phá thì cũng không khác gì mấy) và ít vào yếu tố con người hơn. Hơn nữa, chính sản phẩm, chứ không phải sự sử dụng của người tiêu thụ, mới là cái đòi hỏi chú ý. Bất chấp cái mà Marx gọi là “bái vật giáo hàng hóa”, người do nội tại định hướng có thể bận tâm đến sản phẩm dù anh ta không phải là một người tiêu dùng thành thạo: anh ta không cần nhìn mình qua con mắt người tiêu dùng. Vấn đề tiếp thị sản phẩm, có lẽ ngay cả ý nghĩa của nó, lùi vào hậu cảnh tâm lý trước độ cứng của vật liệu – tính cứng rắn của chính các nhiệm vụ kỹ thuật.

Các biên cương đang mở ra kêu gọi mọi người đến với cái có vẻ là mức cung quá độ các nhiệm vụ vật chất trong công nghiệp, thương nghiệp, địa lý và khám phá khoa học. Điều này đặc biệt rõ nếu chúng ta nhìn vào ranh giới địa lý. Trong khi người vùng biên hợp tác với các hàng xóm thưa thớt trong các hoạt động tự lực giúp đỡ lẫn nhau, như xây nhà hay chính trị, thì mối bận tâm chính của anh ta là bản chất thực thể tự nhiên, chứ không phải bản tính con người. Người Mỹ vùng biên giới, như Tocqueville gặp ở bang Michigan, dù thân thiện hiếu khách, nhưng không bận tâm đến con người. Anh ta thấy bản chất thực thể tự nhiên là đã đủ rắc rối rồi: biến cải và điều chỉnh nó đòi hỏi anh ta phải trở nên cứng rắn và tự lực cánh sinh.

Cũng đúng như thế trong các lĩnh vực khác là kinh doanh và tiên phong khai phá. Nhiệt tình truyền giáo, với quyết tâm mang Phúc Âm đến các xứ sở xa xôi như Ấn Độ, Trung Hoa và các đảo Thái Bình Dương, phản ánh tinh thần tiên phong thế kỷ 19 cũng đầy đủ không kém, hay thậm chí còn đầy đủ hơn phản ánh bất kỳ thôi thúc tôn giáo nào về tình huynh đệ. Nhà truyền giáo cùng gia quyến – ví dụ như ở Hawaii – thường trở thành hạt nhân của một yếu tố Âu châu mà cuối cùng sẽ giành được sự kiểm soát kinh tế và tài chính. Tương tự, nhiều thử nghiệm cộng đồng cũng là thành quả của tư duy giàu trí tưởng tượng cá nhân chủ nghĩa. Cũng giống như vậy, những người dám nghĩ dám làm và có trí tuệ khoanh vùng các lĩnh vực tri thức rồi lao vào khám phá những bí ẩn của thiên nhiên với sự hiếu kỳ hăng say. Dù họ cũng có thể ghen tị và so kè như Newton, nhưng các tiếp xúc của họ với đồng nghiệp nhìn chung vẫn còn mang tính chất phi cá nhân; họ liên lạc với nhau qua các kênh rất đơn sơ là báo chí và hội nghị mà không có tổ chức chính thức của nghiên cứu nhóm. Cả ở đây, bàn tay vô hình dường như cũng độc quyền chi phối; người ta cảm nhận về công việc như một phương thức gắn liền ta với các vật thể và ý tưởng, còn với con người thì chỉ một cách gián tiếp.

Ngày nay chúng ta thấy rõ ràng, ít ra cũng trong lĩnh vực kinh tế, rằng bàn tay vô hình một phần là sự thật, dù tính chất tạm thời trong lịch sử của nó làm mọi người không chú ý đến, còn một phần khác là huyễn hoặc.[158] Chính phủ đã sử dụng kế hoạch hóa rất nhiều ngay cả khi chủ nghĩa trọng thương suy yếu đi – dẫu vậy kế hoạch hóa là ép buộc vì nó tương đối ít quan liêu và có hệ thống, được điều hành qua các đòn bẩy mà thời gian đã khẳng định như thuế quan, bộ máy tư pháp, trợ cấp cho việc làm kênh rạch và đường sắt. Hơn nữa, tính phi cá nhân của đời sống kinh tế – mà các nhà đạo đức và xã hội từ Thomas More đến R.H Tawney[159] đã đồng thanh than phiền – chưa hề bao giờ lớn đến mức như người ta tưởng. Kinh doanh thường là thuộc bên họ người cha; như chúng ta có thể thấy trong tiểu thuyết Buddenbrooks (Gia đình Buddenbrook) của Thomas Mann[160] chẳng hạn, kinh doanh dựa nhiều vào các giá trị còn tồn tại từ chế độ phong kiến. Các sắc thái cá nhân hóa kiểu truyền thống định hướng còn sót lại trong nhiều tình huống, bất chấp ý thức hệ và trong một chừng mực nào đó, bất chấp sự tồn tại của tự do cạnh tranh. Những nét cá nhân hóa này chắc chắn đã cải thiện một số sự hà khắc và lạm dụng của chủ nghĩa cá nhân kiểu nội tại định hướng.

