Để Kén Thành Bướm
14. Nhận thức và tương tác với cuộc sống
Có sự khác biệt cơ bản giữa sự thay đổi “tình cờ xảy ra cho chúng ta” và sự thay đổi có chủ đích do chúng ta chủ động tạo ra. Sự phân biệt nằm ở chỗ: khả năng bẩm sinh của con người có được để hình dung và biến tiềm năng này trở thành hiện thực và một tiềm năng luôn được che giấu dưới bề mặt của đời sống thực ở hiện tại. Cho dù hoàn cảnh thực tế có làm cho chúng ta nản lòng đến đâu thì chúng ta vẫn luôn luôn giữ được hạt giống chứa đựng điều tốt đẹp. Ý thức được điều này, bằng cách tập trung và thu hút mọi ý nghĩ, ước muốn, hành động và biến nó thành hiện thực vì lợi ích của cộng đồng là một bản chất tốt đẹp của nhận thức.
Dâng tặng nhận thức của mình để cải thiện cộng đồng là hành động vô cùng tốt đẹp. Câu chuyện Bernadette Cozart, một người phụ nữ bình thường, là một điển hình tạo cảm hứng để mọi người trong chúng ta hướng về cái nhìn mới cho tương lai, thậm chí trong những tình huống mà ta tưởng chừng như vô vọng.
Bernadette rời vùng Trung Tây đến Harlem vào đầu thập niên 1980 chỉ với mảnh bằng chuyên về làm vườn và một trái tim nhân hậu. Những con đường tráng nhựa trong thành phố chào đón cô, nhưng chẳng hề hứa hẹn một thiên đường cho những người làm vườn như cô. Những khu đất trống vứt đầy rác rưởi, chai lọ bể và vật phế thải chứa nhiều hiểm họa, là hang ổ cho lũ chuột cống, những tên mua bán ma túy và những kẻ nghiện ngập với đôi mắt đờ đẫn. Nơi mà lẽ ra là công viên và khu vui chơi an toàn cho trẻ em thì lại chứa những cạm bẫy nguy hiểm, chứa đầy nỗi tuyệt vọng. Hầu hết các cư dân sống gần đó tự nhốt mình trong những căn hộ chung cư, những khu tập thể hơn là liều mình băng ngang qua chốn nguy hiểm này.
Khi nhìn thấy tình trạng đáng buồn của khu phố như vậy, thay vì lên án, chê trách, tập trung làm công việc của mình hoặc cam chịu số phận như các cư dân ở đây, Bernadette đã muốn thay đổi nơi này, như lời khẳng định nổi tiếng của Thánh Mahatma Gandhi: “Chúng ta phải biến đổi thành những điều chúng ta muốn nhìn thấy”.
Kết hợp kinh nghiệm sẵn có với tấm lòng nhân ái và khả năng sáng tạo, Bernadette đã nhìn ra tiềm năng trong những điều tuyệt vọng và hỗn loạn ở đó. Cô đã thấy được triển vọng to lớn mà những khu đất ngổn ngang gạch vụn này mang lại: chúng có thể biến thành những khu vườn xanh tốt cho các cư dân trong vùng. Cô cũng trông thấy viễn cảnh kéo những cư dân này ra khỏi khu nhà tập thể và làm thay đổi mối quan hệ của họ với nhau bằng cách đưa họ tham gia vào việc trông nom, chăm sóc các khu vườn. Bằng cái nhìn hết sức nhạy bén, cùng với tài năng và sự nhiệt tình, Bernadette đã áp dụng các biện pháp thích hợp để giúp Harlem tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Vào lúc mà tôi nghe cô trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh National Public, Bernadette đã nhận được nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp ở các vùng lân cận, và đó cũng là “cú hích” để cô sáng lập ra hơn một trăm khu vườn cộng đồng. Các bậc trung niên có kinh nghiệm trong trồng trọt cùng sát cánh làm việc với các thanh niên, giúp họ thay đổi cuộc đời thay vì tham gia các băng nhóm tội phạm và trộm cướp. Các khu vườn đều có rào chắn và chìa khóa được giao cho những người quản lý do địa phương chỉ định cất giữ. Nhiều loại dược thảo được trồng, đóng gói và đem bán, đã đem về một nguồn tài chính rất lớn cho cộng đồng. Những chiếc chuông gió cùng với các bức tượng điêu khắc được trang trí trong khu vườn là tặng phẩm của các chủ doanh nghiệp địa phương, đã tô điểm thêm cho nơi này.
