Đám Đông Cô Đơn

CHƯƠNG XV: Vấn đề năng lực: các chướng ngại cho sự độc lập trong vui chơi (tiếp theo)



Vì ngay khi được phân bố, mỗi lao động đều có một lĩnh vực riêng biệt và độc quyền mà anh ta không thể thoát. Anh ta là thợ săn, ngư dân, là mục đồng hoặc nhà phê bình ưa phê phán, và vẫn phải giữ vai trò đó nếu không muốn mất kế sinh nhai; trong khi đó ở một xã hội cộng sản, nơi không ai có một lĩnh vực hoạt động độc quyền mà mỗi người đều có thể đạt được thành tựu trong bất kỳ lĩnh vực nào mình mong muốn, xã hội điều tiết sản xuất chung và do vậy giúp ta có thể nay làm việc này mai làm việc khác – săn bắn buổi sáng, đánh cá buổi chiều, phê bình sau bữa ăn tối, đúng y như tôi thích, mà chẳng bao giờ thành thợ săn, ngư dân, mục đồng hay nhà phê bình.

Karl Marx, về người nghiệp dư

Tôi biết chơi đàn luýt, sáo, đàn hạc, đàn ống, kèn túi và trống nhỏ. Tôi có thể ném và chụp dao mà không làm mình sây sát. Tôi biết đặt điều nói xấu bất kỳ người đàn ông nào và biết làm thơ tình tặng các quý bà. Tôi biết xê dịch bàn và tung hứng ghế. Tôi biết nhào lộn và trồng cây chuối.

Người làm trò tiêu khiển Trung đại, về người chuyên nghiệp

I. Đánh giá về năng lực trong vui chơi[313]

Tư hữu hóa như một chướng ngại đối với vui chơi nói chung có thể được cho là tàn dư của các thời trước trong đó địa vị thống trị mới đem lại sự nhàn rỗi; quả thực, tình trạng thiếu di động của phụ nữ, trẻ em và tầng lớp thấp hơn đã quay ngược trở lại thời kỳ cách mạng công nghiệp trước đó. Của cải, giao thông vận tải và giáo dục là những yếu tố giải phóng lớn ở đây. Nhưng chúng ta cũng kế thừa cả các chướng ngại đối với nhàn rỗi từ kiểu nội tại định hướng Thanh giáo, các chướng ngại vốn đã phá hủy hoặc làm biến chất toàn bộ hệ thống vui chơi mang tính tập thể trong lịch sử: thể thao, kịch nghệ, lễ hội và các phương tiện thoát ly mang tính nghi lễ khác. Ngay cả các lễ nghi còn duy trì, hay mới được chế ra, như Lễ Độc lập hay Halloween, cũng vấp phải thái độ chỉ trích, thường được miễn nhiễm tạm thời với trẻ em, như chủ nghĩa khổ hạnh Thanh giáo hoặc chủ nghĩa duy lý Thanh giáo. Với nhiều người lớn thì các ngày lễ của chúng ta đã công việc hóa các hành động vui chơi hay tặng quà mà chúng ta không đủ hài hước để chào đón và cũng chẳng có can đảm chối từ; chúng ta biết ngày lễ là những bước đi có tính toán trong nền kinh tế phân phối và rằng các ngày lễ mới, ví dụ như Ngày của Mẹ, đã được áp đặt cho chúng ta – có nhiều “Tuần lễ” được tài trợ vì mục đích thương mại hơn cả số tuần trong một năm. Ở đây Thanh giáo hóa ra lại là một người biếu tặng da đỏ: nó không chỉ trao quyền ưu tiên cho công việc và phân phối mà hơn nữa còn lấy lại các ngày lễ đã hà tiện cho chúng ta. Ai nấy đều biết rõ các vết sẹo mà Thanh giáo đã để lại cho ngày Chủ nhật của dân Mỹ, chứ không chỉ với dân thành phố Philadelphia.[314]

Có thể phải mất một thời gian dài, tổn thất mà vui chơi phải gánh chịu trong thời phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng mới được đền bù. Trong lúc đó thì thời ngoại tại định hướng đã bổ sung thêm các rủi ro mới. Giống như cách tiếp cận nhiều lĩnh vực khác trong đời sống, khi tiếp cận vui chơi, người ngoại tại định hướng không vấp phải sự ngăn cản nhưng cũng không nhận được sự bao bọc của các bậc tiền bối thuộc kiểu nội tại định hướng. Trĩu nặng trách nhiệm đối với tâm trạng của nhóm chơi, anh ta có thể thích cầu viện đến các nghi lễ cố định khách quan, và trong một chừng mực nào đó anh ta đã làm vậy – nhìn chung mọi người thường quan niệm sai lầm rằng dân thành thị Mỹ hoàn toàn không có nghi thức. Đủ thứ thức uống của chúng ta, đủ thứ cờ bài và trò chơi trong nhà, đủ loại thể thao và các trò tiêu khiển quần chúng của ta – thảy đều có thể được sắp xếp theo một loạt từ ít đến nhiều sự riêng tư, từ ít đến nhiều tính dao động, tính cách tân và chủ quan. Dù vậy, vì trách nhiệm của mỗi người trước mọi người, mỗi cá nhân đều phải tham gia cuộc vui và hòa nhập ở mức độ chủ quan giống nhau, can thiệp vào sự hòa hợp ngẫu hứng trong chính nỗ lực khơi dậy nó. Có lẽ, trên hết, lối sống bầy đàn này ngăn cản sự riêng tư mà người ngoại tại định hướng, vốn đã tham gia quá trình cá nhân hóa trong công việc của mình, đòi hỏi (mà thường không ý thức được) trong vui chơi. Chính vì cảm thấy có lỗi nếu không góp vui cho nhóm nên anh ta cần phải học cách phân biệt giữa nỗi cô đơn hoàn toàn có thể hiểu được và thường khiến anh ta sợ hãi với sự riêng tư mà thỉnh thoảng anh ta có thể chọn lựa.

Chúng ta đã thấy rằng ngay từ giai đoạn đầu đời, trẻ em đã ý thức được rằng chúng không được giữ bí mật với người lớn và những người ngang hàng dễ kết thân; và điều này bao gồm cả cách chúng sử dụng thời gian nhàn rỗi. Có lẽ điều này hoàn toàn nằm trong dự liệu của những người ngoại tại định hướng, những người thường quan tâm đến tâm trạng và cách thức nhiều hơn là đến kết quả của hành động, những người nếu bị loại trừ khỏi ý thức của người khác thì còn cảm thấy khổ sở hơn nhiều so với việc bị xâm phạm tài sản hay bị chạm tự ái, và là những người sẵn sàng thể hiện lòng khoan dung đối với gần như mọi hành vi sai trái miễn sao nó không bị giấu giếm trước họ. Có thể cho rằng, những bậc cha mẹ muốn con mình trở thành người độc lập có thể giúp chúng rất nhiều nếu để chúng ý thức được rằng chúng có quyền chọn lựa (bằng cách nói dối nếu cần) giữa các tình huống mà trong đó chúng muốn bày tỏ thái độ thân thiện với người khác và những tình huống trong đó sự thân thiết chỉ đơn thuần là đòi hỏi của một thế lực, cha mẹ hay nhóm. Hiển nhiên, đối với những cá nhân vì muốn được chủ động sử dụng thời gian nhàn rỗi mà cần phải có cả kiểu vui chơi riêng tư đắm chìm trong mơ màng và tràn ngập trí tưởng tượng lẫn kiểu vui chơi xã giao, thậm chí mang tính nghi thức, họ sẽ phải vất vả chống chọi cùng lúc với những sự tư hữu hóa mà chúng ta đã kế thừa và những sự cá nhân hóa chúng ta mới tạo ra.

