Để Kén Thành Bướm
12. Hòa hợp từ những đối kháng
Có một lần duy nhất trong mối quan hệ của chúng tôi, Joan đã muốn đấm vào mặt tôi. Sự cố này thể hiện một điều rất ý nghĩa với cả hai chúng tôi về bản chất của mối quan hệ, và phản ánh một thực chất là trong quá trình thay đổi luôn ẩn chứa nhiều xung đột, tranh cãi, rủi ro, đòi hỏi mỗi người phải biết kiên trì khám phá.
Điều khó khăn trong quá trình phức tạp này là bạn làm thế nào để bày tỏ nỗi lòng với người kia, nhằm ăn khớp với nhau một cách uyển chuyển trong các tình huống, mà không làm mất đi tính trung thực của riêng mình trong quá trình tranh luận. Điều này được áp dụng với những người có mối quan hệ mật thiết, sâu đậm với bạn. Nếu bạn và người kia, mỗi người có thể giữ được tính trung thực của riêng mình, nhưng vẫn bày tỏ nỗi lòng với nhau, đặc biệt vào những thời điểm quan trọng mang tính quyết định thì sau đó, một triển vọng mới, một sợi dây kết nối tình thân khác có thể nảy sinh.
Nếu bạn và đối tác của mình (người bạn đời, đồng nghiệp, các thành viên trong gia đình hay bất kì ai đi nữa) không thành công về điểm cốt yếu này, thì khả năng một trong hai người hoặc cả hai sẽ có bước thụt lùi nguy hiểm là rất lớn. Nhường bước và tự hy sinh quá mức để duy trì mối quan hệ bằng mọi giá sẽ dẫn đến sự nhượng bộ theo người kia một cách không suy nghĩ, thiếu cân nhắc, cái bản ngã “chúng ta” giả tạo không những vô dụng mà còn trống rỗng. Không ai mong chờ điều đó nên cả hai sẽ mất hứng thú, tạo nên “điểm chết” giữa hai người.
Không thể nào có được một “chúng ta” đích thực nếu mỗi người không sẵn sàng là một “cái tôi” riêng – rõ ràng và trung thực dưới mắt người khác. Dĩ nhiên chúng ta không muốn làm tổn thương lẫn nhau, và chúng ta cũng không muốn bị hắt hủi, bỏ rơi hay bị trừng phạt. Để có được sự hiểu biết và hòa hợp, mỗi người trong chúng ta cần phải có tính trung thực, sự hướng thiện và lòng bao dung. Nếu chúng ta chưa sẵn sàng là con người thật của chính mình thì chắc chắn chúng ta sẽ thất bại trong quá trình hòa hợp những đối kháng.
“KHOẢNH KHẮC HUATULCO”
Một lần, vợ chồng tôi đi nghỉ lễ ở Huatulco, một thị trấn nhỏ, buồn hiu hắt của Mexico nằm bên bờ Thái Bình Dương. Đó là một buổi chiều chủ nhật, trời vừa sụp tối, chúng tôi đón taxi đến một nhà hàng thơ mộng bên bờ biển – nơi được nhiều người khen ngợi. Thức ăn ở đây nghe đồn rất tuyệt, và cả hai chúng tôi đều đang đói nên rất muốn được dùng cơm tối ngay. Nhưng than ôi, khi chúng tôi đến nơi, vừa bước xuống bậc tam cấp sâu hun hút dẫn ra các bàn ăn và quầy bar ở sát bãi biển thì mới nhận ra nơi này đã đóng cửa. Bước ngược trở lên đi tới khu dạo mát tối lờ mờ, không một bóng người, đúng cái nơi mà trước đó taxi đã cho chúng tôi xuống thì chúng tôi nhìn thấy ánh đèn của một nhà hàng. Tuy đã được cảnh báo trước là nơi này thức ăn rất tệ và giá cả thì trên trời, nhưng vì chẳng có chiếc xe nào chạy qua, không còn cách nào khác buộc lòng chúng tôi phải ở lại.
Joan đói meo và muốn có cái gì ăn ngay lập tức. Theo hướng chúng tôi đang tới, tôi phát hiện ở khúc quanh gần đó có ánh đèn nê-ông rực sáng. Tôi muốn Joan ráng thêm tí nữa, đi đến đó xem sao trước khi phải ghé vào cái nơi bất đắc dĩ này. Tuy nhiên, cô ấy đã quá mệt nên không muốn đi tiếp, và cho rằng tìm kiếm trong đêm tối như thế này chỉ là vô vọng.
