Để Kén Thành Bướm

13. Tạo nên sự khác biệt



Giai đoạn thứ ba của hành trình thay đổi là sự quay về với chính mình. Vượt qua giai đoạn trung gian và đương đầu với mọi thử thách, chúng ta hiểu rõ hơn về sức mạnh và năng lực của mình. Khi ta dùng hết khả năng để cống hiến cho lợi ích cộng đồng thì cũng là lúc chuyến hành trình hoàn tất. Nhưng trên thực tế, đôi khi chúng ta cũng chỉ là người làm mọi người nản lòng. Ta có thể làm gì và ta nên bắt đầu từ đâu?

Đây là một ví dụ rất thích hợp được trích dẫn từ quyển nhật kí của tôi viết vào tháng 4 năm 2004.

Tôi đang đi trong phi trường thì nghe bản tin buổi chiều phát ra vang vọng từ chiếc ti-vi treo trên cao. Tôi ngồi ở phòng đợi và nhanh chóng bị thu hút bởi những hình ảnh khủng khiếp của một cô gái tươi cười trong bộ đồng phục dã chiến, đang kéo lê một người đàn ông Iraq ốm như que củi và đáng thương bằng sợi dây xích. Ông ta trần truồng và đang chịu nhục hình; nhưng hãy nhìn xem, dẫu có bị buộc tội gì đi nữa thì ông vẫn là một con người. Nhưng cô gái binh nhì có khuôn mặt như tiên kia có lẽ không nhìn ông ta theo cách đó: Rõ ràng cô gái đã tước đi phẩm giá con người của cả ông lẫn của chính cô. Tôi che mặt giấu đi nỗi hổ thẹn thay cho cô và cảm thấy buồn bã không nguôi với nỗi xót xa tột cùng: những ân oán đã tạo ra số phận bị đọa đày. Cuối cùng, lòng đầy sợ hãi, tôi chúi mũi vào quyển tiểu thuyết hình sự, mong tìm một nơi trú ẩn khác và quên đi những gì trông thấy, nhưng rốt cuộc lại còn tồi tệ hơn.

Lúc ấy, tôi thấy mình cũng không khác gì so với cô gái tươi cười đang nắm sợi dây xích kia. Tôi đã tỏ ra vô cảm, không màng đến những gì cần được thay đổi, bởi vì càng nhìn thẳng vào sự thật thì càng thêm đau lòng. Tôi có thể làm được gì đây? Mất đi mọi ý niệm trước mắt, tôi hoàn toàn chết lặng trong nỗi hoảng sợ. Sự cố thủ theo thói quen của cái bản ngã về sự phủ nhận, đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho người khác và sự cam chịu đã hoàn toàn thao túng, nắm trọn quyền kiểm soát trong tôi. Tôi biết rõ điều đó Tôi căm ghét nó nhưng tôi vẫn thản nhiên (hay vờ như thản nhiên) đọc tiếp quyển tiểu thuyết mà không hề có một phản ứng nào.

Nhiều tháng trôi qua, tôi bắt đầu ngẫm nghĩ lại hành vi xã hội nào buộc tôi phải làm cho sáng tỏ, và cần điều gì để tạo ra sự khác biệt theo cách phát triển khả năng nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc. Rõ ràng sự yếu đuối chẳng giúp ích gì cho khả năng nhìn thấu suốt vấn đề, do đó tôi bắt đầu quá trình tự thẩm vấn gắt gao. Điều gì ngăn cản tôi hành động? Tôi tự hỏi và vỡ lẽ rằng, kẻ thù thông thường nhất của hành vi xã hội cần được làm sáng tỏ là tình trạng cô độc không được giúp đỡ, tôi e rằng mình không có sự ủng hộ nào để có thể tạo ra sự khác biệt. Thế thì tại sao tôi phải lấy làm buồn bực? Helen Keller(*) – chắc chắn đã từng trải qua cảm giác cô độc vì bệnh tật của mình – bày tỏ một cách thẳng thắn những cảm xúc đó: “Tôi chỉ là một con người, nhưng tôi vẫn giữ được bản chất con người mình. Tôi không thể làm tất cả, nhưng tôi vẫn có thể làm được một điều gì đó”. Thường khi tôi tổ chức những buổi hội thảo trên cả nước, có ai đó trao cho tôi một mảnh giấy cảm ơn, hoặc đích thân đến nói với tôi rằng tôi đã làm nên sự khác biệt quan trọng để chữa lành vết thương lòng của họ. Tôi không thể ngăn cản sự tàn sát giữa các dân tộc, sự hạ nhục làm mất tính người và những ân oán trả thù lẫn nhau làm hủy hoại biết bao gia đình hạnh phúc. Nhưng tôi có thể giúp cho một gia đình tìm thấy niềm an ủi trong sự tha thứ.