Tuy vậy, so với ngày nay, nền kinh tế thời ấy hết sức linh hoạt và phi cá nhân, có lẽ còn phi cá nhân hơn so với thực tế. Điều này khuyến khích công sức đầy tham vọng của những người có thể chăm lo cho thị trường vốn đang mở mang của xã hội, cho những khâu ách tắc trong kỹ thuật nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, sản xuất. Các ngành tư liệu sản xuất có tầm quan trọng quyết định; đối nội, chúng cần có để lấp khoảng cách giữa dân số và sinh kế; đối ngoại, chúng cần thiết để chu cấp cho việc tiến hành chiến tranh và thực dân hóa. Quả thực, người bị dẫn dắt thái quá trong giai đoạn này, nhất là ở các vùng chịu ảnh hưởng của Thanh giáo và giáo phái Jansen, thường hăng hái vượt quá những đòi hỏi và phần thưởng kinh tế cụ thể dành cho họ. Họ tách biệt với gia đình và bạn bè, thường là với nhân loại nói chung, vì tính siêng năng và cần cù của mình.

Ta có thể nói thêm rằng công việc đem lại một sự bảo vệ mang tính chiến lược cho những ai không thể đáp ứng mọi đòi hỏi của lý tưởng tính cách đang chiếm ưu thế. Vì chúng ta không có quyền cho rằng ngay cả người thành đạt của thời đó cũng thích nghi hoàn toàn với tính cách mà xã hội áp đặt cho họ. Nhiều người rõ ràng đã thích nghi tốt ở thời xưa hơn trong đời sống Mỹ hẳn đã biết rằng việc họ chấp nhận kiểu nội tại định hướng bao gồm cả chính những cố gắng tuân thủ của họ – rằng sự tuân thủ của họ không hề là tự động.

Quan hệ giữa công việc và tài sản trong thời chủ nghĩa tư bản cạnh tranh tư nhân (so với chủ nghĩa tư bản sau này mà Berle và Means mô tả trong The Modern Corporation and Private Property [Công ty hiện đại và tài sản tư hữu]) càng làm cho con người tách biệt mình với những người khác. Tài sản, đối với người kiểu nội tại định hướng, đã có thể được chuyển nhượng tự do; cá nhân không còn gắn bó với tài sản như trong thời trước bằng các mối ràng buộc tình cảm và truyền thống, mà anh ta gắn liền tài sản với bản thân bằng chọn lựa của anh ta, bằng những hành động đầy nghị lực của anh ta. Không còn là vấn đề của đại gia đình nữa, tài sản trở thành một phần mở rộng, một kiểu bộ xương ngoài, cho cái tôi cá nhân.[161]

Thế nhưng tài sản tư hữu kiểu này, dù hữu ích như một nền tảng bảo vệ và thử nghiệm cho người kiểu nội tại định hướng, chắc cũng không phải là một điều kiện cốt yếu để anh ta vươn lên ở thời chúng ta. Trên các lĩnh vực kinh tế bành trướng của Nga với những kế hoạch năm năm đầu tiên đã xuất hiện các doanh nhân hệt như kiểu người Âu và Mỹ nhiều thập kỷ trước: những người tham vọng, năng động, tự lực tham gia cải biến bản chất thực thể tự nhiên, thiết lập tổ chức chính quy có quy mô lớn, và cách mạng hóa công nghệ. Người kiểu nội tại định hướng – đôi khi hình mẫu cho anh ta được du nhập từ Mỹ và Đức – xuất hiện tại Dneprostroi, Magnitogorsk và tuyến đường sắt Turkestan-Siberi.

Ngay cả ngày nay chúng ta vẫn còn có thể thấy các kiểu tương tự ở Ấn Độ, xuất hiện trong số những nhà lãnh đạo công nghiệp và chính phủ. Trông như thể, trong bất kỳ khối dân cư đông đúc và phân hóa nào cũng tồn tại nguồn chứa tiềm tàng kiểu nội tại định hướng, chỉ chờ có sự mở màn của một kiểu công nghiệp hóa định hướng phương Tây là xuất đầu lộ diện.

QUA GIAN LAO VƯƠN TỚI CÁC VÌ SAO

Nét tham vọng trong thái độ của người kiểu nội tại định hướng đối với công việc giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp được diễn đạt trong câu ngạn ngữ sách giáo khoa: ad astra per aspera (qua gian lao vươn tới các vì sao).[162] Các vì sao thì xa xôi, nhưng anh ta vẫn nhắm theo chúng, theo nghĩa một nỗ lực suốt đời. Anh ta đủ sức có cam kết lâu dài đó vì tính chung chung của mục tiêu: anh ta muốn tiền tài, muốn quyền lực, danh vọng hay muốn một thành tựu lâu dài nào đó trong nghệ thuật hoặc nghề nghiệp. Anh ta muốn lưu lại tiếng thơm, một đài kỷ niệm, cái gì đó hữu hình như câu khắc trên bia mộ ông Darling, vẫn còn đọc rõ sau 150 năm thời tiết xứ New England.

Nhưng còn một lý do khác, một lý do xã hội, khiến vì sao người ta có thể có tham vọng lâu dài kiểu này. Lĩnh vực thuộc địa hóa và công nghiệp hóa mời gọi, lĩnh vực khám phá trí tuệ cũng mời gọi, đòi hỏi đầu tư lâu dài. Xây một đường sắt hay một ngành dịch vụ dân sự cho thổ dân da đỏ, hay xây dựng phương pháp luận đầy trí tuệ của một Comte, một Clerk Maxwell[163] hoặc một Marx không phải là chuyện đôi ba tháng. Cạnh tranh thật khốc liệt. Thế nhưng, số người cạnh tranh trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng ít, nên nếu một người thông minh và giàu nghị lực, anh ta có thể hy vọng rằng phát minh, đầu tư vốn hay kế hoạch tổ chức của mình sẽ không bị người khác làm cho chóng lỗi thời. Bởi, dù bàn tay vô hình của thay đổi công nghệ và trí tuệ lướt nhanh khôn tả so với ở giai đoạn tiềm năng tăng cao dân số trước đó nữa, nó vẫn là chậm khi sánh với ngày nay. Thay đổi là trên quy mô cả đời làm việc; tức là, một cá nhân có thể hy vọng theo kịp người khác, ngay cả khi anh ta không đặc biệt để ý đến họ: họ khó lòng bác bỏ hay xét lại một sớm một chiều cái mà anh ta đã biết hay tự mình làm.