Chúng tôi đành đến dãy bàn được sắp xếp trên lề đường cao, trông chẳng khác gì một cái bẫy dành cho những người nhẹ dạ, và dĩ nhiên chẳng có ai khác ở đó ngoài chúng tôi. Một gã hầu bàn mặc áo veston trắng – tôi có ảo giác rằng gã này có đến tám chân – đang bay lượn lờ ngay chỗ của mình. Cái bàn lớn sạch sẽ sau đó được bày biện khá ấn tượng nhưng những con tôm nằm trên đĩa thì ủ rũ trông rất tội nghiệp. Những món ăn bị ôi thiu này là bữa ăn tối đặc biệt, và chúng tôi phải trả tiền với cái giá mắc gấp bốn lần so với mọi bữa ăn khác ở Mexico. Joan ăn thứ hải sản mềm oặt, teo tóp với dáng vẻ nhẫn nhục, cam chịu, còn tôi hầu như chẳng động gì đến các món của mình. Khi dùng xong bữa, ra khỏi nhà hàng và đi tới khúc quanh khi nãy, chúng tôi nhìn thấy ánh đèn nê-ông lấp lánh hàng chữ quảng cáo: hiệu bánh pizza. Lúc đó, một mùi thơm phức xộc vào mũi làm chúng tôi ứa cả nước bọt. Nơi này cũng vừa mới đóng cửa. Giá mà Thật là tức chết đi được!
Có đôi lúc, chúng ta vẫn nổi điên lên, ghét nhau cực kì trong âm thầm. Tôi giận bản thân mình vì đã nhượng bộ để cho vợ tôi bỏ qua sự phán đoán của tôi (nói cho cùng, không có gì day dứt mãi trong lòng bằng việc tự mình phản bội mình), còn vợ tôi thì giận tôi vì quá đỗi vô tình với nhu cầu của cô ấy. Điều này nghe có vẻ không có gì to tát nhưng nó là hạt sạn tệ hại nhất đang làm xấu đi mối quan hệ của chúng tôi.
Sáng hôm sau, mỗi người chúng tôi ngồi thui thủi ăn sáng với tâm trạng nặng nề. Cà phê ngon tuyệt nhưng tình trạng căng thẳng vẫn âm ỉ chưa thể nguôi ngoai. Tôi hỏi vợ tôi có biết chuyện kể về Orpheus không. Nàng bảo không biết. Tôi bèn thuật lại câu chuyện thần thoại này, cố diễn đạt sao cho thật ấn tượng và trào phúng.
Orpheus – một danh ca nổi tiếng với những khúc hát gây xúc động có thể cảm hóa được cả muôn loài từ cây cỏ, núi đá khô cằn vô tri đến những loài thú dữ, đã thực hiện chuyến hành trình xuống địa ngục để tìm lại nàng Eurydice, người vợ rất mực yêu thương của chàng. Hadex – vị chúa tể cai quản chốn địa ngục đồng ý thả nàng ra với một điều kiện: Trên đường quay về, cho dù gặp chuyện gì đi nữa, Orpheus cũng không được quay lại nhìn Eurydice cho đến khi cả hai cùng đặt chân an toàn trên trần gian. Nếu không tuân thủ điều kiện, chàng sẽ mất nàng mãi mãi. Đường trở về vô cùng gian khổ. Eurydice thì vẫn không biết việc Orpheus phớt lờ những lời van nài thảm thương của nàng chính là vì mong muốn điều tốt lành cho cả hai. Nhưng cuối cùng, quá thương vợ phải đi trên con đường khó khăn và lo lắng không biết nàng có theo kịp mình không, Orpheus đã quay đầu nhìn lại. Cũng chính khoảnh khắc ấy, chàng thấy khuôn mặt kinh hãi của nàng Eurydice đang mờ dần, mờ dần và biến mất.
“Nghe xong câu chuyện này rồi, em hãy nghĩ lại những gì xảy ra tối qua và cho anh biết là em cảm thấy như thế nào?” – Tôi hỏi Joan với giọng vui vẻ như thể trêu chọc.
Vợ tôi ngừng ăn, trả lời rất đơn giản: “Em muốn đấm vào mặt anh một cái!”.
