Đám Đông Cô Đơn
CHƯƠNG VI: Vòng đời ngoại tại định hướng: từ bàn tay vô hình đến bàn tay niềm nở
Vì tính hòa đồng xã hội ở dạng thuần khiết của nó không có cái đích bên ngoài, không có nội dung và kết quả nằm ngoài nó, nó hoàn toàn xoay quanh các cá tính… Nhưng chính vì tất cả đều xoay quanh các cá tính nên các cá tính không được nhấn mạnh mình một cách quá riêng lẻ.
Georg Simmel, Xã hội học về tính hòa đồng xã hội[173]
Người kiểu nội tại định hướng không chỉ bị trói buộc vào những đòi hỏi vô cùng tận của lĩnh vực sản xuất; anh ta còn phải bỏ cả đời ra để sản xuất tính cách mình trong nội tâm. Những phiền phức trong lĩnh vực nội tại này cũng không bao giờ cạn như những phiền phức của chính lĩnh vực công việc. Giống như nỗi sợ bị cho về hưu hay thất nghiệp trong địa hạt kinh tế, sự thờ ơ trong nhiều lĩnh vực đời sống bên trong và bên ngoài anh ta có cảm giác giống như tình trạng chưa tận dụng đúng mức các nguồn tài nguyên tính cách học. Đàn ông kiểu nội tại định hướng có một nhu cầu đã khái quát hóa là làm chủ được việc khai thác các nguồn lực trên mọi mặt trận mà anh ta biết. Anh ta là người thiên về công việc.
Các lĩnh vực cho đàn ông kiểu ngoại tại định hướng là con người; anh ta thiên về con người. Do vậy cả công việc lẫn hưởng thụ đều có cảm giác như các hoạt động liên quan đến con người. Nhiều chức danh công việc đang tồn tại ngày nay đã tồn tại vào thời trước; nhiều trò tiêu khiển cũng vậy. Điều tôi cố gắng là xem sự biến đổi tính cách liên hệ với sự thay đổi ý nghĩa trong cùng những hoạt động cũng như với sự phát triển các hoạt động mới ra sao.
I. Vấn đề kinh tế: yếu tố con người
Khi giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp đến hồi kết ở Mỹ, tấm biển “không cần giúp đỡ” đã được dựng nơi biên giới vào năm 1890, trong tưởng tượng nếu không phải là trong tập quán nhượng đất thực tế, và cũng chính tấm biển ấy đã được treo trên các biên giới của chúng ta vào năm 1924 cùng với sự cắt đứt trên thực tế dòng người nhập cư từ châu Âu. Bằng cuộc từ biệt này, một biểu tượng lớn lao cho hy vọng và dời chuyển ở thế giới phương Tây đã tiêu tan. Sự nhập cư bị cắt giảm kết hợp với sinh suất giảm cuối cùng đã biến đổi diện mạo dân cư của đất nước; và theo những cách đã được gợi ý, cả diện mạo tính cách học của đất nước. Ngày nay chính tính “mềm mỏng” của con người chứ không phải “độ cứng” của vật liệu mới là cái kêu gọi tài năng và mở ra những kênh di động xã hội mới.
Trong khi lĩnh vực sản xuất, và thậm chí lĩnh vực đất đai, có thể là rộng lớn trên thực tế ngay cả trong thời kỳ chớm giảm dân số, tuy vậy có cảm giác nó vẫn đông đúc; và ắt hẳn xã hội cũng không còn bị thường xuyên cảm thấy là hoang mạc hay rừng rậm như trước đây nữa.
Điều này đặc biệt đúng trong công nghiệp và trong các nghề nghiệp chuyên môn. Lấy ví dụ: vị trí quản đốc. Anh ta không còn đứng một mình, một ông chủ bù nhìn trong một hệ thống thứ bậc rõ ràng, được bao quanh bởi mọi người. Anh ta là một kênh liên lạc hai chiều giữa công nhân cấp dưới với đám chuyên viên trên anh ta và quanh anh ta: những người quản lý nhân sự, giám đốc an toàn, kỹ sư sản xuất, đại diện ban tài chính, và hết thảy những người còn lại trong lực lượng quản lý ở bộ phận gián tiếp. Giám đốc nhà máy hầu như chẳng khá hơn để có được khoảng không tự do trong tâm tư tình cảm: ông ta đối đầu không chỉ với thứ bậc chặt chẽ trong nội bộ nhà máy mà còn với công chúng bên ngoài: các hiệp hội ngành nghề, công đoàn, người tiêu thụ, nhà cung cấp, chính phủ và công luận. Cũng vậy, người có chuyên môn cảm thấy vây quanh mình là một đám đối thủ cạnh tranh được hệ thống giáo dục mở mang hết sức sản xuất ra, trong một xã hội mà nguồn vốn dồi dào đến mức có thể đủ sức đóng góp – thực ra, khó lòng tránh được đóng góp – một phần lớn thu nhập quốc dân cho các ngành dịch vụ cùng nghề nghiệp chuyên môn, và cho giáo dục vì sự chi dùng chính đáng của nó.
