Đám Đông Cô Đơn

CHƯƠNG VII Vòng đời ngoại tại định hướng (tiếp theo): ca đêm



Vả chăng ta cũng chẳng nên tin rằng, trong khi lăn lưng ra mà lao động, con người sống trong các nước dân chủ lại thấy mình có gì phải than vãn; ngược lại là đằng khác. Chẳng có con người nào lại hả hê với thân phận mình hơn những con người ấy. Họ sẽ cảm thấy cuộc đời này nhạt nhẽo, vô vị nếu được chu cấp mọi thứ thỏa mãn các nhu cầu họ vô cùng khao khát, và họ thể hiện sự gắn bó với các lo âu còn nhiều hơn là những con người sống trong các nền quý tộc trị gắn bó với hưởng thụ.

Tocqueville, Nền dân trị Mỹ[178]

Điều duy nhất đã thay đổi từ khi Tocqueville viết (quả thực thay đổi không nhỏ) là chính lĩnh vực vui chơi đã trở thành một lĩnh vực lo âu. Nhiều sự nhọc nhằn thể xác của các lĩnh vực sản xuất và sử dụng đất đai ngày xưa còn sót lại ở dạng tâm lý đã biến đổi trên lĩnh vực mới là tiêu dùng. Đúng như chúng ta thấy trong chương trước rằng ca ngày tham công tiếc việc đã bị các giá trị và thái độ bàn tay niềm nở phần nào bắt nguồn từ lĩnh vực nhàn rỗi xâm lấn, thì ca đêm ưa an nhàn cũng bị ám ảnh bởi những người khác vẫn hợp tác cùng ta để tạo ra một thời gian vui vẻ.

Song trước hết, cùng với sự lớn mạnh của kiểu ngoại tại định hướng, chúng ta sẽ thấy sự ra đi của cả người tiêu dùng tích trữ lẫn người thoát ly ở thời trước. Đam mê tích trữ giảm đi khi tài sản không còn có tính ổn định và giá trị khách quan cũ nữa; sự thoát ly giảm đi chính vì lẽ rõ ràng là công việc và vui chơi đã đan xen nhau. Chúng ta có thể thấy các khuynh hướng mới này, trong cái có thể là hình thức cực đoan nhất: các xu hướng về thức ăn và trải nghiệm tình dục thịnh hành ở một số nhóm thuộc giai tầng trung lưu lớp trên.

I. Những thay đổi trong ý nghĩa biểu tượng của đồ ăn và tình dục

Từ bát lúa mì đến bát sa lát. Trong số các kiểu nội tại định hướng dĩ nhiên có sự biến thiên lớn trong việc quan tâm đến thức ăn. Câu chuyện sẽ khác trong các dân tộc sành ăn của phần thế giới còn lại, còn ở Mỹ, người Thanh giáo và không phải Thanh giáo trong quá khứ gần có thể dùng thức ăn để phô trương, họ ăn tối ngoài nhà hàng với các thực đơn được tiêu chuẩn hóa tương đối cho khách khứa; và cái được phô trương ra là một miếng thịt thật ngon, một bàn ăn trang nhã, và phần nấu nướng xuất sắc. Tất cả những thứ này phần lớn là việc của đàn bà, và trong nhiều giới thì thức ăn không phải là đề tài thích hợp để trò chuyện trong bữa tối. Dùng thức ăn đúng cách là nghĩa vụ của ta trước địa vị của mình, quyền của ta có được sự trọng vọng, và gần đây hơn là trước kiến thức của chính ta về vệ sinh với lượng calo và các loại vitamin. (Thái độ sau cùng này đã không lan tới miền Nam nước Mỹ, nơi có truyền thống ẩm thực cũ hơn, thô mộc hơn là sự yêu thích có tính nghi thức dành cho thức ăn chiếm ưu thế.) Các ấn bản thời đầu của Boston Cooking School Cookbook (Sách nấu ăn của Trường Dạy nấu ăn Boston) đã thở ra làn không khí vững vàng, bảo thủ và thiên về dinh dưỡng này.

Trái lại, người kiểu ngoại tại định hướng khoảng giữa thế kỷ 20 ở Mỹ phô trương sở thích của anh ta chứ không phô trương trực tiếp của cải, sự khả kính, lượng máu hay lượng calo đầy đủ. Thật ra chúng ta đã thấy trong Chương IV là radio bắt đầu tập tành cho trẻ kiểu ngoại tại định hướng về sở thích ăn uống còn trước cả khi đứa trẻ đi học và nó học bài học đó nghiêm chỉnh ra sao. Trong khi cha mẹ giai tầng trung lưu lớp trên vốn được học hành tử tế đang trở nên ngần ngại chẳng dám bảo trẻ ăn thứ gì đó vì món ấy tốt cho chúng – sợ mình sẽ gây ra các phức tạp bằng lời – thì họ lại hùa với radio trong việc thảo luận cái gì là “tốt” như một chuyện về sở thích. Thực ra, điều này thường chỉ ngụy trang cho cảm xúc tập trung vào các thói quen ăn của trẻ, cũng gần bấy nhiêu cảm xúc như khi cha mẹ chúng tập trung vào chế độ “ăn cho hết đi đừng vớ vẩn nữa”. Người kiểu ngoại tại định hướng còn chuẩn bị tâm lý để tìm ra sự dị biệt hóa biên tế không chỉ ở cái anh ta dọn ra trước mặt khách mà còn ở chỗ nói thế nào về những món đó với khách.

Trước đây chỉ tồn tại một nhóm nhỏ những người sành ăn; sự thưởng thức kén chọn thức ăn là một sở thích riêng, trong số những sở thích riêng khác, mà người kiểu nội tại định hướng có thể chọn. Ngày nay, trong các giới rộng rãi, nhiều người là thực khách sành ăn và có nhiều hơn thế những người cảm thấy mình phải là người sành ăn. Sự dư dật của nước Mỹ thời kỳ chớm giảm dân số có lẽ là nhân tố quan trọng nhất trong bước tiến này; nó làm cho gần như bất cứ ai cũng tiếp cận được thức ăn ngon. Các hạn chế về mùa và địa lý trong giai đoạn trước đã thu hẹp những lựa chọn đổi món cho tất cả mọi người chỉ trừ người giàu, thì giờ đây phần lớn những hạn chế đó đã bị loại bỏ nhờ mạng lưới phân phối và các kỹ thuật bảo quản thức ăn – cả hai đều là di sản từ giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp. Người tiêu dùng lựa chọn giữa nhiều thức ăn do vậy không còn phải dựa trên truyền thống hay các hạn chế của Malthus.

Kết quả là, cả khung cảnh bữa ăn lẫn nội dung bữa ăn đều bị ảnh hưởng. Sự thân tình xuề xòa phá vỡ cấm kỵ của Thanh giáo là chống lại việc bàn chuyện ăn uống, cũng như nồi đất và ấm đồng thau của Mexico thế chỗ khăn ăn trắng và lối bày biện cổ điển trên bàn ăn tầng lớp trung lưu thế kỷ 19. Quan trọng hơn, bà nội trợ trong nhà không còn có thể đổ lỗi cho cách nấu nướng hạn chế và theo sở thích của người hầu bếp đã không đáp ứng được gu ăn uống của riêng bà. Trong thời kỳ chớm giảm dân số người hầu biến mất khỏi gia đình trung lưu, và nếu có nơi họ không biến mất chăng nữa, họ cũng không còn đặc quyền mà truyền thống, chứ không phải ông chủ bà chủ, cho phép họ kiểm soát thực đơn và phục vụ thực đơn sành điệu. Không còn những bức tường riêng tư, địa vị, hay chủ nghĩa khổ hạnh để bảo vệ hoặc ngăn ngừa người ta phô trương sở thích cá nhân về thức ăn và bày biện trang trí như một yếu tố cạnh tranh với người khác. Người dự bữa ăn có quyền, không như anh chàng Jiggs, quyết định rằng thịt bò muối nấu với cải bắp là một món thú vị; anh ta có thể săn lùng nghệ thuật chế biến món ăn của người nhập cư hay theo chỉ dẫn của người phụ trách chuyên mục món ăn trên báo Clementine Paddleford hướng tới các món mới lạ của nước ngoài. Chỉ tại các cuộc hội họp chính thống người ta mới còn thấy thực đơn giống nhau là thịt nướng hay gà, khoai tây và đậu đũa. Còn ở nhà, ở vị trí món chính, bà chủ ngày nay được khuyến khích thay vào món đặc biệt của mình, ví dụ lasagna hay rüstoffel.[179] Và đàn ông cũng tham gia như đàn bà ở trong bếp cũng như đứng bên cạnh vỉ nướng ở sân sau.