Đây là những nhận xét rất khái quát và cần phải được bổ sung bằng cách tự nhắc chúng ta nhớ về các hệ quả liên tục, đối với cả công việc lẫn vui chơi, của cuộc Đại Suy thoái. Thời kỳ suy thoái không dẫn đến sự tái định nghĩa công việc mà trái lại còn làm cho công việc có vẻ không chỉ quý giá mà còn khó hiểu – quý giá vì khó hiểu. Điều quan trọng là giờ đây chúng ta đã xem trạng thái có đủ việc làm, thay vì thất nghiệp hoàn toàn hay nhàn rỗi, là mục tiêu kinh tế để chúng ta tuyệt vọng bám vào. Điều này không có gì lạ khi chúng ta nhận ra các cơ hội vui chơi cho người thất nghiệp trong thời kỳ suy thoái mới cằn cỗi làm sao. Chúng ta có thể thấy, một cách rõ rệt nhất, thời đó nhàn rỗi thường được định nghĩa như phần thừa được phép còn lại từ các đòi hỏi của thời gian làm việc. Ngay cả sự bồi thường thỏa đáng về mặt tài chính cũng không loại bỏ được trở ngại tinh thần đối với vui chơi này, cũng y như tiền hưu trí chẳng thể loại bỏ được cản trở đó cho những người lớn tuổi bị về hưu bắt buộc. Bởi vì uy tín công việc có tác dụng như một phù hiệu trao cho người giữ nó quyền thu hút các nguồn lực xã hội. Ngay đứa trẻ mới lớn từng tham gia quá trình “sản xuất bản thân” cũng thấy khổ sở trong lòng nếu không thể chứng tỏ rằng cậu ta đang làm việc hay học hành cần mẫn cho các mục tiêu công việc được định nghĩa hạn hẹp. Tóm lại, nếu nhóm chung lại lớp trẻ, người thất nghiệp, người già nghỉ hưu, người nội trợ và những kẻ ăn không ngồi rồi mang đầy cảm giác tội lỗi, ấy là chưa kể “người giàu ăn không ngồi rồi”, thì chúng ta có thể có rất nhiều người, trong vô thức, ít nhiều cảm thấy không thoải mái khi vui chơi – vì theo định nghĩa văn hóa thì quyền vui chơi thuộc về người lao động.

Chính bước tiến công nghiệp từng mang đến cho chúng ta một sự tự do khỏi công việc đôi khi không chịu nổi cũng có tác dụng đưa tính chuyên môn hóa chưa từng có vào lĩnh vực vui chơi, với các hệ lụy mơ hồ tương tự cho nhiều người chơi thất nghiệp vì công nghệ. Trong những khả năng đa dạng của người nghệ sĩ Trung đại mà lời nói được trích dẫn ở đầu chương này, có một số tài nghệ điêu luyện dễ thương. Nhưng ngày nay người ta khó lòng cho chàng ta làm diễn viên chính trong chuỗi rạp hát RKO hay truyền hình, và chàng ta chắc chắn cũng sẽ không đủ tài để gia nhập đoàn xiếc Ringling Brothers. Diễn viên nghiệp dư phải cạnh tranh với những người chuyên nghiệp có chuyên môn cao chưa từng có – liệu anh ta có thể chỉ vẽ cho Laurence Olivier cách đóng Hamlet[315] trong khi chính chàng Hamlet đã chỉ cho đám diễn viên chuyên nghiệp cách không làm điều đó? Ở Phần I, chúng ta đã thấy rằng, trong khi người thuộc kiểu nội tại định hướng giữ khư khư năng lực người chơi của mình ít nhất trong các lối thoát hạ cấp, thì rẽ ngả nào người thuộc kiểu ngoại tại định hướng cũng phải đối mặt và bị áp đảo trước sự điêu luyện của truyền thông.

Do vậy, có vẻ nhiệm vụ khôi phục năng lực cho vui chơi gần như, nếu không nói là hoàn toàn, khó ngang nhiệm vụ khôi phục năng lực cho công việc. Mặc dù một thay đổi trong quan hệ thu nhập, hay thậm chí trong tổ chức công nghiệp, có thể mang lại nhiều công bằng hơn cho sự phân phối thời gian nhàn rỗi và làm vơi bớt cảm giác tội lỗi, nhưng tự nó lại không thể dạy cách vui chơi cho những người trong lịch sử đã quên mất cách chơi và những người đã chuyển giao việc kinh doanh cho các nhà chuyên môn. Thế thì liệu chúng ta có đúng không khi cho rằng vui chơi đem lại cho người độc lập bất kỳ kênh nào dễ dàng hơn so với công việc; chẳng phải cả hai đều “lạc lõng” ngang nhau sao?

Theo tôi, cũng chẳng có gì phi lý khi tin rằng, mặc dù gần như chưa được công nhận nhưng nhiều kiểu năng lực đã được xây đắp trong quá trình vui chơi của người ngoại tại định hướng, trong khi đối mặt với mọi trở ngại mà chúng ta đã liệt kê. Một số kỹ năng này, như sự lành nghề, có các nền tảng cũ; còn số khác, như tiêu thụ, lại có các khía cạnh mới. Ngay cả việc trao đổi sở thích, sản phẩm vô hình từ sự kết hợp công việc-vui chơi của nhóm ngang hàng thuộc kiểu ngoại tại định hướng, cũng có thể được xem là nền tảng luyện tập cho sự nhàn rỗi. Có lẽ trong vui chơi còn có nhiều năng lực hơn so với ta vẫn tưởng – ít thụ động, ít méo mó, ít tồi tàn hơn nó vẫn thường bị buộc tội.

