Đám Đông Cô Đơn

CHƯƠNG X: Hình ảnh quyền lực



Ở Hoa Kỳ, những công dân giàu sụ hơn cả đều cẩn thận không tách mình khỏi nhân dân; ngược lại, họ không ngừng gần gụi với nhân dân, tự nguyện lắng nghe nhân dân và thường ngày giao tiếp với nhân dân. Họ biết rằng người giàu ở các quốc gia dân chủ bao giờ cũng cần đến người nghèo, và vào những thời kỳ dân chủ thì người ta gắn bó với người nghèo bằng cử chỉ tốt đẹp còn hơn là bằng những việc thiện. Ngay cả những việc thiện là to tát, thì nó cũng làm bộc lộ tình trạng chênh lệch của các điều kiện sống, và gây ra một sự khó chịu ngấm ngầm cho những ai hưởng lợi từ những việc thiện ấy. Thế nhưng sự giản dị của thái độ có những cái duyên hầu như không ai cưỡng lại nổi: sự thân tình lôi cuốn mọi người và sự thô lậu không phải khi nào cũng làm cho người ta khó chịu.

Tocqueville, Nền dân trị Mỹ[227]

Trong 50 năm qua đã có một sự đổi mới trong cấu hình quyền lực ở Mỹ: một thang bậc duy nhất với tầng lớp cai trị chóp bu đã bị thế chỗ bởi một số “nhóm phủ quyết” với quyền lực được phân tán giữa các nhóm đó. Thay đổi này có nhiều căn nguyên rối rắm và hệ quả phức tạp, bao gồm cả sự chuyển biến trong tâm trạng chính trị từ giáo huấn sang khoan dung. Một cấu trúc quyền lực rõ ràng tạo nên các mục tiêu sáng tỏ của người kiểu nội tại định hướng; một cấu trúc quyền lực vô định hình góp phần tạo nên định hướng người tiêu thụ của người kiểu ngoại tại định hướng.

I. Người lãnh đạo và người bị lãnh đạo

Trong lịch sử Mỹ có hai giai đoạn mà một giai cấp thống trị xác định nổi bật lên rõ ràng. Cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, bộ phận lãnh đạo gồm những người chủ trương chế độ liên bang – tức là tầng lớp địa chủ quý tộc và giới trọng thương-tiền tệ – đương nhiên coi mình là, và đã là, một nhóm thống trị. Rất lâu trước khi sự lãnh đạo này bị đánh bật trên thực tế thì quyền lực của tầng lớp này đã bị tranh chấp, và trong các trường hợp có tính quyết định, quyền lực ấy bị giới tiểu điền chủ và thợ thủ công bãi bỏ ở các bang miền Bắc và miền Trung. Giới tiểu điền chủ và thợ thủ công có ít thời gian hay tài năng cho chính trị, thường để nó cho “những người giỏi hơn”, nhưng họ giữ lại một quyền phủ quyết cho điều đã được làm và thỉnh thoảng, như với Jackson,[228] tham gia lãnh đạo quyết liệt hơn. Tuy vậy, sau Nội chiến, nông dân và thợ thủ công mất khả năng kiểm soát cái đã làm, và những đại gia công nghiệp nổi lên như một giai cấp thống trị. Tôi nghĩ khi họ thống trị thì những hình ảnh quyền lực và thực tế quyền lực ở Mỹ trùng khít nhau hơn ngày nay.

ĐẠI GIA CÔNG NGHIỆP VÀ ĐẠI GIA TIÊU THỤ

Theo cách nhìn vấn đề này, cuộc bầu cử năm 1896 có vẻ là một lằn ranh lịch sử: đỉnh điểm của chế độ cai trị đầu não trong chính trị. Về mặt phong cách chính trị, có những người giáo huấn ủng hộ Bryan và những người giáo huấn ủng hộ McKinley.[229] Và có những nhóm mà, dù họ có thấy quyền lợi của mình về mặt đạo đức hay không, cũng mang một hình dung rõ ràng về bản thân và các quyền lợi của mình; cả họ cũng phản ứng lại cuộc bầu cử này theo một cách do nội tại định hướng. Chỉ có một ít người như Brooks Adams,[230] ủng hộ Bryan vì căm ghét “những kẻ mê vàng”, là thấy được một số điểm nhập nhằng trong hoàn cảnh của cả hai ứng cử viên.

Chắc chắn, các lãnh đạo đắc cử – McKinley, Hanna và Morgan trong một vài lĩnh vực hoạt động của mình – đã không nhận ra những điểm nhập nhằng. Thành công trong nỗ lực tranh cử của họ không quan trọng với chúng ta bằng tâm trạng dấn thân của họ, đấy là một trong những sự lãnh đạo có ý thức, do những cân nhắc giai cấp có ý thức dẫn dắt. Sự lãnh đạo tự giác này lấy được sự ủng hộ từ mối liên hệ chặt chẽ giữa chính trị và công việc, mà tôi đã nhắc hãy chú ý. Thế giới công việc là thế giới vĩ đại; chính trị là một sự mở rộng có thể tạo thuận lợi cho công việc hoặc phá hoại nó. Trong khi giới chủ ngân hàng và Hiệp hội chủ nông có các quan niệm khác nhau về những gì chính trị nên làm và không nên làm, họ lại đồng tình về vị trí hàng đầu của phương diện sản xuất trong đời sống.

Dĩ nhiên, lĩnh vực chính trị không phải là không có sự giải trí cho người kiểu nội tại định hướng: cơ hội để tranh luận thẳng thắn, uống bia và bạn bè xuề xòa ở quán bar đêm, thỉnh thoảng nó có công dụng như một lối thoát “hạ cấp” khỏi những nghiêm trang đạo mạo của công việc và lối sống giàu có. Nhưng sự khác biệt lớn với ngày nay nằm ở chỗ những người lãnh đạo tham gia chính trị để thực hiện một nhiệm vụ – chủ yếu là bảo đảm cuộc chinh phục các nguồn lực ở Mỹ – chứ không phải tìm kiếm một lượng khán giả hưởng ứng nhiệt tình. Như Rockefeller[231] bán dầu hỏa bằng vũ lực hay giá rẻ hơn là nhãn hiệu, thì lãnh đạo chính trị cuối thế kỷ 19 cũng bán hàng hóa (lá phiếu hay quyết định) cho người đấu thầu trả giá cao nhất. Tiền mặt hay đạo lý đều có thể dự thầu – nhưng “thiện chí” thì không như vậy.

Hoàn cảnh và các động cơ do nội tại định hướng này làm sáng tỏ bối cảnh chính trị và xã hội năm 1896: có vẻ như bối cảnh này chưa có vào thời Tocqueville và cả thời sau đó. Viên đạn giết chết McKinley đã đánh dấu chấm hết cho thời một giai cấp nổi bật lãnh đạo. Bôi nhọ và chế giễu sâu cay bằng biếm họa chính trị – những nghệ thuật phụ thuộc vào sự sáng tỏ của đường lối – tiếp tục sống được một thời gian và dĩ nhiên vẫn chưa mất hẳn. Nhưng như tôn giáo thời xưa phụ thuộc vào một hình ảnh rõ ràng về thiên đàng và địa ngục, các phán quyết rõ ràng về thiện và ác, thì chính trị thời trước cũng phụ thuộc vào một cấu trúc giai cấp rõ ràng và các đánh giá mang tính giáo huấn rõ ràng, đơn giản về tốt và xấu bắt nguồn từ đó. Nó cũng phụ thuộc, nhưng tôi không thể quá nhấn mạnh điều này, vào một thỏa thuận giữa người lãnh đạo và kẻ bị lãnh đạo rằng lĩnh vực công việc trong đời sống là thống trị. Và vì các mục tiêu đã rõ ràng, nên nhiệm vụ hiển nhiên của người lãnh đạo là dẫn dắt; của người bị lãnh đạo là đi theo. Hợp tác chính trị của họ, như hợp tác giữa họ trong công nghiệp và nông nghiệp, là dựa trên các quyền lợi hỗ tương, dù có được giáo huấn trực tiếp hay không, chứ không phải vào sự yêu mến và ưa thích lẫn nhau.