Do đó, con người trở thành vấn đề trọng tâm của công nghiệp. Điều này không có nghĩa là các cuộc cách mạng cũ trong việc trang bị công cụ, quy trình máy móc, và tổ chức phân xưởng đã dừng lại. Đúng hơn, các tiến bộ ở đây đang ngày càng đi vào nề nếp quen thuộc; sự tăng năng suất liên tục trở thành một thứ sản phẩm phụ của các hình thức định chế. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp mới hơn vốn đã đạt đến đỉnh cao sức mạnh ở Hoa Kỳ (dù nó cũng đang bắt đầu rõ rệt ở nơi khác, như Anh) thì lại liên quan đến các kỹ thuật thông tin liên lạc và điều khiển, chứ không phải trang bị dụng cụ máy móc hay thiết kế xưởng máy nữa. Nó được tượng trưng bằng điện thoại, cơ cấu trợ động, máy vi tính IBM, máy tính điện tử, các phương pháp thống kê hiện đại để kiểm tra chất lượng sản phẩm; thí nghiệm tư vấn Hawthorne[174] và mối quan tâm chung đến tinh thần lao động. Thời kỳ dư dật kinh tế và chớm giảm dân số đòi hỏi công việc của những người có kỹ năng là các ký tự, biểu tượng, với mục đích gây được phản ứng nào đó có thể quan sát được từ mọi người. Những người điều khiển này, lẽ đương nhiên, không nhất thiết phải có tính cách ngoại tại định hướng. Nhiều người kiểu nội tại định hướng là những người điều khiển thành công mọi người; thường thường, chính tính nội tại định hướng của họ khiến họ không biết mình điều khiển và khai thác người khác đến mức nào. Dù vậy, để điều khiển người khác, có phần nào một sự tương hợp lớn hơn giữa kiểu ngoại tại định hướng tính cách học với độ tinh nhạy trước các mong muốn ý nhị hơn của người khác.
Có thể giải thích điều này rõ hơn bằng cách tham chiếu đến một trong các phỏng vấn của chúng tôi. Người đàn ông được phỏng vấn là phó chủ tịch kinh doanh và quảng cáo của một công ty lớn chuyên về máy công cụ ở bờ Tây nước Mỹ, và ông cũng là chủ tịch một trong các hiệp hội ngành nghề hàng đầu cho ngành của mình. Về dòng dõi, ông là con trai một nhà thuyết giáo thuộc Tự trị Giáo đoàn (Congregationalist) ở một thị trấn vùng Trung Tây Hoa Kỳ. Nền tảng của ông, động lực di chuyển, định hướng phương pháp ban đầu của ông là điển hình cho kiểu nội tại định hướng; nhưng hoàn cảnh của ông đòi hỏi kỹ năng đàm phán và độ nhạy cảm giữa cá nhân với cá nhân tiêu biểu hơn cho người kiểu ngoại tại định hướng. Mâu thuẫn này gây nên căng thẳng. Được hỏi về các vấn đề chính trị mà gần đây ông đã đổi ý, ông nói:
Tôi không cho rằng điều này khớp với phạm trù giờ đây các ông đang nghiên cứu, nhưng tôi đã trở nên bao dung hơn rất nhiều với các nhà tổ chức và các lãnh đạo công đoàn [dừng rồi nói thêm] – không phải những người kích động quần chúng, nhất thiết rồi. Tôi đã bắt đầu đánh giá cao cái họ đang làm. Thỉnh thoảng họ cũng không được chọn lựa nhiều khi áp dụng các biện pháp và phương tiện cụ thể. Tôi cần một nhà phân tâm học.
Ông còn nói với người phỏng vấn rằng nỗi lo chính của ông là ông không ăn ý lắm với một vị giám đốc điều hành cấp cao khác trong công ty. Ông lo lắng khi một điều ông gợi ý bị từ chối về sau hóa ra là đúng – mà tay kia đã biết là đúng. Trong một tình huống như vậy ông cảm thấy bị “hở sườn”. Ông không ăn được trước khi dự một cuộc họp ban quản trị, và băn khoăn với người phỏng vấn là ông nên điều hành công ty nhỏ của riêng mình hơn làm lãnh đạo một công ty lớn. Ông chơi gôn để tiêu khiển, dù có vẻ không để tâm và, theo đúng kiểu nội tại định hướng, hay có lẽ chỉ là đúng phong cách Mỹ, “đùa nghịch đôi chút với đồ nghề trong tầng hầm”.
Tài liệu từ các cuộc phỏng vấn, dĩ nhiên, để ngỏ cho nhiều lối giải thích khác nhau, và tôi không tự tin tuyệt đối rằng những lối giải thích đưa ra ở đây là đúng. Chắc chắn sẽ sai lầm khi kết luận rằng vị giám đốc điều hành này hoài nghi bản thân vì ông không hoàn toàn là kiểu ngoại tại định hướng hay nội tại định hướng (theo chính định nghĩa của những thuật ngữ này, không ai hoàn toàn là kiểu này hay kiểu khác). Vấn đề đúng hơn là vị giám đốc điều hành hiện đại, bất kể sự hòa trộn hai phương thức tuân thủ mà ông ta thể hiện, liên tục chịu sức ép xã hội, trong và ngoài công sở. Có lẽ vị giám đốc điều hành này có khả năng hơn hầu hết mọi người trong việc diễn đạt thành lời nỗi căng thẳng mà áp lực này tạo nên.
TỪ KỸ NĂNG CHUYÊN MÔN ĐẾN KỸ NĂNG DẪN DỤ CON NGƯỜI
Sức ép phải có năng lực xã hội, đồng thời với việc hạ thấp năng lực chuyên môn, gợi ý một khía cạnh nữa trong tiểu sử vị giám đốc điều hành này, điển hình cho sự xuất hiện của một quy luật mới trong kinh doanh và đời sống nghề nghiệp ở Mỹ: nếu thành công trong nghề, ta buộc phải lìa bỏ nghề. Người đàn ông kinh doanh máy công cụ đã khởi nghiệp từ cửa hàng công ty; lên làm phó giám đốc kinh doanh và quảng cáo, ông đã trở thành người điều khiển mọi người và chính mình một cách khó khăn. Cũng vậy, một người làm báo thành đạt trở thành nhà báo chuyên mục hay thư ký tòa soạn, bác sĩ trở thành giám đốc một dưỡng đường hay bệnh viện, giáo sư thành hiệu trưởng, giám đốc hay giám đốc sáng lập, quản đốc phân xưởng trở thành giám đốc điều hành công ty mẹ. Tất cả những người này phải từ bỏ các công việc chuyên môn quen thuộc mỗi ngày và lìa bỏ bạn nghề của mình. Họ phải làm việc ít đi với vật dụng ít đi và nhiều lên với con người.