II. Các hình thức năng lực

GIỚI TIÊU THỤ: KHÓA SAU ĐẠI HỌC

Phương tiện truyền thông đại chúng đóng vai trò tương tự cẩm nang về cách tiêu thụ, và nếu muốn tìm kiếm dấu hiệu dự báo, chúng ta có thể bắt đầu từ đó. Theo tôi nghĩ, một triệu chứng là gần đây có những bộ phim có thể hiểu là đang khuyến khích những phong cách mới trong nhàn rỗi và trong tinh thần gia đình của cánh đàn ông – với hàm ý nếu thoát khỏi nhóm ngang hàng, họ sẽ được gia tăng năng lực người tiêu thụ và có thêm can đảm phát triển tới sự độc lập. Trong Letter to Three Wives và Everybody Does It, nhân vật chính (Paul Douglas) được khắc họa là một người mưu cầu quyền lực đầy nam tính thực hiện “bước nhảy vượt giai cấp” – cú nhảy từ tầng lớp trung lưu lớp dưới sang lớp trên vẫn thúc đẩy khá mạnh mẽ đời sống kinh tế và xã hội của chúng ta. Người vượt tầng lớp, bị kẹt giữa một nhóm ngang hàng bị anh ta bỏ lại và một nhóm ngang hàng khác vẫn chưa cho anh ta hòa nhập, thường tỏ ra bất an và thôi thúc quá độ đến nỗi không thể trở thành ứng cử viên thích hợp cho tính độc lập. Ban đầu Douglas mang nét thiếu nhạy cảm và cứng nhắc rập khuôn theo kiểu nội tại định hướng, nhưng cuối cùng anh ta lại phát hiện ra nhiều góc độ mới trong những cảm xúc phức tạp của mình khi bắt đầu ý thức được (trong Everybody Does It) rằng tài năng ca hát mà người vợ tương lai của anh ta, vốn là một nữ ca sĩ quảng giao, đang tìm kiếm thực ra lại thuộc về chính anh ta. Khám phá này có thể minh họa cho thực tế rằng đàn ông không còn phải giao phó sự nhạy cảm nghệ thuật cho các bà vợ đang theo đuổi văn hóa như một địa vị hay nghề nghiệp, nhưng họ có thể làm thế nếu muốn sự nhạy cảm ấy thành một phần năng lực của mình – một chuyển biến mới (hẳn phải được James M. Cain[316] cùng các nhà soạn kịch hiểu rất rõ) trong thế tiến thoái lưỡng nan kịch tính cũ xưa của người đàn ông thỏa mãn và vượt xa các chuẩn mực hào hoa phong nhã của nhóm ngang hàng thượng lưu mới của mình.

Thế nhưng các hài kịch phong tục khác gần đây cũng bàn đến, dưới góc độ khác, một chủ đề tương tự về năng lực không liên quan đến nhóm ngang hàng. Với sự đồng cảm, họ khắc họa phong cách của một người đàn ông tự ban cho mình niềm vui sướng được là người hiểu đời, tự học, lập dị, gần như độc lập. Chẳng hạn như trong loạt phim Mr. Belvedere, ai cũng có thể thấy Clifton Webb là một trí thức không tuân theo các quy tắc xã hội và là chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào thu hút tâm trí của anh ta. Thế nhưng, giống như Beatrice Lillie, anh ta chỉ thể hiện được tầm kỹ năng và năng lực của mình trong các tình huống được xã hội cho phép có mức độ cá nhân chủ nghĩa cao; và anh ta được phép tạo ra phong cách cá nhân ngoạn mục chỉ nhờ sự khéo léo đến kinh ngạc của mình. Ở một mức độ nào đó, thông điệp của loạt phim Belvedere khác hẳn với loạt phim Douglas, trong đó tính diễn cảm cao được coi như một thứ gia vị cuộc sống hấp dẫn dành cho người trung lưu lớp trên bình thường chứ không dành cho người phá vỡ khuôn phép. Nhưng xét trên bình diện khác, hai kiểu chân dung này lại giống hệt nhau. Cả hai dường như đang bộc lộ, trong số tất cả những điều thú vị khác mà họ thể hiện, rằng quyền lực của người ngang hàng có thể bị vượt qua. Cả hai mô tả tính cách này đều cho cá nhân quyền thăm dò và xây dựng cá tính cùng sự nhạy cảm của riêng mình bằng một năng lực nhàn rỗi-lao động vượt ra khỏi các đòi hỏi của nhóm ngang hàng.

Chắc chắn các nghệ sĩ lớn của giới truyền thông đại chúng, kể cả đạo diễn, nhà văn và những nhân vật hậu trường khác có vai trò “tạo ra” và lăng xê các nghệ sĩ, đã có một đóng góp quan trọng cho tính độc lập. Những người thuộc ngành giải trí, trong lĩnh vực truyền thông của họ, ngoài lĩnh vực truyền thông của họ và trong xứ sở thần tiên nằm giữa hai lĩnh vực đó, đã gây ra một áp lực thường xuyên đối với những nhóm ngang hàng đã được chấp nhận, đồng thời đã gợi ý các phương thức mới để thoát khỏi nhóm. Các nhà phê bình điện ảnh Mỹ sắc sảo nhất rất có thể dễ dàng quên điều này. Mải mê chú mục vào các thất bại sờ sờ về phẩm chất trong phim Hollywood, đôi khi họ bỏ qua điểm mấu chốt là phim ảnh đã nhân lên hàng triệu lần các lựa chọn phong cách sống và nhàn rỗi sẵn có. Trong quá trình bắt chước, ngay cả người hâm mộ học đòi cung cách tự nhiên của Humphrey Bogart[317] hay niềm kiêu hãnh can trường đầy nghị lực của Katharine Hepburn[318] cũng có thể tự giải phóng bản thân khỏi một nhóm ngang hàng đầu óc hẹp hòi. Hay, lấy một ví dụ khác, dường như tính đa nghi kỳ quái, ngông ngạo của W.C Fields[319] đã khuyến khích nhiều khán giả của ông hồ nghi các giá trị không phải bàn cãi của tính thân thiện và hòa nhã. Tôi tin rằng phim ảnh, trên nhiều phương diện bất ngờ, chính là các tác nhân giải thoát, và chúng cần được bảo vệ trước sự phê bình bừa bãi đậm tính sách vở cũng như trước nhóm phủ quyết luôn trực sẵn vốn mong muốn phim ảnh hướng dẫn cho khán giả mọi phẩm chất tốt đẹp đáng ca ngợi mà gia đình và nhà trường đã không truyền tải được.

Một trong những phẩm chất này là sự hoạt động hiểu theo nghĩa thông thường, và sự chối bỏ hiện nay đối với phim ảnh tượng trưng cho sự chối bỏ phổ biến đối với nền văn hóa đại chúng được cho là thụ động của chúng ta. Ngược lại, các nhà phê bình rất có thể đặt cược vào các hoạt động mang tính cá nhân chủ nghĩa và bao hàm sự tham gia cá nhân. Ví dụ như công việc thủ công.