Sách dạy nấu ăn nổi tiếng nhất ngày nay người ta nói là The Joy of Cooking (Thú vui nấu nướng), và số lượng sách nấu ăn chuyên sâu – có yếu tố sắc tộc, có giọng tán gẫu và không khí đặc thù – liên tục tăng lên để đáp ứng nhu cầu dị biệt hóa biên tế. Ngay sự thay đổi nhan đề sách – từ Boston Cooking School Cookbook sang How to Cook a Wolf (Làm sao để nấu một con sói) hay Food Is a Four Letter Word (Đồ ăn là từ có bốn chữ cái)[180] – cho thấy thái độ đang thay đổi. Vì người kiểu ngoại tại định hướng không thể dựa vào các chuẩn thành công khách quan như những chuẩn hướng dẫn cho người kiểu nội tại định hướng: anh ta có thể bị ám ảnh bởi cảm tưởng rằng anh ta để lỡ mất cái thú ẩm thực mà đáng ra anh ta nên cảm nhận. Giờ ăn ngày nay phải “thú vị”; cuốn Fireside Cookbook (Sách dạy nấu ăn bên lò sưởi) mới chào mời tới “những người không bằng lòng xem thức ăn chỉ là cái gì đó ta cứ đều đều đưa từ đĩa lên miệng”. Và nếu người ta vẫn còn chưa nhận được nhiều niềm vui thú từ các công thức đưa ra ở đó, họ có thể tìm trong các sách như Specialité de la Maison (Đặc sản nhà hàng) để xem “người khác” đang ăn gì – để có được các “công thức ưa chuộng” của những người như Noёl Coward và Lucius Beebe. Fred MacMurray và Claudette Colbert[181] làm chứng cho những cái thú từ những công thức pha chế như “The Egg and I Julep” (món rượu Quả trứng và tôi); và MacMurray viết trong một tuyển tập mỏng các công thức trứng ưa thích của mình: “Chẳng có gì hấp dẫn bằng hai quả trứng rán với đôi mắt vàng ruộm trong vắt nhìn bạn trìu mến từ giữa đĩa điểm tâm, điểm tô bằng từng sợi thịt lợn muối giòn tan hay xúc xích heo non. Hay trứng chần nước sôi, hớn hở lướt trên mảng bè bánh mì nướng”. Bản dịch nổi tiếng nhất một cuốn sách nấu ăn cũ của Pháp, Tante Marie(Thím Marie), cũng có giọng tán gẫu cực độ như vậy, còn The Joy of Cooking lý giải sự huyên thuyên của mình bằng câu chuyện rằng ban đầu các công thức được sưu tầm và ghi lại cho con gái của tác giả, cô bé này đến lượt mình nghĩ “mấy đứa con gái khác” có lẽ sẽ thích. (Vì ngày nay ít có bà mẹ nào dạy dỗ con gái, nên ví thử có nấu nướng gì, con gái phải dựa vào chỉ dẫn của một người ngoài.) Tóm lại, người kiểu ngoại tại định hướng khi tiếp cận thức ăn, giống như trong quan hệ yêu đương, thường xuyên tìm yếu tố phẩm chất nào đó mà có thể anh ta không nắm bắt được. Anh ta mắc căn bệnh mà Martha Wolfenstein và Nathan Leites gọi là “đạo lý vui chơi”.[182]

Tất nhiên, diễn đạt mọi chuyện theo kiểu này là nói quá những bất lợi của sự thay đổi: không thể phủ nhận là ngày nay nhiều người thực sự thích đồ ăn thức uống và thích nói về đồ ăn thức uống hơn thời mà chế độ ăn uống Mỹ khét tiếng là đơn điệu.

Thật vậy, nhiều người đi theo các xu hướng mới trong thức ăn mà không cần là người kiểu ngoại tại định hướng trong tính cách, cũng như nhiều giám đốc nhân sự trong nghề kinh doanh là những người nhiệt huyết kiểu nội tại định hướng một lòng tin tưởng vào bàn tay niềm nở. Dù vậy, nếu muốn vạch các ranh giới cho kiểu ngoại tại định hướng ở Mỹ, chúng ta có thể thấy trong việc phân tích thực đơn một thước đo không quá kém chính xác. Khi sa lát trộn và tỏi, các kiểu nước xốt cầu kỳ, các món nấu trong nồi đất, tạp chí Gourmet, rượu vang và rượu mùi từ New York tràn về miền Tây và từ San Francisco tràn về miền Đông, khi người ta ăn bữa trưa hai tiếng đồng hồ rồi khoe sở thích về thức ăn và rượu, khi sách nấu ăn cá nhân hóa có xu hướng thay thế sách của Trường Dạy nấu ăn Boston – trong hết thảy những dấu hiệu thời đại này chúng ta thấy các chỉ báo cho một kiểu tính cách mới. Gần đây, Russell Lynes, trong bài báo “Highbrow, Lowbrow, Middlebrow” (Học thức cao, học thức thấp, học thức trung bình),[183] đã tìm cách phác họa hệ thống xã hội Mỹ thành thị đương đại theo các chỉ số tiêu dùng tương tự. Do vậy, sa lát trộn là dấu hiệu của dân trí thức, họ có thể còn được dán nhãn theo sở thích về xe hơi, quần áo và dáng điệu. Cái chúng ta thật sự thấy đang xuất hiện là một hệ thống xã hội phôi thai có các tiêu chuẩn về địa vị bất nhất với các tiêu chuẩn của hệ thống giai cấp truyền thống hơn. Điều này đã được Lloyd Warner nhìn thấy, ông quả đã định nghĩa giai cấp ít căn cứ vào mặt của cải hay quyền lực mà căn cứ nhiều về mặt ai thích giao du với ai, và về các phong cách hành vi người tiêu dùng. Những nhà quan sát này, tuy vậy, vẫn là biệt lệ; như chúng ta sẽ thấy ở Chương XI, hầu hết người Mỹ vẫn tiếp tục thấy cấu trúc xã hội của họ theo kiểu một cấu trúc cũ hơn dựa trên của cải, nghề nghiệp và địa vị, nếu xem các chuyên trang xã hội trên báo chí. Nhưng bên dưới những chuyên mục cũ này, tôi tin là một cấu trúc vô định hình hơn nhiều đang nổi lên, trong đó sự dẫn dắt ý kiến ngày càng quan trọng, và trong đó thứ bậc “học thức” cao thấp tranh giành sự công nhận với các thứ bậc truyền thống dựa trên của cải và chức vụ nghề nghiệp.

Tình dục: lĩnh vực cuối cùng. Ở thời phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng tình dục có thể bị cấm đoán, như trong các giai cấp và lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh của phong trào Cải cách Tôn giáo và Phản Cải cách Tôn giáo. Hay sự thỏa mãn tình dục có thể được xem là điều đương nhiên giữa cánh đàn ông với nhau và trong những phạm vi nhất định, như ở Ý, Tây Ban Nha, và trong các phần tử không đáng trọng, ví dụ dân “hạ cấp”, trong mọi khối dân cư. Cả hai trường hợp đều có một chút đơn giản hóa tình dục, trong trường hợp này là do cấm kỵ, trong trường hợp kia là do truyền thống. Các vấn đề sinh kế và quyền lực có liên quan, các vấn đề tồn tại đơn thuần hay tồn tại “có ý nghĩa gì đó”, là quan trọng hơn hết; còn tình dục được nhét vào thời gian và địa điểm “thích hợp”: ban đêm, vợ hay gái điếm, lời lẽ thô tục thỉnh thoảng, và những lúc mơ màng. Chỉ trong các tầng lớp thượng lưu, tiền thân của các kiểu ngoại tại định hướng hiện đại thì làm tình mới được ưu tiên hơn việc làm ra hàng hóa (được cho là ở Pháp) và đạt đến địa vị một hoạt động ban ngày. Trong giới này tình dục gần như hoàn toàn tách khỏi sản xuất và sinh sản.