Đúng thế, kinh doanh vẫn luôn là làm việc với con người. Nhưng khi quy mô của doanh nghiệp nhỏ, chủ mới của doanh nghiệp có thể vẫn là một đồng nghiệp giữa bao đồng nghiệp khác; ông ta không cắt đứt hẳn các mối liên lạc mà bước vào một môi trường mới. Autobiography (Tự truyện) của William Alien White cho thấy rằng ông có thể duy trì cả đời điều hư cấu dễ thương rằng ông chỉ là một người làm báo thuê. Tương tự, thế hệ các hiệu trưởng trường cao đẳng xưa chủ yếu gồm những người vẫn còn nghĩ mình là học giả. Cũng vậy, thế hệ điều hành kinh doanh trước đây vẫn còn đội mũ trong văn phòng, nhai thuốc lá, hoặc không thì cũng cố giữ lại các mối quan hệ với cửa hàng. Tuy nhiên, ngày nay các khái niệm tổ chức quen thuộc “chuyên môn và nhân sự” tượng trưng cho sự cắt đứt mối liên lạc trực tiếp giữa giám đốc điều hành và nhân viên làm thuê của cả bộ phận nhân sự lẫn chuyên môn. Ngồi ở cái bàn mới to sụ – hay để tới được đó – ông ta phải học một chuyên ngành mới định hướng theo cá tính và quên đi hay ít ra cũng giảm nhẹ định hướng chuyên môn của mình ngày trước.
Đi thẳng vào vấn đề này, có câu chuyện về một kỹ sư được mời làm giám đốc kinh doanh với lợi lộc hơn nhiều.[175] Ông ta thích nghề kỹ sư, nhưng vợ ông sẽ chẳng chịu để ông từ chối đề bạt. Người đỡ đầu ông trong tổ chức bảo ông bây giờ hoặc là không bao giờ: ông muốn đeo cặp kính xanh cả đời hay sao? Ông miễn cưỡng nhận lời. Đêm đó ông nằm mơ. Cầm cây thước lôga trong tay, ông chợt nhận ra là mình không biết sử dụng nó. Ông tỉnh dậy hốt hoảng. Giấc mơ rõ ràng tượng trưng cho cảm giác bất lực của ông trong một việc mới mà ông bị tách lìa khỏi chuyên môn của mình.
Vị giám đốc điều hành thăng tiến từ một vị trí chuyên môn không thể không cảm thấy rằng bầu không khí công việc của ông đã bị điều hòa: chỉ ổn chừng nào máy móc bên dưới chạy êm. Các đồng nghiệp mà ông bỏ lại sau lưng kia sẽ không ngần ngại, vì ghen tị, nhắc ông rằng ông không còn có thể xem mình là một người có tay nghề thành thạo giữa đám đồng nghiệp lành nghề nữa, rằng ông không phỉnh họ được nếu, như một biên tập viên hay một nhà báo phụ trách chuyên mục, thỉnh thoảng ông dự một cuộc họp báo cấp tổng thống; hay như một hiệu trưởng trường cao đẳng hay đại học, thỉnh thoảng dự một hội nghị học giả; hay như một giám đốc kinh doanh, thỉnh thoảng đánh một ký hiệu trên bảng vẽ.
Quả thực, một xã hội ngày càng phụ thuộc vào sự điều khiển con người thì nó sẽ hủy hoại người làm chuyên môn thiên về tay nghề và doanh nhân, cũng gần như một xã hội trong các giai đoạn công nghiệp hóa trước đó đã hủy hoại nông dân và thợ thủ công thiên về nghề thủ công. Người chuyên môn thời kỳ gần đây bị đẩy lên thang vào tầng lớp quản lý trong khi thợ thủ công thời kỳ trước bị dồn vào giai cấp vô sản; và điều này minh chứng cho một sự khác biệt sâu xa trong hai hoàn cảnh lịch sử. Thế nhưng ở cả hai trường hợp quá trình công nghiệp diễn tiến bằng cách gây dựng cho máy móc và các tổ chức hoạt động trơn tru những kỹ năng đã từng được gây dựng cho con người, thông qua một quá trình học việc và hình thành tính cách lâu dài.
Bất chấp mô thức này, có nhiều vị trí trong kinh doanh, và trong các nghề nghiệp lâu đời hơn nói riêng, đem lại những chốn dễ chịu cho các kiểu nội tại định hướng. Trong y khoa và pháp luật, ý thức hệ tự do kinh doanh vẫn còn mạnh. Nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn khách quan khi tuyển lựa nhân sự vẫn còn dai dẳng, và được củng cố bởi sự chú trọng bằng cấp hết sức đáng ghét trong hệ thống giáo dục và cấp bằng. Một bệnh viện, một công ty luật, một trường đại học không chỉ có chỗ cho những ai có thể gắn kết con người lại với nhau mà còn cho những ai biết tập hợp các hóa chất, các câu trích dẫn hay các ý tưởng. Có nhiều chỗ đứng cho người có tay nghề chuyên môn yêu thích công việc và không thèm học, hay không thể học hỏi, để xê dịch cùng đám đông.
