Đám Đông Cô Đơn
CHƯƠNG XIV: Tư hữu hóa ép buộc: các chướng ngại cho sự độc lập trong vui chơi
Tôi có thể nhận xét… rằng mặc dù trong thuở ban đầu ấy, dường như tôi luôn ước ao được hoán đổi số phận của mình với người khác, ước chừng mình chắc chắn sẽ được lợi từ thỏa thuận này, nhưng theo tôi nhớ, tôi chưa từng ghen tị với những kẻ hạnh phúc hơn đó – trong phạm vi mở ra cho những đứa trẻ giàu ý chí. Nói đúng ra, tôi rõ ràng thiếu sự đam mê và do đó, có lẽ thiếu cả ý chí; vì nếu đúng như tôi nghĩ, lòng ghen tị liên quan đến những thành công mà người ta thấy bạn bè họ có thể đạt được – khi đem so với những thất bại của bản thân – thì, ít nhất dựa theo hiểu biết của tôi, người ta chỉ thấy đố kị đối với những thứ họ có tiềm năng, hay nói cách khác là đối với một thứ hiểu biết phong phú hơn nhiều mà họ suy đoán, chắc chắn thường theo một cách quá tùy tiện, rằng họ được sở hữu.
Henry James, A Small Boy and Others (Cậu bé và người khác)
Vì sự nhàn rỗi ở Mỹ được phân bố vừa nhanh vừa rộng nên nó đã đặt ra cho người Mỹ nhiều vấn đề mới trong lịch sử. Đồng thời, một phần triển vọng nhàn rỗi và vui chơi dành cho những người thuộc kiểu ngoại tại định hướng là: so với trong công việc thì trong lúc vui chơi, người ta dễ dàng phá bỏ một số rào cản về mặt tính cách và thể chế đối với sự độc lập hơn. Vui chơi, còn xa mới bị xếp vào lĩnh vực dư thừa còn lại sau thời gian làm việc và cảm giác làm việc, có thể càng ngày càng trở thành lĩnh vực có mục đích phát triển kỹ năng và năng lực trong nghệ thuật sống. Vui chơi có thể được chứng thực là lĩnh vực vẫn còn chút chỗ trống cho người có tố chất độc lập phục hồi tính cách cá nhân từ các đòi hỏi lan tràn của tính cách xã hội của anh ta.
Phải thừa nhận là chúng ta biết rất ít về vui chơi, một phần là do các định nghĩa văn hóa vẫn thường ưu tiên cho công việc. Từ trước đến giờ, người ta chủ yếu nghiên cứu những vấn đề liên quan đến tính cách xã hội của người sản xuất; mãi gần đây mới dành sự quan tâm tương tự cho người tiêu thụ; và chúng ta vẫn còn phải khám phá người vui chơi. Thế nhưng, liệu có hợp lý không nếu ta gợi ý tìm hiểu về lĩnh vực vui chơi trong khi rất có thể điều đó sẽ thúc đẩy sự can thiệp công khai và có hệ thống vào một lĩnh vực mà theo lý tưởng thì hoàn toàn xứng đáng với sự riêng tư và thiếu hệ thống? Có lẽ thái độ thông đồng im lặng về sự nhàn rỗi và vui chơi chính là cách che chở hiệu quả nhất cho hai thứ ấy?
Thay vì bàn đến những vấn đề vượt quá khả năng của tôi như người ta nên vui chơi ra sao, những người mưu cầu sự độc lập nên vui chơi theo cách nào, tôi sẽ quay sang xem xét các hạn chế đối với sự tự do trong lĩnh vực chơi nói chung.
I. Cự tuyệt sự hòa hợp
Trong chương trước chúng ta đã lưu ý đến sự hòa hợp thái quá dưới dạng cá nhân hóa giả tạo, vốn được áp đặt lên rất nhiều người trong nền kinh tế của chúng ta. Dẫu vậy, tôi không phủ nhận rằng đối với người thuộc kiểu ngoại tại định hướng thì thiếu hụt sự hòa hợp còn nghiêm trọng hơn dư thừa. Sự hiện diện của những người dẫn dắt và ủng hộ là yếu tố sống còn trong toàn thể hệ thống tuân thủ và tự bào chữa của anh ta. Nếu bị tước mất sự hòa hợp đã bắt đầu được tính cách của anh ta thèm khát thì anh ta sẽ không trở thành người độc lập mà chỉ biến thành kẻ vô tổ chức – hành động này cũng giống như tàn nhẫn tước đoạt rượu hay ma túy của người nghiện bằng cách bất thình lình tống giam họ. Hơn nữa, nếu người thuộc kiểu ngoại tại định hướng đang tìm kiếm sự độc lập thì anh ta sẽ không thể một mình đạt được điều đó. Anh ta cần bạn bè.