Sự tách bạch này, khi nó vượt ra ngoài tầng lớp thượng lưu và lan tràn ra gần khắp xã hội, là dấu hiệu rằng một xã hội, thông qua sinh đẻ có kế hoạch và tất cả những thứ liên quan, đã bước vào giai đoạn chớm giảm dân số bằng lộ trình công nghiệp hóa. Trong giai đoạn này không chỉ thời gian nhàn rỗi tăng lên mà công việc tự nó cũng trở thành vừa kém thú vị đi vừa ít đòi hỏi khắt khe hơn hẳn đối với nhiều người; việc tăng giám sát và phân chia nhỏ các nhiệm vụ nề nếp hóa quy trình công nghiệp, thậm chí vượt quá cái đã hoàn thành trong giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp. Hơn cả trước đây, khi thói ham công tiếc việc giảm, tình dục ngấm vào ý thức của thời gian ban ngày cũng như thời gian vui chơi. Nó được xem như một thứ hàng tiêu dùng không chỉ bởi các giai cấp nhàn nhã xưa mà còn cả các đám đông nhàn rỗi thời hiện đại.

Người kiểu ngoại tại định hướng, thường bị căn bệnh hưởng ứng kém nhiệt tình, có thể theo đuổi cái trông giống như lòng tôn sùng sự thiếu nỗ lực vươn lên trong nhiều lĩnh vực đời sống. Anh ta có thể hoan nghênh việc nề nếp hóa vai trò kinh tế của anh ta và nề nếp hóa đời sống gia đình anh ta; các công ty ô tô có thể thu hút anh ta bằng cửa sổ tự mở và hệ thống sang số tự động; anh ta có thể rút lui mọi cảm xúc khỏi chính trị. Thế nhưng anh ta không thể xử lý đời sống tình dục của mình theo kiểu này. Dù vô cùng bất an không biết phải chơi trò tình dục ra sao, nhưng lại chẳng có mấy hồ nghi việc có nên chơi nó hay không. Ngay cả khi đã chán tình dục một cách có ý thức, chúng ta vẫn phải nghe theo sự thúc giục của nó. Do vậy, tình dục đem lại một kiểu phòng vệ trước mối đe dọa thờ ơ với mọi thứ. Đây là một trong những lý do tại sao người kiểu ngoại tại định hướng dồn nhiều háo hức vào tình dục như vậy. Anh ta trông chờ ở nó để cam đoan thêm lần nữa rằng mình vẫn còn đang sống. Người kiểu nội tại định hướng, được con quay hồi chuyển nội tại thúc đẩy và định hướng theo các vấn đề bên ngoài là sản xuất, thì lại không cần đến bằng chứng này.

Trong khi người tiêu dùng tích trữ kiểu nội tại định hướng có thể theo đuổi các lĩnh vực tích trữ vật chất cứ lùi xa mãi, thì các lĩnh vực này đã mất đi nhiều hấp lực đối với người kiểu ngoại tại định hướng. Như chúng ta đã thấy trong Chương III, người kiểu ngoại tại định hướng từ tấm bé đã bắt đầu biết đường đi nước bước giữa hàng tiêu dùng có sẵn. Cậu ta đi đây đi đó nhiều, cắm trại hay cùng với gia đình. Cậu ta biết rằng xe của người giàu chỉ khác không đáng kể, nếu có, với xe của mình – vấn đề bất quá cũng chỉ là thêm một ít mã lực. Cậu ta biết dù gì thì mẫu năm tới cũng sẽ ngon lành hơn mẫu năm nay. Dù không đến cậu ta cũng biết các hộp đêm là thế nào; vì cậu ta đã xem truyền hình. Trong khi người kiểu nội tại định hướng thiếu thốn thường thèm khát những món sở hữu như một mục tiêu sáng lấp lánh mà đời trưởng thành giàu có cũng không thể làm mờ nhạt đi, người kiểu ngoại tại định hướng hiếm khi quan niệm một thứ hàng tiêu dùng có thể duy trì trong khoảng thời gian nào đó sự thống trị vững chắc của nó đối với trí tưởng tượng của anh ta. Có lẽ chỉ trừ tình dục.

Đó là vì tiêu dùng tình yêu, bất chấp mọi nỗ lực của phương tiện truyền thông đại chúng, vẫn còn khuất mắt công chúng. Nếu ai khác có một chiếc Cadillac mới, người kiểu ngoại tại định hướng sẽ biết chiếc xe đó là thế nào, và anh ta có thể bắt chước để có được trải nghiệm ít nhiều giống như thế. Nhưng nếu ai đó có một người tình mới, anh ta không thể biết điều đó như thế nào. Cadillac đã được dân chủ hóa và đến tay mọi người. Sức lấp lánh của tình dục cũng vậy, trong một chừng mực nào đó: không có sự sản xuất ra hàng loạt những thanh niên đẹp đẽ, ăn mặc chải chuốt, mô hình cạnh tranh tình dục Mỹ không thể tồn tại. Nhưng sự khác biệt giữa Cadillac và bạn tình là ở mức độ bí mật. Và khi nỗi hổ thẹn đạo đức và những cấm kỵ bị mất đi hay bị nhận chìm, nhưng một sự trong sáng vô thức nào đó còn chưa hoàn toàn mất đi, người kiểu ngoại tại định hướng sẽ không có gì bảo vệ mình khỏi nỗi ghen tị của chính mình. Anh ta không có tham vọng phá kỷ lục số lượng của người tiêu dùng tích trữ tình dục kiểu Don Juan,[184] nhưng anh ta cũng không muốn bỏ lỡ, ngày lại ngày, các phẩm chất của sự trải nghiệm mà anh ta tự nhủ là người khác đang hưởng.

Về một mặt thì sự phát triển này là nghịch lý. Vì trong khi sách dạy nấu ăn đã trở thành hấp dẫn hơn cùng với thời ngoại tại định hướng, thì sách về tình dục đã không bằng được như vậy. Các cẩm nang hôn nhân cũ hơn, như sách của Van der Velde (tuy thế vẫn còn nổi tiếng), thở ra một giọng khoái cảm; chúng là du ký về niềm hoan lạc tình ái. Những cuốn mới hơn, bao gồm một số sách giáo dục tình dục trung học, thì đương nhiên là tẻ nhạt, và chú trọng mặt vệ sinh – kiểu như Trường Dạy nấu ăn Boston. Thế nhưng, tuy lớp trẻ có vẻ tiêu thụ tình dục như uống vitamin, đây vẫn còn là một thời đại cạnh tranh, là một nơi để tìm kiếm ý nghĩa và phản ứng xúc cảm ở đời vốn chưa bao giờ bị áp chế hoàn toàn. Người kiểu ngoại tại định hướng trông chờ ở tình dục không phải để phô trương mà để trắc nghiệm khả năng lôi cuốn của mình, vị trí của mình trong thang “cho điểm-hẹn hò” – và hơn thế nữa, để trải nghiệm đời sống và tình yêu.

Một lý do của sự thay đổi là phụ nữ không còn là những đối tượng cho người tiêu dùng tích trữ nữa mà đã trở thành những người trong nhóm ngang hàng. Người vợ chưa được giải phóng nhiều và các tình nhân thấp kém hơn trong xã hội của đàn ông kiểu nội tại định hướng không thể thật sự thách thức khả năng thể hiện tình dục của anh ta. Ngày nay, hàng triệu phụ nữ, được công nghệ giải phóng khỏi các phận sự gia đình, được công nghệ trao cho nhiều “trợ giúp sự lãng mạn”, đã trở thành những người đi tiên phong, cùng với đàn ông, trên lĩnh vực tình dục. Khi họ trở thành những người tiêu thụ am tường, nỗi lo âu của đàn ông sợ mình không thỏa mãn được phụ nữ cũng tăng lên – nhưng đồng thời đây lại là một thử thách nữa thu hút đàn ông mà, theo tính cách của mình, họ muốn được người khác đánh giá. Hơn nữa, chính khả năng phụ nữ hưởng ứng theo cách mà chỉ gái làng chơi thời trước mới phải có, nghĩa là những khác biệt về chất lượng của trải nghiệm tình dục – sự bí ẩn khôn lường – có thể được tìm kiếm đêm này sang đêm khác, và không chỉ trong các chuyến viếng thăm định kỳ một nhân tình hay nhà thổ. Trong khi mô thức ở thời trước thường là biến tình dục thành trò vui, dù trên cấp độ phòng hòa nhạc hay trong Droll Stories (Những câu chuyện kỳ quặc) của Balzac, tình dục ngày nay mang quá nhiều sức nặng tâm lý nên không thể nào thực sự là vui vẻ đối với người kiểu ngoại tại định hướng. Bằng một chủ nghĩa khổ hạnh, tình dục vừa trở thành một nhiệm vụ quá lo âu vừa trở thành một ảo tưởng quá thiêng liêng.