Ngay cả trong cơ sở công nghiệp lớn thì một số khu vực như vậy cũng có thể tiếp tục tồn tại vì không phải mọi vấn đề kỹ thuật – các vấn đề độ cứng vật liệu – đã được giải quyết hay được đưa vào chuẩn giải quyết vấn đề thường lệ. Hơn nữa, có một vài vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp lớn và chính phủ lớn mà thỉnh thoảng chính một người phá hạng (rate-buster)[176] kiểu nội tại định hướng lại là cần thiết – chẳng hạn, một người có thể từ chối thẳng thừng mà không cần phân trần, vòng vo đánh trống lảng. Đồng thời các giá trị điển hình cho kiểu ngoại tại định hướng có thể lan tràn mau chóng đến mức đụng chạm vào vài khu vực của nền kinh tế trước khi các khu vực này giải quyết xong các vấn đề kỹ thuật của mình. Ở Hoa Kỳ, sức hấp dẫn của các phong cách làm việc xen lẫn nghỉ ngơi kiểu ngoại tại định hướng không thể ở đâu cũng được điều chỉnh theo mặt trận không đồng đều là tiến bộ kinh tế.
TỪ THƯƠNG MẠI TỰ DO ĐẾN THƯƠNG MẠI TRUNG THỰC
Ngay sau khi có Đạo luật về Hội đồng thương mại Liên bang năm 1914 cấm cạnh tranh không trung thực, vấn đề trở nên rõ ra rằng cái không trung thực chính là hạ giá hàng hóa, dù quan điểm này được che đậy dưới vỏ bọc công kích gian lận hay gắn sai nhãn hiệu cho hàng hóa. Nhưng trong giai đoạn có Cục Phục hồi Công nghiệp Quốc gia (NRA – National Recovery Administration), thái độ vụng trộm này nhận được sự thừa nhận từ chính phủ và công chúng, và sẽ là bôi nhọ khi gọi ai đó là kẻ cắt giá. Cùng với việc thông qua đạo luật Robinson-Patman và các luật của nhà nước về thương mại trung thực, thương mại tự do và thương mại trung thực trở thành những thuật ngữ mâu thuẫn nhau. Giá cả cuối cùng được ấn định bởi giới quản lý và qua thương lượng, hay khi mà vấn đề này có thể sẽ kéo Vụ Chống độc quyền vào cuộc, thì nó được ấn định bởi “sự lãnh đạo giá”. Các mối quan hệ từng được xử lý bằng cơ chế giá hay chỉ lệnh thì nay được giải quyết qua thương lượng.
Sự lãnh đạo giá thường trông chờ ở nhà kinh tế đơn thuần việc điều khiển các công cụ để tránh chiến tranh giá cả và phân chia thị trường. Tuy vậy, lãnh đạo giá còn có những khía cạnh khác nữa. Nó là một phương tiện để dồn gánh nặng quyết định vào “những người khác”. Bản thân những công ty được gọi là người lãnh đạo giá cũng phải trông chờ manh mối từ chính phủ, vì chi phí – cái con ma trơi hoang đường đó – nếu như nó có tồn tại thật, không còn là một chỉ dẫn rõ ràng. Trò đi-theo-lãnh-đạo cũng được sử dụng để đạt đến giá cả và điều kiện làm việc cho lao động; còn các công đoàn hưởng lợi từ khả năng lợi dụng mong muốn của ban giám đốc cấp cao là nhịp bước với các lãnh đạo ngành công nghiệp, và làm những anh bạn tốt để đá đít. Như chúng ta sẽ thấy sau này, mô hình chính trị kiểu ngoại tại định hướng có chiều hướng giống với mô hình kinh doanh kiểu ngoại tại định hướng: lãnh đạo của cả hai lĩnh vực cùng ở trong tình trạng vô định hình. Vả lại, cả trong kinh doanh lẫn chính trị, vị lãnh đạo kiểu ngoại tại định hướng thích được ổn định tình hình của mình ở một mức không đòi hỏi quá nặng nề vào phong độ của anh ta. Do vậy, vào nhiều thời điểm khác nhau trong quá trình ra quyết định, anh ta sẽ tán thành một đời sống dễ dàng hơn so với các mạo hiểm mở rộng quy mô và cạnh tranh tự do cho tất cả mọi người.
Một đời sống kinh doanh như vậy hóa ra không phải là một đời sống “dễ dàng”. Đầu tiên là, người kiểu ngoại tại định hướng trong kinh doanh không thể làm mọi chuyện theo cách của mình, chẳng hơn gì trong chính trị. Tự do thương mại vẫn còn là một lực lượng hùng hậu, bất chấp những xâm lăng của phái trung thực thương mại. Nhiều nhà quan sát, trong khi đánh giá mức độ độc quyền bằng cách xem xét số phần trăm tài sản được kiểm soát bởi các tập đoàn lớn và có khả năng quản chế giá cả, đã bỏ sót chi tiết là thậm chí một số phần trăm ít ỏi các công ty ngoài tầm với của bàn tay niềm nở cũng có thể có một tác động đòn bẩy hoàn toàn vượt trội so với tài sản của họ. Cao su có thể là một ngành độc quyền, nhưng phải chăng chúng ta sẽ mãi mãi cần cao su? Điện ảnh có thể độc quyền, nhưng còn truyền hình? Trong các ngành nhỏ và ít quan trọng, những độc quyền không phải của hôm nay mà của ngày mai, thường không cần phải là một anh bạn tốt. Vả lại, các động lực thay đổi công nghệ vẫn còn là thử thách; toàn thể phòng ban bên trong các ngành công nghiệp, cũng như chính toàn bộ bản thân các ngành công nghiệp, có thể trở nên lỗi thời, bất chấp khả năng họ thương lượng hoãn lại biết bao lần cái án tử mà sự thay đổi công nghệ đã ban ra. Ngay cả nội trong các ngành công nghiệp độc quyền lớn, vẫn còn có nhiều người thiên về công nghệ cũng như nhiều phòng ban thiên về công nghệ; không có việc hoạch định quản lý nào ở bất kỳ một công ty nào có thể khắc phục hoàn toàn và bình thường hóa được hẳn áp lực bắt nguồn từ các cải tiến của họ.