Cho mãi đến tận năm 1920, một cậu bé Mỹ tầng lớp trung lưu vẫn không băn khoăn quá nhiều về chuyện gắn bó tận tụy với một sự nghiệp. Nếu xuất thân từ một gia đình khá giả, cậu có thể trông cậy vào các mối quen biết; nếu không, cậu có thể dựa vào sự tín nhiệm đối với tính cách xã hội của mình – tức là tính cách nội tại định hướng rõ rệt của mình. Cậu có thể nghĩ tới các mục tiêu đường dài bởi vì vấn đề bước vào con đường sự nghiệp và sinh tồn đơn thuần là không gay cấn lắm; cậu không phải bận tâm đến chuyện có thể thất nghiệp một thời gian dài. Cậu có thể định hướng cho mình, nếu cậu chọn một nghề, bằng cách mơ màng nghĩ mình sẽ sánh ngang các ngôi sao trong lĩnh vực đó. Một bác sĩ trẻ có thể nghĩ đến Osler, một luật sư trẻ có thể nghĩ đến Choate hay Elihu Root hay Justice Holmes, một khoa học gia trẻ có thể nghĩ đến Agassiz hay Pasteur,[164] một họa sĩ hay nhà văn trẻ có thể nghĩ đến Renoir hay Tolstoy. Thế nhưng thường có bi kịch chờ sẵn cho người kiểu nội tại định hướng nào không thể bắt kịp những cao vọng mà có thể phải đấu tranh vô vọng với cả tính khó uốn nắn của vật liệu lẫn những hạn chế trong khả năng của mình. Cậu ta sẽ bị buộc phải bám chắc, và tự bám chắc, vào các cam kết của mình. Các nhà văn trào phúng từ Cervantes[165] trở đi đã đề cập đến khoảng cách giữa cuộc theo đuổi các ngôi sao và cú vấp phải thực tế trần tục thuần túy dưới mặt đất.

II. Hoạt động phụ: vui chơi

Lĩnh vực vui chơi và tiêu dùng chỉ là một hoạt động phụ ở thời nội tại định hướng, còn công việc dĩ nhiên là hoạt động chính. Điều này đúng với đàn ông hơn với đàn bà. Một số đàn ông giảm sự chú tâm vào vui chơi xuống tới mức không có, giao phó những chuyện tiêu dùng cho vợ; đây là những nhà cung cấp tuyệt vời. Số khác biến chính tiêu dùng thành công việc: công việc thủ đắc. Số khác nữa, có lẽ đa số, có thể lấy lĩnh vực vui chơi làm cuộc trốn chạy đôi lúc khỏi lĩnh vực công việc.

Tình trạng phân hóa này đặc trưng cho sự chuyển dịch từ chỗ truyền thống định hướng sang nội tại định hướng. Người kiểu truyền thống định hướng không chọn xem nên làm hay nên chơi hoặc tạo ra một kiểu pha trộn của riêng mình; mọi chuyện được truyền thống quyết định cho anh ta. Trong một chừng mực nào đó vui chơi được tách riêng với công việc, theo đúng nghĩa, bằng hóa trang và nghi thức. Trong một chừng mực nào đó công việc và vui chơi trộn lẫn, ví dụ như, ở ngành thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật được áp dụng vào các vật dụng hằng ngày hay trong nghi thức đi kèm một sinh hoạt hữu ích về xã hội hay kinh tế. Tuy vậy, người do nội tại định hướng thoát khỏi sự chi phối của truyền thống và anh ta, trong ý thức, biết rõ và sâu sắc sự khác biệt giữa công việc và vui chơi. Ít nhất thì ở nơi đâu các kiểm soát chính trị thần quyền lơi lỏng, anh ta phải tự mình phân định xem nên chia bao nhiêu thời gian cho vui chơi. Thật ra, thời gian còn lại chẳng nhiều nhặn gì – giờ làm việc thì dài mà công việc thì nặng nhọc: người doanh nhân mệt mỏi được phát minh ra [ở thời này]. Tuy vậy, phạm vi lựa chọn cũng đủ để chúng ta phân biệt ra những ai thực hiện việc tiêu thụ bằng cách say mê thủ đắc của cải với những ai tiêu thụ như một cách trốn tránh thỉnh thoảng và ít nhiều chính đáng.

NGƯỜI TIÊU THỤ THỦ ĐẮC

Ở thời phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng, những người bộc lộ sự nhiệt tình được trông đợi trong lĩnh vực công việc – như hiệu suất của anh ta thể hiện – có thể có nhiều sự độc lập trong những khoảnh khắc còn thừa lại cho tiêu thụ. Một kết quả ở Mỹ trong thế kỷ 19 là nhà triệu phú điên rồ, người sau khi đã tạo dựng được địa vị rồi, trừ trong các giới cao trọng nhất, bằng cách chu toàn các đòi hỏi của xã hội trên mặt trận sản xuất, thì có thể làm gì tùy thích trên mặt trận vui chơi. Ông ta có thể treo bảng “xin đừng làm phiền” ở chỗ chơi cũng như chỗ làm của mình. Một khi đã giàu có và quyền thế rồi, ông ta có thể tùy ý từ chối hay đón nhận sự chăm sóc của vợ và con gái, thậm chí từ chối những quân sư có chuyên môn hơn về tiêu thụ, sở thích, về sự sành điệu.

