Đám Đông Cô Đơn
Lời giới thiệu
Todd Gitlin
Vào cái thời người ta thấy sách như những món đồ cổ quái nằm bên rìa ngành kinh doanh giải trí, có lẽ chúng ta thấy khó mà nhớ lại rằng, ở Mỹ, đã từng có lúc sách dẫn dắt các cuộc đàm luận tầm cỡ quốc gia. Đôi khi sách ảnh hưởng trực tiếp tới lịch sử. Cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi của Upton Sinclair năm 1906, The Jungle (Chốn hỗn độn),[1] đã khích động tình cảm công chúng nhằm ủng hộ Đạo luật về thực phẩm sạch và chất gây nghiện.[2] Vào thập niên 60, những cuốn The Other America (Một nước Mỹ khác), Silent Spring(Mùa xuân chết), The Feminine Mystique (Bí ẩn nữ giới), và Unsafe at Any Speed (Không an toàn ở mọi tốc độ) đã giúp khởi động các phong trào chống đói nghèo, phong trào môi trường, phong trào nữ quyền, phong trào người tiêu dùng, và những cuốn sách có tinh thần cải cách dè dặt sau đó, nhất là Fixing Broken Windows (Sửa lại những ô cửa sổ vỡ) của George L. Kelling và James Q. Wilson, cũng có một ảnh hưởng tương đương.
Nhưng những khảo luận thiết thực nhiệt tình ủng hộ các phong trào không phải là những cuốn duy nhất có giá trị trong đời sống cộng đồng. Đôi khi sách có tầm quan trọng không phải nhờ thúc giục hành động mà nhờ nhận ra những khuôn mẫu, đưa ra những lý giải lớn lao về đời sống, định danh những thứ mà, khi sách chưa ra đời, bất quá chỉ là trực giác hoặc những cảm nghĩ tản mạn. Một cuốn sách nghiêm túc ra đời, đúc kết một nỗi lo sợ, một hiểu biết, hoặc một niềm hy vọng thành một tư tưởng lớn, một lối giải thích thực tại có ảnh hưởng sâu rộng gõ đúng tâm thức tập thể trong một bộ phận đông đảo quần chúng.[3] Như trường hợp của The Road to Serfdom (Đường về nô lệ) của Friedrich van Hayek (1944), Capitalism and Freedom (Chủ nghĩa tư bản và tự do) của Milton Friedman (1962), và Losing Ground (Thất thế) của Charles A. Murray (1984), một cuốn sách có thể trở thành cái thúc đẩy dẫn đến một bước ngoặt tư tưởng lớn lao. Trong trường hợp Understanding Media (Hiểu về truyền thông) (1964) của Marshall McLuhan, cuốn sách có thể đem lại cho chính phương tiện truyền thông đại chúng một vốn từ tự nhận thức. Đáng quý nhất là cuốn sách có thể thấu hiểu tâm thức chung sâu sắc đến mức những gì nó thấy trở thành khuôn mẫu, sự sáng suốt của nó trở nên có tính quy ước – mượn một cụm từ được tạo ra trong một cuốn sách như vậy, The Affluent Society (Xã hội sung túc) (1958) của John Kenneth Galbraith.
Cách đây nửa thế kỷ, Nhà xuất bản Đại học Yale công bố ấn bản lần thứ nhất The Lonely Crowd (Đám đông cô đơn) của David Riesman, đồng tác giả với Nathan Glazer và Reuel Denney, một cuốn sách đã đóng góp những cụm từ mang tính khái niệm vào vốn từ vựng Mỹ.[4] Trọn vẹn chủ đề cuốn sách nói về sự thay đổi lớn lao trong tính cách người Mỹ: khi nước Mỹ đang chuyển dịch từ một xã hội do các mệnh lệnh sản xuất điều khiển sang xã hội do các mệnh lệnh tiêu dùng điều khiển, tính cách các giai tầng trung lưu lớp trên trong xã hội đó biến đổi từ kiểu “nội tại định hướng” (“inner-directed”), những người từ thuở bé đã bản chất hóa các mục tiêu – mà về cơ bản là do người lớn “cấy cho” – thành những người do “ngoại tại định hướng” (“other-directed”), “nhạy cảm trước những kỳ vọng và ý thích của người khác”. Theo phép ẩn dụ tuyệt vời của Riesman thì đây là bước chuyển dịch từ đời sống được con quay hồi chuyển nội tại dẫn dắt sang đời sống được rađa dẫn dắt. Lớp trẻ Mỹ không còn để tâm mấy đến uy quyền của người lớn nhưng lại cực kỳ nhạy cảm với những nhóm ngang hàng[5] và bị truyền thông đại chúng điều khiển. Người cha vẫn được tiếng là hiểu biết hơn cả, nhưng nếu đúng thế thì càng ngày càng vì lẽ là có một chương trình truyền hình đã nói như vậy.