CÁC TRIỂN VỌNG CHO CÔNG VIỆC THỦ CÔNG

Loạt phim “Belvedere” phảng phất nét châm biếm đối với năng lực và công việc thủ công, y hệt The Admirable Crichton(Ngài Crichton đáng kính) châm biếm năng lực và giai cấp. Ngày nay những người làm công việc thủ công thường có vẻ lập dị vì sự tận tụy cuồng tín mà họ dành cho công việc hay sở thích riêng của mình; ông Belvedere mang đủ loại kỹ năng chuyên môn ra để khoe khoang thích thú, nhắc đi nhắc lại sự lập dị của mình. Theo hướng này, lối sống của ông là một cách giải thích mới cho vấn đề liệu ở Mỹ, năng lực trong sở thích riêng và trong nghề thủ công có đang giảm sút hay không. Hiển nhiên, lần đầu tiên trong đời, rất nhiều người có thời gian nhàn rỗi và sự khích lệ để theo đuổi các nghề thủ công mà trước đây họ chưa từng làm. Người ta nói rằng trong đội ngũ công nhân nhà máy Hawthorne thuộc Công ty Điện miền Tây, có hàng nghìn người làm vườn tích cực, hăm hở; rằng hằng năm họ đều tổ chức một cuộc trình diễn sở thích riêng khá hoành tráng cả về quy mô và phong cách; rằng phân xưởng góp phần quy tụ các nhiếp ảnh gia, thợ khắc gỗ, người tạo mô hình nghiệp dư – vô số sở thích riêng hiện đại – dĩ nhiên, chưa kể đến các môn thể thao thông thường, nhạc và các nhóm kịch. Nhưng không có thống kê nào cho thấy liệu có phải các sở thích từng được theo đuổi riêng tư giờ đây đơn giản là được tiếp quản như một phần chương trình của ban quan hệ công nghiệp tích cực và nổi tiếng thế giới hay không. Ngoài một số tác phẩm mang tính thăm dò kỹ lưỡng như của Lundberg, Komarovsky và cuốn sách của McInerny, Leisure: a Suburban Study (Nhàn rỗi: một khảo sát vùng ngoại ô), chúng ta thậm chí còn không biết sự nhàn rỗi của những người giống như dân làm nghề thủ công ở Mỹ ngày nay liệu đã mở mang thêm các ý nghĩa mới hay chưa.

Dường như không có gì đáng bàn cãi khi cho rằng việc sử dụng thời gian nhàn rỗi của người làm công việc thủ công có những tương hợp nhất định với toàn bộ lối sống của người phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng: sự chú tâm của họ vào độ cứng của vật chất, sự thờ ơ tương đối và sự thiếu rèn luyện trước các hình thức trao đổi sở thích phức tạp hơn trong nhóm ngang hàng. Hơn nữa, nếu đã đưa vào sở thích riêng một số thôi thúc công việc dư thừa, người kiểu nội tại định hướng có thể thấy sự duy trì năng lực kỹ thuật của anh ta trực tiếp phản chiếu vào giá trị bản thân anh ta trong công việc, biến anh ta thành một người tự chế tạo dụng cụ giỏi hơn và sáng tạo hơn chẳng hạn. Ngay cả ngày nay, với nhiều công nhân lành nghề, sự trao đổi giữa xưởng “sở thích riêng” ở nhà và hộp thư góp ý ở nhà máy không hề là một cung cách truyền thống đã bị lãng quên. Nhưng kỹ năng chuyên môn được coi trọng hơn bao giờ hết vì giá trị tự thân của nó, như trong trường hợp họa sĩ ngày Chủ nhật.[320]

Trong một nền kinh tế tiên tiến và có chăm lo tới mong muốn của những người chống lại sản xuất đại trà, bước ngoặt hướng tới các sở thích về công việc thủ công có các vấn đề riêng. Tính bảo thủ của người làm nghề thủ công – ở khía cạnh này, là một phần trong chủ nghĩa bảo thủ của chính sự vui chơi – nhận thấy các lý tưởng về năng lực của nó thường xuyên bị đe dọa bởi hàng loạt dụng cụ cơ khí và thành phẩm xuất phát từ sở thích riêng có khả năng khiến kẻ nghiệp dư trông chẳng khác gì người chuyên nghiệp. Người làm nghề thủ công tại gia với các hoài bão kỹ thuật cao sẽ thoải mái hơn nếu có dụng cụ cơ khí. Nhưng bao nhiêu người có thể giữ được lòng nhiệt tình tự phát dành cho công việc thủ công trong khi phải đối mặt với cám dỗ có máy móc để hoàn thành công việc tốt hơn?

Một số điểm mơ hồ của sở thích nghề hiện nay phụ thuộc vào dụng cụ cơ khí đã được minh họa bằng một nghiên cứu về những người mê ô tô – nhất là những người mê xe hot rod.[321] Trong lĩnh vực này, phạm vi tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết kế rộng đã mang lại cơ hội thử sức cho cả người nghiệp dư mới vào nghề lẫn các tay đua xe bán chuyên nghiệp, trong khi tất cả những người có sở thích riêng đều được thoải mái làm việc trong nghề hàn trình độ cao có truyền thống lâu đời của Mỹ. Năng lực và trí tưởng tượng bốc hừng hực giữa những thanh niên phóng xe Ford cải tiến và Chevrolet cải tiến trên các đường đua Dry Lake ở Viễn Tây, trong một cuộc cạnh tranh thường trực với các tiêu chuẩn sản xuất đại trà của hãng xe Detroit. Trong các nhóm này tồn tại một thái độ tích cực và phê phán đối với xe hơi Detroit theo cách nó được sản xuất hiện nay, hay theo cách nó đã được sản xuất cho đến gần đây. Ở đây, thật đáng kinh ngạc, sản phẩm thương mại hàng đầu của đất nước, xe hơi Detroit, còn lâu mới hất cẳng hoạt động nghiệp dư mà chỉ kích thích, có lẽ thậm chí còn khiêu khích nó. Hơn nữa, đối với các cá nhân độ lại xe hơi theo các tiêu chuẩn sáng chế của riêng mình, rõ ràng họ không hề lợi dụng bất kỳ nguồn lợi xã hội đáng bàn cãi nào để theo đuổi nhàn rỗi mà chỉ đang “làm cho bản thân” với những phụ tùng và sự trợ giúp anh ta có thể huy động được nhờ một nguồn quỹ ít ỏi. Chính sự dè xẻn phương tiện của anh ta đã góp phần đem lại cho quá trình này bầu không khí phấn khích và năng lực cao.

Nhưng lĩnh vực này cũng đang trở nên chuyên nghiệp hóa và chuẩn hóa. The Hot Rod, tạp chí được lập ra nhằm phục vụ cho một bộ phận đang ngày càng đông gồm những người có sở thích riêng là ô tô (đồng thời chuẩn hóa sự tự nhận thức về bản thân của họ), cho biết việc cung cấp phụ tùng và dụng cụ cho giới nghiệp dư đang trở thành một ngành kinh doanh lớn – khoảng 8.000.000 đô la vào năm 1948. Trong lúc đó Detroit đã tìm cách tiếp cận được nhiều quan điểm của người mê xe hot rod về máy phát điện, nếu không muốn nói là quan điểm về thân xe tối giản.