Trong phạm vi mà doanh nhân nhờ tính cách và hoàn cảnh của mình giải thoát khỏi các cân nhắc về chi phí, anh ta vẫn phải đối mặt với vấn đề tìm ra các động cơ mới cho vai trò chủ doanh nghiệp của mình. Anh ta phải lựa theo người khác xem họ nói một doanh nghiệp đúng cách phải ra sao. Do vậy, một sự nhạy cảm tâm lý khởi nguồn từ nỗi lo bị gọi là kẻ cắt giá lan sang nỗi sợ bị cho là không thức thời về những mặt khác. Doanh nhân này sợ theo đuổi các mục tiêu biết đâu là đã lỗi thời cũng như sống một lối sống biết đâu là không điệu nghệ. Vì anh ta định hướng theo người khác, và theo lĩnh vực tiêu dùng, anh ta xem doanh nghiệp của mình là một người tiêu dùng.
Nhìn chung, cho đến Thế chiến thứ nhất thì các công ty kinh doanh chỉ cần ba kiểu tư vấn chuyên môn: pháp lý, kiểm toán và kỹ thuật. Đây là các trợ giúp tương đối phi cá nhân, ngay cả trong trường hợp các luật sư, trợ giúp này bao gồm mua dăm ba nhà lập pháp và thẩm phán kiểu tiền trao cháo múc. Vì số chuyên gia sẵn có khá ít so với nhu cầu, họ có thể được lôi kéo vào một hoặc cả hai kiểu liên hệ thịnh hành: Một là, mối liên hệ gia đình-địa vị-quan hệ còn lại dai dẳng từ các thời trước trong những cộng đồng nhỏ hơn và đến hôm nay vẫn như vậy trong các cộng đồng này cũng như ở miền Nam; Hai là, mối liên hệ tiền mặt dựa trên kết quả thực hiện, hay trên “tính cách” trong nghĩa cũ hơn. Ngày nay người mua, trước hết, không chắc phải mua gì trong nhiều dịch vụ: anh ta sẽ kiếm một luật sư, hay một người lo về quan hệ công chúng, hay một cơ quan nghiên cứu thị trường, hay cầu cứu một công ty tư vấn quản lý để quyết định; tiếp đó, anh ta không chắc về chọn lựa của mình trong số nhiều nhà cung cấp tiềm năng từng dịch vụ này – anh ta không buộc phải chấp nhận ai trong số họ vì các lý do gia đình-địa vị-quan hệ hoặc vì tính cách và thành tích rõ ràng vượt trội của họ. Do vậy lựa chọn sẽ tùy thuộc vào một phức hợp các yếu tố ít nhiều tình cờ, tùy hứng: một cuộc tiếp xúc hay chuyện trò bâng quơ, một câu chuyện trên Business Week hay một bản tin “mật”, hay vận may của nhân viên bán hàng.
Chúng ta có thể thấy sự chuyển dịch này trong lịch sử nhiều công ty. Một doanh nghiệp khởi đầu là một cơ sở kinh doanh gia đình nhỏ, những người sáng lập nhắm vào cơ hội thuận lợi nhất – với sự chú trọng vào chi phí và thái độ hoài nghi về lợi thế thương mại và quan hệ công chúng – thường thay đổi các mục tiêu của mình ở thế hệ thứ hai. Để một tờ Fortune trên bàn, tham gia một hiệp hội thương mại, còn mục tiêu thì đã thành ra không phải tiền mà là việc sở hữu các thứ phụ tùng mà một công ty tân thời cần phải có. Chúng ta thấy một chuỗi dằng dặc các trí thức nửa mùa được tuyển thêm vào đội ngũ nhân sự: các giám đốc quan hệ công nghiệp, giám đốc đào tạo, giám đốc an toàn. Một tạp chí của công ty được xuất bản; các nhà tư vấn được cầu đến để nghiên cứu thị trường, các quy trình vận hành chuẩn, vân vân; mặt tiền cửa hàng cửa hiệu được tân trang; và nói chung địa vị được săn lùng, khi lợi nhuận trở thành hữu ích như một trong nhiều biểu tượng cho địa vị và như món dự trữ cho các bước tiếp theo tiến tới khuếch trương theo đòi hỏi của địa vị.
Trong nhiều trường hợp, sự chuyển dịch này đi kèm với một xung đột giữa thế hệ già, do nội tại định hướng nhiều hơn, với thế hệ trẻ hơn, bị ngoại tại định hướng. Lớp già hơn đã đi lên nhờ cửa hàng hay qua một trường kỹ thuật mà không có những khoe khoang trong lĩnh vực quan hệ cộng đồng. Lớp trẻ thấm nhuần nguyên tắc xử thế mới. Họ có vẻ vẫn còn nghĩ đến kiếm tiền, và trong một chừng mực nào đó họ thực sự lo nghĩ như vậy, nhưng họ cũng lo nghĩ đến chuyện biến công ty mình thành mẫu mực mà họ học được ở trường kinh doanh. Doanh nhân nhận ra định hướng mới này khi nhắc đến mình, như họ vẫn thường nhắc đến mình, như người thụ ủy cho mọi giới công chúng. Và trong khi họ cố điều khiển các giới công chúng này, cố duy trì cân bằng giữa họ, thì các doanh nhân, giống như các nhà lãnh đạo chính trị, bị những kỳ vọng công chúng có về họ, hay được cho là có về họ, điều khiển.
Nếu phải xác định một thời điểm của sự đổi thay, ta có thể nói rằng thời đại cũ chấm dứt cùng cái chết của Henry Ford. Sau khi ông mất thì công ty ông, một thành trì cuối cùng của những cách thức xưa cũ, đã hoàn tất việc bố trí lao động mới, kế toán mới, các kỹ thuật quản lý và định hướng quản lý mới khác.