Điều tôi vừa nói cần được hiểu là một chân dung chính trị “lý tưởng điển hình” của thời đại, hữu ích nhờ tương phản với thời chúng ta. Thực tế ra, các thay đổi, bao giờ cũng vậy, là thay đổi ở trọng tâm và mức độ, và chân dung này sẽ bị thổi phồng nếu độc giả kết luận rằng không có các tâm trạng, không có sự thèm khát uy tín và sức hấp dẫn làm sai lạc những mối tương quan giữa người lãnh đạo và người bị lãnh đạo. Các mối tương quan này không được xây dựng hoàn toàn từ sự giáo huấn đúng mực và những quyền lợi kinh tế rõ ràng mà thỉnh thoảng, như Veblen đã mô tả các vấn đề, Đại gia Công nghiệp có chức năng đem lại cho dân chúng phía dưới những nhân vật nổi bật để ngưỡng mộ nhằm “có được nguồn an ủi tinh thần nhiều hơn cho mọi bên liên quan”.

Các lý thuyết về giai cấp lãnh đạo, áp dụng vào nước Mỹ hiện đại, có vẻ như là tàn dư hư ảo của thời kỳ trước. Đại gia công nghiệp không còn điều hành doanh nghiệp, không còn lãnh đạo chính trị, và không còn đem lại “nguồn an ủi tinh thần” chính đáng nữa. Đây đó, đúng vậy, vẫn còn các tàn dư. Ở miền Tây Nam đang phát đạt, Texas vẫn sản sinh ra những con người như Glenn McCarthy,[232] còn California sinh ra một sư tử rừng xanh kiểu cũ trong A.P Giannini[233] (người, rất đáng nói, xuất thân từ một gia đình không có điều kiện dạy dỗ ông cho các động cơ kinh doanh mới). Thế nhưng ngay cả những mẫu này cũng không có tính cách thực sự rõ ràng bằng ở những đại gia công nghiệp lớn thời trước đã cuốn hút Veblen, cũng như Lucifer đã cuốn hút Milton.[234] Giống với Henry Kaiser,[235] họ lệ thuộc vào dư luận và vào thái độ của chính quyền như một hệ quả của dư luận hơn người giàu có quyền thế thời xưa nhiều. Vì giới hạn này họ có chiều hướng lợi dụng phong cách riêng của mình, hay để mình bị lợi dụng, theo cách thức khiến cho trò quảng cáo rẻ tiền của Ivy Lee[236] thuộc Rockefeller cha có vẻ đã thành xưa trái đất.[237]

Thế nên, không như nhiều các tiền bối của mình trước Thế chiến thứ nhất, những đại gia còn sót lại này yên vị trong các hạn định cũng như các khả năng của nền kinh tế bàn tay niềm nở. Nếu họ tham gia chính trị thì vì đó là một trò vui hay nghĩa vụ của người giàu; hay chỉ vì họ gắn bó với chính phủ ở mọi khâu trong các doanh nghiệp nhiều chi nhánh của họ. Những đại gia này ở thời nay không tự xem mình, cũng không được công nhận là lãnh đạo chính trị, tức là những người thuyết minh và giáo huấn chính trị, bởi sự hiện diện của họ và cái họ đại diện. Morgan cha và các bạn bè ông cho rằng ngăn chặn Bryan và ngăn chặn suy thoái năm 1907 là việc tùy thuộc ở họ.[238] Không ai chiếm chỗ họ.

Trong trọng tâm chú ý của công chúng, những đại gia công nghiệp cũ đã được thay thế bằng một típ mới toanh: Đại gia Phi Công nghiệp, Tiêu thụ và Nhàn rỗi. Những khảo sát về nội dung của truyền thông đại chúng cho thấy một sự chuyển dịch trong các loại thông tin về lãnh đạo chính trị và kinh doanh mà khán giả yêu cầu.[239] Ở thời trước khán giả được nghe kể câu chuyện vươn đến thành công nhờ tinh thần ham làm việc của nhân vật chính. Ngày nay, bon chen được xem là đương nhiên hay được nhìn nhận dưới dạng các “cơ hội”, còn những sở thích của người hùng về quần áo, ăn uống, đàn bà và tiêu khiển lại được nhấn mạnh – những thứ này, như chúng ta đã thấy, là lĩnh vực mà bản thân độc giả có thể đua tranh, trong khi anh ta không thể hình dung mình trong vai trò công việc của tổng thống Hoa Kỳ hay người đứng đầu một công ty lớn.

Hơn nữa, trong các bài tiểu sử như vậy có một sự chuyển dịch từ việc chú trọng những người đứng đầu kinh doanh sang chú trọng những người đi đầu trong tiêu thụ. Tương ứng, các diễn viên, nghệ sĩ, người của ngành giải trí có nhiều chỗ xuất hiện hơn bao giờ hết, còn những người hùng trong văn phòng, trên diễn đàn vận động tranh cử, và ở nhà máy được xuất hiện ít hơn. Những người tiêu thụ sản phẩm thặng dư này có thể, theo thuật ngữ của Veblen, đem lại “nguồn an ủi tinh thần” bằng chính khả năng tiêu thụ của mình. Sức hấp dẫn của những người hùng tiêu thụ như vậy có thể nằm ở sự kém cỏi các kỹ năng kinh doanh, và như chúng ta đã thấy, trong một số trường hợp sự chân thật hoàn toàn cá nhân của họ có thể làm nhiệm vụ thay thế các tiêu chuẩn thẩm mỹ khách quan hơn.

Lẽ đương nhiên những đại gia tiêu thụ này không phải là lãnh đạo. Họ vẫn chỉ là những nhân vật, dùng để tô vẽ các phong trào, không phải để lãnh đạo các phong trào. Thế nhưng các nhà lãnh đạo thực tế lại có nhiều điểm chung với họ.

Để minh họa chúng ta có thể nhìn sang một vị lãnh đạo Mỹ gần đây – chắc chắn là một lãnh đạo – có nhiều nét chung với nghệ sĩ và người trong ngành giải trí: Franklin D. Roosevelt. Chúng ta đã quen nghĩ ông là một người có quyền hành lớn. Thế nhưng vai trò dẫn dắt đất nước đi vào chiến tranh của ông rất khác với vai trò của McKinley hay ngay cả của Wilson. Cứ thử nghĩ McKinley đi tới đi lui trong phòng, quyết xem có nên yêu cầu tuyên chiến với Tây Ban Nha không – khi mà ông đã biết rằng Tây Ban Nha sẽ đầu hàng. McKinley cảm thấy chuyện này tùy thuộc ở ông; Wilson cũng vậy. Còn Roosevelt cảm thấy ông chỉ có thể loay hoay bên trong những hạn định chật hẹp, đến mức gần như chừa quyền quyết định lại cho kẻ thù.