Do vậy, giai đoạn mà những người như thế sống là thời hoàng kim của tiêu thụ phô trương, khi mà sinh lực giống với sinh lực dùng trong công việc được người giàu dồn vào khoản tiền dành cho nhàn rỗi. Trong khi người sản xuất năng nổ tạo ra các mạng lưới giao thông vận tải mới để khai thác các nguồn tài nguyên, phân phối thành phẩm và bán thành phẩm, thì người tiêu thụ trong giai đoạn này lại bắt đầu hành xử với sự năng nổ tương tự trên thị trường. Người sản xuất đẩy; người tiêu thụ kéo. Giai đoạn đầu tiên của anh ta trong tư cách tiêu thụ là một mong muốn mãnh liệt làm cho mọi thứ thành của anh ta.

Có lẽ anh ta vung không tiếc tiền bạc và công sức vào một ngôi nhà, cho đến khi nó giống như một cửa hàng bách hóa – điều này gợi nhớ các thiết bị và đồ nội thất tuyệt hảo trong phim Citizen Kane (Công dân Kane) và The Ghost Goes West(Hồn ma về miền Tây). Có thể anh ta sẽ sưu tầm các kho báu châu Âu, kể cả các cậu con rể có tước vị quý phái. Có thể anh ta sẽ mê du thuyền chạy bằng hơi nước, hay kim cương, hay thư viện, hay là hợp đoàn với các bạn thân giàu sụ mang tinh thần công dân, nhảy vào tài trợ cho nhà hát, trạm thiên văn, sở thú. Trong hầu hết trường hợp thì sinh hoạt này cũng chính đáng chẳng khác cuộc tìm kiếm Bắc Cực, hầu như được người ta theo đuổi mà không đắn đo hơn hay chán nản hơn các nhiệm vụ trong lĩnh vực sản xuất. Chẳng cần do dự vì trong giai đoạn này phần lớn hàng tiêu dùng, cũng như các công việc, không chóng lỗi thời mà bền chắc suốt một đời người.

Kiểu người tiêu thụ thủ đắc (acquisitive consumer) ít để tâm đến việc tích cóp một kho đồ quý riêng hay sở thích riêng mà bận tâm hơn đến chuyện khoe khoang đồ sở hữu với phong cách thoạt nhìn có vẻ là kiểu ngoại tại định hướng trong sự chú tâm của anh ta. Thế nhưng, nếu chúng ta đi trở lại tác phẩm kinh điển của Veblen thì tôi cho rằng, chúng ta có thể thấy người tiêu thụ mà ông mô tả chỉ thuộc kiểu ngoại tại định hướng ở bề ngoài. Người tiêu thụ phô trương của Veblen đang tìm cách khớp vào một vai trò trong cuộc đời mà cương vị của anh, hay cương vị được kỳ vọng ở anh ta đòi hỏi; trong khi đó người tiêu thụ kiểu ngoại tại định hướng tìm kiếm trải nghiệm hơn là đồ vật, và khao khát được người khác dẫn dắt hơn là làm người khác lóa mắt vì những thứ phô trương. Người tiêu thụ phô trương sở hữu một tiêu chuẩn cho phép anh ta sẵn sàng cân đo cái người khác có, ấy là tiền mặt. Chuẩn này có thể thấm vào độ kín bưng của vật thể, ngay cả những vật thể độc nhất vô nhị về bản chất, ví dụ như một địa điểm địa lý (dù chỉ là ba bốn tấc mặt tiền) hay một người đẹp (thứ tuyệt vời nhất mà tiền mua được). Điều này mang tới cho việc tiêu thụ của người kiểu nội tại định hướng đặc tính tương đối phi cá nhân – nó cũng phi cá nhân như hoạt động sản xuất của anh ta, nó vốn là một phản chiếu của hoạt động sản xuất. Tương tự, nếu anh ta sưu tầm tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy thời xưa, ấy là anh ta đang bước lên một bậc đã chuẩn hóa trên thang bậc tiêu thụ cho giai cấp xã hội mình, đồng thời nghĩa là anh ta đang mua một món đầu tư có lợi hoặc ít ra cũng là một canh bạc hay. Hơn nữa, về một mặt, bản thân anh ta cũng là một “bậc thầy”, một người có kỹ thuật, và anh ta có thể ngưỡng mộ kỹ thuật của họa sĩ Phục hưng, trong khi chẳng mấy người tiêu thụ kiểu ngoại tại định hướng ngày nay dám ngưỡng mộ thứ kỹ thuật hũ nút (hoặc bình phẩm sự thiếu vắng kỹ thuật) của một họa sĩ trừu tượng, dù họ có thể hiểu biết hơn nhiều về nghệ thuật. Do vậy, người tiêu thụ phô trương lao vào một kiểu tranh đua ngoại hiện, như Veblen đã chỉ ra khi dùng những từ ngữ “làm ra vẻ”, “ganh đua”, “phô trương”, và những từ ngữ khác trong kho từ vựng mỉa mai tuyệt vời của ông. Người tiêu thụ kiểu ngoại tại định hướng có thể cạnh tranh theo cách trông có vẻ như vậy, nhưng chỉ trong chừng mực những người ngang hàng o ép anh ta. Cái mong muốn chơi trội của anh ta, như tôi đã cố chỉ ra, đã bị làm dịu đi.