Từ trung thực phần nào phản ánh được một sự chuyển giao các giá trị nhóm ngang hàng sang đời sống kinh doanh. Người trong nhóm ngang hàng thấm nhuần tư tưởng chơi trung thực; còn doanh nhân, thấm nhuần tư tưởng thương mại trung thực. Thường thì điều này có nghĩa là anh ta hẳn đang sẵn lòng thương thảo các vấn đề mà anh ta có thể khăng khăng giữ quyền. Hơn nữa, người thương lượng, được kỳ vọng đem về không chỉ một chiến thắng cụ thể mà còn cả những thiện cảm về anh ta và công ty. Do vậy, trong một chừng mực nào đó, anh ta biết càng ít về các tình tiết ngầm bên dưới thì càng dễ trao đổi các nhượng bộ. Anh ta giống như người bán hàng ở góc đường, khi bị quở trách vì bán táo bốn xu mà vốn là năm xu, liền nói “Nhưng cứ nhìn doanh thu mà xem!” Ở đây một lần nữa kỹ năng chuyên môn, nếu không phải một bất lợi thực tế, cũng trở nên kém quan trọng hơn kỹ năng điều khiển con người.
Hiển nhiên, rất nhiều điều đã bàn cũng đúng với các liên đoàn lao động, các giới nghề nghiệp chuyên môn, với cho đời sống học thuật cũng như với giới kinh doanh. Chẳng hạn, vị luật sư tiến vào các vị trí hàng đầu bên trong và bên ngoài ngành của mình không còn nhất thiết phải là một người làm nghề đã tinh thông những rối rắm phức tạp, giả dụ như, của vấn đề tài chính doanh nghiệp, mà có thể là người đã chứng tỏ mình là một tay giỏi giao thiệp. Vì các mối liên hệ cần được tạo ra và tái tạo trong mỗi thế hệ, không thể kế thừa, điều này tạo ra những cơ hội kiếm bộn tiền cho các típ ngoại tại định hướng di động mà năng lực chính là đàm phán suôn sẻ.
TỪ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG ĐẾN TÀI KHOẢN CHI PHÍ
Bằng diễn đạt này giáo sư Paul Lazarsfeld từng tổng kết một vài thay đổi gần đây về các thái độ kinh tế. Tài khoản chi phí[177] gắn với sự chú trọng thời nay vào các thực tiễn tiêu dùng cũng kiên cố như tài khoản ngân hàng thời xưa gắn với các lý tưởng sản xuất. Tài khoản chi phí giao quyền kiểm soát cho bàn tay niềm nở. Bằng việc làm như vậy nó tiếp tục đánh sập bức tường vốn đã phân tách hai ngả vui chơi và công việc ở thời phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng. Người kiểu ngoại tại định hướng thành đạt mang vào kinh doanh một tập hợp thái độ học được trong lĩnh vực tiêu dùng không chỉ khi anh ta đánh giá công ty của mình bằng con mắt người tiêu dùng mà còn cả khi anh ta “đang họp”.
Kinh doanh là phải vui thú. Khi lạm phát Thế chiến thứ hai nguội đi, các trang kinh doanh đăng đi đăng lại những bài diễn thuyết tại các hội nghị về chủ đề: “Giờ đây bán hàng sẽ vui trở lại!” Người ta không trông chờ doanh nhân kiểu nội tại định hướng có vui thú; thực ra, mặt mũi anh ta ủ dột và thậm chí cau có lại là thích hợp. Song doanh nhân kiểu ngoại tại định hướng dường như ngày càng ở vào tình thế phải chịu mệnh lệnh là anh ta cần thích thú những nghĩa vụ giao tế đi kèm vai trò quản lý. Giờ làm việc thu ngắn lại ảnh hưởng nhiều lên đời sống của tầng lớp lao động hơn là đời sống của tầng lớp trung lưu: giám đốc điều hành và người chuyên môn vẫn thêm vào nhiều giờ kéo dài, sử dụng năng suất khổng lồ của Mỹ không phải để về nhà sớm mà chủ yếu để kéo dài giờ ăn trưa, cà phê giải lao, hội họp và các hình thức kết hợp kinh doanh với vui chơi khác. Cũng vậy, rất nhiều thời gian ngay ở chính văn phòng cũng được dành ra để giao tế: chuyện phiếm văn phòng (“hội nghị”), lượn mấy vòng thiện chí (“thanh tra”), nói chuyện với đám nhân viên bán hàng và đùa cợt với các thư ký (“nâng cao tinh thần làm việc”). Thực ra, rút cạn tài khoản chi phí có thể coi như một liệu pháp nghề nghiệp gần như không giới hạn cho những người, do thói quen truyền thống là làm việc cật lực, do ghét vợ, do một chủ nghĩa khắc kỷ còn rơi rớt lại, và do nỗi bất an về những người hợp tác đối kháng của mình, vẫn còn cảm thấy rằng họ phải đắm mình vào công việc trong một ngày đẹp trời tại văn phòng. Nhưng dĩ nhiên, Simmel sẽ chẳng thừa nhận, trong khảo luận xuất sắc của ông mà tôi trích dẫn ở đầu chương, rằng kiểu giao tế này, vốn dĩ chở quá nhiều sức nặng thường ngày, là tự do hay là xã giao.