Lần nữa, nếu chúng ta so sánh các hoạt động của ông trong những năm chiến tranh với các hoạt động của Churchill,[240]chúng ta có thể nhìn ra những khác biệt quan trọng. Churchill lãnh đạo người Anh theo cái gì đó như cảm nhận xưa cũ về mối quan hệ rõ ràng giữa người lãnh đạo và người đi theo. Hơn nữa, việc ông lãnh đạo, như một người lãnh đạo giáo huấn mà không như một nhân vật, bất chấp sức hấp dẫn cá nhân tuyệt vời của mình, xuất hiện giữa những cử tri sẵn sàng theo ông trong chiến tranh và bỏ qua ông trong thời bình: họ là người ham làm hơn là ham tiêu thụ về ông. Trái lại Roosevelt trong suốt chiến tranh, cũng như trước đó, vẫn là một người thuyết phục mang vẻ khoan dung mà mạnh mẽ, thậm chí là người nhắm mắt làm ngơ hoặc kích động các biến đổi trong dư luận mà ông luôn hết sức quan tâm. Churchill khai thác sự phẫn nộ của mình, còn Roosevelt khai thác sức hấp dẫn của mình.

Những khác biệt thực sự rõ ràng trong tình hình quân sự của Anh và của Hoa Kỳ vào thời kỳ này vẫn chưa đủ để giải thích những khác biệt nói trên trong tâm trạng và phương pháp lãnh đạo. Quan trọng hơn nhiều những khác biệt thời chiến giữa hai nước là các thay đổi khác nhau về mô hình chính trị trong nửa thế kỷ qua. Nước Mỹ những năm 90 có thể được dẫn dắt về mặt chính trị và đạo đức. Từ lúc ấy chúng ta đã bước vào một giai đoạn chính trị và xã hội mà quyền lực bị phân tán mỏng giữa các nhóm phủ quyết. Các nhóm này quá nhiều và đa dạng nên không thể lãnh đạo bằng giáo huấn; thứ họ muốn quá khác nhau để có thể giáo huấn và quá vô hình để có thể mua chuộc chỉ bằng tiền mặt; và cái gọi là lãnh đạo chính trị cốt ở khả năng khoan dung để lôi kéo đồng minh, như chúng ta có thể thấy trong trường hợp Roosevelt.

Điều này có nghĩa là, những người trong một giai đoạn lịch sử trước đã là các lãnh đạo chính trị, thì giờ đây đang bận bịu với công việc kiểu ngoại tại định hướng là nghiên cứu thông tin phản hồi từ tất cả những người khác – các đơn vị bầu cử, thông tín viên, rồi bạn và thù của họ bên trong các nhóm áp lực có ảnh hưởng. Cuộc cách mạng trong truyền thông làm cho sự chú tâm này trở nên khả dĩ theo những cách không từng có đối với người chăm sóc khách hàng cần mẫn tương tự ở thời trước, anh ta có thể mua một vài biên tập viên nếu muốn những điều có lợi được nói ra. Còn những ai từng là người đi theo lãnh đạo thì đã học được thuật vận động hành lang và quảng bá. Bản điểm danh các lãnh đạo thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 gồm nhiều người từ chối đi theo bầy đàn của mình: Gladstone và Cleveland, Robert Peel và John Stuart Mill (nghị sĩ), Woodrow Wilson[241] và Winston Churchill. Ngay cả ngày nay nhu cầu áp đặt đường lối không hợp lòng dân cũng đưa các típ nội tại định hướng lên hàng đầu: Cripps[242] ở Anh chẳng hạn; Stimson và Robert Patterson[243] ở Mỹ. Dĩ nhiên, các nhân vật chính trị thời nào cũng lệ thuộc vào người theo mình, còn chủ nghĩa cơ hội và việc vận động không phải một phát minh của thế kỷ 20. Tuy nhiên, người lãnh đạo kiểu nội tại định hướng hoàn toàn ý thức được những bất đồng quan điểm giữa mình và người khác; nếu anh ta thay đổi đường lối, thì đó vẫn là đường lối của anh ta. Vả lại, vì anh ta tham vọng, về sau anh ta có thể thích danh vọng hơn sự nhiệt tình hưởng ứng nhất thời; dù thế nào thì anh ta cũng chẳng cần được tất cả mọi người yêu thích, mà chỉ cần những ai quan trọng cho cơ đồ của anh ta.

Trong tự truyện của mình, John Stuart Mill thuật lại câu chuyện sau:

Trong tập sách mỏng, “Thoughts on Parliamentary Reform” (Nghĩ về cải tổ Nghị viện), tôi đã nói khá thẳng thừng rằng, các tầng lớp lao động, dù khác với các tầng lớp lao động ở một số nước khác, đang xấu hổ vì nói dối, nói chung vẫn chưa phải là kẻ nói dối. Đoạn này một đối thủ nào đó đã cho in trong một tờ áp phích rồi đưa cho tôi tại một cuộc họp chủ yếu gồm các tầng lớp lao động, thế rồi người ta hỏi có phải tôi đã viết và in nó không. Tôi trả lời ngay “Phải”. Hiếm khi chữ này ra buột khỏi miệng tôi, và tiếng cổ vũ nhiệt tình vang rền khắp cuộc họp.

Thật thú vị khi so sánh sự việc này với cách xử sự mà một số nhân vật của công chúng Mỹ thể hiện, họ không chỉ không nghĩ tới chuyện nói điều gì có thể làm phật ý một cử tọa mà còn thường xuyên đi trệch khỏi bản diễn thuyết đã chuẩn bị, vốn được viết cẩn thận để làm hài lòng một cử tọa lớn, để xoa dịu nhóm trực diện nhỏ hơn mà diễn văn tình cờ sẽ phát biểu trước mặt họ.

Đại gia công nghiệp thời xưa cũng là đại gia tiêu thụ: tiêu chuẩn nào được đặt ra cũng đều do anh ta đặt ra cả. Anh ta còn là một đại gia chính trị. Đại gia tiêu thụ mới, kẻ đã chiếm chỗ của anh ta trong mắt công chúng bị giới hạn ngặt nghèo trong lĩnh vực tiêu thụ – dĩ nhiên tự nó đã bành trướng vô cùng. Ngày nay, các nhân vật trong thế giới giải trí nhàn rỗi, dù được yêu mến thế nào, cũng thiếu sức mạnh và hoàn cảnh để lãnh đạo. Nếu một minh tinh màn bạc ngày nay cố diễn cho đạt một thông điệp chính trị, trong phim hay ở ngoài đời, anh ta sẽ thấy mình dễ hứng đủ thứ áp lực. Nhà sản xuất phim cũng không mạnh mẽ gì hơn. Tín đồ Thiên Chúa giáo, Hội Giám lý, người làm dịch vụ lễ tang có tổ chức, Bộ Ngoại giao, người miền Nam, người Do Thái, bác sĩ, thảy đều gây áp lực cho cỗ máy được chuẩn bị để phân phối đại trà. Sự sùng đạo hay sự đứng đắn giúp bảo vệ một số nhóm thiểu số không được vận động hành lang. Người làm phim giữ vai trò môi giới giữa các nhóm phủ quyết này với nhau trong một hoàn cảnh quá phức tạp, nó không thể khuyến khích anh ta có thái độ cứng rắn, dạy đời. Giỏi lắm thì anh ta hay ai đó trong tổ chức cũng chỉ có thể tuồn một thông điệp đạo đức và chính trị vào phim, như Roosevelt hay ai đó trong tổ chức của ông lén đưa vào một sự bổ nhiệm hay một cơ quan điều phối mới. Thông điệp, sự bổ nhiệm, cơ quan – không thứ nào có thể tiến xa với trò bóng vồ trong truyện Alice ở xứ thần tiêncủa các nhóm phủ quyết.