Theo một khảo sát năm 1997 của Herbert J. Gans, Đám đông cô đơn tiếp tục là cuốn sách của một nhà xã hội học ăn khách nhất trong lịch sử nước Mỹ: nó bán được 1,4 triệu bản, phần lớn là ấn phẩm bìa mềm.[6] (Loại sách bìa mềm bỏ túi có nội dung rút gọn đầu tiên là một trong những thứ đầu tiên hưởng lợi nhờ trào lưu ấn bản sách bìa mềm cho thị trường đại chúng.) Suốt nhiều năm, cuốn sách đã làm cho cụm từ “nội tại định hướng” (“inner direction”) và “ngoại tại định hướng” (“other direction”) trở thành thuật ngữ dùng trong gia đình, là thứ bánh vừa nhâm nhi vừa trò chuyện ở tiệc cocktail. Cuốn sách được các sinh viên cấp tiến đang tiến thân đọc, những người này suy diễn thái quá về việc tìm kiếm tính độc lập (autonomy) trong cuốn sách, họ cho rằng tác giả muốn giáng một đòn mạnh vào sự tuân thủ quy tắc xã hội, trong khi thực ra Riesman chỉ đang cố vạch rõ rằng xã hội nào cũng bảo đảm “một mức độ tuân thủ nào đó từ những cá nhân hợp thành xã hội ấy”, vấn đề là nó bảo đảm sự tuân thủ không thể tránh được đó như thế nào. Trong những năm 1960, Đám đông cô đơn được xem là một cảnh báo về cảm giác lạc lõng mà rồi sẽ dẫn đến nổi loạn vì sự quá sung túc. Cụm từ nhan đề thậm chí còn xuất hiện trong một bài hát của Bob Dylan năm 1967: “Tôi sẽ được tự do”. Đến khi viết lời tựa cho ấn bản năm 1969, Riesman đã lấy làm tiếc rằng “Đám đông cô đơn đã góp phần sinh ra sự khinh khi trịch thượng đối với các ngành nghề kinh doanh”.
Những tán thưởng, sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng, ấy là chưa nói đến ngộ nhận, thảy đều khác xa những kỳ vọng ban đầu. Trong lần xuất bản năm 1950, cuốn sách được chào đón bằng những bài phê bình trân trọng nhưng thường đăng trên các tạp chí chuyên môn. Khi sách được phát hành ở dạng bìa mềm với nội dung được giản lược ba năm sau đó, Riesman và Nhà xuất bản Đại học Yale những tưởng sách sẽ chỉ bán được “vài nghìn bản dưới dạng tài liệu đọc trong các khóa khoa học xã hội”. Vậy mà sách lại nổi tiếng. Tại sao? Nhìn nhận lại một cách chính xác, ta có thể thấy cuốn sách đã đồng cảm phơi bày những khắc khoải của một tầng lớp trung lưu đang nổi lên cùng với sự phát triển tăng vọt thời hậu chiến, họ mở rộng ngoại ô, mải lo thu vén sao cho nhà cửa, máy móc, địa vị của mình ngày một tốt hơn, họ nhẹ nhõm vì qua được cuộc Đại Suy thoái và chiến tranh nhưng lại hoang mang trước những biến động văn hóa và tâm lý bên dưới bề mặt đời sống thường nhật.