Đúng là như vậy, tất cả những đổi thay này là thay đổi về mức độ, và nhấn mạnh của Veblen vào nhàn rỗi và tiêu thụ – giống như, theo một cách rất khác, nhấn mạnh của Keynes[166] vào cái chúng ta có thể gọi là chi tiêu liên miên – là những chỉ số chuyển biến xã hội dọn đường cho và đi kèm với các thay đổi tính cách học.

LÌA XA TẤT CẢ

Người tiêu thụ thủ đắc đem vào lĩnh vực tiêu dùng các động cơ thúc đẩy và những lý tưởng tương tự với những thứ mà anh ta thể hiện trong lĩnh vực sản xuất. Trái lại, người tiêu thụ thoát ly tìm cách làm trầm trọng thêm phân cực cảm xúc giữa công việc và vui chơi.

Vì toàn bộ ý niệm thoát ly rất khó nắm bắt, ta phải luôn hỏi: thoát ly cái gì và đi đâu? Cá nhân do nội tại định hướng có thể có một kiểu thoát ly nào đó vì lẽ tính cách và hoàn cảnh của anh ta cho anh ta một cái lõi tự lực đủ để mơ màng mà không tan biến. Anh ta học được điều này hồi còn là một cậu bé khi cậu ta tự thoát ly biết bao lần – trốn các nhiệm vụ vô vị và đòi hỏi khắt khe ở nhà, ở trường để đi chơi. Không như đầu máy Tootle, cậu ta hiếm khi lo lắng vì nỗi sợ rằng, nếu cậu hái hoa anh thảo bên bờ sông thì sẽ không được lên lớp – dù cậu có thể bị phạt, vì quyền chơi vẫn chưa được trao cho học sinh. Có lẽ cậu sẽ cảm thấy có lỗi khi trốn, nhưng tội lỗi sẽ đem lại hương vị cho cuộc phiêu lưu, biến chạy trốn thành một hành động phiêu lưu. Như người cha thời Victoria, sự ổn định trong đời sống gia đình ông thường tùy thuộc vào việc thỉnh thoảng ông tới thăm một cô gái điếm, người do nội tại định hướng có thể cho mình sống theo những cách thức “chưa hòa nhập xã hội” bởi vì, theo những cách thức phải tính đến, những cách thức công việc, anh ta có một cái tôi đã xã hội hóa rõ ràng để quay về.

Chắc anh ta thường bị ức chế quá để làm điều đó. Chắc anh ta không thể ngừng lập thời gian biểu cho mình bằng cái đồng hồ bỏ túi đã nội tại hóa mà anh ta dùng thay cho những cái chuông chùm thời Trung đại. Anh ta có thể không có khả năng chuyển dịch chính sách một-giá, một-vai-trò của mình ngay cả khi đối đãi với những người thấp kém hơn về địa vị, dù điều này, trong cấu trúc giai cấp rõ ràng của thời đại, là bất thường. Trên hết, anh ta có thể cảm thấy rằng, bằng việc ghì cương và giám sát cái tôi trên mọi mặt trận, anh ta không thể nào tiến hành những thí nghiệm chưa được phê chuẩn trong sự bốc đồng. Anh ta có thể cảm thấy tính cách của mình, ẩn cũng như hiện, giống một kiểu vốn liếng để vung vít vào một canh bạc tai họa – càng nguy hiểm hơn nếu xét các mục tiêu cả đời mà anh ta đã cam kết. Chúng ta thấy quá trình phức tạp này được Thanh giáo hợp lý hóa bằng cụm từ “tự cứu”. Người Thanh giáo đối xử với bản thân như thể anh ta là một công ty, đồng thời là kiểm toán cho công ty.

Nhưng trong phần này chúng ta nói về những người mà, bất chấp các cấm đoán bên trong và bên ngoài, có thể thoát ly theo một kiểu nào đó. Thoát ly mà chúng ta dùng ở đây có nghĩa là một chuyển dịch về nhịp độ và thái độ khỏi địa hạt công việc gần như bao trùm tất cả. Do vậy, như chúng ta sẽ thấy dưới đây, đó có thể là một cách trốn vào một tầng bậc “cao quý hơn” tầng bậc kinh doanh hay đời sống sự nghiệp, hoặc vào một tầng bậc “thấp kém hơn”.

Thăng hoa cùng nghệ thuật. Những sự kiện lớn để được “thoát ly hướng thượng” trong thời gian nhàn rỗi là thi thoảng: Chautauqua,[167] rạp hát lưu động, lễ ngày Chủ nhật với một linh mục phản đối đầu óc lý tài, người bán dạo sách. Để tiếp xúc với họ cần có chút cố gắng, và cố gắng này tự nó là một dấu hiệu của phẩm hạnh. Thậm chí còn một sự thay đổi y phục – bộ đồ đẹp nhất đi gặp mặt ngày Chủ nhật hay mũ chóp – để biểu thị sự thay đổi vai trò.

Ngoài ra, còn có rất nhiều màn biểu diễn nghiệp dư. Có lẽ còn hơn cả hệ thống ống nước tân tiến trong nhà, đàn piano và sự trau giồi khả năng âm nhạc nghiệp dư đánh dấu đường biên của khát vọng được kính trọng nơi tầng lớp trung lưu. Đồng thời, đối với thanh niên đi lên từ tầng lớp lao động thì có các cơ sở đào tạo thợ máy và nhiều giảng viên lưu động, đề cập đến nhiều vấn đề từ cải cách chế độ lao tù đến kiến nghị chỉ thu thuế đất đai, họ phân tích cách vận hành của hệ thống cho cử tọa háo hức nghe. Chúng ta chỉ cần nhớ lại các câu lạc bộ thảo luận mọc ra như nấm chào đón cuốn sách Looking Backward (Nhìn về phía sau) của Bellamy[168] là đủ hiểu.