Chúng ta thấy người mê xe hot rod có nguy cơ phải gánh chịu cùng số phận đã xảy đến với các hình thức năng lực nghiệp dư khác, không chỉ trong lĩnh vực nghề và sở thích riêng, mà còn cả trong lĩnh vực trao đổi sở thích và phê bình, như chúng ta sẽ thấy ở ví dụ về nhạc jazz dưới đây. Những ai mưu cầu sự độc lập bằng cách theo đuổi một công việc thủ công sẽ phải để mắt đến các nhóm ngang hàng (chứ không phải nhóm gần gũi với họ) và đến thị trường, nếu không phải vì lý do gì khác thì cũng là để tránh xa đường của các đối tượng đó. Nhưng rồi điều này có thể lôi kéo họ vào cuộc tìm kiếm kiên trì những khó khăn trong việc thực hiện và vốn từ vựng riêng tư (xét trên một số phương diện, giống như các “bí quyết” của thợ thủ công Trung đại) để vượt ra hẳn sự xâm lấn đầy đe dọa của đám đông. Tiếp đó rất có thể cái được khởi đầu ít nhiều mang tính ngẫu hứng cuối cùng lại chỉ đơn thuần là sự dị biệt hóa biên tế nhưng lại đòi hỏi nhiều nỗ lực, khi mọi gốc rễ của trí tưởng tượng đều bị nhổ bật bởi một mối bận tâm thuần kỹ thuật. Nghịch lý của công việc thủ công, và của nhiều trò vui khác là ở chỗ, để đạt được tầm quan trọng như một thứ làm bay bổng trí tưởng tượng thì nó phải “thực tế”. Nhưng mỗi khi một người làm công việc thủ công vun đắp được một năng lực đích thực thì anh ta cũng thường làm xuất hiện một ngành nghề và một tổ chức để lung lạc năng lực ấy hay ít nhất cũng chuẩn hóa nó.

Người có công việc hằng ngày là bàn tay niềm nở có thể thường xuyên tìm thấy lại cả tuổi thơ lẫn tàn tích nội tại định hướng của mình nhờ công việc thủ công đích thực. Một người trong ngành quảng cáo, suốt ngày bận tâm về cá nhân hóa, có thể dành các kỳ cuối tuần trong sự tĩnh lặng mang vẻ người làm thủ công của một xưởng đóng thuyền hay trong một cuộc đua thuyền – cuộc theo đuổi mang tính nội tại định hướng nhất, từng tay đua riêng lẻ vút tới mục tiêu một cách độc lập như thể được bàn tay vô hình dẫn dắt! Thế nhưng rõ ràng là những người chơi này có thể xác định vị trí của mình trong phạm vi các hoạt động thủ công khả dĩ vì những lý do chẳng dính dáng gì đến cuộc tìm kiếm năng lực hoặc mục tiêu xa vời hơn là sự độc lập.

Điều quan trọng là thấy được các hạn chế ở giải pháp công việc thủ công, bằng không chúng ta có thể thấy muốn bỏ thêm vốn vào đó nhiều hơn mức bảo đảm. Cám dỗ này đặc biệt mạnh trong số những ai cố giải quyết thách thức của thời gian nhàn rỗi hiện đại bằng cách lấp đầy nó với các phong cách chơi rút từ quá khứ châu Âu hay Mỹ. Quả thực, ngày nay có một xu thế phổ biến là nhắc nhở người Mỹ đề phòng trạng thái ung dung thư thái trong nệm êm sung túc, trong các thú tiêu khiển mềm lụn dễ xơi của văn hóa đại chúng, trong thú vui quán rượu và quán coca, vân vân. Trong các cảnh cáo này bất kỳ sự nhàn rỗi nào có vẻ dễ dàng thì đều khả nghi, mà công việc thủ công thì không có vẻ dễ dàng.

Người kiểu ngoại tại định hướng trong các giai tầng xã hội lớp trên thường tìm thấy một sức hút nào đó khi về phe với nghề thủ công chống lại tiêu thụ. Nhưng nói chung người kiểu ngoại tại định hướng vấp phải ngõ cụt khi cố thích nghi những phong cách trong nhàn rỗi của mình theo những phong cách phát triển từ một tính cách trước đó và một hoàn cảnh xã hội trước đó; trong quá trình này gần như chắc chắn anh ta sẽ trở thành một biếm họa. Khuynh hướng phục hưng này đặc biệt rõ ở kiểu người có sở thích riêng là nghề thủ công hao công tổn sức mà ta có thể gọi là vũ công dân gian. Vũ công dân gian thường là người kiểu ngoại tại định hướng ở thành thị hay ngoại ô, khi tìm kiếm một thái độ nội tại định hướng, anh ta trở nên có vẻ nghệ sĩ và nghệ thuật trong các thú tiêu khiển và sở thích tiêu thụ của mình. Anh ta trở thành rất bản địa, có hoặc không có các biến thể vùng miền. Anh ta dứt bỏ mọi phương tiện truyền thông đại chúng hết mức có thể. Từ sau bục giảng là chiếc xe đạp Anh của mình, anh ta công kích không biết chán thứ vải lông và vỏ crôm của xe hơi đời mới. Anh ta tự hào là không nghe đài, còn ti vi là ngáo ộp đối với anh ta.

Làn sóng thịnh hành các vũ công dân gian là minh chứng đích thực cho cuộc tìm kiếm thú nhàn rỗi đầy sáng tạo, đầy ý nghĩa của mọi người, cũng như sự phục hưng của nghề thủ công. Vũ công dân gian muốn cái gì đó hay hơn nhưng không biết tìm nó ở đâu. Anh ta từ bỏ các khả năng không tưởng của tương lai bởi vì, do căm ghét hiện tại nước Mỹ, như cách anh ta hiểu nó, anh ta buộc phải cầu đến cuộc gắng công vô ích là làm sống lại quá khứ châu Âu hay Mỹ như một mẫu mực vui chơi. Như nhiều người khác mang “tổ tiên trong mình” có một tính cách và ý thức hệ nội tại định hướng, anh ta sợ sự nhàn rỗi như trận núi lở hiểm nghèo đang ập xuống đầu người Mỹ.

Trong nỗi sợ hãi này vũ công dân gian là anh em bà con với một số nhà phê bình cùng thời khác, những người mà, dù thật lòng quan tâm đến tính độc lập, nhưng không mong tìm thấy nó trong vui chơi – ngay cả, phần lớn, trong vui chơi nhọc nhằn ở nghề thủ công hay thể thao. Các nhà phê bình này ủng hộ vũ công dân gian hơn; họ trông vào kinh nghiệm về nỗi khó nhọc bắt buộc trong công việc, hay thậm chí tai ương cá nhân và xã hội, như nguồn duy nhất khả thi cho sự gắn bó nhóm và sức mạnh cá nhân của tính cách. Họ thấy con người có thể huy động và phát huy các nguồn lực của mình chỉ trong một hoàn cảnh cực đoan hay ở trên ranh giới, và họ sẽ xem chương trình đời sống nhàn nhã của tôi trong một nền kinh tế nhàn rỗi như là mời gọi sự suy đồi tâm lý và mối nguy cho xã hội. Căm ghét “cái mềm mỏng của nhân sự” – không thấy điều này đại diện cho một tiến bộ tính cách học biết chừng nào – họ muốn ép khôi phục “độ cứng của vật chất” (trong những trường hợp cực đoan, thậm chí còn cậy đến chiến tranh).[322]