Điều không kém phần quan trọng là Đám đông cô đơnkhông hề có các biệt ngữ (trong khi vô tình lại đóng góp kiểu văn phong đố vui, có hai lựa chọn thế-này-hoặc-thế-kia vào vốn từ của một nền văn hóa vốn ưa thích những phạm trù lưỡng cực, ví dụ như hướng nội/hướng ngoại, tân thời/cổ lỗ, thứ yếu/chủ yếu). Ngày nay, sách báo xã hội học có cả sức hút công chúng của sinh học phân tử, sau khi về cơ bản đã có tiếng là món chuyên biệt dành cho các chuyên gia tính toán và những kẻ màu mè giả hiệu khoa học khác. Đám đông cô đơn thì khác xa, được viết sáng sủa, thêm cái tài dùng những cụm từ hóm hỉnh như: “người dự đoán nội tình” (inside-dopester), “ngọn roi ngôn từ”, “từ bàn tay vô hình đến bàn tay niềm nở”, “từ tài khoản ngân hàng đến tài khoản chi phí”, “những con bệnh có thể đi lại được trong khu văn hóa hiện đại”, “thị trường tình bạn”, “thăm dò lĩnh vực tình dục”, “nệm êm sung túc”, “mỗi cuộc đời là một ca cấp cứu”. Cuốn sách mang giọng điệu khiêm nhường, cởi mở, tò mò muốn tìm hiểu mọi thứ, và nhạy cảm về các kiểu có thể nhận diện. Mặc dù đòi hỏi đối tượng độc giả nghiêm túc, và ít khi viết bằng những lời lẽ châm biếm kêu tai, cuốn sách âm vang một giọng người dễ chịu, lúc huyên thuyên lúc thô vụng dễ gần, vừa thanh nhã vừa nồng ấm, vừa đậm sắc thái vừa thông tục, vừa nghiêm trang vừa thân tình, nhưng luôn luôn dung dị và hóm hỉnh. Khác với hầu hết các khảo luận hàn lâm, cuốn sách không sa lầy trong định nghĩa dài dòng văn tự. Đó là cuốn sách của một công dân biết cảm thông chia sẻ, muốn khuyên nhủ xã hội chứ không phải dạy đời.[7] Cuốn sách nói trực tiếp với người dân – chủ yếu là dân Mỹ, nhưng không chỉ với họ – những người được cuốn sách quan tâm và bàn đến. Cuốn sách vừa trừng phạt lại vừa xót xa cho người Mỹ, nhưng ngay cả khi trừng phạt thì nó cũng trấn an người đọc rằng người ta không quá đơn độc trong những khắc khoải của mình như họ vẫn tưởng. Người ta đọc cuốn sách mà có thể an lòng là mình đã được nhận diện. Lối nói với [ai đó] thay cho về [ai đó] trong nửa thế kỷ qua đã thoái hóa thành lối tự lực (self-help), phải trả giá bằng tính nghiêm túc trí tuệ, nhưng Đám đông cô đơn là bằng chứng cho thấy có thể hướng sự phân tích thông minh đến độc giả thông minh mà không khắt khe xem họ như những người tự hoàn thiện vị kỷ.
Tính dễ tiếp cận không hẳn là độc quyền của xã hội học vào những năm đó. Trong thập niên 1950, ngay cả các tạp chí chuyên ngành cũng viết để ai có học hành tử tế đều đọc được; sách của C. Wright Mills[8] cũng nằm trong danh sách sách bán chạy nhất. Đám đông cô đơn được ưa chuộng hẳn phần nào còn do phương pháp linh hoạt mà cuốn sách sử dụng trong suốt quá trình thu thập bằng chứng, trong khi điểm qua nào tiểu thuyết, nào sách thiếu nhi, phim ảnh và nghiên cứu nhân học. Mặc dù Riesman và Nathan Glazer đồng thời tiến hành phỏng vấn chính thức, nhưng Riesman khẳng định rằng ông chỉ dựa vào đó ở mức độ không đáng kể; rằng Đám đông cô đơn “dựa vào kinh nghiệm chúng tôi sống trên đất Mỹ – những người chúng tôi đã gặp, công việc chúng tôi đã làm, sách chúng tôi đã đọc, phim chúng tôi đã xem và cả phong cảnh chúng tôi đã ngắm nữa.”[9]