Tính cạnh tranh lo lắng này trong địa hạt tình dục có rất ít điểm chung với các mô hình cũ hơn là sự tiến thân trong xã hội. Thật vậy, phụ nữ vẫn dùng tình dục như một phương tiện đạt đến địa vị trong các lĩnh vực mà đàn ông kiểm soát. Nhưng họ có thể làm vậy chủ yếu là trong các ngành vẫn còn cạnh tranh theo các mô thức trước thời độc quyền. Do vậy, cho đến gần đây nhà hát và điện ảnh được novi homines(những con người mới) thao túng, nhắc chúng ta nhớ lại những ông chủ nhà máy Anh đầu thế kỷ 19 mà, trước Luật Xưởng máy, đã dựa vào các nhà máy của họ như một hậu cung.[185] Còn Warner, Havighurst và Loeb trong Who Shall Be Educated?[186] mô tả các cô giáo có thể vẫn còn hẹn hò ở nhà nghỉ mát để tiến thân trên các thứ bậc tương đối chưa bị quan liêu hóa trong các hệ thống trường học địa phương. Tuy vậy, đây là những trường hợp ngoại lệ; sự tìm kiếm trải nghiệm trên lĩnh vực tình dục, trong thời ngoại tại định hướng, nói chung không có các động cơ bên ngoài.

II. Những thay đổi trong phương thức tiêu thụ văn hóa đại chúng

GIẢI TRÍ NHƯ MỘT CÁCH THÍCH ỨNG THEO NHÓM

Ở Chương IV chúng ta đã thấy thanh niên kiểu nội tại định hướng được chuẩn bị sẵn sàng để rời gia đình và tiến thân như thế nào bởi cả văn chương giáo huấn trực tiếp lẫn tiểu thuyết và các cuốn tiểu sử, đến độ đã mang cho anh ta một cảm nhận về những vai trò có thể có trên các lĩnh vực sản xuất. Trái lại, người kiểu ngoại tại định hướng phải cậy đến một nền văn chương rộng lớn hơn nhằm định hướng cho anh ta ở phía đời sống không liên quan đến kinh tế. Định hướng này cần thiết bởi vì, cùng với sự biến mất gần như hoàn toàn của kiểu truyền thống định hướng, triển vọng học nghệ thuật sống trong nhóm sơ cấp cũng không còn – một triển vọng đã tồn tại dai dẳng ngay cả trong các gia đình di động của thời phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng. Đứa trẻ từ sớm phải trông chờ các chuyên gia truyền thông đại chúng hướng dẫn các thủ thuật tìm phương hướng cho đời mình cũng như cho các mánh lới nhà nghề cụ thể.

Chúng ta có thể lần theo một chuỗi sách báo khai trí đi từ tiểu sử người thành đạt theo kiểu của Samuel Smiles hay Horatio Alger[187] đến cách sách và tạp chí định kỳ đương đại bàn về sự thanh thản đầu óc. Các sách thời đầu trực tiếp lo lắng cho tiến bộ kinh tế xã hội, xem như có thể đạt được nhờ các phẩm chất tốt là cần kiệm, chăm chỉ, vân vân. Thế rồi chúng ta tìm thấy ở Mỹ trong những năm đầu thế kỷ này sự phát triển của phong trào “Tư tưởng mới” mà giờ đây gần như đã bị lãng quên. Như đã được A. Whitney Griswold mô tả, phương châm của phong trào là: “Suy nghĩ về Con đường đến Giàu sang của bạn”.[188] Tức là, của cải sẽ phải đạt được không còn bằng hoạt động trong thế giới thực nữa mà bằng sự tự điều khiển, một kiểu tự kỷ ám thị Coué[189] trong kinh tế. Nhưng việc bản thân của cải là một mục đích thì không còn bị tranh cãi nữa.

Từ đó trở đi, văn chương truyền cảm hứng càng ngày càng ít đề cập riêng đến di động kinh tế và xã hội. Đắc nhân tâmcủa Dale Carnegie, viết vào năm 1937, gợi ý các bài rèn luyện tự dẫn dắt không chỉ vì thành công trong kinh doanh mà còn cho các mục tiêu mơ hồ hơn, không liên quan đến công việc ví như được lòng người. Có lẽ không chỉ có sự chuyển đổi từ tình trạng suy thoái sang hết thất nghiệp đã dẫn Carnegie đến chỗ viết Quẳng gánh lo đi và vui sống vào năm 1948, trong đó sự tự dẫn dắt không còn nhắm tới một thành tựu xã hội nào đó mà được dùng theo một cách duy ngã luận để điều chỉnh bản thân cho phù hợp với số phận và tình trạng xã hội của mình. Cũng những xu hướng này có thể bắt gặp trong một nhóm lớn nhiều loại báo chí định kỳ có một ban quản trị phối hợp bao gồm các tác giả, với các nhan đề như Journal of Living (Tạp chí Sống), Your Personality (Cá tính của bạn), Your Life (Đời sống của bạn), làm chứng cho sự thay đổi các con đường tới chỗ di động đi lên và tới chỗ gây thêm nhiều lo âu kích thích độc giả tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia. New York Times Book Review ngày 24/4/1949, quảng cáo Calm Yourself (Hãy bình tĩnh) và How to Be Happy While Single (Làm sao để độc thân mà hạnh phúc); cuốn sách sau theo như quảng cáo bàn đến những vấn đề như “ứng xử thế nào với đàn ông trong đời bạn (người hẹn hò nghiêm túc, đồng nghiệp trong văn phòng, bạn bè, những gã say)… xúc tiến các cuộc chuyện trò… rượu chè, chán nản – đúng là về mọi vấn đề chính bạn sẽ gặp phải”. Đương nhiên, có nhiều mặt tích cực cho một sự phát triển đã thay thế các mục tiêu cũ hơn, bề ngoài, và thường vô vị như của cải và quyền lực, bằng các mục tiêu bên trong, mới hơn, là hạnh phúc và thanh thản đầu óc, dù dĩ nhiên ta phải luôn hỏi rằng, khi thay đổi bản thân, phải chăng ta chỉ thích nghi theo cuộc đời vốn vậy mà không phản đối hay phê phán.

Tuy nhiên, ở đây tôi không đánh giá các xu thế này mà quan tâm đến việc chỉ ra văn hóa đại chúng được khai thác ra sao không chỉ ở dạng văn chương và những chỉ dẫn giáo huấn hiển nhiên mà còn cả ở dạng hư cấu ngụy trang nhằm các mục đích thích ứng nhóm. Không có gì mới khi quan sát thấy rằng những người không chịu thừa nhận là cần sự giúp đỡ, hay những người thích trộn thêm vào đó chút vui nhộn, coi phim ảnh và các phương tiện truyền thông đại chúng phổ thông khác như những nguồn khai sáng. Trong các nghiên cứu điện ảnh được thực hiện dưới sự bảo trợ của Quỹ Payne 20 năm về trước, có rất nhiều bằng chứng được thu thập liên quan đến việc sử dụng điện ảnh làm mẫu bắt chước ở những thanh niên muốn học cách tạo dáng, ăn mặc và làm tình. Sự kết hợp học hỏi và hứng thú đã rõ trong các trường hợp này, nhất là trong số trẻ xuất thân từ tầng lớp thấp hơn bỗng được đưa ra mặt đối mặt với tình dục và đời sống xa hoa. Tuy vậy, ngày nay, khi mà khán giả đã sành điệu hơn, sự pha trộn các thông điệp cũng trở nên tinh tế hơn.