Người ngoại tại định hướng được xã hội hóa trong một nhóm trẻ ngang hàng giống anh ta ở các chỉ số hữu hình như tuổi tác, màu da và tầng lớp nhưng rất có thể không hề giống anh ta trong các khí chất riêng tư hơn, các sở thích và khả năng tưởng tượng. Nếu biết thích nghi, anh ta sẽ học được cách tỏ ra giống với những người đã được nuôi dạy cùng anh ta, những người đã cùng anh ta học về sự hợp tác, lòng bao dung và cách kiềm chế tính nóng nảy. Trong quá trình này anh ta đã học được cách quên đi các nét tính cách không “xã hội”, không bị ngoại tại định hướng. Nếu vẫn còn duy trì tình trạng bằng vai phải lứa với đồng nghiệp, với những hàng xóm tình cờ, với những người ngang hàng hay có khả năng ngang hàng về địa vị, thì rất có thể anh ta sẽ không nhận ra, hoặc chỉ trong nỗi buồn chán và bứt rứt mơ hồ mới nhận ra, bất kỳ khác biệt nào giữa hình ảnh anh ta có về bản thân và về “người khác”. Ngược lại, nếu bắt đầu nhìn thấy bản thân mình giữa những người hoan nghênh, tán thưởng, hay ít nhất họ cũng không trừng phạt sự bày tỏ và thăm dò những phần cá tính bị chôn vùi này, anh ta có thể sẽ trở nên độc lập hơn.
Song, muốn đạt được bước tiến này, người ta bắt buộc phải có khả năng, cả về mặt tâm lý lẫn thể chế, tìm thấy con đường dẫn đến bạn bè mới, đến nhóm ngang hàng mới hoặc vừa cũ vừa mới.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, tự do lớn hơn trong việc chọn lựa tình bạn khó có thể được coi là phương cách hợp thời nhất để giải quyết các vấn đề mà dân thành thị hiện đại nhận thấy trong sự hòa hợp của họ. Nhiều nhà phê bình đời sống đương đại sẽ đi theo hướng đối lập hẳn, dựa trên giả định rằng không phải người ta có quá ít mà thật ra là có quá nhiều tự do. Một số nhà phê bình này phát biểu dựa trên nền tảng tôn giáo, số khác lại bắt nguồn từ mối lo lắng về tình trạng vô tổ chức ở thành thị. Họ vô cùng băn khoăn trước thực tế rằng mặc dù cứ đôi ba năm lại chuyển nhà nhưng người Mỹ lại không tìm cách đơn giản hóa những cuộc dời chuyển này bằng cách phát triển các phương tiện không gắn kết quá chặt vào các địa điểm cụ thể, ví dụ như xe moóc hay nhà kiểu Buckminster Fuller.[307] Thay vì vậy, họ thường nhồi nhét mọi người vào các cộng đồng quen xây dựng tình bạn đa phần dựa trên quan hệ huyết thống. Họ dễ đồng thuận với quan điểm của nhà quy hoạch đô thị đã nói rằng người ta sẽ tìm thấy mẫu cộng đồng lý tưởng cho nước Mỹ trong những người da đen nông thôn miền cực Nam Hoa Kỳ và người Canada gốc Pháp tại các thôn làng Québec. Về sau qua chuyện trò mới biết bạn bè anh ta cũng ở rải rác khắp hai lục địa. Ở đây chúng ta sẽ nhận thấy các tầng lớp tìm cách áp đặt “cội nguồn” cho các đám đông y như người Dobu cố phù phép giữ cho đám khoai lang, củ từ của họ ở nguyên tại chỗ!