Tai ương đôi khi khơi dậy các khả năng tiềm tàng không ai biết ở mọi người – các khả năng mà bấy giờ có thể dùng để tiến xa hơn nữa đến độc lập – đó là điều không thể phủ nhận. Căn bệnh hiểm nghèo có thể cho một người được nghỉ ngơi, cho anh ta thời gian để mơ màng và phân giải. Anh ta có thể bình phục, như nhân vật chính Laskell trong tiểu thuyết của Lionel Trilling, The Middle of the Journey (Giữa cuộc hành trình). Anh ta có thể chết, như tay viên chức Nga trong truyện ngắn của Tolstoy, “Cái chết của Ivan Ilyitch”, kẻ mà khi gần chết, lần đầu tiên trong đời đối mặt bản thân và cuộc đời phí phạm của mình một cách trung thực. Và vết cắt của cuộc chiến tranh vừa qua đã đem lại bằng chứng lặp lại rằng không chỉ các cá nhân mà toàn thể các nhóm, toàn thể cộng đồng đều có thể tận dụng gian khó, những khi gian khó ấy không quá áp đảo. Một ví dụ được Robert K. Merton, Patricia Salter West và Marie Jahoda thuật lại trong công trình nghiên cứu (chưa xuất bản) về một cộng đồng nhà ở của công nhân thời chiến ở New Jersey. Công nhân thời chiến thấy mình sống trong một đống hỗn độn xây cất cẩu thả, không có các tiện ích cộng đồng, không có hệ thống thoát nước, không có cửa hàng. Bị hoàn cảnh thách thức, họ phản ứng lại bằng sự ứng biến đầy nghị lực và, bất chấp mọi trở lực, xoay xở tự gây dựng cho mình một cộng đồng tươm tất, sống được và thậm chí còn sống động. Đoạn kết gây cụt hứng thì lại quen thuộc: cộng đồng này, khi đã vượt qua được vấn đề lớn là tồn tại đơn thuần rồi, liền trở nên kém thú vị để sống, cửa hàng hợp tác của họ, dựng lên bằng nỗ lực khéo léo và giàu nghị lực, đã sụp đổ.

Nghiền ngẫm lại những ví dụ ấy, người ta sẽ nhận ra rằng các trường hợp khẩn cấp trong một xã hội hiện đại sẽ giúp gây dựng các kiểu xã hội mà mọi người có thể dồn sức vào một cách chính đáng. Người ta cần sự biện minh và, vì kiểu nội tại định hướng suy yếu đi, sẽ tìm nó trong hoàn cảnh xã hội hơn là ở chính mình. Các du khách châu Âu và châu Á nói với người Mỹ rằng [người Mỹ] chúng ta phải học cách hưởng thụ nhàn rỗi; họ hết chỉ trích chủ nghĩa lý tưởng Thanh giáo của chúng ta đến chỉ trích cái gọi là chủ nghĩa duy vật, một sản phẩm phụ của nó. Điều này không hữu ích gì lắm: vì nếu muốn trở thành người độc lập, chúng ta phải tiếp tục trong sự hài hòa với lịch sử và tính cách của mình, và hai thứ này giao cho chúng ta một loạt nhiệm vụ phát triển và thú vui nhất định. Thế thì, điều chúng ta cần là một sự giải thích lại, nó sẽ giúp chúng ta tập trung vào sự phát triển tính cách cá thể mà những đòi hỏi Thanh giáo không còn cần tới để khuyến khích tổ chức chính trị và công nghiệp. Chúng ta cần nhận ra rằng mỗi đời người là một ca cấp cứu, chỉ xảy ra có một lần, và việc “cứu” nó, về mặt tính cách, biện minh cho sự chăm chút và gắng gỏi. Vậy thì có lẽ chúng ta sẽ không cần gây chiến hay nổ súng vì nỗ lực hằng ngày của đời sống tự nó chưa đủ thách thức, hay vì các mối đe dọa và đòi hỏi bên ngoài có thể gây mê giùm chúng ta thoát khỏi nỗi lo âu về phẩm tính và ý nghĩa của tồn tại cá nhân.

PHÊ BÌNH MỚI TRONG ĐỊA HẠT THỊ HIẾU

Nghề thủ công, dù có thể đóng vai trò gì trong sự nhàn rỗi của cá nhân hay nhóm, rõ ràng không phải là một giải pháp trọn vẹn cho vấn đề nhàn rỗi ở những người độc lập tương lai. Trong khi người kiểu nội tại định hướng có thể khuây khỏa với các theo đuổi này, thì người kiểu ngoại tại định hướng đi tìm độc lập chẳng có cách nào khác ngoài bước vào và trải qua – để rồi vượt lên trên – những trao đổi sở thích, quá trình điển hình mà người kiểu ngoại tại định hướng dùng để gắn bó với các nhóm ngang hàng. Một khi vượt qua giai đoạn này rồi thì anh ta sẽ có thể đánh giá và phát triển các chuẩn mực sở thích riêng, thậm chí phê bình các hoạt động tạo ra sở thích trong xã hội nói chung.

Chúng ta đã bàn mặt tiêu cực của quá trình này: ví dụ, thực tế là người kiểu ngoại tại định hướng cảm thấy một sai lầm về sở thích giống như một điều làm xấu lây cho cái tôi của mình, hay ít nhất cho cái anh ta quan niệm là phần quan trọng nhất trong cái tôi của mình, cái rađa của mình, và do vậy việc trao đổi sở thích thường là phiền nhiễu và tuyệt vọng. Nhưng giờ đây chúng ta phải xem xét mặt tích cực của quá trình trao đổi sở thích: thực tế đấy còn là một thí nghiệm vĩ đại, có lẽ là thí nghiệm chiến lược nhất, về giáo dục người lớn ở Mỹ. Thị hiếu của các bộ phận dân cư tiến bộ nhất càng được khuếch tán nhanh chóng hơn – có lẽ tạp chí Life là tác nhân nổi bật nhất trong quá trình này – đến các giai tầng trước đây bị loại trừ khỏi tất cả chỉ trừ có bài tập sơ đẳng nhất là sở thích, và bây giờ họ được dạy cho cách đánh giá đúng và phân biệt giữa đủ loại kiến trúc hiện đại, đồ dùng trong nhà hiện đại, và nghệ thuật hiện đại – ấy là chưa kể thành tựu nghệ thuật của những thời khác.[323]

Dĩ nhiên, tất cả các quá trình ngoại tại định hướng chúng ta đã mô tả đều giữ một vai trò chủ đạo trong sự phát triển này, nhưng tôi tin chắc rằng năng lực đích thực và thỏa mãn trong thị hiếu cũng tăng đồng thời. Thật thú vị khi nhận thấy các phim Mỹ kiểu xưa chỉ mới 20 năm trước có vẻ thế nào đối với khán giả hiện đại. Một lần nữa, điều này chỉ một phần do những thay đổi trong quy ước phim ảnh tạo ra; nhưng ở phạm vi lớn hơn nhiều, nó là kết quả của sự gia tăng đáng kinh ngạc mức độ tinh tế ở các nhà làm phim và khán giả của họ đối với động cơ thúc đẩy con người và hành vi của con người.