Mặc dù xuất bản cuốn sách khi truyền hình hãy còn là một phương tiện truyền thông non nớt, Riesman rất chú trọng đến thực tế rằng người Mỹ đã lao đầu xuống bể truyền thông đại chúng rồi. Ông để tâm như vậy với nỗi lo âu song không hề miệt thị. Thậm chí khi truyền hình hãy còn đang ở thời kỳ trứng nước thì ông đã hiểu rằng truyền thông đại chúng hùng mạnh cả về nội dung lẫn hình thức, nhưng ông cũng không ngừng chống lại thói quảng cáo thổi phồng rất đặc trưng trong lịch sử nước Mỹ mỗi khi đón nhận một trào lưu kỳ quan công nghệ.[10] Ông cho rằng truyền hình không có khả năng hô biến ra được tính cách dân tộc từ chỗ hư vô. Như ông diễn đạt: “Người Mỹ đã sẵn sàng cho truyền thông đại chúng còn trước cả khi truyền thông đại chúng sẵn sàng cho họ”. Thực vậy, đọc lại Đám đông cô đơn, ta sẽ thấy cuốn sách đồng cảm thế nào với các ưu điểm của truyền thông đại chúng – nhất là khi truyền hình thách thức tính địa phương, nuôi dưỡng sự giao thoa (hay lai ghép) các thị hiếu và đôi chút chủ nghĩa thế giới. Có hiểu biết tinh tế về quá trình sản xuất sản phẩm văn hóa, cuốn sách nhận thức được rằng lý do chủ yếu để truyền thông có những lợi ích này là bởi nó đóng đô ở những trung tâm đô thị lớn, “nơi áp lực thúc đẩy hướng tới tính khoan dung kiểu ngoại-tại-định-hướng là mạnh nhất”. (Điều này vẫn còn đúng ngay cả khi các tập đoàn truyền thông khổng lồ sau này lập thêm những kênh truyền hình phụ chuyên biệt dành cho các phân khúc theo nhân khẩu). Mặc dù Đám đông cô đơn thường được hiểu là tấn công vào kiểu ngoại tại định hướng, song Riesman vẫn làm mọi cách để tìm ra ưu điểm ở “tính ân cần, nhạy cảm và khoan dung” vốn tiêu biểu cho một xã hội không còn trông lên, không còn hướng về người lớn tuổi hơn và những uy quyền truyền thống để được chỉ bảo nữa.
Đám đông cô đơn vẫn dễ dàng trụ được khi một trong những giả thuyết nòng cốt của nó sớm sụp đổ. Đó là quan niệm cho rằng mỗi giai đoạn tính cách xã hội (kiểu truyền thống định hướng, nội tại định hướng, ngoại tại định hướng) tương ứng với một tỷ lệ tăng dân số. Trong bài phê bình Đám đông cô đơn trên Tạp chí Xã hội học Mỹ, Margaret Mead đã sớm nhận xét rằng bằng chứng Riesman đưa ra cho lý thuyết dân số là chưa đủ mạnh. Bà không phải là người duy nhất hoài nghi trên phương diện này. Chính Riesman năm 1949 cũng biết rằng mô hình dân số đã gây tranh cãi kịch liệt, khi cuốn sách hãy còn trong giai đoạn sửa bản in thử. Đến khi sách tái bản năm 1969 thì Riesman đã từ bỏ mô hình nhân khẩu học của mình. Sự xét lại này đã không – và vẫn không – ảnh hưởng nhiều đến cuốn sách. Cuốn sách đưa ra nhiều quan sát đến nỗi những độc giả dù bất đồng quan điểm sẽ chú mục vào những đoạn khác và thấy mình được chỉ dẫn. Bản thân Mead cũng đã lưu ý trong một đoạn rằng thói tuân thủ kiểu ngoại tại định hướng đã dẫn dắt người Mỹ đi đến chỗ phóng chiếu các trung tâm quyền lực nằm ngoài cái tôi – một lý do vì sao sự hoang tưởng trong đời sống Mỹ lại nổi bật như vậy, và có lẽ cũng là lý do vì sao người Mỹ lo sợ thái quá rằng người Nga sẽ tiếp quản họ. Bản thân tôi cũng đã rất ngạc nhiên về tính chất tiên tri trong thảo luận của Riesman về “người dự đoán nội tình” như một kiểu người trong xã hội mà mục tiêu là “không bao giờ để cho bất kỳ ai, sự nghiệp hay sự kiện nào lừa phỉnh”. Hình ảnh Sam Donaldson, Chris Matthews[11] và nhóm cộng tác đã được mường tượng ra rất lâu trước khi nụ cười tự mãn trở thành một phong thái ăn tiền của các học giả Washington. Nói tóm lại, như Margaret Mead diễn đạt, “hầu như đoạn nào trong cuốn sách cũng khuyến khích ta có những suy đoán lý thuyết và… gợi ý với độc giả những chương trình nghiên cứu bổ túc suốt đời”.