Từ khảo sát một nhóm tạp chí dành cho phụ nữ Ladies’ Home Journal (Tập san Gia đình dành cho các Quý bà), American (Người Mỹ), Good Housekeeping (Quản gia giỏi) và Mademoiselle (Quý cô), vào tháng 10/1948, tôi đã kết luận rằng có rất nhiều truyện kể và tranh biếm họa, và dĩ nhiên, có nhiều quảng cáo kém ý nhị hơn nhiều, phần lớn bàn về những cách thức điều khiển cái tôi hòng điều khiển người khác, chủ yếu nhằm đạt được các tài sản vô hình như tình cảm mến mộ. Hai câu chuyện sẽ được nêu ra để minh họa: “The Rebellion of Willy Kepper” (Willy Kepper nổi loạn) của Willard Temple trong Ladies’ Home Journal và “Let’s Go Out Tonight” (Hãy đi chơi với nhau đêm nay) của Lorna Slocombe trong tạp chí American.

Cư xử nơi công sở. “Willy Kepper nổi loạn” khác lạ ở chỗ nó bàn đến một hoàn cảnh công việc chứ không phải một hoàn cảnh đời sống gia đình và nhàn rỗi. Đó là câu chuyện về anh nhân viên bán son, Willy, một thanh niên e thẹn đã tự tiến thân trong xưởng. Có một cô nhân viên văn thư xinh xắn mà Willy muốn tìm hiểu thêm nhưng không biết làm sao để tiếp cận. Lúc đó con trai của một cổ đông vào làm việc trong doanh nghiệp, ngồi ngay vào vị trí mà Willy đã hy vọng mình sẽ được đề bạt, và dành thời gian tiếp xúc với cô thư ký. Willy, vốn trước đây rất hòa nhã, đâm mất bình tĩnh, trở nên cộc cằn gắt gỏng với mọi người trong văn phòng và cửa hàng. Đây là “cuộc nổi loạn” của anh ta. Sự thay đổi tâm trạng này dĩ nhiên bị mọi người nhận ra ngay.

Tuy nhiên, Willy đã tích được một số vốn cảm tình lớn nhờ tính tình vui vẻ hòa đồng trước đây, nên mọi người trong nhà máy, thay vì quay lưng với anh ta, cố tìm hiểu xem rắc rối ở đâu; chuyện chẳng thể nào là lỗi của Willy. Họ khám phá ra là con trai vị cổ đông mới đáng quy tội, và họ quay sang phá bĩnh anh ta – anh ta trượt ngã vào sơn, làm rối beng các đơn đặt hàng, và chẳng mấy chốc hiểu ra nếu muốn làm tốt việc của mình thì phải phụ thuộc vào sự ưa thích của mọi người dành cho mình ra sao. Chính Willy cứu anh ta khỏi thế khó xử tồi tệ nhất với một khách hàng, và sau vài cú va chạm kiểu này anh chàng con trai vị cổ đông quyết định bắt đầu từ vị trí thấp nhất trong nhà máy, để kiếm lấy vốn cảm tình cho mình. Do vậy, con đường đến thăng tiến của Willy lại mở ra. Cuối cùng Willy hỏi con trai vị cổ đông đã dùng chiêu gì với cô nhân viên văn thư. Anh ta khuyên Willy hãy khen đôi mắt cô nàng; cậu ta làm theo và đã hẹn hò được với cô gái.

Có một vài điều hết sức rõ ràng để nói về câu chuyện này. Đầu tiên, dù bối cảnh câu chuyện được đặt trong lĩnh vực sản xuất, nó đề cập đến mục đích bán hàng của một nhà máy vốn là mạng lưới mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, nơi này sẽ giao sơn cho khách hàng chỉ dựa trên một vận đơn đóng dấu hai chữ “cảm tình”. Hoàn cảnh công việc được xem xét theo yếu tố con người và các động cơ phi kinh tế. Không có những vấn đề về sơn, mà chỉ là về con người. Thứ hai, con trai vị cổ đông có khả năng hẹn hò được với cô gái không phải nhờ giàu sang và địa vị mà nhờ sở trường, tức kỹ năng ăn nói của anh ta trong nghệ thuật ngôn ngữ nhàn rỗi. Ngôn ngữ được trình bày như một thứ hàng hóa của người tiêu dùng tự do; hơn nữa, là một hàng hóa mà người tiêu dùng cũng là nhà sản xuất; không có bằng sáng chế hay độc quyền cho dòng sản phẩm. Cuối cùng, chúng ta có một bức chân dung “những người hợp tác đối kháng” cùng giới – Willy và anh con trai – sự kình địch về công việc và bạn gái giữa họ bị dìm đi đến mức họ có thể chỉ vẽ cho nhau cách đạt được cả hai thứ; về một mặt nào đó, họ quan tâm đến sự tán thành lẫn nhau hơn là chiến thắng. Cuối cùng Willy đã lấy lại được tính vui vẻ hòa nhã đã mất còn đối thủ của cậu ta thì từ bỏ cái cao ngạo ban đầu.

Cư xử ở nhà. “Hãy đi chơi với nhau đêm nay” mô tả lĩnh vực tiêu thụ của một thiếu phụ ngoại ô trẻ trung mới học cao đẳng ra. Chồng cô là một nhà cung cấp tử tế và chung thủy; hai con cô khỏe mạnh; cô có tất cả – trừ sự quan tâm đầy đủ từ ông chồng doanh nhân mệt nhoài. Người chồng về nhà, đọc báo, đi ngủ, thế nên vợ kêu ca với bạn trong cuộc trò chuyện qua điện thoại buổi sáng rằng họ không bao giờ đi đây đi đó và làm gì chung vui nữa cả. Cô hoài niệm những ngày ở trường cao đẳng khi anh tán tỉnh cô và khi cuộc đời sao rực rỡ thế. Cô bèn quyết định quay lại trường cao đẳng để xem phép thuật những ngày ấy là gì vậy.

Khi cô tới căn phòng cũ của mình, cô nhận ra rằng chỉ trong hồi tưởng thì hẹn hò thời cao đẳng của cô mới dễ dàng. Thực ra, cô nhớ lại, cô đã đầu tắt mặt tối lo sắp xếp các buổi tối liên hoan cho anh chồng tương lai, để điều khiển anh tới chỗ hôn cô và cuối cùng cầu hôn. Cô kết luận rằng cô chỉ đang biếng trễ phận sự người nội trợ, cô quay về lòng đầy hiểu biết bao dung với chồng và nhiệt tình cho những điều khiển mới được cải tiến. Bằng cách mua một cái váy mới, dàn xếp với chị gái trông coi đàn con giúp, và bằng các biện pháp tương tự, cô dụ được anh chồng đi nhà hát và đã có thể thuật lại thành công cho bạn nghe qua điện thoại.

Trong thời nội tại định hướng, những câu chuyện có một khuôn định hướng tương tự thường khuyến khích độc giả khao khát các chân trời xa, đánh cược lớn; nhiều câu chuyện như vậy ngày nay làm chúng ta thấy ngạc nhiên vì mang tính thoát ly và đa cảm. Ngược lại, kiểu “chủ nghĩa hiện thực” trong truyện hư cấu trên tạp chí hiện đại không mang tính hướng thượng mà cũng chẳng thoát ly. Trong câu chuyện như “Hãy đi chơi với nhau đêm nay”, rất dễ nhận thấy có một sự từ chối thừa nhận rằng có thể có những cuộc hôn nhân dứt khoát tốt hơn cuộc hôn nhân này, với sự lừa dối vụn vặt liên miên. Độc giả của những câu chuyện này không phải bao giờ cũng thấy các lý tưởng và cách sống của mình được tán thành – thật sai lầm khi cho rằng các tạp chí như Ladies’ Home Journal được biên tập theo công thức đem lại cho “công chúng cái họ cần” – nhưng anh ta hiếm khi được khích lệ có những đòi hỏi lớn lao đối với chính bản thân ở đời. Trong cả hai câu chuyện tôi dùng làm minh họa, giả định được đưa ra là có thể có một cách giải quyết xung đột không kéo theo rủi ro hay khó nhọc mà chỉ cần những thứ hàng hóa – như sự nỗ lực và bao dung giữa các cá nhân – mà người kiểu ngoại tại định hướng đã được chuẩn bị tinh thần để trang bị.