Hiệu quả đến tức thì: tôi ngã người ra ghế phá lên cười, và Joan cũng khúc khích theo. Tôi dùng câu chuyện để chuyển tải khéo léo thông điệp “đàn ông hiểu biết nhất”, và phản ứng của vợ tôi cho thấy cô ấy cho đó là điều phi lý. Tuy vậy, cả hai chúng tôi đều có thể bộc lộ rõ ràng quan điểm của riêng mình một cách trung thực mà không làm tổn thương nhau. Trên cơ sở đó, cùng với cách biểu lộ vui vẻ thể hiện thiện chí của cả đôi bên, mọi sự căng thẳng giữa chúng tôi đã tan biến.
“Khoảnh khắc ở thị trấn Huatulco” của chúng tôi chỉ là một sự cố nhỏ, nhưng đó là cơ hội lớn để chúng tôi hiểu rõ nhau hơn. Chúng tôi đã cùng nhau suy ngẫm về vấn đề này: điều gì có thể cứu vãn được sự việc của đêm hôm trước, và điều gì có thể ngăn cản không cho sự việc tương tự tái diễn lần nữa? Tôi nhận thấy, lẽ ra nên cho Joan biết rằng tôi hoàn toàn hiểu nỗi lòng của cô ấy lúc đó: mệt nhoài, cảm thấy không thoải mái, cần được nghỉ ngơi ngay Còn tôi lý ra cũng đã có thể giữ vững lập trường của mình, chẳng hạn để cho cô ấy ngồi nghỉ giây lát và tự mình đi tìm hiểu xem ở khúc quanh đó có gì hay không trước khi quyết định dùng bữa ở đâu. Có được sự hiểu biết đó, tất cả sẽ đơn giản và suôn sẻ.
LÂM VÀO THẾ BÍ
Mỗi khi một mối quan hệ lâm vào thế bí, sự thử thách gắt gao của quá trình thay đổi có tiềm năng mang lại cho chúng ta một mối quan hệ sâu sắc hơn với chính mình cũng như với người khác.
Điều quan trọng làm cho tiềm năng đó biến thành kết quả chính là lòng quý chuộng chân lý từ cả hai phía. Khi cả hai thiếu đi mối quan tâm về lẽ phải thì tất cả những gì bạn còn lại chỉ là sự bế tắc hoặc thỏa hiệp, và chắc chắn không tránh khỏi cảm giác giống như sự phản bội. Hậu quả là dẫn đến sự phẫn uất, bực bội. Laureate Shirin Ebadi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, có kể một câu chuyện ngụ ngôn của người Ba Tư: Ngày xưa, lẽ phải là một chiếc gương do Thượng Đế nắm giữ. Một ngày, chiếc gương vuột khỏi tay Ngài và vỡ tan thành hàng triệu mảnh. Mỗi mảnh rơi vào tay mỗi người và từ đó ai cũng tuyên bố rằng mình có một mảnh chân lý. Thách thức đối với chúng ta là làm sao giữ vững được mảnh chân lý của riêng mình với tất cả lòng dũng cảm và trung thực, trong khi vẫn tôn trọng mảnh chân lý của người khác (và do đó phải thừa nhận tính toàn diện).
Cụm từ “mối quan hệ” có nguồn gốc từ chữ La-tinh “relatio”, có nghĩa là “nói”. Do đó khi bạn nói với tôi một cách trung thực những gì đang diễn tiến trong bạn, và tôi nói với bạn những gì đang xảy ra trong tôi, chúng ta sẽ hiểu và đồng cảm với nhau. Nếu không, chúng ta giống như hai quyển sách đóng kín được đặt cạnh nhau mà không ai hiểu ai. Joan và tôi, “sau khi xem xét lại hành vi của mình” cuối cùng đã hiểu và thông cảm nhau, rút ra một bài học từ mối bất hòa và sự trải nghiệm được chia sẻ.
Khi cả hai cùng bày tỏ, sẵn sàng thay đổi theo hướng tích cực thì sự trọn vẹn của lẽ phải, của mối quan hệ sẽ tạo nên bản chất “chúng ta” đích thực với sức sống riêng và tính đồng nhất sáng tạo.
SUY NGẪM
Nghĩ về một vài tình huống mà bạn đang có bất đồng hoặc xung đột với người khác – người rất quan trọng với bạn. Chia trang giấy ra thành hai cột: bên trái, mô tả tình huống và những điều bạn cảm nhận; bên phải, mô tả những điều bạn đã nói hoặc đã làm. Bạn thấy sự không nhất quán nằm ở đâu, hậu quả là gì và nó có sự khác biệt ra sao?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.