II. Ai cầm quyền?

Các nhóm phủ quyết. Tính hay thay đổi của vận động hành lang đem lại cho chúng ta một đầu mối quan trọng về sự khác biệt giữa bối cảnh chính trị Mỹ hiện tại và bối cảnh chính trị Mỹ vào thời McKinley. Tầng lớp doanh nhân thống trị có thể phân định tương đối dễ dàng (dù có thể sai lầm) xem các quyền lợi của mình nằm ở đâu và có thể trả những gì cho các biên tập viên, luật sư, nhà lập pháp để thúc đẩy họ. Vận động hành lang phục vụ cho sự lãnh đạo, đặc quyền và mệnh lệnh rõ ràng của tầng lớp cầm quyền kinh doanh.

Ngày nay chúng ta đã thay thế kiểu lãnh đạo đó bằng một loạt các nhóm, mỗi nhóm này đã tranh giành và cuối cùng đạt được một quyền lực để dùng những thứ được cho là nguy hại đối với quyền lợi của nhóm, và khởi sự trong phạm vi những giới hạn gò bó hơn nhiều. Các nhóm doanh nhân lớn và nhỏ, các nhóm kiểm duyệt điện ảnh, các nhóm chủ nông trại, các nhóm lao động và nghề nghiệp, các nhóm sắc tộc lớn và các nhóm theo vùng lớn khác nhau, trong nhiều trường hợp đã vận động thành công để vào một vị trí mà họ có thể vô hiệu hóa những ai sẽ tấn công họ. Do đó, chính sự gia tăng số lượng các nhóm này, cùng các loại quyền lợi thực tế và tưởng tượng mà họ đang bảo vệ đánh dấu một chuyển dịch dứt khoát khỏi sự vận động hành lang thời trước. Còn có cả sự thay đổi trong phương pháp, trong cách thức các nhóm được tổ chức, cách họ đối phó nhau, và cách họ đối phó với công chúng, tức là những người chưa được tổ chức.

Những nhóm phủ quyết này không phải nhóm lãnh đạo mà cũng không phải nhóm bị lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc gia duy nhất còn lại ở Hoa Kỳ ngày nay là những người có thể o bế các nhóm phủ quyết. Những người đi theo duy nhất còn lại ở Hoa Kỳ ngày nay là những người không may chưa được tổ chức và đôi khi phá tổ chức mà chưa chế ra được nhóm cho mình.

Trong nội bộ các nhóm phủ quyết, lẽ đương nhiên cũng có cuộc đấu đá tương tự tranh giành các vị trí chóp bu như đang diễn ra trong các tổ chức quan liêu khác. Giữa các nhóm phủ quyết với nhau thì cuộc cạnh tranh mang tính độc quyền; các quy tắc về sự công bằng và tình bằng hữu chỉ đạo người ta có thể đi xa đến đâu. Mặc dù có các quy tắc, nhưng dĩ nhiên thỉnh thoảng vẫn có “các cuộc chiến tranh giá cả”, như các tranh chấp thẩm quyền của các công đoàn hay các nhóm tự vệ Do Thái; các tranh chấp này kết thúc bằng thương lượng, phân chia lãnh thổ, và sự hình thành một tổ chức đứng đầu cho đơn vị bầu cử đã chia rẽ trước đó. Các độc quyền lớn này, được xem như một nhóm duy nhất, đang trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với người chưa thành nhóm, hệt như nền kinh tế thương mại công bằng cạnh tranh với nền kinh tế thương mại tự do. Những người đi theo lác đác về sau này có thể tìm thấy sự bảo hộ trong các ngóc ngách quanh những người có đầu óc tổ chức nhóm.[244]

Mỗi một nhóm phủ quyết trong mô thức này có thể có một động thái gây hấn, nhưng động thái này bị giới hạn rõ rệt về phạm vi bởi cách thức mà các nhóm khác nhau đã chia xẻ lĩnh vực chính trị và bày bố một số kỳ vọng lớn đằng sau mỗi phần chia. Cả trong nội bộ các nhóm lẫn trong hoàn cảnh mà sự hiện diện của họ tạo ra, tâm trạng chính trị có chiều hướng trở thành khoan dung kiểu ngoại tại định hướng. Những sự phủ quyết trói buộc hành động đến mức người giáo huấn khó mà quan niệm được một chương trình trên quy mô lớn nào có thể thay đổi được các mối tương quan giữa đời sống chính trị và đời sống cá nhân hay giữa đời sống chính trị và đời sống kinh tế. Trong cấu trúc quyền lực vô định hình mà các nhóm phủ quyết tạo ra, khó mà phân biệt được người thống trị với người bị trị, người được ủng hộ với người bị chống đối, người phe ta với người phe địch. Chính mô thức này khuyến khích người dự đoán nội tình có thể tháo gỡ các mối liên hệ cá nhân, và làm thối chí người nhiệt tình hay người phẫn nộ muốn đưa vào cái tốt hay chặn đứng cái xấu. Có lẽ, trên hết nó khuyến khích người dửng dưng phong cách mới, những người cảm thấy và thường nghe nói rằng vấn đề của anh ta cũng như của tất cả mọi người khác đều nằm trong tay các chuyên gia, và rằng người không có chuyên môn, dù họ nên “tham gia”, thì không nên quá tọc mạch hay khích động.

Theo bản chất của mình các nhóm phủ quyết tồn tại như các nhóm tự vệ, không phải như các nhóm lãnh đạo. Nếu quả thực họ “có quyền lực” thì đó là nhờ một sự khoan dung lẫn nhau cần thiết. Càng ngày họ càng phản chiếu nhau trong phong cách hành động chính trị, kể cả sự quan tâm của họ đến các mối quan hệ công chúng và việc chú trọng vào sự hòa hợp cảm xúc nội bộ. Có một xu hướng trong các tổ chức định hướng khác nhau, giả dụ như các nhóm Thanh niên Đảng Xã hội và 4-H Club,[245] là dùng các phương pháp tâm lý tương tự nghệ thuật bán hàng để giành lấy và cố kết những người họ chiêu mộ được.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các nhóm phủ quyết được hình thành theo các đường lối của cấu trúc tính cách. Như trong một tập đoàn kinh doanh có chỗ cho các kiểu người nội tại định hướng và ngoại tại định hướng quá khích, cùng mọi kiểu pha trộn ở giữa, thì trong một nhóm phủ quyết cũng có thể tồn tại những mối quan hệ cộng sinh phức tạp giữa những người thuộc các phong cách chính trị khác nhau. Do vậy, một nhóm những người vận động hành lang có thể bao gồm cả người giáo huấn lẫn người dự đoán nội tình, khi thì hoạt động trong kiềm tỏa, khi thì trong xung đột; và đơn vị bầu cử của nhóm có thể chủ yếu gồm những người dửng dưng chính trị phong cách mới biết đọc biết viết, có kinh nghiệm tổ chức đủ để ngạo mạn khi được nhờ đến. Bất chấp những sự phức tạp này, tôi nghĩ sẽ công bằng khi nói rằng các nhóm phủ quyết, ngay cả khi họ được thành lập để bảo vệ một quyền lợi giáo huấn rõ ràng, nói chung cũng buộc phải chấp nhận các cung cách chính trị của người kiểu ngoại tại định hướng.