Tất nhiên, việc đọc cuốn sách bây giờ sẽ khác với đọc nó nửa thế kỷ trước – dù cuốn sách vẫn không kém phần sắc sảo. Sự rõ ràng ở bước chuyển tiếp từ kiểu nội tại định hướng sang ngoại tại định hướng là hiển nhiên hơn đối với độc giả những năm 1950, khi mà họ đột ngột bị cuốn vào trong cuộc sống sung túc. Ngày nay, cuốn sách có thể không còn tạo ra được tiếng vang như vậy nữa. Vào giữa thập kỷ 80, khi giảng dạy Đám đông cô đơn cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai ở trường Berkeley, tôi phát hiện ra là họ lúng túng không nắm bắt được sự khác biệt mấu chốt giữa kiểu nội tại định hướng và kiểu ngoại tại định hướng. Họ chỉ hiểu lờ mờ bằng trực giác. Điều này, như Riesman gợi ý, không phải vì “việc thay đổi từ kiểu nội tại định hướng sang kiểu ngoại tại định hướng [dường như] không quan trọng khi so sánh với” sự chuyển dịch lớn lao từ đời sống do truyền thống định hướng sang đời sống vừa do nội tại định hướng vừa do ngoại tại định hướng – bởi lẽ, nói cách khác, bước chuyển dịch từ xã hội truyền thống sang xã hội hoàn toàn hiện đại chính là sự chuyển tiếp quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Không, điểm khác biệt giữa “nội tại” và “ngoại tại” là khó hiểu đối với lớp sinh viên sinh sau năm 1960, những người sinh ra trong một thế giới nhạc rock và truyền hình, bởi lẽ những sinh viên này đã sống cả đời theo kiểu ngoại tại định hướng, với những chiếc rađa. Đến những năm 1980, định tính “đặc biệt nhạy cảm trước những hành động và mong muốn của người khác” mà Riesman cho là điển hình của kiểu ngoại tại định hướng đã từ lâu được định chế hóa thành những quy phạm trong các chương trình mạn đàm (talk-show) và chương trình “rèn luyện tính nhạy cảm”. Ý niệm cuộc sống với một con quay tâm lý hồi chuyển đã trở nên hầu như không thể hình dung được.
Tuy nhiên, độc giả phóng khoáng trở lại với Đám đông cô đơn sẽ cảm thấy nhiều dư chấn của nhận thức. Bước sang thế kỷ 21, người quan sát tỉnh táo sẽ được thấy hằng ngày sự chuyển dịch mà Riesman từng nhận ra ở các tầng lớp thượng lưu có giáo dục sinh sống trong các trung tâm đô thị, nhưng nay đã lan rộng khắp đất nước. Trong những cuộc tuyển cử gần đây, người dân chờ thấy các ứng viên tranh cử tổng thống trả lời câu hỏi của những người dân bình thường (Bill Clinton dễ tranh thủ được cảm tình của họ, George H.W Bush thì không bằng) và chuyện phiếm với phóng viên qua ống kính máy quay trên những chuyến xe buýt đường dài (John McCain).[12] Hình ảnh vị tổng thống tỏa hào quang xa vời vợi như Phù thủy xứ Oz[13] trước kia nay đã thuộc về dĩ vãng, giờ đây là một Nhà Trắng như Nhà Trắng của Lincoln mở rộng cho những cuộc chuyện trò đầy dung dị của tổng thống với mọi người.
