Để Kén Thành Bướm

1. Sự chuyển hóa tự nhiên



Quan sát cả chu kì tiến hóa của nòng nọc quả thật hấp dẫn. Chúng là những nghệ sĩ biến hình theo trình tự có tính nghệ thuật cao, là bậc thầy của sự chuyển hóa tinh tế và thầm lặng. Nòng nọc có đầu to, những cái đuôi thon dài, nhọn hoắt di chuyển thật uyển chuyển về phía trước. Rồi một ngày nào đó, không kèn không trống, những sinh vật nhỏ bé này bắt đầu một tiến trình thay đổi: đuôi từ từ thu ngắn lại và từ thân mình mọc ra bốn cái chân nhỏ xíu, giống một tác phẩm điêu khắc được tạc nên từ từ, hai chân sau mạnh mẽ và hai chân trước khéo léo được định hình. Dường như cả những biến đổi bên ngoài lẫn sự chuyển hóa bên trong đều được tiến hành cùng lúc một cách hoàn hảo, trong khi đó nòng nọc vẫn tiếp tục bơi lội tung tăng, tranh ăn và ung dung tự tại cho đến một ngày chúng biến thành một sinh vật lưỡng cư tuyệt vời, có khả năng sống cả trong nước lẫn trên cạn. Theo cách nhìn và suy ngẫm của chúng ta, quá trình chuyển hóa có ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể chúng, được diễn biến một cách chậm rãi và tinh tế chứ không có quá nhiều biến động.

Trái lại, loài sâu bướm biến hình thành bướm theo cách thức mãnh liệt hơn nhiều. Ta vừa mới thấy chúng là những con sâu xấu xí, bò lổm ngổm, nhai lá cây rào rào, thế mà giờ đây lại treo mình lơ lửng trên nhánh cây, biến thành con nhộng ở thời kì phôi thai, tự nhốt mình trong “cỗ quan tài dệt bằng tơ” (cái kén).

Không giống nòng nọc, sâu bướm đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thiện dần những bộ phận cho phép nó vươn đôi cánh bay lượn trên bầu trời. Những tế bào mới, còn gọi là tế bào thành trùng, bắt đầu sinh sôi nẩy nở trong cơ thể chúng, hệ thống miễn dịch phát huy tác dụng mạnh mẽ, gắng sức tiêu diệt những khách lạ được xem là kẻ xâm nhập. Các tế bào thành trùng của sâu bướm nhân bội lên rất nhanh, lấn áp cả hệ thống miễn dịch. Thật ra sinh vật bé nhỏ đáng thương này hóa lỏng thành một món xúp đầy dinh dưỡng để nuôi tế bào thành trùng. Cuối cùng, hoan hỉ trong niềm vui chiến thắng, các tế bào này tập hợp thành một cộng đồng, hình thành nên một sinh vật hoàn toàn mới: con bướm với đôi cánh xinh đẹp, sặc sỡ sắc màu chẳng khác nào ảo ảnh.

Sâu bướm có hạt giống của sự chuyển hóa – tế bào thành trùng – đã ở cùng nó trong suốt vòng đời. Đến tuổi già, nó chết đi để tái sinh kiếp sống mới, cũng chính là bản chất, bản ngã và vận mệnh thật sự của nó. Có lẽ chúng ta cũng giống như loài bướm có đôi cánh xinh đẹp kia ở đặc điểm là cũng có hạt giống mang bản sắc con người đã ngấm sâu vào cơ thể, giúp ta chuyển hóa cái tâm, thoát khỏi cảm tính tiêu cực, chịu đựng được khủng hoảng về tình cảm và tồn tại dù cuộc sống có nghiệt ngã đến đâu.

Tôi thích sự chuyển hóa theo kiểu của nòng nọc hơn, nhưng chưa từng có ai hỏi tôi về quan điểm này. Có lẽ, những ai đi trọn sáu mươi năm cuộc đời sẽ cảm nhận sâu sắc hơn vì đã chứng kiến bao sự đa đoan, oan trái: li biệt, phản bội, cái chết của người thân yêu trong gia đình, tranh chấp, mâu thuẫn, bất an, phiền muộn chẳng khác nào sự biến hình của loài sâu bướm khi đi hết một vòng huyền nhiệm của tạo hóa. Ít có sự chuyển hóa nào giống như của nòng nọc mà vẫn giữ được sự tĩnh tại nhất định trong tâm hồn: kiên nhẫn và thận trọng.

Nhà triết học vĩ đại người Mỹ William James, người sáng lập nền triết học đương đại, cho rằng quá trình chuyển hóa của con người vừa mang tính xáo trộn bất ngờ vừa là quá trình phân rã từ từ. Vấn đề chính làm tôi quan tâm đến cả hai quá trình này là cái gì làm phấn chấn đời ta. Thông thường, ta không chọn cái thay đổi mang tính khủng hoảng và cũng chẳng nhận thức được sự chuyển hóa được phân rã từ từ nhằm giúp ta bóc tách nhiều lớp vỏ vướng víu chằng chịt bao quanh đời mình. Nếu cả hai loại thay đổi này không xảy ra một cách có nhận thức, vậy chúng bắt nguồn từ đâu? Phải chăng chúng được sinh ra từ một cái gì như chất kích thích sinh trưởng thực vật auxin, đã giúp cho thân cây hướng về ánh sáng hay vẫn còn một bí mật tâm linh nào đó sâu thẳm hơn?