Lúc Bernadette đến Harlem, vẻ đẹp cổ kính của nơi đây đã rơi vào trạng thái suy tàn và cuộc sống mới vẫn chưa tái sinh. Giai đoạn đầu, cùng với tình trạng hỗn loạn và sự bất ổn, là cơ sở thử nghiệm mang tính tự nhiên để đặt nền móng cho một tầm nhìn mới. Trong đó, những con người bình thường như Bernadette trở thành tác nhân làm thay đổi xã hội, họ nhận thức được “điều có thể” để thúc đẩy mọi người phát triển khả năng nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn. Thật thú vị khi đặt ra câu hỏi: “Điều gì đã làm cho cô có thể nhìn thấy hy vọng và đặt niềm tin vào cuộc sống trong một hoàn cảnh mà người khác không thể?”.
Một phần là vì Bernadette đến vùng Harlem từ nơi khác nên cô không bị chi phối bởi một “nền văn hóa tuyệt vọng”. Cô có thể nhìn nơi này bằng cặp mắt khác với mọi người, vì bản chất của cô hoàn toàn không giống những cư dân “nằm trong hộp” bản địa. Điều này nảy sinh câu hỏi khác: “Làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi những tình cảnh không thể nào chấp nhận được – cái mà nhiều người vẫn chịu đựng từ ngày này sang ngày khác như thể đó là sự sắp đặt của số mệnh?”. Câu trả lời gồm có hai vấn đề: một là chúng ta phải thấy rõ những thiệt hại, mất mát mà hoàn cảnh gây ra; và hai là chúng ta phải hình dung ra sự việc theo cách mà mọi ràng buộc, hệ lụy được tháo gỡ.
Nhà sư phạm người Brazil, Paolo Freire, có một thí dụ rất hay về quá trình tháo gỡ, bao gồm hai vấn đề này. Lớn lên từ một trong những vùng nghèo nhất của Brazil, ông thấy rằng những người thường xuyên gặp nhiều trở ngại trong đời dường như không có khả năng làm thay đổi cuộc sống khổ cực, đáng thương của mình, vì họ không thể diễn đạt bằng lời, thậm chí gọi tên hoàn cảnh khó khăn đó là gì. Ngay từ lúc mới sinh ra, họ đã phải sống trong môi trường như vậy, do đó họ không hề biết được điều gì khác ngoài những gì họ thấy. Họ giống như “ếch ngồi đáy giếng”, không thể khám phá hết thế giới tươi đẹp trên mặt đất, cho đến khi họ thoát ra khỏi tình trạng mà Freire gọi là “văn hóa bị lãng quên” – một nền văn hóa không có hy vọng cho sự thay đổi.
Phương pháp phá vỡ “sự yên lặng” của Freire thực thi bằng cách chụp nhiều bức hình ở nhiều nơi khác nhau, đã giúp mọi người nhận thức được cảnh huống của mình một cách toàn diện. Sau đó ông mời những người sống ở địa phương, cùng với đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu về xã hội, xem những bức hình đó và giải thích ý nghĩa của chúng. Lần đầu tiên có thể gọi tên những hoàn cảnh tồi tệ và nói lên những cảm xúc của mình về những điều kiện như thế – họ không còn là những “người tù vô thức” nữa, họ đã có thể xác định và nhận diện được hoàn cảnh. Cuối cùng, họ hình thành ý niệm, và từ đó có thể chọn lựa được một cuộc sống tốt hơn. Chú ếch đã khám phá ra thế giới diệu kì trên mặt đất và một khoảng trời xanh mênh mông đang chờ đón.