Chính văn hóa đại chúng cũng bộc lộ sự chuyển biến lớn lao. Hãy xem những khác biệt giữa các chương trình thi đố có thưởng những năm 1950, “Câu hỏi 64.000 đô la” và “Hai mươi mốt”, với loạt chương trình ăn khách của năm 2000 mang tên “Ai là triệu phú?” Trong trò chơi truyền hình “Hai mươi mốt” trước kia, người dự thi ở trong những “buồng cách ly” tách hẳn khỏi tác động bên ngoài, không có mách nước, không có câu hỏi được nhiều quyền chọn lựa; họ đúng nghĩa là “nội tại định hướng”. Trong cuộc thi “Ai là triệu phú?” năm 2000, họ đứng bên ngoài, được cho bốn đáp án để chọn, được gửi “yêu cầu trợ giúp” đến gia đình, bạn bè và khán giả. Ở các cuộc thi thời trước, câu hỏi liên quan đến những lĩnh vực chuyên môn cao như opera, đấm bốc và hoàng gia châu Âu. Paul Farhi, một phóng viên năng nổ của tờ Washington Post, đã nêu ra sự khác biệt như sau:
Trong chương trình “Câu hỏi 64.000 đô la” (1955-58)… thí sinh được xem sáu bức chân dung và được yêu cầu không những kể tên họa sĩ và chủ đề của bức tranh, mà còn cả tên của ông thầy mà họa sĩ đó theo học. Một thí sinh khác được yêu cầu nói tên vở opera của Verdi đã mở đầu sự nghiệp chỉ huy dàn nhạc của Arturo Toscanini, cũng như ngày và địa điểm của buổi biểu diễn. Năm 1957, một giáo sư đại học trẻ tên là Charles Van Doren trong trò chơi truyền hình “Hai mươi mốt” được yêu cầu kể tên các vua Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Jordan. Herbert M. Stempel, đối thủ của Van Doren, cuối cùng đã phơi bày kiểu chơi khăm trong chương trình “Hai mươi mốt”, anh ta bị loại khỏi cuộc chơi khi chỉ trả lời được hai phần trong câu hỏi gồm ba phần sau đây: Tên chủ bút tờ báo bang Kansas chống chủ nghĩa dân túy trong những năm 1920 là gì? (William Allen White). Tờ báo của ông ta có tên là gì? (The Emporia Gazette). Mục chuyên luận do ông ta viết có tiêu đề là gì? (What’s the Matter With Kansas?).[14]
Trong cuộc thi “Ai là triệu phú” thì ngược lại, thí sinh có thể thắng được số tiền lớn nhờ biết “bánh quy Oreo có hai màu gì” hoặc quyết định bỏ qua cơ hội giành 500.000 đô la bằng cách không liều trả lời câu hỏi “Có bao nhiêu đứa trẻ nhà von Trapp trong phim The Sound of Music (Giai điệu hạnh phúc)?”[15] Nói cách khác, nguồn kiến thức chủ yếu lấy từ văn hóa đại chúng, kiến thức chia sẻ với những người ngang hàng chứ không phải kiến thức lấy từ những phẩm chất riêng của sự thông tuệ cá nhân.
Cứ cho là truyền hình ngày nay phổ biến rộng rãi hơn cuối những năm 1950, nhưng trình độ học vấn của khán giả hiện nay có lẽ, tính trung bình, lại thấp hơn trước. Nhưng nhân tố này tự nó không giải thích được quy mô của sự thay đổi. Rất có thể không những nền tảng tri thức mà cả khát vọng văn hóa của hầu hết người Mỹ cũng đã đổi khác. Người Mỹ không còn cảm thấy thú vị khi bị truy hỏi, khiến ta nghĩ rằng (theo kiểu con quay hồi chuyển) có thể còn nhiều điều nữa cần phải học hỏi trong suốt đời họ. Ngày nay, nhân danh sự “tự trọng”, họ rất “nhạy cảm” với những yếu kém ở bản thân; họ cần phải chứng tỏ mình đã biết nhiều đến đâu. “Tôi là một ai đó” thế chỗ cho “Một ngày kia tôi sẽ là một ai đó”.