Đối với kiểu nghề nghiệp mới thì phải có một kiểu giáo dục mới. Đây là một nhân tố, tất nhiên không phải nhân tố duy nhất, nằm sau sự thịnh hành ngày càng tăng của giáo dục đại trà và việc đưa các ngành khoa học nhân văn, khoa học xã hội vào trường trung học kỹ thuật cũng như các chương trình đại học. Các nhà giáo dục tài trợ những chương trình này hối thúc vun trồng “con người toàn diện”, nói đến việc đào tạo công dân cho nền dân chủ, và lên án các thói chuyên môn hẹp hòi – thảy đều là những chủ đề có giá trị. Quả thực cuốn sách này phát triển phần nào từ sự khuyến khích giảng dạy theo một chương trình khoa học xã hội tổng quát. Nhưng tuy có thể không chắc rằng các kỹ sư và doanh nhân sẽ trở thành những công dân tốt hơn hoặc con người tốt hơn vì đã được tiếp xúc với các chương trình này, thì chẳng mấy nghi ngờ là họ sẽ khéo léo lịch thiệp hơn. Họ có thể chứng tỏ sự sắc bén của mình trước đám thô lậu từ các trường “kỹ thuật” bằng cách trưng ra diễn văn về quan hệ cộng đồng. Tài hùng biện như vậy có thể cần thiết cho thành công chuyên môn hay kinh doanh ngày nay giống như kiến thức về văn chương cổ điển đối với chính trị gia Anh và quan chức cấp cao thế kỷ trước.
Trong lúc đó, tôi không muốn cường điệu sự chú trọng vào quan hệ con người, thậm chí trong các lĩnh vực đã bị quan liêu hóa của nền kinh tế. Vẫn còn nhiều sự đa dạng: một số công ty, như Sears Roebuck, có vẻ được bàn tay niềm nở điều hành, trong khi những công ty khác, giả dụ như Montgomery Ward, lại không; một số, như Anaconda, ý thức về vấn đề quan hệ công chúng; những công ty khác, như Kennecott, lại không như thế. Nhiều tiến bộ hiện nay trong phân phối, thậm chí trong bán hàng, có chiều hướng giảm bớt tầm quan trọng của nhân viên bán hàng. Điều này thể hiện rõ ở hệ thống máy bán hàng tự động. Hơn nữa, các khía cạnh cá tính trong bán hàng có thể được giảm thiểu mỗi khi cần đến một kỹ thuật viên: chẳng hạn, người bán hàng thiết bị chuyên dụng đòi hỏi một sự định hướng lại trong nhân viên của khách hàng. Dù đội ngũ bán hàng của IBM là những người dám nghĩ dám làm, họ cũng phải biết cách sử dụng một máy lập bảng, và quan trọng hơn, biết cách hợp lý hóa luồng thông tin trong nội bộ một công ty. Do vậy, dù họ là các cố vấn viên cho cuộc cách mạng truyền thông, họ phải được định hướng nghề chẳng kém những người bán thiết bị ít phức tạp hơn thời trước. Trong nội bộ hầu hết các ngành công nghiệp như vậy đều cần rất nhiều người có đầu óc kỹ thuật, những người trong một chừng mực đáng kể, nhờ các kỹ năng không thể thiếu của mình mà đỡ phải nhã nhặn với tất cả mọi người, dù anh ta có một tài khoản chi phí hay không.
II. Dải Ngân hà
Trong chương trước, tôi đã diễn đạt tham vọng của người kiểu nội tại định hướng bằng cách nhắc đến một khẩu hiệu phổ biến ở thời anh ta: qua gian lao vươn tới các vì sao. Người nội tại định hướng, vốn giao thiệp có tham chiếu tới một hình mẫu xưa hơn, có thể chọn cách tranh đua với một ngôi sao trong số những người hùng của lĩnh vực mình. Trái lại, người kiểu ngoại tại định hướng không thường nghĩ đến đời mình về phương diện một sự nghiệp cá thể hóa. Anh ta không mưu cầu danh tiếng, thứ tiêu biểu cho sự siêu việt có giới hạn của một nhóm ngang hàng hay một văn hóa cụ thể, mà mưu cầu sự tôn trọng, và hơn cả tôn trọng là sự cảm mến từ một bồi thẩm đoàn của nhóm ngang hàng vô định hình và hay thay đổi, dù cùng thời anh ta.
Để đạt mục tiêu này anh ta phải tranh đấu, không phải với độ cứng của vật liệu mà với chính những người hợp tác đối kháng dữ dội, những người tham gia cùng cuộc theo đuổi, cũng là những người anh ta đồng thời nhìn vào để tìm kiếm các giá trị và các nhận định về giá trị. Thay vì so mình với những vĩ nhân trong quá khứ và sánh mình với các ngôi sao, người kiểu ngoại tại định hướng xoay trở giữa cả một Ngân hà đích thực của những người cùng thời nhưng gần như không phân biệt được. Điều này phần nào là một đóng góp cho quy mô của tầng lớp trung lưu có giáo dục trong thời kỳ chớm giảm dân số.
Sự bất ổn của đời sống trong thời đại chúng ta đương nhiên là một nhân tố trong việc người trẻ từ chối gắn bó tận tụy với các mục tiêu dài hạn. Chiến tranh, suy thoái, quân dịch, ngày nay có cảm giác như các chướng ngại cho việc hoạch định một sự nghiệp nhiều hơn nhiều thời kỳ trước Thế chiến thứ nhất. Nhưng những thay đổi này chưa phải đã là toàn bộ câu chuyện: kiểu người không gắn bó tận tụy với các mục tiêu dài hạn sẽ biện bạch quan điểm của mình về tương lai và sự trì hoãn cam kết gắn bó bằng cách chỉ ra những điều bất an quá rõ ràng. Chúng ta có thể hình dung được người sống ở một thời bấp bênh như vậy, anh ta vì thiếu hiểu biết và thiếu nhạy cảm cũng như vì mãnh lực của tính cách, sẽ lặn lội theo đuổi các mục tiêu xa vời. Chắc chắn, nhiều nhân tố khác cũng ở quanh đó: như ví dụ đã nêu trong một phần trước, có một thực tế là tính di động thường phụ thuộc vào việc bỏ lại kỹ năng nghề của ta; và chính ngã ba đường này phân tách các lối đi nội trong một nghề với những lối đi có thể đạt được chỉ bằng cách bỏ nghề, nó xuất hiện ở giai đoạn đầu trong đời sống nghề nghiệp và gây khó khăn cho việc tính toán sự nghiệp của thanh niên di động.