Các lý thuyết “âm mưu” của văn hóa đại chúng là khá cũ kỹ, được gói gọn như trong quan niệm “bánh mì và xiếc”.[190]Trong “The Breadline and the Movies” (Điện ảnh và hàng người chờ phát chẩn), Thorstein Veblen trình bày một khái niệm tinh vi hơn, ấy là quần chúng Mỹ hiện đại trả tiền cho tầng lớp thống trị để có đặc quyền hưởng chính các trò tiêu khiển làm họ vui cười thỏa thuê. Những cách nhìn như vậy giả định rằng văn hóa phải là cái gì “ra tấm ra món” hơn là chính nó. Thích ứng nhóm và ảnh hưởng định hướng trong văn hóa đại chúng đương đại không phục vụ lợi ích của riêng giai cấp nào cả. Thực ra, các áp lực tuân thủ kiểu ngoại tại định hướng có vẻ mạnh nhất trong các giai tầng có học thức cao hơn. Có thể minh họa hình thức của các áp lực này bằng một vài ví dụ.

Hòa hợp nặng nề. Hiệu trưởng một trường nội trú tân tiến ở miền Đông gần đây phát biểu với các bậc phụ huynh như sau:

Ban âm nhạc tại trường X muốn mang đến cho tất cả các em một trải nghiệm âm nhạc càng phong phú càng tốt.

Chúng tôi tin rằng âm nhạc là một phần cần thiết trong cuộc sống và ảnh hưởng của nó có thể cảm nhận được trong từng giai đoạn sống. Hát và vui chơi cùng nhau có thể đem lại hiểu biết, thiện chí, và tôi thấy hình như thế giới cần nhiều hơn nữa kiểu hòa hợp này.

Tại trường X, chúng tôi đã cố đem lại một kiểu tham gia âm nhạc nhất định cho mọi trẻ em và muốn khuyến khích hơn nữa sinh hoạt âm nhạc, nhất là âm nhạc chơi cùng một nhóm trong dàn nhạc.

Lá thư này không bộc lộ mấy hứng thú âm nhạc theo đúng nghĩa. Nó xem âm nhạc chủ yếu như một cách đưa mọi người lại với nhau ở quy mô địa phương và cả ở tầm quốc tế. Âm nhạc như một cách thoát ly vào trong đời sống sáng tạo cá nhân của ta – một miền trú ẩn riêng tư – sẽ làm nhiều vị đứng đầu trường học ngày nay xem là vị kỷ.

Một đề tài tương tự xuất hiện ở dạng tinh tế hơn trong tiểu thuyết của Helen Howe về đời sống học thuật Harvard, We Happy Few (Chúng ta một nhúm hạnh phúc).[191] Nữ nhân vật chính Dorothea bị cô Howe xem là một phụ nữ ích kỷ vì trong chiến tranh đã trốn các phận sự xã hội bằng việc có một cuộc tình và chơi piano nhạc của Bach và Mozart cho một mình mình nghe. Trong tiểu thuyết cô được đưa qua một loạt trải nghiệm thích ứng nhóm làm xẹp đi cái mà tác giả Howe xem là thói trưởng giả ra vẻ trí thức ở cô. Trở thành một hộ lý, cô gặp các hộ lý khác trong giao tiếp xã hội; họ tử tế và tẻ nhạt. Du ngoạn đến Coeur d’Alene để gần con trai đang được đào tạo, cô “nhìn thấy” nước Mỹ: trong mùi hôi thối của phòng vệ sinh nữ, trong nỗi buồn của những cuộc giã biệt trên sân ga, và tính tốt bụng của người dân vùng Trung Tây Hoa Kỳ. Dân thị trấn Coeur d’Alene là một trải nghiệm thích ứng nhóm nữa; cả họ cũng tốt đẹp và tẻ nhạt. Sau cùng Dorothea về lại Cambridge, trở thành một phụ nữ buồn bã hơn và khôn ngoan hơn: niềm kiêu hãnh của cô đã mất, và cô đã nhún nhường học cách say mê những khoảng không rộng mở tuyệt vời cùng những tình cảm cởi mở thường gắn liền với chúng trong bài ca và truyện kể.

Như một biểu tượng về quá trình học hỏi, cô Howe viết rằng Dorothea, khi là một hộ lý phân vân suốt những ngày khổ sở tại bệnh viện, đã học cách thưởng thức Schumann cũng như Bach và Mozart[192] yêu dấu của mình trong các giờ nghỉ hiếm hoi: “Thị hiếu thẩm mỹ cũng như nhân văn của cô cũng rộng mở thêm – thô sượng hơn, có lẽ, nhưng nồng ấm và bao bọc hơn”.

Trích dẫn này gần như không cần bình luận. Thay vì cho phép nữ nhân vật thoát ly hướng thượng hoặc hướng hạ khỏi các mối giao tiếp con người bực bội trong một ngày làm việc của y tá, Dorothea phải xoay trở đi ngang. Cô phải có được các sở thích âm nhạc điều chỉnh theo nhóm, nồng ấm hơn[193] – cô sẽ được tha thứ hơn nữa, chắc chắn như vậy, nếu cô học cách yêu thích Ethelbert Nevin.[194]

Thế nhưng cứ cho là Dorothea cần học nghệ thuật giao tiếp tương tác cá nhân này để có lợi cho công việc hộ lý của cô – có lẽ người bệnh là một trường hợp đặc biệt và rất cần sự nồng ấm kiểu này – thì điều đáng ngạc nhiên là cô phải đưa thái độ hệt như vậy vào khoảng thời gian nhàn rỗi của mình: hoán đổi các vai trò là không được phép. Nhàn rỗi và công việc, như chính Dorothea, phải được dàn trải ra (giả định, dù sai lầm, rằng tính đa cảm của Schumann “nồng ấm hơn”) cho đến khi hai thứ này trùng khít lên nhau. Chủ đề của cả hai thứ nhàn rỗi và công việc là thích ứng nhóm.

Điều tôi vừa nói không nên hiểu là một luận chiến ủng hộ sự lạnh lùng chống lại sự nồng ấm, hay là quan điểm chỉ trích các yếu tố chân thực trong mối bận tâm của người ngoại tại định hướng về sự nồng ấm, cả ở bản thân anh ta lẫn ở người khác. Chắc chắn ấy là một bước tiến từ sự dồn nén cảm xúc bắt buộc, từ sự lạnh lùng đáng sợ của nhiều người Mỹ kiểu nội tại định hướng hòng mở rộng tính hòa hợp xã hội đến một sự hưởng ứng rộng khắp hơn và thoải mái hơn.

Thành công cô độc. Trong bàn luận của chúng tôi về truyện tranh, về Tootle, và về “Willy Kepper”, chúng ta đã thấy văn hóa đại chúng hiện đại nhấn mạnh các mối nguy cô độc ra sao và ngược lại, nhấn mạnh các ưu điểm của tính quan tâm đến nhóm. Trong một bài báo đầy suy tư, “The Gangster as Tragic Hero” (Tay anh chị là người hùng bi thảm), Robert Warshow đã bàn đến một số phim găngxtơ gần đây theo cách nhìn của mình.[195] Ông lưu ý rằng thành công của tay găngxtơ báo hiệu sự lụn bại không thể tránh khỏi của hắn. Vì nó cắt đứt hắn khỏi nhóm – không chỉ khỏi cộng đồng tuân thủ pháp luật mà cả chính băng nhóm của hắn. Do vậy, ở đỉnh cao thành công hắn sẽ khốn khổ và sợ hãi, chờ bị hạ bệ.