Chúng ta có thể gọi các nhà phê bình này là tân truyền thống. Dường như họ muốn từ chối trao cho người khác các đặc quyền trong xã hội hiện đại mà chính bản thân họ lại vơ vào như một lẽ đương nhiên. Lựa chọn của chính họ là nay thực phẩm Pháp mai đồ ăn Ý; họ chọn các quan điểm từ mọi thời và chọn bạn bè từ mọi nơi; họ thích điêu khắc châu Phi nguyên thủy và Phục hưng Ý, rồi còn đọc sách bằng bốn thứ tiếng. Những thứ này được coi như lợi thế chứ không phải trở ngại; và mỉa mai thay, vì sợ hãi, nôn nóng, a dua và buồn chán nên nhiều người sành sỏi thuộc kiểu ngoại tại định hướng thường bộc lộ nỗi hoài niệm về một thời quá vãng khi họ chẳng thể có được những lựa chọn như vậy. Connecticut Yankee in King Arthur’s Court (Người Yankee xứ Connecticut tại triều đình vua Arthur) của Mark Twain đã thể hiện một nhận thức rõ ràng hơn về nỗi mỉa mai; và Twain, bằng tất cả nỗi cay đắng của mình, đã bộc lộ một tình cảm lành mạnh hơn về con đường quay về.
Tuy nhiên, xét trên nhiều phương diện, bất chấp các giọng điệu phê phán như vậy, sự hòa hợp của người Mỹ, tức là thị trường tình bạn, cũng giống như thị trường hàng hóa Mỹ, là thị trường tự do nhất và lớn nhất thế giới. Cha mẹ chỉ có thể giám sát các mối quan hệ xã hội của con cái ở bên rìa giai cấp và sắc tộc, và họ vẫn được tự do cần mẫn làm điều này. Song, ở tuổi mới lớn, xe ô tô giải phóng nhiều người Mỹ khỏi sự hòa hợp bị cha mẹ giám sát. Đến tuổi trưởng thành, sự thuận tiện đi lại, thống nhất ngôn ngữ và rủng rỉnh tiền tiêu xài đã giải phóng con người để họ tham gia các kỳ nghỉ, tiệc tùng và các chuyến đi tìm kiếm nhiều bạn bè đủ kiểu.
Dẫu vậy thị trường tình bạn ngổn ngang mọi loại phí tổn, về mặt kinh tế, chính trị và văn hóa. Trước tiên, các bất công trong phân phối thu nhập trở nên quy mô hơn, hạn chế khả năng cá nhân tiếp cận hàng tiêu dùng, sự nhàn rỗi và vui chơi. Dù các nền giá được ấn định theo mức tiêu dùng của một số chủ nông trại và công nhân, nhiều người trong số họ chỉ là kẻ ăn không ngồi rồi, nhưng các chủ nông trại và công nhân khác vẫn chưa được bảo hộ bằng các khoản trợ cấp hay thỏa thuận lương bổng, do vậy bị loại trừ khỏi các biến thể “Văn hóa 4-H Club” hay “Văn hóa UAW” của sở thích, sự hòa hợp và vui chơi. Những sự loại trừ và tư hữu hóa này dẫn đến nhiều hệ quả phức tạp cho người bị loại trừ và, nói chung, cho nhóm có nhiều đặc quyền hơn. Đặc biệt, người thuộc kiểu ngoại tại định hướng có thể thấy con đường đi đến sự độc lập của mình đã bị méo mó bởi cảm giác tội lỗi trước người bị loại trừ, bởi sự hạn chế các lựa chọn của bản thân phát sinh từ sự loại trừ đó, và bởi sự sút giảm toàn bộ các tiềm năng vui chơi của nền kinh tế vốn là hệ luận của sự sụt giảm tương tự trong bất kỳ lĩnh vực con nào của nó.
Mặt khác, sự hòa hợp đôi khi bị hạn chế một cách tinh vi và ngược đời bởi chính các nỗ lực đã nhân danh sự khoan dung để vượt qua mọi hàng rào thuế quan và thành lập các hiệp hội có lẽ vẫn bị nền văn hóa chung coi là tội lỗi. Người ngoại tại định hướng, hoạt động cùng một nhóm ngang hàng khoan dung, không được phép mở rộng tình bạn sang các giai tầng rộng hơn theo nhịp độ riêng của mình. Rất có thể, bất thình lình, anh ta được yêu cầu xóa bỏ mỗi lần không chỉ một hàng rào – giả dụ như hàng rào đẳng cấp – mà tận hai, giả dụ như thêm cả hàng rào giai cấp. Ví dụ có thể anh ta buộc phải tiếp xúc với những người da đen thuộc giai cấp thấp hơn, trong khi quan điểm đạo đức chỉ đặt ra cho anh ta vấn đề về màu da. Điều này có thể xảy ra với anh ta đúng lúc anh ta tách mình ra khỏi các nguồn đạo lý thông thường, và do vậy, tách ra khỏi những ép buộc cá nhân cần thiết giúp anh ta duy trì các giá trị bình đẳng chủ nghĩa mới của mình. Ở đây có khả năng anh ta bất chợt cảm thấy hốt hoảng vì buộc phải xóa bỏ các thuế quan trên thị trường tình bạn vốn đã trở nên quen thuộc với nền kinh tế tâm lý của anh ta, và thế là anh ta sẽ phản ứng dữ dội nhằm ủng hộ các chuẩn mực cũ hơn của mình.