Rõ ràng các động cơ thúc đẩy những người tham gia như vậy không đơn thuần là thoát ly. Ở đây có niềm khao khát, thường được che đậy sơ sài, là tiến tới và tiến lên trên thang bậc xã hội. Qua phong trào khôi phục đức tin tôn giáo và đọc Kinh Thánh, cá nhân có thể tìm cách chạy trốn không chỉ cõi đời này mà còn cả các mối nguy của đời sau. Cuộc sống thường nhật cay cực và buồn tẻ; nhàn rỗi là một cố gắng thỉnh thoảng để có được sự cải thiện tao nhã.

Những khát vọng văn hóa làm người ta muốn thoát ly vào một hình ảnh thuộc một giai đoạn hào hùng nào đó trong quá khứ, như được thừa hưởng từ tầng lớp thượng lưu trước thế kỷ 19. Do vậy, giai cấp tư sản có học của thế kỷ 19 những lúc nhàn rỗi vẫn nhìn lại thời đại gần giống như tư sản hào hùng hơn về trước, ở Athens thời Pericles hay nước Ý thời Phục hưng. Tham công tiếc việc, bị trói buộc vào những chuyện thường ngày, anh ta hình dung cho mình vẻ phóng khoáng và đa tài của một Benvenuto Cellini hay một Leonardo da Vinci.[169] Khi hệ thống rạp hát Chautauqua làm lan truyền những câu chuyện về chu du và khám phá hiện đại, thì cũng tồn tại một mảng văn hóa nửa đại chúng về những thành tựu của thế giới cổ đại – chỉ cần nêu sự nổi tiếng của tiểu thuyết Ben Hur – và của thời Phục hưng. Rất thường thấy, sự cứng rắn trong công việc ở thời đại này lại có mặt bên kia là tính đa cảm liên quan đến khía cạnh đời sống ngoài công việc.

Mặc dù sự thời thượng, dĩ nhiên, đóng một vai trò trong phong trào ham thích lịch sử cổ đại, du hành châu Âu và các theo đuổi thoát ly khác, nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng đối với sự an toàn của người kiểu nội tại định hướng là các lĩnh vực quan tâm này cách xa không chỉ với công việc của họ mà còn với các mối ưu tư xã hội trước mắt họ. Khi đọc về Hy Lạp – thậm chí tham quan Florence – người ta không buộc phải nghĩ về thời kỳ mình đang sống hay về chính mình theo nghĩa hiện thực nào; do đó có thể thả sức đồng nhất mình với các anh hùng cổ đại. Sự tự do thoát ly ấy chỉ bị hạn chế khi chúng ta bước vào các câu chuyện cuối thời Victoria hay Edward của Henry James hay E.M Forster,[170] trong đó việc chu du ở Ý có thể rắc rối hơn nhiều về cảm xúc chứ không chỉ là thoát ly hướng thượng đối với các quý bà quý ông Anglo-Saxon. Các vị du khách hư cấu trong tiểu thuyết này, khi băn khoăn không biết liệu họ đã nếm trải trọn vẹn những tương phản và nhạy cảm văn hóa mà họ tìm kiếm hay chưa, thì nhìn ra bóng dáng của sự thoát ly không trọn vẹn điển hình cho kiểu ngoại tại định hướng.

Bàn chân trên đường ray. Người kiểu nội tại định hướng có thể thoát ly hướng hạ cũng như hướng thượng. Anh ta tìm thấy trong các tiểu thuyết ba xu, trong chọi gà, trong đua ngựa có gắn yên, trong khúc hát của thợ cạo, một biến thể khác với vai trò công việc của mình. Trong khi một số thăm viếng Chartres, số khác lại đi xem nhảy múa khêu gợi ở Midway. Bất chấp các nỗ lực của Thanh giáo và giới nữ hòng xua đuổi khỏi đời sống các trò tiêu khiển gợi nhớ lại thú tiêu khiển thời Trung đại này, đàn ông trung lưu thế kỷ 19 vẫn kiên quyết bám lấy chúng.

Tác phẩm của Sherwood Anderson[171] là một trường ca về chuyện đàn ông về nhà sau nửa đêm mà chân đi tất không giày. Việc bao nhiêu phần trong truyền thuyết này vẫn còn tồn tại, vài năm trước Alien Funt đã làm rõ, trong một chương trình “Nói thật lòng qua micrô”. Funt đứng ở một góc đường lúc ba giờ sáng, vờ là anh ta sợ về nhà. Anh ta níu áo cánh đàn ông qua đường, nhờ họ về nhà với anh, để giải thích cho vợ tại sao anh quá chén và về quá muộn. Ông nào cũng cảm thông. Dù chẳng ai muốn sắm vai trò người hòa giải, nhưng người nào cũng mách anh cái mẹo họ đã thấy hiệu nghiệm trong cùng cảnh này. Một người muốn anh gọi điện trước đã. Một người khác thì sẵn sàng giúp anh băng bó đầy mình. Người khác nữa nghĩ rằng một món quà có thể giải quyết được mọi chuyện. Một số gợi ý những cách biện hộ, số khác khuyên anh hãy can đảm lên. Cứ theo giọng điệu mà xét thì hầu hết họ hình như ở độ tuổi trung niên. Có lẽ mấu chốt của tất cả chuyện này là ở chỗ trong các thế hệ trước đây, sự khắt khe của chế độ đàn bà ngự trị tại Mỹ đã làm cho tội lỗi có một sức hấp dẫn, che khuất đi các giới hạn không thể tránh khỏi của nó.