Chúng ta có thể diễn giải điều này như một lời răn về cái sẽ xảy ra nếu ta bỏ đi theo các mục đích riêng của mình. Thành công là tai họa. Theo quy tắc đạo đức của điện ảnh, ta không được phép đồng nhất mình với kẻ thoát ly cô độc; số phận của anh ta đã được hình dung, như số phận của Dorothea trong tiểu thuyết, là một chuỗi những khổ sở và ăn năn. Phim Body and Soul (Thể xác và tâm hồn) chỉ ra một bài học tương tự. Nhân vật chính là một cậu trai Do Thái xuất thân từ Khu Đông trở thành nhà vô địch quyền Anh và dần xa lánh mọi nhóm xung quanh: những người thân trong gia đình và cô bạn gái chung tình; đám tùy tùng tham vọng, tận tâm; dân Do Thái ở Khu Đồng xem cậu ta như một người hùng. Cậu ta đồng ý một số tiền lớn để có trận đấu cuối cùng và đánh cuộc mình thua; sự thất bại của cậu sẽ hoàn tất quá trình cậu thoát hẳn khỏi những nhóm này. Trên đường đi đến trận đấu người ta nói với cậu ta rằng người Do Thái xem cậu ta như một anh hùng, một nhà vô địch trong cuộc chiến đấu chống Hitler. Về lại với “chính mình”, cậu ta trở mặt với những tay găngxtơ hậu thuẫn bằng cách thắng trận đấu; và nghèo lại hoàn nghèo, cậu ta trở về nhóm sơ cấp là gia đình, cô bạn gái và người Do Thái.

Thỉnh thoảng xuất hiện một bộ phim hay một cuốn sách đi chệch khỏi công thức này. Suối nguồn của Ayn Rand, cuốn sách và bộ phim nổi tiếng, mô tả nhân vật chính là một kiến trúc sư xuất sắc, với tính chính trực mạnh mẽ, đã chống lại áp lực thích ứng nhóm và cuối cùng làm cho bồi thẩm đoàn nhóm ngang hàng phải theo mình. Anh ta quả đã có tất cả: tột đỉnh danh vọng, cô vợ của đối thủ, cái chết của đối thủ. Tuy vậy, điểm nổi bật nhất trong tất cả những điều này lại là bức biếm họa không được dự tính, cả về mặt thích nghi theo nhóm lẫn phản kháng lại nhóm. Nhóm được mô tả không phải bao dung mà ti tiện, phản nghệ thuật và hủ bại. Và sự phản kháng lại nhóm được xem xét trên phương diện tính cao thượng phía nhân vật chính quyết liệt, người muốn phủ nhận bất kỳ mối ràng buộc nào với nhân loại, bất cứ sự phụ thuộc nào. Siêu nhân cho người lớn này thể hiện lòng tôn sùng sự thành đạt đơn độc, có lẽ để thán phục thì được nhưng lại quá cường điệu không thể học theo.

Vả chăng, rất có thể khán giả của Ayn Rand cổ vũ sự phản đối kịch liệt khuynh hướng theo nhóm và phục tùng người khác ấy hoàn toàn không nhận ra các xu hướng của chính họ là quy thuận trong các tình huống nhỏ, không kịch tính trong đời sống hằng ngày. Trong nghĩa đó thì Suối nguồn là kẻ thoát ly.

VĨNH BIỆT THOÁT LY?

Cho đến nay, trong các minh họa này, chúng ta ít thấy cái sẽ tương ứng với những cuộc chạy trốn rõ ràng của người kiểu nội tại định hướng. Đúng hơn, chúng ta thấy văn hóa đại chúng được dùng, thường một cách hết sức tuyệt vọng, để huấn luyện tính thích nghi theo nhóm. Cũng cùng cách ấy, chúng ta có thể thấy văn hóa đại chúng được dùng để huấn luyện cho định hướng của người tiêu thụ, vốn là một vấn đề không kém quan trọng hơn (về nhiều mặt đấy cũng là cùng một vấn đề) đối với người kiểu ngoại tại định hướng. Bất chấp vẻ bề ngoài, người kiểu ngoại tại định hướng dường như không thể chạy trốn chính mình hay phí thì giờ bằng cử chỉ phóng tay hoặc sự ruồng bỏ nào. (Lẽ đương nhiên nếu so sánh các mô thức thoát ly bằng rượu chè, chúng ta có thể có được các kết quả phần nào khác đi.)

Người do nội tại định hướng, nếu bị ảnh hưởng Thanh giáo, dĩ nhiên cũng không thể lãng phí thời gian. Thanh niên đi lên từ các tầng lớp thấp hơn tỏ rõ sự gắn bó tận tụy với kiểu nội tại định hướng bằng cách lìa xa đám bạn ham mê rượu chè cá ngựa: anh ta tiếp tục sản xuất một tính cách nội tại định hướng bằng việc thực hành một kiểu làm sổ sách kế toán trong tinh thần, nhờ đó lũ quỷ Hoang Phí và Biếng Nhác bị đánh đuổi thậm tệ. Một người như vậy chẳng có mấy nhàn rỗi, trừ phi anh ta có thể bào chữa điều đó là tự hoàn thiện, và một đời sống không có lấy một phút giây an nhàn nào hẳn phải có nhiều phút giây căng thẳng. Xét theo bề ngoài thì người kiểu ngoại tại định hướng không phải là Thanh giáo; anh ta càng có vẻ ít bận tâm đến chuyện lãng phí; đồ dùng trong nhà của anh ta, cách xử sự và phẩm hạnh của anh ta thảy đều bình thường hơn. Nhưng một nguyên tắc Thanh giáo nhẹ nhàng hơn vẫn còn sót lại trong cách anh ta sử dụng thời gian nhàn rỗi. Anh ta có thể nói, khi đi nghỉ hay kéo dài thêm một kỳ nghỉ cuối tuần, “tôi nợ bản thân điều này” – nhưng “cái tôi” đó gần như một chiếc xe hay một ngôi nhà mà việc sửa sang bảo dưỡng nó phải được duy trì cẩn thận để bán lại. Người kiểu ngoại tại định hướng không có cốt lõi rõ ràng của cái tôi để thoát ly; không có lằn ranh rõ ràng giữa sản xuất và tiêu dùng; giữa thích ứng với nhóm và sự phục vụ các lợi ích riêng; giữa công việc và vui chơi.

Một chỉ số thú vị cho điều này là sự thoái trào của trang phục dạ hội, nhất là ở cánh đàn ông, và trái lại là sự xâm nhập của quần áo thể thao vào công sở. Điều này trông có vẻ như nảy sinh từ thói sùng bái sự thụ động, và dĩ nhiên đàn ông nói “chuyện đó sao mà rắc rối quá” khi phân bua vì sao họ không thay đổi trang phục để dự bữa tối và tiệc đêm. Nhưng giải thích đúng hơn nằm ở thực tế là hầu hết đàn ông ngày nay chỉ là không biết làm sao để đổi vai, nói gì đến đánh dấu sự thay đổi bằng trang phục đúng cách. Một lý do nữa có thể là nỗi e sợ bị nghĩ mình hình thức rởm; họ có thể mặc áo sơ mi lòe loẹt nhưng không phải là áo cổ cứng. Do vậy, áo thun thể thao và quần áo bình thường giản dị cho thấy ta là một anh bạn thân tình không chỉ trên sân gôn hay trong kỳ nghỉ mà còn trong văn phòng và trong bữa ăn tối.

Phụ nữ vẫn còn được phép ăn diện vào buổi tối, có lẽ là một dấu hiệu cho phản ứng lỗi thời của họ trước các mô thức đang thay đổi. Họ để tâm hơn đàn ông đến các kiểu cách tiêu thụ phô trương đang sắp tàn. Tuy vậy, có lẽ họ tận dụng được nhiều ở sự chuyển dịch thực tế từ việc nhà và con cái sang dạ tiệc hơn đàn ông, những người thường tán chuyện công việc lúc làm cũng như lúc chơi: hơn nữa, họ thực sự thích sự thay đổi, kéo theo cánh đàn ông đi cùng mình, những người đáng lẽ sắp vào văn phòng. Tôi đã quan sát thấy rằng những câu chuyện của chị em phụ nữ về trẻ con và chuyện nhà – dù dĩ nhiên không phải lúc nào cũng thế! – thường diễn ra với kỹ năng thành thạo, sự hứng thú và chủ nghĩa hiện thực hơn ở đàn ông vì sự thay đổi vai trò đã nạp mới năng lượng cho cả công việc lẫn vui chơi.