II. Hòa hợp và tư hữu hóa ở phụ nữ
Như với “các thiểu số” khác, giáo dục và sự giải phóng một phần đối với phụ nữ đã đặt “đa số” (trong trường hợp này là đàn ông) vào một vị thế nhập nhằng. Họ không còn được che chở trước phụ nữ nhờ một phép xã giao cứng nhắc hay các dàn xếp chính thức khác. Hơn nữa, như trước đây chúng ta đã thấy, phụ nữ đưa ra những đòi hỏi tình dục và để ngỏ các tiềm năng tình dục mà mẹ họ không bao giờ dám mơ tới, hay chỉ có thể mơ tới. Tương tự như vậy, họ đưa ra những đòi hỏi về sự thấu hiểu và tình bầu bạn. Nhưng, vốn đã phải chịu nỗi lo lắng giữa những người hợp tác đối kháng cùng giới, không phải lúc nào đàn ông cũng chào đón sự hợp tác và bầu bạn từ người khác phái mà việc xóa bỏ một thuế quan cũ hơn đã cho phép, và xét trên một phương diện nào đó, đã yêu cầu. Trong khi những cá nhân thuộc kiểu nội tại định hướng, những người vẫn có thể ra vẻ kẻ cả với phụ nữ, kêu ca với tình nhân là vợ không hiểu anh ta, thì trên thực tế đàn ông thuộc kiểu ngoại tại định hướng lại phàn nàn là vợ anh ta hiểu anh ta quá tỏ tường.
Các mối bất an do những người mới được giải phóng gây nên như vậy là một nguyên nhân dẫn đến những cố gắng hiện tại nhằm tái tư hữu hóa phụ nữ bằng cách định nghĩa lại vai trò của họ theo một cách dễ chịu nào đó mang đậm tính gia đình và truyền thống. Nhiều người, cả đàn ông lẫn đàn bà, khá băn khoăn trước cái gọi là sự phân hóa trong gia đình và nhìn lại đầy khát khao cấu trúc gia đình của các xã hội ở giai đoạn đầu trên đường đồ thị dân số. Họ thường không thấy được rằng tỷ lệ ly hôn hiện nay phần nào là một chỉ số cho các đòi hỏi mới về sự hòa hợp và nhàn rỗi đối với hôn nhân của các cặp trung lưu nhạy cảm; rằng các đòi hỏi này không chỉ càng ngày càng cao, trong vấn đề chọn lựa bạn đời, mà như Margaret Mead đã nhận xét, còn bao gồm cả niềm kỳ vọng rằng mỗi người bạn đời đều tăng trưởng và phát triển theo nhịp độ tương đương.[308]
Đúng thế, nhiều cuộc ly hôn là kết quả của hành động thăm dò trên lĩnh vực tình dục mà xã hội nhàn rỗi của chúng ta đã mở ra để những người ngoài giới quý tộc và kẻ vô công rồi nghề, đàn bà cũng như đàn ông, cùng khai thác. Thế nhưng, trong khi bất cứ nỗ lực nào của các nhà tân truyền thống nhằm đóng cửa lĩnh vực tình dục cũng đều có thể góp phần khôi phục sức quyến rũ tội lỗi đã có ở thời trước thì rõ ràng nó lại không đáp ứng được các vấn đề phát sinh từ đòi hỏi lớn hơn của những người thiên về nhàn rỗi đặt ra cho sự lựa chọn bạn bè của họ, trên phương diện giới tính và những mặt khác. Yêu cầu hiển nhiên ở đây là sự phát triển của một mô hình hôn nhân mới có khả năng tìm được cơ hội trong các lựa chọn mà một xã hội nhàn rỗi, tự do ly dị đã mở ra. Vì phụ nữ ít bị tư hữu hóa hơn so với truyền thống nên hôn nhân đã đem lại cho hàng triệu người nhiều thứ hơn hẳn trước đây.