Khi nói vậy là tôi đang đề cập đến bối cảnh quốc gia. Lẽ đương nhiên, đơn vị bầu cử càng nhỏ thì số nhóm phủ quyết liên quan càng ít và càng có khả năng một nhóm nào đó trong họ sẽ thống soái. Do vậy, trong chính trị địa phương có nhiều phẫn nộ hơn và ít khoan dung hơn, ngay đến Chicago Tribune cũng là một tờ báo khoan dung khi so sánh với các thứ báo chí mì ăn liền của cộng đồng trong nhiều khu lân cận Chicago.

Cũng vấn đề này có thể được xem xét từ một cách nhìn khác. Nhiều nhóm khác nhau đã nhận ra rằng họ có thể tiến rất xa trong hoàn cảnh quyền lực vô định hình ở Mỹ mà không bị cản trở. Xã hội chúng ta cởi mở về hành vi đủ để cho phép một cộng đồng đáng kể những tay kẻ cướp có cuộc sống thoải mái dưới mọi loại chế độ chính trị đảng phái. Vì thiếu quan tâm đến các mối quan hệ công chúng nên những kẻ đó là những doanh nhân chậm chân. Tương tự với một số lãnh tụ công đoàn, họ đã phát hiện ra quyền năng làm đình trệ nền kinh tế của mình, nhưng trong hầu hết trường hợp thì thật ngạc nhiên, các yêu sách về lao động của họ rất chừng mực – sự chừng mực dựa trên những tiết chế tâm lý hơn là trên bất kỳ quyền lực nào có thể được chèn vào một cách hiệu quả. Cũng vậy, đôi khi một nhóm hung hăng, mặc dù không thuộc về các nhóm quyền lực-phủ quyết cực đoan, nhưng lại có thể thúc đẩy cho một đạo luật được cơ quan lập pháp thông qua. Do vậy, Đạo luật An ninh Xã hội mà Quốc hội thông qua, theo như tôi phát hiện, bởi vì nó được một nhóm nhỏ nhưng tận tụy thúc đẩy; các nhóm phủ quyết lớn bao gồm lao động có tổ chức không ủng hộ đạo luật đó nhiều mà cũng chẳng phản đối lắm.

Vì các lý do tương tự mà trong nhiều hoàn cảnh chính trị các nhóm phủ quyết đó là mạnh nhất, thành viên của các nhóm này gồm các nhóm phủ quyết, đặc biệt là nhóm phủ quyết một người. Ví dụ thích hợp nhất cho điều này là người nông dân cá thể, khi được một trong những cuộc vận động hành lang của nông trại dành cho một thỏa thuận, vẫn có thể không nhượng bộ để giành được thêm nữa. Mối bận tâm của vận động hành lang nông trại về phản ứng của các nhóm phủ quyết khác, ví dụ các công đoàn, chẳng mấy ăn thua với chủ nông trại cá thể. Thực tế này làm việc vận động hành lang mạnh mẽ trong đàm phán: nó có thể dùng các mối giao tế nhân sự nội bộ làm một đối trọng để mặc cả, giống như một nhà ngoại giao nói với một bộ trưởng nước ngoài rằng ông ta phải cân nhắc xem thượng nghị sĩ A thượng nghị sĩ B nào đó sẽ phản ứng ra sao. Bởi lẽ, bất kể bản tính ngoại tại định hướng của những người cầm đầu vận động hành lang là gì, họ cũng không thể trói buộc tư cách thành viên của mình để thực hiện việc tiếp cận giao tế nhân sự. Nhiều công đoàn cũng có quyền lực tương tự vì họ không thể kiểm soát thành viên của mình, những người mà, nếu không bằng lòng với thỏa thuận mà công đoàn đạt được, có thể bỏ đi hay ngầm phá hoại công việc.

Ngược lại, các nhóm phủ quyết đó cũng thường yếu trong đó sự định hướng theo ngoại tại có thể thống trị các thành viên của họ. Những tập đoàn lớn dễ bị một cuộc gọi từ Nhà Trắng tấn công vì trừ một người phẫn nộ còn sót lại như Sewell Avery,[246] bản thân các nhân viên của họ là kiểu ngoại tại định hướng, và vì khi lời của sếp thốt ra, các quản đốc phân xưởng dù giận sôi thế nào cũng phải tuân theo chính sách mới bởi chính bản chất của tổ chức tập quyền mà họ làm việc: họ có thể phá hoại ban quản lý cấp cao về những chuyện thứ yếu nhưng công xá hay kế toán thuế thì không. Trái lại, Giáo hội Công giáo La Mã ở Mỹ có quyền lực nhóm phủ quyết vô hạn vì nó kết hợp một mức độ chỉ huy tập quyền nhất định – và một hình ảnh công khai có một mức độ còn lớn hơn – với giới tăng lữ phân quyền cao (mỗi tu sĩ trong một nghĩa nào đó là thư ký nghiệp đoàn của riêng mình), cùng một tổ chức thành viên gồm rộng rãi những người trung thành theo sắc tộc, xã hội và chính trị; cấu trúc này cho phép sự linh động lớn trong thương lượng.

Song, các ưu điểm này không làm thay đổi được thực tế rằng nhóm phủ quyết, nói chung lại, cấu thành một vùng đệm mới giữa các cực cũ đã biến đổi, đang mỏng dần gồm những ai từng là người lãnh đạo và người bị lãnh đạo. Chính cả hai, sự giảm sút người lãnh đạo và người bị lãnh đạo, cùng với các hành động định hướng theo ngoại tại của các vùng đệm này, đã góp phần đem lại cho nhiều người giáo huấn một cảm giác trống rỗng trong đời sống chính trị Mỹ.

Các nhóm phủ quyết, theo những điều kiện mà sự hiện diện của họ tạo ra và theo những đòi hỏi họ đặt ra cho lãnh đạo trong chính trị, cổ vũ tâm trạng khoan dung của kiểu ngoại tại định hướng và thúc đẩy sự triệt thoái của người phẫn nộ kiểu nội tại định hướng.

CÒN CHĂNG MỘT GIAI CẤP THỐNG TRỊ?

Tuy nhiên, dân chúng vẫn tiếp tục làm như thể vẫn còn có một giai cấp thống trị quyết định ở nước Mỹ hiện đại. Trong những năm hậu chiến, giới doanh nhân cho rằng các lãnh tụ công đoàn và các chính trị gia điều hành đất nước, trong khi tầng lớp lao động và cánh tả thì nghĩ “Phố Wall”[247] hay “các gia tộc thập niên 60”[248] điều hành. Phố Wall, có lẽ hoang mang vì bị truất phế tư cách phong vũ biểu chỉ thời tiết hình thành vốn, có thể nghĩ rằng các trùm công nghiệp trung tâm Bắc Hoa Kỳ, vốn được nâng đỡ êm ái bằng tiền mở rộng nhà máy dưới dạng các quỹ khấu hao lớn và lợi nhuận không chia, là người điều hành đất nước. Họ có thể đã có vài bằng chứng cho điều này bởi sự thật là New Deal đã mạnh tay với tư bản tài chính – ví dụ Đạo luật về Ủy ban Chứng khoán và Công ty mẹ – hơn nhiều so với tư bản công nghiệp, và rằng trong thuế đánh trên lợi nhuận chưa chia, New Deal cố bắt tư bản công nghiệp phải chịu sự kiểm soát của cổ đông và thị trường chứng khoán, nhưng thuế này nhanh chóng bị bãi bỏ.