Tuy nhiên, khi nghĩ về ý nghĩa của thoát ly đối với người kiểu nội tại định hướng, chúng ta không được nhấn mạnh quá nhiều vào các mô thức vi-phạm-quy-ước đơn thuần của các trò giải trí, tệ nạn và tưởng tượng đầy tội lỗi thời Victoria. Ngay cả khi các quy ước không hề có hay yếu ớt, một vấn đề khác vẫn có liên quan. Đấy là vấn đề thẩm quyền khi hưởng thụ và đánh giá trò tiêu khiển.

Một mặt, người Mỹ do nội tại định hướng ở mọi thế hệ đều phải đối mặt với đòi hỏi ngày càng tăng rằng sự thoát ly của anh ta phải đi lên cùng nghệ thuật. Đôi khi tự anh ta tìm ra lối thoát ly này. Có lẽ, thông thường hơn, những cố gắng đi lại và ảnh hưởng của phụ nữ gây sức ép cho đàn ông đi quá phạm vi mà anh ta cảm thấy có năng lực: doanh nhân ngủ gà ngủ gật bị lôi đi xem vở opera hát bằng ngôn ngữ anh ta không thể hiểu. Nhưng mặt khác, anh ta chống chọi để khỏi trở thành một người tiêu dùng thụ động đơn thuần bằng cách cố tình dành cho mình quyền trốn chạy, như một người nổi loạn không mặc vest ngoài sơ mi, xuống các thứ nghệ thuật thấp hơn như pha chế rượu và uống rượu mạnh, chơi bài xì phé, có nhân tình, hóa trang cầu kỳ. Nhờ vậy anh ta bảo tồn được trong lĩnh vực vui chơi thứ yếu của mình, như trong lĩnh vực công việc chủ yếu, cái cảm giác là anh ta có thẩm quyền sống theo cách của mình. Sự tách rời lĩnh vực vui chơi đã bị bi kịch hóa chính vì lẽ thẩm quyền cá nhân bao hàm trong các thoát ly hướng hạ này có thể đóng góp rất ít, hay góp phần tiêu cực, cho địa vị xã hội của anh ta trong thế giới công việc và gia đình. Vì thẩm quyền trong vui chơi không thể trực tiếp hướng sang phục vụ kinh tế sản xuất, nên đàn ông kiểu nội tại định hướng có phần ít tận dụng sự tiêu khiển hơn đàn ông kiểu ngoại tại định hướng ngày nay theo cách tự nhủ rằng anh ta có bổn phận phải hưởng sự vui chơi. Nếu anh ta đi chơi bóng chày (một trong số ít trò thể thao mà thẩm quyền của đàn ông kiểu ngoại tại định hướng cũng dựa đáng kể vào việc đã từng chơi trò này), đó không phải là một phần của hành động nhằm chứng tỏ mình “cũng là một anh chàng trẻ trung”.

Tuy nhiên, chúng ta không nên cường điệu các khác biệt giữa thoát ly kiểu nội tại định hướng và thoát ly kiểu ngoại tại định hướng này. Nhiều đàn ông kiểu nội tại định hướng làm việc cật lực để duy trì hành động phô diễn thẩm quyền tiêu khiển của mình. Đức Cha Endicott Peabody, về sau là người sáng lập ra thị trấn Groton, đã tự biến mình thành người hùng của một thị trấn vùng biên miền Tây nơi ông giữ chức mục sư bằng cách tổ chức một đội bóng chày. Một chiến lược tương tự, bắt rễ sâu từ trong thời đại phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng, xuất hiện ở việc khắc họa lên phim ảnh hiện đại hình tượng linh mục, thầy dòng hay bà xơ Công giáo là một nhà thể thao cừ khôi – như trong Going My Way(Đi con đường của mình) với vai diễn của Bing Crosby. Hơn nữa, nhiều doanh nhân và dân chuyên môn Mỹ kiểu nội tại định hướng đã khai thác, và đến nay vẫn còn khai thác, thời gian nhàn rỗi của mình để thiết lập các mối tiếp xúc. Trò chơi gôn của họ là bất cứ gì chứ không hề là một sự thoát ly, và việc làm vườn của vợ họ thường được khai thác cho những thôi thúc di động tương tự. Những người đàn ông như vậy có nhiều sự ăn thua về mặt kinh tế, dù họ có ít sự ăn thua về mặt tâm lý hơn kiểu ngoại tại định hướng.

Nhưng thường cũng có cả sự ăn thua tâm lý. Người đàn ông bị dẫn dắt thái quá ở thời này, không thể vứt bỏ hoặc chấp nhận các cấm đoán, không phải lúc nào cũng có thể cảnh giới chúng bằng cách lui về chốn riêng tư. Khi có áp lực phải chứng tỏ mình là một anh chàng cừ khôi trong một quán rượu hay nhà thổ, cơ thể họ đôi khi dẫn họ tới chỗ nôn mửa hay bất lực – lúc cố có năng lực thì lực lại bất tòng tâm. Tuy thế nhìn chung đàn ông kiểu nội tại định hướng thời đó ít bị ảnh hưởng hơn người thời nay trước đòi hỏi rằng anh ta phải được ưa thích và ngưỡng mộ vì những trò tiêu khiển và những thói hư của mình.

III. Tranh đấu để được bản thân chấp nhận

Chúng ta có thể tổng kết nhiều điều có ý nghĩa về kiểu nội tại định hướng bằng cách nói rằng, trong một xã hội mà nó thống trị, khuynh hướng của nó là che chở cá nhân trước người khác với cái giá là khiến anh ta dễ tổn thương trước chính mình.