Người ta mong mỏi có được những nghiên cứu phù hợp, đầy tham vọng thích đáng về những trạng thái tâm lý của ngày nay – những cuốn sách có ảnh hưởng và dễ tiếp cận như Đám đông cô đơn và cuốn tiếp nối một phần của nó, Habits of the Heart (Những thói quen của trái tim) (1986), do Robert Bellah và các cộng sự viết. Nói cụ thể, người ta tự hỏi liệu sự phát triển tăng vọt hiện thời (và những lo âu đi kèm) đang đóng vai trò gì trong tâm thức người Mỹ, những người thụ hưởng rất nhiều cũng như những người ít hoặc không thụ hưởng được gì. Xã hội học phải là thứ thời sự mà luôn luôn là thời sự, nhưng ngày nay ít có nhà xã hội học nào mở rộng trí tưởng tượng ra xa hơn các môi trường chật hẹp để đến với những câu hỏi lớn lao nhất là cấu trúc xã hội, văn hóa và xung đột. Lớp nhà nghiên cứu cao tuổi hơn, vốn nhất quyết đòi phải có chuyên môn hóa, thì lại không khuyến khích mở rộng phạm vi. (Ở đây cũng cần phải nói rằng, giống như Daniel Bell, một nhà xã hội học xuất sắc khác của chúng ta, Riesman chưa từng được đào tạo để làm luận án tiến sĩ. Ông chỉ có bằng cử nhân luật).[16]
Tôi xin được khép lại bằng một lời nhận xét cá nhân: năm 1960, khi là sinh viên năm thứ hai, tôi gặp David Riesman còn ông là cố vấn khoa cho nhóm vì hòa bình Tocsin của trường Harvard. Là một nhà phê phán chủ nghĩa dân tộc đã nhiều năm, Riesman tham gia viết rất nhiều bài và lên tiếng phản đối việc dựa vào vũ khí hạt nhân, và tôi ngạc nhiên biết rằng ông, một trong những giáo sư tiếng tăm nhất ở Mỹ, đã cho mượn ô tô để chở các nhóm hoạt động vì hòa bình đến bang Vermont tham gia vận động bầu cử cho một hạ nghị sĩ theo đường lối hòa bình. Thực hành thái độ mà ông đã hô hào, ôm ấp cả những hy vọng không tưởng lẫn những quan niệm thực tiễn, ông luôn luôn dành thời gian để đàm luận về chính trị và xã hội Mỹ. Ông giúp chúng tôi quyên tiền, thay mặt chúng tôi liên hệ với những người có thế lực, đưa chúng tôi đến các hội nghị, viết thư tiếp tục trao đổi sau các buổi nói chuyện. Ông viết thư quanh năm suốt tháng, đôi khi hơn một bức một ngày cho những người trao đổi thư từ thường xuyên (ông hẳn là người viết thư nhiều nhất sau Thomas Jefferson),[17] và dù hết sức đáng hãnh diện cho một sinh viên khi được quan tâm như vậy, nhưng Riesman cũng không hề nương tay trong vai trò cố vấn – nghĩa là ông không ngại phải bất đồng, đôi khi kịch liệt, về một vài quyết định của chúng tôi. Trong những năm ấy, ông còn phụ trách biên tập cho một tạp chí bình luận chính trị, tờ Bản tin Ban Liên lạc (về sau đổi thành Hội đồng liên lạc). Thực ra thì suốt mấy mươi năm qua ông đã là ban liên lạc gồm chỉ một thành viên. Ông quan tâm đến tất cả mọi thứ. Ông góp nhặt từng nhận xét nhỏ rồi đáp lại bằng hàng đoạn dài ngẫm suy kỹ lưỡng và nhận xét thấu đáo. Thế giới bao la này có hàng trăm người trao đổi thư từ với ông, cả nam lẫn nữ thuộc các thế hệ, những người trong nhiều thập kỷ qua đã dày kinh nghiệm viết thư cho ông, hay họ chỉ gửi đến ông một bài báo để rồi được đáp lại bằng một lá thư dài hơn nhiều, có khi tới hai ba trang, thường là trong vòng một tuần, hoặc một lời tạ lỗi vì đã phúc đáp chậm tới hai tuần.
Max Weber,[18] nhà xã hội học vĩ đại nhất thế kỷ, đã phàn nàn rất chính xác “những chuyên gia không có tâm hồn”. Riesman, nay trên 90,[19] đã dâng hiến cả trí tuệ lẫn tâm hồn mà không được đào tạo chuyên môn. Ông xứng đáng được đọc đi đọc lại và tấm gương của ông đáng được trân trọng.
Một bản lời tựa này lấy tên “Đám đông của chúng ta trở nên cô đơn ra sao”,
đã đăng trên The New York Times Book Review, 9/1/2000.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.