SỰ CHIÊM NGHIỆM ĐÁNG KHÍCH LỆ
Xác định rõ vấn đề là quá trình tự suy nghĩ sáng suốt, điều này cho phép chúng ta thoát khỏi mọi sự ràng buộc. Nhà triết học đương đại người Pháp, Paul Ricoeur, đã viết: “Ngôn ngữ là ánh sáng của mọi cảm xúc. Thông qua ngôn ngữ, con người có thể diễn đạt ý nghĩ bằng lời khi phải đương đầu với những điều kiện bất hợp lý, nỗi đau và sự thống khổ của riêng mình”. Khi một người phụ nữ có thể thừa nhận sự thật và nói ra vấn đề rắc rối trong gia đình mình (chẳng hạn, chứng nghiện rượu của chồng hay việc sống dựa dẫm vào chồng), thì lúc đó những tổn thương trong tâm hồn của người này mới có hy vọng được chữa lành, và những khúc mắc trong gia đình cô có thể tự được tháo gỡ.
Một quá trình tương tự về “sự không nhận thức vấn đề” xảy ra với những người lúc nào cũng cảm thấy áy náy, lo âu, hay tự trách mình và thường chán nản tuyệt vọng – rồi đến một ngày, họ đột nhiên nhận ra cách suy nghĩ và tâm trạng tương tự như thế là triệu chứng của sự trầm cảm. Chỉ khi xác định rõ vấn đề của mình thì họ mới có thể tìm được phương pháp chữa trị thích hợp và phát triển cảm quan rộng lớn hơn để tìm ra biện pháp tháo gỡ mọi ràng buộc.
Đặc biệt là đối với những người làm việc trong các công ty, xí nghiệp thì vấn đề bị ức chế khả năng được phát biểu, bày tỏ quan điểm càng lớn. Họ ít khi được bộc lộ cảm quan của chính mình về công việc, đời tư hay những năng lực tiềm ẩn chưa có điều kiện phát huy Điều này dẫn đến hậu quả là không những bản năng thấp kém của con người bị kiềm chế, mà nó còn kiềm chế cả bản năng cao đẹp – được nhà nghiên cứu Abraham Maslow gọi là “sự ức chế đức tính cao quý”.
David Cooperrider, giáo sư trường Đại học Case Western Reserve, trình bày quá trình luyện tập dành cho những người cùng làm việc trong doanh nghiệp và những đoàn thể khác để khôi phục bản chất cao quý, đồng thời cùng nhau tìm kiếm tầm nhìn mới. Đây là một dạng của sự nhận thức, được gọi là “sự chiêm nghiệm đáng được khích lệ”, mà trọng tâm là để đánh giá bất kì hạt giống tốt nào làm cho cuộc sống trở nên có giá trị trong mọi tình huống.
Bernadette Cozart thấy được giá trị của đất đai là mang lại nhiều hoa lợi, cho dù chúng bị chôn vùi dưới lớp rác rưởi của những khu đất bỏ hoang ở Harlem. Cô hy vọng người ta có thể gặt hái được thành quả xứng đáng một khi họ xới tung đất lên. Bằng cách tập trung sự chú ý vào những điều đang hiện hữu, ngay cả khi chỉ là lời nhận xét thoáng qua. Hiểu rõ chân giá trị về tiềm năng thật sự của vạn vật là lúc viễn cảnh tương lai mới bắt đầu đến làm bạn với chúng ta.
SUY NGẪM
Hãy nghĩ đến một tình huống xảy ra trong gia đình hay trong công việc đang làm cho bạn cảm thấy buồn bực. Nếu phải thay đổi thì kết quả sẽ như thế nào? Theo bạn cách nào là lý tưởng nhất? Nó phải được làm khác đi ra sao? Bạn có thể hình dung ra tiềm năng thật sự không? Trong khả năng của mình, bạn có thể áp dụng biện pháp nào nhằm để phát huy năng lực thấy trước vấn đề một cách thực tế không?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.