Một chút bằng chứng cho điều này nằm ở nỗi sợ lan rộng về sự thờ ơ và hành động công kích sự thờ ơ vốn dường như có từ thời nội tại định hướng. Các dòng tu đã gặp phải vấn đề biếng nhác hay lãnh đạm (accidie), là các mối nguy tâm lý cho thế lực của họ – những mối nguy mà Thánh Augustine đã hiểu rất thấm thía trong cuộc vật lộn với chính mình. Khi Thanh giáo, như Max Weber diễn tả, biến thế giới thành một tu viện, nỗi sợ mối nguy nội tại này bắt đầu lây lan trong toàn thể các tầng lớp xã hội chứ không chỉ riêng một vài thầy tu. Người Thanh giáo kiểu nội tại định hướng sinh ra để cảm thấy như thể anh ta phải thường xuyên giữ chặt lấy mình; rằng nếu không có sự cảnh giác liên tục, anh ta sẽ buông xuôi và trôi dạt – với giả định là ta có thể buông xuôi nếu quyết chí hay, đúng hơn, nếu thôi quyết chí. Cứ như thể tính cách anh ta, mặc dù có vẻ ổn định, thực ra là không cảm thấy ổn định, và quả thực người Thanh giáo, trong một phóng chiếu thần học về tâm trạng này, phải thường trực chống chọi lại những hồ nghi về trạng thái ân điển hay được chọn lên thiên đường của mình.

Vì cuộc chiến thường trực với con Quỷ Biếng Nhác đôi khi biến thành một chứng bệnh tưởng về thờ ơ, anh ta dần dần dựng nên một chuyện hoang đường, vẫn còn phổ biến với chúng ta, rằng người kiểu truyền thống định hướng hoàn toàn buông xuôi, thiếu tinh thần “dậy mà đi”. Sự chỉ trích những người khác được xem là thờ ơ này – như ngày nay trong những than phiền liên miên về thờ ơ chính trị và thờ ơ công dân chẳng hạn – đôi khi như là một cách chống lại thờ ơ trong chính ta. Thực ra, người kiểu nội tại định hướng chứng minh cho sự biết vô thức của mình rằng, con quay hồi chuyển không phải của anh ta mà được người khác lắp ráp vào thông qua nỗi hoảng hốt triền miên của anh ta rằng con quay sẽ ngừng quay, rằng thực ra anh ta chẳng phải là một bộ khởi động, rằng đời sống tự nó không phải là một quá trình tái sinh mà là một cố gắng ngăn chặn cái chết tinh thần.

Hơn nữa, để tự kiểm dễ dàng hơn nhằm kiểm soát sự thờ ơ, người kiểu nội tại định hướng thường xuyên chia đời mình ra thành từng ngăn, trong mỗi ngăn đó anh ta có thể trắc nghiệm các biện pháp phòng vệ tinh thần của mình trước cuộc đời. Bên trong chính mình anh ta vẫn là đứa trẻ, từ nhỏ đã nguyện theo các mục tiêu và lý tưởng có thể vượt quá khả năng của anh ta. Nếu các thôi thúc này đòi hỏi khắt khe, thì dù sự chào đón tán thưởng của người cùng thời có đến thế nào đi nữa cũng không thể gạt bỏ nổi cảm giác không xứng đáng: sự tôn vinh từ người khác thực ra có thể là sản phẩm phụ của các nỗ lực nhằm thỏa mãn cái tôi. Bên trong chính mình anh ta phải tìm thấy sự biện minh không chỉ ở cái anh ta làm mà còn ở cái anh ta là – anh ta được cứu rỗi không phải bằng công việc mà bằng đức tin. Và tuy việc tự kiểm thông minh có thể biến công việc thành đức tin, song sự tự phê bình hiếm khi bị ỉm đi hẳn. Sự tuân thủ hành vi đơn thuần không thể thỏa đáp được lý tưởng tính cách học.

Mặt khác, các chuẩn đã nội tại hóa này của người nội tại định hướng cho anh ta một sự tự do nhất định để [cho phép mình] thất bại trong mắt người khác mà không bị người khác thuyết phục rằng bản thân anh ta không xứng đáng. Giống như Edison, anh ta sẽ cố rồi cố nữa, cầm cự bằng phán xét nội tâm về giá trị xứng đáng của mình. Bởi vì tuy người khác không thể che chở cho anh ta trước sự tự phê bình, song tự phê bình lại có thể che chở cho anh ta trước người khác. Người kiểu nội tại định hướng có thể biện minh cho tồn tại của mình không chỉ bằng cái anh ta đã làm mà còn cái anh ta sẽ làm. Nhưng điều này chỉ hiệu nghiệm đến một mức độ nào thôi. Nếu các thất bại lặp đi lặp lại làm tiêu tan niềm hy vọng thành tựu tương lai trong anh ta, thì rất có thể nội lực của anh ta sẽ không còn cố thủ được nữa trước bằng chứng khách quan. Ngập tràn tội lỗi, anh ta sẽ khinh bỉ mình vì thất bại và không xứng đáng. Phán quyết này, dù khởi phát từ những diễn biến bên ngoài, càng khắc nghiệt hơn vì đã nội tại hóa. Durkheim[172] đã đúng khi thấy tỷ lệ tự tử khá cao trong các nước công nghiệp tiên tiến là triệu chứng của một bất ổn tâm lý mà không truyền thống văn hóa nào có thể điều ngự được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.