Cũng có một số mặt tích cực nhất định cho tiến triển này. Sự tận tụy có vẻ lâu bền của nhiều thanh niên kiểu nội tại định hướng dựa trên việc chấp nhận vô điều kiện các trật tự của cha mẹ và việc xếp hạng các nghề nghiệp của cha mẹ. Thanh niên kiểu ngoại tại định hướng ngày nay thường đòi hỏi ở một việc làm nhiều hơn là việc nó thỏa mãn địa vị theo lẽ thường và thỏa mãn các đòi hỏi tiền tài; cậu ta không bằng lòng với những xếp hạng áp đặt của các thế hệ trước. Thời ngoại tại định hướng quả đã mở ra các khả năng chọn nghề mang tính cá nhân hơn và vừa ý hơn, một khi áp lực xã hội đối với một quyết định sớm sủa, và cảm giác kinh hoảng của người đó nếu anh ta không thể quyết định ngay, đã giảm đi nhiều.
Từ đó suy ra rằng các tầng trời thành tựu đối với thanh niên kiểu ngoại tại định hướng sẽ trông khác hẳn so với thế hệ kiểu nội tại định hướng thời trước của anh ta. Người thế hệ trước thấy mình được an toàn khi tiến ra vùng giáp ranh giữa nhiều biên cương khác nhau, thiết lập chủ quyền riêng biệt và được công nhận trên một mảnh lãnh thổ mới – thường cùng với những cái bẫy đế quốc to lớn. Nếu anh ta lập một công ty, nó sẽ là cái bóng kéo dài của anh ta. Còn ngày nay con người là cái bóng của công ty. Các mục tiêu dài hạn như lối thoát được gắn hẳn vào công ty, vào định chế; đây cũng là kho chứa các nỗ lực đế quốc mà thỉnh thoảng thành hình khi định chế kiềm tỏa các ý chí ôn hòa và dễ bảo của nhiều người kiểu ngoại tại định hướng, mà họ vốn đang tranh giành những chỗ dị biệt hóa biên tế trên dải Ngân hà.
Để bỏ xa những người cạnh tranh này, để một mình tỏa sáng, điều ấy có vẻ vô vọng, và cũng nguy hiểm. Đúng vậy, người ta có thể cố len lén đi trước người khác một đoạn – chẳng hạn, làm việc cực nhọc hơn cả sự tuyên truyền về công việc có thể cho phép – nhưng ấy là những mánh vặt, không phải chiêu thức lớn bài bản. Tuy vậy, họ vẫn giữ cho cuộc cạnh tranh một vị trí trên những đường chạy chính có tổ chức hợp lý của đời sống nghề nghiệp hoàn toàn tách bạch khỏi tính hợp tác. Song thậm chí hành vi như thế, vốn dĩ coi thường không đáng kể các khái niệm thịnh hành về sự công bằng, cũng lưu ý xem nhóm ngang hàng có những chuẩn mực gì về cái được mong đợi. Và vì mỗi người sẽ phóng chiếu các khuynh hướng xấu chơi của mình lên người khác, điều này cũng đòi hỏi sự sống trong trạng thái thường xuyên cảnh giác trước việc người khác có thể sắp sửa làm.
Do vậy, Ngân hà không phải là một con đường dễ dàng, dù các gian khổ của nó khác với cái gian khổ ở thời trước. Buộc phải dung hòa hay lôi kéo điều khiển đủ loại người, người kiểu ngoại tại định hướng đối đãi với tất cả mọi người như khách hàng, với phương châm khách hàng bao giờ cũng đúng; nhưng anh ta phải làm điều này với nhận thức chẳng dễ dàng là, như Everett Hughes đã diễn đạt, một số khách hàng lại đúng hơn số khác. Sự đa dạng vai trò đi cùng với đa dạng khách hàng chưa được thể chế hóa hay được hướng dẫn rõ ràng, thế nên người kiểu ngoại tại định hướng có chiều hướng đơn thuần trở thành chuỗi nối tiếp các vai trò và các cuộc gặp gỡ, và do vậy anh ta nghi hoặc không biết mình là ai hay mình đang đi đâu. Cũng như công ty bỏ chính sách một giá để theo chính sách giá bị quản chế được ấn định kín, phân biệt theo từng tầng lớp khách hàng tùy thuộc vào quyền lực thấy rõ của khách hàng và các đòi hỏi về “thiện chí”, vậy nên người kiểu ngoại tại định hướng từ bỏ chính sách một mặt của người kiểu nội tại định hướng mà áp dụng chính sách nhiều mặt do anh ta bí mật ấn định và thay đổi theo từng tầng lớp gặp gỡ.
Tuy vậy, liên hiệp với những kẻ khác, anh ta có thể tìm kiếm chút ít sự bảo hộ về kinh tế, xã hội và chính trị. Nhóm ngang hàng có thể quyết định một vài kẻ bị loại bỏ, về mặt giai tầng hay sắc tộc, những người mà bàn tay niềm nở chẳng cần phải chìa tới, hay những người có thể (như người da đen ở miền Nam) buộc phải giao thiệp nhã nhặn kiểu cá nhân hóa mà không có đặc quyền đòi được đáp lại tương xứng. Một tầng lớp khách hàng, vốn dĩ là sai theo định nghĩa, có thể được tạo ra về mặt chính trị. Thế nhưng dù có cá biệt đến đâu, dù nó có thể khiến cuộc sống dễ thở hơn đôi chút cho người trong cuộc, nó cũng không thể bảo đảm trăm phần trăm sự tồn tại này có một vị trí minh bạch và được tán thưởng trong dải Ngân hà.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.