Cái gì thúc đẩy những người đàn ông đã bị con người và các vấn đề trong ca làm ban ngày bao vây lại thường tìm đến cũng chính đám bạn ấy (hay phản chiếu của nó trong văn hóa đại chúng) ở ca đêm vậy? Có lẽ phần nào đó là nỗi sợ cô độc mà các phim găngxtơ đã điển hình hóa. Nhưng điều đó ắt sẽ dẫn đến căng thẳng. Dù văn hóa đại chúng ở một bình diện nào đó điền lấp vào giữa mọi người để tránh bất kỳ đòi hỏi phải có những bước dò dẫm mào đầu nào trong trò chuyện hay tình dục, nhưng ở bình diện khác, trình diễn văn hóa đại chúng không chỉ đơn thuần là một cách giết thời gian: trong hoàn cảnh nhóm ngang hàng, trình diễn này đòi hỏi nó phải được đánh giá. Thiếu nữ kiểu ngoại tại định hướng đi xem phim với cả nhóm không cần nói chuyện với người khác trong lúc xem nhưng thỉnh thoảng vẫn đối mặt với vấn đề: có nên khóc ở những đoạn buồn hay không? Phản ứng phải phép, cách cư xử sành điệu trước cái đang diễn ra là gì? Quan sát khán giả điện ảnh từ một rạp “thử nghiệm” đối tượng hẹp hay rạp “nghệ thuật” bước ra, đôi khi thấy rõ là họ cảm thấy mình phải có một phản ứng nào đó, nhưng phản ứng thế nào?

Ngược với điều này, người do nội tại định hướng, một mình đọc một cuốn sách, ít chú ý tới việc người khác đang theo dõi mình; hơn nữa, anh ta có thời gian để quay lại với nhịp độ của chính mình, tránh không bị sách vở cuốn đi – quay lại và đeo lên bất kỳ mặt nạ nào anh ta muốn. Trò chơi bài xì phé ở hậu phòng, cùng sự tôn sùng các loại mặt nạ che giấu cảm xúc, thích hợp với thói quen về khoảng cách giao tiếp xã hội của anh ta, thậm chí với nỗi cô độc. Sợ cô độc, người kế tục anh ta cố xoa dịu nó không chỉ trong đám đông của mình mà còn trong các hình ảnh tưởng tượng kia, như một tấm gương, chỉ trả về cho anh ta những mối bận tâm của chính mình.

III. Đối chiếu hai kiểu người

Chúng ta đã hoàn tất việc đối chiếu trực tiếp hai kiểu với nhau; và bây giờ cần phải chỉnh lại cán cân với kiểu ngoại tại định hướng, mà tôi biết, đã thành ra kiểu hạng hai rất dở trong những trang này. Chúng ta khó công bằng hoàn toàn với kiểu ngoại tại định hướng. Chính các thuật ngữ đã gợi ý sự hời hợt và phiến diện khi so với kiểu nội tại định hướng, dù sự định hướng trong cả hai trường hợp đều xuất phát từ bên ngoài và chỉ đơn giản được chủ quan hóa tại một điểm đầu trong vòng đời nội tại định hướng.

Có các nhân tố nằm ngoài vấn đề thuật ngữ có thể dẫn độc giả đến chỗ kết luận rằng kiểu nội tại định hướng thì hay hơn. Dân học thuật và chuyên môn thường quá ư hả dạ khi người ta bảo họ là mấy gã doanh nhân bất nhẫn đó, mấy gã quảng cáo bàn tay niềm nở đó có thủ đoạn điều khiển người khác. Và như chúng ta ai cũng đã biết, doanh nhân và người quảng cáo tự họ lũ lượt kéo đến sân khấu kịch và phim ảnh, những thứ bảo cho họ biết họ là những kẻ tội lỗi đáng thương làm sao. Dĩ nhiên quả là đặc biệt hả hê khi nhìn xuống các trò vè của Hollywood, phim mùi mẫn nhiều tập, và các hiện tượng văn hóa quần chúng khác.

Vả chăng, người kiểu nội tại định hướng có địa vị cao được gắn với truyền thống Anglo-Saxon và với sự trọng vọng chúng ta dành cho những nhân vật cao niên vẫn còn đầy uy lực. Hơn nữa, người kiểu nội tại định hướng đối mặt các vấn đề không phải là vấn đề của kiểu ngoại tại định hướng, nên họ có vẻ được làm từ các chất liệu cứng rắn hơn và can trường hơn. Vì đã thấy con người thời Victoria quyến rũ, chúng ta cũng có thể chiếu cố kiểu nội tại định hướng, nhất là nếu chúng ta không đích thân chịu đựng các hạn chế của họ, và nhìn lại thời phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng với nỗi hoài niệm có thể hiểu được.

Hơn nữa tôi không muốn bị hiểu rằng nói quan tâm đến “người khác”, đến quan hệ con người là sai. Việc chúng ta đủ khả năng quan tâm đến các vấn đề như vậy chính là một trong những sự dư dật quan trọng của xã hội có thành tựu công nghệ tiến bộ. Chúng ta phải hỏi bất kỳ ai phản đối sự điều khiển con người trong công nghiệp hiện đại là anh ta có thích quay lại lối đối xử tàn nhẫn như trong thời đầu cách mạng công nghiệp hay không. Trong thang bậc giá trị của tôi, sự thuyết phục, thậm chí thuyết phục bằng điều khiển, được ưa thích hơn vũ lực. Thực ra, nguy cơ khi ta nói đến “sự mềm mỏng của đám nhân sự” là ta sẽ bị hiểu rằng ta thích sự cứng rắn hơn. Trái lại, một trong những luận điểm chính của cuốn sách này là người do ngoại tại định hướng, như tình trạng hiện nay, đã quá khắt khe với bản thân theo một số cách và rằng những lo âu của anh ta, khi làm đứa trẻ tập sự tiêu dùng, khi làm cha làm mẹ, khi vào vai người làm và người chơi, là rất lớn. Anh ta thường giằng xé giữa ảo tưởng rằng đời sống sẽ phải dễ dàng, nếu như anh ta tìm được cách thích nghi theo nhóm đúng cách, và cảm giác không nói ra là cuộc đời chẳng dễ dàng cho anh ta. Trong tình cảnh ấy, chìa ra cái ảo tưởng đối nghịch rằng kiểu nội tại định hướng lạnh lùng là một lý tưởng, dù đây chính xác là cái mà nhiều người đề nghị, sẽ chỉ làm cho đời sống anh ta tồi tệ hơn mà thôi. Thực ra, chính vì thuộc kiểu ngoại tại định hướng mà anh ta thường quá sốt sắng coi một người có vẻ không khoan nhượng và vững tin nào đó là mẫu mực để anh ta phải giống; chính tính cảm thông và nhạy cảm của anh ta có thể làm hại anh ta.

Thật dễ khi giành chiến thắng miệng trước các thực tiễn nhân sự của Mỹ và văn hóa đại chúng, vì những thói hợm hĩnh kiểu xưa hội tụ ở đây. Do vậy, một chỉ trích về bàn tay niềm nở có thể được thực hiện từ nhiều góc độ, cấp tiến hay phản động. Tuy nhiên, ngữ cảnh mà từ đó tôi viết lại có phần khác – đó là nỗ lực triển khai một quan điểm về xã hội chịu chấp nhận hơn là khước từ các khả năng mới cho sự nhàn rỗi, cho sự cảm thông giữa con người, và sự sung túc. Cả bàn tay niềm nở lẫn cuộc tìm kiếm các bài học thích nghi trong văn hóa đại chúng tự nó thường là minh chứng sâu sắc cho những khả năng này. Các giá trị của thời bàn tay vô hình đi kèm sự khan hiếm, và do vậy cần giải thích lại trước khi chúng trở nên liên đới đến một thời dư dật. Khả năng thay thế đầy hứa hẹn cho kiểu ngoại tại định hướng, như tôi cố làm rõ ở Phần III, không phải là kiểu nội tại định hướng, mà là tính độc lập.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.