Khi nghĩ về những người tôi có thể giúp đỡ, tôi nhớ đến đứa bé đứng ở mép nước ném những con sao biển trở về với đại dương. Có một người lớn bảo rằng có quá nhiều sao biển ở bờ biển nên việc làm này không thể tạo sự khác biệt, cô bé nhìn con sao biển trong lòng bàn tay và bảo: “Nhưng cháu có thể cứu được con sao biển này, cháu có thể tạo ra sự khác biệt đối với nó”.

Mỗi chúng ta đều có những thứ đáng giá để trao tặng, sẻ chia, vấn đề là chúng ta thường nghĩ tặng phẩm của người khác có giá trị hơn của mình. Bhagavad Gita, học giả cổ điển vĩ đại người Hindu, khuyên chúng ta nên thực hiện nhiệm vụ theo giá trị của mình, bởi cố thực thi nhiệm vụ theo giá trị của người khác sẽ tạo ra mối nguy hiểm rất lớn cho tâm linh. Thánh Paul cũng bày tỏ ý niệm tương tự khi nói về khả năng tâm linh khác nhau của mỗi người. Chẳng hạn, người này có khả năng về y học để chẩn đoán, chữa lành bệnh, còn người khác có sự hiểu biết sâu rộng về chính trị; hay người này có khả năng làm cha mẹ tốt, người kia lại giỏi tổ chức kinh doanh… Nói cách khác, câu hỏi có ý nghĩa nhất đối với tôi không phải là: “Tại sao tôi không thể là nhà hoạt động tài ba như Eve Ensler?” mà là: “Làm thế nào tôi có thể sử dụng tốt nhất khả năng của tôi để tạo nên sự khác biệt cho thế giới này?”.

Khi thực hiện những điều bạn có thể làm được – thay vì cố làm điều của người khác – thì những ý tưởng sáng tạo sẽ giúp bạn gia tăng khả năng nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc hơn. Điều đó như thể cuộc sống mở ra những cơ hội để tiếp nhận bạn, và hoàn cảnh đưa đẩy giúp bạn gặp nhiều thuận lợi – vượt xa cả giới hạn của nỗ lực cá nhân trong hành trình của bạn.

Có thể lý giải điều này theo khía cạnh khoa học. Vào thập niên 1960, nhà khí tượng học người Mỹ Edward Lorenz đã thiết lập mô hình các vùng khí hậu trên toàn cầu. Ông dùng hệ thống máy vi tính lớn nhất để phục vụ cho mục đích của mình. Qua quá trình quan sát, ông nhận thấy thời tiết thường xuyên bất ổn, rất khó đoán trước được. Nhưng nếu một con bướm chúa ở Mexico thình lình đập đôi cánh một cách loạn xạ thì nó đã tạo ra một sự chuyển động dữ dội của không khí có thể làm cho thời tiết ở một khu vực xa xôi nào đó không ổn định, chẳng hạn như ở Outer Mongolia (Mông Cổ). Nhà lý thuyết về sự hỗn loạn của thời tiết này gọi đây là “Hiệu ứng cánh bướm”. Sự thật là khi tình thế thích hợp và có hướng đi rõ ràng, chỉ cần một biến đổi nho nhỏ về thái độ hay mục đích cũng có thể làm thay đổi thế giới quanh bạn.

Càng có nhiều sự hỗn loạn, người ta càng có nhiều khả năng để tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa.

Nhà nhân loại học Victor Turner gọi thời kì hỗn loạn của tâm ngưỡng kích thích, thời điểm mà trật tự cũ tuy mất đi nhưng cái mới vẫn chưa hình thành, là “lãnh địa của những điều có thể”. Đây là khoảnh khắc mà bất cứ điều gì chúng ta cũng có thể hình dung và hy vọng có cơ hội lớn nhất để trở thành hiện thực. Nếu chúng ta hành động đúng thì đây là thời cơ mà những người ủng hộ sẽ bất ngờ xuất hiện để trợ lực tích cực cho ta. Sự hỗn loạn trong tâm thường mang đến hai ý nghĩa là “tiềm năng” và “sức mạnh”, đòi hỏi ta phải nỗ lực để làm cho sự thay đổi to lớn trở thành hiện thực.

SUY NGẪM

Món quà nào bạn mang đến cho cuộc đời: tài năng hay sức mạnh để giúp thế giới này tốt đẹp hơn? Hãy nghĩ về cộng đồng khi bạn suy xét vấn đề trên. Bạn có thể cống hiến cho cộng đồng như thế nào?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.