Song các ông trùm này ở Pittsburgh, Weirton, Akron và Detroit, như chúng ta đã thấy, dù hiển nhiên là một đám gai góc hơn những người Phố Wall, càng lúc càng nghĩ mình là người thụ ủy cho những người thụ hưởng của họ. Và theo cách nhìn của tầng lớp lao động và cánh tả, trong khi những ông trùm đó điều hành Ban Sản xuất thời chiến vì lợi ích của các công ty riêng, người ta cũng có thể dễ dàng biện luận như vậy rằng kinh nghiệm của Ban là một trong những nhóm yếu tố đã thuần phục các ông trùm. Nó đặt họ vào một tình huống phải nhìn công ty mình theo cách nhìn của “người khác”.

Dù không có các nghiên cứu chuyên sâu về quyền lực kinh doanh và điều gì diễn ra trong một đàm phán kinh doanh, người ta cũng có thể dễ dàng có cảm giác ấn tượng về sự thay đổi hành vi kinh doanh trong thế hệ qua. Trên các trang tạp chí Fortune, biên niên sử tuyệt vời của lĩnh vực kinh doanh, người ta thấy rằng còn rất ít dấu tích của các kiểu thỏa thuận – với các doanh nhân khác, với người lao động, với chính phủ – vốn đã từng là tập quán điều hành chuẩn mực cho các ông trùm trước Thế chiến thứ nhất. Hơn nữa, trong 20 năm lịch sử của mình, chính Fortune, có thể xem là không đại diện nhiều cho độc giả, đã cho thấy sự giảm sút dần dà mối quan tâm đến kinh doanh theo nghĩa thông thường và sự tăng lên ngày càng lớn mối quan tâm đến các vấn đề đã từng là thứ yếu, như quan hệ quốc tế, khoa học xã hội và những thứ phụ tùng khác của nhà quản lý hiện đại.

Nhưng đương nhiên muốn biết xem tính cách có thay đổi như hành vi không thì khó hơn nhiều – có phải như một số người dám nói chắc, rằng doanh nhân ngày nay đơn giản là cầm quyền theo cách khó thấy hơn, mang tính quản lý hơn. Trong “Manager Meets Union”, Joseph M. Goldsen và Lillian Low đã mô tả sự phụ thuộc tâm lý của một giám đốc bán hàng hiện đại vào sự tán thành của công nhân dưới quyền, sự sẵn sàng với các nhượng bộ theo mọi cách để duy trì tương tác cá nhân nồng ấm trong các mối quan hệ với họ, và nỗi căm giận khủng khiếp của ông ta đối với công đoàn như một trở lực cho việc trao đổi cảm xúc này.[249] Trái lại, người ta phải ấn định thái độ của một số công ty cung cấp ô tô với các lãnh đạo có vẻ thiên về chuyên môn hơn là nhân sự, do vậy họ không sẵn lòng nhượng bộ và không công ty nào quá bận tâm đến bầu không khí tình cảm trong các cuộc thương lượng. Cũng vậy, các thương thảo General Motors-Liên đoàn Công nhân Ô tô năm 1946, như sách báo thuật lại, nghe giống một cuộc chọi gà hơn là một tập tiểu luận của Plato, dù trong cuốn Concept of the Corporation (Khái niệm công ty) của Peter Drucker, một khảo sát về General Motors xuất bản cùng năm, có nhiều bằng chứng cho thấy ban quản trị có nhiệt tình xây đắp một đại gia đình hạnh phúc.

Quyền lực quả thực đã được xây dựng, ở một mức độ lớn, trên các kỳ vọng và thái độ giữa các cá nhân với nhau. Nếu giới doanh nhân cảm thấy yếu và lệ thuộc thì trên thực tế họ đã trở nên yếu hơn và lệ thuộc hơn, bất kể những nguồn tài nguyên vật chất nào có thể gán cho họ. Ấn tượng của tôi, chủ yếu dựa trên các kinh nghiệm riêng trong tập quán kinh doanh và pháp luật, là doanh nhân từ các công ty sản xuất lớn, dù họ thường huênh hoang, dễ dàng thất đảm trước mối đe dọa thù nghịch của người khác; họ có thể đập bàn, nhưng họ trông chờ người khác chỉ huy và không nghĩ tới chuyện làm trái với nhóm ngang hàng. Có lẽ, các thái độ đối với một doanh nhân cáu kỉnh như Sewell Avery có thể vạch một đường phân chia rõ ràng giữa các thái độ cũ và mới. Những doanh nhân ngưỡng mộ Avery, dù có thể họ không dám bắt chước ông, đang ngày càng là một thiểu số già nua, trong khi lớp trẻ hơn thường bị sốc trước thói kiêu căng của Avery, khi ông ta cự tuyệt bàn tay niềm nở.

Mong muốn được người khác nghĩ tốt về mình của doanh nhân đã dẫn tới điều mỉa mai là hễ giáo sư nào viết một cuốn sách chỉ trích kinh doanh, dù cho hầu như chẳng được ai đọc, thì ông ta cũng sẽ tạo ra đủ thứ việc cho sinh viên ngành giao tế nhân sự, công tác nghiệp đoàn và nghiên cứu thị trường! Trong khi Black Horse Cavalry[250] ở một thời kỳ trước đã chặn đứng doanh nhân bằng cách hăm he cho thông qua luật pháp làm tê liệt họ, điều mà những kẻ giáo huấn phản đối kinh doanh mong muốn, thì ngày nay nhiều trí thức lương thiện sẽ chẳng nghĩ đến chuyện nhận hối lộ để duy trì việc kinh doanh hay công tác nghiệp đoàn, vì khách hàng của họ có lẽ đã bị chính những doanh nhân này làm cho sợ đến mức phải công nhận một nhóm phủ quyết có thật hay tưởng tượng nào đó. Vì một cấu trúc lớn được dựng lên để cám dỗ nhóm, không ai thực hiện việc kiểm tra quyền lực để xem liệu nhóm có thực sự tồn tại hay có thực lực không. Thật dễ hiểu, người ta dựa vào các ý thức hệ về việc ai có quyền ở Mỹ để chứng minh các hư cấu dễ chịu này, như chúng ta sẽ thấy trong Chương XIII, những hư cấu đem lại cho doanh nhân hiện đại một danh sách mua hàng dằng dặc, một nhiệm vụ bàn tay niềm nở không bao giờ dứt. Đấy là chuyện còn xa, tôi muốn gợi ý, với bàn tay niềm nở xu thời của người giàu có mà Tocqueville đã bình luận ở đầu chương; rất có thể, cái chỉ là tập quán ở thời ông đã trở nên ăn sâu trong tính cách ở thời chúng ta.