Khi bắt gặp một đóa hoa nhỏ đang phát triển trong kẽ nứt của vỉa hè xi măng, chúng ta đều nhận thức được, từ một cá thể đơn bào nhỏ xíu cho đến những sinh vật đa bào như con người, tất cả đều có một khát vọng sống, một bản năng tự nhiên khác thường để vượt qua trở ngại và hướng đến sự hoàn thiện.

“Sức mạnh từ mầm xanh đã mang đến cho đời một bông hoa”, vần thơ nổi tiếng của thi sĩ xứ Wales, Dylan Thomas, nói về sự tiến hóa của cây trồng dường như ứng dụng đúng cho sự chuyển hóa cái tôi của loài người, cái bản ngã bẩm sinh luôn muốn hạnh phúc và khước từ nỗi đau. Có một cái gì đó tiềm tàng, luôn thúc giục chúng ta sử dụng hết mọi tiềm năng để vươn lên, giống như một hạt giống cỏn con cũng có thể trở thành một thân cây khổng lồ.

Điều này làm tôi nhớ đến người bạn, đồng thời cũng là người đồng nghiệp của mình: Jean Houston, bậc thầy thật sự về năng lực tiềm ẩn của con người, đã được nhà tâm lý học Jeffrey Mishlove phỏng vấn trong loạt chương trình truyền hình đặc biệt Thinking Allowed. Jean kể về tình bạn của cô với một người Pháp, Pierre Teilhard de Chardin, anh này vừa là chuyên gia xuất sắc về cổ sinh vật học, vừa là một triết gia. Cô tình cờ gặp anh ở công viên Central năm 14 tuổi và sau đó, cả hai thành bạn.

Cô kể về những buổi đi dạo với Chardin: “Thật là đặc biệt. Cảnh vật bỗng trở nên hữu tình, tràn đầy sức sống. Cách anh ấy nhìn bạn như thể bạn là ngôi nhà bề bộn với những đồ vật không cần thiết nhưng ẩn giấu điều gì đó đáng được tôn kính – qua ánh mắt ấy, bạn tự cảm thấy mình như toát lên cái gì rất thần thánh, tràn đầy cảm xúc, vui tươi và rực rỡ”.

Jean thường đề cập đến “tính thánh thiện” tiềm ẩn trong mỗi chúng ta. Theo lối ẩn dụ của cô, sự thay đổi làm tách lớp vỏ hạt giống, cho phép chúng ta lấp đầy thiện tâm. Đó cũng là “chân tánh” của vạn vật, giống như quả sồi phải phát triển thành cây sồi, còn chúng ta được định hướng để phát triển tính thánh thiện của chính mình. Đó thật là một triết lý sâu sắc. Dĩ nhiên, triết lý này không còn là lối ẩn dụ sâu xa nữa mà nó đang tồn tại trong thực tế đầy sinh động. Tôi muốn biết “tính thánh thiện” này (hay ít nhất một con sóng trong đại dương bao la của nó) sẽ được tôi nhận dạng và cảm nhận ra sao. Và với bạn, nó khác biệt thế nào? Tôi quan tâm đến cuộc đối thoại để hiểu rõ ý nghĩa của vấn đề này đối với mỗi người chúng ta, từ đó sẽ nhận thức được đầy đủ các khía cạnh trong cái tôi thật sự của mình hơn là chỉ biết được cái chung chung, tổng quát.

Và đối với mỗi người khác nhau, thuật ngữ “tính thánh thiện” mang một ý nghĩa khác nhau. Một vị tôn sư nổi tiếng mà tôi thán phục, gần đây có tham gia vào buổi đối thoại giữa người theo Phật giáo và Thiên Chúa giáo ở Boulder, Colorado, rồi sau đó là buổi đối thoại giữa người theo Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo ở Denver. Ông đã khéo léo tránh cách giải thích theo kiểu rất trẻ con là có “một ông có râu ở trên trời, tay cầm quyển sách màu đen”. Rõ ràng cả ông lẫn người nghe trong hai buổi pháp thoại đang cùng nói về một vấn đề (mặc dù các Phật tử không dùng từ Thượng Đế). Tất cả mọi người đều nói về sự nhận thức, hay “sự giác ngộ” cố hữu trong tâm mỗi người. Bản chất của nhận thức – tùy theo cách mọi người gọi: “Thượng Đế”, “Đấng Toàn Năng”, “Đấng Chí Tôn”, hay “Đấng Mạc Khải Thần Linh” của người Do Thái – chính là trí tuệ và lòng nhân ái. Khả năng tiềm ẩn và trí tuệ tự nhiên, cả hai vừa chuyển hóa chúng ta vừa chuyển hóa chính bản chất của nó.

SUY NGẪM

Bạn có thể nhớ đến khoảnh khắc khi cả thế giới của bạn bị tan rã và bạn đang trong quá trình chuyển hóa không? Cảm giác lúc đó như thế nào? Bạn có nhận ra khác biệt nào so với thế giới hiện tại không? Nếu bạn không thể nhớ đến câu chuyện của riêng mình, hãy ghi lại sự chuyển hóa có tác động mạnh mẽ đến một người nào đó, thậm chí đó là câu chuyện xảy ra trong một quyển sách hoặc trong một bộ phim.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.