Tốc độ tăng cao thị hiếu này đã khiến nhiều nhà phê bình nghệ thuật đại chúng không hiểu được, họ không chỉ không thấy được phim Mỹ, tiểu thuyết và tạp chí bình dân thường hấp dẫn ra sao mà còn không thấy được rằng một số bình luận của những người trao đổi thị hiếu nghiệp dư – thoạt nhìn có vẻ thuộc một giới khán giả rất thụ động, thiếu sáng tạo – lại sôi nổi và am tường ra sao. Một trong những ví dụ thú vị nhất cho điều này là phê bình nhạc jazz. Ở đây tôi không nói đến các nhà phê bình như Wilder Hobson và Panassié mà về số đông thanh niên, trên khắp đất nước, nồng nhiệt chào đón và trìu mến phê bình nhạc jazz, trên một bình diện thảo luận chính thức khác xa vốn từ vựng hời hợt “chân thật” hay “tân thời”. Những người này thấy ở jazz, như những người khác thấy ở phim hay truyện tranh, một hình thức nghệ thuật trước kia chưa được những người sành điệu, hệ thống trường học hay văn hóa chính thống phân loại. Họ cưỡng lại, thường mạnh mẽ, và thỉnh thoảng thành công, nỗ lực của ngành nhạc pop muốn dán nhãn các sản phẩm của nó: trong chính hình thức các lựa chọn của họ – ưa chuộng cả ban nhạc hơn là các ngôi sao độc tấu, ưa thích ứng tác hơn, không tin cậy những người cải biên êm dịu – họ đặt định chuẩn mực riêng của mình đối lập lại sự chuẩn hóa. Rất giống những người mê xe cải tiến, họ phát triển ngôn ngữ và văn hóa riêng hài hòa với kỹ năng mới của mình.

Ở đây một lần nữa, như với những người mê xe cải tiến, nghề thủ công chuyện trò trao đổi sở thích giữa những người yêu jazz không thể tiếp tục phát triển lâu dài giữa các nhóm ngang hàng tách biệt. Jazz từ lâu đã bị chia tách ra bởi một sự sùng bái hay một loạt sùng bái dùng những tiêu chuẩn thẩm mỹ ngày càng khắt khe, những tiêu chí thường trở thành mục đích tự thân.

Miễn cưỡng thấy rằng trao đổi thị hiếu trong các nhóm khán giả đại chúng thường là cơ sở để tăng thêm năng lực trong phê bình, các tác giả về văn hóa đại chúng thường nhìn jazz, kịch nhiều kỳ, điện ảnh và truyền hình với nỗi kinh hoàng giống như khi người kiểu nội tại định hướng bị ép nhìn nhà thổ và hài kịch tục tĩu. Về cơ bản thì phê bình văn hóa đại chúng kiểu này cũng giống như phê bình sản xuất hàng loạt. Nhưng cái mà các nhà phê bình thường không quan sát thấy là, mặc dù trong các giai đoạn trước sản xuất hàng loạt đã đuổi cổ các nghề thủ công tinh xảo và hạ thấp giá trị khiếu thẩm mỹ, giờ đây chúng ta có một hoàn cảnh khá hơn gọi là sản xuất hàng loạt theo giai cấp, nơi cỗ máy công nghiệp của chúng ta đã trở nên đủ uyển chuyển để sản xuất ra các đồ vật còn đa dạng hơn và có phẩm chất tốt hơn ở thời thủ công. Cũng vậy, các nhà phê bình của truyền thông đại chúng có thể không quan sát thấy là, mặc dù những hệ quả đầu tiên của truyền thông thường mang tính hủy hoại đối với các giá trị lâu đời hơn, nhưng ngày nay chúng ta có một hoàn cảnh mà, lần đầu tiên trong lịch sử, trên cơ sở kinh tế, người ta có thể phân phối tiểu thuyết và sách phi hư cấu, tranh, nhạc và phim hạng nhất đến cho các nhóm cử tọa có khả năng làm cho chúng khớp với những mô thức mang tính cá thể cao.

Chính các tiến triển này gợi ý cho tôi là quá trình trao đổi thị hiếu mang sự hứa hẹn vượt xa chính nó mà trở thành cái gì đó khác hẳn, và do vậy góp phần phát triển tính độc lập ở người kiểu ngoại tại định hướng.

III. Người hướng dẫn tiêu thụ

Làm sao cho cá nhân tiếp xúc một cách suôn sẻ với loạt cơ hội mới trong tiêu thụ là việc thường đòi hỏi một số hướng dẫn và biển chỉ đường. Trong xã hội đô thị chuyên môn hóa của chúng ta, việc này có thể đòi hỏi phải có những người hướng dẫn tiêu thụ.

Có thể “hướng dẫn tiêu thụ” có vẻ giống như một thuật ngữ khá khô khan để mô tả hoạt động của một số nghề nghiệp đang phát triển tương đối nhanh ở Hoa Kỳ, bao gồm đại lý du lịch, nhân viên khách sạn, giám đốc khu nghỉ dưỡng, thầy cô và huấn luyện viên thể thao, thầy dạy nghệ thuật, bao gồm thầy cô dạy múa, vân vân. Nhưng còn có nhiều nhà tư vấn cho lời khuyên về chuyện vui chơi nhàn rỗi như một thứ sản phẩm phụ của một giao dịch khác nào đó. Chuyên gia trang trí nội thất chẳng hạn, thoạt nhìn có vẻ thuộc về một nhóm nghề nghiệp khác với giám đốc giao tế khu nghỉ mát. Đúng vậy, hầu hết khách hàng của chuyên gia trang trí nội thất có thể chỉ muốn đúng kiểu thiết kế để phô trương hoang phí. Nhưng ngoài các chức năng này ra có thể còn có một địa hạt nơi chuyên viên trang trí nội thất được người ta tìm tới do những nhu cầu thiết kế nhà cửa mang tính cơ bản hơn nhằm tạo điều kiện cho một đời sống nhàn tản phong lưu hơn, nhiều màu sắc hơn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Việc bán dịch vụ trang trí có thể che giấu hành động bán sản phẩm phi vật thể quan trọng này.

Chức năng này có lẽ còn rõ rệt hơn trong công trình của kiến trúc sư nhà ở cho thân chủ giai tầng trung lưu lớp trên. Đúng là, cũng như chuyên gia trang trí, anh ta vẫn tư vấn cho thân chủ mình làm sao để có mặt tiền chung cho phù hợp. Nhưng nếu là một thế hệ trước thì anh ta đã chẳng dám mơ tới chuyện tư vấn gì cho khách hàng về các mối tương quan về chức năng nội thất ngoài khía cạnh “cuộc sống sung túc”. Thế mà ngày nay, kiến trúc sư, bằng bản vẽ nội thất và ngoại thất, có thể dẫn dắt [thân chủ] lẫn đi theo [ý muốn của] thân chủ. Ở anh ta và cách nhìn của anh ta diễn ra sự chưng lọc một loạt khiếu thẩm mỹ, khuynh hướng, kế hoạch giao tế (như trong những phòng khách dễ dàng sắp đặt lại), những quan điểm về thời gian nhàn rỗi theo phương diện sinh thái vốn hiếm khi tồn tại một thế hệ trước. Kiến trúc sư – và ngoài ra, người quy hoạch đô thị – thu về một mối các cơ hội nhàn rỗi [của công chúng] mà nếu không nhờ vậy thì biết đâu chúng vẫn cứ bị phân chia ra giữa rất nhiều chuyên viên [thuộc nhiều ngành dịch vụ khác nhau].