Hơn nữa, doanh nhân, không chỉ là người duy nhất không khai thác được vị trí quyền lực mà trong mắt nhiều người quan sát thì họ phải có. Các sĩ quan quân đội cũng dè dặt lạ lùng khi thực hiện quyền lãnh đạo. Trong chiến tranh người ta có thể nghĩ rằng quân đội khá trơ lì trước sự công kích. Nhưng các tướng lĩnh thường làm đủ mọi cách để kiềm chế không làm điều gì đó mà biết đâu một dân biểu sẽ phát biểu không hữu hảo về nó. Họ làm vậy ngay cả những khi có thể xua dân biểu đó đi như xua một con ruồi giận dữ. Khi đối đãi với doanh nhân hay các lãnh tụ công đoàn, các sĩ quan quân đội, tôi thấy hình như vậy, cung kính kỳ lạ; điều này cũng đúng với sinh viên học viện quân sự West Point hay những người theo chủ nghĩa xét lại. Dĩ nhiên, có những biệt lệ, nhưng trong nhiều tình huống khi các quân chủng vũ trang nhượng bộ để xoa dịu một nhóm phủ quyết nào đó, họ sẽ hợp lý hóa các nhượng bộ về mặt nhuệ khí hay các mối giao tế nhân sự hậu chiến, hay thường thường, chỉ đơn giản là họ không hề biết về quyền lực của mình.

Đúng thế, một số người cũng đi đến kết quả ấy bằng con đường dân chủ truyền thống là địa vị thống trị dân sự. Rất có thể, đấy là một điều hay cho đất nước khi các quân chủng hết sức kiềm chế như vậy. Ở đây tôi không bàn đến vấn đề công trạng mà dùng nó như một minh họa cho tính cách đang thay đổi và cấu trúc xã hội đang thay đổi.

Tất cả những điều này có thể dẫn đến câu hỏi: nào, thế ai thực sự điều hành mọi chuyện? Cái mọi người không nhìn thấy là, trong khi cần phải có lãnh đạo để khởi động mọi sự, hay dừng mọi sự lại, thì cần rất ít lãnh đạo một khi tất cả đã bắt đầu vận hành – rằng thực ra, mọi chuyện có thể trở nên rối beng rối bời mà vẫn tiếp tục tiến triển. Nếu người ta tìm hiểu một xưởng máy, một nhóm quân đội, hay tổ chức lớn khác, người ta sẽ lấy làm lạ chẳng hiểu sao mọi chuyện lại xong xuôi được, khi thiếu sự lãnh đạo và lại có đủ kiểu làm câu giờ.[251] Có lẽ mọi thứ xong xuôi vì chúng ta vẫn còn đang tận dụng được các nguồn dự trữ kiểu nội tại định hướng của mình, nhất là trong các tầng lớp thấp hơn. Dù thế nào, thực tế mọi việc được làm xong không phải là bằng chứng cho thấy có ai đó đang chịu trách nhiệm.

Dĩ nhiên, vẫn còn một số nhóm phủ quyết có quyền hành hơn các nhóm khác và một số cá nhân có quyền hành hơn người khác. Nhưng xác định xem những người này là ai thì phải được thực hiện lại từ đầu cho thời chúng ta: chúng ta không thể bằng lòng với những giải đáp mà Marx, Mosca, Michels, Pareto, Weber, Veblen hay Burnham[252] đưa ra, dù chúng ta có thể học hỏi từ tất cả họ.

Còn có nhiều hiện tượng ở đất nước rộng lớn này vượt quá sức họ (đương nhiên, cũng vượt quá sức của tôi và các cộng sự). Một ví dụ là quyền lực rộng lớn, cả về chính trị lẫn kinh tế mà Artie Samish[253] có, người được cho là ông trùm nhóm phủ quyết ở California. Samish là một nhà vận động hành lang kiểu mới, người đại diện không chỉ cho một mà nhiều quyền lợi, thường là những quyền lợi đối chọi nhau, từ nhóm lái xe tải đến những người nắn khớp xương chữa bệnh, người kích động một nhóm phủ quyết chống lại các nhóm khác để làm họ lung lay rồi củng cố quyền lực của riêng mình: ông ta đã biết thói định hướng theo người khác của các nhóm phủ quyết có uy tín sẽ dẫn họ đến chỗ làm nảy sinh các nhóm khác qua sự bảo trợ của ông ta ra sao. Vì các đảng kiểu cũ có ít quyền lực ở California, không thể nào đi đến quyết định rạch ròi ủng hộ hay chống riêng một nhóm phủ quyết nào qua hệ thống đảng phái; thay vì vậy, các viên chức nhà nước đã trở nên dựa dẫm vào Samish để có sự ủng hộ tranh cử, hay ít nhất không bị chống đối, qua các nhóm cử tri được ông ta chăn dắt và các đóng góp tiền mặt của họ; vả chăng, ông ta còn biết cách đi trực tiếp tới người dân qua định chế trưng cầu dân ý dân chủ.[254]

Carey McWilliams đã nhận xét rằng quyền lực của Samish vừa dựa vào thể chế bầu cử kỳ lạ của nhà nước vừa vào thực tế là không một ngành nào hay nhóm liên minh các ngành công nghiệp nào, không một công đoàn, không một nhóm sắc tộc hay vùng nào, có địa vị thống trị. Tình hình này rất khác ở một bang như Montana, nơi đồng thau là chủ lực, và ta phải hoặc ủng hộ công đoàn hoặc ủng hộ Anaconda. Nó cũng khác ở bang Virginia, nơi mà, như V.O Key cho thấy trong Southern Politics (Chính trị miền Nam), việc xây dựng hiến pháp nhà nước đã ưu ái quyền kiểm soát của cánh tòa án cũ. Khi xem xét các mức độ phân hóa này, bắt nguồn từ những điểm tế nhị của pháp lý địa phương, cũng như các yếu tố chính trị và xã hội chính yếu, rõ ràng là bất kỳ thảo luận nào về giai cấp và quyền lực trên sân khấu quốc gia bất quá cũng chỉ là một cái gần đúng. Thế nhưng tôi muốn được mạo muội nói rằng Hoa Kỳ nhìn chung giống California trong sự đa dạng của nó – nhưng không có ông trùm phủ quyết – hơn là giống Montana và Virginia trong nét đặc thù của nó. Số nhóm phủ quyết nhiều hơn, và quyền lực lớn hơn của họ, có nghĩa rằng không ai hay nhóm nhỏ nào có thể tập trung quyền hành trên phạm vi quốc gia, thứ mà Artie Samish và, ở thời trước, Huey Long,[255] đã có ở phạm vi địa phương.

Đúng hơn, quyền lực trên sân khấu quốc gia phải được xem xét theo các vấn đề đang tranh cãi. Có thể, với một vấn đề chỉ liên quan đến hai ba nhóm phủ quyết, bản thân họ là thiểu số nhỏ, thì người môi giới chính thức hay phi chính thức trong các nhóm có thể hết sức hùng mạnh – nhưng chỉ ở trong vấn đề đó thôi. Tuy nhiên, khi vấn đề bao hàm cả nước nói chung, thì không cá nhân hay nhóm lãnh đạo nào lại có thể đặc biệt hữu hiệu, vì không thể làm cho các nhóm phủ quyết cực đoan nao núng: không giống như một đảng có thể bị đánh bại tại các cuộc trưng cầu, hay một giai cấp có thể bị một giai cấp khác thay thế, các nhóm phủ quyết bao giờ cũng “trong cuộc”.