Dẫu vậy, vẫn còn một chặng đường dài trước khi phụ nữ có thể hợp tác bình đẳng với đàn ông trong công việc và vui chơi. Ngày nay, những người đàn ông có thể hòa hợp với phụ nữ một cách dễ dàng, tự nhiên và thích nhóm bạn có cả hai phái hơn cả trong công việc lẫn vui chơi sẽ phải chống chọi với những tàn dư của sự tư hữu hóa trước đây. Trước hết, họ khó lòng tránh nhiều dịp hội họp chỉ toàn đàn ông, nơi trú ẩn của một số người mong muốn tránh khỏi những sự giải thoát mà các quy tắc xử thế hòa nhập hai giới mới đã áp đặt cho họ. Vì giai đoạn phát triển cá tính tuổi thơ ngày càng ngắn đi nên cậu con trai chỉ có thể cứ là con trai từ sáu đến mười tuổi, còn đàn ông trưởng thành cố tạo ra hay giữ lại các giai đoạn phát triển cá tính giả tạo mà trong đó, họ không phải chịu áp lực từ phụ nữ – hay, tệ hơn, từ nhận định của cánh đàn ông về những chuyện kiểu như họ đã thành công thế nào với phụ nữ. Do vậy, cả hai giới đều trải qua các giới hạn, áp lực và tội lỗi của sự giải phóng.
Vì thế, chúng ta không có gì phải ngạc nhiên khi thấy rằng trong các giai tầng xã hội nơi kiểu người ngoại tại định hướng chiếm ưu thế, sự tư hữu hóa vẫn còn diễn ra khá mạnh mẽ ngay cả đối với những phụ nữ thuộc tầng lớp kinh tế cao hơn, và rằng những phụ nữ này, thường là người vui chơi và người tiêu thụ bắt buộc, vẫn chưa giải được các bài toán năng lực lúc vui chơi. Ví dụ như nữ nhân vật chính trong “Let’s Go Out Tonight” đã bị kẹt cứng trong ngôi nhà nhỏ ngoại ô, tách lìa với toàn bộ thị trường tình bạn cả của đàn ông lẫn đàn bà – trừ những người cô có thể gặp gỡ xã giao cùng chồng. Nhiều người dân ngoại ô, ấy là chưa nói đến các bà vợ ở nông trại, còn tệ hơn nhiều. Đức ông chồng lái chiếc xe duy nhất đi làm và bỏ bà vợ như một tù nhân ở nhà cùng đàn con thơ, chiếc điện thoại, đài hoặc ti vi. Những phụ nữ như vậy có thể dễ dàng trở nên thờ ơ đến độ họ vẫn còn là tù nhân tâm lý ngay cả khi các hàng rào vật chất và kinh tế cản trở tính di động của họ đã được dỡ bỏ. Và đến lượt nó, sự tư hữu hóa này lại giới hạn các lựa chọn bạn bè và làm tăng thêm cảm giác tội lỗi của tất cả những người khác.
Như chúng ta đã thấy, chiến tranh đã góp phần xóa bỏ sự tư hữu hóa đối với nhiều phụ nữ sẵn sàng coi những việc làm trong ngành công nghiệp hay các công việc thời chiến khác như một cách thức thực sự cải thiện khả năng hòa hợp họ. Ngay cả trong các trường hợp mà thu nhập không phải vấn đề cốt tử đối với các tiêu chuẩn sinh hoạt ổn định của gia đình, phụ nữ đi làm vẫn thường tìm thấy con đường dẫn đến sự độc lập mà phụ nữ trung lưu thế kỷ 19 hầu như không tìm ra. Tự do cá nhân này đã đặt nền tảng cho sự độc lập tương đối trong vui chơi, ngay cả khi công việc vẫn mang tính thói quen, như đối với hầu hết lao động nữ.