Một nhóm nhà hướng nghiệp nữa xúm xít quanh trung tâm thói quen nhàn rỗi theo trình tự thời gian ở Mỹ, đấy là kỳ nghỉ. Tự thân kỳ nghỉ, vốn thường bao hàm việc gặp gỡ người khác không thuộc nhóm ngang hàng của ta và có thể ở bên ngoài kinh nghiệm của chính ta với cấu trúc xã hội, có thể được xem như một biểu tượng đầy ấn tượng về các cuộc chạm trán giữa những người trong giai đoạn chớm giảm dân số, tương tự thương trường trong giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp. Đúng vậy, nhờ lương cao, hàng triệu người Mỹ dành các kỳ nghỉ để đi săn thú hơn là săn người; hàng triệu người khác lăng xăng với thú bồi bổ sức khỏe còn sót lại từ những đời trước đó – ngôi nhà và mảnh vườn. Nhưng càng ngày kỳ nghỉ càng đóng vai trò như một thời gian và không gian để đưa những ai có sự nhàn rỗi và tiền bạc đến mua sự tiếp xúc với những ai có một tài nghệ thủ công để bán – cưỡi ngựa, bơi lội, vẽ tranh, khiêu vũ, vân vân. Nhưng dĩ nhiên, công việc hướng dẫn tiêu thụ ở đây, có lẽ chỉ trừ các giám đốc ngành giải trí đua thuyền, thường cố bán cho được một hàng hóa hay một dịch vụ hơn là giúp cá nhân tìm thấy cái anh ta muốn và có thể muốn.

Dễ thấy trước rằng, trong các thập kỷ tới, sẽ có một sự bành trướng kinh khủng trong giới những người hướng dẫn tiêu thụ. Vẫn còn đó sự phản đối rằng giao phó người kiểu ngoại tại định hướng cho một chuyên viên hướng dẫn tiêu thụ chỉ bảo về năng lực vui chơi thì chỉ làm tăng thêm chính sự phụ thuộc khiến anh ta thành kiểu ngoại tại định hướng hơn là độc lập. Chẳng phải bất kỳ nỗ lực trù tính vui chơi nào cũng sẽ cướp mất của anh ta tính ngẫu hứng và riêng tư mà anh ta có thể vẫn còn giữ lại hay sao? Điều này nhất định là một hiệu ứng có thể có. Chúng ta có thể làm ngược lại điều này bằng cách làm hết sức mình sao cho các nhà hướng dẫn tiêu thụ trở nên tài giỏi và sẵn sàng chừng nào hay chừng ấy. Người hướng dẫn tiêu thụ có thể khuyến khích, thậm chí khiêu khích, người kiểu ngoại tại định hướng có sự vui chơi giàu trí tưởng tượng hơn bằng cách giúp anh ta nhận ra rằng vui chơi quan trọng đến nhường nào cho sự thăng tiến hướng tới tính độc lập của anh ta.

IV. Giải phóng thị trường cho trẻ em

Cho đến nay chúng ta đã nói về những gì có thể thực hiện để làm tăng năng lực vui chơi của người lớn, mà hoàn toàn bỏ qua thực tại và triển vọng vui chơi cho trẻ em. Thế nhưng hoàn toàn rõ ràng là chính kinh nghiệm tuổi thơ sẽ là cái quan trọng nhất làm cho năng lực vui chơi của người lớn có thể thành hiện thực. Không có ý bàn cho thấu đáo chủ đề này, nhưng tôi muốn gợi ý một mô hình ít nhiều thú vị để khuyến khích suy nghĩ về những gì ta có thể làm, ở đây và lúc này, để cải biến một số khía cạnh vui chơi của trẻ em, như chúng ta đã chỉ ra trong Chương III, giờ đây thường có vai trò cấm đoán tính độc lập. Đề xuất tôi muốn nêu ra hẳn sẽ khiến các nhà sản xuất và quảng cáo hướng đến thị trường trẻ em phải để tâm tới. Tôi muốn gợi ý là họ lập một quỹ để thử nghiệm tạo ra các mảng kinh tế tiêu thụ kiểu mẫu giữa trẻ em với nhau.

Chẳng hạn, có thể phát hành chứng khoán tạm thời cho các nhóm trẻ em, cho phép chúng đỡ đầu một cửa hàng trung tâm nào đó – một kiểu hội chợ thế giới hằng ngày – nơi một loạt xa xỉ phẩm từ thực phẩm hiếm cho đến nhạc cụ đều có sẵn cho chúng mua. Tại “điểm bán hàng” này sẽ có những người nghiên cứu thị trường, có khả năng và sẵn lòng giúp trẻ chọn lựa mà không có hấp lực đáng sợ nào, sức hấp dẫn áp đảo nào hay bất cứ quyền lợi nào về phía người chủ trong việc ép [chọn] thứ này thay vì thứ khác. Mấu chốt của “các phòng thí nghiệm” này sẽ cho thấy đôi chút về điều xảy ra cho thị hiếu trẻ thơ khi chúng được rộng đường tránh các thang bậc sở thích và “lý lẽ”, cũng như tự do thoát khỏi những lúng túng tài chính của một nhóm ngang hàng nhất định. Chính trong các tình huống như vậy, trẻ em có thể sẽ tìm thấy cơ hội để phê phán và định hình lại trong đầu giá trị của các vật thể. Trong “cửa hàng tự chọn” này, chúng sẽ tìm thấy các góc nhỏ riêng tư nơi chúng có thể thưởng thức sách và nhạc, kẹo và truyện tranh, với chút riêng tư nào đó.[324]Sẽ rất thú vị khi xem liệu những trẻ đã có may mắn tự thể hiện mình qua tự do chọn lựa của người tiêu thụ có thoát khỏi được các gò bó sắc tộc, giai cấp và nhóm ngang hàng hay không, có thể phát triển thành các nhà phê bình đầy trí tưởng tượng về mảng kinh tế nhàn rỗi hơn hầu hết người lớn ngày nay hay không.

Người ta có thể hình dung những mô hình “nền kinh tế dư dật” kiểu mẫu khác trong đó mọi nỗ lực sẽ được thực hiện, trên cơ sở thực nghiệm, để giải phóng trẻ em và những người được riêng tư hóa khác ra khỏi áp lực nhóm và áp lực truyền thông đại chúng. Quả thực, tôi thấy hình như nghiên cứu thị trường trong nhiều năm qua đã là một trong các kênh hứa hẹn nhất cho kiểm soát dân chủ nền kinh tế của chúng ta. Các nhà nghiên cứu thị trường biết như bất kỳ ai là không nên dùng các phương pháp của họ chỉ để điều khiển thiên hạ mua hàng hóa và các định nghĩa văn hóa đã có sẵn, hay để tô vẽ những thứ này bằng các nét dị biệt hóa biên tế, mà có thể dùng để tìm hiểu không chỉ cái mọi người cần mà quan trọng hơn là cái họ có thể muốn nếu trí tưởng tượng của họ đã được khai phóng.[325] Không có các mô hình và khuôn mẫu hướng dẫn thì mọi người sẽ hiếm khi thực hiện cú nhảy vọt này trong trí tưởng tượng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.