Người ta có thể hỏi liệu có ai nhận ra là qua một thời gian dài, các quyết định ở Mỹ đã ưu ái một nhóm hay tầng lớp – theo đó, là nhóm hay tầng lớp cầm quyền theo định nghĩa – hơn so với những nhóm khác. Về lâu dài sự giàu có không tạo ra ảnh hưởng hay sao? Trong quá khứ điều này đã là như vậy; trong tương lai thì tôi không chắc. Tương lai có vẻ như nằm trong tay của doanh nghiệp nhỏ và giới chuyên môn, những người kiểm soát Quốc hội, như các nhà môi giới địa ốc, luật sư, người bán xe hơi, nhà thầu, vân vân; của giới quân nhân kiểm soát quốc phòng, và phần nào của chính sách đối ngoại; của các nhà quản trị kinh doanh lớn cùng luật sư của họ, người trong ủy ban tài chính, và các nhà tư vấn khác quyết định về đầu tư nhà máy, về sự chi phối tốc độ đổi mới công nghệ; của các lãnh tụ công đoàn kiểm soát năng suất của công nhân và lá phiếu của công nhân; của người da trắng sống ở khu da đen miền Nam có phần lợi lớn nhất trong chính trị miền Nam; của người Ba Lan, Ý, Do Thái và Ailen có phần lợi trong chính sách đối ngoại, việc làm của thành phố, các tổ chức tôn giáo và văn hóa dân tộc thiểu số; của những người viết xã luận và người kể chuyện giúp xã hội hóa lớp thanh niên, chòng ghẹo và huấn luyện cho người trưởng thành, mua vui và chọc giận người già; của các chủ nông trại – bản thân họ là một đám xung khắc gồm dân chăn trâu bò, dân trồng ngô, dân trang trại sữa, dân trồng bông, vân vân – những người kiểm soát các bộ và ủy ban trọng yếu, và những người như đại diện còn sống cho quá khứ nội tại định hướng của chúng ta, kiểm soát nhiều ký ức của chúng ta; của người Nga và ở một mức độ ít hơn, là các cường quốc nước ngoài khác kiểm soát phần lớn chương trình nghị sự chúng ta quan tâm; vân vân. Độc giả có thể bổ sung cho đủ danh sách này. Tôi thấy hình như quyền lực ở Mỹ mang tính tùy tình thế và thất thường; nó cưỡng lại những nỗ lực định vị nó theo kiểu một phân tử, trên nguyên lý Heisenberg,[256] nó cưỡng lại các nỗ lực xác định đồng thời vị trí và vận tốc của nó.

Nhưng thiên hạ sợ cái bất định và cái vô định hình này trong vũ trụ học quyền lực. Ví dụ, ngay cả những trí thức, cảm thấy mình hầu như chẳng có quyền lực gì và khiếp đảm trước những người họ nghĩ là có quyền lực, cũng thích bị các cấu trúc quyền lực mà họ hô biến ra làm cho kinh sợ hơn là phải đối mặt với khả năng cấu trúc quyền lực mà họ tin đang tồn tại đã bay biến đi phần lớn. Hầu hết mọi người thích chịu đựng các lý giải đem lại ý nghĩa cho thế giới của họ hơn là ung dung dưới cái hang mà không có một sợi chỉ nào của Ariadne.[257]

Bây giờ cho phép tôi tóm tắt luận cứ trong các chương trước. Người kiểu nội tại định hướng, nếu quan tâm đến chính trị, liên quan với bối cảnh chính trị bằng đạo lý của anh ta, hoặc bằng các quyền lợi đã xác định rõ, hoặc cả hai. Mối quan hệ của anh ta với các ý kiến của mình là gần gũi, không phải ngoài lề. Các ý kiến là phương tiện bảo vệ một số nguyên tắc chính trị nhất định. Chúng có thể căng thẳng và cá nhân, như trong thảo luận chính trị ở các trang đầu cuốn Portrait of the Artist as a Young Man (Chân dung nghệ sĩ như một người trẻ tuổi) của Joyce, hoặc các ý kiến ấy có thể căng thẳng và phi cá nhân như một phương tiện bảo vệ tư cách dân Boston đường hoàng của ta hay địa vị giai cấp khác. Trong trường hợp nào thì ý kiến của ta cũng được cảm thấy là quan trọng và có một mối liên hệ trực tiếp nào đó với thế giới khách quan mà ta sống.

Trái lại, người kiểu ngoại tại định hướng, nếu quan tâm đến chính trị, sẽ gắn bó với bối cảnh chính trị trên tư cách thành viên của một nhóm phủ quyết. Anh ta để cho nhóm bảo vệ các quyền lợi của mình, hợp tác khi được kêu gọi bầu cử, gây sức ép, vân vân. Các chiến thuật áp lực này dường như làm cho ý kiến của anh ta hiển hiện trên bình diện chính trị, nhưng thực ra là giúp anh ta có thể tách khỏi các ý kiến của mình. Không còn hoạt động như một “cử tri độc lập” – phần lớn đấy là một hư cấu dễ chịu ngay cả ở giai đoạn phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng – các chính kiến của anh ta, theo nghĩa thông thường, được cảm thấy là có liên quan tới nhiệm vụ chính trị của anh ta. Do vậy, chúng có thể phục vụ anh ta như một đối trọng xã hội trong vai trò một người tiêu thụ tin tức chính trị trong ngày thuộc nhóm ngang hàng. Anh ta có thể khoan dung với ý kiến của người khác không chỉ vì sự khoan dung theo tính cách học, mà còn vì đấy “chẳng qua chỉ là” ý kiến, có lẽ thú vị hay vui vui, nhưng không có chút nào, nói chi đến toàn bộ, sức nặng cam kết đối với vai trò hay hành động chính trị của anh ta. Vả lại, chúng “chẳng qua chỉ là” ý kiến, bởi vì các nhóm phủ quyết trong giới chính trị ương ngạnh đến mức ý kiến như vậy có cảm giác gần như không liên quan.

Người giáo huấn chính trị kiểu nội tại định hướng có sự kiểm soát chắc chắn – thường quá chắc – đối với cả loạt phán xét mà anh ta sẵn sàng áp dụng bất cứ đâu và bất kể nơi nào. Người dự đoán nội tình kiểu ngoại tại định hướng không thể củng cố riêng phán xét nào bằng xác tín bắt nguồn từ một sắc thái cảm xúc đã được tổng kết và sắp xếp. Có thể lập luận rằng nỗi xúc động kìm nén hay sắc thái cảm xúc vẫn còn đó, vẫn ẩn kín. Học thuyết của Freud thường tiên đoán sự tái hồi của cái bị đè nén. Nhưng hình như khả năng cao hơn là tập tính xã hội vốn luôn mạnh mẽ, và sự áp chế thường xuyên lòng nhiệt tình hay phẫn nộ chính đáng sẽ được người kiểu nội tại định hướng coi là sự suy giảm tự nhiên liên tục khả năng của người kiểu ngoại tại định hướng có các hình thức phản ứng đó. Người kiểu ngoại tại định hướng thậm chí còn có thể khởi đầu là một người kiểu nội tại định hướng đóng vai ngoại tại định hướng. Cuối cùng anh ta lại trở thành vai anh ta đóng, và mặt nạ của anh ta trở thành thực tại lối sống mà anh ta không thể nào tránh khỏi. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.