Dĩ nhiên, một số phụ nữ tầng lớp trung lưu và trung lưu lớp trên vẫn có thời gian vui chơi. Những phụ nữ này có thể gia nhập các nhóm ngang hàng gồm những người chơi bài bridge,[309] các hội viên câu lạc bộ làm vườn, hay bất kỳ nhóm tiêu khiển nào khác. Bước chuyển tiếp có vẻ dễ dàng. Cái khó là phụ nữ đang bị xua đuổi khỏi nhiều lĩnh vực trong đó họ dùng các khả năng không chuyên để lấp đầy thời gian nhàn rỗi của mình. Ví dụ, họ không còn được chào đón như các bà chủ hào phóng; các nhân viên xã hội đã chuyên môn hóa lĩnh vực giúp đỡ mọi người khiến cho bất kỳ cuộc đột nhập nào của những kẻ nghiệp dư bác ái cũng đều vấp phải sự phản kháng và oán giận. Tương tự, trừ phi nhận được sự đồng ý, những người nghiệp dư không còn được đóng vai trò hộ lý giúp đỡ các y tá có bằng cấp chuyên môn bằng cách làm các công việc dơ bẩn giùm họ. Họ không thể giúp người khác tận hưởng niềm vui vì công việc ổn định và các sinh hoạt tiêu khiển cũng đã bị chuyên môn hóa. Mặc dù các chi nhánh địa phương của Liên minh Nữ cử tri và Hội Nữ thanh niên Cơ Đốc (Y.W.C.A) có rất nhiều triển vọng phát triển chương trình, có cơ hội kết nối những chương trình này với các nhu cầu địa phương, người ta vẫn khá miễn cưỡng khi thử nghiệm các chương trình cách tân chưa được thử tại nơi khác hay không được các văn phòng quốc gia gợi ý.
Do vậy, tuy có nhiều ngoại lệ quan trọng nhưng dù phụ nữ muốn dồn sức lao động một phần của họ vào đâu thì họ cũng phải đối mặt với một nhóm phủ quyết cùng sự khăng khăng của nhóm đó cho rằng muốn tham gia, họ phải vượt qua các kênh hoặc trở thành cô hầu và người quyên tiền cho những người kiểm soát các kênh này. Và ngay cả việc đi quyên tiền giờ cũng dần được chuyên môn hóa, chỉ còn mỗi chuyện đóng góp tiền là chừa lại cho “người tham gia”. Phản ứng trước tình hình này, phụ nữ hoặc lại chìm trong dửng dưng hoặc, giống như các chị em thuộc tầng lớp lao động của họ, rút ra kết luận rằng chỉ nhờ công việc, một công việc đã được định nghĩa trên phương diện văn hóa, thì họ mới được giải phóng. Thay vì tiến tới độc lập trong vui chơi, một sự độc lập đáng lẽ còn tạo cho họ cơ hội giúp chồng mình, họ lại thường chỉ chồng chất thêm những rắc rối nội trợ lên mọi mối lo âu mà người đàn ông đã phải chịu đựng trong công việc.
III. Hòa hợp trọn gói
Những hàng rào quan thuế được định nghĩa về phương diện văn hóa đứng chi chít trên thị trường tình bạn giữa các nhóm người Mỹ ngang hàng đã hạn chế ngặt nghèo lựa chọn của bất kỳ cá nhân nào nhằm tìm kiếm những người có thể giúp anh ta trở thành người độc lập. Có lẽ nên đề cập đến một ví dụ khác, ấy là xu hướng tự tư hữu hóa ở một số nhóm sắc tộc khác nhau vẫn chưa bị đồng hóa hẳn. Vì ở đây chúng ta phải đối mặt với một sự phát triển khá ngược đời vốn bắt nguồn từ sự thay đổi các ý nghĩa trong thuyết đa nguyên văn hóa đáng ngưỡng mộ.
Kết quả là các áp lực lâu đời hơn đối với việc tiến tới sự Mỹ hóa khiên cưỡng được chúng ta kết nối với nhà định cư đã giảm hẳn. Chỉ các nhóm nhập cư cùng khổ mới đây, như người Mexico và Puerto Rico, là vẫn phải chịu những áp lực như vậy. Tầng lớp lao động da đen, Ý, Do Thái hay Xlavơ ít nhiều được phép tiếp cận chuẩn mực trung lưu Mỹ theo nhịp độ của anh ta. Theo thực tiễn đa nguyên văn hóa, điều này có nghĩa là các nhóm sắc tộc không còn bị thúc giục chấp nhận trọn gói công việc và vui chơi theo cách định nghĩa của “những người Mỹ” nữa. Trái lại, các tộc thiểu số được khuyến khích bổ sung vào tính đa dạng của dân tộc này bằng cách giữ lại các hương vị “di sản chủng tộc” muôn màu muôn vẻ của mình. Như chúng ta đã thấy khi bàn về thức ăn, đây chính là những di sản được các nhóm chiếm ưu thế săn lùng trong quá trình tìm kiếm các dị biệt ẩm thực.[310] Cho đến nay thì mọi chuyện vẫn ổn. Nhưng đồng thời tầng lớp trung lưu và thượng lưu da đen, Ý, Do Thái hay Xlavơ chưa đồng hóa hoàn toàn; anh ta, trong các đặc điểm dễ nhận thấy hoặc trong cảm nhận cá nhân, vẫn là một sắc tộc. Anh ta bị ngăn cản sự tham gia xã hội một cách trọn vẹn vào trong các nhóm ưu thế bởi các rào cản tế nhị và không quá tế nhị. Trong khi đó lãnh đạo các nhóm phủ quyết trong nhóm sắc tộc của chính anh ta lại hối thúc anh ta đón nhận chế độ độc tài đã được phần nào áp đặt cho anh ta từ bên ngoài, “tự nguyện” giới hạn sự hòa hợp trong phạm vi nhóm “riêng” của anh ta và tuân thủ các chuẩn mực của nhóm về cách sử dụng thời gian nhàn rỗi. Điều này cũng được gọi là đa nguyên văn hóa, dù xét trên phương diện cá nhân thì nó lại có tác dụng bó buộc anh ta vào một nền văn hóa duy nhất.
Do vậy, chẳng hạn, trong khi người da đen tầng lớp thấp ở các thành phố lớn miền Nam bị nghèo khổ và phân hóa làm cho thiếu tính linh động thì người da đen trung lưu lớp trên lại trở thành đối tượng để các lãnh đạo thuộc chủng tộc của họ định nghĩa về người da đen, nhất là trong các lĩnh vực chịu sự kiểm soát chủng tộc sâu sắc hơn so với lĩnh vực công việc, ví dụ như lĩnh vực nhàn rỗi. Sự hòa hợp với người da trắng phải gánh chịu khá nhiều rủi ro không chỉ từ phía người da trắng mới được giải phóng mà còn từ áp lực của các nhà lãnh đạo chủng tộc vốn có thể lý giải thái độ thân thiện là quỵ lụy, xu nịnh.
Tương tự thế, mọi nỗ lực theo đuổi nhàn rỗi khác cũng có thể bị vẩn đục đi vì các suy xét có tính chất chủng tộc. Trong một số nhóm xã hội, người da đen trung lưu bị cấm thích nhạc jazz do có nhiều người da trắng tỏ vẻ khinh thường người da đen vì đã sáng tạo ra nhạc jazz; còn ở một số nhóm khác, người da đen có thể buộc phải lấy làm hãnh diện về nhạc jazz hay về Jackie Robinson,[311] cũng như người Do Thái có thể được yêu cầu phải tự hào về Israel hay Einstein.[312] Lại cũng có những người da đen trung lưu không thể ưa nổi dưa gang hay các món ăn khác vốn đã thành một phần trong thực đơn truyền thống của người da đen và dứt khoát không được thích các ngôi sao đại chúng như Rochester hay Amos và Andy. Tương tự, trong khi người Do Thái tầng lớp thấp chẳng mấy để tâm đến các định nghĩa siêu hình học về tính Do Thái thì những người Do Thái đã bị đồng hóa phần lớn lại quỵ lụy trước những kẻ rào giậu văn hóa Do Thái ưa chỉ bảo anh ta nên nhàn rỗi kiểu nào, nên kết bạn với ai. Do vậy, sự hòa hợp trong các nhóm này bị hạn chế vừa bởi áp lực từ bên ngoài đa số, vừa do mệnh lệnh văn hóa từ nội bộ thiểu số. Vậy là vui chơi và hòa hợp được tiêu thụ trong các nỗ lực đầy cảm giác tội lỗi hay bất an nhằm cư xử sao cho phù hợp với các định nghĩa về vị trí của ta trên sân khấu Mỹ, vị trí mà, như một sự mê tín còn rơi rớt lại, cá nhân không thể chấp nhận toàn bộ hay không dám bác bỏ hoàn toàn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.